Hồi 21: Danh Thần Tống Từ Quan Treo Ấn Tiêu Thái Hậu Bàn Lấy Trung Nguyên
hái Tông thường đem việc hậu sự bàn với Triệu Phổ, Phổ tâu: "Tiên đế đã sai, bệ hạ sao lại có thể sai nữa. Lời ước nơi tráp vàng, không thể hoàn toàn chấp theo." Do đó, Thái Tông từ đó có ý muốn truyền ngôi cho con. Lúc ấy bị nhiễm bệnh nặng không khỏi, triệu Khấu Chuẩn, Bát Vương vào dặn dò việc sau này. Vua nói: "Tiên đế giao thiên hạ cho Trầm, chưởng lí đã 22 năm nay. Nay ngôi vị nên trả lại Bát Vương, mới không trái với mệnh của Hoàng Thái hậu". Bát Vương tâu: "Hoàng tử của bệ hạ đã trưởng thành, lòng người đều hướng về, ai dám có lời nghị khác, nay chỉ mong bệ hạ bảo trọng long thể thần quyết không muốn làm vua, nên lấy Thất vương mà lập".
Thái Tông im lặng hồi lâu rồi hỏi Khấu Chuẩn rằng: "Khanh hãy nói nên cho ai mà truyền ngôi đây?" Chuẩn tâu: "Bệ hạ vì thiên hạ mà chọn kẻ làm vua, nếu đem hỏi hoàng hậu là không được; đem hỏi cận thần, tể tướng cũng là không được. Duy chỉ có bệ hạ chọn người có thể giao phó thiên hạ mà lập vậy". Thái Tông liền nói: "Nay Bát Vương đã không chịu làm vua, thì nên lập Nguyên Khản làm chủ xã tắc". Chuẩn lạy mừng rằng: "Biết con không ai bằng cha. Thánh vương nay đã nghĩ kĩ là có thể lập, thì nên quyết định ngay". Thái Tông nói với Bát Vương: "Bệnh của Trẫm nay đã hết cách chữa, khanh hãy phò tá em mình cho tết. Tiên đế thường nói đời nào cũng có nịnh thần làm loạn quốc chính. Nay ban cho ngươi thiết khoản miễn tử kim bài 12 đạo, nếu gặp gian thần đương quốc thì được phép xử. Và con của Dương Nghiệp là Diên Chiêu, người này tất có thể định loạn, phải trọng dụng lấy đừng có bỏ". Bát Vương lạy thụ mệnh. Giây lát đế băng, thọ 59 tuổi. Lúc ấy cải nguyên là niên hiệu Chí Đạo năm thứ ba tháng ba. Đời sau đọc đến đây có thơ rằng:
Hỗn nhất Trung Nguyên chí diệc cần,
Kham xưng Mĩ chính hóa duy tân.
Thượng thiên nhược giả đương niên thọ,
Cánh sử lê dân vọng thái bình.
(Một cõi Trung Nguyên chí vẫn chuyên,
Khó thay đổi mới kẻ oai quyền.
Trời xanh ví thọ lâu như cũ,
Sao để dân đen ngóng thái bình.)
Thái Tông đốc tiền nhân chi liệt, thành công, những việc chưa làm được, nhất thống tự nguyện, bình định bốn biển, trong ngoài đều được yên, chỉnh sửa văn học võ công, lễ nhạc văn chương, có thể nói là sáng ngời nét mới. Nay đã án giá nơi điện vạn tuế, chúng văn võ liền lập Thất vương Nguyên Khản tức vị ở điện Phúc Ninh, tức là Chơn Tông hoàng đế. Quần thần sau khi triều hạ xong, tôn mẹ là Lý thị làm Hoàng thái hậu, mệnh trung quan phụng linh cữu của Thái Tông tới Án Lăng. Phong Vương Khâm làm Đông Thính Khu Mật sứ. Tạ Kim Ngô là Khu Mật phó sứ, tiến tước Bát Vương làm Thành Ý vương, còn các văn võ khác đều thăng chức theo bậc.
Hôm sau, Tham tri chính sự Tống Kỳ tâu rằng: "Thần nhờ ơn trên tiên đế, ở chức này đã lâu, vô ích với triều đình, xin bệ hạ chuẩn thần giải chức hồi hương, thần sẽ vô cùng cảm kích". Chơn Tông nói: "Trẫm mới lên ngôi, chính đang nhờ các khanh phò trợ, làm sao nỡ bỏ trẫm mà đi". Kỳ nói: "Triều đình thanh quý vô số, chỉ một mình vi thần, đâu đáng để nói" Vua thấy ý đã quyết như vậy, bèn chuẩn tấu. Tống Kỳ từ vua mà về. Vài ngày sau, Lữ Mông Chánh, Trương Tề Hiển đều dâng sớ đến, xin từ quan giải chức. Vua đều chuẩn cho hết. Từ đó việc lớn của triều đình, đều ủy cho Khu Mật sứ Vương Khâm xử lý.
Đây nói về Bát Vương vào chầu xong đi ra, chợt có một người cản lấy xa giá kêu oán đưa cáo trạng. Bát Vương hỏi rằng: "Người bị cáo trạng là ai?" Người này khóc nói: "Tiểu nhân là con của Hồ ngân tượng, hôm trước phụ thân bị người của tân vương triệu vào trong phủ, để làm bình uyên ương và để mưu hại điện hạ, nhiều ngày sau nay không thấy về. Sự rằng người ngoài biết được nên đã bị Vương Khu Mật hại chết ở trong phủ. Tiểu nhân có oan mà không có nơi tố giác, chỉ còn cách xin điện hạ làm chủ cho. Bát Vương nghe xong, nổi giận nói: "Ngày trước khi vừa rót rượu, thì ta đã đoán được vài phần. Lúc đó chỉ thấy Vương Khâm ở bên cạnh điều động mọi việc, không nghĩ ra được ý độc này" Liền lệnh tả hữu tiếp lấy cáo trạng, lấy ra 10 lượng vàng, đưa cho người cáo trạng đi. Rồi hạ lệnh hồi xa giá vào triều, vừa gặp Vương Khâm và vua đang ở bên điện bàn việc. Bát Vương thẳng tới trước tâu rằng: "Thần ở ngọ môn nhận được một tờ cáo trạng, cáo giác Khu Mật tự mưu Hồ Ngân Tượng. Thần đã nhận xử lý, nay đến tâu cho bệ hạ được rõ".
Chơn Tông nghe thất kinh, liền nói: "Vương Khâm thường ở bên trẫm, sao làm được việc đó, vương huynh đừng nghe lời của kẻ gian". Bát Vương cười nói: "Việc mưu sát Hồ ngân tượng, vẫn là vì thần mà ra. Thần lấy lòng trung thờ bệ hạ, sau bệ hạ lại có lòng nghi ngờ, tin nghe lời nịnh, muốn hại cốt nhục trong nhà. Nếu không phải Thái Tổ hoàng đế linh thiêng, xã tắc sẽ ra sao? Thần nếu có ý làm vua thì không đến hôm nay vậy". Vương Khâm vội tiến tới trước tâu rằng:"Bát Vương ỷ thế ép thần, nên đến đây nói những lời này. Sao lại có chuyện người bị mưu sát hôm trước không kiện, mà đợi bệ hạ đã lập đại vị, lại dám ở Ngọ môn phỉ báng thiên tử?"
Vua chưa trả lời, Bát Vương nổi giận, rút kim giá nhắm Vương Khâm mà đánh tới. Vương Khâm không kịp né tránh, bị trúng ngay sống mũi, máu chảy đầy mặt mà bỏ chạy. Bát Vương đuổi theo, Chơn Tông vội xuống thềm vàng khuyên cứu rằng: "Mọi việc nên nể mặt Trẫm, tha cho hắn một lần" Bát Vương liền dừng bước, chỉ Vương Khâm mắng rằng: "Mi nếu còn làm việc ác nữa thì ta sẽ giết đấy. Nay cô tạm tha chết cho mi". Nói xong phẫn nộ mà lui. Vương Khâm vẫn thủ phục trước vua mà xin được chết. Chơn Tông nói: "Bát Vương là tôi thần được tiên đế yêu, trẫm còn phải nhường, huống chi là ngươi, về sau làm việc gì cũng nên tránh vậy". Vương Khâm dập đầu lui ra. Về đến trong phủ Khu Mật, rất hận Bát Vương và nghĩ kế để báo thù, liền viết một bức mật thư, sai tâm phúc lén đem về U Châu gặp Tiêu hậu tâu rằng: Trung Quốc Thái Tông án giá, Tân vương mới lập trong triều lương tướng không nhiều. Nếu phát quân mã vào cướp, ắt có thể đồ được Trung Quốc"
Tiêu hậu được tấu chương, bèn cùng quần thần thương nghị. Tiêu Thiên Hữu tâu: "Gia Luật Hưu Ca đóng quân ở Vân Châu, nhiều lần xin cử binh phạt Tống, nay nếu Trung Quốc có tang, chính là lúc nên thừa cơ họ không phòng bị, nhất cử là có thể thành công ".
Lời nói chưa dứt, Quyển Liêm tướng quân Thổ Kim Tú xuất ban tâu rằng: "Vua Tống rất giỏi dùng người, soái thần nơi biên ải, đều là hổ tướng cả. Lời của Vương Khâm chưa chắc đích thực. Nếu lập tức cử binh nam hạ, khó định thắng thua. Thần có một kế, có thể khiến Trung Quốc hiến nạp đất Sơn Hậu cửu châu cho bệ ha chưởng quản, không cần hưng binh động chúng vậy".
Hậu nói: "Khanh có kế gì?" Kim Tú nói: "Bệ hạ nay có thể sai người mang thư vào thông báo với Trung Quốc rằng thần cùng với Ma Lí Chiêu Cát, Ma Lí Khánh Cát sẽ dẫn 5000 quân kị đến biên giới Hà Đông, hẹn với người Tống thi đấu. Nay tiễn pháp của thần thiên hạ vô song, Chiêu Cát giỏi dùng thương, Khánh Cát giỏi đùng đao. Nếu Trung Quốc biết được tin này, nhất định sẽ chọn người có tài nghệ xuất chúng đến để cùng chúng thần thi đấu. Nếu quả là đối thủ của thần, thì trễ vài năm mới chinh phạt, còn nếu không đấu lại bọn thần, thì biết là Trung Quốc không còn người giỏi. Lúc đó bệ hạ ngự giá thân chinh, thẳng đến Biện Kinh, giang sơn nhà Tống sẽ không khó mà đoạt lấy vậy!" Tiêu hậu nghe tâu, mừng rỡ, lập tức sai sứ thần mang thư, đi vào Trung Quốc, dâng lên Chơn Tông. Thư viết:
Gần đây, thần nghe triều đình có việc tang, chưa kịp vào viếng, thật đắc tội, đắc tội. Nay hai nước giao hảo, từ xưa đến say đều là điều tốt đẹp. Năm trước việc binh không dứt, dân lành bị hại, cô rất thương xót. Nay đặc khiến ba viên tiểu thần ở dưới trướng đến nơi phân giới ở Tấn Dương cùng hội với vua quan Tống săn bắn một phen, và bàn chuyện chấm dứt chiến tranh, sớm định cương thổ, để tránh việc chém giết nơi biên ải hàng ngày diễn ra, quân sĩ luôn luôn sợ hãi. Đây là cuộc gặp mặt ngàn năm có một, mong nhà vua để ý vậy.
Chơn Tông được thư, cùng quần thần thương nghị. Khấu Chuẩn tâu rằng: "Xem thư của Tiêu hậu đưa đến, lời lẽ cao ngạo, chắc là muốn cho bệ hạ xem sức mạnh quân sự của họ. Tướng của quân Liêu phản nghịch đến, chẳng qua là thử đao tiễn mà thôi. Ta đường đường là Trung Quốc, đâu có lẽ là không có được người địch lại ư! Nay nên hạ thánh chỉ, tuyển ra người văn võ song toàn để đến nơi hội săn bắn" Chơn Tông nói: "Các tướng tài bậc tiền bối đều đã già yếu. Duy trong cha con Dương Nghiệp chỉ còn có Dương Quận mã, tiên đế từng sai sứ đến Trịnh Châu điều về, mà nay vẫn không nghe tin tức gì. Còn các soái thần khác, e rằng không thể thắng được tướng giặc vậy" Chuẩn lại tâu rằng: "Bệ hạ nên sai sứ tới Trịnh Châu đòi đến một lần nữa". Vua chuẩn tấu, liền sai trung quan mang sắc chỉ tìm tới Trịnh Châu, nhưng không tìm được tung tích. Thái thú Trịnh Châu nói rằng: "Tiên đế từng xá tội và đưa về triều rồi", trung quan chỉ đành về phúc mệnh, tâu rõ với Chơn Tông. Chơn Tông lo lắng buồn bã cả ngày. Bát Vương tâu rằng: "Để thần tới Vô nịnh phủ xem động tĩnh, ý bệ hạ thế nào?". Vua nói: "Việc này là việc lớn rất quan trọng, vương huynh nên hết sức để ý hỏi giúp".
Bát Vương lập tức xuất triều, đi đến Vô nịnh phủ, vào gặp Lệnh Bà và Thái quận phu nhân, hỏi thăm tin tức của Dương Quận Mã. Lệnh Bà nói: "Lục lang phạm tội phát phối nơi Trịnh Châu, rồi không thấy trở về. Hôm nay điện hạ tới hỏi, kẻ già này thật sự là không biết". Bát Vương nói: "Vua mới lên ngôi, đã có chỉ ân xá đòi về nay nên chịu mệnh vào triều, vì nước nhà mà ra sức, sao lại trốn tránh?" Thái quận nói: "Xin hãy thư cho vài ngày, đợi cho người đến Trịnh Châu tìm kiếm, kêu về mà gặp Điện hạ" Bát Vương hiểu ý, liền từ biệt Dương Lệnh Bà, về triều tâu lại: "Họ cũng không biết Quận mã ở đâu?".
Chơn Tông nghe tâu, đang lo buồn, chợt cận thần gấp tâu: "Liêu binh ở Tấn Dương cướp giật quân và dân, rất là nguy cấp, xin bệ hạ sớm có định đoạt" Chơn Tông hỏi: "Trong vãn võ ai là người có thể đi chuyến này?" Khấu Chuẩn tâu nói: "Cấm quân giáo luyện sứ Giả Năng có văn võ song toàn, xứng được chức này". Vua chuẩn tấu xuống sắc chỉ phong Giả Năng làm Thống thân quân sứ, dẫn 1 vạn kị binh, cùng Khấu Chuẩn tới Tấn dương hội lạp. Giả Năng lập tức từ biệt vua rời Biện Kinh, hướng về Hà Đông tiến phát.
Lúc ấy, Vô nịnh phủ sai người dọ biết được quân đã khởi hành, về báo với Dương Lệnh Bà. Lệnh Bà nói với Lục lang rằng: "Giả giáo luyện không phải là địch thủ của tướng Liêu, nay quốc gia mới lập vua mới, con ta phải ra giúp thôi". Lục lang nói: "Mẫu thân không nói, con cũng có ý này từ lâu. Nhưng cần phải có thêm một người giúp đỡ thì tốt hơn". Chưa dứt lời, Bát Nương, Cửu muội vào nói: "Hai chúng em cùng đi với ca ca" Lục lang nói: "Các cô là phận nữ lưu, làm sao đi được!" Bát Nương nói: "Hai chị em sẽ cải trang đi theo trong quân, không ai biết được đâu. Lục lang nghe lời, ngay hôm đó từ biệt Dương Lệnh Bà, dẫn hai em đến Tấn Dương, chuyện không có gì đáng nói.
Ở đây nói về Liêu tướng Thổ Kim Tú lập đại doanh ở nơi địa giới Hà Đông, ngày đêm cướp phá nhân dân nơi biên giới, uống rượu vui chơi. Chợt nghe báo quân Tống sắp đến, Kim Tú nghe được, liền cùng Ma Lí Chiêu Cát bàn rằng: "Tôi cho rằng người Tống không có cha con nhà họ Dương, các tướng khác thì ta không phải lo gì cả. Nếu gặp khi đấu võ, thì chỉ cần dụng tâm, để đáp lại lòng mong mỏi của chúa ta vậy". Chiêu Cát nói: "Sẽ sử dụng sở học bình sinh, phải thắng người Tống mà về" Kim Tú sắp đặt xong. Hôm sau dựng hồng tâm nơi đồng rộng bằng phẳng, đem quân sĩ phân bố chỉnh tề. Nhìn ra xa thấy hướng chính nam tinh kỳ phấp phới, sát khí ngút trời, quân Tống kéo đến. Hai bên dàn trận, ở trận bên kia, Liêu tướng thổ Kim Tú nai nịt toàn thân, đứng ở dưới cờ, bên trái có Ma Lí Chiêu Cát, bên phải có Ma Lí Khánh Cát. Ba con ngựa đứng dàn hàng ngang. Trong trận Tống, Khấu Chuẩn ra trước, Giả Năng nai nịt đứng ở phía sau. Khấu Chuẩn nói: "U Châu ngươi tự lập quân hậu. Trung Hoa và Man Di có sự phân chia rõ ràng, vì sao nhiều lần xâm phạm cảnh giới, nhiễu hại dân ta?" Thổ Kim Tú nói: "Chúa ta thấy Trung Quốc vừa lập vua mới, muốn cùng đến săn bắn ở Tấn Dương, sẽ nghị tiệc chấm dứt binh đao, vua Tống vì sao lại không tự đến?" Khấu Chuẩn lớn tiếng nói: "Nay vua mới lên ngôi, uy phong chấn động, khắp nơi, không đâu là không ngưỡng phục. Vua ta phải cùng văn võ bàn việc trị nước, đâu có rảnh rỗi mà có thể cùng bọn người Liêu các ngươi hội họp săn bắn ư?" Thổ Kim Tú không biết trả lời thế nào.
Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa - Hùng Đại Mộc Dương Gia Tướng Diễn Nghĩa