Chương 22
ột hôm trên đường từ Cồn Lớn về Cồn Chim, tôi đang lủi thủi đi, bỗng nghe tiếng kêu:
- Ê phải mày là thằng Triết không?
Tôi quay lại thấy một ông nông dân vác cuốc trên vai, mặt mày lem luốc, áo quần xốc xếch. Tôi đang ngơ ngác thì ông ta cười hề hề, đến vỗ vai tôi:
- Bốn nè. Bốn học lớp thầy Pho ở Cầu Mống.
Bừng lên trong óc tôi mái trường ngói đỏ au ba gian. Một chiếc trống đặt ở giữa, học trò đua nhau giành giật cái dùi trống để đánh giờ tan học, vào lớp.
- Tôi không nhớ.
Ông ta nhắc tiếp:
- “Bốn… lù” nè!
- À! Nhớ rồi.
Nhờ cái biệt danh “Bốn lù” mà chúng tôi nghịch ngợm đặt cho hắn. Trời đất. Ba chục năm qua. Kể từ xa mái trường làng tôi không có dịp quay về thăm thầy và không gặp lại thằng bạn nào hết.
- Về nhà tao chơi!
- Sao mày lọt xuống đây?
- Ông già tao chết. Má tao có chồng khác. Tao theo bả xuống đây làm ăn mấy chục năm nay.
- Mày ở Làng Mới với thằng Xuân thằng Thu, thằng Vinh Trần, thằng Hai Địa phải không?
- Đúng rồi. Tao ở Làng Mới! Nhưng bỏ đi lâu rồi.
- Mày còn viết chữ đẹp như xưa nữa không?
- Viết gì mà viết. Tao có đi cán bộ một lúc, nhưng ở trên huyện bảo tao “hụt tiêu chuẩn” nên không cho đi nữa.
- Tiêu chuẩn gì mà hụt?
- Ông già tao là hội tề.
Về đến nhà bạn, tôi hết sức ngạc nhiên. Vợ nó gần như má chiến sĩ. Con một bầy. Thằng lớn nhất đã có ria mép, nói tiếng ồ ề. Bốn hỏi:
- Muốn nhậu gì?
- Gì cũng được.
- Cá khô hay gà vịt. Heo cũng có. Ở đàng xóm có con heo bị lựu đạn gài.
- Làm nhè nhẹ thôi mày ạ!
Nhà Bốn cất trong đụn cát. Nghĩa là nó khoét cát thành hang rồi dựng sườn nhà cột kèo gác trong đó. Nóc và vách đều bằng cát chỉ có cửa là bằng gỗ thôi.
- Ngủ trong nhà tao cà-nông của hạm đội Bảy cũng không làm gì được. Bốn tía con tao làm một tháng mới xong. Chỉ sợ phản lực bỏ bom thôi.
- Ở đây vài bữa ăn đám gả con gái tao.
- Hả?
- Tao sắp gả con gái. Con chị của thằng nhỏ đó.
- Trời đất!
Tư Mô giải thích:
- Tại chú ham vui cứ đi hà rong hà rỗi từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam, chớ nếu ở nhà thì cũng có thua gì chú Bốn.
Bữa cỗ chiều nay thật là linh đình. Thứ gì ngon nó cũng dọn lên hết.
- Ăn mừng ba mươi năm gặp lại nhau.
- Mày có gặp thầy cũ nào của mình không?
- Có nghe chuyện như không gặp.
- Thầy nào?
- Thầy Pho. Ổng bị Việt Minh bắn hụt rồi ông bỏ nhà lên Bến Tre luôn. Từ đó tới giờ không biết thầy ở đâu nữa. Thầy Ba thì chết rồi. Thầy Thượng nghe hình như cũng chết. Ổng uống rượu li bì... Con thầy Ba có chồng hồi mười bảy tuổi. Mày nhớ nó không? Huỳnh Thị Kim Anh có cặp mắt mơ huyền! Mấy chục năm rồi mày không có đi chợ Cầu Mống?
- Ít nhất là ba chục năm. Kể từ ngày bộ đội anh Hai Phải hạ đồn Cầu Mống, Tây tái chiếm tao đi luôn tới bây giờ.
- Mày đi kháng chiến hồi nào?
- Đi luôn từ 45.
- Dữ vậy? Tao cũng có hụ hợ hết vài năm. Rồi bỏ về nhà. Đồng Khởi lên, tao cũng dựa hầu mé vài năm rồi bị chê thành phần không cơ bản. Về nhà trồng dưa hấu.
- Ở đây dưa dễ trồng không?
- Muốn trồng thì trồng chớ dễ khó gì. Mà mày đâu có thì giờ như tao.
- Ờ. Con Lự bây giờ ở đâu?
- Nó chết rồi!
- Con nhỏ ngộ ghê.
- Hồi đó cứ hễ trời mưa thì tụi mình làm xe lửa chạy, cứ nhắm tụi con gái mà đâm vào. Tụi nó thưa thầy bị phạt mà cũng không thất kinh.
- Con Lự ở Làng Mới phải không?
- Nó ở gần nhà tao. Tao muốn ve mà không biết làm sao.
- Muốn người ta người ta hổng muốn… Xách …
-…. cặp dừa đi xuống đi lên, hà hà…
- Trời! Con nhỏ trắng như bông bưởi tóc dài chấm mông đoan trang hết sức.
- Toàn mặc đồ trắng đi học.
- Con Phượng cũng ngộ chớ mậy.
- Ngộ nhưng tao không muốn. Hồi nào tới giờ tao chưa thấy đứa nào ngộ bằng con Lự. Ê còn thằng Thổ Bền, thằng Vĩnh Phạm, Vĩnh Bùi đâu mậy?
- Vĩnh Phạm đi đâu biệt tích. Anh nó là anh Trung làm cứu thương chết trong trận Cầu Mống. Vĩnh Bùi là chú tao. Ổng có vợ có con cũng cỡ đám con mày. Còn thằng Thổ Bền cùng ấp với tao nhưng không gặp. Chắc cũng vợ con đùm đề rồi.
- Còn mày?
- Con tao mới sáu tháng.
- Trời đất? Chừng nào mới làm suôi được?
- Chừng ăn trầu ngoái.
Bỗng nghe rung rinh mặt đất. Bốn ngưng đũa nói:
- Hạm đội Bảy tụng buổi chiều.
- Ở đây bị thường không?
- Một ngày ba trận, sáng, trưa, chiều.
- Trận nào nặng nhất.
- Tùy hỉ. Bữa nào thiếu rượu nó quạo thì nó bắn nhiều. Bữa nào có nhiều rượu, bận đưa cay thì nó bắn ít. Thứ lính Mỹ mới tập bắn, nó bắn mình không biết đường đỡ.
- Đỡ cách nào?
- Lấy thúng ra hứng chớ còn cách nào! Nó chạy lên gần ngang đây rồi đó. Nhưng cứ yên trí làm hết chai này. Nó ria đều mỗi nơi vài quả. Vì nó chạy chớ không phải đứng tại chỗ. Hầm này “chầu đôi” kìa mới sợ.
- Chầu đôi là sao?
- Là hai trái rớt một lỗ. Trái trước dùi một thước rưỡi, trái sau tiếp theo… cũng chưa thủng vì nóc “nhà” tao dày bốn mét cát cứng chớ không phải cát xốp.
Tôi hỏi sang cái xác tàu nằm ngoài bãi. Bốn thuật lại rất chi tiết. Vì chuyện này ai cũng biết hết rồi, không còn giấu giếm được nữa.
- Tụi nó theo dõi đâu từ ngoài Miền Trung lận. Cho nên tàu vừa cặp vô đây là ba chiếc phản lực tới bỏ bom liền. Bom rơi xuống biển nước tung lên cả chục lần. Sau cùng mới thấy khói đen lên. Rồi tiếp theo là tiếng nổ liên hồi. Tao núp ở miệng hầm ngoài bãi nên trông thấy rõ.
- Mày đi đâu ngoài đó, bộ không sợ à?
- Tao đang làm rẫy dưa, nghe phản lực tới thì chui hầm. Mọi lần thì nó bỏ bom trong xóm, còn lần này nó bỏ ngoài biển. Khi tàn cuộc thì trực thăng tới, tiếp tục bắn. Chập sau thì thấy lửa lên. Tao biết là tàu bí mật của mình.
- Sao giỏi vậy?
- Vì mấy lần trước thoát hết. Đạn dược đem vô bờ rồi tản khai ra. Kỳ này nó bỏ bom tàu xong thì bỏ bom luôn rừng Trảng Cát. Hồi đầu kháng chiến Binh Công Xưởng của mình đặt ở đó. Tụi Nhựt thua chạy ra tàu cũng nhủi trốn trong rừng đó. Bây giờ mình cũng đặt căn cứ ở đó, làm sao bí mật được? Nó không chơi bằng phản lực đâu. Nó xài B52 mày ạ. Bây giờ còn đạn mà không ai dám vô mò lấy. Tụi Mỹ này ghê gớm lắm. Không có cái giống gì lọt mắt nó đâu. Ban đêm mày thấy máy bay thám thính chụp hình rầm rầm, liên tục, mấy đêm liền không?
- Ở như vầy mần ăn sao được. Mày định dời đi đâu?
- Mắc gốc mắc rễ ở đây rồi, dời đi đâu mà dời? Ngày nào cũng lãnh vài trăm phát cà-nông hạm đội Bảy. Vài bữa trực thăng rượt dân cào nghêu một bữa. Ít có ngày nào yên ổn. Người ta coi cái chết như cơm bữa. Riết rồi cũng quen đi. Không quen cũng không được.
Tôi hỏi:
- Làm sao tàu vô trong cạn được vậy?
Bốn đáp:
- Không phải đâu. Hai năm trước, khi bị bắn, nó ở ngoài khơi, nhưng bây giờ bãi bồi ra xa nên coi như nó bị mắc cạn vậy. Vài năm nữa thì cát sẽ lấp lên đến nửa thân nó.
- Còn người trên tàu đâu?
- Có người đồn là trực thăng có xúc được một vài người. Nhưng không ai rõ. Chỉ thấy mấy cái xác cháy thui tấp vô bờ.
- Không có giấy tờ gì à?
- Thân mình đầu cổ còn không nguyên vẹn, giấy tờ nào còn được?
Về sau khi gặp Dương Đình Lôi ở Củ Chi tôi mới biết rằng thủy thủ đoàn gồm những người cảm tử. Giữa tàu có đặt một tấn thuốc nổ TNT, hễ đụng trận giữa biển liệu bề không thoát thì cho nổ. Trường hợp ở bãi biển này có lẽ bị tấn công bất ngờ nên họ không trở tay kịp hoặc họ không muốn hi sinh. Không biết lẽ nào.
Sống trong cái “rọ” này tôi mới thấy Trường Sơn là dễ thở. Mặc dù sốt rét, thiếu ăn, đôi lúc bị biệt kích, nhưng cái chết không sát sườn như ở đây. Ở đây lúc nào cũng có thể lăn đùng ra chết. Cả nhà đang ăn cơm, một trái đạn từ hạm đội Bảy bắn vào rơi ngay giữa mâm. Một đám người đang cào nghêu, trực thăng đến. Ít nhất vài người bị thương. Ngày nào cũng có dân ngoéo cua bị lựu đạn gài nổ v.v…
Có một nhân vật thiệt ngộ nghĩnh, đó là ông Tư Chảo. Ông Tư có lò nấu muối gồm ba cái chảo đụng to. Một lần trực thăng bắn rát quá. Sãn cái chảo, ông chui tọt vào úp lại. Khi trực thăng đi, cả nhà không biết ông ở đâu, chỉ nghe bên trong tiếng la văng vẳng. Vợ con giở chiếc chảo lên. Ông ngộp suýt chết. Hàng xóm hỏi sao lúc nãy một mình mà giở chiếc chảo nổi, bây giờ lại không giở nổi. ông cười:
- Lúc nó bắn, cái núi tôi giở cũng nổi nữa là cái chảo.
Từ đó ông có biệt danh là Tư Chảo. Tôi và Tư Mô thỉnh thoảng cũng tắp lại nhà ông Tư Chảo xin một bữa cơm. Riêng tôi định bụng khi viết truyện sẽ đưa nhân vật này vào. Chỉ một nét “Chảo” cũng đủ làm nên nhân vật. Độc giả chỉ xem qua là không thể nào quên được.
Thế cùng tắc biến. Đeo mãi đoàn Văn Công của Ba Lương rồi cũng chán, tôi và Tư Mô tìm chỗ khác để bám vào. Tôi thấy trung đội địa phương của huyện Thạnh Phú bèn bàn với Tư Mô tìm cách làm quen. Hồi kháng chiến tôi đã từng đi với nhiều trung đội địa phương của các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn để làm công tác văn nghệ và săn đề tài. Trong tình thế hiện nay, việc dạy hát, dạy viết bích báo không còn thực hành được nữa thì tôi trổ tài nói chuyện văn nghệ. Tôi kể truyện Tàu, truyện Tây và phân tích cho lính nghe. Lính thích lắm. Do đó họ cho chúng tôi ăn cơm “siếu mẫu”. Chỉ được một tuần lễ thì họ rời địa điểm đi xa, chúng tôi không thể nào lê gót theo được. Tình trạng thân sơ thất sở này kéo dài cả tháng chớ không ít.
Một buổi sáng tôi và Tư Mô đang chuẩn bị đi “phòng động” thì “động” tới. Nếu trước đây chợ An Định được coi như một “đống chà” để nhử cá thì bây giờ phần đất này của Thạnh Phong chính là một đống chà vĩ đại hơn nhiều vì nó gồm đủ loại cá có thể có cả “cá tra, cá mập” nữa.
Sự việc bị chụp đã được dự đoán từ lâu thì nay xảy đến. Quân Sài Gòn đổ một phát ba mặt. Từ trong rừng đánh ra, từ cửa Hàm Luông ruồng tới và từ cửa Cổ Chiên ốp lại. Giao điểm sẽ là chợ Cồn Chim. Chỉ còn một cửa sống là biển. Chiến cuộc này còn nguy hiểm hơn Huê Dung Đạo cho Tào Tháo khi xưa nhiều.
Chúng tôi đeo dính đoàn Văn Công của Ba Lương. Bị đuổi nột, đoàn ra tới mé biển thấy có một bãi lầy cách bờ biển một cái “khém” chừng hai trăm thước. Ba Lương quyết định đưa cả đám nam nữ chém vè bên đó. Tôi và Tư Mô bàn với nhau không đi theo vì cái khém đang cạn lòi bùn, lội lầy cũng mất mười lăm phút còn phần nước sâu bơi cũng mất mười lăm phút. Nhìn đám nam thanh nữ tú vượt chết chúng tôi quyết định ở lại. Ai chỉ huy cuộc hành quân này cũng phải rõ địa hình và đoán được những kẻ cùng đường phải tìm nơi chém vè ở cái “cồn lầy” bé tí tẹo này. Nhất định trực thăng sẽ bắn nát như tương sau đó sẽ nhảy giò xách tóc từng mạng một.
Tôi và Tư Mô lùi trở lại lủi bạt mạng vào bụi rậm. Quả nhiên cánh quân đánh từ rừng đi thẳng một mạch ra mé biển, chờ hai cánh kia đánh tới. Chúng tôi như hai cọng lát lọt kẽ răng bừa và sống sót. Đoàn Văn Công bị xúc gần hết.
Cuộc hành quân chớp nhoáng và kết thúc vào lúc trưa. Sau đó chúng tôi chạy ngược lên phía Rạch Vẹt, nơi đây có nhiều rừng lá dễ trốn lánh hơn. Cuộc sống của hai gã cán bộ R thiệt gian nan, sự đói khát đã đành nhưng điều đó không đáng sợ bằng sự lạnh nhạt của người dân. Không ai muốn cho mình vào ở đậu, không ai muốn cho mình nấu nhờ cơm. Mà chúng tôi không có một người quen nào để bám víu ngoài Ba Thơ và Tư Cua. Không biết giờ này hai cụ ở đâu?
Chúng tôi vào đại một ngôi nhà quen ở giữa Rạch Vẹt. Nơi đây có một cái bến đò máy đi Thạnh Phú. Ở bến này có một cái quán con. Sau cuộc ruồng chủ quán cũng rục rịch đóng cửa, đi chỗ khác làm ăn. Chúng tôi vào mua khô và gạo rồi sang ngôi nhà hoang nấu ăn. Ánh lửa hoang vu hiu hắt lạ lùng. Chẳng lẽ khóc?
Tư Mô trở lại mua trà. Khi về nhà anh nói:
- Ông chủ quán nói có hai người đàn bà ẵm con nhỏ đi tìm chồng, nhưng nghe chụp dù thì lật đật xuống đò về liền.
- Rồi sao?
- Tôi nghi là thím Hai lắm!
- Tại sao?
- Không hiểu sao. Có lúc linh tính. Hồi kháng chiến, tôi cũng gặp một ông chủ quán mách cho tôi một trường hợp như vậy. Chẳng dè là vợ con của tôi! Đâu chú sang hỏi thêm coi!
Tôi bỗng nghe tim rung động. Tôi bỏ nồi cơm cho anhTư, vọt qua quán, hỏi ông chủ quán:
- Người đàn bà đi rồi hả bác?
Bác chủ quán vừa ngó tôi và nói ngay.
- Vợ con của chú chớ ai.
- Sao bác dám chắc vậy?
- Tôi thấy đứa nhỏ giống chú lắm.
- Nó chừng mấy tuổi hả bác?
- Chừng năm, sáu tháng thôi. Còn một người đàn bà cũng rất giống chú.
- Hai người lận à?
- Hai người đàn bà.
Tôi cũng cả quyết.
- Vậy là vợ và em gái tôi?!Họ đến đây bao lâu hả bác?
- Họ đến chuyến đò chiều, ở lại một đêm trong cái nhà hoang đó. Sáng nghe tin chụp dù, họ liền xuống đò đi lên Thạnh Phú. Thấy họ hỏi thăm mấy người cán bộ tới mua đồ, tôi biết đó là vợ cán bộ. Họ nói đã đi tìm chồng hai ba nơi rồi mà không gặp thì họ đoán là chồng họ xuống đây.
- Đúng là vợ con cháu! Chậc! Nếu cháu lên đây hôm qua thì gặp rồi.
Tôi đau đớn vô cùng, trở về nhà nằm vật ra võng không buồn cơm nước. Tư Mô khuyên dứt hồi lâu tôi mới ráng nuốt một chén. Tôi cứ trách mình:
- Phải hôm qua tôi với anh lên đây thì hay quá!
- Không vợ không con thì ít lo ít khổ. Có vợ có con rồi vừa lo vừa khổ chú ơi! Nhất là khi có đứa con đầu lòng, mình muốn gặp mặt coi nó có đủ tay đủ chân không. Nó có giống mình không?
Tôi nói bâng quơ.
- Tôi được đứa con gái đầu lòng…
- Chú có ai quen không, nhờ người ta đi Thạnh Phú. Chắc bây giờ thím còn ở đó chớ chưa về Cầu Mống đâu.
Tôi chạy sang quán. Ông già lắc đầu:
- Tình hình này không có ai chịu đi đâu chú em. Lính chặn đò, không cho đi thông thương như trước.
- Vài hôm nữa tôi sẽ mượn người về tận nhà rước vợ con tôi.
- Tôi nghe ta đồn quân Bình Định sắp xuống đây.
Nghe tới hai tiếng “Bình Đinh” hồn vía tôi lên mây. Chúng đóng đồn Thạnh Phong Cầu Ván thì hết đường lên xuống rồi. Ông già lại tiếp:
- Tôi nghe có một anh du kích chiêu hồi đấy.
- Du kích ở đâu, bác?
- Ở Bần Mít hay Cồn Chim gì đó. Tên là Côn, Cổn gì không rõ. Đây rồi tình hình sẽ găng hơn chớ không phải chỉ vầy thôi đâu. Chú không gặp vợ con chú lâu chưa?
- Dạ cũng hơi lâu.
- Thằng con tôi nó đi ngoài Bắc bỏ vợ mười mấy năm. Còn thằng đi R bốn năm năm nay không thư từ gì ráo.
- Anh đi ngoài Bắc tên gì, ở đơn vị nào bác?
- Có biết đơn vị nào, hồi Hòa Bình, ở trên kêu đi thì nó đi. Đi rồi thì coi như gà nòi buông đuôi ăn trót.
- Ảnh tập kết bến nào bác?
- Đâu ở trong khu 9.
- Nói vậy chắc ảnh ở Tiểu Đoàn 307 hoặc 308 chớ gì. Ảnh đi bến Chắc Băng.
Thấy tôi rành chuyện, ông già mời tôi ngồi và hỏi thêm:
- Sao chú em biết rõ vậy?
- Dạ dân Bến Tre mình hễ đi bộ đội thì chắc là vô hai Tiểu Đoàn đó thôi. Vì hai Tiểu Đoàn đó thành lập ở tỉnh mình. Hầu hết lính và cán bộ đều là dân tỉnh mình. Cháu biết ông Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 308 là người làng Hưng Khánh Trung.
Câu chuyện bất ngờ đưa tôi lọt vào cái hố đau thương của dân Nam Bộ mù quáng: “Tập kết”. Tập kết là thắng lợi của riêng Trung Ương Đảng chứ không phải của dân Việt Nam càng không phải của dân Nam Bộ. Ngược lại, đối với dân Nam Bộ là một sự phũ phàng, một sự tàn bạo, một sự lừa gạt ngọt ngào.
Tiểu Đoàn Trưởng Lê Thanh Nhàn, tức Nhàn Râu là một anh hùng dân tộc. Anh là con trai độc nhất của một ông Hội Đồng, anh có bằng Tú Tài, biết làm thơ và vẽ tranh. Đầu kháng chiến anh đứng ra chiêu tập dân làng và tiến tới thành lập bộ đội võ trang, sau này trở thành Tiểu Đoàn chủ lực 308. Giặc Pháp phải nể uy danh. Tám năm xông pha trên trăm trận, Nhàn Râu ra Bắc được gì? – Tù!!
Trong cải cách ruộng đất, thành phần địa chủ bị đấu tố. Nhàn Râu chống đối lên tới Bộ Tổng Tư Lệnh. Anh bị qui cho cái tội là “phản ứng giai cấp” tức là địa chủ chống lại bần cố nông, cái tội làm cho bất cứ ai, dù thành tích cách mạng to đến đâu cũng phải tàn đời. Nhàn Râu ở tù mút mùa cho đến sau 75 mới được về xứ với cái quần tiều dính da. Đó là bài học cho những ai không thuộc thành phần cơ bản, trừ những tên đầu sỏ Trung Ương, đi theo cách mạng.
Riêng những đơn vị Nam Bộ ra Bắc thì mất phiên hiệu, một số làm lính giữ ngựa cho triều đình nhà Hồ, số còn lại thì đi phá rừng Lam Sơn, rừng Xuân Mai. Trong số này có không ít những người bất mãn bỏ ra dân làm những nghề vô danh hoặc lên rừng cạo đầu làm Mán, Mường... kể không xiết nỗi đau buồn. Đến khi cần thì Đảng Bác gọi lại, đem đút vô lò sát sinh Trường Sơn. Ai biết được đứa con trai của ông chủ quán bị xếp vào hạng nào, còn sống hay bỏ xác ở đâu? Ông chủ quán biết tôi là cán Mùa Thu nên càng hỏi phăng tới. Thì tôi cũng múa mép như bao nhiêu lần trước, nghĩa là tôi đã bị bịp, nhưng không dám nói ra, ngược lại, bịp đồng bào. Tội nghiệp, ông già phấn khởi cầm chừng có nghĩa là không tin lắm. Có lẽ nhiều người hồi hương đã kể cho ông nghe sự thực về cái Miền Bắc xã hội chủ nghĩa như họ đã sống.
Đảng Cộng Sản sinh ra để làm hai việc: nói láo và làm bậy. Hễ chúng nói là nói láo, hễ làm là làm bậy. Xin độc giả nhớ dùm cho như vậy. Sông có thể cạn, núi cố thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Tôi mua thêm vài ba món định ra về thì có khách đi đuôi tôm tới: một bác nông dân sồn sồn. Vừa chạm mặt tôi, bác khựng lại. Tôi cũng nhìn bác. Bác hỏi tôi:
- Chú ở đâu, tôi trông quen quá!
- Dạ cháu cũng…
- Tôi là người làng Minh Đức, ở gần chợ Tân Hương.
- Dạ đó là quê ngoại cháu. Nhà ngoại cháu cũng ở gần chợ.
Bác bước lại vỗ vai tôi:
-Tôi nhớ ra rồi. Cháu là cháu ngoạí bà Sáu phải không?
- Dạ, ông Bảy Hưng và Tám Hà là cậu của cháu.
Hai bên tự khai lý lịch và mừng rỡ xiết bao: Tha hương ngộ cố tri! Bác nông dân đó là cậu Tám Xi ở giáp ranh đất ngoại tôi. Đúng ra cậu có bà con xa xa với ngoại. Cậu có nhiều anh em trai đi làm ăn tứ tán Sài Gòn, Vũng Tàu.. Thỉnh thoảng đến ngày giỗ ông bà thì mới tụ họp lại. Về lần nào các cậu cũng đem những quà lạ về cúng kiến ông bà và tặng cho gia đình ngoại tôi như rượu Tây và thuốc lá Camel có hình con lạc đà.
Cậu hỏi sơ qua rồi bảo tôi và Tư Mô xuống xuồng chạy về nhà. Nhà cậu rất đồ sộ, chưa có dấu vết bom đạn. Hơn nữa, trong nhà có tới hai ba cái radio, cái để trên ván gõ, cái treo trên cột. Cuộc hạnh ngộ nhìn bà con thật bất ngờ và chớp nhoáng. Cậu Tám hỏi.
- Cháu và anh bạn cháu ăn cơm chiều chưa?
- Dạ mới nấu, chưa kịp ăn.
- Để cậu bảo sấp nhỏ nấu cho cậu cháu mình và anh bạn nhậu một bữa. Có ăn được thịt rùa thịt rắn không?
- Dạ, ếch, nhái, tèng heng, kỳ đà kỳ nhông gì cháu cũng quất tuốt.
- Vậy để xé phay vài con rùa nhậu chơi! Xong rồi ăn cơm với cá mòi kho lót mía tây. Sáng mai nhậu lươn với rắn. Mấy thứ đó làm hơi mất công!
Nói vậy rồi cậu mở tủ lấy ra chai rượu lạ, bảo:
- Đây là rượu Mỹ rượu miếc gì đó, cậu không mấy khi nếm thử, nay cháu và anh bạn tới, đâu nếm dùm cậu coi. Cậu mới đi Sài Gòn về. Sắp nhỏ ở trển cho mấy chai với một thùng thịt hộp.
Thiệt là ngồi buồn lại gặp chiếu manh. Ăn uống xong, Tư Mô mắc võng mở đài VOA và BBC trong lúc hai cậu cháu hàn huyên. Cậu bảo:
- Tình hình này khó lăm ăn mà cũng không dễ gì sống. Chắc cậu phải đi Sài Gòn. Lên đó làm bậy bạ việc gì cũng được. Nghe mấy đứa nhỏ nói trên đó đi thầu đổ rác cũng làm giàu. Cháu cũng biết hồi cách mạng nổ ra tới bây giờ các cậu đều bỏ xứ đi làm ăn sinh sống chớ đâu có ai ở nhà. Làng Minh Đức bây giờ cậu cũng không muốn về nữa. Năm kia cậu có về một lần. Xã giải phóng cũng như ở đây, nhưng bà con thì xơ xác quá. Con Nguyệt có chồng làm tổ trưởng đảng. Cậu có nghe dì Sáu (ngoại tôi) mét là nó lấn ranh đất của dì. Cậu buồn lòng lắm. Chuyện bà con xóm riềng không nên làm như vậy, nhưng cậu không dám nói. Nói biết nó có nghe không? Nó nghe thì tốt, còn nó không nghe thì mình mắc cỡ với vợ nó. Thứ cậu vợ ăn nhằm gì. Lại nữa nó là tổ trưởng đảng. Tổ trưởng đảng là ông trời con. Ở đây cũng vậy!
Cậu lấy thuốc thơm, nestcafé ra mời chúng tôi và bảo:
- Ba cái thứ xa xí phẩm này là của thằng Nhuần cho đây. Thằng Nhuần anh con Nguyệt.
Tôi lơ mơ chưa nhớ ra thì cậu tiếp:
- Thằng Nhuần con ông Nhì Nhé. Ổng thương cháu lắm đó. Hồi cháu còn nhỏ, mỗi lần cháu từ Cầu Mống ra, ổng gặp là ổng vác trên vai đem về nhà cho chơi với thằng Nhuần. Khi lớn lên hai đứa đi câu cá bống dừa bỏ chung một gáo, khi đem về chia hai đó, nhớ chưa.
- Dạ, nhớ rồi…
- Bây giờ nó có nhà hàng ở Sàigòn. Tại bến xe chở rau cải Đà Lạt.Nó định mua một cái lớn hơn.
Chuyện tới khuya, câu mới bảo:
- Tình hình này cháu đừng có đi lang bang không ổn.
Tôi làm bộ vững vàng:
- Dại cháu có cơ sở chớ cậu!
- Ai đó?
- Dạ, Tư Cua!
- Ờ, được nhưng “Cua” bây giờ gãy càng rồi. Vì những chuyến hàng của y bị lính chặn không lên vựa Bến Tre được. Quán của y cũng không còn hàng.
- Dạ cháu còn Ba Thơ.
- Tay đó hả? Vài bữa y đến đây chơi một lần. Y lách kỹ lắm. Không ai biết y ở đâu. Thấy đó rồi biến ngay đó. Cháu đi đâu xa thì cậu không có ý kiến, nhưng nếu còn ở luẩn quẩn vùng Thạnh Phong này thì cứ ở đây. Nhà này khách đến thường lắm, sợ e đụng mặt lộ bí mật. Cậu có cái chòi ngoài bờ. Hai người ra đó ở. Hằng ngày cậu bảo trẻ nhỏ đem cơm nước ra cho, hoặc cháu muốn thì cậu đưa gạo muối nước mắm ra đó nấu nướng tự do. Nói là chòi nhưng đó là một cái nhà nhỏ đủ tiện nghi, hai người ở thì rộng.
Bên cạnh nhà lại có con rạch, nếu cháu còn nhớ câu cá bống dừa thì không lo ăn cực. Có thể làm vòng bằng râu đủng đỉnh giật cá bống kèo kho ăn không hết.
Tư Mô ngồi bật dậy lên tiếng ngay:
- Vậy thì anh khỏi lo tiếp tế đồ ăn cho tụi tôi anh Tám.
Tôi tiếp:
- Ảnh là thợ câu cá lòng tong đó cậu à!
- Ở đây không ai ăn cá lòng tong. Tệ lắm cũng cá kèo trở lên.
- Cá kèo kho gột, ăn cơm quên thôi.
- Cá kèo phơi khô nhậu mới đã!
Cậu đứng dậy với tay lên đầu tủ lấy mấy hộp thịt để trên bàn.
- Bữa nào không câu thì có thứ này thay thế.
Trò chuyện với cậu đến khuya, tôi mới bắt sang vụ vợ con của tôi. Cậu nói ngay:
- Tưởng ở đâu xa chớ Cầu Mống thì đi và về chỉ một ngày. Cậu sẽ cho sắp nhỏ đi móc. Hừng đông đi thì chiều tối về tới chớ lâu lắc gì.
Tư Mô bèn thừa thắng xông lên:
- Anh cho sắp nhỏ đi móc dùm vợ con tôi với, được không anh Tám?
- Ở đâu?
- Dạ ở quận Châu Thành xã Lương Hoà. Sau Mậu Thân tôi không biết gia đình tôi có thiệt hại gì không. Tin sơ sơ thì một đứa con trai chết cháy, một đứa bị thương không biết lành chưa.
- Hai cháu đi lính quốc gia hay đi đằng mình?
- Dạ một đứa chín tuổi còn một đứa đang học Tú Tài chớ đâu có đi đằng nào.
- Ghi rõ địa chỉ rồi tôi sai sắp nhỏ đi dùm cho! Không có tiền bạc gì hết. Sẵn đó tôi biểu nó mua vài thứ về nhậu chơi.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc