Việt Nam Máu Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 15: Trận Cao Bằng-Lạng Sơn (1950)
rên miền rừng rậm của Biên Thùy Bắc Việt, đường ‘’thuộc địa số 4’’ dài hơn 200 cây số được xẻ núi san đồi hoàn thành hồi đầu thế kỷ (1911), chạy từ Cao Bằng qua Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm đến Lạng Sơn rồi lại từ đó qua Lộc Bình, Đình Lập tới vùng Tiên Yên, Khe Tù miền Duyên Hải phía Đông Bắc Việt.
Trong chiến dịch LEA của quân đội Pháp Thu Đông năm 1947, đường số 4 được binh gia Pháp luôn luôn sử dụng để chuyển vận binh sĩ từ Lạng Sơn lên Cao Bằng.
Hàng đoàn cơ giới đã nối đuôi nhau tiến một cách khá dễ dàng tuy cũng gặp nhiều quãng xẻ đường ngăn trở.
Những trận giao thông chiến khốc liệt trên đường số 4 khởi điểm từ cuộc phục kích đầu tiên của Việt Minh đánh toàn bằng mã tấu (trận Đèo Bông Lau, Pont Bascou, ngày 30,10.47) khiến quân đội Pháp thiệt nhiều xe vận tải.
Rồi liên tiếp tới những trận phục kích ngày 22 tháng 12.1947, ngày 1.1.1948, ngày 28.1.1948 về sau đó luôn luôn Việt Minh phá hoại, đánh mìn.
Trong hai năm ròng, đường số 4 đã được mệnh danh là ‘’con đường chết’’ vì địa thế không những đã quá hiển trở, một bên núi cao, một bên vực sâu, lại còn luôn luôn xẩy ra những trận phục kích giáp la-cà kinh hồn.
Nhưng nhờ được những đội xe thiết giáp bảo trợ mạnh mẽ, nhờ những đồn binh đóng rải rác suốt dọc đường hộ vệ đắc lực nên các đoàn xe vận tải của Pháp tương đối vẫn đi lại được đều đều.
Bằng một thời gian đến đầu năm 1949, Việt Minh lại chú trọng đến đường số 4 và cướp phá các đoàn xe vận tải vũ khí lương thực của quân đội Pháp.
Rồi tới chiến dịch Hoàng văn Thụ đợt 1 (tháng 9.1949) quân đội Pháp đã phải trả một giá đắt trong trận này, ngót một trăm xe bị phá hủy, thiệt hại nhiều binh sĩ và vũ khí.
Bộ tư lệnh Việt Minh cố sức ngăn chặn đường số 4 để có thể cô lập được quân đội Pháp ở Cao Bằng.
Bộ Tham Mưu Pháp ở Bắc Việt quyết định (sau trận tháng 9.1949) không dùng đường số 4 để tiếp tế cho Cao Bằng nữa và thành lập một cầu hàng không thay thế.
Bộ tham mưu Việt Minh đã thắng keo đầu trong chiến dịch. Ẩn núp trong núi rừng âm u rậm rạp, Việt Minh gần như đã làm chủ quãng đường từ Cao Bằng đến Lạng Sơn.
Chiến dịch Hoàng văn Thụ đợt hai, tức chiến dịch Cao-Bắc-Lạng mở đầu bằng việc chiếm đóng Đông Khê, (16.9.1950).
Các trung đoàn mạnh nhất của Việt Minh như trung đoàn thủ đô, trung đoàn sông lô v.v…đều có mặt trong chiến dịch.
Lần đầu tiên Việt Minh dàn một trận đánh to và mạnh. Mặt trận dài trên 100 cây số.
Phụ họa với chiến dịch Đông Bắc, Việt Minh mở chiến dịch Lê hồng Phong ở vùng Tam Đảo, Quốc Lộ số 2 để tiêu hao và kìm giữ binh lực Pháp ở mặt trận Tây-Bắc Hà Nội.
Phía biên thùy miền Tây-Bắc, quân đội Việt Minh tăng áp lực uy hiếp Lao Kay.
Nhiều cuộc xung chiến dữ dội đã xẩy ra với Việt Minh trong cuộc thoái binh của Pháp ở Cao Bằng, Lạng Sơn.
Đồng thời ở mặt trận Tây Bắc Việt, quân đội Pháp phải bỏ cả Lao Kay, Hòa Bình, Vụ Bản, đường hàng tỉnh số 12 (R.P.12)
Thắng lợi quá dễ dàng của chiến dịch LEA Thu Đông năm 1947 của Đại Tướng Valluy đã chẳng còn gì sau chiến dịch Hoàng văn Thụ đợt hai năm 1950 của Đại Tướng Việt Minh Võ nguyên Giáp.
Trận rút lui Cao Bằng đã khiến Pháp thiệt hại vừa tử trận vừa bị tù binh 4.000 binh lính, 354 hạ sĩ quan và 98 sĩ quan (trong đó có hai Đại Tá Lepage và Charton), chưa kể số quân sĩ bị thương. Phần lớn số binh lính kể trên đều thuộc đạo quân Lê Dương của Pháp, một binh chủng từng đã có quá trình oanh liệt: 120 năm chiến đấu (thành lập năm 1831), dự trận 250 lần, từ Nam Mỹ qua Phi Châu trước khi có mặt tại núi rừng Bắc Việt.
Trận đánh lớn ở đường số 4 đã làm cho cán cân lực lượng giữa Pháp và Việt Minh thành ngang bằng và trong phạm vi chiến lược quân đội Pháp đã để mất thế chủ động nói chung trên chiến trường toàn lãnh thổ Việt Nam.
Ảnh hưởng nguy hại đó làm hoang mang tinh thần.
Tại Thủ Đô Hà Nội, người ta tấp nập chuẩn bị thiên đô, Pháp kiều đua nhau bán nhà cửa, đồ đạc và cả người Việt giầu có cũng rục rịch rời vào Nam…bởi vì, theo họ, Việt Minh có thể sắp tổng tấn công đánh vào Hà Nội.
Thất bại của Pháp ở chiến trường Việt Bắc đã do nhiều nguyên cớ.
1.- Không có một chủ trương chính trị dứt khoát.
Bộ Tổng Tư Lệnh Pháp từ lâu đã phải lưỡng lự trước hai đường lối:
– Hành binh theo chính sách bình định.
– Hành binh theo tính chất một trận chiến tranh.
Thái độ lưỡng lự đó phát sinh do chủ trương chính trị không dứt khoát của chính phủ Pháp.
2.- Không có một kế hoạch phòng ngự co dãn sát hoàn cảnh.
Từ hồi Tướng Revers sang kinh lý Việt Nam, vị Tham Mưu Trưởng Lục Quân Pháp đã nhận thấy nhiều lỗ hổng và nhược điểm trong hệ thống đóng quân của binh đội Pháp. Một kế hoạch cải tổ đã được phác họa. Về phương diện quân sự, Tướng Revers đã sáng suốt chủ trương rút quân ở biên giới Bắc Việt về tập trung ở những cứ điểm bao quanh khu tam giác Lạng Sơn-Hà Nội-Nam Định để bảo vệ miền Trung Du và Đồng Bằng Bắc Việt. Nhưng chẳng may kế hoạch Revers bị tiết lộ để đối phương biết được.
Kế hoạch của Đại Tướng Carpentier cũng nhằm bỏ khúc đường số 4 từ Cao Bằng và Lạng Sơn. Đủ chống giữ mặt biên thùy Đông Bắc, Đại Tướng Carpentier đã thiết lập trên khúc đường số 4 còn lại, từ Lạng Sơn đến Tiên Yên (95 cây số), một hành lang phòng ngự lởm chởm những pháo đài bằng xi măng cách nhau từng quãng ngắn (Tours de guet-Équipement défensìf de la R.C.4.). Nhưng nói chung kế hoạch của Đại Tướng Carpentier chưa được chú ý thi hành vì chính phủ Pháp còn do dự, lo ngại kế hoạch Carpentier đã giống kế hoạch Revers (vừa bị tiết lộ). Nếu kế hoạch Carpentier được thi hành triệt để, quân đội Pháp có thể tránh được trận bại với con số tử thương đau hận.
3.- Sự chậm trễ trong cuộc rút quân ở Cao Bằng.
