Phụ Lục 1: Bóng Ma Cuối Cùng Của Chiến Tranh Việt Nam
Phụ lục đặc biệt của tác giả dành cho ấn bản tiếng Việt
Loại chất diệt cỏ màu da cam (Agent Orange) chết người này sẽ còn lưu lại ở Việt Nam lâu dài hơn cả một ký ức. - Nó được gọi là “bóng ma cuối cùng” của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Di chứng của chất độc màu da cam để lại trên đất nước này sâu hơn, rộng hơn rất nhiều lần so với hiểu biết của tôi trong thời gian chúng tôi phục vụ tại Quảng Trị những năm 1968 – 1969. Dù ngửi thấy nó, cảm thấy nó trên da thịt mình, tôi vẫn không hề hay biết gì về tính độc hại khôn cùng của nó. Và những người lính khác, ở cả hai phía, cũng cùng chung số phận như tôi. Tôi hiểu rằng chất khai hoang đang được sử dụng khi chứng kiến cảnh những cánh rừng bị bóc vỏ trơ trụi dọc đường mòn Hồ Chí Minh ở Đông Hà, gần Khe Sanh, Quảng Trị.
Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng đó là một loại chất diệt cỏ chỉ tác dụng lên bề mặt, gây rụng lá nhanh và hàng loạt. Nhưng sức hủy diệt thực sự của nó không dừng lại ở đó. Đối với cơ thể, chất da cam này gây chứng hồng ban dạng trứng cá do tiếp xúc với chất clor mà y học gọi là bệnh Chloracne. Về sau, người ta khám phá ra rằng nó gây ra ít nhất 60 loại ung thư khác nhau đối với người và động vật sinh sống trong những cánh rừng ở khắp Việt Nam.
Chất da cam được sử dụng như một phương tiện của cuộc chiến tranh sinh hóa tại miền Nam Việt Nam. Không có loại hóa chất nào gây hại đối với con người một cách nặng nề và dai dẳng hơn nó. Người Mỹ đã phun rải tổng cộng 21 triệu gallon (gần 80 triệu lít) gồm 15 loại chất khai hoang – diệt cỏ khác nhau trên một diện tích gần 3,6 triệu mẫu Anh (tương đương 1,45 triệu héc-ta) rừng rẫy, làng mạc của Việt Nam, trong đó riêng chất da cam là 11,6 triệu gallon (gần 44 triệu lít). Tất cả đều được nhận diện qua tấm nhãn màu cam gắn bên ngoài thùng chứa. Đó là một hỗn hợp 50 – 50 chất khai hoang thương mại gồm 2,4-D và 2,4,5-T có axít cacodylic làm tác nhân phát tán. Trong tất cả các loại chất khai hoang được sử dụng tại Việt Nam, chỉ có chất da cam là có công thức cấu tạo khác với các loại thuốc khai hoang được sử dụng ở Mỹ. Nó chứa một loại hóa chất cực độc. Chất da cam làm rụng lá và giết chết cả các loại cây gỗ thuộc hàng thiết mộc, nó còn để lại những di chứng âm ỉ, bức bối, chết người trên binh lính của cả hai phía, và cả thường dân Việt Nam, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ con.
Liên quân đã sử dụng chất khai hoang nhằm bóc trần nơi ẩn náu của bộ đội Bắc Việt và du kích, những người đã thiết lập một hệ thống tinh vi các đường mòn và địa đạo bên dưới những cánh rừng rậm nhiệt đới. Thông thường chất khai hoang được rải xuống từ những chiếc máy bay vận tải cỡ lớn C123 hay máy bay nhỏ dùng trong nông nghiệp, từ các loại xe cơ giới và cả bình xịt tay do binh lính thực hiện.
Chất da cam được quân đội Mỹ thử nghiệm vào đầu những năm 1960 và được sử dụng dồn dập vào năm 1967 – 1968, khi tôi đang phục vụ với tư cách một bác sĩ tình nguyện tại miền Nam Việt Nam. Chất da cam bị ngừng sử dụng vào năm 1971 sau khi nhiều nhà khoa học phản đối việc sử dụng chất này, nhưng ảnh hưởng của nó không dừng lại vào thời điểm đó. Binh lính Mỹ, những người từng hứng chịu những tổn thương mang tính di truyền và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe do sự phát tác của chất da cam đã phải đấu tranh hết năm này sang năm khác để yêu cầu thực thi công lý từ các tòa án Mỹ. Còn những người lính và thường dân miền Nam Việt Nam, nạn nhân trực tiếp của chất da cam, vẫn chưa được bồi thường. Trẻ con sinh ra tiếp tục bị khiếm khuyết, dị dạng bẩm sinh và nhiều di chứng khác, trong đó có ung thư.
Chất da cam có chứa chất kịch độc dioxin, gọi tắt là TCDD, một chất hóa học không có trong tự nhiên. Dioxin là chất sinh ra từ quá trình sản xuất thuốc diệt cỏ và là một loại hóa chất độc hại nhất mà con người từng biết đến. Một nghiên cứu của Úc ước tính rằng có khoảng 368 pound (tương đương 167 kg) dioxin đã bị rải xuống Việt Nam trong vòng 6 năm. Dioxin có thể bị phân hủy dần dưới ánh mặt trời, nhưng nó tồn đọng rất lâu trong đất. Hiện còn một lượng lớn dioxin đang nằm trong đất và nước ở Việt Nam.
Các mẫu kiểm nghiệm chất da cam 2,4-D sử dụng tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ nhiễm dioxin lên đến 50 phần triệu. Một vài chất da cam gửi sang Việt Nam nhiễm dioxin cao gấp 15.000 lần so với các loại thuốc diệt cỏ được sử dụng tại Hoa Kỳ. Sau năm 1971, sự pha trộn dioxin vào thuốc diệt cỏ bị luật pháp của nhiều quốc gia giới hạn ở mức 0,1 phần triệu. Điều lạ là, dù quân đội Mỹ có lưu trữ thông tin đầy đủ, nhưng vẫn có 14% chất da cam gửi sang Việt Nam là không rõ nguồn gốc.
Từ năm 1962, người Mỹ đã biết dioxin là chất cực độc và ít nhất Dow Chemical, một nhà cung cấp thuốc khai hoang, biết rằng hợp chất này được cho nhiễm dioxin vào năm 1965. Nhưng, không có nghiên cứu nào được nhà sản xuất hay quân đội triển khai để kiểm nghiệm khả năng gây đột biến gen, ung thư hay quái thai của chất da cam trước khi mang sang sử dụng tại Việt Nam. Ngày nay sự thật đã rõ ràng, tất cả các tác dụng nói trên đều có thể nhìn thấy ở người và gia súc tại Việt Nam.
“Khi chúng tôi (các nhà khoa học quân sự) tiến hành chương trình thuốc diệt cỏ vào những năm 1960, chúng tôi đã được cảnh báo về khả năng hủy hoại của thuốc diệt cỏ đã nhiễm dioxin. Thậm chí chúng tôi còn được cảnh báo rằng thuốc diệt cỏ theo công thức “quân đội” có nồng độ dioxin cao hơn các loại thuốc diệt cỏ “dân sự” vì giá thành thấp và thời gian sản xuất ngắn. Tuy nhiên, vì sản phẩm được sử dụng trên “đối phương” nên không ai trong chúng tôi tỏ ra quan tâm thái quá. Chúng tôi không bao giờ hình dung ra cảnh binh lính của mình cũng sẽ bị nhiễm độc. Và, nếu xảy ra tình huống này, chúng tôi mong rằng chính phủ của chúng ta sẽ trợ giúp các cựu chiến binh bị phơi nhiễm”. Tiến sĩ James Clary, một nhà khoa học phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ, người thiết kế các thùng chứa thuốc khai hoang đặt trên trực thăng, cũng là người viết báo cáo tổng kết Chiến dịch Operation Ranch Hand đã viết như thế vào năm 1979.
Hủy hoại con người
Trong suốt cuộc chiến, các báo cáo về tình trạng trẻ con bị dị dạng bẩm sinh xuất hiện trên báo chí Sài Gòn đều bị gạt bỏ vì liên quân cho rằng điều đó chỉ giúp tuyên truyền cho Cộng sản. Những lời oán thán về các chứng bệnh nguy hại từ những người nông dân khắp các làng mạc Việt Nam đều bị làm ngơ. Binh lính than phiền với bác sĩ rằng họ bị rát bỏng da, nhức đầu, nôn mửa và nhiều triệu chứng khác sau khi phơi nhiễm nhưng họ được bảo rằng điều đó không có liên quan gì với việc phun xịt thuốc diệt cỏ.
Là một bác sĩ, tôi đã nhìn thấy hàng trăm cựu chiến binh Mỹ mắc chứng vô sinh, ung thư, tiểu đường loại 2 và nhiều vấn đề về sức khỏe khác có liên quan đến việc phơi nhiễm chất da cam tại Việt Nam. Tôi từng chứng kiến những người vợ của họ mang thai chết lưu (bào thai bị chết trong bụng mẹ), hoặc sinh con dị dạng. Vợ của một cựu chiến binh tôi từng gặp đã sinh ra một đứa con không có đầu. Tôi tin thảm họa của gia đình này là hệ quả trực tiếp vì sự phơi nhiễm của người cha với chất da cam.
Các chứng ung thư và các bệnh do tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh liệt kê sau đây được cho là có liên hệ với việc phơi nhiễm chất da cam: ung thư tiền liệt tuyến, ung thư Hodgkin, bệnh lymphom không Hodgkin, bệnh đa u tủy, sarcom sợi ở người lớn, sarcom phần mềm phế nang, sarcom mạch máu, sarcom gân dạng tế bào sáng, sarcom sợi thể bẩm sinh, sarcom sợi bì lồi, bướu ngoại-trung bì, sarcom cơ trơn dạng biểu mô, bướu vỏ bao thần kinh dạng biểu mô, sarcom dạng biểu mô, sarcom Ewing ngoài xương, sarcom mạch máu, sarcom sợi ở trẻ em, sarcom cơ trơn, sarcom mỡ, sarcom mạch bạch huyết, bướu mô bào sợi ác, bướu đại bào ác tính của bao gân, bướu vỏ bao thần kinh dạng tuyến ác tính, bướu xoang cảnh ác tính, bướu chu mạch ác tính, bướu trung mô ác tính, bệnh nội mô mạch máu tăng sinh nguyên bào cơ vân, sarcom cơ vân, sarcom hoạt mạc, tiểu đường loại 2 ở người lớn, bệnh bạch cầu dòng lymphom dạng mạn tính, sarcom mô mềm, bệnh thần kinh ngoại biên, hồng ban dạng mụn trứng cá do tiếp xúc với clor (bệnh Chloracne), bệnh tăng sắc tố da mãn. Sự tàn tật ở con em các cựu chiến binh Việt Nam do tiếp xúc với chất da cam thường thấy là bệnh cột sống chẻ đôi (bệnh nứt đốt sống) và bệnh vô não.
Tôi muốn giải thích thêm một số kiến thức y khoa về các bệnh kể trên. Ung thư tiền liệt tuyến là bướu ác tính của tuyến tiền liệt ở nam giới. Bệnh Hodgkin là bướu hạch bạch huyết đặc trưng bởi sự phì đại của hạch bạch huyết, gan, lách và thiếu máu liên tục. Bệnh lymphom không Hodgkin cũng là bệnh ác tính của hạch nhưng khác với bệnh Hodgkin do không có tế bào Reed-Sternberg khổng lồ. Bệnh đa u tủy là ung thư của tủy xương, đặc trưng bởi có nhiều bướu ở khắp bộ xương và đau nhức dữ dội. Sarcom là bướu của mô liên kết, xương, sụn và cơ. Sarcom sợi ở người lớn là bướu xuất hiện ở người lớn xuất nguồn từ mô liên kết. Sarcom mô mềm phế nang là ung thư của phế nang phổi, cấu trúc có dạng túi ở phổi. Ung thư phế quản là bướu ác tính ở phổi và khí quản nằm trong phổi. Ung thư thanh quản là bướu ác tính của thanh quản.
Ung thư phổi là bướu ác tính của phổi. Ung thư khí quản chỉ xảy ra ở khí quản. Sarcom mạch máu là bướu thường gặp ở vú và da được cho là phát xuất từ mạch máu. Sarcom tế bào sáng của gân là ung thư của gân. Sarcom sợi bẩm sinh là bướu ác tính có trước khi sinh ở mô liên kết của bào thai. Sarcom sợi bì là bướu phát triển chậm gồm những nốt chắc. Bướu nội-trung bì là bướu gặp ở da. Sarcom cơ trơn ác tính là bướu ác tính xuất nguồn từ một lớp bao ngoài của cơ. Bướu vỏ bao thần kinh ác tính là bướu ác tính của lớp ngoài của tế bào thần kinh. Sarcom sợi ở trẻ em là bướu hình thành ở trẻ em xuất nguồn từ mô liên kết sợi. Sarcom mỡ là bướu có thể gặp ở bất kỳ nơi nào của cơ thể gồm có những tế bào mỡ. Bướu mô bào sợi ác là bướu của mô liên kết. Bướu xoang cảnh ác là bướu gặp ở dạng các nốt nhỏ ở nền ngón tay, ngón chân, lỗ tai, bàn tay, và cơ quan khác. Bướu trung mô ác là bướu của mô hay dịch có nguồn gốc phôi thai.
Bệnh nội mô mạch máu toàn thân là sự tăng sinh của một số tế bào mạch máu gây ra mất sắc tố da. Sarcom cơ vân là bướu của cơ. Bệnh thần kinh ngoại vi cấp là sự rối loạn chức năng tạm thời của hệ thần kinh. Bệnh thần kinh ngoại vi là sự rối loạn chức năng liên quan đến hệ thần kinh tự động hay hệ thần kinh thân thể, cũng gọi là bệnh thần kinh ngoại vi bán cấp. Bệnh thần kinh ngoại vi bán cấp ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây đau, tê và cảm giác tê rần ở các dây thần kinh. Bệnh Chloracne là những hồng ban sẫm màu trên bề mặt da do tiếp xúc kéo dài với chất dioxin. Bệnh tăng sắc tố da mãn là bệnh đặc trưng bởi tổn thương gan và thận và thay đổi sắc tố da.
Những khuyết tật bẩm sinh, bao gồm những bất thường về cấu trúc, chức năng và chuyển hóa của thai nhi được xác nhận là do tác động của môi trường sinh thái (bị nhiễm hóa chất độc hại) trong thời kỳ bào thai còn trong bụng mẹ. Bệnh cột sống chẻ đôi (Spina bifida) đặc trưng bởi khuyết tật lỗ đóng của ống sống làm tủy sống lộ ra hay có thể bị lồi ra.
Bác sĩ Samuel S. Epstein, một nhà giải phẫu bệnh học và độc tố học nghiên cứu trên người và động vật thí nghiệm, đã gọi chất dioxin là “tác nhân sinh ung thư mạnh nhất”. Trong suốt cuộc chiến nhằm đem chất độc màu da cam ra ánh sáng ở Hoa Kỳ, bác sĩ Epstein đã chứng minh ở Hạ viện Hoa Kỳ (trong Tiểu ban về các phương tiện y khoa và lợi ích của các cựu binh) rằng chuột thí nghiệm đã mắc phải nhiều loại ung thư khi tiếp xúc với dioxin. Ông cũng cho biết một tỷ lệ cao những công nhân trong ngành lâm nghiệp có tiếp xúc với chất 2,4-T hoặc 2,4-D đã mắc phải các loại bệnh ung thư.
Công lý cho cựu chiến binh Mỹ
Nhiều lính bộ binh Mỹ từng được trao cho các bình phun thuốc diệt cỏ để phun thứ chất da cam này xung quanh điểm đóng quân và doanh trại của họ. Lính biệt kích thì hoặc bị những chiếc máy bay nhỏ đang làm nhiệm vụ rải chất da cam vô tình phun cả lên người và nhiều người trong số họ mặc cả bộ quần áo đã bị nhiễm đó hàng tuần lễ liền cho tới khi cuộc hành quân kết thúc, hoặc uống nước lấy từ những ao hồ hay sông suối bị nhiễm chất độc chết người này.
Ngay cả các binh lính không nằm trong phạm vi bị rải chất độc hóa học cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm cao do sự phát tán chất này trong gió, do nguồn nước và cả thực phẩm bị nhiễm độc. Các phi công trực thăng bay xuyên qua những đám mây bị nhiễm độc mà không hề hay biết (trong khi chuyên chở hàng thùng hóa chất da cam) nên đã mắc nhiều loại bệnh chết người, vốn chỉ phát tác nhiều năm về sau. Ngay cả những phụ nữ (như y tá) ở bên ngoài vùng chiến sự hoặc ở xa tiền tuyến và rừng rậm hàng chục cây số cũng hứng chịu những mất mát to lớn như sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh con khuyết tật.
Những người lính Mỹ trở về từ Việt Nam bị những chứng bệnh nan y hành hạ làm họ đau yếu và già trước tuổi thì được bảo rằng điều đó chẳng quan hệ gì đến thời gian họ phục vụ tại Việt Nam. Các nhà sản xuất chất da cam và chính phủ Mỹ luôn phủ nhận bất cứ mối liên hệ nào trong nhiều năm liên tiếp.
Trước năm 1983, có khoảng 9.170 cựu binh Mỹ làm hồ sơ đề nghị cho hưởng các chế độ trợ cấp khuyết tật vì các vấn đề sức khỏe có liên quan đến chất da cam. Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ đã bác 7.709 đơn trong số này và cho rằng chỉ có chứng phồng rộp da mặt mới là hậu quả do chất da cam gây ra. Giới y học dân sự thì không mặn mà gì với những con người trở về từ vùng đất xa xôi, lại bị nhiễm chất da cam. Hầu hết các bác sĩ đều không hiểu rõ những hệ quả mà một người phải gánh chịu sau khi bị phơi nhiễm trước thứ chất độc chết người này. Các cựu chiến binh Việt Nam, những người khiếu nại với các bác sĩ trong Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ của chúng ta các rắc rối về sức khỏe thì thường bị làm ngơ, bị cho là tâm thần và bị nhốt vào các nhà thương điên, hoặc chỉ được điều trị sơ sài và thậm chí không được điều trị gì cả.
Không thể biết chính xác có bao nhiêu thường dân, binh lính, và bao nhiêu cái chết có liên hệ với chất da cam và những hóa chất độc hại khác. So với con số 58.000 lính Mỹ chết trận trong cuộc chiến 10 năm tại Việt Nam, người ta ước lượng rằng số người chết vì phơi nhiễm chất độc này phải cao gấp 5 lần. Các cơ quan y tế có thẩm quyền ước tính rằng có khoảng 250.000 cựu binh Mỹ chết sớm do hậu quả từ chất da cam hoặc các biến chứng từ nó.
Công lý từ luật pháp
Sau khi cuộc chiến kết thúc, nhiều bài báo về các di chứng của chất da cam bắt đầu xuất hiện tại Mỹ. Tại Seveso, Ý, một tai nạn công nghiệp xảy ra vào năm 1976 làm một lượng dioxin không kiểm soát được tràn vào không khí, làm chết hàng loạt súc vật trong bán kính nhiều dặm và gây bỏng da cùng nhiều rối loạn sức khỏe khác đối với người dân trong vùng. Riêng gia súc ăn cỏ bị nhiễm dioxin có tỉ lệ sẩy thai cao. Năm 1978, Tổ chức Bảo vệ Môi trường đã quyết định ngừng sử dụng chất da cam trong các khu rừng quốc gia vì số vụ sẩy thai gia tăng ở những phụ nữ sống gần các khu vực có phun chất diệt cỏ.
Theo quyển Waiting for an Army to Die: The Tragedy of Agent Orange của tác giả Fred A. Wilcox, các xét nghiệm trên khỉ nâu, ba giống chuột nhắt và hai giống chuột cống khác nhau đều cho thấy có sự nhiễm độc dioxin đối với hệ thần kinh. Điều đó có nghĩa là phụ nữ mang thai có thể sinh con chết lưu nếu bị phơi nhiễm chất này.
Ngay sau cuộc chiến, tại Hoa Kỳ, một loạt vụ kiện tụng về vấn đề liên đới trách nhiệm được tiến hành nhân danh 2,5 triệu cựu binh chiến tranh Việt Nam chống lại các nhà sản xuất chất da cam. Các nhà sản xuất như Dow Chemical, Monsanto (hiện đã đổi tên thành Solutia), Diamond Shamrock, Hercules, Uniroyal cùng nhiều công ty khác biện hộ rằng họ chỉ sản xuất hàng hóa cho chính phủ Mỹ sử dụng nên không thể bị kiện. Sau nhiều năm tranh luận ầm ĩ và trì hoãn, cuối cùng vụ kiện được dàn xếp bằng một thỏa thuận bên ngoài tòa án với việc bồi thường 180 triệu đô-la vào năm 1984. Năm 1989, sau khi thanh toán chi phí cho các luật sư, số tiền còn lại được chia cho các nguyên đơn. Tại Mỹ, một cựu binh chiến tranh Việt Nam mất sức hoàn toàn được nhận 12.000 đô-la, chia đều lãnh trong 10 năm. Trong thời gian này, các cựu binh ở Canada, Úc và New Zealand cũng nhận được tiền bồi thường từ các thỏa thuận bên ngoài tòa án với các nhà sản xuất chất da cam.
Quốc hội Mỹ thông qua Luật 102-4 với tên gọi Đạo luật Da cam vào năm 1991 và đây là cơ sở để tiến hành nhiều cuộc điều tra sâu rộng hơn về tác động chết người của việc phun rải loại chất khai hoang này. Đô đốc Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam Elmo R. Zumwalt, người từng ra lệnh thực hiện một số phi vụ rải chất hóa học đã giúp đem những tác hại của chất dioxin ra ánh sáng trước công luận Mỹ. Con trai của Zumwalt đã từng phục vụ tại Việt Nam và chết trẻ vì bệnh ung thư máu, một trong các chứng bệnh có liên quan đến việc phơi nhiễm chất da cam.
Năm 1996, sau một cuộc tranh luận dai dẳng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức thừa nhận chất da cam gần như là nguyên nhân của 13 chứng bệnh nan y từ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư máu, … cho tới tiểu đường loại 2 và bệnh thần kinh ngoại biên. Các cựu binh gặp rắc rối về sức khỏe có thời gian phục vụ tại Việt Nam đương nhiên được nhận các khoản trợ cấp theo chế độ thương binh. Một lính Mỹ sang Việt Nam dù chỉ một ngày cũng được xem là đã bị phơi nhiễm chất da cam. Nếu anh ta mắc chứng tiểu đường loại 2 hoặc một trong các loại ung thư gây ra bởi chất da cam thì sẽ được hưởng trợ cấp thương tật từ Cơ quan Cựu chiến binh Mỹ. Một phán quyết mới đây của Tòa án Tối cao Mỹ cho phép các cựu binh Việt Nam được chẩn đoán bị nhiễm chất da cam kể từ ngày 01/01/1995 trở đi có quyền khởi kiện các nhà sản xuất chất này.
Năm 1999, 20.000 người Hàn Quốc đã ký tên khởi kiện các nhà sản xuất chất da cam tại nước họ. Các tòa án Hàn Quốc đã yêu cầu Monsanto và Dow Chemical phải chi trả 62 triệu đô-la bồi thường cho 6.800 người. Tháng 01/2006, một tòa án khác của Hàn Quốc yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ chi trả cho các cựu binh Hàn Quốc từng phục vụ tại Việt Nam một khoản bồi thường khác là 63 triệu đô-la.
Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được bình thường hóa vào năm 1995. Vào thời điểm đó, Việt Nam tạm gác lại các yêu cầu bồi thường chiến tranh. Một vụ kiện các nhà sản xuất chất da cam nhân danh các nạn nhân Việt Nam bị một phiên tòa liên bang tổ chức tại Brooklyn bác bỏ vào năm 2005. Vì thế, cho đến nay vẫn chưa có một thường dân hay cựu binh Việt Nam nào nhận được một đồng bồi thường từ nước Mỹ. Hiện phía Mỹ đã đồng ý tham gia các cuộc nghiên cứu và khảo sát sâu hơn về vấn đề này tại Việt Nam.
Những việc cần làm ngay
Người phát minh ra chất da cam là một nhà thực vật học người Mỹ tên là Arthur W. Galston, về sau ông trở thành giáo sư đạo đức sinh học (bioethics) tại Đại học Yale. Trong một bài báo trên tờ The New Republic năm 1967, Giáo sư Galston đã cảnh báo chính phủ Mỹ về việc thả lỏng việc sử dụng chất diệt cỏ cực mạnh tại Việt Nam. Ông viết: “Chúng ta quá mù mờ về sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố sinh thái học nên không thể biết những biến đổi sinh thái gây ra từ việc phun rải thuốc diệt cỏ sẽ tác động ở phạm vi nào và kéo dài đến mức nào. Các biến đổi đó có thể hủy hoại sức khỏe những cư dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng…”. Giáo sư Galston là một trong những nhà khoa học đã khẩn cấp yêu cầu Tổng thống Nixon dừng ngay việc sử dụng chất da cam vào năm 1970, và ông vẫn còn tiếp tục kêu gọi khắc phục hậu quả mà các loại thuốc diệt cỏ này đã gây ra tại Việt Nam.
Một trong những vùng bị nhiễm dioxin nặng nhất ở Việt Nam là Biên Hòa, nơi 7.000 gallon (hơn 26.000 lít) chất da cam bị rơi vãi khắp nơi trong một tổng kho khí tài chiến tranh của quân đội Mỹ thời chiến tranh. Người dân tại đây sống cùng mức độ ô nhiễm dioxin cực kỳ cao – ước khoảng 413 phần ngàn tỉ, tức cao hơn 207 lần so với những vùng không bị phun rải chất diệt cỏ. Việc câu cá gần hồ Biên Hùng bị cấm vì hồ này vẫn còn bị nhiễm dioxin nặng sau hơn 30 năm kể từ ngày bị rải chất hóa học. Một vùng đất nhiễm dioxin nặng nề khác là Củ Chi, nơi cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40 km. Củ Chi một thời là vùng đất trồng cây ăn quả trù phú. Gần đây, cây cối mới bắt đầu xanh trở lại, nhưng vẫn còn ít người dám hái quả rừng ăn vì sợ bị nhiễm độc.
Trong quyển Chemical and Biological Warfare (Chiến tranh Sinh – Hóa), phóng viên người Mỹ Seymour M. Hersh đã trích dẫn một nghiên cứu vào năm 1967 của Toichi Fukushima, Trưởng Tiểu ban Nông nghiệp thuộc Ủy ban Khoa học Nhật Bản, về các phương pháp làm rụng lá cây cối và hủy hoại mùa màng ở Việt Nam của quân đội Mỹ. Nghiên cứu này ước tính các cuộc tấn công phá hoại mùa màng do Mỹ tiến hành đã tiêu hủy 3,8 triệu mẫu Anh đất trồng trọt ở miền Nam Việt Nam và gây ra cái chết của 1.000 nông dân và 13.000 gia súc. Fukushima nói có một ngôi làng bị tấn công hơn 30 lần bởi những chiếc máy bay C123 chuyên phun rải các chất diệt cỏ, “loại chất ăn mòn da cực mạnh và độc hại hơn thạch tín gấp nhiều lần”.
Một nghiên cứu khác của bác sĩ Tôn Thất Tùng, Tôn Đức Lang và Đỗ Đức Vân so sánh các trẻ em con của những người lính miền Bắc và con của các cựu quân nhân miền Nam Việt Nam, những người có các bà vợ không bị phơi nhiễm chất da cam, thì thấy rằng vợ của những người lính miền Nam có tỉ lệ sinh con bại não, dị tật bẩm sinh, sinh non, thai chết lưu, vô sinh cao hơn. Nghiên cứu này cho thấy việc phơi nhiễm với dioxin tác động đến khả năng duy trì nòi giống của người cha và khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
Chính phủ Việt Nam ước tính có khoảng 500.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh vì chất da cam, và 2.000.000 người khác mắc bệnh ung thư và các chứng bệnh khác có liên quan đến các loại chất khai hoang được sử dụng trong cuộc chiến. Hàng ngàn đứa trẻ khuyết tật bị cha mẹ bỏ rơi sau khi sinh đang được tập trung vào các Làng Hòa Bình tại Việt Nam.
Làm gì để tẩy rửa cho Việt Nam? Ở Mỹ, dioxin từng gây nhiễm độc thị trấn Times Beach của bang Missouri vào năm 1982. Trước đó Times Beach được phun dầu (nhiễm dioxin) vào những năm 1970 để chống bụi cát. Các mẫu đất được lấy lên cho thấy nồng độ dioxin vượt quá 100 phần tỉ, cá biệt có mẫu vượt 317 phần tỉ. Vì thế, toàn bộ 2.000 cư dân và tất cả các nhà máy đều được di chuyển ra khỏi vùng này. Nhà cửa bị giật sập và 37.000 tấn đất mặt nhiễm độc được xúc mang đi thiêu hủy. Tro từ vụ đốt bỏ được chôn lấp cẩn thận tại một nơi riêng biệt. Bất cứ khu đất nào tại Times Beach có nồng độ dioxin quá một phần tỉ đều được phủ một lớp đất sạch mới có trồng cỏ. Những cuộc tẩy rửa tương tự – rõ ràng là rất tốn kém – phải được thực hiện tại Việt Nam.
Các công ty đã từng bán hóa chất cho quân đội Mỹ ngoài việc bồi thường trực tiếp cho các nạn nhân còn phải có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho công tác tẩy rửa dioxin tại Việt Nam. Các gia đình Việt Nam cần nhận được sự công tâm của các tòa án Mỹ để được đền bù những mất mát và đau khổ mà họ đã và đang phải gánh chịu.
Như một cử chỉ thiện chí, tôi tin rằng chính phủ Mỹ rồi sẽ tiến hành một “Kế hoạch Marshall” khác để tẩy rửa cặn bã của chất da cam còn sót lại trong lòng đất Việt Nam. Tôi nghĩ cư dân các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan phải được biết về các tác hại khủng khiếp của chất da cam mà trước đây họ chưa từng được cảnh báo. Bên cạnh đó, những người từng bị phơi nhiễm chất da cam ở cả hai phía cần có hành động thích hợp để vạch trần bộ máy chiến tranh đã lan truyền cái chết ác nghiệt cùng những căn bệnh tàn khốc trong khi thu lợi nhuận hàng tỉ đô-la trên tuổi thanh xuân của chúng ta.
Nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, nhà phát minh ra chất da cam phát biểu: “Tôi cho rằng chúng ta, một quốc gia giàu có đã sản xuất ra những phương tiện chiến tranh đáng lên án, phải hành động. Đó mới là lương tâm của chúng ta”. Cũng như Giáo sư Galston, tôi tin rằng vì lương tâm của mình, nước Mỹ phải chuộc lỗi và sửa chữa những sai lầm về cuộc chiến tranh sinh hóa mà chúng ta đã gây ra tại Việt Nam.
Bác sĩ Allen Hassan
Không Thể Chuộc Lỗi Không Thể Chuộc Lỗi - Allen Hassan Không Thể Chuộc Lỗi