Tình Hé Môi Sầu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 22
ôi nhận được một tấm thiệp hồng, nhưng không phải thiệp mừng của Thôi Vạn Thạch. Tôi kinh ngạc đến nỗi không tin ở con mắt mình. Vì tôi có quen biết với ai tên là Lawrence và cô Edlies đâu. Nhưng tên họ và địa chỉ của tôi rõ ràng như thế này đây, không có một sự lầm lẫn nào cả. Và tôi cố tìm mọi chi tiết để đoán mò, nhưng ngoài cái địa đồ chỉ đường, không còn gì khác nữa. Nhà mới xây cất chưa có số, ngay dưới chân núi phía sau thành Cửu Long.
Tôi không thể nghĩ ai đùa dai như thế vì ngày “cá tháng tư” (poission d’ April) đã qua rồi, ai còn trêu ghẹo gì nữa. Cuối cùng tôi đành đoán có lẽ đây là độc giả của tôi.
Với nghề nghiệp của tôi, ngẫu nhiên nhận được sự mời mọc của người khác cũng chẳng lạ, nhưng thông thường các thiệp mời đều có báo trước. Tôi xé thiệp đi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi lại ráp nó lại.
Tôi đặt ra bao nhiêu câu hỏi, từ nghiêm trọng đến bỡn cợt, và suy đi nghĩ lại, mãi đến hoàng hôn tôi mới quyết định cứ đi xem sao.
Theo tập quán tại địa phương này, tôi mua một bó hoa và một lẵng trái cây. Thì dù cho nữ chủ nhân là người Trung Hoa hay là người ngoại quốc tôi cũng không đến nỗi phải ngượng.
Theo bản đồ, tôi tìm được nơi đó một cách hết sức dễ dàng, vì lẽ chung quanh toàn nhà nhà gỗ màu tro thẩm, chỉ duy nhất có một ngôi nhà gạch màu trắng.
Trong khu dân nghèo khó hỗn loạn và bẩn thỉu này, ngôi nhà gạch trông sạch sẽ và xinh đẹp hẳn ra, nhất là bãi đất trống ở trước cửa còn đặt nhiều chậu hoa và những cây Đông Thanh (*) được cắt xén hết sức cẩn thận.
(*) Cây Đông Thanh: Một loại cây quanh năm xanh biếc, đầu mùa hạ trổ hoa màu vàng nhạt, và kết trái hình cầu màu đỏ tía.
Tôi hỏi bằng tiếng Anh:
- Đây có phải là nhà của bà Lawrence không?
Trong nhà không có tiếng trả lời nhưng đèn bật sáng và có tiếng ho húng hắng của một bà già trong nhà vọng ra.
- Thưa bà, tôi muốn hỏi bà Lawrence ạ - Tôi nói bằng tiếng Quảng Đông không mấy thành thạo.
Cánh cửa được mở ra, giờ đây lại từ từ khép lại. Tôi đã bị lừa rồi, và tự mỉa:
- A! Hay ta đã tìm lầm nhà rồi!
Tôi quay mình toan bỏ đi, bỗng cánh cửa lại xịch mở, một bà lão người Tây phương đầu tóc bạc phơ, ngồi trên chiếc xe lăn tay nhìn tôi. Ngay khi tôi định lên tiếng xin lỗi thì bà lão đã nói bằng tiếng Quan thoại:
- Ông tìm ai?
- Dạ, bà Lawrence!
- Bà Lawrence à? – Bà lão phe phẩy cái quạt lẩm bẩm - Ở đây chỉ có cô Edlies thôi!
- Đúng rồi, tôi đã quên hỏi cô này – Tôi bèn lấy thiếp mời cho bà ấy xem.
Bà lão tiếp lấy xem một hồi, đoạn gật đầu nói:
- Xin mời vào! Con bé này được chiều chuộng quá sinh ra hư đốn. Tức chết đi được! Nó chỉ cho tôi biết là đêm nay nó có mời một người bạn đến đây thôi.
Tiếng Quan thoại của bà lão khá lưu loát, cử chỉ cũng rất tao nhã làm tôi hết sức ngỡ ngàng. Một gia đình điển hình cho giai cấp trung lưu, ghế salon, tủ lạnh, trên tường treo một bức tranh sơn dầu, chiếc radio đặt trên quầy đang hát những bản nhạc miền Bắc.
Tôi lại ngắm vị nữ chủ nhân thêm một lần nữa, xem ra bà đã hơn năm mươi tuổi. Bà mặc chiếc áo dài Trung Hoa kiểu xưa, mắt to, mũi cao, má hóp, trên mặt có những vết nhăn thật nhỏ. Có lẽ vì vấn đề sức khỏe nên sắc mặt bà rất ảm đạm. Nhưng bà vẫn giữ đúng phong cách làm mọi người phải kính nể. Bà mời tôi ngồi, bảo cô tớ gái mang nước lên, và đưa tay nhận bó hoa của tôi, thoáng đưa lên mũi ngửi:
- À! Thơm quá. Quê tôi vào mùa xuân mới có loài hoa kiếm lan tươi tốt thế này!
- Thưa bác, xin bác vui lòng cho cháu biết quý danh được không ạ?
- Cậu cứ gọi tôi là bà Hoa được rồi.
- Thưa bác, cháu mạo muội quá. Cháu thật không nhớ ra chúng ta đã gặp nhau ở nơi nào, còn về cô nhà, có lẽ cô ấy đã đọc được tác phẩm của cháu, nói ra thật chẳng đáng chút nào cả.
- Tôi rất vui lòng được tiếp cậu tại đây, - bà Hoa cười giọng hiền hòa – Con gái tôi có lẽ là độc giả của cậu. À! Edlies bảo tôi đừng cho cậu biết, nhưng cậu đừng để mắc lừa nó nhé.
- Tên Edlies chắc không phải tên thật của cô ấy.
- Tên thật đấy! Nó tự sửa lấy từ ngày nó biết đọc, đâu khoảng bảy tuổi gì đó nó đọc quyển “Edlies huyễn du ký”.
- Nhưng cháu chưa có bạn gái ngoại quốc.
- Không, nó là người Trung Hoa đấy chứ - Bà Hoa sờ thoáng qua cánh tay áo – Tôi cũng là người Trung Hoa, tuy nhiên, tổ tiên tôi là người Pháp. Ngoại trừ mắt, và mũi có tính di truyền, ngoài ra tôi có gì khác người Trung Hoa đâu?
Ngôn ngữ và hành động của bà lão này hơi ngông, nhưng phải công nhận là bà nói đúng. Cách ăn mặc và điệu bộ của bà thật không khác một bà lão Trung Hoa.
- Hơn nữa, tiếng Quan thoại của tôi còn khá hơn cậu nữa là khác. Cách phát âm của cậu không được đúng lắm. Quê cậu ở phía nam Trường Giang hay ở phía bắc?
- Dạ, quê cháu là một xóm làng vắng vẻ ở phía hạ lưu sông Hoàng Hà.
- Thế thì đúng rồi – bà Hoa thích thú cười to – Ba mươi năm trước tôi có đi ngang qua chiếc cầu sắt của sông Hoàng Hà tại Trịnh Châu, lúc đó, cậu hãy còn bò dưới đất đấy! À, tôi thiếu lịch sự quá. Tôi không nên nói nhiều quá với bạn của con gái tôi mới phải.
- Dạ, có hề gì đâu!
- Cậu thử đoán xem, tại sao tôi lại đi Trung Hoa?
- Thưa bác, cháu đoán nhất định là bác đi truyền giáo ở phía bắc Trung Hoa.
- Không phải, tôi là người Trung Hoa chính cống. Mời cậu dùng trà. Tôi nói đùa với cậu đấy! Thú thật, lòng tôi là của Trung Hoa, nhưng tôi rất hổ thẹn, sự hiểu biết của tôi về Trung Hoa ít ỏi quá. Tuy nhiên, tôi và chồng đã cư trú ở Trung Hoa rất nhiều năm.
- Thưa bác, bác trai có nhà không ạ?
- Hoa là tiếng họ của mẹ tôi. Theo tôi thì lão kể như đã chết, nhưng có lẽ lão vẫn còn sống.
Có thể là bà đã bị phụ rẫy nên bà mới không muốn nhắc đến chồng bà, cả đến họ chồng bà cũng bỏ luôn. Tôi ái ngại chuyển hướng câu chuyện:
- Cô nhà có nhắc đến chuyện quen biết giữa cháu và cô ấy không nhỉ?
- Không! Chờ nó về rồi nó sẽ cho cậu biết!
- Cảm ơn bác. Bao giờ cô ấy mới về nhỉ?
- Đêm nay có lẽ sớm hơn – Bà Hoa nhìn đồng hồ treo - Nó đoàng hoàng lắm, chưa bao giờ thất hẹn với bạn bè cả, theo tôi nghĩ, nó phải nhớ khách của nó hơn tôi mới phải chứ.
- Cháu mong gặp cô ấy. Nếu không có việc gì, cháu sẽ không dám quấy rầy bác và cô nhà.
- Sao lại nói thế? Cậu nên tha thứ cho nó. Tôi nghĩ đây chắc là nó muốn tôi tiếp chuyện với bạn nó để tôi đỡ buồn tẻ vậy mà – bà Hoa khẽ xê dịch chiếc xe lăn tay thở dài ai oán – Từ khi tôi dùng chiếc xe này thay chân, tôi buồn muốn chết đi, không một ai đến thăm và cũng chẳng một ai trò chuyện với tôi cả.
- Cô nhà phải làm vui cho bác chứ.
- Nó phải đi làm việc. Cho dù tôi không bệnh tật gì nó cũng phải đi làm việc.
- Cô Hoa làm việc ở đâu thế thưa bác?
Tôi lợi dụng cơ hội để hỏi cho rõ vì trước kia tôi có diễn thuyết tại một trường nữ trung học. Có lẽ cô ta là nữ giáo sư cũng nên.
- Lúc trước nó làm thư ký tại một hãng xuất nhập cảng. Hiện nay nó đã nghỉ việc, nhưng đêm nào cũng phải đi dạy kèm trẻ em.
- Cô ấy có dạy cho trường giáo hội không?
- Không! Nếu dạy được ở trường Giáo hội thì tốt quá vì nó cũng tin tưởng Chúa, nhưng nó không chịu. Tuy nhiên, tiền dạy học cũng không nuôi nổi tôi, mỗi hôm tôi phải uống thuốc đều đặn nếu không thì bệnh phong thấp hành hạ tôi không chịu nổi. Giờ thì nó đang dạy kèm cho các con nhà giàu có, dư chút thì giờ thì làm thêm ít việc kiếm thêm ít tiền. Sống ở Hương Cảng mà không chạy đôn chạy đáo thì làm sao mà sống được chứ?
Như vậy chắc hẳn là cô ta chẳng có liên hệ gì với tôi rồi. Tôi muốn từ giã nhưng trông thấy vẻ khao khát muốn tâm sự của bà, tôi tội nghiệp nên đành phải nán thêm chút nữa.
- Có lẽ cô nhà nên về sớm một chút để hầu chuyện bác chứ
- Nó bận lắm. Tôi không thể làm phiền nó, tôi cho nó được tự do hoàn toàn. Nay nó đã hai mươi mốt tuổi. Có thể tự định lấy cuộc đời nó nên cũng phải cho nó giao thiệp chứ! Cho dù là trước đây tôi cũng không can thiệp đến cuộc sống của nó, tôi nghĩ tôi là một bà mẹ hiền, nhưng không phải là một bà mẹ hiền trong gia đình Trung Hoa.
- Lòng mẹ yêu con thì ở đâu cũng thế cả! Sự dạy dỗ của bà mẹ Trung Hoa đối với con cái có lẽ hơi nghiêm khắc, nhưng con cái đã ngoan ngoãn thì có ai can thiệp một cách vô lý đâu.
- Đúng thế! Tôi không hề dạy dỗ con gái tôi, điều này người khác không hiểu lắm đâu. Không hẳn là vì nó không cha, thật sự là từ nhỏ nó đã chịu nhiều cay đắng, cứ mỗi lần nghĩ đến điều này là tôi lại đau xót khôn cùng.
- Cháu đã nói, con cái ngoan thì không cần phải dạy dỗ khe khắt.
- Nhưng cách đây hai hôm, tôi có đánh nó một trận. Tôi đã nghĩ rằng, tôi đánh nó đau lắm nhưng nó không biết là lòng tôi còn đau hơn cả nó.
- Tại sao thế thưa bác?
- Tôi bảo nó là phải tuyệt giao với một người bạn trai, nhưng nó không nghe.
- Cháu nghĩ đó là vì bác thương cô ấy, người bạn của cô ấy chắc là người xấu.
- Không, nó rất đoàng hoàng.
- Ủa?
- Tôi không thể nói rõ được và tôi cũng không nói cho nó biết, hay bất cứ một người nào biết cả. Thôi, chúng ta bỏ chuyện này đi! Xin cháu chớ hiểu lầm. Tôi không bắt con gái tôi làm ni cô, vì ngoại trừ người thanh niên kia, tôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ người bạn trai nào của nó đến nhà. Cậu xem! – Bà đưa tay chỉ vào một phòng – Tôi đã chuẩn bị cho nó tất cả rồi đấy.
Một bàn ăn đã bày sẵn, có cả hoa và trái cây.
- Nó có cho tôi biết, người bạn trai nó mời đến là một nhà thơ. Nhà thơ không như những thương gia tầm thường, cần phải tràn đầy ý thơ. Do đó, tôi đã chọn lựa gian phòng này. Nếu đèn tắt đi, ánh trăng sẽ soi vào rất thơ mộng.
Nghe bà Hoa nhắc đến ánh trăng, tôi vội nhìn đồng hồ tay. Chín giờ đúng, tôi không thể đợi thêm nữa, bèn đứng dậy, từ giã.
- Kìa, con gái tôi về rồi. Cậu có nghe thấy tiếng hát của nó không?
Tôi nhìn ra ngoài, nghe mang máng có tiếng hát, lúc ngưng, lúc liên tục theo hơi gió:
Bao giờ trở lại người yêu hỡi? Vì anh, nước mắt em cạn rồi…
Tôi kinh ngạc nói:
- Đây là bản nhạc thịnh hành nhất trong thời kỳ kháng chiến. Đúng là cô ấy hát à?
- Đúng! Tôi nghe cả tiếng bước chân quen thuộc của nó.
- Giọng hát của cô ấy khá lắm!
Bà Hoa không trả lời chỉ lắng nghe, sắc mặt thâm trầm ngơ ngẩn. Bà Hoa gật gù:
- Hay lắm!
- Dường như tôi có nghe qua điệu nhạc này rồi
Bà Hoa như vừa tỉnh cơn mộng, nhìn tôi nói:
- Hai mươi năm trước, bản nhạc này rất thịnh hành vào lúc chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Hoa chúng ta. Hiện nay không còn ai hát đến nữa. Nhưng, hôm nào tôi cũng bảo nó phải hát cho tôi nghe. Bây giờ nó lại hát sang bản khác rồi!
- Cô ấy hát bản gì thế?
- Cậu thử nghe xem, tốt nhất cậu nên mang hết tâm hồn ra để nghe, thì rõ lắm.
Quả nhiên, tiếng ca càng lúc càng rõ, từng âm thanh một vang lên:
Tình tôi và chàng sâu như biển cả
Nước biển đỏ,
Trôi không sạch hận thù của chàng và tôi
Nước biển đỏ,
Rửa không sạch máu và nước mắt của tôi…
Một cơn gió thổi qua, tiếng hát lại trở nên mù mờ:
Ánh dương quang chiếu vào chiếc ghe cô độc
Chàng đã nhìn tôi mỉm cười
Nụ cười tang thương
Bà Hoa buông tiếng thở dài
Ta đứng bên bờ cất tiếng ca
Hương hoa ngây ngất cõi lòng ta,
Cửu Long vang tiếng,…
- Bạch Lộ!
- Bạch Lộ là ai? Cô ấy cũng biết bản nhạc này à?
- Con gái của bác chớ ai! Cô Bạch Lộ. Cháu có nghe cô ấy hát bài này rồi.
Bà Hoa trố mắt nhìn tôi không hiểu.
Tình Hé Môi Sầu Tình Hé Môi Sầu - Từ Tốc Tình Hé Môi Sầu