Chương 19
hị Thì hỏi con trai lớn:
- Trắm ơi! Thế mày nhất định không đi làm cho cụ trưởng bạ nữa hở con?
- Vâng. Bây giờ người ta còn bụng dạ nào để nghĩ đến chuyện làm ăn. Ông trưởng bạ đang lo sốt vó lên kia kìa. Mà con cũng chả thiết đi làm thuê cho người ta nữa.
- Sao thế hả con? Không làm thì lấy gì mà ăn?
- U chả phải lo. Đổi đời rồi u ạ.
- Đổi là đổi thế nào?
- Nghĩa là... trước kia, người ta là ông, mình là thằng. Còn bây giờ ngược lại: người ta lại là thằng, mình lại là ông.
Thằng Trắm chợt cười hí hí. Mẹ nó chẳng hiểu nó cười vì cái gì, bà hỏi:
- Sao lại cười?
- Con nghĩ mà buồn cười, u biết tính bà trưởng bạ đấy. Đối với kẻ ăn người ở, hôm nào bà cũng chửi vắt óc lên. Tốt cũng chửi, xấu cũng chửi. Hình như không chửi bà ăn không ngon. Ấy thế mà hôm con xin nghỉ việc bà ấy lại ngọt ngào với con, bà ấy nắm tay con và bảo: “Ta trả công thưởng cho con thêm thúng thóc nữa nhá. Đừng hận bà hay chửi mày. Bao giờ đội cải cách về, mày đừng tố bà, con nhé”.
- Thế con trả lời ra sao?
- Còn ra sao nửa! Con bảo: “Úi dà! Bà đừng lo. Con coi bà như bà của con. Con biết tính bà hay chửi. Nó quen miệng đi rồi. Thực ra bà chẳng có bụng dạ với ai. Không phải bà cho con thúng thóc mà con nói thế. Bà ơi! Bà cứ yên tâm”. Thế là bà ấy rưng rưng nước mắt u ạ. - Nói xong Trắm lại hì hì.
Chị Thì cũng cười theo con. Lúc này, chị mới chợt nhận ra hôm nay Trắm mặc quần áo mới. Chị Thì có năm con: Thằng Trắm, cái Bống, thằng Rô, cái Mè; thằng út là cu Săn Sắt. Trắm năm nay đã mười bảy tuổi. Chị Thì đẻ nó lúc còn rất trẻ. Năm chị mười lăm tuổi, ông cụ Khố thấy anh Lẫm là người hiền lành, chăm chỉ lại to khỏe, liền ưng ý bắt Thì phải lấy Lẫm. Thì ngúng nguẩy. “Con chịu thôi. Anh ấy to lớn thế kia! Trông xấu lắm”. Lẫm là người hay làm, nhưng đúng là con người thô kệch, lại có máu dê nữa. Còn Thì nhỏ nhắn lẳn chắc, mới choai choai thôi mà đã thắt đáy lưng ong đầy hứa hẹn trở thành một người đàn bà xinh đẹp. Mà cô Thì sợ anh Lẫm cũng phải. Hắn ta vầy vò cô suốt đêm ngày. Nhà thì chật. Hồi đó ông cụ còn sống. Lẫm thích cùng đi làm với vợ ở cánh đồng cạnh rừng Cò. Ở đấy tiện. Lắm đống rơm khô, cỏ khô. Mỗi ngày hắn đè cô ra hai lần, sáng một, chiều một. Làm mãi thành quen. Cô Thì thích ứng kịp với chồng. Lấy nhau chỉ năm tháng, người cô được hơi trai, bỗng nở bung ra, đẹp lồng lộng, ngồn ngộn, hơn hớn. Cái sắc đẹp bừng bừng và lung linh ấy càng kích thích anh Lẫm. Và thế là cô đẻ sòn sòn, đẻ hối hả một mạch năm đứa con. Dạo ấy, lúc nào trông thấy cô cũng chỉ trông thấy cái bụng chửa. Đẻ xong thằng út, là thằng Săn Sắt, cô Thì hai chín tuổi. Và xong cái đợt sinh đẻ liên hồi ấy, đột nhiên cả hai người bỗng teo quắt lại. Người anh Lẫm, nhìn chỉ thấy xương. Người cô Thì, nhìn chỉ thấy đôi gò má cao, đôi mắt sâu hoắm và thân hình như con cá rô đực. Cứ tưởng như cô Thì biến thành đàn ông. Cô bỗng ngừng đẻ đột ngột. Có lẽ đó là phản ứng của cơ thể. Cơ thể phải đực hóa cô đi, vì nếu cứ tiếp tục đẻ nữa, chắc cô Thì sẽ chết. Cũng có thể vì cô lao lực quá, đói khát quá. Chưa đầy ba lăm tuổi, trông cô đã già như người năm mươi. Tóc đã hoa râm. Nhưng bù lại, sự cường tráng của người cha, sức sống viên mãn của người mẹ đã di truyền lại cho đàn con, nhất là cho Trắm. Năm ấy, Trắm mười bảy tuổi mà đã như chàng trai hai mươi. Mặt mũi sáng sủa. Nhanh nhẹn, hoạt bát. Ngực nở như vú đàn bà. Tay như tay vượn, lưng như lưng gấu. Làm việc đồng áng băng băng. Học hành cũng sáng láng. Chỉ đi học lớp bình dân học vụ thôi mà chữ viết đẹp đáo để. Lại thông thạo bốn phép tính. Đã bốn năm đi ở cày thuê cho ông trưởng bạ. Con gái làng Sọ, khối đứa nhấm nháy, nhưng Trắm chỉ thích một cô. Bà mẹ cười và hỏi con:
- Hôm nay, mặc quần áo mới làm gì? Hay là đi gặp cái Hiếu?
- Không phải đâu u ạ. Thế u không biết chuyện gì à?
- Chuyện gì?
- Sáng hôm nay đội cải cách về. Họ đang họp ngoài đình Sọ. Con gặp bà chủ tịch Trần ôm một tài liệu ra gặp đội. Cả ông bí thư, anh xã đội vũng về. Đội về, giải tán cả Đảng, cả chính quyền cũ mà. Chắc chiều thì các anh đội mới về các xóm thăm nghèo hỏi khỏi.
- Gớm! Mày nói cứ như mày là cán bộ đội cải cách ấy.
- Đợt này là cải cách đợt ba. Các xã gần mình người ta phát động quần chúng hết rồi. Làm gì mà con chẳng biết. Nghe người ta nói chuyện, rồi con đọc tài liệu. Con biết hết mọi chuyện. Này nhé! Cải cách ruộng đất gồm có bốn bước. Bước một: Tố khổ, quy định thành phần, diệt trừ ác bá. Bước hai: Tịch thu, trưng thu ruộng đất, lên phương án ăn chia. Bước ba: Cắm thẻ nhận ruộng, chia quả thực, xây dựng tổ chức, làm lễ đốt văn tự phong kiến. Bước bốn: Phúc tra, tiêu diệt nốt địa chủ lọt lưới.
- Thế theo con tính, nhà ta thuộc thành phần gì?
- Cố nông u ạ. Đấy rồi u xem, chỉ một lát nữa thôi, sẽ có anh đội vào nhà ta cho mà xem. Vì thế nên hôm nay con mới ăn mặc chỉnh tề. Con không muốn giả nghèo giả khổ, cứ đến lúc đội về là ăn mặc rách rưới. Việc gì phải thế. Việc gì phải rúm ró đi khi trông thấy anh đội. Nhà mình không một tấc đất. Vậy thì sợ cái gì nào? cố nông thì cũng phải biết đàng hoàng chứ.
Quả như lời Trắm nói, khoảng xế chiều, một người đàn ông trạc bốn mươi, ăn mặc quần áo nâu, đội cái mũ lá trùm vải xanh, phủ lưới bên ngoài, lưng đeo ba lô, vai đeo xà cột, xuất hiện trước ngõ, hỏi qua hàng rào cúc tần:
- Cho tôi hỏi, đây có phải nhà ông Lẫm không ạ?
Chị Thì chạy ra mở cái cổng tre:
- Nhà cháu ở ngoài đồng chưa về.
Người đàn ông trông quắc thước, dáng người rắn chắc, đôi lông mày rậm, khi nói cứ rướn lên rướn xuống.
- Chị là Thì, vợ ông Lẫm? Còn tôi tên là Khoát muốn đến thăm gia đình.
Thằng Trắm từ trong nhà chạy ra:
- U mời anh ấy vào đi. Anh đội đến thăm nghèo hỏi khổ đấy u ạ. Cháu xin chào anh đội.
- Gọi tôi là Khoát đi cho tiện. À mà sao cậu lại biết tớ là anh đội.
- Cả làng cháu ai chả biết. Khi các anh tới chợ, người đi chợ về báo cho cả làng. Rồi các anh ra đình. Chủ tịch Trần cắp tài liệu ra bàn giao, cả làng cũng đều biết hết. Ở đây người ta đã nhẩm tính hết cả rồi anh đội ạ. Nhà nào là thằng địa, nhà nào là thằng phú, nhà nào trung nông, bần nông họ đều nghĩ sẵn trong bụng rồi.
Khoát ngồi xuống cái ghế con ở chỗ chái vẩy ra làm bếp. Chị Thì ngồi bệt xuống cái chổi rơm, rót bát nước vối màu hổ phách từ cái ấm đất. Nước vối ủ trấu nóng hôi hổi uống vào thơm thơm, ngọt ngọt. Anh đội Khoát uống vào tỉnh hẳn ra. Lúc ấy anh mới tỉ tê hỏi chuyện.
- Nhà ta có mấy sào ruộng?
- Chẳng có một sào nào. Nhưng nhờ bà vãi, u em ở chùa nên sư cụ thương cho cấy rẽ ba sào. Ông chánh cũng cho cấy thêm ba sào nữa. Vị chi là cấy rẽ sáu sào.
- Thế ăn chia thế nào?
- Ruộng chùa thì mình ăn hai, nhà chùa ăn một. Ruộng ông chánh thì mình ăn một, ông chánh ăn một.
- Nhà mình mấy nhân khẩu?
- Dạ bảy: năm đứa con, hai vợ chồng.
- Bảy cơ à? Thế thì túng bấn lắm nhỉ?
- Được cái trời thương, cả nhà khỏe mạnh cả nên mỗi người mỗi việc. Tôi thì chăm mấy sào ruộng, có con Bống đỡ một tay. Nhà tôi thì cặm cụi đi đánh dậm, nhủi tôm nhủi tép ngoài đồng. Thằng thứ ba là cu Rô đi phụ cho bố nó. Thằng Trắm năm nay cày đã vững rồi nên làm thợ cày cho nhà cụ trưởng bạ. Chỉ còn hai đứa bé nhất: cái Mè, thằng Săn Sắt là ăn không thôi. Đấy, hai đứa đã về kia rồi...
Từ ngoài sân bỗng vẳng lên tiếng ríu rít trẻ con: U ơi! U ơi! Rồi hai đứa trẻ xuất hiện. Một đứa con gái trạc bảy hay tám tuổi, tóc vàng như lông bò, quần đến đầu gối, rách rưới, cõng thằng em lên ba trần truồng như con nhộng. Hai đứa trẻ nhem nhuốc, mặt như mặt hề. Tuy nhiên cả hai đều hồng hào mũm mĩm. Thằng em cầm củ khoai trên tay khoe với mẹ:
- Bà vãi cho khoai.
- Bà vãi nào? Cô Nguyệt cho chứ. - U ơi!... Hôm nay trông thấy chúng con, bà vãi khóc... Con sợ lắm... Rồi bà vãi lại bế thằng Săn Sắt, vỗ vào mông nó và bảo: “Cha tông môn nhà mày... Đêm qua gặp ông Khố... Cụ bảo bố mẹ mày quên ông rồi... Đã bảo ông thích ăn lươn... Thế mà giỗ ông vừa rồi... Bố mày không cúng lươn... lại đi cúng cá diếc là thứ ông đã ăn đến chán rồi... Có đúng thế không? Hả con cái Mè?... Ừ, ông Khố gọi tên mày đấy... Gọi tên cả thằng Săn Sắt... Ông bảo tối nay ông sẽ về thăm nhà mày... “U ơi! Thế có làm sao không? Con sợ lắm”.
- Sợ cái gì?
- Sợ ông về thăm nhà mình.
- Sợ gì. Nhà mình tức nhà của ông cho. Của ông thì lúc nào ông về chả được... Mấy lại ông chết rồi cơ mà.
Chị Thì thở dài, rồi giải thích cho anh đội Khoát hiểu câu chuyện giữa hai mẹ con:
- Bà vãi tức là bà ngoại lũ trẻ. Bà ở chùa nên mọi người gọi là bà vãi. Cụ Khố tức ông ngoại lũ trẻ. Cụ Khố chết rét ngoài đồng, từ đó bà vãi thành ngơ ngẩn. Suốt đêm ngày bà chỉ mơ màng sống với người âm. Cũng nhờ cụ Khố để lại cho cái gia tài toàn lờ, với giỏ, với đó, với lưới nên anh Lẫm nhà tôi mới biết đánh dậm nuôi con.
Lúc này, anh đội Khoát mới ngẩng đầu lên nhìn thằng Trắm vẫn đang đứng dựa vào chiếc cột tre bóng loáng để nghe hóng hớt câu chuyện giữa mẹ nó và anh “đội”. Anh hỏi:
- Này cậu Trắm! Có vẻ cậu đã biết chính sách cải cách. Theo cậu, gia đình nhà ta thuộc thành phần gì?
- Lẽ dĩ nhiên, là cố nông thì anh mới đến bắt rễ.
- Cậu cứ mạnh dạn phát biểu.
- Chẳng những cố nông mà lại ba đời cố nông. Ông ngoại cháu là cụ Khố, quanh năm chỉ đóng khố bì bõm ngoài đồng. Chưa bao giờ có một mảnh đất, trừ mảnh đất làm lều mà nhà em đang ở. Ông nội em chết đói ở Thái Bình. Bố em lưu lạc đến đây, nối nghiệp ông ngoại em chẳng là cố nông đời thứ hai hay sao. Đến đời em lại tiếp tục đi ở thợ cày cho người ta chẳng là cố nông đời thứ ba hay sao.
Anh đội cười:
- Cố nông gì mà lại ăn mặc bảnh chọe thế kia?
- Đúng, hôm nay em ăn mặc tươm tất. Anh nên biết dù là cố nông, mỗi năm bố mẹ em cũng vẫn may cho chúng em mỗi đứa một bộ quần áo mới. Còn tại sao em mặc? Xin hỏi anh đội có phải cải cách ruộng đất là đổi đời, là cách mạng long trời lở đất không? Đúng. Người ta bảo nó là ngày hội. Vậy ngày hội có cần ăn mặc tươm tất không?
- Chịu cậu.
Ông đội Khoát cười. Có thể nói, ông hơi ngạc nhiên, vì người thanh niên này ăn nói rành rẽ, gọn gàng quá. Khoát ngạc nhiên là phải. Trong cuộc họp tổng kết, cấp trên đã nhắc nhở đội phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Bởi vì bọn phản động giãy chết sẽ phản ứng giai cấp rất gay gắt. Có thể chúng đã bày sẵn trận địa với thiên la địa võng, chờ những người cán bộ ngờ nghệch rơi vào bẫy. Tuy nhiên, Khoát cũng thấy anh chàng hay hay. Khoát muốn nhân cơ hội, tìm hiểu tình hình xóm Đình thông qua anh chàng này.
- Theo cậu, ở xóm này những ai là địa chủ.
- Chắc chắn số một là chánh Long. Ông ta có trên một trăm mẫu ruộng. Chỉ riêng vườn cò trồng tre và xoan đã hơn chục mẫu. Nếu ông bá Phượng, con ông chánh không chạy vào Nam, thì cũng là thằng Địa. Ông trưởng bạ Liên nhà năm mẫu ruộng bốn nhân khẩu. Ông này làm nghề nông rất giỏi. Giàu lên là nhờ chăm chỉ, lại là lão nông tri điền. Chính cháu làm thuê cho ông ấy cũng học được nhiều lắm. Tiếng là đi làm thuê, nhưng lắm lúc cháu nghĩ mình là người học trò còn ông ấy là ông thầy.
Đôi lông mày rậm của Khoát chợt rướn lên. Hình như câu trả lời của Trắm không vừa lòng anh. Khoát chuyển sang câu hỏi khác:
- Bà Thêu thì sao? Tôi đi đến đầu xóm thấy có tiếng chửi bới ồn ào. Hỏi ra mới biết bà ấy chửi cạnh chửi khóe chánh Long. Bà ấy hận thù chánh Long ra sao?
Chị Thì nhanh miệng đỡ lời con trai:
- Phải. Hơn một tuần nay bà ấy chửi cạnh khóe chánh Long suốt. Chuyện này thì tôi cũng nghe đồn đại. Chuyện đàn ông đàn bà ấy mà.
- Thế còn chính quyền cũ ở đây ra sao? Bà và cháu có biết gì về chủ tịch Nấm?
Câu hỏi này, Trắm im lặng nhìn mẹ. Chị Thì lại nói:
- Chị Nấm thời tề ngụy làm phụ nữ trên huyện. Chồng là anh Trần đi bộ đội tỉnh. Hòa bình chị Nấm mới về làm chủ tịch xã. Chị ấy suốt ngày xắn quần móng lợn đi làm việc. Cứu đói, chống hạn đều lăn xả vào. Dân làng tôi quý chị ấy lắm.
- Tích cực à? Vỏ bọc đấy thôi! Chị phải biết chúng nó thâm lắm. Chính quyền của ta đã bị Quốc dân đảng lũng đoạn. Chị có biết gì lão Trần chồng chủ tịch Nấm. Nghe nói trước kia lão là sư?
- Vâng, trước kia ông Trần là sư chùa làng. Chị Nấm là gái làng. Sau rồi lấy nhau. Bỏ làng ra đi cho đến cách mạng, ta cướp chính quyền mới về.
- Ghê thật! Thấy chưa! Gái quyến rũ sư. Sư giả cầy mà cách mạng của hắn cũng giả cầy. Nghe nói sư cụ chùa làng hiện nay và lão Trần còn là sư huynh sư đệ với nhau phải không?
- Dạ vâng!
- Thế thì ghê thật! Lắt léo thật! Thâm hiểm thế đấy!
Nghe anh đội thở ra một loạt câu tán thán, cậu Trắm chẳng hiểu ghê là thế nào? Lắt léo, thâm hiểm là thế nào. Cái thằng Căn đi bộ đội, được học tập, đã viết thư về làng để nói lên cái long trời lở đất của cuộc cách mạng thổ cải, và để động viên người bạn thân của mình mà Căn biết chắc chắn là một cố nông. Căn viết thư cốt để bạn của mình hồ hởi lao vào cuộc cách mạng vĩ đại này, nó sẽ làm thay đổi bộ mặt u ám của làng Sọ. Chính vì nhận được thư của Căn nên hôm nay, để đón tiếp “đội”, Trắm mới mặc bộ quần áo mới. Nghe anh Khoát nói xong, Trắm bỗng buồn hẳn đi. Trắm sẽ không viết thư cho Căn, nhưng nếu viết hắn sẽ nói thế này:
“Căn ơi! Tự nhiên tao bỗng buồn bã không tài nào hiểu được. Hình như mọi chuyện xảy ra sẽ không như mày tưởng đâu. Căn ơi! Tao thấy lo lắng. Lo cho mẹ mày. Cả thầy mày, cả em mày nữa. Trống ngoài đình đang nổi lên đấy. Có cả tiếng loa. Căn ơi! Tối nay xóm mình họp. Nông dân cụng đầu tố khổ”.
Ngôi đình làng, trước kia giặc Pháp chiếm làm bốt, sau hơn một năm được dân làng tu sửa, nay đình mới trở thành đình gần giống như xưa. Anh Khoát đội cải cách tổ chức cho nông dân xóm Đình họp tố khổ ngay tại đình. Hai chiếc đèn ba dây treo ở tả hữu. Một chiếc đèn chai đặt trên chiếc bàn gỗ nơi anh Đội và Lẫm ngồi. Anh Lẫm đen trùi trũi, người sắt lại rắn như thép, ngồi lêu nghêu giữa đình. Anh như con rái cá, bơi lội, lặn ngụp, rồi đơm tát, rồi chịu đựng nắng mưa thì cả làng chả ai bằng, nhưng cái chuyện điều khiển cuộc họp thì thật kém cỏi. Nói thì ấp úng như ngậm hột thị. Thứ tự thì lộn tùng phèo. Anh Khoát đành phải làm tất cả. Hôm ấy họp xóm đông lắm. Ai được gọi đi là mừng rơn. Kéo cả nhà lũ lĩ đi họp. Người không được mời như chính quyền củ, nhà giàu có, tề ngụy thì ra thở vào than, sốt ruột nghe ngóng. Anh Khoát hùng hồn nói:
- Hôm nay Đảng ta phóng tay phát động quần chúng. Cải cách ruộng đất sẽ đập tan bè lũ địa chủ phong kiến và phản động. Địa chủ sẽ bị đánh gục. Tôi tuyên bố giải tán mọi tổ chức cũ. Cả Đảng lẫn chính quyền, đoàn thể. Từ hôm nay, dân cày nghèo được vùng lên. Đó là người chủ đích thực của nông thôn. Nào những ai có khổ hãy tố khổ. Ai bị bóc lột hãy tố giác bọn bóc lột. Ai có nợ máu hãy đòi nợ máu. Đảng ta phóng tay phát động. Ai có tội, dù ở cấp nào, cũng phải bị vạch tội. Không được bao che. Cắt đứt mọi liên quan với bọn bóc lột, bọn phản động...
Khoát nói rất hùng hồn. Vừa nói vừa chém tay vào không khí. Người dân sáng mắt lên, hớp từng câu nói, như hớp được làn không khí trong lành bổ dưỡng bỗng nhiên từ trời cao rơi xuống.
Sau khi anh Khoát nói, cô Rêu con bà Thêu cho thiếu nhi hát bài “Nông dân là quân chủ lực”. Tiếp theo, cô lại bắt nhịp cho thanh niên nam nữ hát một bài hát rất thịnh hành thời đó. Nghe thấy giọng con gái nhiều hơn. Đó là những tiếng kể lể buồn buồn. Nghe cứ thấy bồn chồn trong dạ. Có lúc, những người hát bị xúc động không hát được. Vừa hát vừa khóc. Những lúc ấy, duy chỉ còn một mình cô Rêu hát. Con họa mi nức nở. Dân làng tôi vẫn gọi Rêu là con họa mi, vì Rêu hát hay nhất làng. Có người còn quá khen, bảo Rêu hát hay nhất huyện. Lời của bài hát ấy như sau:
Mặt trời bừng sáng cánh đồng quê.
Lúa đã về dân cày...
Sớm nay, nàng bông lúa nặng lòng... lòng bàn tay.
Ngày xưa, khi mùa lúa chín,
Thóc chẳng đủ nộp tô, trang trải nợ nần.
Công sức quanh năm không đủ trả nợ nần.
Giọt nước mắt mồ hôi rơi trên b ông lúa,
Ngày xưa, về tay bọn địa chủ
Hôm nay, về tay dân cày
Ơn này nhờ có Đảng, ơn Bác Hồ
Đã cứu giúp cho dân cày nghèo đời ngày một ấm no.
Giọng hát đều đều, kể lể, kiểu như một bài thánh ca trong nhà thờ. Nó nghiêm trang chứ không hùng hồn, tuy vậy, nó lay động được hồn người. Bài này do cái Hiếu cháu gái ông chánh Long phổ biến. Nhà ông chánh ở vùng tề, nhưng riêng cái Hiếu lại theo họ ngoại tản cư tận trên Tuyên Quang đem về phổ biến. Cái Hiếu đã học xong lớp bảy, cắt tóc thề. Nó khác hẳn những đứa con gái trong làng. Là con cháu nhà chánh Long địa chủ, nhưng không biết sao hôm nay nó cũng có mặt ở cuộc họp nông dân này. Có người thắc mắc:
- Thưa anh đội, chẳng hiểu có nhầm lẫn gì không, lại thấy có mặt cả con cái thằng địa trong cuộc họp của bần cố trung nông?
Khoát trả lời đanh thép:
- Bà con yên tâm. Ai có mặt ở đây đều do tôi cho gọi. Ai có mặt ở đây đều là những người bị địa chủ áp bức bóc lột.
Cuộc tố khổ bắt đầu. Người tố khổ trước tiên là bà Bệu. Nguyễn Thị Bệu là mẹ của Hiếu, vợ lẽ của bá Phượng tức là lý Phượng, con dâu của chánh Long.
Bà Bệu con nhà nghèo. Thời con gái, bà không đẹp, nhưng là người đàn bà rực rỡ. Cái sức xuân phây phây lúc nào cũng hừng hực tỏ lộ trên con người bà. Mặt tròn vành vạnh, da mượt má màu hoa đào. Thân thể mỡ màng, tươi tắn, lúc nào cũng như sẵn sàng mời gọi. Quanh năm, lúc nào cũng mặc yếm đào. Nhà nghèo nhưng dứt khoát cái yếm phải mỏng manh, tươi thắm. Người con gái quê khác thường muốn kín đáo với bộ vòng ngực, họ thường thít chặt dải yếm hoặc dùng áo cánh cài khuy chặt để bó giò bộ ngực lại. Riêng cô Bệu, cô cứ thích thả lỏng dải yếm và không cài chặt khuy áo để mặc cho bộ ngực được thoải mái núng nính. Chả thế mà lý Phượng phải lòng, chết mệt vì cô. Ông chánh Long thấy cô sinh ra từ nơi nghèo hèn lại phóng túng liền can ngăn. Lý Phượng không nghe quyết lấy làm vợ lẽ cho bằng được. Vợ cả lý Phượng con nhà danh giá, bố làm tiên chỉ. Chị này mỏng mày hay hạt, nhưng càng ngày càng gày yếu sau khi sinh nở bốn đứa con.
Lấy được cô Bệu, lý Phượng say sưa với thị đêm ngày, chẳng ngó ngàng gì tới vợ cả. Thế là xảy ra cuộc chiến giành giật người chồng giữa hai người đàn bà. Thị Bệu được chồng yêu, ăn nói văng mạng chẳng kiêng nể gì ai, dám chửi cả tổ tiên nhà bà vợ cả. Ông tiên chỉ gọi lý Phượng đến mắng:
- Anh là thằng đàn ông, con nhà gia giáo, mà chịu thua đứa con gái lăng loàn đó sao.
Ông chánh Long cũng nghiêm khắc bắt con trai phải trị cho bằng được cái con ngựa cái bất kham đó. Một hôm, ba người em trai người vợ cả đến nhà, bắt thị Bệu phải xin lỗi, phải lạy sống người vợ cả. Bà Bệu cậy đã có hai mặt con với bá Phượng: Con Hiếu, thằng Nghĩa, lại cậy được chồng yêu (cả làng đồn rằng thị đã đánh bùa mê cho chồng), nên đã chẳng lạy thì chớ, lại còn réo nhà ông tiên chỉ lên mà tế. Đúng lúc lý Phượng về. Người chồng tức giận quá liền giơ thẳng cánh tát cho Bệu hộc máu mồm máu mũi. Thị Bệu đau quá mất khôn. Thị nổi cơn tam bành, coi trời bằng vung. Lần nay, thị réo nhà ông chánh lên để chửi. Thị lại kể lể rất tục:
- Mày cậy mày khỏe à... mày giàu sang à... Bà thì dí... vào cái giàu sang nhà mày... Mày có nhớ cái lúc mày úp mặt vào l... bà không. Mày hôn... mày hít... mày liếm... Thế mà bây giờ mày lại giở vũ phu với bà...
Chuyện ấy, cả làng chứng kiến. Họ cười um. Chuyện ấy thì làng Sọ hiểu được. Ai chả biết họ nhà ông chánh toàn loại máu dê. Những lúc vui thú trong buồng the vắng vẻ. Lại đang lúc nổi cơn động cỡn, ai chứ lão lý Phượng thì chắc dám làm thế thật. Thời gian ấy, ta vừa cướp chính quyền. Uy thế nhà ông chánh bị sút đi nhiều. Trong khi ấy, anh ruột thị Bệu lại là một nhà cách mạng. Cho nên bá Phượng căm lắm mà không làm gì được. Và ông ta đã đuổi thị Bệu ra khỏi nhà mình. Cụ chánh Long thấy thế không ổn, vì dù sao con Hiếu, thằng Nghĩa vẫn là con cháu họ Nguyễn. Cụ chánh đến nhà nói chuyện với thị Bệu và chia cho thị một mẫu năm sào ruộng để nuôi con. Khi giặc Pháp tấn công đến làng Sọ, thị Bệu liền bỏ làng tản cư lên Tuyên.
Bà Bệu rên rỉ kể lại chuyện bà bị cả họ hàng nhà chánh Long đánh đập ra sao.
- Thằng Phượng nó đấm vào mặt làm tôi hộc máu ra. Thằng Cả nhà lão tiên chỉ nắm lấy tóc tôi quăng tôi ngã sóng soài ra đất. Thằng hai bèn đá vào ngực tôi. Lần này tôi hộc ra một vũng máu. Còn mụ Phượng, tôi căm thù nó đến muôn đời muôn kiếp. Các ông các bà có biết nó dã man đến thế nào không? Nó cầm một bát cứt và nhét vào mồm tôi...
- Đả đảo địa chủ chánh Long.
- Đả đảo địa chủ lý Phượng.
- Đả đảo địa chủ cường hào gian ác.
Cả ngôi đình rừng rực lên sự căm thù. Bà Bệu tóc xõa rũ rượi. Hầu như bà ngất đi rồi tỉnh lại. Bà lại tiếp tục tố khổ.
- Các ông các bà có thấu không? Còn lão chánh Long nó cũng đểu chẳng kém gì thằng con nó. Nó đến nhà tôi... Nó nói nhân nghĩa, ngon ngọt. Rồi lão còn gạ gẫm tôi. Lão bảo nếu tôi bằng lòng, thì lão sẽ cho tôi ba mẫu chứ không phải mẫu rưỡi...
Cô bé Hiếu ngồi ở chỗ tối nhất trong góc đình. Cô vào chỗ tối để che giấu những giọt nước mắt, dù cô không muốn, vẫn cứ ào ạt tuôn ra. Cô khóc như mưa như gió. Không phải cô khóc vì căm thù mà vì xấu hổ. Con người có vô sỉ đến mức phải trưng ra, tố ra những điều xấu xa, yếu hèn của những người khác, những điều mà đáng lẽ ta nên quên đi. Hiếu chợt thấy thương ông nội. Ông chánh Long đâu phải loại người như mẹ tố cáo. “Mẹ ơi sao mẹ lại vu khống ông. Đã đành là mẹ uất ức. Nhưng ông con là người tử tế”. Khi mẹ con bà Bệu lên Tuyên Quang, hàng năm, ông cụ chánh vẫn thu hoa lợi của một mẫu rưỡi ruộng, rồi chuyển ra vàng, nhờ người gửi ra hậu phương cho mẹ con Hiếu. Có như thế, chị em Hiếu, Nghĩa mới đủ điều kiện đi học. Khi ba mẹ con hồi cư về làng, ông cụ trao trả lại số vàng. Cái Hiếu thường xuyên đến thăm ông. Ông và cháu rất thân với nhau. Khoảng nửa năm gần đây, ông cụ hình như biết số phận của mình. Ông cụ nói với cháu:
- Thầy học của ông là sư cụ đời trước, nay đã viên tịch rồi. Cụ là người đại đức, ông đã cố gắng học theo thầy cả đời. Cụ bảo con người ở đời là phải mang nghiệp. Có lẽ đời ông trước đây có nhiều nghiệp chướng. Cho nên sắp tới mới gặp đại họa.
Cô bé nắm tay ông:
- Ông ơi! Cháu không bao giờ từ bỏ ông đâu.
Cô bé cũng đủ trí khôn để hiểu cái tai họa to lớn đến chừng nào sắp đè xuống tấm lưng còng và mái tóc bạc của ông mình. Chỉ tức một nỗi: biết mà chẳng làm gì được. Tìm cách né tránh cho ông cũng không được. Gánh vác giúp ông cũng không ai cho gánh. Thậm chí lui tới để an ủi ông cũng bị mẹ ngăn cấm. Bà mẹ nghiến ngẩm con.
- Xót xa máu mủ dòng tộc nhà mày lắm phải không? Tao truyền đời cho mà biết... Cứ đi lại mãi với nhà thằng địa chủ già... đội người ta sẽ lột da mày đấy.
Anh đội Khoát thấy Hiếu khóc liền hỏi:
- Căm thù địa chủ là tốt. Nhưng phải biết biến căm hờn, biến những tiếng khóc thành những hành động cụ thể. Hành động ở đây là gì: là tố cáo cho bằng hết tội ác thằng địa. Nào cô Hiếu, mẹ cô, bà Bệu đã tố xong rồi đấy. Cô có tố bổ sung gì không?
Hiếu lúng búng:
- Cháu còn bé mới lớn lên... Có biết gì đâu ạ.
Nói chung, hôm ấy tập trung tố khổ vào chánh Long. Thêm hai người tá điền tố cáo chánh Long lấy roi cặc bò đánh mỗi người hai chục roi. Lưng sưng vù, một tuần lễ phải nằm ngủ sấp.
Người tố thứ hai rất có ấn tượng là bà Thêu.
Trong cải cách ruộng đất, muốn quy một địa chủ cường hào ác bá, cần phải tìm ra bốn tội: bóc lột nông dân, chiếm đoạt ruộng đất, nợ máu, hãm hiếp phụ nữ. Đối với chánh Long, ông ta có đến sáu vợ. Tuy nhiên, nhiều vợ không phải tội ác. Phải hãm hiếp phụ nữ mới là tội tày trời. Khốn nỗi, chánh Long, tuy máu dê, nhưng đối với phụ nữ, ông ta không lèm nhèm. Ông ta không phải là cái loại lớn bùi, bé mềm, bạ ai cũng quan hệ. Ông ta có trăm mẫu ruộng, lại là người có học. Oai phong đường bệ, đi đâu xa thì cưỡi con ngựa hồng, dạo chơi trong làng thì chống cái batoong bằng song bóng nhẫy. Lại là người tài hoa, trên tường phòng khách luôn treo chiếc đàn nguyệt. Người ta bảo ông đánh đàn khá hay, tuy nhiên, trong làng chưa ai được nghe đàn của ông, bởi vì người nhà quê chân lấm tay bùn làm sao có thể là người tri kỷ của ông.
Bởi những lẽ kể trên, những người đàn bà của chánh Long đều là những phụ nữ đẹp. Ông toàn lấy vợ thiên hạ, những người đàn bà đẹp nhất ở các làng lân cận. Ông thường than vãn: “Không hiểu giếng nước làng Sọ ra sao, mà làng này không có mỹ nhân”. Và cái thành kiến ấy cứ bám rễ mãi trong trí óc ông. Cho tới một buổi chiều, ông chống ba toong đi dạo mát trong làng. Ông đi qua cái giếng khơi ở giữa làng, thấy một cô gái đang khỏa đám bèo tổ ong, múc nước. Cô gái xắn quần quá đầu gồi. Đầu tiên, ông chỉ ngạc nhiên về cái mầu trắng ngọc ngà nhễ nhại của những khoảng da thịt để hở trên người cô gái. Đến khi cô gái lên bờ, thì cái ngạc nhiên chuyển thành cái sững sờ, bởi vì toàn thân cô gái là một sự cân đối mềm mại. Những bà vợ của ông đẹp thì đẹp thật, nhưng ở mỗi bà, ông đều tìm ra khiếm khuyết. Người thì thô tháp quá, người thì mảnh mai đến mức gầy gò, người thì nước da quá mức hồng hào đem lại cho ông cái cảm giác hừng hực xuân tình một cách lộ liễu, thiếu cái đằm thắm mà e lệ, đó là điều ông thường khao khát. Còn ở người đàn bà này, cái hông tròn lẳn bao nhiêu là hứa hẹn, đôi vú thây lẩy mà lại săn chắc đủ để tạo nên sự mĩ miều từ những đường cong, đôi lông mày cong vừa phải, to vừa phải, xanh mướt sức sống, đôi mắt sáng mà dịu gợi những khao khát đằm thắm, nó hé lộ cái cửa sổ tinh tế chứ không ánh lên cái sắc tựa dao cau. Ông chánh chợt ngộ ngay ra cái định kiến sai lầm của mình. Làng Sọ của ông cũng đã sinh ra một mĩ nhân. Ông là một nhà nho tài tử lỗi thời cho nên ông thích cái đẹp xưa xưa ấy. Mà tên cô ấy lại là Thêu. Cái tên cũng xưa cũng đẹp như là người. Không thể để phí hoài một vưu vật hiếm. Vưu vật ấy phải ở trong tay một người hiểu biết cái giá trị của nó. Người ấy chẳng phải ta thì là ai. Và thế là cô Thêu đã lọt vào con mắt sành sỏi của ông chánh. Nói cách khác, cô Thêu đã được ông chánh chấm. Năm ấy cô mười tám, ông chánh đã ngót nghét sáu mươi. Thêu đã đến tuổi lấy chồng, nhưng một khi ông chánh đã để mắt tới, thì đám thanh niên dù có sừng có mỏ thế nào cũng không dám ho he tán tỉnh. Ông chánh như ông vua con ở làng Sọ. Ông chánh đã dùng thế lực của mình bao vây cô Thêu thật chặt. Ông trưởng họ tán thành, ông chú ruột tán thành. Người ta vẽ ra một tương lai xán lạn cho bà mẹ già mù dở của cô nếu cô chịu lấy ông chánh: nào có cơ ngơi riêng, nào có ruộng nương riêng, nào bà cụ sẽ được phụng dưỡng đầy đủ cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Cuối cùng, bà cụ tặc lưỡi bằng lòng gả cô gái mười tám ấy cho ông lão sáu mươi đã có tới năm vợ.
Cuối cùng cô gái xuân sắc hơ hớ đã phải cưới ông già, dù cô nhịn ăn và khóc suốt hai ngày đến mức đôi mắt sưng vù.
Anh đội Khoát, sau khi đến ở nhà vợ chồng Lẫm, đã bắt rễ sang cả bà Thêu. Gọi là bà, thực ra lúc đó Thêu mới chưa tới ba mươi nhăm, trông vẫn rất đẹp. Nếu ta thật bình tĩnh nhìn nhận, có lẽ lúc ấy Thêu còn đẹp hơn cả thời con gái. Bởi vì Thêu đã có con. Da thịt nở bung ra. Có thể nói ba mươi tuổi, đàn bà mới thực sự là đàn bà, nhất là đàn bà đã sinh con. Đó là thứ quả chín vừa thơm phức, ngọt đậm đà mà những người đàn ông từng trải đánh giá rất cao.
Suốt ngày anh Khoát sang nhà bà Thêu cốt cán để bồi dưỡng:
- Gốc rễ chị là cố nông. Chị lại lấy lẽ thứ sáu. Lẽ thứ sáu tức là một loại người ở không công. Vừa phải hầu hạ xác thịt cho địa chủ. Vừa phải lam lũ ngoài đồng. Chị phải tố cáo là nó đã hiếp chị.
- Như thế sao được. Cả làng đều biết lão chánh cưới tôi.
- Thế chị có yêu lão già ấy không?
- Không.
- Thế chị có bằng lòng lấy lão ấy không?
- Không. Tôi khóc suốt ba ngày ròng. Mắt sưng húp híp.
- Thế thì lão ngủ với chị khác gì lão hiếp. Chỉ khác là hiếp sau khi cưới... Thế thì chị đổi thời gian đi. Tố là lão hiếp chị hôm bà cụ đi ăn giỗ. Lão đến chơi, chị ở nhà một mình. Lão đè chị ra. Chị lạy van mãi mà lão không tha. Chị khóc lão cũng không tha. Lão ấy đã cướp cả đời con gái của chị.
Cái kịch bản Khoát đề ra, Thêu đã chấp nhận. Mà thực ra, lão ta đã hiếp chị thật. Cái hôm động phòng đầu tiên, Thêu cũng lạy van thật:
- Cháu lạy ông ạ. Cháu xin ông ạ. Cháu sợ lắm. Ông đừng làm gì cháu ạ.
Khi lão hành sự xong, thấy máu chảy ra, Thêu lại khóc ròng rã suốt đêm hôm ấy, không ai dỗ được. Khi ở nhà, khóc còn có mẹ dỗ. Còn bây giờ, khóc chỉ có một mình. Khóc một cách cô đơn, oan uổng.
Đúng như anh đội nói, chị đã bị phí cả một đời con gái. Nghĩ như vậy, nên chị thấy mình tố lão chánh không phải là tố điêu.
Cả một đời con gái bị phí hoài. Cứ nghĩ đến câu nói đó của anh Khoát, Thêu lại bừng bừng lửa giận. Và sự căm thù nổi lên. Căm thù ở chỗ, sau khi Thêu sinh ra con Rêu, chánh Long đã bỏ rơi mẹ con chị. Tiếng là có chồng cũng như không. Bỏ rơi mà lại giam giữ nữa chứ. Bởi vì tuy không bị chồng bỏ hẳn nhưng mà bị chồng bỏ lửng, không đoái hoài đến nữa, và cũng không giải phóng. Thêu chẳng được cùng ai. Mà cũng chẳng ai dám cùng với người đàn bà ấy nữa.
Nỗi giận dữ đã lên tới cùng cực. Nó biến thành sự hận thù. Thêu như người lên đồng. Càng múa, càng hú hét, càng nghe đàn sáo, càng ngửi thấy hương trầm, nỗi hận thù càng lên chót vót. Hôm ấy, chị Thêu vừa tố vừa khóc. Đôi mắt chị đẹp là thế, tối hôm ấy bỗng long lên sòng sọc, sắc như con dao cau. Chị kể lể, chị nghiến răng kèn kẹt, rồi chị lăn ra bất tỉnh, sùi bọt mép. Toàn thể ngôi đình cùng khóc. Toàn thể ngôi đình cùng nức nở hô to:
Đả đảo địa chủ ác bá chánh Long
Nợ máu phải trả bằng máu.
Thực ra, sau khi Thêu đẻ con Rêu, bị chánh Long bỏ rơi cũng là có lý do.
Bọn trương tuần, lúc Thêu đang có mang một đêm đi canh đồng, họ bỗng thấy một bóng đen từ phía nhà riêng của chị xuất hiện rồi chạy về phía sông Đào. Họ quát, bóng đen vẫn chạy. Họ thổi tù và tí u vang trời, bóng đen vẫn chạy. Mờ mờ tỏ tỏ. Lúc rõ lúc mất. Bóng đen chạy đến bờ sông, liền ùm một tiếng rõ to. Đám tuần phiên đến bờ sông tìm. Song hoàn toàn không thấy tung tích. Họ bàn tán:
- Tôi trông thấy hắn từ cái trổ tre nhà cô Thêu chui ra.
- Có đúng không, chả oan người ta.
- Tôi trông thấy rõ ràng mà.
- Cách mấy đêm trước, tôi qua nhà cô Thêu, nghe thấy tiếng đàn ông. Sau đó tắt đèn và im bặt.
- Chẳng lẽ...
Thế rồi một đồn mười, mười đồn trăm. Cuối cùng thành câu chuyện cô Thêu chứa trai trong nhà. Câu chuyện ấy vào tai bọn trai tơ trong làng, lại càng thêm mắm thêm muối rất ly kỳ. Người ta đồn rằng, trước khi lấy ông chánh cô Thêu đã phải lòng một anh đánh dậm to khỏe người đen như cái cột nhà cháy. Họ đã ăn nằm với nhau nhiều lần. Khéo không chừng cái thai trong bụng cô Thêu không phải là của ông chánh...
Bọn trai làng tưởng tượng thêu dệt chẳng qua do lòng đố kỵ. Họ muốn trả thù ông chánh, nhưng không ngờ đòn ấy lại đập vào cô Thêu.
Giá như tình cảnh ấy xảy ra khi ông chánh và cô Thêu đang trong tình trạng mặn mà thì chẳng sao. Đằng này nó xảy ra đúng lúc ông chánh đang mắc bệnh trọng. Cái thứ bệnh đàn ông rất xấu hổ khi bị mắc. Ông chánh bị liệt dương, đang uống thuốc của ông lang Khoái. Bệnh ấy, người nhiều vợ như ông chánh mắc cũng dễ hiểu. Lang Khoái bảo:
- Bệnh như ông với thuốc của tôi, mười người chữa khỏi đến sáu, bảy. Không biết với ông có ăn thua gì không?
- Cũng tàm tạm, lúc được lúc không.
Ông Khoái muốn cụ thể, nên hỏi bỗ bã:
- Thế có chui được vào người ta không?
Ông chánh già đỏ mặt.
- Có lúc chui được.
- Thế có sung sướng như bình thường không?
- Có - Ông chánh cười hà hà.
- Thế thì tốt rồi. Nhưng tôi phải nhắc ông câu này nhé. Năm bà đầu, họ đủ rồi. Xin ông cai hẳn. Chỉ dành riêng cho bà sau thôi. Và nhớ lấy câu này:
Nhất nguyệt đáo nhất nhật
Lương y hất đáo gia.
Ông chánh đã theo đúng lời thầy thuốc. Không ngờ bây giờ lại xảy ra chuyện thế này. Ông chánh nửa tin, nửa ngờ liền tra hỏi cô Thêu. Cô Thêu chối, cho là chuyện bịa đặt. Nhưng chẳng hiểu tại sao, từ bấy khi gặp cô, ông không tài nào làm chuyện ân ái được nữa. Lẽ nào cái của ấy cũng biết bất mãn, nghi ngờ hay sao. Mà nó đã nghi ngờ là có cái lý của nó... Lý lẽ ấy làm ông chánh dần lánh xa cô Thêu. Khi Rêu ra đời, ông chánh rất khổ tâm, vì không biết có phải con mình hay không. Ông chánh hỏi ông Khoái. Ông Khoái trả lời:
- Tôi hỏi ông cái lần ấy có sung sướng không? Ông bảo có. Như vậy, có thể nói thuốc của tôi đã thành công. Và chắc chắn ông có thể có con với cô Thêu. Vì ông đã thực sự đi lại với cô ấy rồi. Bây giờ giả sử trường hợp xấu, thì ít nhất năm mươi phần trăm con bé vẫn là con của ông. Nếu ông bỏ nó và nó là con người khác, chuyện ấy đi một nhẽ. Nhưng nếu lại rơi vào chỗ phần trăm đúng là con ông thì sao? Nếu thế ông sẽ mang tội suốt đời. Vả lại, tin tôi đi, con bé Rêu sao mà xinh thế, sao mà thông minh thế. Chẳng lẽ một thằng đánh dậm khố rách áo ôm lại đúc ra nổi một đứa bé như thế sao. Phải là người sang, phải là bậc tài hoa, mới có con cái như thế.
Nghe ông lang nói, ông chánh vẫn nhận Rêu là con. Nhưng trong đáy lòng, ông cứ lo mình chỉ là bố hờ. Bậc tài hoa sợ nhất sự phản bội. Mà khi kẻ phản bội là mỹ nhân, thì kẻ tài tử lại càng đau đớn khôn xiết. Chính vì lẽ đó, ông đã lặng lẽ rời xa, ít khi lui tới nhà bà Thêu. Người đàn bà hừng hực xuân thì đã bị bỏ quên.
Khoát nghĩ: Như vậy lão chánh Long đã rõ rành rành mắc ba tội bóc lột, chiếm đoạt và hãm hiếp. Chỉ còn cần một tội thứ tư tức là nợ máu, thì có thể đưa lão ta lên hàng ác bá, một thứ địa chủ tội to nhất, thứ tội mà trời không dung đất không tha. Muốn thế, ta ghép tội hắn vào chuyện giết cán bộ kháng chiến, ví dụ như giết anh Hải chẳng hạn. Anh Hải bị giặc chặt đầu, mổ bụng moi ruột, lại cắm đầu trên thuyền trôi sông. Một con người hi sinh như thế, anh hùng như thế, nên được cả làng cả xã, cả huyện kính phục, thương tiếc. Nếu hắn mắc tội ấy thì lòng căm phẫn của nhân dân chắc hẳn sôi sùng sục... Và tội ấy chắc hẳn là tội chết.
Mới đầu ý nghĩa đó chỉ manh nha, nghi nghi hoặc hoặc. Sau đó, Khoát theo hướng đó đi tìm chứng cứ. Có hai người gia nhân nhà chánh Long nói:
- Hàng tối ba cha con lão ta gồm chánh Long, bá Phượng và quản Mật thường ngồi với nhau bàn chuyện. Có khi liền vài tiếng đồng hồ...
Hỏi:
- Bàn chuyện gì?
- Em làm sao biết được.
Anh đội:
- Sao lại không biết chuyện gì. Này nhé lão chánh là tay cường hào già đời. Lão bá Phượng là lý trưởng. Quản Mật là phó đồn Sọ. Còn bàn chuyện gì nữa. Bàn chuyện bóp nặn dân, bàn chuyện phá kháng chiến. Tên cường hào già truyền kinh nghiệm cho cường hào trẻ. Thế nào, bây giờ đồng chí đã hiểu chưa?
- Dạ, em đã hiểu.
- Hiểu thì nói đi.
- Dạ, một buổi tối, em phải đun nước cho họ pha trà. Em đem nước sôi lên, họ không để ý. Bất chợt em nghe thấy ba cha con họ bàn. Họ nói có gián điệp Tây ngoài hậu phương báo rằng anh Hải là Việt Minh hoạt động trong bốt Tây. Lão chánh bảo cần trừ khử ngay nếu không sẽ nguy hiểm.
- Thế, ngoài hai đứa con, lão chánh còn bàn với ai nữa?
- Dạ, lão chánh hay ra chùa uống trà với sư cụ.
- Sư cụ gì. Lão ấy là sư hổ mang. Anh có nghe thấy tổ chức phản động liên tôn chống cộng không?
- Dạ, em không biết.
- Thế này nhé. Bọn tề ngụy nợ máu cấu kết với bọn tôn giáo phản động, và với bọn Việt Nam Quốc dân đảng đội lốt cán bộ để phá hoại cách mạng.
- Thế là em đã rõ. Bọn chánh Long cấu kết với lão sư. Lão sư Vô Úy cấu kết với lão Trần, cán bộ huyện, xưa kia cũng là sư.
- Nhưng ngoài lão sư già, bên dưới còn phải có bộ hạ chứ. Thử hỏi ai làm liên lạc giữa họ?
- Dạ, sư bác Độ. Tay này ghê lắm.
- Vớ vẩn! Anh ta giết Tây lùn Bernard. Anh ta giết Tây rõ ràng ai cũng biết. Bảo anh ta chống kháng chiến ai người ta tin.
- Hay là cô Nguyệt.
- Vớ vẩn nốt. Cô ấy tuy chưa cưới anh Hải, nhưng cả làng này ai cũng coi cô ấy như là vợ liệt sĩ.
- À, còn thằng sư con, chú tiểu An.
- Ừ, thằng sư con. Bé tí đã đi tu. Tiêm nhiễm tư tưởng mê tín phản động từ lúc nhỏ. Thằng này tội không nặng nhưng cũng cần phải cải tạo. Nó là liên lạc phản động.
Thế là, chỉ một buổi tối bồi dưỡng cốt cán, Khoát đã tính toán xong phải giết ai, phải bắt ai, phải cải tạo những ai.
Bây giờ Khoát đã là ông trời con ở cái làng Sọ này rồi. Anh đi trong làng, luôn giữ vẻ mặt nghiêm nghị. Đối với các gia đình rễ, chuỗi thì anh ban cho họ một nụ cười. Còn đối với các gia đình trung nông cứng hoặc phú nông, thì họ len lét sợ sệt và chào anh rất cung kính, nhưng anh không cười mà chỉ cho họ một gương mặt lạnh tanh và cái gật đầu khẽ.
Thằng Trắm, chú tiểu An, cái Hiếu, cái Rêu, cái Huệ là những người bạn thân. Chúng là lũ trẻ choai choai mười bốn đến mười bảy tuổi. Thằng Trắm thích cái Hiếu. Trắm mười bảy, Hiếu mười lăm. Trắm gấu lắm. Có tối đi học hát về, nhân lúc tối trời và vắng vẻ chỉ có hai đứa, Trắm liền ôm chầm lấy Hiếu. Hai cánh tay rắn chắc như hai gọng kìm làm Hiếu giãy giụa mãi mới thoát. Nó đấm thùm thụp vào lưng Trắm.
- Đồ bậy bạ! Tớ đánh chết đấy.
Đứa này nghèo rớt mùng tơi. Đứa kia, dù thế nào, cũng sinh ra từ một gia đình giàu có. Giá như xưa kia, vào thời Pháp, chắc Trắm không dám thế. Nhưng bây giờ, tình hình làng xóm đã khác đi nhiều lắm rồi. Là đàn bà con gái, nên khi Trắm vồ lấy mình, giới tính bắt buộc Hiếu phải giãy giụa chống cự vùng thoát ra thôi. Chứ thực bụng, cô gái cứ muốn trong vòng tay vững chắc của Trắm mãi. Ít lâu nay, tình hình gia đình làm Hiếu buồn khổ bối rối vô cùng. Trước kia ở cùng với ông bác ngoại, một cán bộ trung ương, nên Hiếu cũng hiểu rõ thế nào là phát động giảm tô, là cải cách ruộng đất, là đấu tố. Hiếu vô cùng thương xót cho người ông già nua; đội chưa về đã run rẩy, đã cam chịu, đã sợ hãi. Sợ hãi mẹ của Hiếu còn hơn là trông thấy dã thú. Có lẽ ông đã biết số phận của mình.
Trước khi đội về một tháng, một hôm, ông cụ bảo cháu gái:
- Hiếu ơi! Bây giờ mọi sự đối với ông đã rõ rồi. Ông chỉ có một ước vọng... Cháu là đứa cháu gái ông yêu nhiều nhất. Chỉ có điều suốt thời gian dài nhiều năm cháu ở hậu phương thành thử ông chả chăm sóc được cho cháu. Lại chả được gặp mặt cháu luôn. Giá như cháu có thể đến với ông thường xuyên.
- Thế thì ngày nào cháu cũng đến thăm ông.
- Ông ngại nói điều ấy vì sợ mẹ cháu chẳng bằng lòng.
Mẹ Hiếu không bằng lòng thật, khi thấy ngày nào Hiếu cũng vắng nhà vào buổi chiều, và chị đã lồng lộn lên khi biết Hiếu đến nhà ông chánh. Ông già thích cô cháu gái nấu cơm cho mình ăn. Một hôm, không có thức gì ăn, Hiếu mua được một đùm châu chấu về rang. Ông già ăn cứ khen ngon. Ông kể:
- Ông thích châu chấu rang vì ngày xửa ngày xưa cụ cháu, tức mẹ ông hay cho ăn món này. Ngày ấy cụ đã giàu, đã có chục mẫu ruộng, nhưng quanh năm bóp mồm bóp miệng, trừ ngày giỗ tết, còn thì ngày thường không bao giờ ăn thịt cá. Cụ bảo: “Kẻ chỉ thích ăn ngon, chẳng bao giờ nên người”. Cả nhà, chỉ riêng mình ông được chiều chuộng nhất, tức là được ăn thức ngon. Và thức ngon của cụ tức là châu chấu rang.
Nhắc đến kỷ niệm xưa, nhắc đến người mẹ đã quá cố từ rất lâu, ông già sáng mắt lên và chợt nhớ ra một điều. Ông vào nhà trong, lấy ra một cái túi vải con:
- Vàng bạc của ông, bố cháu và chú cháu vào Nam mang đi hết cả. Ông chỉ giữ lại mấy thứ của mẹ ông. Cứ quên khuấy đi mãi. Bây giờ mới chợt nhớ. Ông để dành cho cháu và cô Rêu của cháu. Đôi chằm và chiếc nhẫn trơn là của cháu. Chiếc nhẫn to hơn là của cô Rêu. Cái Rêu nó không bao giờ đến đây. Thôi thì con giữ cho nó. Đời người chả biết sau này thế nào đâu cháu ạ. Ông cho để phòng thân những khi khốn đốn. Đừng cho mẹ mày biết. Cũng đừng cho ai biết cả. Nhất là khi cải cách. Ông nghe nói, nông dân người ta đánh đập để khảo của đấy. Phải giấu vào chỗ thật kín. À, phải rồi! Cái nhà mẹ con cháu ở, xưa kia chính là cái nhà mẹ con ông ở. Ông biết rõ từng cái cột, cái kèo. Thế này nhé... Ở câu đầu phía bên phải, phía mặt trên câu đầu có một cái hốc. Cuộn cái túi nhỏ lại giấu vào đấy, thì chỉ có thánh mới biết được. Chờ lúc mẹ cháu ra đồng, hãy trèo lên mà giấu.
Hôm ấy Hiếu rất vui, dù về muộn, bị mẹ chửi cho một trận. Hiếu vui vì ông nội cũng rất vui. Ông chánh bảo:
- Bây giờ thì ông chết được rồi. Nhưng ông dại gì mà chết ngay. Ông phải sống cho đến ngày cuối cùng khi đội về. Để còn được ăn châu chấu rang của cháu chứ. - Ông già nói xong cười hà hà.
Khi anh đội Khoát về làng, tối hôm ấy, Hiếu trằn trọc không tài nào ngủ được. Bởi vì cô biết đêm ấy là đêm cuối cùng của ông nội. Hiếu biết ông mình là người to gan, dám xem cái chết nhẹ bẫng. Cô nằm nghĩ ngợi mà nước mắt ứa ra. Tuy nhiên Hiếu không khóc thành tiếng. Cô thấy giận mẹ mình. Cô không muốn cho mẹ biết mình đã khóc.
Khi gà gáy sáng, Hiếu choàng ngay dậy chạy ra đường, đến nhà ông nội. Cô ngạc nhiên thấy ông Lẫm đứng chặn trước cửa.
- Mày đi đâu sớm thế.
- Cháu lạy bác, cho cháu vào thăm ông cháu.
Ông Lẫm nhìn trước nhìn sau rồi bảo:
- Vào nhanh lên, rồi ra ngay lập tức, kẻo ông đội Khoát về thì khổ.
Tưởng ông mình đã gặp chuyện rồi, Hiếu rơm rớm nước mắt chạy vào. Cứ tưởng ông đã treo cổ hay uống thuốc độc rồi. Nào ngờ vào đến trong, thấy ông cụ vẫn còn sống. Bị trói như bó giò vào cái cột. Mồm cũng bị trói bằng sợi dầy thừng. Ông Lẫm đứng sau nói:
- Ông đội bắt trói cả mồm. Chả là sợ cắn lưỡi tự tử. Ta bảo: “Ông già móm rồi. Chỉ còn có lợi. Làm sao mà cắn lưỡi được”. Anh đội bảo: “Cẩn tắc vô áy náy".
Thì ra anh đội Khoát là người có kinh nghiệm, anh đã tham gia hai đợt cải cách. Trước khi về đây, anh đã nắm rất chắc tình hình và phán đoán chánh tổng Long có thể tự sát. Mình không thể để lão già này tự chết. Hắn là địa chủ đầu sỏ, nhiều ruộng, nhiều ân oán với dân làng. Hắn chết dễ dàng, nhân dân sẽ mất đối tượng đấu tranh. Khí thế sẽ bị xẹp. Vậy thì, ta không cho phép nhà ngươi chết. Chỉ đến khi nông dân đã xả hết căm thù, và nếu nông dân xử ngươi tội chết, lúc đó nhà người mới được phép chết.
Nghĩ thế nên vào khoảng chín giờ tối hôm đó, Khoát cùng với anh Lẫm và hai nông dân tá điền của nhà ông chánh đến nhà trong lúc ông già đang buộc dây thừng lên chiếc quá giang. Khoát quát to:
- Này, lão già kia! Định trốn tội hả? Chết hử? Chết đâu có dễ thế! Lão còn phải sống. Lão còn nặng nợ với nông dân.
Rồi Khoát sai Lẫm tháo chiếc dây thừng treo trên xà ngang xuống, trói chánh Long vào cây cột. Lại sai trói cả mồm ông già lại. Trước khi làm việc ấy, Khoát gật gù giải thích:
- Cuộc đấu tranh long trời lở đất này có hai mục đích chính trị: một là đánh sụp đổ tan tành uy thế của địa chủ tàn ác; hai là qua nó nâng cao lòng căm thù giai cấp cho nhân dân. Muốn làm được như thế, phải có đối tượng cụ thể. Nếu chánh Long tự tử, ta mất đối tượng cụ thể. Ra đấu trường, bần cố nông lấy gì mà đấu tố. Mất đối tượng cụ thể, chẳng lẽ nông dân đấu một cách chung chung hay sao. Mặt đối mặt với kẻ thù, người nông dân mới có chỗ xả giận bốc lên ngút trời cao... Địa chủ hiểu điều đó, họ rất sợ đấu tố, họ vừa hèn nhát vừa sợ nhục nhã nên thường tự tử khi đội về để trốn tránh đấu tố. Chính vì vậy nên tôi phải vội tới đây ngay.
Lẫm và hai người tá điền nhìn Khoát vẻ khâm phục anh đội quá nhiều kinh nghiệm. Khoát đắc ý lại vạch mồm ông già ra mà giải thích thêm.
- Lúc nãy, đồng chí Lẫm bảo lão già này móm rồi, làm sao cắn lưỡi được. Đây này, lão chỉ móm hàm dưới. Hàm dưới trụi hết răng nhưng hàm trên còn nguyên vẹn. Nếu lão thè lưỡi dài ra, rồi đập cằm vào vật cứng, răng hàm trên vẫn cắn được lưỡi. Trong đợt hai, tôi đã gặp một trường hợp thế này. Ta chủ quan lão già móm, nên tên địa chủ đã tự tử thành công, trốn tránh được nông dân đấu tố...
Khoát lần này không hỏi Lẫm mà lại nhìn vào đôi mắt hau háu của chánh Long và hỏi:
- Thế nào, ông chánh, ông có thấy tôi đi guốc vào trong bụng ông không?
Chánh Long:
- Vâng, quả là anh đội có tài hành hạ địa chủ chúng tôi.
Khoát tát một cái lật mặt ông già:
- Ngươi chớ ngoan cố, láo lếu. Ngươi nói đến hành hạ. Thế bao nhiêu năm trời ngươi làm mưa làm gió, cưỡi đầu cưỡi cổ, gây ra bao nhiêu tội ác ở cái làng Sọ này thì ngươi có nói đến tội ác và hành hạ mọi người không. Ta nói cho ngươi biết. Không phải chỉ là tội ác của riêng ngươi. Ngươi còn cõng trên lưng cả tội ác của cha ngươi, lão phủ Lân, cả tội ác của con ngươi, bá Phượng. Ngươi hiểu chưa? Ngươi cõng trên lưng tất cả tội ác của cả dòng họ Nguyễn cường hào gian ác đời nọ nối đời kia ở cái làng Sọ này.
Mắt Khoát long sòng sọc, căm thù. Khoát nổi giận, điều người ta chưa bao giờ thấy ở anh. Với đôi mắt sáng quắc ấy, Khoát hỏi:
- Nhà ngươi đã biết ta là ai chưa?
Chánh Long ngỡ ngàng trả lời:
- Vâng, tôi đã biết ông là “anh đội”.
Đột nhiên, đôi mắt Khoát chùng xuống. Và Khoát bỗng cười to, một tiếng cười rất lạ. Chỉ một thoáng thôi, ông già địa chủ chợt nhìn thấy trong ánh mắt của anh đội Khoát có cái gì đó bí ẩn ghê ghê, vừa lạ lại vừa quen...
Ông Lẫm dẫn Hiếu đến gần ông già Long bảo khẽ vào tai cô gái:
- Ông cháu nói gì với nhau thì nói nhanh lên. Sáng mai người ta đưa ông cháu lên trại giam của đoàn ủy đấy.
Nói xong, Lẫm ra đứng canh chừng ngoài cửa để mặc cho hai ông cháu đứng cạnh nhau. Ông già bị chiếc dây thừng thít ngang miệng nên chẳng nói được một lời. Ông lão chỉ gục gặc cái đầu. Đôi mắt già mờ đục chan chứa nước mắt. Nước mắt nóng hổi tràn ra bò trên đôi gò má nhăn nheo. Hiếu nức nở ôm lấy ông rồi lấy ống tay áo chấm khô những giọt nước mắt cho ông. Cô rên lên thương cảm: “Ông ơi là ông ơi!”. Hiếu muốn được nghe vài lời của ông. Cố lấy tay ra sức cậy sợi dây thừng trên miệng ông già. Ông Lẫm chợt đi vào, rên lên: - Ấy chết! Đừng làm thế. Anh đội Khoát mà biết thì chết cả lủ. Trước hết là ông cháu sẽ bị hành hạ. Sau nữa là chúng ta. Thôi... thôi... Ông cháu gặp nhau như thế là tốt rồi... Không thể chậm được nữa. Mau lên! Mau lên! Cháu rút đi...
Hiếu ôm lấy ông òa khóc to. Ông Lẫm phải gỡ mãi Hiếu mới rời ông ra. Ông Lẫm kéo Hiếu sềnh sệch lôi ra cửa. Cô gái biết cuộc gặp gỡ này là lần cuối nên đầu cứ ngoái lại nhìn ông già, đôi mắt nhòa lệ của cô sẽ ghi lại suốt đời cái hình ảnh ông lão bị bó giò vào chiếc cột và cái đầu bạc gục gặc lên xuống. Ông như muốn nói với cô: ‘ ‘ ‘‘Chào vĩnh biệt, cháu gái yêu quý của ông”.
Ra khỏi nơi giam giữ ông, Hiếu thất thểu bước ra bãi tha ma cạnh chùa. Vì là con bà Bệu, rễ của anh đội Khoát, nên Hiếu được kết nạp vào đội dân quân du kích. Cô được phép đi lại dễ dàng trong đêm vào những ngày cải cách. Hiếu đi gặp tổ trưởng du kích, anh Trắm. Gọi là việc công cũng được, hoặc là việc tư cũng được, bởi vì hai cô cậu choai choai này đã xoắn xuýt với nhau. Cuộc hẹn ở bãi tha ma. Ra tới nơi, Hiếu chẳng thấy Trắm đâu. Chỉ thấy những con đom đóm vẽ những đường cầu vồng xanh lơ trên bãi hoang lạnh. Chỉ nghe thấy ếch nhái, nhận cơn mưa rào ban chiều, được thỏa thuê tắm mát, nên dẻo mỏ, đua nhau phồng mang phồng bụng lên mà ộp oạp. Tiếng kêu loạn xị chẳng chút nhịp nhàng làm tâm hồn rối bời của Hiếu càng thêm bối rối.
Hiếu căng mắt nhìn vào đêm tối, vẫn chẳng thấy bóng người. Chợt từ sau ngôi mộ xây, một bóng đen xuất hiện, xồ ra ôm chầm lấy cô. Hiếu giật mình, nhưng cái mùi gây gây của gã du kích làm cô nhận ra ngay đó là Trắm nên không kêu lên.
Gã con trai sấn sổ thò ngay bàn tay nóng hổi luồn vào ngực Hiếu... Đấy, Trắm đấy, gã con trai của Hiếu đấy. Lần gặp nào hắn cũng sỗ sàng như vậy. Nóng hổi, cứ như thằng rồ mỗi khi gặp nhau. Lần thì hắn cắn vào tai, lần thì vào cổ, vào ngực Hiếu thấy sờ sợ nhưng cũng thích thích. Riêng lần này Hiếu chẳng thích tẹo nào. Cô dùng hết sức đẩy hắn ra và kêu lên-
- Rõ nỡm.
Phản ứng của Hiếu làm Trắm chưng hửng:
- Sao vậy?
- Nghe đây này. Đừng cợt nhả nữa - Hiếu ra lệnh bằng môt giọng nghiêm trang - Tớ vừa mới biết, sáng ngày mai, đội sẽ đưa ông chánh lên trại giam đoàn ủy.
- Trại giam đoàn ủy?
Đúng vậy! Trắm nghe xong chợt sững người. Bởi vì người ta đã biết tiếng khu trại giam ấy. Kẻ nào đã vào sẽ không có lối ra
Nghe vậy, Trắm nghiêm chỉnh ngay lại. Nó hỏi thêm-
- Còn bà Nấm thì sao?
- Mình không biết. Mẹ mình chẳng hở ra điều gì. Nhưng cũng phải báo cho cái Huệ biết ngay. Bởi vì nghe thái độ của ông Khoát nói chuyện, mình biết đội cho rằng bà chủ tịch chẳng khác gì các địa chủ đầu sỏ. Người ta tố bà ấy là trùm Quốc dân đảng cơ mà.
Trắm chia tay với Hiếu, anh đi về nhà bà Nấm. Ngay sau khi đội về được một hôm, người ta đã giam lỏng bà Nấm tại nhà. Đội Khoát sai Trắm chặt ngay cây cau già trước cửa nhà bà Nấm. Lại sai cưa hai khúc gần gốc, mỗi đoạn dài một mét Ở giữa mỗi đoạn, khoét hai lỗ. Lúc bấy giờ, Khoát mới nói đó là cái cùm. Bà chủ tịch Nấm bị cùm hai chân. Hai khúc cây cau ấp lại với nhau. Một đầu buộc bằng dây sắt to xoắn lại, nếu không có dụng cụ, tay người không thể tháo ra. Còn đầu kia khóa chặt bằng chiếc khóa đồng to bằng cổ tay.
Lúc bấy giờ, trại giam của đoàn ủy đã chật cứng, cho nên có chỉ thị cho phép tạm giam những đối tượng cải cách tại nhà, nhưng phải canh gác và cùm kẹp cho kỹ chờ ta mở rộng trại.
Thằng Căn, thằng Trắm, cái Hiếu, cái Huệ, cái Rêu, chú tiểu An... là những bạn thân của nhau. Khi cải cách, các gia đình bị chia làm hai nhóm: cốt cán và đối tượng của cách mạng. Lẽ dĩ nhiên, đám trẻ trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, cũng trở nên rất khôn ngoan. Bị cơn bão tố cuồng nộ chưa từng có của cuộc sống xô đẩy, con người có thể trở thành ti tiện, độc ác thậm chí tàn bạo với đồng loại; may thay, đám thanh thiếu niên ấy lại rất trong sáng, lương thiện. Họ chưa có những lý lẽ để bảo vệ sự lương thiện của mình. Phải chăng cái lương thiện ấy là một bản năng sẵn có, hay đó là kết quả của cái nếp sống làng xã ngàn đời đã gieo trồng và nảy mầm trong tâm hồn họ mà họ không hay biết. Phải nói là họ rất hoang mang. Họ biết ông chánh là một người giàu có, một địa chủ, nhưng nói rằng ông ta độc ác thì họ không thấy. Họ biết bà Nấm là chủ tịch xã, nhưng bảo bà ta và chồng bà ta là kẻ phản động hại dân hại nước, thì họ không hiểu nổi. Thậm chí họ còn thấy đó là những con người tốt đẹp. Hơn nữa họ còn thấy cái Hiếu, cái Rêu, cái Huệ là những người bạn tốt bụng của họ sao lại gặp hoàn cảnh trớ trêu đến thế, đau khổ đến thế. Nhất là Huệ. Đó là đứa bạn hiền hòa nhất. Nó chẳng dám làm đau đến ai, dù đó là con ong, cái kiến. Giờ phút này đây, gặp Huệ là thấy nước mắt. Có thể nói, Huệ đã bị tê liệt, nó chẳng biết làm gì ngoài việc khóc. Nó thầm gọi ông Trần và anh Căn của nó: “Thầy ơi! Thầy về mà cứu lấy mẹ con. Người ta bảo sẽ mang mẹ con đi bắn. Anh Căn ơi! Em phải làm gì bây giờ để cứu mẹ chúng ta?”. Nó tuyệt vọng rồi. Người ta sắp mang mẹ nó lên trại giam đoàn ủy. Và khi người ta mang mẹ nó đi, không biết nó còn có thể sống nổi không nhỉ. Mẹ nó, tuy suốt ngày bị cùm, vẫn tỉ tê khuyên nhủ nó: “Phải cứng rắn lên. Dù mẹ có mệnh hệ nào, thì con cũng phải sống cứng rắn. Đời con còn dài lắm. Dù thế nào cũng đừng ngã lòng”. Cũng may, bà Nấm còn được tạm giam tại nhà. Huệ cố gắng dùng những ngày gần gũi cuối cùng để chăm sóc cho mẹ. Đêm nằm, hai mẹ con tỉ tê với nhau. Bà mẹ thấy con sụt sùi, cố vỗ về an ủi:
- Xem kìa, con gái cưng của mẹ. Cô như một cục giẻ ướt. Véo chỗ nào cũng ra nước mắt. Con nên nhớ, đời mẹ con ta là đời con gái thời loạn. Còn biết bao gian truân ta không thể biết đang ở phía trước mặt. Người con gái thời loạn vừa phải biết mềm yếu vừa phải biết cứng rắn. Mà khi người đàn bà đã biết cứng rắn thì ghê gớm lắm. Bão tố cũng không lay chuyển được. Cái mềm yếu thì con có thừa. Còn cái cứng rắn ư? Mẹ biết rằng con sẽ cứng rắn...”. Chẳng biết người mẹ đang động viên con gái, hay là bà đã cảm nhận thấy cái số phận và tính cách tương lai của Huệ. Bà bảo rằng hoàn cảnh của bà thật bi đát, nhưng chưa phải đã hết hi vọng.
Tối hôm ấy, người mẹ nói với người con gái đang tuyệt vọng và sợ hãi bằng một giọng rất cương quyết: “Chưa phải đã hết hi vọng đâu con ạ”. Giọng nói của người mẹ như muốn truyền sự can đảm, sự khát sống cho người con. Bàn tay lạnh của bà nắm lấy bàn tay nóng hổi của Huệ, rồi dẫn bàn tay con tới chiếc khóa bằng đồng bóng loáng ở đầu hai khúc thân cau: “Mẹ nghĩ ra rồi. Cái chính là cái này”. Rồi bà lại kéo con nằm xuống và rất bâng quơ, kể cho Huệ nghe một câu chuyện ngày xưa. Một kỷ niệm từ thời con gái, tưởng như chẳng ăn nhập với hoàn cảnh hiện tại.
“Lúc ấy, mẹ mới mười bảy, mười tám, ở với bà dì. Bà ấy là bà Tư của ông chánh Long. Hai dì cháu ở ngoài rừng Cò. Dì Tư lấy chồng giàu, tuy vậy vẫn sống rất tằn tiện chẳng khác gì người nông dân nghèo. Dì Tư có một chiếc hòm gian. Chiếc hòm to bằng đúng một gian nhà. Chiếc hòm nằm trên bốn chiếc chân cao kê ở giữa gian. Nó vừa làm bàn thờ, vừa làm nơi chứa đựng của nả của dì Tư. Ở trong đó đựng mấy tấm vải, mấy bộ váy áo mới, rồi cả ngô, khoai, gạo nếp, gạo tẻ thậm chí cả lạc, cả vừng. Như đã nói dì Tư giàu nhưng rất căn cơ; hàng bữa dì chỉ thổi cơm có ngữ. Mà lúc ấy mẹ đang tuổi lớn. Mẹ lúc nào cũng thấy đói. Đói quá, nên nghĩ chuyện ăn vụng. Chiếc hòm gian lúc nào cũng bị khóa chặt. Chiếc khóa bằng đồng bóng nhoáng. Nó giống như chiếc khóa cùm này đây. Mẹ đã nghiên cứu, đã loay hoay tìm nhiều cách trong nhiều ngày, và cuối cùng đã mở được chiếc khóa đồng. Chiếc hòm gian đã được mở. Mẹ chỉ dám ăn cắp khoai và ngô của dì Tư, còn gạo thì không dám đụng đến”.
Trong bóng đêm, người mẹ nhớ lại kỷ niệm xưa, cười khẽ trong cổ họng. Rồi bà bỗng bóp chặt tay con gái và thì thầm vào tai cô:
- Thế đấy, con hiểu chưa. Cái khóa đồng to, trông tưởng ghê gớm lắm nhưng chẳng khó gì đâu. Nó khóa chặt nhờ hai lá sắt vểnh ra tạo thành hình chữ V. Nay ta bóp hai đầu mút hình chữ V lại là khóa sẽ mở. Con đi kiếm hai thanh sắt mỏng và nhỏ cho ta.
- Kiếm sao được hở mẹ. Ở nhà này du kích lấy đi hết những gì là sắt, thép. Họ sợ mẹ con ta tự tử. Đến một cái đinh, một sợi dây thép cũng chẳng còn.
- Phải cố mà tìm cho bằng được. Nhờ lũ bạn con ấy. Mẹ nghi chúng nó rất tốt bụng.
- Ai bây giờ nhỉ.
- Thử bảo thằng Trắm xem sao.
- Đến nói chuyện với con nó cũng không dám. Hòng gì nó giúp.
- Con đừng nghĩ thế. Thằng Trắm không dám nói chuyện với mẹ con mình vì nó là tổ trưởng du kích. Nhưng nhìn ánh mắt của nó mẹ biết nó sẽ giúp chúng ta.
Huệ thật không ngờ mẹ mình đã phán đoán đúng. Cô không thể ngờ nhìn vào mắt một con người bà Nấm có thể biết được những ý nghĩ đằng sau đôi con mắt đó. Một bận, nhân lúc hai anh chị du kích canh gác còn mải cười nói với nhau ngoài ngõ, Huệ đã ngỏ ý nhờ Trắm tìm cho hai thanh sắt nhỏ. Lúc hỏi, Huệ cứ run run sợ Trắm từ chối, hoặc lợi dụng chuyện đó mà tố cáo với đội. Thật không ngờ, nghe Huệ nói, Trắm chỉ lặng thinh nhìn ra ngõ, rồi liếc nhanh nhìn cô và gật đầu. Cái gật đầu mà chỉ mình cô nhận ra thôi.
Sau khi gặp Hiếu ở bãi tha ma, Trắm thọc tay vào túi quần đi thẳng đến nhà bà Nấm. Trắm thay đổi thái độ quá đột ngột làm Hiếu phải ngạc nhiên. Đang cợt nhả, sỗ sàng, Trắm, thoắt một cái, đã biến thành chàng trai nghiêm túc, hình như lại có phần nôn nóng vì một việc gì đó. Rồi Trắm từ biệt đi ngay. Mỗi lần anh ta chia tay ở chỗ vắng vẻ, Hiếu đều phải phòng bị. Bởi vì lúc đó thế nào Trắm cũng ôm chầm lấy Hiếu, để rúc đầu vào cổ cô, vào tai cô để mà hít hà. Anh ta bảo làm như thế hương của cô lúc nào cũng quyến trong mũi anh. Và có như vậy nó mới đỡ nhớ. Sợ nhất là bàn tay thô nhám của Trắm. Lúc ôm cứng lấy Hiếu thế nào nó cũng luồn vào ngực cô, để mà sục sạo, lục lọi. Ôi cái bàn tay! Táo bạo thế mà cũng lại run như cầy sấy! Nhưng riêng hôm nay thì không. Anh ta cắm cúi bước đi để Hiếu thật ngỡ ngàng phí công phòng bị. Hiếu nhìn theo cái dáng hối hả của anh và ngạc nhiên thốt lên: “Rõ là thằng rồ!”. Chằng biết cô thất vọng hay hài lòng vì thái độ khác lạ ấy của Trắm.
Trắm xăm xăm bước vào nhà bà Nấm. Ban trưa trời còn nắng chang chang, thế mà khi chiều về, trời bỗng ỉu đi nhanh trông thấy. Những đám mây xám không biết từ đâu kéo về ùn ùn, cùng với những trận gió ào ào phi trên đầu những ngọn tre, đem theo cái rét đầu mùa đột ngột chui vào những mái tranh nghèo vốn đang ngơ ngác vì những chấn động thổ cải, nay bất ngờ gặp cái rét đầu đông lại càng thêm ngơ ngác.
Hai anh du kích gác nhà bà Nấm chưa phòng bị để kịp chống rét. Mỗi anh, trên người chỉ phong phanh một manh áo. Họ đã nhanh trí đốt một đống lửa ngoài hiên. Họ vừa sưởi ấm, vừa nướng khoai, vừa canh gác. Trắm chào hỏi:
- Thế nào? vẫn ổn chứ?
- Dạ, vẫn ổn. À, có chuyện này. Mụ Nấm kêu rét, chúng tôi cho phép mụ choàng cái bao tải.
- Được thôi! Nhưng vẫn phải hết sức cảnh giác. Mấy lại, để tôi vào kiểm tra xem sao. Các đồng chí cứ ngồi sưởi cũng được.
Hai du kích đang ngồi ấm, ngại đứng dậy, nay được lời của Trắm, nên để mặc một mình anh vào nhà.
Trắm vừa bước vào vừa nói oang oang:
- Phản động Nấm còn thức không? Anh đội bảo còn ngoan cố lắm. Anh Khoát nói phải nhận tội hết đi, lúc ấy mới được tháo cùm.
- Dạ thưa anh du kích, oan con lắm. Con đã thành khẩn khai hết rồi ạ.
- Chưa hết. Anh đội bảo mụ vẫn không chịu nhận tội hoạt động Quốc dân đảng.
Ngọn đèn dầu hỏa liu riu như hạt đỗ xanh tỏa ánh sáng mờ tỏ lên người đàn bà bị cùm giữa nhà. Bà Nấm tóc rũ rượi, khoác chiếc bao tải trông như mụ ăn mày. Trắm miệng nói to, chân bước tới người bị cùm. Huệ đã nhỏm dậy, đứng ngây người nhìn cảnh mẹ và Trắm đối đáp. Họ như hai người diễn kịch. Trắm đã đến bên cái cùm, làm ra vẻ như xem xét kiểm tra, miệng vẫn không ngừng nói:
- Mụ nên thành khẩn thì hơn. Tội gì ngoan cố để chuốc lấy cùm gông khổ sở.
Khi nói Trắm quay lưng ra cửa. Rồi rất nhanh nhẹn, tay anh thả những thanh sắt mà Huệ đã nhờ hôm trước. Bà Nấm nhanh nhẹn chộp lấy, giấu dưới cái tải. Trước khi kiểm tra xong, Trắm còn kịp nói một câu rất nhỏ mà chỉ riêng bà Nấm nghe thấy: “Sáng mai, họ chuyển lên trại giam đoàn ủy”.
Tối hôm ấy, bà Nấm hoàn toàn gặp may. Thứ nhất: Gió rét đầu mùa đã làm hai anh du kích ngủ gật bên đống lửa. Thứ hai, những thanh sắt nhỏ của Trắm cũng đến kịp thời.
Khoảng hai giờ sáng, mẹ con bà Nấm mở khóa chạy vào rừng Cò. Nhờ đã quen hoạt động bí mật, bà Nấm không đi ngay. Họ chui xuống cái hầm bí mật mà hồi kháng Pháp ông Trần đã đào riêng cho mình.
Ba giờ sáng, du kích toàn xã đốt đuốc đi tìm phản dộng vượt ngục bỏ trốn. Toàn xã náo động. Mệt phờ mà chẳng thấy tăm hơi. Mẹ con bà biến mất như bốc hơi.
Đêm hôm sau, họ mới từ dưới đất chui lên, đi về phía rừng. Người mẹ dạy con: “Đường xa nhất mới là đường gần nhất. Lúc này đã đủ thời gian để cho đội Khoát báo tới các xã cạnh đường quốc lộ dẫn về Hà Nội. Đi theo con đường gần mẹ con ta sẽ bị bắt. Bây giờ có hai con đường: hoặc là lên Phú Thọ, rẽ sang Hòa Bình rồi về Hà Nội; hoặc là vượt Tam Đảo, sang Thái Nguyên, từ Thái Nguyên đến Bắc Giang cuối cùng trở về Hà Nội. Đường thứ hai xa hơn nhưng bất ngờ hơn. Nó rất an toàn, nhưng không có đồng xu dính túi, liệu có đi nổi không.
Mẹ con bà Nấm đi theo con đường thứ nhất. Họ đã làm thuê, rồi ăn mày, phải đi ba trăm cây số mới về được thủ đô gặp ông Trần.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa