Lần đầu "Ngược đời" bị sóng nhấn chìm
ột chiếc du thuyền sẽ kéo chiếc Ngược đời ra khỏi cảng. Không khí buổi tiễn đưa lần này không chỉ thắm đượm tình bằng hữu, mà còn có một niềm cảm thông làm anh xúc động tận đáy lòng. Mọi vật liệu cũng như thức ăn dự trữ đều đã được các nhà chức trách kiểm tra và chuyển trước xuống xuồng kể cả chiếc máy thu thanh mà bạn bè vừa mua tặng. Hoa tiêu trưởng xem lại dụng cụ tọa độ đã thật chính xác chưa. Số người ra tiễn mỗi lúc một đông, gồm bạn bè và cả những người chưa quen biết. Một đoàn tàu, thuyền đưa anh ra khỏi cảng. Tất cả tàu đang đậu ở bến đều rúc còi chào. Hàng trăm du thuyền đủ cỡ buồm trắng căng phồng như những cánh hải âu, lượn quanh chiếc xuồng cao su. Ai nấy đều nhận thức sâu sắc: cuộc thực nghiệm lớn bắt đầu. Như để khích lệ người ra đi, một chiếc tàu buồm lớn, kiểu cổ, đang được hải quân Tây Ban Nha làm cơ sở thực tập cho sĩ quan, tình cờ có mặt đúng vào nơi anh quyết định cho xuồng của mình tách khỏi chiếc thuyền kéo nó. Chiếc du thuyền vừa lùi ra, thì cờ hiệu chiếc tàu hải quân từ từ chúi xuống, long trọng chào tiễn biệt. Tất cả học viên sĩ quan đã xếp hàng tề chỉnh trên boong, nhất loạt ngả mũ chào khi chiếc Ngược đời trôi qua trước mặt. Anh chợt nghĩ : xưa nay và bất kỳ ở đâu, người ta cũng đều bằng cách ấy vĩnh biệt người vừa qua đời. Có thể họ nghiêng mình trước cái chết. Nhưng anh ra đi là để chứng minh sự sống, để tỏ rõ con người có khả năng tồn tại trong những tình huống cực kỳ khó khăn, miễn là biết hy vọng và có nghị lực.
o O o
Đêm đầu tiên trên Đại Tây Dương, trời yên biển lặng cực kỳ. Gió bắc
-đông bắc thổi đều đều. Chiếc xuồng tiến với tốc độ khoảng sáu, bảy ki-lô-mét một giờ, hướng về vùng biển phía nam đảo Ca-na-ri Lớn. Dự định của anh là : thoạt tiên đi theo hướng nam -đông nam, sau đó chuyển sang chính tây. Anh đang ở vào 28 độ vĩ bắc và 15 độ kinh tây. Đích ở vào 60 độ kinh tây và một điểm nào đó trong khoảng giữa 12 và 18 độ vĩ bắc. Nhằm đích đó, anh quyết định thoạt đầu chưa đi theo hướng chính tây ngay, để tránh sa vào vùng Biển Rong. Cùng với Đường Hũ Nút, Biển Rong là cạm bẫy ghê gớm nhất mà anh cần phải tránh xa bằng mọi giá. Quả vậy, ở về phía bắc con đường anh định đi, dòng hải lưu xích đạo bắc cùng với dòng Gơn Xtơ-rim tạo thành một vùng xoáy khổng lồ. Trong chu vi mười lăm nghìn ki-lô-mét, có nhiều vùng biển mênh mông dày đặc những loại rong chưa ai hiểu do đâu phát sinh. Những người đi biển dày dạn nói rằng xưa nay chưa từng ai câu được ở vùng biển này một con cá có thể dùng làm thức ăn cho người. Chẳng hiểu điều khẳng định ấy đúng đến đâu, dù sao vùng biển này vẫn cực kỳ nguy hiểm cho giao thông. Vì, giống như một cái bẫy thật sự, những cây rong cuộn bánh lái tàu thuyền chặt hơn cả những sợi xích sắt. Vậy là ở phía bắc, biển rất đáng gờm. ở phía nam, gió cũng không kém phần ghê gớm. Chả là hai luồng tín phong, một từ đông, tức là từ bờ biển Bồ Đào Nha, một từ đông -nam, có nghĩa từ Công-gô, cùng thổi tới. Với sức hùng hậu tương đương, hai ngọn gió cùng đổ tới một vùng, tạo nên sự tranh chấp cực kỳ dữ dội. Chúng gây ra nào là những trận mưa như thác đổ, nào là những cơn lốc bất ngờ xuất hiện giữa những lúc đang sóng yên biển lặng. Đấy đúng là một vùng "biển không người", một khu đệm giữa bán cầu bắc và bán cầu nam. Các nhà hàng hải gọi đấy là Đường Hũ Nút. Anh biết, nếu chẳng may chiếc xuồng của anh sa vào đó thì chẳng mong gì tìm được lối ra.
Như vậy có nghĩa là, bên phải đường anh sẽ đi, có một vùng nước xoáy dữ dội, và bên trái là một vùng gió lốc đáng kinh hoàng. Buồn thay, ngọn gió thuận lúc khởi hành chẳng kéo dài được mấy chốc. Vừa chập tối, nó đã ngừng. Nhìn cánh buồm ủ rũ, anh tự hỏi tình trạng lặng gió này sẽ kéo dài bao lâu. Trong khi đó, với một sức mạnh không có gì kìm chế, dòng hải lưu âm thầm cuốn chiếc Ngược đời về phía nam. Anh mắc lá cờ lưu niệm bạn bè vừa trao cho lúc khởi hành lên cột buồm làm cờ hiệu để may ra những chiếc tàu viễn dương qua lại có trông thấy chăng. Rồi buộc chặt chèo lái, kéo tấm vải bạt lên tận cổ thay chăn đắp, anh gối đầu lên một vòng phao cấp cứu và ngủ luôn. Không có gió, chiếc xuồng trôi dạt từ từ. Đêm mát mẻ. Trời đầy sao.
Ngày hôm sau và hôm sau nữa, gió vẫn không lên. Những tín hiệu đầu tiên về sự sống phong phú của động vật dưới biển bắt đầu xuất hiện. Đáng tiếc là ở đây chỉ có cá nhỏ. Chúng bơi trước chiếc xuồng như thể dẫn đường cho anh. Rât khó bắt được chúng, hơn nữa ăn loại cá này chẳng thấm tháp gì. Anh đang lo còn gió lặng có thể còn kéo dài, thì may sao, chiều Thứ ba bỗng có gió, cho phép giương buồm. Anh định theo hướng gió này thẳng tiến chừng mươi ngày nữa, vượt cho được vùng biển đông Cáp Ve, cách đảo này khoảng một trăm hải lý về phía tây. Từ đấy, thẳng tiếng sang quần đảo Ăng-ti thuộc châu Mỹ, bên kia bờ Đại Tây Dương. Tinh thần phấn chấn, đêm hôm ấy lần đầu tiên anh cố suy nghĩ thật đầy đủ, thật sâu sắc về thực chất và tầm cỡ cuộc thực nghiệm của mình. Lần này hoàn toàn khác những ngày đi trong Địa Trung Hải, cái biển của xã hội văn minh, ở đó ngày cũng như đêm không biết cơ man là tàu bè qua lại. Giờ đây, anh tiến vào đại dương mênh mông, nơi sẽ chẳng được gặp mấy ai trên đường. Đó cũng là nơi phán xét việc làm của anh. Tầm cỡ to lớn mà anh vừa cảm nhận không khỏi làm anh kinh hoàng. Tín phong mỗi lúc mỗi mát hơn. Và chẳng bao lâu một cơn bão nổi lên. Chiếc xuồng bị dồi dập, lúc chênh vênh trên đầu ngọn sóng, lúc rơi tõm xuống sâu do hai chân sóng tạo thành. Bất lực trước sức mạnh phũ phàng của thiên nhiên, nhưng tin tưởng vào sự ổn định của chiếc xuồng, anh đi ngủ. Giấc ngủ bị cắt ngang bởi một cơn ác mộng. Trong mơ, anh cảm thấy như mình sắp chết chìm. Anh cố vùng vẫy để ngoi lên khỏi mặt nước và ráng sức bơi, bơi mãi cho đến kiệt sức. Choàng tỉnh, anh hiểu ra: một con sóng ập vào trong lúc anh đang ngủ say, làm chiếc xuồng đầy nước. Nó đang trôi lờ đờ, chỉ có phần trên của phao là nhô lên khỏi mặt nước. Anh vội vàng tát nước ra, thoạt tiên bằng hai bàn tay bụm lại, sau đó dùng chiếc mũ đội trên đầu làm gàu. Một công việc cực kỳ vất vả và chán chường. Bởi chiếc xuồng chưa nổi hẳn lên, chỉ cần một ngọn sóng nhẹ tạt ngang cũng đủ xô nước vào, xóa hết công lao khó nhọc của anh suốt mươi mười lăm phút trước. Nhưng không thể nản chí, không thể thua cuộc. Anh cứ tát nữa, tát mãi, tát hoài, tát cho đến khi chiếc xuồng cao su nổi hẳn lên trên mặt nước. Nhìn lại đồng hồ, anh nhận ra mình đã tát không ngơi tay suốt hai giờ liền.
Thoát nạn. Nhưng người anh cũng như tất cả đồ đạc trong xuồng đều ướt sũng. Tai hại là nước mặn ngấm vào mọi thứ. Sáng hôm sau, toàn bộ chiếc xuồng phủ một lớp muối. Tuy rất mỏng, nhưng đêm đến, gặp sương ẩm, nó hóa thành một thứ bầy nhầy, rin rít khó chịu vô cùng. May sao, những vật liệu quý trong đó có máy thu thanh, máy ảnh đã được cất trong các túi bằng ny lông và vải tráng cao su rất kín, không bị hư hại. Ngược lại, bao nhiêu diêm hỏng hết. Anh mang theo chừng một trăm bao, tưởng quá đủ dùng, bây giờ ướt cả loạt. Anh mang ra hong, hy vọng vớt vát được phần nào. Sau này, có khi đánh hết cả bao mới được một vài que bắt lửa. Thế là đến diêm cũng trở thành một thứ phải dùng dè sẻn.
Một Mình Giữa Đại Dương Một Mình Giữa Đại Dương - Phan Quang Một Mình Giữa Đại Dương