Vài ngày trước khi rời bỏ Cao Bằng, phi cơ thám tính đã nhận xét không thấy dấu tích hành động của Việt Minh trên đường số 4. Và lệnh rút lui bắt đầu. Những đoàn quân của Đại Tá Charton, vì vướng nhiều hành lý nặng nề vô ích lại thêm có một số thương binh nên đi rất chậm.
Trong khi đó, Việt Minh đã đủ thời gian sửa soạn chuẩn bị trận phục kích, thừa thì giờ tiêu diệt đoàn quân của Đại Tá Lepage từ Thất Khê lên đón, xong xuôi lại vừa đúng lúc đoàn quân Charton về tới nơi. Trận huyết chiến kết quả thảm khốc thế nào, ta đã biết.
Trước áp lực hung dữ của quân đội Việt Minh, trước sự thất trận nhanh chóng của hai đạo quân Lê Dương và của Tiểu Đoàn Nhẩy Dù (3e B.C.C.P.) tới trợ cứu, Đại Tá Constant, chỉ huy khu biên giới vội vã ra lệnh cho quân đội tự phá hủy và rút lui ở Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình.
May mắn, Đại Tướng Juin đã kịp thời tới Bắc Việt để ngăn chặn đúng lúc những cuộc rút lui khác đồng thời hàn gắn lại tinh thần quân đội, những người vừa trải qua cơn ác mộng.
Thủ Đô Hà Nội nhờ đó đã đỡ hẳn phần bị uy hiếp.
Trước tình thế nghiêng ngửa ở Bắc Việt, chính phủ Pháp vội cấp tốc thay thế cặp Pignon-Carpentier bằng vị Lão Tướng đại tài Jean Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (17.12.1950).
Đại Tướng De Lattre de Tassigny là người đầu tiên và độc nhất được chính phủ Pháp tín nghiệm trao trọn quyền chỉ huy quân sự và chính trị ở Đông Dương.
Đại Tướng De Lattre đã là vị Tướng trẻ nhất của quân đội Pháp hồi 1939, là vị Tướng đầu tiên của quân đội Đồng Minh đã tiến binh đến bờ sông Rhin trong trận Hoàn Cầu Đại Chiến Thứ Hai năm 1944, là vị Chỉ Huy Trưởng của Quân Đoàn Thứ Nhất (1ere Armée) trong quân đội Pháp, đến nay giữ chức Tổng Tư Lệnh Quân Đội kiêm Tổng Cao Ủy Pháp ở Đông Dương.
Đại Tướng De Lattre đã chặn đứng hẳn thắng lợi của quân đội Việt Minh đang được tiến triển và gây lại tin tưởng hoàn toàn cho quân đội Pháp.
Trước hết Đại Tướng Tổng Tư Lệnh phát triển tổ chức Binh Đoàn Lưu Động (G.M-Grocement Mobile), một binh chủng do Tướng Alexandri thành lập đầu tiên (11.1950) ở Bắc Việt và được các Tướng Salan, Boyer de la Tour du Moulin (Chỉ Huy Z.O.T.-26.11.50) hoàn bị thêm.
Binh Đoàn Lưu Động sẽ áp dụng một chiến thuật quân sự mới chống trả với lối hành binh nhẹ nhõm của quân đội Việt Minh.
Thứ hai, thiết lập hàng rào chiến lũy bê tông quanh khu vực Hà Nội, Hải Phòng, trên các đường giao thông lớn, mục đích ngăn cả sự thâm nhập của Việt Minh vào Đồng Bằng Bắc Việt.
Đó là những pháo đài rất kiên cố bằng xi măng cốt sắt, xây nửa nổi, nửa chìm dưới mặt đất, có hỏa lực bắn chụm rất mạnh, dễ dàng ứng cứu lẫn nhau khi bị tấn công và đủ sức san bằng đối phương nếu họ dự định vượt qua.
Thứ ba, thiết lập một ‘’hành lang trắng’’ (No Man’s land) ngăn Việt Bắc với Đồng Bằng Bắc Việt.
Trong phạm vi vài cây số bề rộng, tất cả những cây cối, lũy tre đều chặt trụi, mục đích để binh lính từ những đồn canh có thể dễ dàng nhận xét mọi hành động của Việt Minh nếu họ muốn lần mò vào vùng quốc gia kiểm soát.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa