Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 4 - Phân Tâm Học
ay mắn làm sao còn một chiếc ghế trống trong góc ngay gần cửa. Chàng len lén đi ngang như cua tới đó ngồi xuống với nét mặt tỉnh bơ như thể mình đã ở đấy từ đời nào rồi. Đám khán giả, nghiêm trang chăm chú dán mắt vào miệng bác sĩ Krokowski, chẳng ai để ý đến chàng; và như thế lại càng hay, vì bộ dạng chàng lôi thôi không thể tả. Mặt chàng nhợt nhạt như tờ giấy, và quần áo lấm tấm vết máu không khác gì một tên sát nhân bị bắt quả tang. Duy chỉ có người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế ngay phía trước chàng là quay đầu lại lúc chàng lục xục ngồi xuống và ném cho chàng một cái nhìn sắc như dao từ đôi mắt đuôi dài hơi xếch. Đó là Madame Chauchat, chàng nhận ra cô nàng với một cảm giác gần như cay đắng. Mẹ kiếp. Chàng không thể yên thân một lát hay sao? Cứ tưởng về tới đích sẽ được ngồi nghỉ cho lại sức, không dè đụng ngay cô ta ngồi chễm chệ trước mũi! Một sự tình cờ mà vào lúc khác hẳn đã làm chàng vui sướng lắm, nhưng mệt mỏi và tiều tụy như lúc này thì thôi xin kiếu! Sự hiện diện của cô ta chỉ tổ làm trái tim chàng lồng lên như con ngựa bất kham, và suốt buổi thuyết trình chàng cứ phải nín thở tìm cách điều hòa cảm xúc. Cô ta nhìn chàng bằng cặp mắt của Přibislav, cái nhìn trực diện rọi thẳng lên mặt chàng rồi chuyển xuống vết máu dây trên áo, đúng là tác phong của một người đàn bà thiếu tế nhị, chuyên để cửa sập lại sau lưng. Sao mà cô ta vô ý vô tứ đến vậy! Thật chẳng như những người đàn bà quý phái Hans Castorp quen giao thiệp ở chốn quê nhà, lúc nào cũng ngồi thẳng lưng như tấm ván, khép nép quay đầu sang tiếp chuyện người bên cạnh và khi nói cũng chỉ khẽ mấp máy đầu môi. Madame Chauchat ngồi ủ rũ, lưng còng xuống như cánh cung, vai xo ro, đã thế cô nàng lại còn hơi chúi đầu về đằng trước khiến đốt sống gáy gồ lên trong khoảng trống của cái cổ áo trắng khoét rộng. Přibislav ngày xưa cũng hay chúi đầu như thế; nhưng cậu ta là con ngoan trò giỏi, có một nếp sống gương mẫu (mặc dù đấy không phải là lý do khiến Hans Castorp mượn cái bút chì của cậu ta), trong khi đó tư thế ngả ngốn của Madame Chauchat, thói quen để sập cửa, ánh mắt khiếm nhã của cô nàng rõ ràng là kết quả của bệnh tật, thật thế, người bệnh được giải phóng khỏi mọi lề thói xã giao, sống trong tình trạng không lấy gì làm danh giá, nhưng bù lại được hưởng những lợi thế vô hạn độ như lời quảng cáo rùm beng của ông bạn trẻ Albin…
Mắt không rời tấm lưng cong của Madame Chauchat, những ý nghĩ trong đầu Hans Castorp càng lúc càng thêm hỗn độn, dần dà không còn là ý nghĩ mà trở thành mơ mộng, được đệm bằng giọng nói hơi lè nhè của bác sĩ Krokowski với chữ r đặc biệt rung trong cần cổ, như tiếng cầu kinh từ xa vẳng lại. Tuy nhiên bầu không khí im lặng như tờ với đám thính giả nghiêm trang chăm chú như bị thôi miên lại có tác dụng lôi Hans Castorp ra khỏi giấc mơ giữa ban ngày, bắt chàng cũng phải để tâm theo dõi. Chàng đưa mắt nhìn quanh… Ngay cạnh chàng là tay nhạc công piano tóc lơ thơ, đầu ngỏng cao, miệng hé mở, hai tay bắt tréo ngồi nghe như nuốt từng lời. Xa hơn nữa là cô giáo quá thì, cô Engelhart, với cặp mắt háo hức và đôi gò má hây hây đỏ - màu đỏ này Hans Castorp còn thấy trên gương mặt nhiều người phụ nữ khác, cả trên cặp má núng nính của bà Salomon ngồi mé trên, kế bên ông Albin, và bà Magnus, phu nhân ông chủ hãng bia, cái người nghe nói mắc chứng thoát đạm. Trên gương mặt bà Stöhr ngồi hơi lui về phía sau hừng hực một niềm say mê đần độn thật khó ưa, trong khi cô Levi nhợt nhạt tựa ngà voi ngồi bất động dựa vào lưng ghế, mắt khép hờ, tay đặt trong lòng, trông chẳng khác gì một tử thi nếu không để ý thấy lồng ngực cô ta đều đặn nâng lên hạ xuống, có điều cảnh tượng này lại làm Hans Castorp liên tưởng đến một hình nhân bằng sáp với cơ cấu điều khiển cử động giấu trong ngực mà có lần chàng gặp lúc xem triển lãm. Nhiều bệnh nhân đưa tay lên khum khum quanh vành tai như muốn hứng lấy không để sót âm thanh nào, hoặc thể hiện mong muốn này bằng động tác giơ tay lên gần tới tai rồi để quên ở đó như hóa đá vì chăm chú lắng nghe. Ông công tố viên Paravant, một người đàn ông da rám nắng dáng vóc như lực điền, thậm chí còn thò ngón tay trỏ vào ngoáy một lỗ tai như muốn làm cho nó thông tỏ hơn để có thể tiếp thu trọn vẹn những lời tràng giang đại hải của bác sĩ Krokowski.
Vậy thì bác sĩ Krokowski nói gì[64]? Ông ta luồn lách trong những ngõ ngách tư tưởng thầm kín nào đây? Hans Castorp cố tập trung trí óc để nắm bắt nội dung bài diễn thuyết, điều này không phải là dễ vì chàng đã chẳng được nghe khúc đầu và trong khi mơ màng tơ tưởng tấm lưng mềm của Madame Chauchat lại bỏ lỡ mất đoạn tiếp theo. Ông ta diễn giải về một sức mạnh… cái sức mạnh đặc biệt… tóm lại, sức mạnh của tình yêu là điều ông ta hăng say phân tích. Phải rồi! Đó là chủ đề chung của loạt bài diễn thuyết, và bác sĩ Krokowski còn có thể nói về đề tài nào khác nữa nếu không phải đề tài hấp dẫn này, lĩnh vực chuyên môn của ông ta. Nhưng đồng thời chàng lại có cảm giác hơi nhột nhạt, vì bỗng dưng được ngồi nghe giảng về tình yêu, trong khi từ trước tới nay chỉ quen nghe rặt những món khô khan như bộ truyền chuyển động trong máy tàu. Làm cách nào để mở lời trình bày những điều thầm kín và tế nhị ấy giữa thanh thiên bạch nhật, trước một cử tọa đông đảo gồm cả đàn ông lẫn đàn bà? Bác sĩ Krokowski sử dụng ngôn ngữ nửa văn thơ lãng mạn nửa khoa học thường thức, thẳng thắn và trần trụi một cách không kiêng nể, nhưng lại nói bằng giọng ngân nga như hát, làm cho chàng trai trẻ Hans Castorp hơi ngơ ngác thẹn thùng, và có lẽ cũng vì lý do này mà các quý bà gò má ửng hồng còn các quý ông phải ngoáy lỗ tai. Đặc biệt hơn nữa diễn giả luôn luôn nhắc đến “tình yêu” một cách đầy ẩn ý, khiến người nghe không biết nên hiểu thế nào cho đúng, liệu đó là cảm xúc thanh tao hay ham mê xác thịt, - và cảm thấy choáng váng nôn nao như người say sóng. Trong đời Hans Castorp chưa bao giờ được nghe cái từ ấy nói ra với một mật độ dày đặc như ở đây ngày hôm nay, thậm chí nếu suy nghĩ kỹ thì hình như tự chàng chưa bao giờ thốt ra cái từ này và cũng chưa bao giờ được nghe từ miệng một người lạ. Cũng có thể chàng nhầm lẫn, nhưng chàng cảm thấy việc lặp đi lặp lại thường xuyên cái từ này không mang lại ích lợi gì cho nó. Ngược lại là đằng khác, cái từ hai âm kép nhầy nhụa với chữ thứ hai mềm oặt phải uốn môi nghe mãi lại khiến chàng thấy nhơ nhuốc đến kinh tởm, nó làm chàng liên tưởng tới sữa ôi - một thứ chất lỏng đùng đục màu trắng ngả sang xanh, nhơn nhớt, nhất là lại được nói ra bằng giọng hùng hồn sôi nổi của bác sĩ Krokowski. Vì phải công nhận rằng ông ta là một diễn giả có tài phát ngôn những điều ghê gớm khó lọt tai mà lại không khiến người nghe phẫn nộ bỏ ra ngoài. Ông ta không dừng ở chỗ nói toạc móng heo những điều ai cũng biết nhưng chẳng bao giờ dám thốt nên lời, với một khí thế tấn công như vũ bão; hơn thế ông ta còn đập tan mọi ảo tưởng thanh cao, vinh danh thực tế trần trụi, dồn đến sát chân tường niềm tin vốn dĩ rất nhạy cảm của con người dựa trên cơ sở đức hạnh của người già và bản chất trong trắng thiên thần của trẻ thơ. Thêm vào đó mặc dù bận lễ phục ông ta vẫn bẻ cái cổ áo khoác mềm ra ngoài cho nó phủ kín vai và đi xăng đan để hở đôi tất xám như mọi khi, có lẽ với dụng ý thể hiện cá tính đầy lý tưởng và kiên định của mình, nhưng cách phục trang lập dị ấy chỉ khiến Hans Castorp rùng mình kinh sợ. Với sự hỗ trợ của một đống giấy tờ sách vở nằm trên bàn, ông ta củng cố cho các quan điểm của mình bằng đủ thứ ví dụ và giai thoại, thậm chí còn nhiều lần trích dẫn thơ văn, mục đích chính là để mô tả tình yêu trong một hình hài khủng khiếp, với những biến đổi hãi hùng, đau đớn và kinh dị từ biểu hiện bên ngoài cho đến sức mạnh tiềm ẩn bên trong. Trong tất cả các dục vọng tự nhiên của con người, ông ta giảng giải, thì đây là ham muốn tráo trở và nguy hại nhất, đầy mâu thuẫn và sai trái từ trong bản chất, và điều đó chẳng có gì là lạ. Vì cái dục vọng mãnh liệt này có bản chất không đơn thuần mà là một tập hợp vô cùng phức tạp, và mặc dù từ trước tới nay về tổng quát nó vẫn được công nhận là hợp đạo lý, - nhưng lại tập hợp trong mình rặt những điều sai trái. Và bởi chưng con người ta hoàn toàn có thể, và có quyền, bác sĩ Krokowski tiếp tục phát triển lý lẽ của mình, dùng lý trí sáng suốt mà chối bỏ nó, vì từ sai trái bộ phận tất sẽ dẫn đến sai trái tổng quát, thì khi ấy người ta buộc phải xét đến từng phần luân lý của cả cái tổng thể nọ, hay là luân lý tổng quát của từng sai trái bộ phận. Đó là một đòi hỏi mang tính logic, và ông ta yêu cầu thính giả luôn luôn bám sát điều này. Đó cũng chính là sức kháng cự tinh thần và nhận thức về chuẩn mực, là trực giác về đạo đức và trật tự - ông ta suýt buột miệng nói rằng của tầng lớp tiểu tư sản - mà những tác động cân bằng và hạn chế của chúng khiến các sai trái bộ phận tan ra hòa trộn vào nhau, nhập thành một tổng thể hợp lý và hữu ích, một quá trình thường gặp và rất đáng hoan nghênh, mặc dù kết quả nó mang lại (như bác sĩ Krokowski chua thêm bằng giọng khinh thường) thì người làm công tác y khoa và nhà tư tưởng chẳng cần quan tâm tới làm gì. Ngược lại trong trường hợp khác, khi cái quá trình tan chảy và hòa nhập này thất bại, không có khả năng và cũng không muốn thành hình, thì ai, bác sĩ Krokowski hỏi, ai dám nói rằng đây chẳng phải là một minh họa hiếm hoi và quý giá hơn nhiều cho khoa học? Bởi vì trong trường hợp này hai nhóm động lực đối chọi của nội tâm, cả khao khát yêu đương lẫn sức kháng cự tinh thần mà trong đó cảm giác hổ thẹn và ghê tởm đóng vai trò chủ đạo, đều mang trong mình sự căng thẳng dồn nén và niềm say mê hiếm thấy vượt ra ngoài tầm vóc tiểu tư sản tầm thường, và, cày sâu xuống dưới đáy linh hồn, cuộc đấu tranh giữa chúng cản trở sự hình thành cảm giác an toàn, yên ổn và hợp đạo lý, là những yếu tố đảm bảo cho sự hài hòa, để những ham muốn trái khoáy khép mình trong khuôn khổ đời sống ái tình mực thước. Cuộc đấu tranh giữa tiết hạnh và dục vọng - vì xét cho cùng đây là một cuộc chiến giữa hai thế lực đối chọi này trong tâm hồn con người - có thể dẫn đến kết cục nào? Nhìn bề ngoài tưởng đâu nó luôn kết thúc với phần thắng thuộc về tiết hạnh. Nỗi sợ, tính đoan chính, thói quen ghê tởm nhục dục, nhu cầu giữ mình trong sạch, tất cả những điều ấy xúm vào áp bức tình yêu, giam cầm nó trong bóng tối, chỉ miễn cưỡng đáp ứng một phần những đòi hỏi bấn loạn của nó, kìm hãm sức mạnh và tính đa dạng vốn là bản chất của tình yêu, cản trở nó xâm nhập vào nhận thức để chuyển thành hành động. Có điều chiến thắng của tiết hạnh chỉ mang tính hình thức và phải trả bằng một giá đắt, vì tiếng gọi của tình yêu không cho phép ai bịt miệng mình, không để bị ai cưỡng bức, tình yêu chịu sự đè nén không bị tiêu diệt mà tiếp tục tồn tại trong âm thầm chịu đựng, từ những ngõ ngách tối tăm sâu thẳm nhất nó mưu toan tìm cách thỏa mãn nguyện vọng của mình, phá vỡ vòng cương tỏa của tiết hạnh để có thể xuất đầu lộ diện, dù rằng dưới hình hài khác, hoàn toàn biến đổi… Vậy thì tình yêu bị cấm đoán và đàn áp xuất hiện trở lại trong hình hài nào, núp dưới tấm mặt nạ nào? Bác sĩ Krokowski cất cao giọng hỏi và đưa mắt thách thức nhìn một lượt quanh các dãy ghế, làm như muốn nhận được câu trả lời nghiêm túc từ cử tọa.
Kỳ thực sau tất cả những diễn giải lòng thòng kia câu hỏi tu từ ấy chỉ là một biện pháp để làm tăng thêm sự hồi hộp của thính giả, chứ ngoài ông ta ra chẳng ai biết đằng nào mà trả lời, điều ấy đã rõ mười mươi. Với đôi mắt rừng rực lửa, nước da trong như sáp và bộ râu đen nhánh, thêm vào đó đôi dép với đôi tất len thô khổ hạnh như tu sĩ, bản thân ông ta chẳng khác nào hiện thân của cuộc đấu tranh giữa tiết hạnh và dục vọng mà ông ta vừa thuyết giảng. Ít nhất đấy cũng là cảm tưởng của Hans Castorp, trong lúc chàng cũng như tất cả thiên hạ hồi hộp ngóng đợi câu trả lời về khả năng biến hóa không lường của tình yêu bị cấm đoán. Các quý bà gần như nín thở. Ông công tố viên Paravant gấp rút lắc tai thêm lần nữa, như muốn mở rộng đường tiếp nhận thông tin trong giây phút quyết định này. Bấy giờ bác sĩ Krokowski mới nói huỵch toẹt ra: dưới hình thức bệnh tật! Các triệu chứng là những biểu hiện của tình yêu và bản thân bệnh tật không gì khác hơn tình yêu trá hình.
Giờ thì tất cả đã rõ, mặc dù không phải ai cũng biết đánh giá đúng mức thông cáo ấy. Một tiếng thở dài nhẹ nhõm lan ra khắp gian phòng, và ông công tố viên Paravant trang trọng gật đầu tán thưởng, trong khi bác sĩ Krokowski tiếp tục phát triển học thuyết của mình. Về phần Hans Castorp, chàng cúi đầu nghiền ngẫm những điều vừa được biết thêm, nhất là để thẩm tra mức độ hiểu biết của mình. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư tưởng này, thêm vào đó đầu óc đã sút giảm khá nhiều minh mẫn sau cuộc dạo chơi tai hại, nên chàng dễ mất tập trung và nhanh chóng bị xao nhãng bởi tấm lưng phía trước, bây giờ còn thêm một cánh tay vừa đưa lên vòng ra sau gáy, bàn tay đỡ bím tóc cuộn quanh đầu ngay trước mắt chàng.
Đến thánh cũng không chịu nổi cảnh cái bàn tay ấy đưa ra trước mắt, - dù muốn hay không người ta cũng phải quan sát nó, khảo sát mọi dấu hiệu và nhược điểm rất con người của nó, rõ mồn một như soi qua kính lúp. Không, bàn tay ấy chẳng thanh mảnh quý phái, mà mũm mĩm như tay một cô bé học trò, móng cắt vụng về - thậm chí người ta không dám chắc đầu ngón tay có sạch không, và lớp da gần móng đúng là nham nhở vì bị gặm. Hans Castorp trề môi, nhưng mắt vẫn dán vào bàn tay Madame Chauchat, và một mảnh vụn những điều vừa nghe được trong bài diễn thuyết thoáng lướt qua tâm trí chàng, đoạn bác sĩ Krokowski nói về sự kháng cự của tâm hồn tiểu tư sản chống lại tình yêu… Cánh tay hấp dẫn hơn bàn tay nhiều, nó tròn trĩnh mềm mại vòng lên trên vai đưa ra sau đầu, khá lộ liễu trong ống tay áo được may bằng hàng sa mỏng gần như trong suốt, khiến cánh tay hờ hững giơ cao nửa kín nửa hở vô cùng duyên dáng, giả sử một sự trần trụi hoàn toàn có lẽ sẽ kém hấp dẫn hơn nhiều. Cứ như những gì chàng nhìn thấy thì cánh tay ấy phải êm ái và mềm mại lắm, và mát rượi, theo phỏng đoán của chàng. Trước sự hiện diện của cánh tay này mọi kháng cự của tâm hồn tiểu tư sản đều tan thành mây khói.
Hans Castorp mơ màng, ánh mắt không rời cánh tay Madame Chauchat. Trang phục của phụ nữ thật là hay! Họ để ngỏ chỗ này chỗ kia, một khúc gáy, một mảng ngực, họ giấu mà như khoe cánh tay dưới lớp lượt là trong suốt… Họ ăn mặc thế ở khắp nơi trên quả đất, để khơi dậy niềm khao khát trong lòng đàn ông chúng ta. Lạy Chúa, cuộc đời mới đẹp làm sao! Đẹp nhất là ở sự đương nhiên trong cách phục sức đầy khêu gợi của phụ nữ, vì họ ăn mặc như thế một cách rất đương nhiên và phổ biến và được chấp nhận khắp mọi nơi, đến nỗi chẳng ai bận tâm soi mói mà cứ việc điềm nhiên hưởng thụ khỏi cần suy nghĩ. Mặc dù lẽ ra cũng nên suy nghĩ, Hans Castorp tự nhủ, để tận hưởng hương vị cuộc đời, để nhận thức rõ rằng đó là một niềm hạnh phúc, thậm chí gần như một điều kỳ diệu. Dĩ nhiên, phụ nữ được phép ăn mặc một cách hấp dẫn và kỳ diệu như vậy mà không bị coi là thiếu tư cách là để phục vụ một mục đích nhất định của quá trình tiến hóa, vì thế hệ tương lai, để nhân loại có người nối dõi tông đường, đúng thế. Nhưng nếu như người phụ nữ lại mang trong mình bệnh tật và không có khả năng làm mẹ thì sao? Như vậy biết giải thích thế nào việc họ vẫn quần là áo lượt trong suốt để thu hút sự hiếu kỳ của đàn ông đối với cơ thể mình - cái cơ thể chứa đầy mầm bệnh? Rõ ràng khi ấy họ không có lý do chính đáng, và phải bị quy là thiếu tư cách cũng như phải cấm ngặt mới đúng. Vì khi một người đàn ông để ý đến một phụ nữ bệnh tật thì mối cảm tình ấy không còn ý nghĩa lành mạnh nguyên thủy nữa, chẳng khác gì mối quan tâm thầm lặng của Hans Castorp dạo nào dành cho Přibislav Hippe. Thật là một so sánh khập khiễng, một hồi ức đáng xấu hổ. Nhưng nó tự động hiện lên nhắc nhở ngoài ý muốn của chàng. Tới đây dòng tư tưởng có phần lan man của chàng bị cắt đứt đột ngột, vì bác sĩ Krokowski lại cất cao giọng một cách đáng kể. Thật tình, ông ta đứng đó sau cái bục diễn thuyết với hai cánh tay dang rộng, đầu ngoẹo xuống một bên vai, mặc dù mặc lễ phục đuôi én trông vẫn chẳng khác gì Chúa Jesus bị đóng đinh thánh giá!
Hóa ra là bác sĩ Krokowski trước khi kết thúc bài diễn thuyết còn lớn tiếng quảng cáo cho bộ môn mổ xẻ tâm hồn, và dang tay mời gọi tất cả mọi người đến với mình. Hãy đến với ta, đó là thông điệp ngầm của ông ta mặc dù được che đậy bằng những lời lẽ khác, hỡi những kẻ nhiều khổ đau và tội lỗi[65]! Và không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng trong mắt ông ta tất cả mọi người chẳng trừ một ai đều đầy khổ đau và tội lỗi. Ông ta say sưa nói về những nỗi đau khổ thầm kín, những hổ thẹn và oán thán, về tác dụng giải thoát của phân tâm học; ông ta ca tụng ánh sáng được khơi nguồn từ trong vô thức, quảng cáo khả năng giải tỏa bệnh tật bằng cách chủ động tạo ra trạng thái đột biến tinh thần, kêu gọi lòng tin, hứa hẹn kết quả. Rồi ông ta hạ tay xuống, ngẩng đầu lên, gom góp giấy tờ vung vãi trên bàn thành một tập ôm vào ngực đúng dáng một ông thầy sau tiết giảng, và nghển cao đầu kiêu hãnh lướt qua lối đi rời khỏi phòng ăn.
Cử tọa lục tục đứng lên theo, ồn ào đẩy ghế và cũng từ từ dồn về phía cánh cửa ông bác sĩ vừa đi qua. Cảnh tượng đó có cái gì thật kỳ dị, đám đông như bị hút theo ông bác sĩ, ngập ngừng nhưng ngoan ngoãn phục tùng như bị thôi miên tập thể, như bầy chuột bị tiếng sáo lôi cuốn đi theo người dụ chuột. Hans Castorp một mình đứng sững giữa dòng người, tay vịn chặt lưng ghế. Mình chỉ là khách đến chơi, chàng tự nhủ; nhờ trời mình không có bệnh và vì vậy không thuộc về đối tượng được kêu gọi; hơn nữa đến buổi thuyết trình lần sau thì mình đã chẳng còn có mặt ở đây rồi. Chàng nhìn Madame Chauchat đi ra khỏi cửa, bước chân rón rén êm ru, đầu hơi chúi về phía trước. Không biết cô ta có đến nhờ ông ấy mổ xẻ không? Chàng nghĩ, và tim chàng lại đùng đùng nổi loạn… Thế cho nên chàng không nhận ra Joachim đang lách qua mấy chiếc ghế đi về phía mình, và giật thót khi nghe tiếng người anh họ.
“Cậu về vừa kịp vào giây phút chót”, Joachim bảo. “Cậu đi có xa không? Kết quả thế nào?”
“Ôi, cũng tàm tạm”, Hans Castorp trả lời. “Ừ, tớ đi khá xa. Nhưng phải thú nhận là kết quả chẳng được như mong đợi. Có thể tớ quyết định đi như thế là sớm quá, mà cũng có thể quyết định của tớ sai lầm. Chỉ biết rằng sắp tới tớ sẽ không đi chơi kiểu ấy nữa đâu.”
Joachim không hỏi chàng có thích bài thuyết trình không, và Hans Castorp cũng tránh không nhắc tới. Như tuân theo một thỏa thuận ngầm, từ đấy về sau không người nào đả động đến buổi nói chuyện chuyên đề hôm ấy nữa.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần