Arthur & Alexandre
iện thoại đã không đổ chuông. Bóng ma lên phòng khách sạn của mình. Hắn cho nước chảy đầy cái bồn tắm bằng gang có chân uốn cong, nới cà vạt, bật cái quạt đồng màu vàng. Trên bàn làm việc, một cuốn sách của Leonardo Sciascia (Leonardo Sciascia (1921-1989), nhà văn người Ý) trong đó có gạch chân một câu: “Ai cũng biết khoa học, cũng như thơ ca, chỉ ở cách bệnh điên một bước chân.”
Trên giường vứt rải rác giấy tờ ghi chép. Những bức thư gửi hai bà mẹ, Vitalie và Fanny. Gửi hai chị gái, Isabelle và Émilie. Những bức thư viết vội luôn nói chuyện lên đường, ra đi, mua ngựa hoặc đặt mua, kính lục phân, máy kinh vĩ, khí áp kế hộp, sách khảo luận về máy móc và giáo trình hướng dẫn làm đất, khoáng vật học, lượng giác, thủy lợi, thiên văn học, hóa học. Một người tập hợp được tủ sách khoa học lớn nhất An Nam còn người kia tập hợp được tủ sách khoa học lớn nhất Abyssinia. Bóng ma có thể viết song chiếu hai cuộc đời này. Cuộc đời dài của một người và cuộc đời ngắn của người kia.
Khách sạn Lang Bian Palace là một ốc đảo thời gian đứng yên, ngày nay là Dalat Palace – nhưng trong sự thay đổi này người ta không hẳn thấy sự dịch chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng sản, và có lẽ người ta đã không dám, sau độc lập, đổi tên nó thành Hồ Chí Minh Palace, lấy tên người đã sống phần lớn đời mình tại những lán trại tạm bợ, cũng như tên vị tướng của ông, Giáp, người tuy đã từng ở đây, trong giai đoạn thương thảo với Pháp.
Hệ thống vòi nước bằng đồng đã ngả sang màu lục, sắp được trăm tuổi, vẫn chạy tốt. Những tấm thảm Ba Tư dễ gợi di chuyển trong thời gian và trong không gian. Gợi mơ mộng về địa lý và nhân khẩu học. Nằm duỗi dài trong làn nước nóng, bóng ma của tương lai châm một điếu thuốc và nghe gió thổi lồng trong đám cây ngoài khuôn viên. Giờ đây trên hành tinh có bảy tỉ người. Đầu thế kỷ 20 mới chỉ chưa tới hai tỉ. Có thể ước tính tổng cộng tám mươi tỉ người đã từng sống và chết đi kể từ lúc người homo sapiens xuất hiện. Quá ít. Phép tính thật đơn giản: trong đời mình mỗi người trong chúng ta chỉ cần viết về mười cuộc đời thôi, thì sẽ chẳng cuộc đời nào bị lãng quên. Sẽ chẳng cuộc đời nào bị xóa bỏ. Mọi cuộc đời sẽ được truyền đến mai hậu, và như thế là công bằng.
Một nấm mồ không là gì nhưng vẫn là một nấm mồ. Viết về một cuộc đời cũng giống như vừa kéo violon vừa nhìn bản nhạc. Một người từng sống từ Đế chế thứ Hai đến Thế chiến thứ Hai, người kia ba bảy tuổi bị ngã ngựa. Ở cả hai đều cuồng nhiệt hiểu biết và ra đi, rời bỏ những nhóm nhỏ, Pasteur hoặc Thi Sơn. Yêu những bình minh ngập nắng và nghề đi biển, thực vật học và nhiếp ảnh. “Con vừa đặt mua từ Lyon một máy chụp ảnh sẽ cho phép con đưa vào cuốn sách này những bức ảnh chụp các vùng đất lạ đó.” Nhưng tập ảnh về vùng đất Gallas (Vùng đất của người Oromo ở các nước Ethiopia, bắc Kenya và một phần Somalia, nơi Arthur Rimbaud phiêu lưu) ấy chẳng có, cuối cùng thì chính Yersin lại viết về vùng đất của người Mọi. Ở cả hai người, ở những chỗ xa lắc, cứ năm phút lại có một ý tưởng mới. Nhập khẩu la từ Syria sang Ethiopia hoặc bò Normandie sang Đông Dương. Cuộc phiêu lưu của khoa học, “quý tộc mới! Tiến bộ. Thế giới lên đường!” Sở thích toán học. Tổng các góc của một tam giác luôn bằng tổng hai góc vuông cộng lại. Thơ cũng cần phải như vậy. Câu thơ alexandrin đó xuất hiện ở cuối một bức thư ông gửi cho Fanny. Câu thơ mà ở cuối ta có thể mỗi lần điền một động từ khác nhau ở dạng nguyên thể. Bởi vì sống sẽ chẳng phải là sống nếu không…
Trong lúc Yersin chuẩn bị những chuyến đi cho mình, thì xảy ra vụ ngã ngựa ở Diré Daoua. Người bạn Hy Lạp Righas viết rằng Rimbaud “khuỵu gối xuống và bị một cái gai mimosa đâm phải”. Họ có chung một điều này, cô đơn, ra đi, đi đầu để khai đường cho cả nhóm, làm tốt hơn và lớn hơn những người cha vắng mặt. Đi xa hơn trong khoa học và địa lý so với những người cha không biết mặt. Với một người là cái kính hiển vi và lưỡi dao mổ tìm thấy trong kho chứa dó ở Morges. Với người kia là quyển kinh Coran và quyến sách ngữ pháp Ả Rập tìm thấy trong kho chứa đồ ở Roche. Mở một con đường từ Entotto tới Harar là đi xa hơn đại úy Rimbaud thuộc nhóm Sahara. Mở một con đường từ Nha Trang sang Phnôm Pênh là đi xa hơn ông quản kho thuốc súng. Còn cái nóng hầm hập và cơn khát, họ sẽ kể với những người phụ nữ, với mẹ và các bà chị quanh quẩn ở nhà, những người chưa từng rời khỏi Thụy Sĩ hay Ardennes, bỏ tên riêng, ký thật gọn, như những ông bố, Rimbaud, Yersin.
Nếu không tìm ra trực khuẩn dịch hạch, hẳn ông rồi sẽ chết như một nhà thám hiểm vô danh giữa hàng nghìn nhà thám hiểm vô danh. Chỉ cần một mũi chích vào đầu ngón tay, giống như trong chuyện cổ tích. Nhưng vẫn luôn như thế, cuộc sống như tiểu thuyết, vốn rất lố bịch của con người. Dù có chữa được bệnh dịch hạch, hoặc chết vì hoại thư.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả