Phượng Vĩ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 22/27
hượng chưa về Thái. Ngày mai đã đi học rồi. Buổi chiều hôm nay tôi qua nhà Phượng tám bận tất cả. Tôi không dám vào nhà Phượng hỏi xem Phượng đã về chưa. Tôi tìm được cái cớ rất hay: Bấm chuông nhà Phượng, có người sẽ ra hỏi tìm ai, tôi nói tìm Phượng, để làm gì, xin lại mấy quyển vở Phượng mượn từ trong Tết. Tôi bịa chuyện thế và sẽ biết Phượng về hay chưa. Nhưng tôi không dám. Ngay cả nhũng dòng chữ đã viết nắn nót trên giấy pelure xanh tôi cũng không dám nghĩ sẽ cho Phượng đọc. Và tôi đành cắt nhỏ dán vào cuốn nhật ký của tôi. Tôi đứng dựa lưng vô cột đèn điện ở bến xe, hút thuốc lá, chờ chuyến xe cuối cùng. Chuyến xe chở rất nhiều Hà Nội về. Chỉ thiếu mỗi mình Phượng. Ngày mai, lớp học vắng Phượng rồi. Ðời vắng em rồi say với ai? Ðêm nay tôi sẽ thao thức. Sáng hôm sau, tôi đi học sớm nhất thị xã, sớm nhất nước, sớm nhất thế giới. Cổng trường chưa mở. Tôi leo cổng vào lớp. Gian lớp lạnh lẽo. Nó sẽ lạnh lẽo hơn nếu sáng nay Phượng vắng mặt. Tôi ngồi tạm ở bàn đầu, ngồi trên ghế của Phượng, ngồi đúng chỗ Phượng ngồi. Cảm thấy được vuốt ve, an ủi. Lùa tay vào ngăn bàn Phượng, tôi lôi ra nhiều gói ô mai và những bức thư. Ôi, còn những anh học trò si tình hơn ta, đến sớm hơn ta! Tôi mỉm cười nhớ câu nói đùa của Phượng:" Có lẽ, Phượng sẽ mở cửa hiệu bán ô mai ". Hiệu bán ô mai của Phượng chắc là đắt hàng. Những cậu học trò tới hiệu của Phượng mua ô mai để bỏ vào ngăn bàn của Phượng. Phượng không cần ở rừng mơ, hái mơ làm ô mai. Huyền thoại ô mai sẽ tuyệt vời, xứng đáng viết bài thơ thật dài đăng báo. Tôi lượm hết ô mai của Phượng bỏ xuống ngăn bàn mình.
Khi sân trường đã lác đác vài cậu học trò, tôi bước ra khỏi lớp. Thi sĩ Văn Tùng xuất hiện. Anh vồ lấy tôi:
- Mấy ngày Tết bạn trốn đâu?
- Nằm nhà.
- Bạn ốm à?
- Vâng, tôi ốm.
- Em Phượng tới chưa?
- Chưa.
- Em có cảm động cái màn tôi mời em lên gài hoa không?
- Chị ấy giận bạn.
- Giận tôi?
- Phải, chị ấy về sớm và lên Hà Nội ăn Tết.
- Bỏ mẹ!
Tùng buông hai tiếng không thơ mộng tí nào. Khuôn mặt anh ta ngẩn ra và buồn thiu.
- Thế mà tôi tưởng...
Tôi hỏi:
- Bạn tưởng sao?
- Tôi tưởng Phượng cảm động. Còn về bài thơ Bốn câu phượng vĩ của tôi?
Tôi cần phải "hạ" thi sĩ Văn Tùng để trút vội nỗi buồn bực của tôi:
- Chị ấy bảo thơ của bạn ngắn quá.
Tùng hốt hoảng:
- Bài hát tôi hát tặng nàng?
Tôi nói:
- Chị ấy bỏ về trước khi bạn gân cổ hát!
Tùng giặm chân, vò tóc:
- Tôi vụng về, tôi khờ khạo, tôi làm sai chương trình.
Tôi nhún vai:
- Bạn chê tôi ngu dốt về tình yêu mà...
Tùng khẽ lắc đầu:
- Về tình yêu, ai cũng ngu dốt, khờ khạo, bạn ơi!
Tùng nắm tay tôi:
- Nhờ bạn xin lỗi Phượng giúp tôi nhé!
Tôi thở dài:
- E rằng chị ấy không còn học ở trường này nữa.
Tôi vào lớp. Và lớp học, buổi sáng hôm nay, như tôi đoán trước, lạnh lẽo làm sao. Bàn đầu - bàn dành riêng cho Phượng - trống vắng. Tôi nhìn qua khung của sổ, thấy khoảng trời nhỏ bé của tôi u ám. Lớp học giống hệt buổi chiều mưa dầm gió bấc... Chẳng riêng gì tôi, hầu như tất cả học trò lớp đệ tứ đang ngẩn ngơ tiếc nhớ. Tôi ngó xuống: Các thi sĩ Ái Phượng, Hoài Phượng đều lơ đãng nhìn ra sân trường. Họ tương tư Phượng. Sách vở buổi sáng nay là giấy cũ. Chữ nghĩa sáng nay là trò đùa. Tùng bỏ ngang giờ học, vở cuộn tròn đút túi quần sau dời khỏi lớp. Nếu tôi ra bờ sông, tôi sẽ gặp Tùng lang thang trên con đê dài hun hút hay ngồi hút thuốc lá nhìn dòng nước lững lờ. Khi cậu học trò buồn về chuyện tình yêu, cậu chỉ biết làm thế. Rồi đêm nay, cậu sẽ dệt những vần thơ. Biết đâu, ngày mai, cậu chả trở thành thi sĩ lừng danh. Tỉnh lỵ vốn hợp với thi sĩ. Những bài thơ, những truyện ngắn hay nhất đều đã được sáng tác ở tỉnh lỵ. Thủ đô là không khí ồn ào của báo chí. Tỉnh lỵ mới là không khí khoáng đạt của thơ và trầm lắng của văn chương. Tôi bỗng hối hận đã làm Tùng tuyệt vọng. Giờ ra chơi, tôi bỏ trường lớp đi tìm Tùng. Tôi ra bờ sông. Tùng đang ngồi quay lưng về thị xã. Anh hút thuốc và thả mắt sang xóm làng bên kia. Tôi đến gần anh ta.
- Tùng...
Anh bình thản nhỏ khói thuốc rồi nói:
- Bài thơ của tôi ngắn thật. Tôi tiếc chúng ta không còn dịp làm bích báo Tết.
Tùng rút thuốc mời tôi:
- Bạn nên hút với tôi vài điếu.
Anh tâm sự:
- Phải nhận thằng Ái Phượng và thằng Hoài Phượng làm thơ hay hơn tôi.
Tôi hỏi:
- Còn thằng M. Chapitres?
Tùng khinh bạc:
- Thơ của nó không dính dáng gì tới tôi. Nó hay hơn Nguyễn Bính cũng kệ nó. Nhưng tất cả đều vô nghĩa. Vì nàng đã xa đây. Tôi vụng về quá làm nàng giận tức bỏ đi.
Tôi an ủi Tùng (cũng để an ủi tôi):
- Bạn ơi, Phượng sẽ trở lại.
Tùng vất điếu thuốc lá:
- Nàng sẽ trở lại?
Tôi gật đầu:
- Phượng hứa với tôi Phượng sẽ trở lại.
Ðôi mắt Tùng không còn vẩn một chút mây buồn nào. Bây giờ, đôi mắt ấy ngập nỗi hân hoan:
- Tôi phải xin lỗi nàng bằng một bài thơ dài hơn.
Tùng đứng dậy, vỗ vai tôi:
- Bạn Chượng...
Tôi cười:
- Tôi đây.
- Gần gũi bạn tôi ngỡ gần gũi nàng, tôi ngỡ hương thơm nàng phảng phất đâu đây.
- Bạn mơ màng đấy.
- Tôi mơ màng à? Vâng, tôi mơ màng. Tôi định sẽ bỏ thi kỳ này nếu nàng không trở lại. Ôi, chỉ cần nàng bảo " Tùng, anh phải đỗ ", tôi sẽ đỗ ưu hạng. Tôi sẽ uống cà phê đặc thức khuya học bài... Tôi chờ nàng ra lệnh.
- Chúng ta về phố.
Tùng theo tôi ngay. Chúng tôi gặp hai thi sĩ Ái Phượng và Hoài Phượng bỏ lớp ra bờ sông. Tôi bảo Tùng:
- Ái Phượng, Hoài Phượng kia kìa!
Tùng cười ngạo mạn:
- Hai thằng cả quỷnh ấy cũng biết yêu Phượng thì tôi cần yêu Phượng gấp ngàn lần.
Tùng nheo mắt:
- Bạn Chương, bạn dại quá, tôi như bạn tôi đã yêu Phượng và tôi chắc đã được Phượng yêu...
Tôi lặng thinh. Ngày nào đó tôi phải kể chuyện này cho Phượng nghe. Chuyện ba bốn anh học trò mê Phượng ra bờ sông nhớ Phượng. Và một anh mắng tôi ngu vì đã không biết yêu Phượng. Tôi chắc Phượng sẽ nói tôi bịa đặt.
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