Trường Đời epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 22
rọng Khang gạt tên giặc định trói mình:
- Không cần phải trói, chúng tôi không trốn đâu. Mà trốn làm sao được, các ông đông thế kia.
Tên ấy còn lững lự, thì tên chủ tướng đã quát:
- Cứ trói vào!
Trọng Khang giơ tay:
- Đây thì trói.
Rồi thấy mặt Giáp xám ngắt, chàng bảo:
- Ông đừng lo, họ không giết chúng mình đâu. Chẳng qua chỉ tốn tiền của chủ thôi.
- Tôi hiểu, nhưng nếu cô ấy nghe lời ông thì có phải chúng mình không đến nỗi khổ sở như thế này không?
- Thôi lúc này, ông còn trách oán làm gì nữa. Việc này lỗi tại tôi, không để ý phòng bị. Đêm qua yên ổn, tôi không dè họ dám đến cướp ban ngày. Thì ra họ biết mình cắm trại ở một chỗ hiểm trở, họ không đến. Họ đi đánh mình trong lúc bất ngờ. Nếu mình phòng bị thì bốn năm chục đứa này đã làm gì được mình. Ông đừng nên trách cô Khánh Ngọc nữa, lỗi tại tôi ngu dốt...
Khánh Ngọc ngắt lời Trọng Khang:
- Không phải lỗi ông, lỗi của tôi. Nhưng tôi cũng không hối hận. Có cái bước này, tôi mới rõ anh François, người chồng chưa cưới của tôi, can đảm lắm lắm.
Trọng Khang nhìn Khánh Ngọc bằng con mắt trách móc:
- Đứng trước cái chết, ai là người thản nhiên được? Cô nói chi những lời như thế.
- Ấy thế, mà tôi vẫn thản nhiên đấy.
- Tôi biết thế, cho nên tôi không muốn cô có cái bụng nhỏ nhen, nói những câu mát mẻ để làm đau đớn nhau một cách vô ích.
Khánh Ngọc bỗng òa khóc:
- Thôi tôi xin lỗi ông. Tôi muốn nói, nhưng anh François cứ oán trách, thành ra buộc lòng tôi phải nói.
- Thôi cô nín đi, không họ tưởng mình nhát sợ, họ khinh mình đi. Họ bắt chẹt mình được. Cô và ông nhớ hễ lát nữa, họ có bắt mình viết giấy má gì, tôi không bằng lòng thì đừng có viết nhé. Lúc ấy, mới là lúc cần can đảm.
Cả ba bị dắt đến chỗ bọn người nhà và vệ binh ngồi chờ, lúc trước khi xuống tắm. Tám cái xác nằm ngổn ngang. Lắm người chưa chết còn rên rỉ. Bọn giặc đang tranh nhau lột quần áo và khí giới.
Trọng Khang toan đứng che đi, không cho Khánh Ngọc trông thấy, nhưng đã muộn. Nàng khóc vang lên. Còn Giáp thì hoa mắt, run đầu gối đứng không vững. Một tên giặc thấy thế, lại hoa đao chém cổ những người ngắc ngoải, rồi giơ thanh đao đỏ lòe những máu lại gần mặt từng người. Giáp và Khánh Ngọc nhắm nghiền mắt, không dám nhìn. Đến lượt Trọng Khang, nó liền bị chàng đá mạnh vào bụng, ngã chúi ngay xuống, thanh đao văng khỏi tay. Nó lồm ngồm bò dậy, nhặt thanh đao giơ lên.
Trọng Khang vẫn chẳng nhúc nhích:
- Mày chém đi, tao có sợ đâu.
Khánh Ngọc thấy thế hét lên, rồi đâm bổ vào giữa hai người.
- Trời ơi! Đừng chém!
Chủ tướng thấy nhốn nháo chạy đến. Nghe xong đầu đuôi câu chuyện, y giơ tay toan tát Trọng Khang thì Khánh Ngọc liền đã đưa hai tay bị trói, hất tay y ra:
- Ông lấy bao nhiêu tiền chuộc, ba tôi cũng trả, đừng có trách!
Tên tướng ngơ ngác không hiểu thì Trọng Khang liền thông ngôn:
- Người đàn bà này bảo ông giơ tay định đánh một người đang bị trói là ông... anh hùng lắm. Ông có giận muốn giết tôi thì giết đi.
Tên tướng nhếch mép cười:
- Đàn bà nước anh bướng nhỉ?
- Nước tôi không có ai hèn, đi ra oai với những người bị trói bao giờ. Vì thế, nên chúng tôi chẳng ai sợ chết cả.
Tên tướng một tay nắm chặt lấy Khánh Ngọc, một tay rút súng chĩa vào Trọng Khang.
- Phải, ông nên bắn chết đi, đỡ phải nuôi cơm. Ông định bắt cóc chúng tôi để lấy tiền chuộc, nhưng không ích gì đâu. Người nhà chúng tôi không làm gì có tiền để chuộc chúng tôi đâu. Ông tính một khi giàu có thì ai hơi đâu sang làm ăn ở cái đất này.
Tên tướng tra ngay súng vào vỏ:
- Người nhà anh không chuộc đã có người khác chuộc. Chính phủ Trung Hoa mướn các anh sang đây làm thì đã có Chính phủ chuộc.
- Chính phủ Tàu có bằng lòng chuộc chúng tôi hay không thì điều đó tôi không được biết. Nhưng nếu ông hy vọng vào số tiền chuộc của người nhà chúng tôi thì chắc chắn là không có. Thương chúng tôi, nhưng không có tiền thì người nhà cũng đành chịu. Chúng tôi chỉ còn biết chết. Vì thế nên chúng tôi không để cho ai vô lễ với chúng tôi cả.
Bọn giặc lấy khăn bịt mắt ba người, rồi dắt đi. Giáp và Khánh Ngọc toan đi thì Trọng Khang kéo áo lại, rồi ngồi xệp ngay xuống, nhất định không đi.
- Ở đường núi, chúng tôi không biết đi bộ. Nếu các ông định giữ chúng tôi để chờ chính phủ Tàu đem tiền lại chuộc, thì các ông phải để cho chúng tôi đi ngựa. Chúng tôi không quen vất vả. Vất vả, chúng tôi chết đi thì các ông còn lấy đâu ra tiền chuộc nữa.
Tên tướng giặc nghe nói phải tai, liền bảo mọi người xuống ngựa, nhường cho ba người cưỡi.
Khánh Ngọc biết Trọng Khang yêu sách bọn giặc như thế là vì mình và vì Giáp liền bảo:
- Tôi làm cho ông bị khốn đốn như thế này, ông đã không trách oán, lại lúc nào cũng nghĩ đến chúng tôi, ông hơn chúng tôi nhiều quá.
- Tôi đã bảo cô, lúc này không nên nghĩ chi đến những điều đó. Trong lúc hoạn nạn, ta chỉ nghĩ làm sao để gìn giữ lấy nhau. Tôi dặn một điều cô và ông cần phải nhớ là nếu tôi không bằng lòng điều gì thì bọn giặc nó bắt viết đừng có viết. Tôi đã bảo với chúng nó: nếu hy vọng vào tiền chuộc của người nhà chúng mình thì không có đâu.
- Tại sao ông lại nói thế? Nhỡ nó giết thì sao?
- Điều đó thì ông và cô cứ tin ở tôi, không bao giờ nó giết chúng mình đâu. Nó bắt chúng mình là để lấy tiền chuộc. Giết chúng mình thì có lợi gì cho chúng nó. Tôi sở dĩ nói người nhà chúng ta không có tiền chuộc là muốn để mặc cho chúng nó với chính phủ Tàu xoay nhau. Nếu nó có bắt cô viết thư về nhà thì cô cũng nói với cụ như thế. Cụ sẽ chẳng phải tốn một xu nào. Bất quá chúng ta bị giam cầm ít ngày. Cô bảo cô muốn biết mùi vị phong trần, tôi tưởng chẳng có dịp nào may mắn hơn. Cái tiền mà cụ đáng lẽ phải bỏ ra chuộc chúng ta ấy, thì sau này sẽ đem phân phát cho gia đình những người vì đi với chúng ta mà bị giết. Tôi chỉ còn lo một điều cô và ông Giáp không chịu nổi cực khổ mà sinh ốm đau thôi. Nhưng điều ấy cũng không cần lo mấy. Tôi đã vòi được chúng nó cho chúng mình cưỡi ngựa, thì tôi cũng có cách bắt chúng nó phải đối đãi với chúng mình tử tế. Tôi chỉ còn lo một điều là nó... phạm đến cô, nhưng dù thế nào cô đừng rời xa chúng tôi, thì cũng không ngại.
Khánh Ngọc nghe Trọng Khang nói thế, bỗng rùng mình:
- Thôi mọi việc tùy ông, ông bảo thế nào tôi cũng xin nghe. Nếu xảy ra việc ấy thì tôi chỉ còn có chết.
- Thằng tướng giặc này tôi xem ra cũng là người biết điều không đến nỗi nào. Tôi nói thế là đề phòng xa đấy thôi. Cô đừng nên quá lo. Và cô cũng đừng nên nghĩ quẩn quanh cho nó hại sức khỏe. Dù sao việc cũng đã xảy ra rồi, không vớt lại được nữa. Ta chỉ nghĩ cách đối phó với những việc sắp tới thôi. Ông Giáp, ông cũng đừng nên buồn rầu lo lắng nữa. Tôi đoan với ông thế nào chúng ta cũng được bình yên trở về.
- Không, tôi không buồn. Tôi chỉ lo nó đòi số tiền chuộc nhiều quá.
- Ấy thế cho nên tôi mới dặn ông và cô phải nghe lời tôi. Bất cứ họ làm thế nào cũng cứ thản nhiên, để mặc tôi đối phó. Giá dụ nếu cụ ở nhà có vì thương cô Khánh Ngọc mà bỏ ngay số tiền ấy sau này, ta cũng có thể xin bồi thường ở Chính phủ Tàu được. Tôi chắc rằng họ cũng đã dò biết tung tích của mình rồi, nói dối rằng cô không phải là con gái cụ cũng không được nữa. Mà chỉ thêm hại cho mình. Làm sao cho chúng nó tin rằng: vì chúng ta nghèo, nên mới phải lăn lộn sang tận bên này làm ăn. Thế thì mọi việc trôi chảy cả. Chúng nó láo xược, ta phải phản đối ngay. Làm sao cho chúng nó không dám quá tay. Tôi ở vùng này đã lâu, được mục kích nhiều vụ bắt cóc, chỉ là già nắn rắn buông cả đấy thôi.
Vì bị bịt mắt, nên Trọng Khang cũng chẳng biết bọn giặc dắt mình qua những đường nào. Nhưng cứ nghe móng ngựa nện xuống đá, và xem con ngựa lắc lên, lắc xuống, chàng cũng đồ chừng rằng mình đi qua nhiều đường núi.
Đi chừng năm giờ đồng hồ thì cả đoàn dừng lại. Đi bộ độ một quãng dài thì nghe có tiếng cửa mở. Rồi khi có người đến cởi trói và cởi mảnh vải buộc mắt, ba người thấy mình ở trong một cái hang đá nhỏ tối om, chỉ lắt léo có một ngọn đèn dầu cá treo ở tường.
Trọng Khang xoa mắt, rồi vỗ lên vai Giáp lúc ấy, đang ngơ ngác nhìn sự chật hẹp và bẩn thỉu của cái nhà giam!
- Lâu đài của mình đấy!
- Bị giam ở đây lâu thì chết chứ sống làm sao được. Nằm ở đâu?
Trọng Khang trỏ đống cỏ tranh lù lù ở một góc:
- Tãi cái này ra mặt đá mà nằm, chứ còn nằm ở đâu nữa. Ông mệt muốn nằm à?
- Không. Thế họ không cho mình giường phản gì à?
- Đến họ cũng ít khi nằm giường, nữa là mình. Nhưng không sao. Tôi yêu cầu họ trả lại những giường mà họ đã lấy của chúng mình, may ra họ cũng bằng lòng.
- Ông cố đòi họ trả cả chăn nữa, chứ lạnh giá thế này, không có chăn thì đến chết rét.
- Ông cứ yên tâm, nhưng dù thế nào cũng không thể bằng ở nhà được.
Rồi chàng lại gõ những dóng cửa chắn song nhẵn bóng:
- Khó trốn lắm. Và hình như cái hang này đã có nhiều người đến ở trước chúng ta. Cô trông những vách đá nhẵn lỳ đi như thế kia. Chúng nó chắc ở chỗ mình xuống ngựa lúc nãy. Hang này cách chỗ chúng nó ở không bao xa. Kìa cô trông thằng chủ ngục đang ăn cái gì. À bánh ngô, giá nó cho chúng mình một cái thì cũng hay. Tôi thấy đói cào cả ruột.
- Tôi không đói, chỉ thấy khát nước thôi.
- Sao cô không bảo? - Ê, tiên sinh đứng góc kia, cho chúng tôi uống nước chứ.
Tên gác đeo súng, đủng đỉnh lại vụt một bát sách nước ở trong một chiếc chum mang đến.
- Ồ, chúng nó cho chúng mình ăn uống như chó.
Rồi cười hỏi tên gác:
- Tên bác là gì, nói cho chúng tôi biết để chúng tôi dễ gọi, chứ cứ gọi bác bằng "tiên sinh đứng gác" thì dài và lôi thôi lắm. Chúng ta chắc còn ở đây với nhau lâu.
Tên gác cười nhe bộ răng đã sún gần hết:
- Xần-lay-phá.
- À Xần tiên sinh! Giá tiên sinh có cái gì múc nước để vào đây cho chúng tôi thì hơn, chứ mỗi khi khát mà gọi tiên sinh thì phiền cho tiên sinh lắm.
- Cái đó còn phải chờ lệnh của Đại lão gia. Bây giờ hẵng uống ít chứ, không ai hầu được!
Trọng Khang quắc mắt:
- À! Chú lại định hạn chế cả nước uống của chúng tôi hả?
Rồi giằng lấy bát nước mà Khánh Ngọc đang uống, chàng hắt qua chấn song cửa vào đầy cả mặt tên gác.
Tên gác gầm lên; sáu bảy người ở người chạy vào, trong số đó có cả tên chủ tướng.
Trọng Khang dõng dạc:
- Tôi đã nói với ông rằng nhà chúng tôi không có tiền chuộc chúng tôi đâu. Ông có đem chúng tôi mà giết đi thì giết ngay đi. Chứ chúng tôi không đời nào để cái thằng quỷ họ Xần này nói láo với chúng tôi cả.
Xần-lay-phá cãi lấy, cãi để:
- Tôi bảo nó uống ít, rồi nó hắt nước vào mặt tôi, chứ tôi làm cái gì.
Tên tướng giặc bảo một người đứng cạnh:
- Thôi, anh thay gác cho nó. Xần-lay-phá đi lên!
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời