Xin Cha-À-O! epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Nghĩa Vụ Trước Tổ Quốc
ả nhà tù bỗng xôn xao hẳn lên trước một tin sốt dẻo.
- Này, Icxan Vazơlin đang có mặt ở đây!
- Không có lẽ...
Tôi mà nói dối, tôi chết.
- Hắn hối cải rồi cơ mà?
- Hắn mở quán cà phê làm ăn lương thiện cơ mà?
- Đã mười năm nay hắn có bị tù tội gì đâu?
- Tớ không tin, cậu nói dối.
- Bạn ơi, mình nói dối làm gì. Chính mắt mình nhìn thấy người ta giải hắn đến từ Aidli, trên toa tàu bưu điện mà. Đêm qua về đến đây, tắm rửa xong hắn được đưa về giam ở buồng cách ly.
- Cũng phải thế thôi! Lâu quá, chắc hắn quên đường đến đây, nên người ta phải tóm cổ hắn lôi đến với chúng ta.
- Thế Icxan Vazơlin là ai vậy?
- Các cậu còn trẻ chưa biết ông ta đâu! Khi ông ta còn trong "nghề" thì các cậu vẫn đang bú mẹ. Tôi quen ông ta từ hồi nhà tù còn ở Mactrekha, nhà tù này chưa mở. Chúng tôi cùng bị giam ở đó.
- Ôi, vào thời đó ông ta "xoay" nhanh như chớp! Sau hai tuần giam ở buồng cách ly, Icxan được đưa về phòng số hai. Phòng này giam giữ những phạm nhân được hưởng ưu đãi, phạm nhân già, tái phạm nhiều lần. Họ biết rất rõ về Icxan.
- Xin chào người bạn!
Cả hội đang ngồi uống trà, Icxan hào phóng vứt tờ giấy bạc một trăm lia lên chiếc khay trà.
Cuộc trà mới bắt đầu.
Ngồi đối diện với Icxan là ngài Nuri bị kết án tù sáu năm vì cấp phát kinh phí trái luật pháp. Ngồi tù, nhưng ông mặc rất diện, cứ như ở ngoài đời. Icxan trạc ngoài năm mươi tuổi, lúc nói chuyện mặt luôn hướng về phía ông Nuri, cứ làm như không có ai ở xung quanh.
- Chuyện gì đã xảy ra thế hả ông Icxan? - Ông Nuri hỏi.
- Nói ra, sợ rằng các ông bảo ông nói láo, bởi chính tôi cũng không thể tin được. Người khác thế nào không biết, chứ tôi thì vụ này là bần cùng bất đắc dĩ. Cực chẳng đã mới phải ra tay. Đầu bạc rồi may mới phải sa vào tình trạng sống dở chết dở này. Nói ra thì chúng bạn cười: Thế là tốt rồi, anh còn được giam ở phòng ưu đãi, sướng chán! Lần này tôi bị sa lưới là vì thực hiện nghĩa vụ công dân của mình! Tôi đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc!
Ai cũng biết tôi đang sở hữu một quán cà phê. Hôm ấy hai nhân viên mật vụ đến gặp tôi, nói "Mời ông theo chúng tôi lên sở". Các nhân viên cảnh sát chìm nổi tôi biết mặt hết. Hai người này mới toanh. Ừ, họ bảo đi thì đi. Tôi có tội tình chi mà sợ. Cây ngay chẳng sợ chết đứng. Đến sở cảnh sát, tôi thấy ông Đobriac Khaiđar đang ngồi chờ... Trước kia ông là cảnh sát "chìm" giờ là cảnh sát trưởng... Một mắt ông ta hơi bị hiếng. Chính còn mắt ấy lại tạo ra cho ông cái nhìn hồ hởi thân ái, nên người ta mới gọi ông là ông hiền. Nhưng thực ra, có đức Ala chứng giám, ông ta còn ác hơn cả quỷ dữ.
- Ông anh có việc chi mà cho gọi thằng em đến gặp thế ạ? - Tôi hỏi ông Đbriac.
- Nào, xin mời ngồi xuống đây đã, cậu Icxan! - Ông ta đáp, chỉ tay vào chiếc ghế mời tôi. Tôi lập tức đoán ra ngay là ông ấy cần đến tôi. Ai khác tôi không dám nói, chứ cái ông Đbriac này thì tôi hiểu như bàn tay mình. Nếu như tôi có tội, thì hẳn ông ta đã xông đến mà vồ lấy như thú dữ vồ mồi rồi!
- Thưa ông Khaiđar, - tôi nói, - "Nghề" cũ tôi bỏ từ lâu rồi. Tôi giải "nghệ" hoàn toàn. Lần cuối cùng tôi đã thanh toán sòng phẳng mọi khoản nợ nần với tất cả mọi người. Còn lại ít tiền tôi mở quán cà phê. Vậy nay thế nào mà ngài lại gọi tôi?
Ông Đôbrac nói:
- Việc cũ không nói tới nữa. Coi như xong. Nay cho gọi cậu đến đây để cậu thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, nghĩa vụ trước Tổ quốc. Tôi nghĩ thầm: Nghĩa vụ trước Tổ quốc là gì nhỉ? Vào quân đội chăng? Chả lẽ người ta muốn gọi mình nhập ngũ?
- Thưa ông, - tôi nói, - tôi lấy làm vinh dự được thông báo với ông rằng, tôi đã thực hiện nghĩa vụ công dân của mình rồi. Tôi đã phục vụ trong hạm đội tròn sáu năm, không thừa không thiếu một ngày. Ấy là tôi còn chưa tính mấy tháng tôi bị giam dưới tầng ngầm của nhà thờ Đivankhan ở thành phố Khaxưmbakha. Giờ tôi đã ngoài năm mươi tuổi, ai còn lấy tôi đi nghĩa vụ nữa?
Ông Đobriac Khaiđar sai người lấy cà phê cho tôi, tự tay ông rút thuốc lá mời tôi hút. Đến lúc tôi thầm đoán: chắc lão ta muốn mình làm chỉ điểm ngầm đây.
- Thưa ông anh, - tôi nói, - ông anh có gì chỉ giáo cứ nói thẳng với thằng em; nếu làm được thằng em sẽ vui vẻ nhận ngay... Nếu cần, thì cái quán cà phê ấy coi như là của anh đi...
- Cậu hiểu tớ sai rồi, - ngài Đôbriac trả lời, - không ai gọi cậu vào quân đội làm gì. Cậu có nhiệm vụ khác, đó cũng là nghĩa vụ trước Tổ quốc. Cậu có nhiệm vụ cứu vãn danh dự cho đất nước chúng ta, chính phủ chúng ta. Cả nước hết sức trông chờ vào "tài nghệ" của cậu.
- Ôi, ông anh cả của em ơi! - Tôi nói. - Anh làm em mụ cả đầu lên rồi. Làm gì có chuyện cả một quốc gia hùng mạnh thế này mà lại cần đến thằng móc túi già như em.
- Thế mà cần thật đấy! Mọi chuyện đều có thể xảy ra, việc nước đâu có đơn giản. Quốc gia hữu sự, đòi hỏi mỗi người công dân phải sẵn sàng phụng sự. Chính lúc này quốc gia yêu cầu đến cậu đấy!
- Vâng, - tôi nói, - nếu nói tới thực hiện nghĩa vụ cao cả với đất nước thì em xin tuân thủ triệt để. Ông anh bảo em phải chết, em xin chết luôn vì nghĩa vụ...
Lúc này ngài Đôbriac mới thong thả nói rõ công việc.
Có một đoàn đại biểu quốc tế khá đông đến thăm nước ta. Thành viên của đoàn là những người có quốc tịch khác nhau. Họ là người Mỹ, người Pháp, người Đức, người Đan Mạch... Trong số đó có những người là nhà doanh nghiệp, là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư... tóm lại họ đều là những chuyên viên thuộc các lĩnh vực hết sức khác nhau. Họ muốn tìm hểu cuộc sống của đất nước ta, rồi từ đó để lập dự án giúp đỡ vật chất cho chúng ta. Đáng tiếc là đi đến đâu họ cũng gặp cảnh xô bồ hỗn độn, gây ức chế làm cho họ không hài lòng. Nghiên cứu ngành lâm nghiệp - kết quả không hài lòng. Tìm hiểu lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khoẻ con người - cũng không hài lòng. Đi tham quan, thị sát các nhà máy, xí nghiệp kết quả vẫn như thế. Tóm lại là chúng ta bị một phen bẽ mặt hoàn toàn. Vì thế chính phủ quyết định, bằng mọi giá ta phải làm việc gì đó để phái đoàn ngoại quốc tròn xoe mắt ngạc nhiên, thán phục.
- Thế đó, ông bạn Icxan của tôi ạ! Bạn hãy ra tay thực hiện nhiệm vụ của đất nước trao cho bạn.
Tôi ngầm hiểu là do chính phủ ta thấy phái đoàn ngoại quốc tỏ ra không hài lòng đối với những nơi họ đến điều tra nên đã quyết định phô trương những thắng lợi rực rỡ trên mặt trận đấu tranh chống trộm cắp để lấy lại danh dự cho đất nước. Hiểu như thế, nên tôi nói:
- Tôi hiểu ý ông, thưa ông Khaiđar. Tôi tin rằng chúng ta sẽ chỉ ra cho họ thấy nghệ thuật trộm cắp của chúng ta ở đẳng cấp cao cường không phải phọt phẹt như các ngành nghề khác.
- Chú hiểu gần đúng đấy, - ông Khaiđar khẳng định - chúng ta cần phải chứng minh cho người nước ngoài biết, ngành cảnh sát của chúng ta rất mạnh, làm việc không chê vào đâu được.
- Kể ra việc này cũng hơi khó đây, - tôi thở dài nói.
- Đúng, tất nhiên là khó, vì thế chúng tớ mới phải gọi cho cậu đến đây... Cậu vốn là "thợ" móc túi bậc thầy, nổi danh khắp nước, nay cậu hãy thực thi nghĩa vụ của mình.
- Ông anh hãy nói rõ hơn, xem thằng em phải làm gì?
Ông Khaiđar bèn bảo tôi rằng, sẽ có người báo cho tôi biết địa chỉ khách sạn mà đoàn khách nghỉ lại. Việc của tôi là móc sạch sẽ tất cả những gì mà thánh Ala gửi trong túi các thành viên của phái đoàn ngoại quốc... Tất nhiên họ sẽ phải kêu cứu đến cảnh sát. Nhận được tin này, chúng ta sẽ đoán chắc với họ: "Xin các ngài hãy an tâm, cảnh sát chúng tôi rất giỏi. Chỉ cần năm phút, sau khi nhận được tin, chúng tôi sẽ tóm cổ được kẻ phạm tội".
Tất cả các vật móc được tôi phải mang về nộp ngay cho cảnh sát và người bị mất sẽ nhận lại nguyên vẹn tài sản của mình. "Xin mời ngài hãy nhận lại của cải của mình!" - Người cảnh sát trực ban giơ tay chào hãnh diện. Ông khách nước ngoài chỉ còn biết reo lên thán phục: "Thế mới gọi là cảnh sát!..."
- Tôi không thể... thưa ông, - tôi từ chối, - cái tay không nhấc nổi.
- Sao vậy?
- Thứ nhất là bỏ nghề lâu rồi. Tay chân cứng quèo, quên hết, không thể...
- Không sao, cậu vẫn có thể làm được.
- Thứ hai là tôi đã làm đơn tự nguyện hối cải không bao giờ trở lại nghề cũ nữa. Vả lại lớp trẻ hiện nay nổi lên nhiều anh tài lắm. Họ sẽ thực hiện nghĩa vụ này trước Tổ quốc tốt hơn tôi nhiều.
- Không thể tin cậy vào lũ nhãi nhép hèn mạt này được. Móc thì chúng móc tốt, nhưng sau đó thì có mà trời tìm được chúng ở đâu. Có khác gì gửi gà cho cáo. Có mà bẽ mặt trước khách nước ngoài. Có mà hối không kịp, nếu vỡ lở! Ta cần kẻ móc túi chuyên nghiệp, trung thực! Kẻ đáng tin cậy đó chính là chú em.
- Xin được cảm ơn ông anh cả vì lòng tin cậy, nhưng quả thực thằng em không thể.
- Thôi được, Icxan, việc này tuỳ cậu. Chỉ có điều là ta sẽ cho lệnh đóng cửa quán cà phê của cậu. Lâu nay ta vẫn biết cửa hàng của cậu là nơi chứa cờ bạc lớn, và tiêu thụ chất ma tuý.
Không biết làm thế nào, tôi đành phải nhận nhiệm vụ.
- Tôi đồng ý, - tôi nói, - nhưng thực hiện xong nghĩa vụ của mình trước Tổ quốc, tôi có được gì không?
Ngài Đôbriac Khaiđar nổi giận, gào to:
- Đã nói là nghĩa vụ công dân trước Tổ quốc lại còn đòi hỏi lợi lộc. Rõ thật không biết xấu hổ.
- Thưa ông, ông đừng nổi giận. Ông phục vụ trong ngành cảnh sát, nghĩa là ông thực hiện nghĩa vụ của mình. Người ta trả lương cho ông là vì việc này. Ông nghị sĩ quốc hội cũng thế. Ông ấy có thực hiện nghĩa vụ không lương đâu. Việc nào ra việc ấy chứ. Một bên là tinh thần, một bên là vật chất, hai bên bổ sung cho nhau. Thế nên, nếu có thêm một khoản tiền dành cho việc thực thi nghĩa vụ thì chẳng là gì hại cả.
- Thôi được, cái này để xét sau, - ông Khaiđar nói, giọng đã dịu đi nhiều. - Riêng quán cà phê thì cứ thế mà hoạt động... Nhớ là moi được cái gì là phải đem nộp cho ta ngay.
- Vâng, thưa ông.
- Cầu đức Ala phù hộ cho cậu. Tất cả mọi người đều hy vọng vào tài năng đức độ của cậu. Nếu cậu mà "lột sạch sẽ" được tay trưởng đoàn thì cậu sẽ có vinh dự lớn, sẽ được khen thưởng! Thôi nhé, hãy thực thi nhiệm vụ đi. Chúc cho mọi điều may mắn!
Hừm... Móc túi đối với ta có gì là khó, chẳng khác chi bỏ cái kẹo vào mồm. Trong lúc ngồi chờ con mồi ở cửa khách sạn, tôi nghĩ thầm thế.
Đến xế chiều thì các vị khách nước ngoài xuất hiện. Tôi rút tấm ảnh trong túi ra để kiểm tra lại. Đúng rồi, cái ông đi cùng vợ kia đích thị là trưởng đoàn... Tôi áp sát vào người ông ta hích nhẹ một cái vào ngực và trong nháy mắt đã lẹ làng rút ra được cái ví.
Mọi việc xảy ra êm ru! Thế là chứng tỏ tôi vẫn chưa quên "nghề".
Tôi bước nhanh về phía nhà vệ sinh công cộng trên quảng trường Tăcxin, mở ví ra xem, thấy một xếp dày ngoại tệ... Có Thánh Ala chứng giám, tôi không hề lấy một xu nào, đem nộp nguyên vẹn cho sở cảnh sát...
- Cậu biến đi đâu mất tăm thế? - Ông Khaiđar chạy bổ ra đón tôi, không để cho tôi kịp bước qua ngưỡng cửa phòng làm việc.
Tôi đưa cho ông cái ví tiền, ông Khađar mừng quá ôm chầm lấy tôi mà hôn chùn chụt vào trán.
- Giỏi lắm, cậu đã thực hiện tốt đẹp nghĩa vụ của mình. Ông trưởng đoàn vừa gọi điện báo mất trộm ví với mình. Ông ta tỏ ra rất buồn phiền. Chúng mình đã kịp thời trấn an ông ta: "Xin ông bớt lo lắng. Trong phạm vi ngày mai nhất định chúng tôi sẽ tìm thấy chiếc ví của ngài. Cảnh sát chúng tôi biết làm việc đó".
- Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ của mình trước Tổ quốc, giờ xin được tạm biệt ông, chúc ông mọi sự may mắn, - tôi cáo từ.
Ông Khaiđar bảo tôi:
- Khoan đã, mới có một lần, ít quá. Cậu phải móc túi sạch sẽ tất cả các thành viên trong đoàn.
- Anh cả ơi, thế thì khác gì ông anh huấn luyện lại "tay nghề" cho em. Em chỉ sợ sau này, quen tay không bỏ được nghề này.
Nhưng lúc này ông Khaiđar không muốn nghe tôi nói nữa.
