Tôi Trở Thành Học Sinh Trung Học Và Là Người Đánh Xe Ngựa
iờ đây tôi và Ô-lép đã là học sinh trung học. Tự khen thì không hay, nhưng dù sao tôi cũng nhận thấy rằng tôi đã làm bài thi rất tốt. Mọi việc của Ô-lép cũng thật thuận lợi và nỗi vui mừng của tôi gần như tăng lên gấp đôi. Đơn giản là vì tôi không sao hình dung được ai sẽ là người ngồi cạnh mình, cùng bàn với mình.
Có tám học sinh lớp tôi được nhận vào trường trung học. Trong số đó có Lin-đa. Thực thà mà nói tôi không thể hình dung được lớp học lại thiếu Lin-đa.
Trong số học sinh trúng tuyển có cả Khên-đu, nhưng chắc gì chúng tôi còn được gặp nó. Khên-đu không ở thành phố chúng tôi nữa.
Sau khi thi một tuần, tôi có rẽ lại nhà nó.
- Họ chuyển đi rồi, - bà chủ nhà, một người đàn bà to béo có ánh mắt nhìn tò mò báo cho tôi biết.
Tôi hỏi địa chỉ mới của Khên-đu.
- Anh bạn thân mến cũng thấy đấy, tôi không biết cái đó, - bà chủ nhà nói, xoáy cặp mắt to tròn chăm chú nhìn tôi. - Hình như họ đi đâu đó về nông thôn. Họ sống ở đây chả khác gì chuột, cho những người ấy ở nhờ thì thật hài lòng. Họ ít sử dụng đến bếp, mà đèn điện thì hầu như không bật. Ôi những con người hiền lành, thật thà. Cũng có lúc đầu óc tôi rối bời ý nghĩ không biết họ chuyển đi đâu. Nhưng cái đầu già nua của tôi không nghĩ đến cùng được. Anh bạn thấy đấy, tôi đã không kịp nghĩ ra chuyện phải hỏi xem họ đi đâu. Trong lúc họ bận rộn sửa soạn chuyến đi, tôi chả nghĩ được gì cả.
Tôi hiểu rằng có hỏi tiếp cũng chẳng biết được gì hơn. Chắc hẳn mẹ của Khên-đu muốn giữ kín nơi ở mới, còn mụ chủ nhà này thì rõ ràng là biết theo dõi bí mật không kém gì tôi và Ô-lép. Tôi thoáng buồn nghĩ rằng ở thành phố này khó mà có người nào cảm thấy thiếu Khên-đu. Nó đến là “Người mới”. Rồi nó đi. Tại sao nó đến và tại sao nó đi chẳng hề động chạm đến ai cả, thậm chí không ai biết. Hai mẹ con nó như con thú bị đầu độc phải chạy trốn từ nơi này đến nơi khác, tuy rằng không làm điều gì xấu, ngay đến con ruồi cũng không xúc phạm. Số phận vần xoay cuộc sống con người! Số phận ư? Không, đó chỉ là từ ngữ thôi. Bọn na-di - đó mới chính là kẻ phá hoại cuộc sống của chúng ta.
Và không một ai biết cuộc thảm sát này còn kéo dài bao lâu? Không một ai tin rằng dựa vào phép màu nào đó cuộc chiến tranh có thể sớm kết thúc trong vòng vài năm. Thực vậy ở ngoại vi Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát bọn Đức đang giậm chân tại chỗ, nhưng ở miền Nam bọn chúng lại bắt đầu nhích lên được. Trên báo chí có viết hàng ngày một số lượng lớn xe tăng của quân đội xô-viết bị tiêu diệt trên trận tuyến. Tất nhiên không thể tin vào những thông báo của bọn phát xít. Bọn Đức vốn vô địch về nói dối mà. Người ta kể rằng dựa vào các bản thông báo của bọn Đức, một người nào đó đã thử thống kê xem có bao nhiêu hồng quân bị giết và bị bắt làm tù binh trong chiến tranh. Kết quả cho thấy ở đất nước xô-viết chúng ta không còn sót một người đàn ông nào cả. Còn với số xe tăng bị tiêu diệt thì cũng thế thôi.
Dù sao thì bọn Đức vẫn đang tiến lên phía trước. Bọn chúng vẫn còn tiềm lực. Và có lẽ cũng phải một thời gian không ngắn nữa những tiềm lực ấy mới bị bẻ gãy.
Sau khi thi vào trường trung học, tôi bắt đầu nghỉ hè. Thật ra không thể gọi đó là nghỉ ngơi. Tôi buộc phải làm việc, bởi vì dạo mùa xuân đã có lệnh của giám đốc Bộ giáo dục buộc tất cả các học sinh trung học và học sinh các trường dạy nghề tới mùa hè phải đi lao động ở nông thôn. Đến mùa thu ai không có giấy chứng nhận, sẽ bị đuổi học. Người ta gọi cái công việc làm ở nông thôn ấy là lao động giúp dân.
Tất nhiên đáng lẽ tôi có thể về nhà cô tôi ở nông thôn để giúp đỡ công việc. Ở đó tha hồ mà làm việc. Nhưng tôi lại được sắp xếp công việc ở thành phố là đánh xe ngựa đến nhà trẻ. Phụ trách nhà trẻ ấy là một bà tốt bụng quen với mẹ tôi; bà ấy đã nhận tôi vào làm việc.
Nhà trẻ có một cơ sở kinh tế phụ cách thành phố 12 cây số. Thực chất đây là một trại nhỏ do nhà trẻ phát canh. Ở trong hầm chứa thức ăn dự trữ có khoai tây, cà-rốt, bí và các thứ rau khác mà tôi cần phải bốc lên xe ngựa đánh vào thành phố; tuy thời buổi nặng nề, nhưng vẫn phải đảm bảo thức ăn cho trẻ.
Tôi được trả công bằng hàng hóa. Điều đó có nghĩa là tôi không được trả tiền, mà là trả bằng các thứ rau quả do tôi chở đến nhà trẻ. Theo một sự thỏa thuận đặc biệt, tôi còn được trả một ít ngũ cốc để nuôi con gà Cư-ca. Đến mùa thu, nhà trẻ sẽ cho tôi một cái giấy chứng nhận rằng tôi đã làm việc ở đấy trong thời gian lao động bắt buộc ở nông thôn.
Con ngựa của tôi không biết là hay hay dở. Đó là một con vật già nua, chân sau hình như có hơi bị tê thấp. Nhưng một khi nó bắt đầu chạy thì có thể phi nước kiệu một hai cây số chẳng mùi mễ gì. Nó không cắn và cái chính là không động đậy tai khi bất chợt gặp xe ô-tô trên đường đi. Theo tôi, hiện giờ ở vào thời đại kỹ thuật, chúng ta lại cần chính những con ngựa này, vì chúng không sợ xe ô-tô.
Chiếc xe ngựa của tôi nói thật ra thì không đến nỗi nào. Thùng xe là một cái ngăn cạp bằng sắt tây màu vàng và cao hơn thùng những chiếc xe ngựa thông thường. Phía trước thùng xe, ngay sau con ngựa là một chỗ ngồi cao cao. Giá như có cảm tình thì cũng có thể gọi là cái ghế xà ích. Ở hai bên thành xe có viết chữ kiểu chữ in, màu xanh đậm: “Bô-khơ-man và con trai”. Hẳn rằng chiếc xe này trước kia đã có thời thuộc về cha con người lái buôn tên là Bô-khơ-man dùng để chở hàng của họ.
Dòng chữ này - “Bô-khơ-man và con trai” là điều duy nhất làm cho tôi đôi lúc hơi cay đắng với cái nghĩa vụ đánh xe của mình. Bây giờ tôi sẽ giải thích tại sao.
Một hôm đang chở khoai về thành phố, tôi bỗng trông thấy Gui-đô và Át-xơ ở trên phố. Hẳn độc giả cũng đoán ra là bọn chúng cũng trông thấy tôi.
- Này ông chủ, đánh xe lại đây! - Gui-đô quát.
Tôi không nghĩ được điều gì khác ngoài việc vung roi với nhiều ý nghĩa.
- Người đó đâu phải là chủ. Mày đọc ở trên thành xe xem - đó là con ông Bô-khơ-man đấy chứ!
- Lão Bô-khơ-man già đi đâu ấy nhỉ? - Gui-đô hỏi.
- Lão già Bô-khơ-man chả là đang ở nước Nga. Giờ đây thằng con trai lão đang chở thực phẩm đến cho lão, để lão khỏi chết lả vì đói ở nơi đó.
Tôi sôi máu lên. Tôi vung roi, nhưng hai thằng này đã khôn hồn đứng xa hơn hẳn chiếc xe. Lúc đó tôi lấy roi quật con ngựa, nhưng vô hiệu, bởi vì ngựa chở nặng cũng không thể chạy nhanh được.
Tôi lặng lẽ nuốt những lời chế giễu của thằng Gui-đô và thằng Át-xơ. Tôi chỉ nghĩ một điều: rồi sẽ có lúc tính sổ nợ với chúng.
Nói chung (loại trừ “Bơ-khơ-man và con trai”) tôi hài lòng với công việc của mình. Bây giờ tôi đã biết thắng ngựa và tháo ngựa vừa nhanh vừa chính xác, biết đâu sự thành thạo ấy lại chả có ích trong cuộc sống.
Nhưng ngoài ra, tôi và Ô-lép còn chiếm được một ưu thế hoàn toàn có tính chất quân sự do cái công việc đánh xe ngựa của tôi mang lại.
Nếu như độc giả có đủ kiên nhẫn thì đoán biết ngay chúng tôi có ưu thế đó là nhờ có thêm cái xe và con ngựa phụ lực.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối