Chương 22
Ông Thành nằm trên giường bệnh, mắt nhắm hờ. Tuy đã qua cơn nguy hiểm nhưng thần sắc của ông vẫn tiều tụy, trông ông như già đi cả chục tuổi.
Mỹ Trang và cô Hạnh ngồi hai bên, chia nhau bóp tay, bóp chân cho ông. Nét mặt người nào cũng trầm lặng, u buồn bởi cơn sóng gió đang phủ lên gia tộc vốn yên ả từ bao đời nay.
Cửa mở, ông Phú cóm róm bước vào.
Cô Hạnh nhìn anh rồi xua tay ra dấu không nên làm kinh động cha vào lúc này.
Đang ngần ngừ chưa biết nên làm gì thì ông Phú bỗng giật bắn mình khi cha mình đột ngột mở mắt ra rồi quát lớn:
- Mày còn dám chường mặt ra sao, hả thằng bất hiếu?
Mỹ Trang vội vuốt ngực ông, khuyên lơn:
- Nội bình tĩnh lại đi. Bác sĩ dặn rồi mà.
Kéo tay anh trai ra ngoài hành lang, khép cánh cửa lại sau lưng, cô Hạnh bảo anh trai:
- Ba chưa khỏe, phải tránh mọi sự xúc động. Anh Ba về đi.
Ông Phú dùng dằng:
- Anh muốn trình bày với ba một số vấn đề. Anh không tệ như ba nghĩ đâu. Những việc anh làm cũng vì lợi ích của gia tộc thôi.
Dù không muốn tỏ thái độ quá cứng rắn với người anh ruột trong tình cảnh chẳng lấy gì làm vui vẻ hiện tại của gia đình nhưng trước lời biện minh ấy của ông Phú, cô Hạnh không dằn được nụ cười châm biếm, hỏi lại:
- Anh vì mọi người mà âm thầm chiếm dụng vốn để làm ăn riêng, không hề nói với ai một tiếng nào như vậy sao?
Ông Phú nghẹn lời, cố tìm cách chống đỡ:
- Tại anh muốn tạo cho gia đình một bất ngờ.
Cô Hạnh quay mặt đi, nói giọng khô khốc:
- Ba không muốn gặp anh đâu!
Ông Phú còn chần chừ thì ông Thành đã quyết liệt nhấn nút chuông ở đầu giường gọi bảo vệ.
Biết không lay chuyển được cha mình, ông Phú thất thểu cúi đầu đi thẳng.
Thấy cô Út trở vào phòng một mình, lòng đầy trắc ẩn, Mỹ Trang lên tiếng hỏi nhỏ:
- Đối xử với chú Ba như vậy có khắc khe quá không Út?
Cô Hạnh nhè nhẹ lắc đầu, đắp mền cho cha ( lúc này đã ngủ say dưới tác dụng của liều thuốc an thần) rồi bảo cháu:
- Mình ra ngoài nói chuyện cho nội ngủ một chút.
Ngồi trên băng ghế đặt trước cửa phòng, cô Hạnh thở dài:
- " Anh em như thể tay chân", ba con mất rồi, chỉ còn cô với chú Ba. Sự tình đến mức này, cô đau lòng lắm nhưng buộc phải thực hiện những biện pháp cứng rắn như vậy thôi. " Thuốc đắng dã tật", hy vọng anh Ba sẽ hối hận để sửa đổi lại.
Mỹ Trang nêu câu hỏi:
- Chuyện nội bộ thì mình cứ họp gia đình rồi xử, đâu có gì rùm beng mà chú Ba lo lắng quá vậy Út?
Cô Hạnh lắc đầu, trầm giọng:
- Mọi việc vỡ lỡ hết rồi, Út không giấu con nữa: Chú Ba rửa tiền cho bọn buôn lậu quốc tế thông qua ngân hàng của mình, vì thế cả nhà cũng bị liên lụy theo. Sắp tới đây, ngân hàng sẽ phải tạm ngưng hoạt động một thời gian chờ điều tra.
Mặt tái xanh, Mỹ Trang giơ tay che miệng để khỏi phát tiếng kêu thảnh thốt. Cô không ngờ tình thế lại căng thẳng như vậy, cứ ngỡ chỉ xoay quanh vài tình tiết như vụ xin mua nhà của cô mà thôi.
Bây giờ cô chẳng giận hờn gì chú Ba nữa mà chỉ thấy ngập tràn tình cảm xót thương cho sự lỡ bước sa chân của ông mà thôi. " Máu chảy ruột mềm" mà!
Cô Hạnh lại nói một cách buồn rầu:
- Chú Thắng đang tích cực chạy vạy nhờ luật sư chứng minh sự vô tội của gia đình bởi đây là hành vi phạm tội của một mình chú Ba con nhưng xem ra khó tránh sự liên đới trách nhiệm lắm. Rốt cuộc, chỉ có quán trà sữa của con là nằm ngoài vòng cương tỏa. Con đúng là có cái nhìn sáng suốt khi nhất quyết tạo dựng riêng cho mình một thế đứng, không dựa dẫm gia đình đó Trang.
Lời khen ngợi của cô ruột tuy có làm Mỹ Trang vui mừng nhưng đến toàn cục bi đát của cả giòng họ thì cô không sao nở nụ cười cho nỗi.
Hai cô cháu đăm chiêu theo đuổi những ý nghĩ bi quan nên không thấy Khả Mi đang xăm xúi đi đến gần.
Đứng sững trước mặt hai người, Khả Mi nôn nóng cất tiếng hỏi:
- Ông nội đỡ chưa, hả Út?
Cô ta không chào hỏi gì Mỹ Trang, tựa như dưới mắt mình thì người chị họ này không hề tồn tại vậy.
Mỹ Trang không thèm chấp, cô đứng lên, tản bộ dọc theo hành lang để hai người trò chuyện.
Cô Hạnh có vẻ không vui, nhắc nhở:
- Con bận gì thì bận, vẫn phải giữ tôn ti trật tự chứ. Sao không biết chào hỏi ai hết vậy?
Mặt đỏ bừng rồi tái mét, Khả Mi cười khan:
- Con quên là " giậu đổ bìm leo". Thân phận con bây giờ thấp kém hơn tất cả, làm sao dám lên mặt với ai. Út dạy thì con xin sửa đổi.
Cô Hạnh cau mày, nghiêm khắc thốt:
- Dẹp cái giọng mĩa mai đó đi! Con có biết tình thế nguy ngập hiện tại của gia mình do lỗi của ba con gây ra chưa mà cứ sinh sự hoài vậy?
Khả Mi ngỡ ngàng, lắc đầu:
- Con ở ngoài resort cả tuần này, có biết gì đâu. Vừa nghe mẹ báo ông nội nằm bệnh viện là con bay về liền, chưa kịp hỏi han gì hết, chỉ biết là ba con tạm thời phải ngưng chức vụ, chờ họp đại hội cổ đông rồi mới tính tiếp. Đã xảy ra chuyện gì vậy Út?
Cô Hạnh nói vắn tắt:
- Thâm lạm công quỹ, rửa tiền. Tội danh đầu có thể xử lý nội bộ nhưng điều vi phạm sau thì phải để pháp luật ra tay.
Khả Mi lảo đảo, phải chống tay vào tường cho khỏi ngã quị.
Cô Hạnh cũng im lặng, không nói năng gì thêm.
Một lúc sau, Khả Mi cố trấn tỉnh, hỏi cô Hạnh:
- Con vô thăm ông nội được không Út?
Cô Hạnh ái ngại nhìn Khả Mi, thấp giọng:
- Nội đang giận ba con nhiều lắm. Tốt hơn hết là con nên tránh mặt ông.
Khả Mi chỉ Mỹ Trang, nói giọng khản đặc:
- Chỉ có chị ta là được quyền ở cạnh ông nội thôi chứ gì?
Cô Hạnh khẽ cau mày:
- Cháu nào ông nội cũng thương nhưng sức khỏe ông đang yếu, đừng gây thêm buồn phiền cho ông.
Cắn mạnh môi đến rướm máu, Khả Mi lẵng lặng quay người bỏ đi.
Cô Hạnh lắc đầu buồn bã.
ØË×
Đang đọc sách, tiếng gõ cửa khe khẽ đã kéo Mỹ Trang đứng dậy.
Khắc Ninh hiện ra trước mặt khiến cô luống cuống, không biết nói gì với anh cho hợp lý.
Dù Khắc Ninh đã chủ động gọi điện hỏi thăm và hứa sẽ về trong thời gian sớm nhất nhưng Mỹ Trang vẫn chưa chọn được cách cư xử với anh sau những xung đột vừa qua. Tuy không nói ra lời nhưng cả hai đều ngầm hiểu rằng rất khó để cuộc tình của họ tiếp tục đơm hoa kết trái bởi bao bất đồng chẳng thể san bằng. Nhưng giờ đây, anh đã có mặt bên cô vào lúc việc nhà đang rối rắm khiến cô khó phủ nhận tình cảm chân thành của anh giành cho mình.
Im lặng một lúc rồi Mỹ Trang thốt lên thật đơn giản:
- Rất vui khi gặp lại anh.
Siết chặt tay cô, anh nói giọng trìu mến:
- Anh sẽ có mặt bất kỳ lúc nào khi em cần sự trợ giúp.
Sự cảm động khiến Mỹ Trang nghẹn lời nhưng ánh mắt đã thay cô nói lên tất cả.
Chân tình đã kéo họ đến gần nhau dù trải qua nhiều sóng gió.
Mỹ Trang nhìn ông nội rồi nói nhỏ:
- Ông mới ngủ, đừng làm ông mất giấc. Anh ngồi đợi hay để lúc khác thăm được không?
Khắc Ninh cười nồng ấm:
- Có công đến thì phải có công đợi chứ sao. Mình ra ngoài nói chuyện chờ lát nữa vô chào ông cũng được.
Mỹ Trang đồng ý.
Hai người vừa bước ra hành lang thì chú Thắng đi tới.
Bắt tay Khắc Ninh xong, chú Thắng tỏ ra rất hiểu tâm lý khi bảo đôi tình nhân:
- Hai cháu về nhà nghỉ ngơi, chuyện trò cho thoải mái. Chú ở với ông được rồi.
Không để Mỹ Trang kịp có ý kiến, Khắc Ninh nhanh nhẩu lên tiếng cám ơn rồi đưa cô ra về.
Dọc đường, Mỹ Trang cự nự:
- Sao anh độc tài quá vậy? Chưa hỏi ý em mà đã tự quyết định rồi.
Khắc Ninh thản nhiên đáp:
- " Phu xướng phụ tùy", anh chỉ làm theo lời dạy dỗ của ông bà thôi.
Như bị điện giật, tay lái của Mỹ Trang loạng choạng khiến chiếc Atilla Elisabeth suýt húc vào lề.
Thắng két lại, cô bồn chồn hỏi lại anh:
- Anh mới nói gì đó?
Khắc Ninh bình tĩnh lập lại:
- Chồng nói sao thì vợ nghe vậy. Đừng cãi lẫy, khó coi lắm!
Mắt tròn xoe, Mỹ Trang nói như bị hụt hơi:
- Vợ chồng nào ở đây?
Khắc Ninh đáp với thái độ nghiêm túc:
- Anh muốn em làm vợ anh, cô bé chua ngoa ạ!
Nếu lần đầu nghe anh tỏ tình thì cô choáng ngợp đến độ chẳng còn nhớ tên mình thì lời cầu hôn hiện tại lại mang đến cho cô cảm xúc khác hẵn.
Thật kỳ lạ! Đó là sự phân vân chứ không phải niềm vui chất ngất như khi mới bước chân vào lối yêu nữa.
Kinh nghiệm của lần chia tay vừa qua đã khiến Mỹ Trang trở nên thận trọng trong tình cảm. Cô nói thật điềm đạm:
- Lúc yêu nhau, có giận hờn, xích mích thì dễ dàng chia tay nhưng cưới rồi thì không thể mỗi chút lại đưa nhau ra tòa li dị. Em cần thời gian suy nghĩ. Anh không phiền khi em chưa nhận lời chứ?
Khắc Ninh có vẻ không vui. Anh cao giọng:
- Anh đã vượt qua mọi trở ngại để về đây với em, bất chấp phản ứng của gia đình vẫn chưa chứng tỏ được tình cảm của anh giành cho em hay sao?
Mỹ Trang cười nhẹ, mắt thấp thoáng hiện nét buồn chơi vơi:
- Chính vì điều đó mà em chưa vội ưng thuận trở thành vợ anh.
Vẻ mặt kiên quyết và lý lẽ của cô đưa ra đã làm nguôi đi sự hứng khởi trong lòng Khắc Ninh.
Suy nghĩ một lúc, anh thở dài:
- Thôi được. Anh tôn trọng quyết định của em. Ở giữa lòng thành phố làm sao thực hiện việc cướp dâu như trên vùng cao được mà hòng manh động?
Sự hài hước của anh đã khiến cuộc tranh luận kết thúc theo chiều hướng sáng sủa, vui tươi hơn.
Mỹ Trang thân ái bảo anh:
- Mình về biệt thự ăn trưa rồi em trở vô bệnh viện canh ông nội cho chú Thắng đi làm. Lúc này nhà vắng vẻ lắm, nấu cơm ngày nào cũng dư, dì Sáu rên rĩ nghe phát tội.
Khắc Ninh bật cười:
- Giờ thì tình thế đã đổi ngược- " Lệnh ông không bằng cồng bà"-. Em nói sao, anh nghe vậy.
Mỹ Trang nguýt dài:
- Cứ đứng đó cho công an xé giấy phạt về tội " lấn chiếm lòng lề đường" nha. Em đi trước nè.
Nói xong, cô vọt ga chạy thẳng.
Dĩ nhiên là Khắc ninh phải hộc tốc chạy theo.
ØË×
Nghe tiếng chuông gọi cổng, Khả Mi bước ra cửa sổ phòng mình nhìn xuống để thử xem khách là ai.
Từ hôm những việc làm khuất tất của ông Phú bị phanh phui, biệt thự họ Kim vắng vẻ hẵn, khách khứa thưa thớt. Hầu như ai cũng ngại, không muốn tiếp xúc với cái gia đình đang gặp rắc rối với pháp luật này.
" Ở đời, người ta chỉ ‘phù thịnh chứ có ai phù suy’ bao giờ?". Khả Mi cay đắng rút ra bài học cho mình và bắt đầu tự cô lập mình với xã hội, không hề giao tiếp, gặp gỡ ai hoặc đến những chỗ công cộng như lúc trước nữa.
Đôi nam nữ cùng chạy xe vào sân biệt thự khiến Khả Mi lặng người bởi nhận ra đó chính là Khắc Ninh với Mỹ Trang.
Chỉ cần nhìn họ tíu tít bên nhau như đôi chim là Khả Mi đủ hiểu thêm một lần nữa mình đã bại trận trước kẻ mà cô vẫn khinh thị là quê mùa, ít học.
Gục đầu vào đôi bàn tay, Khả Mi rũ người bật khóc nức nở.
Một bàn tay dịu dàng vuốt tóc cô rồi giọng người mẹ hiền khẽ khàng vang lên:
- Cứ khóc cho nhẹ lòng rồi sau đó phải can đảm lên, nhìn vào thực tế mà sống nha con.
Ôm choàng vai mẹ, Khả Mi vừa khóc vừa thốt lên:
- Vì sao Khắc Ninh lại chọn người ta mà không yêu con hả mẹ?
Bà Phú đáp trong nỗi xót xa:
- Đừng bận tâm về chuyện đó nữa. Người ta không yêu mình thì cố gượng ép cũng chẳng mang lại hạnh phúc. Hoàn cảnh gia đình mình đang nguy ngập-nhất là tình trạng của ba con-, mẹ sợ rằng ba khó thoát cảnh tù tội. Nếu nhà Lê Sinh muốn cưới dâu thì cũng không nhìn tới con đâu.
Liên hệ đến tình cảnh của Mỹ Trang lúc trước, Khả Mi chua chát hiểu rõ thêm lời răn khôn ngoan của người xưa:
" Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước, hôm sau người cười".
Lau nhanh giòng lệ, cô ngẩng cao đầu nhìn mẹ, đoan chắc:
- Dù có ra đường ăn xin, con cũng không để ai phải khinh thường mình.
Bà Phú cười qua hàng nước mắt:
- Vậy mới là con của ba mẹ chứ!
Mùa Đông Trên Mắt Nhớ Mùa Đông Trên Mắt Nhớ - Hoàng Kim Mùa Đông Trên Mắt Nhớ