Tôi trở lại khu vực khách sạn để tiếp tục "làm việc". Tôi lục tung tất cả các túi của một vị khách, không chỉ lấy được ví tiền mà còn lôi ra được nào là chìa khoá phòng, khăn mùi xoan, bật lửa, thuốc lá, tiền xu lẻ, thậm chí tôi còn tháo cả cái huy hiệu trên ngực, mà cái tay ngố ấy vẫn không hề biết gì. Nếu tôi thử lột quần, có khi hắn vẫn không biết... "Hay mình thử cắt hết cúc quần cúc áo của nó xem sao" - tôi tự bảo mình thế. Một lát sau quần áo tay ngố không còn sót một chiếc cúc nào! Tôi mang "chiến lợi phẩm" về sở cảnh sát, bày lên bàn trước mặt ông Đbriac Khaiđar.
- Icxan, cậu làm việc giỏi lắm, - ông ta nói.
Tôi trả lời ông ta:
- Thưa ông, tôi định lột trần tay này khi hắn đi tắm, nhưng sau thấy ái ngại quá lại thôi.
Cứ như thế trong mười lăm ngày liền, tôi lục túi tất cả thành viên trong đoàn khách. Tôi sờ, nắn, bóp cứ như là bác sĩ khám bệnh co bệnh nhân ấy. Thế mà, lạ thật không ai biết gì.
Ông Khaiđar chỉ còn biết cười ngặt nghẽo vì sung sướng.
Một hôm tôi "khoắng" sạch túi sách của một bà khách, mang về nộp cho ông Khaiđar. Bà này không báo sự việc này cho cảnh sát. Thấy thế một nhân viên cảnh sát, vốn biết vài ngoại ngữ liền gọi điện đến khách sạn hỏi:
- Các ông có bị mất cắp gì không?
- Không, không mất gì... - Đầu dây kia trả lời
- Các ông hãy kiểm tra lại túi áo, túi quần, túi xách tay thật kỹ một lần nữa xem sao.
Một lát sau có tiếng chuông điện thoại báo tới.
- Có một bà trong đoàn bị mất đồ vật để trong túi xách tay.
- Cuộc sống phải trong túi có chiếc khăn tay màu hồng?
- Đúng, nhưng làm sao mà các ông biết được thế?
- Cảnh sát chúng tôi biết hết.
Vâng, quả là cảnh sát chúng ta giỏi thật. Người bị hại còn chưa biết mình mất của thì đã được cảnh sát báo cho biết tài sản đã thu hồi được và tên trộm đã bị bắt.
Trước khi đoàn đại biểu quốc tế trở về nước, một phóng viên phỏng vấn đoàn câu hỏi:
- Điều gì khiến bạn hài lòng nhất ở nước chúng tôi?
Ông trưởng đoàn là một người kỹ tính, không nói gì. Tay nhà báo trong đoàn nói:
- Cảnh sát nước các anh rất mạnh.
Lúc bấy giờ trưởng đoàn mới trả lời thế này:
- Chính thành viên trong đoàn chúng tôi lưu lại ở Stambun có mười lăm ngày, nhưng tính bình quân thì mỗi người bị bọn móc túi lục túi trộm cắp đến chín mươi lần... Cảnh sát nước các anh cũng mạnh đấy, nhưng bọn trộm cắp còn mạnh hơn.
Những lời này được lập tức đăng tải trên báo chí: Ông trưởng đoàn đại biểu quốc tế tuyên bố rằng, nạn trộm cắp ở Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển rực rỡ.
Lời tuyên bố này đã làm cảnh sát phật ý. Thế là họ bắt giam tôi...
Tôi nói với họ thế này:
- Chính các ông đã bảo tôi rằng: anh hãy đi móc túi để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình cơ mà? Đã thế thì tôi sẽ kể hết từ đầu chí đuôi cho quan toà nghe, - tôi bảo ông Đôbiriac Khaiđar.
- Nếu mày dám làm điều này, tao sẽ quy tất cả các vụ trộm khác chưa khám phá ra thủ phạm cho mày. Tao sẽ biết cách bắt mày phải nhận tội, ký vào biên bản. Đến lúc ấy, tao sẽ có lý để bắt mày tù một ngàn năm.
- Ra toà tôi đành ngồi im, miệng lúng búng như ngậm hột thị. Toà án tuyên tôi hai năm tù giam. Ông Icxan Vazơlin kết thúc câu chuyện của mình ở đây.
Một người ngồi nghe gần đấy an ủi ông:
- Hai năm trôi đi nhanh lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại mãn hạn lúc nào không hay.
Xin Cha-À-O! Xin Cha-À-O! - Azit Nêxin Xin Cha-À-O!