Vô Gia Đình epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 20: Thợ Trồng Hoa
ôm sau, người ta mai táng thầy tôi, ông An-Thanh hứa sẽ cùng tôi đưa thầy tôi đến nơi ở cuối cùng.
Nhưng sáng hôm sau, tôi không dậy được vì tự nhiên tôi thấy rùng mình rồi phát sốt, ngực nóng như lửa, giống như bệnh của con Hảo-Tâm ẩn trên cây sau một đêm tuyết giá.
Thực vậy, tôi bị chứng phế viêm vì tôi bị nhiễm lạnh đêm tôi ngã gục ở cửa vườn.
Cũng nhờ dịp này mà tôi nhận thấy lòng tốt của gia đình chủ nhân và đức tính hy sinh của cô Yến-Chi.
Những nhà nghèo mấy khi dám mời đến thầy thuốc, thế mà vì bệnh tôi trầm trọng nên người ta đã phải đi ra ngoài cái lệ đó. Thầy thuốc mời đến không cần phải xem lâu hoặc hỏi lâu mới biết căn bệnh của tôi. Lập tức ông ta bảo phải đem tôi vào Nhà Thương làm phúc.
Đó là một việc rất dễ. Tuy nhiên ý kiến này không được chủ nhân chấp thuận. Ông nói:
- Nó sa vào cửa nhà tôi, chứ không sa vào cửa Nhà Thương. Tôi phải giữ nó và chữa cho nó.
Ông thầy thuốc cố sức phân trần những cái nguy về bệnh của tôi bằng những lý lẽ rất tai hại cho tôi, nhưng không lay chuyển được lòng chủ nhân. Người ta nghĩ nên giữ tôi và đã giữ tôi.
Thế rồi cô Yến-Chi ngoài công việc nhà bận rộn, còn làm khán hộ cho tôi. Cô săn sóc tôi chẳng khác chi một bà Phước, rất kiên nhẫn và không quên điều gì. Khi cô bận việc khác thì Lệ-Hoa lại vào thay.
Đã bao nhiêu lần tôi trông thấy Lệ-Hoa ngồi cạnh chân giường tôi nhìn tôi bằng đôi mắt buồn rầu. Trong cơn mê sảng, tôi tưởng tượng cô là một vị thiên thần hộ mệnh, rồi tôi cầu nguyện như trông một nàng tiên, có vòng hào quang sáng rực chung quanh đầu, nhưng lạ quá nàng lại chung sống với chúng tôi và không thấy có đôi cánh trắng để bay.
Bệnh tôi rất đau đớn và kéo dài với những biến chứng nguy hiểm có thể làm thất vọng cho mọi người, nhưng không sao làm nản lòng săn sóc và tin tưởng của cô Yến-Chi. Đã mấy đêm rồi, người ta phải thay phiên nhau để trông tôi vì mỗi khi tôi lên cơn thì lại nghẹt thở, mệnh hệ của tôi như treo đầu sợi tóc. Hết An-Sinh lại đến Bằng-Mai lần lượt thức ngồi cạnh giường tôi.
Sau cùng, tôi thoát chết. Kỳ dưỡng bệnh bắt đầu. Nhưng tôi chỉ còn xương với da, bước đi không vững, phải nghỉ ngơi ít lâu mới ra ngoài được.
Mùa đông hết. Những cánh đồng cỏ bắt đầu xanh tươi. Lệ-Hoa không phải làm gì, thay Yến-Chi đưa tôi đi chơi trên bờ sông Bích. Đến trưa, trời đứng bóng, chúng tôi tay cầm tay, đi thong thả xem phong cảnh, con Lãnh-Nhi nhảy nhót theo sau. Mùa xuân năm đó thực đầm ấm và xinh tươi đã để lại cho tôi một kỷ niệm cũng đầm ấm và xinh tươi không bao giờ quên được.
Đây là một vùng mà thị dân Ba-Lê ít khi đặt chân đến, người ta chỉ biết lơ mơ rằng vùng này là một thung lũng, một nơi nhơm nhúa vì có dòng Bích chảy qua, người ta yên trí dòng sông này chỗ nào cũng như quãng ở ngoại ô chảy qua làng Mạc-Sơn, nơi có nhiều xưởng công nghệ làm vẩn đục nước sông. Có biết đâu rằng từ làng Viên, làng Dung trở đi, dòng nước trở nên trong vắt chảy êm đềm dưới những cây liễu rũ hay ngọn bạch dương cao. Hai bên bờ, những đồng cỏ xanh rờn rải tới chân đồi, san sát những nhà cửa và vườn tược. Những bông cúc điểm trắng trên nền cỏ màu bích ngọc. Trên cành liễu, trên cây dương, mầm, lá xanh non, nào chim sâu, chim sáo, nào chim chèo bẻo, chim mai hoa, nhảy nhót bay lượn và ca hót vang lừng như bảo cho ta biết đây còn là nơi thôn dã, chứ chưa phải là chốn thị thành.
Đó là phong cảnh thung lũng Bích-giang – từ ngày ấy đến giờ chắc có đổi thay – và những ấn tượng trong sáng hãy còn in sâu trong trí tôi như ngày tôi dạo chơi thuở ấy. Nếu tôi là họa sĩ, tôi đã vẽ ra cho quý độc giả nhìn thấy những rặng bạch dương không thiếu một cây nào, những cây liễu cổ thụ, những cây bồn tử um tùm rễ bò trên đất, và những sân băng trước những tòa nhà cổ, ở đó chúng tôi đã thi nhau nhảy cò cò và trượt trên tuyết rất vui. Lại còn những cối xay, cánh quay trước gió như những cái chong chóng lớn ở làng Bất, những dân thợ gặt ở làng Hiên, những xưởng thuộc da, những trang trại với những nông dân chất phác.
Trong những lúc dạo chơi, Lệ-Hoa không nói được, nhưng chúng tôi đã dùng mắt để trò chuyện với nhau, không cần đến lời nói.
Dần dần tôi lại sức và có thể giúp đỡ công việc làm vườn. Tôi rất mong chóng đến ngày đó để làm cho gia đình ông An-Thanh những gì mà gia đình ông đã làm cho tôi, nghĩa là hết sức làm việc để đền đáp lại cái ơn sâu mà gia đình ông đã dành cho tôi.
Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi chưa hề làm việc gì nặng nhọc, những thôi đường dài mặc dầu vất vả cũng chưa phải làm một công việc liên tục cần đến ý chí và cần lao. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm được việc, nếu không cũng cố gắng theo gương cần mẫn của các người xung quanh tôi.
Bây giờ là mùa hoa tử-la, một thứ lan người ta bắt đầu chở vào bán ở Ba-Lê. Nhà ông An-Thanh năm nay trồng toàn thứ hoa đó. Thứ hoa này có giống trắng, giống đỏ và giống tím. Mỗi màu trồng riêng một luống, thành thử, xa trông thấy những dòng toàn đỏ, những dòng toàn trắng, và những dòng toàn tím rất đẹp.
Trên các luống đều có giàn lắp khung kính có thể đóng mở được. Chiều đến, khi các cửa đó chưa hạ xuống, trong vườn nức một mùi thơm ngát.
Tôi được cắt vào một việc vừa với sức mảnh dẻ của tôi. Mỗi buổi sáng, khi tan giá, tôi phải mở các cửa kính ra; chiều đến, lúc sương giá xuống, tôi lại đóng các cửa vào. Những buổi trưa, tôi còn lấy rèm che hoa hay nhấc ra tùy theo sức nóng của mặt trời.
Trong khi tôi làm những việc đó thì Lệ-Hoa giữ việc thúc đẩy con lừa kéo guồng nước, Bằng-Mai chuyển những nước ấy để tưới cây. An-Sinh giúp cha làm vườn. Mỗi người một việc, không ai ngồi không. Tôi đã từng được trông thấy những nỗi vất vả của nông dân làng tôi, nhưng chưa hề tưởng tượng đến những nỗi cần khổ và kiên nhẫn của những người trồng hoa ở ngoại thành Ba-Lê. Họ dậy từ lúc mặt trời chưa mọc và nghỉ sau khi mặt trời lặn. Suốt ngày làm quần quật không bỏ phí phút nào. Tôi đã từng trông thấy người ta cày đất trồng lúa, nhưng tôi chưa hề tưởng tượng rằng đất có thể nảy nở không ngừng nếu người ta luôn luôn đem sức cần lao khai thác như ở vùng này. Thật là một trường thực nghiệm rất bổ ích cho học vấn của tôi vậy.
Tôi không chuyên việc trông nom cửa kính mãi. Khi tôi khỏe hẳn, tôi rất lấy làm thích được gieo hạt, thích hơn nữa khi thấy nảy mầm và lên cây. Tôi coi đó là công trình của tôi, vật riêng của tôi, nên tôi có phần tự hào là đã được việc cho chủ nhân. Mỗi khi nghĩ đến điều đó thì tôi lại quên hết mọi khó nhọc.
Dần dần, tôi quen sống cái đời cần lao mặc dầu vất vả nhưng khác hẳn với đời sống lang thang của kẻ diễn trò. Trước kia sống tự do ngoài trời, chỉ có việc thẳng tiến trên các đường cái, bây giờ rút lại ở trong bốn bức giậu của khu vườn, từ sáng đến chiều làm việc khó nhọc, áo đẫm mồ hôi, tay xách nước, chân lội bùn. Nhưng chung quanh tôi, ai nấy đều vất vả như thế. Người cha xách những thùng nặng hơn, áo người cha ướt đầm hơn áo chúng tôi. Cái khó nhọc phân công đều, tôi thấy nhẹ nhàng đi. Hơn nữa, tôi tìm được ở đây một cái gì mà tôi coi như không bao giờ có nữa, đó là cái đời sống gia đình. Tôi không cô độc nữa. Tôi không là đứa trẻ bỏ rơi nữa. Tôi có giường riêng của tôi. Tôi có chỗ ngồi ở bàn ăn chững chạc. An-Sinh hay Bằng-Mai và tôi cũng có lúc đấm lẫn nhau, nhưng một khi tay bỏ xuống rồi thì ai nấy đều quên cả. Và chiều đến, hội họp chung quanh món súp nóng; chúng tôi lại là bạn, là anh em.
Nói cho đúng ra, không phải lúc nào cũng là làm việc cả đâu. Chúng tôi cũng có giờ nghỉ ngơi và giải trí tuy ngắn thật nhưng rất thú vị.
Những chiều chủ nhật, chúng tôi thường tụ hội ở dưới giàn nho đầu nhà. Cây đàn treo suốt tuần lễ được đem ra. Tôi gẩy cho các anh, chị, em khiêu vũ. Không ai biết khiêu vũ cả, nhưng An-Sinh và Bằng-Mai đã được đi dự một tiệc cưới nên còn nhớ một vài bước và tạm nhảy được điệu đối vũ. Khi mọi người nhảy mệt, tôi lại hát những bài tôi thuộc và bao giờ đến bài “Tình-ca” là Lệ-Hoa rơm rớm nước mắt.
Để làm cho Lệ-Hoa vui, tôi lại bảo Lãnh-Nhi diễn những trò khôi hài. Con Lãnh-Nhi cũng rất sung sướng, coi những ngày chủ nhật như những ngày hội và nó lại được sống lại những ngày vui đã qua.
Những ngày chủ nhật đối với tôi còn là “Ngày Vỹ-Tiên” nữa. Tôi đánh đàn, tôi hát như là khi thầy tôi còn ở bên cạnh tôi. Ông Vỹ-Tiên kính mến! Tôi càng lớn thì tôi lại càng nhớ đến ông và hiểu biết cái ơn giáo dục của ông đã dành cho tôi.
Tôi ở trại hoa thấm thoát đã được hai năm rồi. Ông An-Thanh thường đưa tôi đi chợ, ra bến Tàu, qua Tháp Nước, hay đến nhà những người bán hoa vẫn giao dịch với chúng tôi, vì thế dần dà tôi biết Ba-Lê và hiểu rằng Ba-Lê không phải là một thành phố lầu vàng, điện cẩm thạch như ngày còn bé tôi mơ tưởng, nhưng cũng không phải là một thành phố lội lặm như tôi đã yên trí khi mới vào những phố ngoại ô.
Tôi được nhìn thấy những lầu đài và được vào thăm một vài nơi. Tôi đi tản bộ trên bến tàu, trên những đại lộ, trong vườn Lục-Xâm-Bảo và các công viên khác. Tôi nhìn thấy những tượng đồng, những đài kỷ niệm. Tôi cảm thán trước những sự hoạt động của quần chúng và tôi đã nhận thức được thế nào là chốn phồn hoa đô hội.
Cái kiến thức của tôi không phải chỉ thâu thái được bằng mắt hay là do những cuộc đi chơi ngẫu nhiên qua các phố ở Ba-Lê. Trước khi làm nghề trồng hoa, ông An-Thanh đã từng làm việc cho sở Ương cây ở vườn Bách-Thảo. Ở đó, hàng ngày ông giao tiếp với các chuyên viên nên học hỏi được nhiều. Trong bao nhiêu năm, ông đã dành tiền mua sách, lúc rảnh việc đọc và học thêm. Đến khi ông lập gia đình rồi có con, thì giờ nhàn hạ cũng ít đi. Sinh kế cần hơn, nên sách vở phải xếp lại. Tuy nhiên ông không bán hoặc bỏ mất, ông giữ trong một góc tủ. Mùa đông, năm thứ nhất ở nhà ông, tôi thấy dài quá vì việc làm vườn không đình hẳn nhưng trì trệ vì thời tiết. Bấy giờ, để cho có việc trong những buổi chiều ngồi không bên lò sưởi, ông An-Thanh lấy sách ra và phân phát cho chúng tôi xem. Phần nhiều là sách Thực vật học, Vạn vật học và một vài quyển Lữ hành ký, An-Sinh và Bằng-Mai không được hiếu học như cha, tối nào cũng thế, khi cầm quyển sách chỉ đọc đến trang thứ ba hay thứ tư là mắt nhắm nghiền lại. Tôi ít ngủ và tò mò hơn, tôi chăm chú đọc rất khuya. Những bài học vỡ lòng của ông Vỹ-Tiên không đến nỗi uổng, nghĩ thế nên lúc đi ngủ tôi lại cảm nhớ đến thầy tôi.
Tôi ham đọc quá, chủ nhân cũng yêu và kể chuyện khi ông còn nhỏ thường bớt quà sáng mỗi ngày 2 xu để lấy tiền mua sách.
Ngoài những sách sẵn có trong tủ, thỉnh thoảng ông lại mua một hai quyển ở Ba-Lê đem về. Ông không chọn lọc. Gặp lúc nào thích hoặc xem nhan sách thấy hay thì mua. Nhưng dù sao cũng là những quyển sách. Thực tình đọc sách phức tạp, óc tôi thành ra lộn xộn nhưng dần dần những cái hay, cái đẹp trong sách vẫn còn ghi lại. Người ta nói rằng đọc sách nhiều cũng có ích, thực đúng vậy.
Lệ-Hoa không biết đọc. Những lúc rỗi thấy tôi miệt mài đọc sách, cô nghĩ không biết trong sách có cái gì làm cho tôi say mê đến thế. Lúc đầu, cô giấu những quyển sách đó đi vì chúng đã làm cho tôi không đi chơi được với cô. Nhưng rồi cô lại thấy tôi cứ tìm đến những quyển sách đó để xem. Cô bảo tôi đọc lên cho cô nghe. Rồi cô bảo tôi dạy cô đọc chữ in. Cô rất thông minh, mặc dầu không nói được, cô dùng mắt và tai thay cho lưỡi, không bao lâu cô biết đọc. Tuy nhiên cô vẫn thích nghe tôi đọc. Thành ra có một mối dây liên lạc giữa cô và tôi. Cô cúi mình xuống bàn, để hết tâm trí vào sách, cô đã tìm thấy trên trang giấy những điều mà cô muốn tìm: một sự giải trí và một món ăn tinh thần.
Chúng tôi đã qua bao nhiêu giờ êm đềm ấy: cô ngồi trước mặt, hai mắt nhìn tôi, tôi thì cầm sách đọc. Thỉnh thoảng gặp những tiếng khó hay những đoạn không hiểu, tôi ngừng lại và đưa mắt nhìn cô. Chúng tôi cố tìm để hiểu, lắm khi không ra. Cô liền ra hiệu cho tôi cứ tiếp tục đi, “mai ngày” sẽ hay. Tôi lại dạy cô vẽ nữa – vẽ theo danh từ của tôi – Môn học này rất lâu và khó, nhưng rồi cô cũng thành tựu được. Dĩ nhiên tôi là một ông thầy nghèo nàn, nhiều khi “bí” nhưng nhờ ở chỗ thầy trò hiểu nhau, nên sự đồng tâm đã thành công hơn là tài năng. Khi cô đã vẽ thành hình để người ta hiểu được là cô muốn vẽ gì, lúc đó cô rất vui sướng. Cha cô hôn tôi và nói:
- Con thực tận tâm. “Mai ngày” Lệ-Hoa sẽ cảm ơn con.
“Mai ngày” nghĩa là khi nào Lệ-Hoa nói được và người ta tin tưởng rằng thế nào lời nói cũng được trả lại cho Lệ-Hoa, nhưng theo lời thầy thuốc thì phải đợi bao giờ bệnh thế biến hóa thì mới nói như cũ được.
Cô thích nghe đàn và yêu cầu tôi dạy cô. Cô học rất chóng. Còn hát thì cố nhiên cô không học được vì thế lắm khi cô buồn và rơi lệ. Nhưng nét buồn chỉ thoảng qua thôi, vì tính nết của cô dịu dàng và hòa nhã, cô vội lau nước mắt và với nụ cười nhẫn nại cô ra hiệu cho tôi biết là đợi đến “mai ngày”.
Được ông An-Thanh nuôi nấng, được các con ông coi tôi như tình ruột thịt, tôi sẽ ở trại trồng hoa đó suốt đời tôi nếu không có cái tai họa bất kỳ xẩy đến làm thay đổi hẳn cuộc sống của tôi. Có lẽ số tôi không được sung sướng lâu dài, khi tôi tưởng được yên thân một chút lại chính là cái ngày mà tôi bị phải, một lần nữa, ném ra trên con đường luân lạc.
Vô Gia Đình Vô Gia Đình - Hector Malot Vô Gia Đình