Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[6]
rời mưa phùn u ám khi chúng tôi khởi hành. Tôi hiểu rằng điều này sắp báo hiệu một thiên anh hùng ca vĩ đại trong sương mù. “Húúú!” Dean rú lên “Lên đường!” Và hắn gập người lên tay lái, phóng xe đi; rõ là hắn đang bốc. Tất cả đều đang rất vui, tất cả chúng tôi đều biết rằng đã để lại sau lưng những thứ lộn xộn, vớ vẩn để hoàn thành sứ mệnh cao cả duy nhất của mình trong thời gian, xê dịch. Và chúng tôi đã xê dịch! Đêm ở New Jersey, xe lướt qua hai biển báo khó hiểu màu trắng trên viết chữ NAM (kèm một mũi tên) và TÂY (kèm một mũi tên) và chọn hướng Nam. New Orleans đây rồi! Nó sáng rực lên trong đầu chúng tôi. Rời khỏi những màn tuyết trắng của “New York kiệt quệ và lạnh lẽo” như Dean thường nói, xe chạy giữa một vùng cây cỏ xanh tươi và dòng sông sực nức mùi hương vùng New Orleans cổ kính, nơi tận cùng bờ biển phía Nam nước Mỹ; rồi đi về miền Tây. Ed ngồi ở băng sau, Marylou, Dean và tôi ngồi ở băng trước, mải mê nói chuyện về những niềm vui của cuộc đời. Bỗng Dean trở nên hết sức dịu dàng. “Này, mẹ kiếp, tất cả nhìn kìa, phải thừa nhận là mọi thứ đều đẹp cả và chẳng việc quái gì phải mua sầu chuốc khổ vào thân, và thực tế là ta nên nhận thức được việc HIỂU rằng chúng ta KHÔNG HỀ lo lắng về BẤT CỨ CHUYỆN GÌ là rất có ý nghĩa. Thấy tôi nói đúng không?” Mọi người đều nhất trí. “Chúng ta đi, chúng ta vẫn bên nhau... Chúng ta đã làm những gì ở New York? Cho qua đi.” Chúng tôi đã để lại ở đó mọi cãi vã, bất hòa. “Tất cả đã ở xa sau lưng ta, đơn giản là một khoảng tính bằng dặm và độ dốc. Giờ chúng ta sẽ phóng thẳng đến New Orleans để gặp Old Bull Lee, như thế có khoái không nào? Mấy người hãy nghe thử giọng nam cao này lên hết cỡ nhé” - hắn vặn radio to đến nỗi xe rung lên - “hãy nghe nỗi lòng của cha ca sĩ này và rút ra thế nào là thư giãn và hiểu biết đích thực.”
Chúng tôi chuyển sang nghe nhạc và đều đồng ý với hắn. Con đường mới trong lành làm sao. Cái vạch trắng ở giữa đường cứ trôi đi, liếm vào bánh xe trái đằng trước như dính liền vào nhau. Dean cúi cái cần cổ gân guốc xuống, đêm mùa đông lạnh thế nào mà hắn chỉ mặc trần cái may ô và cứ thế rú ga tăng tốc. Hắn khăng khăng bắt tôi phải cầm tay lái khi xe chạy ra Baltimore để tôi quen dần với giao thông; cũng được thôi, trừ việc hắn và Marylou cứ vừa hôn hít tán tỉnh vừa hướng dẫn tôi cách lái. Điên thật; cái radio vẫn gào lên hết cỡ. Dean lấy ngón tay gõ nhịp vào đồng hồ hiển thị, mạnh đến nỗi vỡ cả mặt kính. Tôi cũng bắt chước làm như vậy. Chiếc Hudson tội nghiệp - con chiến mã già đưa chúng tôi qua cuộc hành trình vĩ đại - cứ việc mà lĩnh đủ.
“Ôi anh bạn, thật tuyệt!” Dean kêu lên. “Giờ thì, Marylou, em nghe đây, em yêu, em cũng biết là anh là vị thần có thể làm mọi thứ đồng thời và có nguồn năng lượng vô biên... đến San Francisco chúng ta phải tiếp tục sống chung mới được. Anh biết chính xác một nơi dành riêng cho em... ngay khi anh thoát khỏi xiềng xích hàng ngày... cứ hai ngày anh lại tìm đến với em, không sai một phút. Ta cùng nhau mặc sức vùng vẫy trong vòng mười hai tiếng đồng hồ liên tục, và em biết ta có thể làm được những gì trong bằng ấy thời gian rồi đấy, em yêu. Trong khi đó, anh vẫn tiếp tục sống với Camille như chưa từng có chuyện gì xảy ra, em hiểu không, cô ta sẽ không biết gì hết. Chúng ta có thể làm như thế, trước đó ta đã từng rồi mà.” Với Marylou thì quá ổn rồi, nàng chỉ muốn lột da Camille. Bọn tôi đã thỏa thuận ngầm là Marylou sẽ chuyển sang tôi khi về Frisco nhưng giờ thì tôi bắt đầu thấy rằng họ sắp lại dính lấy nhau và đến đầu bên kia lục địa, họ sẽ bỏ rơi tôi như một đôi tất cũ. Nhưng nghĩ đến chuyện đó làm gì, khi miền đất vàng vẫn còn đang ở phía trước cùng đủ loại sự kiện bất ngờ đang ẩn mình chờ khiến ta ngạc nhiên và khiến ta mừng vui vì mình còn sống để chứng kiến?
Xe đến Washington lúc bình minh. Đó là ngày nhận chức nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Harry Truman. Con chiến mã già xập xệ của chúng tôi phi tới đại lộ Pennsylvania ngay khi đang có cuộc trưng bày ngoài trời của binh lực Hoa Kỳ. Có đủ máy bay B29, chiến hạm tuần tra trang bị ngư lôi, pháo binh, đủ loại khí tài chiến tranh đằng đằng sát khí trên bãi cỏ phủ đầy tuyết; thứ cuối cùng là một cái xuồng cứu nạn nhỏ xoàng xĩnh, trông tội nghiệp và tức cười. Dean cho xe chạy chậm lại để ngắm nó. Hắn cứ lắc lắc đầu kính nể. “Mấy tay này sắp làm trò khỉ gì thế? Harry Truman hẳn là đang ngủ kỹ ở một nơi nào đó trong thành phố này... Ôi ông già Harry tốt bụng... Một gã người Missouri đấy, như tôi vậy... Hẳn đó là cái thuyền riêng của ông ta.”
Dean lui xuống băng ghế sau để ngủ, nhường tay lái cho Dunkel. Chúng tôi hướng dẫn hắn cụ thể để lái cho dễ. Cả bọn chưa kịp ngáy thì hắn đã cho xe chạy vọt lên tám mươi dặm một giờ, lạng lách đánh võng đủ kiểu, không những thế lại còn vượt ẩu ba làn đường ngay trước mũi một tên cớm đang tranh cãi gì đó với một lái xe – hắn đang chạy ở làn thứ tư trên con đường bốn làn, ngược chiều. Tất nhiên tên cớm hú còi inh ỏi đuổi theo chúng tôi. Hắn buộc chúng tôi dừng lại. Tên cớm bắt chúng tôi về đồn. Ở đấy có một tên cớm khác, gã nhìn một cái là đã không ưa Dean; gã có thể ngửi thấy mùi nhà tù toát ra từ hắn. Gã sai cấp dưới lấy lời khai của tôi và Marylou riêng. Tay cớm hỏi tuổi Marylou, định buộc chúng tôi vào tội buôn bán phụ nữ vị thành niên. Nhưng nàng lại có giấy đăng ký kết hôn với Dean. Rồi chúng tách riêng tôi ra, hỏi ai ăn nằm với Marylou. “Chồng cô ấy chứ ai,” tôi nói giản dị. Chúng rất tò mò. Có cái gì ám muội. Chúng chơi trò thám tử Sherlock nghiệp dư bằng cách hỏi hai lần một câu hỏi, hy vọng bọn tôi để lộ sơ hở. Tôi nói, “Họ trở về Califonia để làm việc bên ngành đường sắt, cô ấy là vợ hắn còn tôi là bạn, là sinh viên, đang được nghỉ hai tuần.”
Tay cớm cười và nói, “Thật sao? Đây có phải là ví của anh không?”
Cuối cùng, tên cớm ngồi bàn giấy bắt Dean nộp phạt hai mươi lăm đô. Bọn tôi cho hắn biết là cả bốn chỉ còn vỏn vẹn bốn mươi đô để đi suốt từ đây đến bờ biển; mấy gã nói không cần biết đến chuyện ấy. Dean phản đối ầm lên. Tên cớm dọa sẽ giải hắn về Pennsylvania và buộc hắn vào tội đặc biệt.
“Tội gì?”
“Tội gì thì anh cũng không cần biết. Khôn ra thì đừng có nghĩ đến chuyện đó.”
Thế là đành cúng cho chúng hai mươi lăm đô. Nhưng trước đó Ed Dunkel, thủ phạm gây ra vụ này, đã đề nghị được ngồi tù. Dean cân nhắc khả năng này. Tên cớm cáu điên lên, nói, “Nếu anh để đồng bọn của mình ngồi tù thì tôi giải anh về Pennsylvania ngay lập tức. Hiểu chưa?” Bọn tôi chỉ còn muốn một điều, là rút đi cho nhanh. “Thêm một vé phạt tốc độ ở Virginia là các anh bị thu xe,” tay cớm nói một tràng. Dean tức đỏ mặt tía tai, cho xe chạy không nói một lời. Móc hết số tiền ăn đường của cả nhóm thế này thì khác gì xui bọn tôi đi ăn cướp. Chúng biết bọn tôi đang ở thế bí, hết tiền, chả có họ hàng để bấu víu dọc đường hoặc đánh điện về xin xỏ. Cảnh sát Mỹ đang dây vào một cuộc chiến tâm lý chống lại những người dân Mỹ không hề đe dọa họ bằng các văn bản áp đặt và những lời dọa dẫm. Đó là một thứ cảnh sát cổ lỗ, chỉ nhìn qua khung cửa sổ mốc mà cũng muốn điều tra mọi thứ và có thể mặc sức tạo ra tội ác nếu không toại nguyện với tội ác. “Cứ chín con đường dẫn đến tội ác thì có một là do nhàn rỗi,” Louis-Ferdinand Céline* đã nói rồi. Dean cáu đến nỗi hắn muốn quay lại Virginia để bắn chết tên cớm ngay khi vớ được một khẩu súng.
“Pennsylvania!” Dean giễu cợt. “Tôi rất muốn biết nó định gán cho tôi cái tội gì. Tội lang thang, chắc thế; lột hết tiền của tôi và buộc tôi tội lang thang. Mấy gã đó làm thế quá dễ! Chúng cũng có thể rút súng ra bắn chết mình nếu ý kiến ý cò gì.” Không có cách nào khác là hài lòng với những gì mình còn có và quên chúng đi. Khi xe vượt qua Richmond thì đúng là bọn tôi đã quên sạch, và mọi thứ sẽ sớm tốt đẹp trở lại thôi.
Giờ chỉ còn mười lăm đô để đi tiếp con đường. Bọn tôi phải nhặt người dọc đường, cho họ đi nhờ để kiếm thêm ít tiền đổ xăng thôi. Đến vùng rừng ở Virginia bỗng chúng tôi nhìn thấy một thằng cha đang đi trên đường. Dean cho xe chạy chậm lại. Tôi quay lại và nói chỉ là một gã bụi đời không có nổi một xu.
“Cứ nhặt hắn lên cho vui!” Dean bật cười. Cha này rách như tổ đỉa, đeo kính, vừa đi vừa đọc một cuốn sách bìa mềm dính đầy bùn đất tìm thấy gần rãnh thoát nước ở rìa đường. Gã trèo lên xe và lấy sách ra đọc luôn; người gã thối hoăng, đầy những nốt ghẻ. Gã nói tên gã là Hyman Salomon, từng đi bộ khắp nước Mỹ, gõ cửa và đôi khi đạp cửa vào các nhà Do Thái để xin tiền, “Xin cho tôi ít tiền để ăn, tôi là người Do Thái.”
Hắn nói mẹo đó rất hiệu nghiệm. Bọn tôi hỏi hắn đang đọc gì. Hắn không biết. Hắn chẳng buồn ngó qua tên sách. Hắn chỉ chú tâm đến ngôn từ, như thể đã tìm thấy cuốn kinh Torah đích thực ở nơi nó thuộc về, giữa thiên nhiên hoang dã.
“Thấy chưa? Thấy chưa? Thấy chưa?” Dean cười hinh hích, huých cùi tay vào sườn tôi. “Đã bảo là sẽ vui lắm mà. Mọi người đều vui cả, trời ạ!” Bọn tôi cho Salomon ngồi nhờ đến tận Testament. Thằng em trai tôi đã dọn về nhà mới, ở phía bên kia thành phố. Giờ chúng tôi lại trở về với con phố dài ảm đạm có đường sắt chạy giữa và những người miền Nam ủ rũ nhăn nhó lê bước trước các cửa hàng bán đồ gia dụng và đồ giá rẻ.
Salomon nói, “Tôi thấy các bạn đang cần ít tiền để đi tiếp cuộc hành trình. Chờ chút, tôi tạt qua một nhà Do Thái kiếm lấy vài đô, nhanh thôi, và tôi sẽ đi tiếp với các bạn đến Alabama.” Dean sướng rên; hắn cùng tôi đi lùng mua bánh mì và pho mát để về ăn trong xe. Marylou và Ed ngồi trên xe đợi. Cả bọn nán lại Testament hai tiếng đồng hồ đợi Salomon; hắn đi ăn mày đâu đó trong thành phố, nhưng chả thấy đâu. Mặt trời ngả bóng và xuống thấp dần.
Salomon không bao giờ quay lại, bọn tôi phải rời Testament. “Giờ thì ông thấy đó, Sal, Chúa đúng là có thật, bởi vì ta cứ bị mắc cạn mãi trong thành phố này, dù đã hết sức giãy giụa, và ông có để ý không, tên nó kỳ cục như trong Kinh Thánh; Salomon, kẻ đã khiến chúng ta nán lại đây, cũng là nhân vật trong Kinh Thánh, mọi thứ đều liên quan đến nhau, như mưa liên kết mọi người trên thế gian bằng một chuỗi tiếp xúc...” Dean cứ huyên thuyên thuyết giảng mãi như thế; hắn đang hứng. Cả hắn và tôi bỗng thấy cả đất nước này như một con trai chờ chúng tôi mở ra; viên ngọc nằm trong đó. Xe phóng nhanh về miền Nam. Chúng tôi túm được một người bắt xe dọc đường khác. Đó là một thằng nhóc khốn khổ; nó nói có một bà cô là chủ một cửa hàng tạp hóa ở Dunn, thuộc Bắc Carolina, ngay ngoại vi Fayetteville. “Khi tới đó, liệu chú có xin được một đô la của bà ta không? Được à! Tốt! Thế thì đi thôi!” Một tiếng đồng hồ sau xe tới Dunn, trời đã chập choạng tối. Chúng tôi cho xe chạy đến chỗ thằng nhóc nói là có bà cô bán hàng tạp hóa. Đó là một con phố nhỏ và buồn, bị một bức tường bao nhà máy chặn lại ở cuối. Có một cửa hàng tạp hóa thật nhưng chả có bà cô nào cả. Cũng chả hiểu thằng nhóc đang nói gì. Bọn tôi hỏi nó định đi đến tận đâu; nó không biết. Đó chỉ là một câu chuyện bịa; ngày xửa ngày xưa, trong một chuyến lang thang vào một ngõ cụt, nó đã thấy một cửa hàng tạp hóa ở Dunn, thế là cái đầu điên khùng của nó nảy ra câu chuyện đó. Chúng tôi mua cho nó một cái bánh mì kẹp xúc xích, nhưng Dean nói không thể chở nó đi xa hơn vì cần có chỗ để ngủ, mà cũng phải dành chỗ cho những vị khách khác, những người có tiền mua ít xăng. Buồn đấy nhưng đó là sự thật. Chúng tôi để nó lại ở Dunn khi đêm xuống.
Đến Nam Carolina thì đến lượt tôi cầm tay lái; Dean, Marylou và Ed đi ngủ. Một mình trong đêm, tôi đắm mình trong suy nghĩ và giữ cho xe chạy thẳng theo vạch sơn trắng của con đường thần thánh. Mình đang làm gì thế này? Mình đang đi đâu? Mình sẽ biết sớm thôi. Xe chạy quá Macon, Georgia thì tôi mệt rũ mắt, phải đánh thức Dean dậy để cầm lái thay tôi. Chúng tôi xuống xe một lúc để hít thở khí trời và cả hai bỗng sướng mê khi nhận ra trong bóng tối bao quanh mùi hương của những cánh đồng xanh tốt, sực lên mùi phân tươi và nước ấm. “Đã đến miền Nam rồi! Giã từ mùa đông!” Những tia nắng yếu ớt đầu tiên làm bừng lên màu xanh ngát bên bờ đường. Tôi hít căng lồng ngực. Một cái đầu tàu kéo còi trong bóng tối, chạy về Mobile. Chúng tôi cũng chạy về đó. Tôi cởi bỏ áo sơ mi, thích thú vô cùng. Chạy được mười dặm nữa, Dean rẽ vào một trạm xăng, tắt máy. Thấy gã nhân viên đang ngủ say bên bàn giấy, hắn bèn nhảy vội ra, nhẹ nhàng tự bơm đầy bình xăng, chú ý để chuông không reo, rồi cho xe rút vội. Thế là xoáy được một bình xăng năm đô la cho cuộc hành hương của mình.
Tôi ngủ thiếp đi và thức dậy trong tiếng nhạc cuồng nhiệt vui vẻ; Dean và Marylou đang nói chuyện và một màu xanh bát ngát đang trải ra. “Đến đâu rồi đây?”
“Vừa ra khỏi Florida, chỗ này gọi là Flomaton.” Ôi Florida! Xe đang chạy đến vùng đồng bằng ven biển và Mobile; trên bầu trời trước mắt chúng tôi là những đám mây lớn bay trên Vịnh Mexico. Bọn tôi chỉ mới chào tạm biệt những con người ở miền Bắc tuyết trắng có ba mươi hai tiếng đồng hồ. Xe lại đậu trước một trạm xăng, trong lúc Dean và Marylou giở trò mèo chuột chỗ gần mấy ống bơm xăng thì Dunkel lủi nhanh vào trong trạm để thó ba bao thuốc lá dễ như ăn cháo. Xong. Vào gần tới Mobile, trên đường cao tốc dài song song bờ biển, chúng tôi trút bỏ hết áo rét để tận hưởng khí hậu miền Nam. Dean khoái chí lại bắt đầu kể tiếp chuyện đời mình. Đến một quãng gần ngã tư có hai xe đang dừng lại cãi lộn, đáng lẽ phải đi vòng qua thì hắn lại lao thẳng lên lối vào một trạm xăng, vẫn tốc độ bảy mươi dặm một giờ, phóng vụt đi thoát khỏi đó, để lại đằng sau những khuôn mặt há hốc mồm vì kinh sợ. Dean lại kể tiếp câu chuyện bỏ dở. “Thật đấy, tôi nếm mùi đời từ năm lên chín, với một con nhỏ tên là Milly Mayfair ở đằng sau gara Rod’s trên phố Grant, chính cái phố Carlo đang sống ở Denver ấy. Hồi đó ông già tôi còn ít nhiều đang làm việc ở lò rèn. Tôi nhớ lúc đó bà cô cứ thò đầu ra khỏi cửa sổ hét toáng lên, ‘Chúng mày làm cái trò gì ở sau gara thế?’ Ôi Marylou em yêu, giá mà thời đó anh quen em rồi nhỉ. Chà! Hồi lên chín, chắc em phải ngọt ngào lắm đây!” Hắn cười khùng khục như điên, thọc ngón tay vào miệng Marylou rồi liếm; rồi cầm tay Marylou cọ cọ vào người mình. Nàng thì vẫn ngồi đó, mỉm cười thánh thiện.
Ed Dunkel bụng bự thì mắt cứ nhìn đăm đắm vào cửa kính mà lảm nhảm một mình. “Vâng, thưa các vị, tôi nghĩ đêm đó tôi là một hồn ma.” Hắn cũng tự hỏi không biết Galatea Dunkel sẽ nói gì với hắn khi đến New Orleans.
Dean kể tiếp. “Một lần tôi nhảy tàu hàng từ New Mexico một mạch đến LA - tôi mới mười một tuổi, bị lạc ông già ở đoạn đường tránh tàu, giữa một rừng dân bụi đời, tôi đi với một gã tên là Big Red còn ông già đang say xỉn trong một toa hàng kín - tàu bắt đầu chuyển bánh - Big Red và tôi không kịp lên tàu - tôi không gặp ông già hàng tháng trời. Tôi nhảy một chuyến tàu hàng khác, dài dằng dặc, đến tận California, nhanh như bay, tàu chở hàng hạng nhất, đúng là một tia chớp trên sa mạc. Suốt chặng đường tôi cứ đứng bám vào chỗ nối giữa hai đầu toa - các ông cũng hình dung được đứng ở chỗ đó nguy hiểm thế nào rồi đấy, tôi mới chỉ là một thằng nhóc, chả biết gì hết - cứ một tay kẹp chặt lấy ổ bánh mì vào nách, còn tay kia bám lấy cái cần hãm của toa tàu. Không bịa đâu, chuyện thật đấy. Về đến LA, tôi thèm sữa và kem đến nỗi xin bằng được làm ở một hiệu bán các sản phẩm từ sữa và việc đầu tiên tôi làm là nốc gần ba lít kem đến ọe ra.”
“Chàng Dean tội nghiệp!” Marylou nói và hôn hắn. Hắn nhìn thẳng về phía trước, đầy tự hào. Hắn cũng yêu nàng.
Xe bỗng chạy dọc theo làn nước xanh vùng vịnh và cũng lúc đó, xảy ra một sự kiện quan trọng điên rồ trên radio, đó là buổi biểu diễn DJ Chicken Jazz’n Gumbo từ New Orleans, toàn những bản jazz điên khùng, nhạc jazz của người da màu, tay DJ cứ gào lên, “Đừng lo chuyện không đâu!” Chúng tôi nhìn thấy New Orleans hiện ra trong bóng tối trước mặt với một niềm vui sướng. Dean xoa xoa tay vào tay lái. “Giờ thì sắp được vui vẻ rồi!” Đến chạng vạng sáng bọn tôi đã có mặt tại đường phố ồn ã của New Orleans. “Ôi, ngửi hơi người đi!” Dean gào lên, thò đầu qua cửa xe mà hít hà. “A! Chúa! Đời!” Hắn đánh mạnh tay lái để tránh một cái xe điện. “Đúng thế!” Hắn phóng xe đảo mắt khắp mọi hướng tìm gái. “Nhìn em kia kìa!” Không khí ở New Orleans êm dịu như thể được lọc qua một tấm khăn lụa mềm; có thể ngửi thấy mùi con sông và thực sự ngửi thấy bằng chính mũi mình mùi người, mùi bùn, cả mùi hương từng cơn gió miền nhiệt đới chẳng còn mang chút dấu vết của giá băng khô hạn của miền Bắc mùa đông. Chúng tôi bị xóc nẩy lên trên ghế xe. “Em kia nữa!” Dean lại gào lên và chỉ một cô khác. “Ôi, tôi yêu, yêu, tôi yêu đàn bà! Tôi thấy đàn bà thật là kỳ diệu! Tôi yêu đàn bà!” Hắn thò đầu qua cửa xe khạc nhổ; hắn rên rỉ, hắn ôm lấy đầu. Những giọt mồ hôi to tướng chảy từ trên trán xuống thuần túy vì phấn khích và kiệt sức.
Xe phải xuống phà Algiers để qua sông Mississippi. “Giờ thì tất cả phải ra khỏi xe để khám phá dòng sông, con người và ngửi mùi thế giới,” Dean nói, lật đật tìm cặp kính mát và bao thuốc lá rồi bắn vọt ra khỏi xe. Chúng tôi ra theo hắn, đứng tựa vào thành phà ngắm dòng nước nâu được mệnh danh cha của các dòng sông đang cuồn cuộn chảy qua giữa nước Mỹ như tuôn trào những linh hồn tan vỡ - chở theo củi từ Montana, bùn từ Dakota, từ những thung lũng ở Iowa và mọi thứ từng chìm xuống ở vùng Three Forks, nơi những bí ẩn khởi nguồn trong băng. New Orleans mờ ảo lùi dần về một phía; con phà Algiers già cỗi, ngái ngủ có sàn gỗ biến dạng đang lôi chúng tôi về phía kia. Những gã da đen đang làm việc giữa buổi chiều nóng nực, chất than vào lò máy đến cháy đỏ lên và khiến bánh xe ô tô chúng tôi bốc lên mùi khét lẹt. Dean ngắm họ, thẳng lưng lên, cúi lưng xuống trong hơi nóng của lò. Hắn chạy quanh boong phà rồi lên tầng trên, cái quần thùng thình như sắp tụt. Rồi tôi bỗng thấy hắn trên đó, hào hứng. Tưởng chừng hắn sắp tung cánh bay lên. Tôi nghe thấy tiếng cười khoái trá của hắn vang khắp con tàu, “Hi, hi, hi, hi, hi, hi!” Marylou đứng cạnh hắn. Trong một lát hắn bao quát mọi thứ rồi quay lại miêu tả chi tiết, nhảy vào ô tô vừa lúc nổi lên tiếng còi báo hiệu phà đã cập bến. Xe chồm lên, lách mấy cái xe đằng trước rồi lao nhanh qua Algiers.
“Đi đâu, đi đâu bây giờ?” Dean rú lên.
Bọn tôi quyết định trước hết phải đến một trạm xăng để rửa ráy một tí và hỏi xem hiện Bull đang ở đâu. Một lũ trẻ con chơi trên bờ sông trong ánh hoàng hôn uể oải; các cô gái đi dạo, đầu quấn khăn lụa mềm, áo sơ mi vải bông, và đùi để trần. Dean đi ngược lên phố, để nhìn ngắm mọi thứ. Hắn nhìn quanh; hắn gật gù, hắn xoa bụng. Ed bự ngồi nguyên trong xe, mũ chụp xuống mắt, cười với Dean. Tôi ngồi ghếch lên cái bảng điều khiển. Marylou vào toa lét. Từ vùng bờ hồ lớn rậm rạp nơi những đám người nhỏ bé ngồi câu bằng những chiếc cần thô sơ, và từ vùng châu thổ kéo dài đến tận miền đất đỏ phù sa, dòng sông hùng vĩ cuồn cuộn lượn quanh Algiers như một con rắn, mang theo tiếng ì ầm huyền bí. Bán đảo Algiers yên bình cùng đàn ong và những dãy nhà lụp xụp trông như thể sắp bị cuốn trôi. Mặt trời ngả bóng, côn trùng nhảy tanh tách trong tiếng dòng nước ầm ì.
Chúng tôi đến nhà Old Bull Lee ngoài thành phố, gần con đê trên bờ sông. Căn nhà nằm trên một con đường chạy qua khu đất lầy lội. Đó là một ngôi nhà hoang tàn đổ nát có hiên chạy quanh, sân trồng toàn thùy liễu; cỏ mọc cao đến một mét, bờ rào cũ kỹ sắp sập đến nơi, nhà kho thì đã sập. Chả thấy có ma nào. Chúng tôi đi thẳng vào trong sân và nhìn thấy mấy cái chậu giặt đặt ngay ở hiên sau. Tôi trở ra chỗ rèm cửa. Jane Lee đang đứng sau nó, mắt nheo lại vì ánh mặt trời. Tôi nói, “Jane, tôi đây. Chúng tôi đây.”
Nàng biết thừa. “Vâng, tôi biết. Lúc này Bull không có nhà. Hình như ở phía kia có đám cháy hay chuyện gì đó đúng không?” Chúng tôi nhìn về phía mặt trời.
“Cô muốn nói đến mặt trời à?”
“Tất nhiên là tôi không nói đến mặt trời... Tôi nghe thấy có tiếng còi báo động ở phía này. Anh không thấy ánh đỏ khác thường nào à?” Đó là phía New Orleans; những đám mây thật kỳ quái.
“Tôi chả thấy gì cả.”
Jane thở dài đánh thượt. “Đúng là Paradise, chẳng thay đổi gì cả.”
Đó là cách chúng tôi chào hỏi sau bốn năm không gặp gỡ; Jane từng sống với vợ tôi và tôi ở New York. “Thế Galatea Dunkel có ở đây không?” tôi hỏi. Jane vẫn tìm cái đám cháy đó. Hồi ấy, mỗi ngày nàng phải dùng đến ba ống benzedrine. Mặt nàng ngày xưa bầu bĩnh và xinh xẻo, nay trông xương xẩu, đỏ và hốc hác. Nàng bị sốt bại liệt và hơi kéo lê một bên chân. Dean và cả bọn dè dặt chui ra khỏi xe và phần nào tự nhiên như ở nhà. Galatea Dunkel ở nhà trong bấy giờ mới đi ra để tiếp đón kẻ đã hành hạ mình. Galatea là một cô gái nghiêm chỉnh. Trông nàng xanh xao và sũng nước mắt. Ed đưa tay luồn vào tóc nàng và nói chào em. Nàng nhìn hắn đăm đắm.
“Anh đã đi đâu? Sao anh lại làm thế với em?” Và nàng nguýt Dean một cái, nàng hiểu vấn đề mà. Dean thì chả quan tâm gì đến nàng; giờ hắn chỉ muốn độc nhất một thứ là được chén; hắn hỏi luôn Jane xem thử còn gì để ăn không. Đúng vào lúc đó mọi chuyện cứ rối bung cả lên.
Gã Bull tội nghiệp phóng chiếc Texas Chevy về đến nhà và thấy nhà mình đầy một lũ mặt giặc. Dù sao hắn vẫn chào tôi một cách thân ái và nồng nhiệt không ngờ. Hắn đã mua được ngôi nhà ở New Orleans này bằng số tiền kiếm được nhờ trồng đậu trắng ở Texas cùng một người bạn học cũ có ông bố mới chết để lại một khoản thừa kế kha khá. Riêng Bull thôi mỗi tuần cũng đã được gia đình trợ cấp năm mươi đô, cũng không đến nỗi nào nếu hàng tuần hắn không phải ném ra cũng khoảng bấy nhiêu cho món hút xách. Vợ hắn cũng tiêu chẳng kém, mỗi tuần cũng đốt hết mười đô vào benzedrine. Tiền ăn của nhà này thuộc loại thấp nhất nước, hầu như họ chẳng ăn uống gì; cả con cái cũng vậy - hầu như họ không hề để ý đến. Họ có hai đứa con tuyệt vời, Dodie, tám tuổi và Ray, một tuổi. Ray cứ trần truồng tha thẩn trong sân, một thằng nhóc tóc vàng đẹp như thiên thần. Bull gọi nó là “Con thú nhỏ” theo lối nói của W. C. Fields. Bull đánh xe vào trong sân và chậm chạp nhấc mình ra khỏi xe, uể oải bước tới, đeo kính, đội mũ phớt, quần áo cũ nát, cao, gầy, xa lạ, trầm lặng, và nói, “Sal à, thế là ông cũng đã đến. Ta vào trong nhà, làm một ly đi.”
Nói về Old Bull Lee thì sẽ mất cả đêm; giờ thì chỉ cần nhắc qua hắn từng là giáo viên, và có thể khẳng định hắn có đủ quyền làm nghề dạy học bởi vì hắn học suốt ngày; và những điều hắn học là những điều hắn cho là cần phải học, hắn gọi chúng là “thực tế cuộc sống”. Hắn học không phải do thấy cần thiết mà vì muốn thế. Hắn đã lê tấm thân gầy còm đi khắp nước Mỹ, phần lớn châu Âu và Bắc Phi, chỉ để được nhìn xem chuyện gì đang diễn ra. Hồi những năm ba mươi, hắn cưới một nữ bá tước Bạch vệ người Nga ở Nam Tư để cứu nàng thoát khỏi bọn phát xít Đức; vẫn còn những tấm ảnh chụp hắn đứng giữa băng buôn lậu cocaine quốc tế hồi những năm ba mươi đó - những gã tóc tai bù xù, đứng tựa vào nhau; có cả những tấm ảnh khác chụp hắn đội mũ Panama, đứng ngắm phố phường Algiers; hắn không bao giờ gặp lại nữ bá tước người Nga đó nữa. Hắn từng làm nghề giết chuột ở Chicago, đứng quầy bar ở New York, làm mõ tòa ở Newark. Tại Paris, hắn lê la trong các quán cà phê, nhìn ngắm những khuôn mặt Pháp u ám đi qua. Tại Hy Lạp hắn ngẩng lên khỏi ly rượu ouzo để nhìn cái mà hắn gọi là những người xấu xí nhất thế giới. Đến Istanbul, hắn chen vào đám đông những kẻ nghiện thuốc phiện và bọn buôn thảm, để tìm hiểu thực tế. Trong các khách sạn Anh, hắn đã đọc Spengler* và Marquis de Sade*. Ở Chicago, hắn đã trù tính đi cướp một nhà hàng tắm hơi Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ vì lừng khừng có hai phút uống nốt cốc rượu nên mới bị thương tích đầy người mà chỉ chôm được có hai đô, lại còn phải chạy bán sống bán chết. Hắn làm tất cả những trò này chỉ nhằm mục đích duy nhất là trải nghiệm. Giờ đây, cuối cùng hắn nghiên cứu về chuyện nghiện ma túy. Người ta thường vẫn nhìn thấy hắn diễu qua các phố với bọn đáng ngờ và suốt ngày có mặt ở các tiệm rượu lậu thuế vùng New Orleans.
Có một chuyện lạ kỳ từ thời hắn còn là sinh viên, minh họa được một tính cách khác của nhân vật này. Một buổi chiều, hắn mời bạn bè đến dự bữa cocktail tại nhà riêng. Bỗng con chồn cảnh sổng ra và cắn vào mắt cá chân một tay pêđê ẻo lả. Thế là mọi người đuổi nó chạy cong đuôi ra khỏi cửa và kêu ré lên. Old Bull chồm lên, vớ lầy khẩu súng và nói, “Vẫn còn ngửi thấy mùi con chuột già này,” rồi bắn một phát vào tường, làm thủng một lỗ hổng to đến mức đủ chỗ cho năm mươi con chuột chui qua. Trên tường treo một bức tranh xấu tệ vẽ một ngôi nhà kiểu cũ. Bạn bè hắn hỏi, “Tại sao lại đi treo cái tranh xấu xí ấy?” Bull đáp, “Tôi yêu nó vì nó xấu.” Cả đời hắn sống kiểu đó. Một lần, tôi gõ cửa nhà hắn, khi hắn còn ở phố 60 - khu ổ chuột ở New York. Hắn mở cửa cho tôi, đầu đội mũ quả dưa, mặc độc cái áo gi lê, quần kẻ sọc, tay cầm một cái nồi trong đựng lúa mạch và đang cố nghiền ra để thử quấn thành thuốc hút. Hắn còn làm thí nghiệm khác, đun sôi xi rô ho chứa codein lên đến khi cô đặc để lấy codein - nhưng thất bại. Hắn bỏ ra nhiều giờ đặt sách trên đùi để nghiên cứu Shakespeare - người hắn mệnh danh là “Thi sĩ bất tử”. Ở New Orleans hắn cũng đặt lên đùi cuốn Kinh Thánh chép tay của người Maya trong hàng giờ liền, và cho dù hắn cứ huyên thuyên liên tục, cuốn sách vẫn để mở nằm nguyên ở đó. Một lần tôi hỏi hắn, “Khi chúng ta chết thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?” Hắn nói, “Khi chúng ta chết thì đúng là đã chết, thế thôi.” Hắn có một bộ xích trong phòng, hắn bảo dùng nó cùng với bác sĩ tâm lý của hắn; họ đang thí nghiệm phân tích trạng thái nửa tỉnh nửa mê và phát hiện ra Bull có bảy nhân cách tách biệt, cả bảy đều đang xuống cấp, đến cuối cùng hắn sẽ chỉ còn là một thằng điên nghiện ngập và cần bị xích lại để kiểm soát. Từ giờ đến lúc đó hắn sẽ còn trở thành một gã da đen đứng xếp hàng với những người khác, và lảm nhảm, “Một số người là bọn khốn kiếp, một số thì không, đó là thực tế.”
Bull hết sức yêu mến nước Mỹ của ngày xưa, đặc biệt là nước Mỹ năm 1910, khi người ta có thể dễ dàng mua moóc phin trong hiệu thuốc mà chẳng cần đơn, người Tàu hút thuốc phiện ngay bên cửa sổ buổi tối, và cả đất nước này vẫn hoang dã, lộn xộn và tự do, đủ loại tự do thừa mứa cho tất cả mọi người. Hắn ghét nhất là bọn quan liêu ở Washington, tiếp đến là bọn người cánh tả, cuối cùng là bọn cớm. Hắn dành tất cả thời gian để nói và dạy dỗ người khác. Jane ngồi dưới chân hắn; tôi cũng vậy, cả Dean, ngày xưa cả Carlo Marx cũng thế. Tất cả chúng tôi đều từng học hắn. Hắn là típ người khó định nghĩa, tẻ nhạt, đi ngoài phố chẳng ai buồn chú ý, trừ phi nhìn hắn thật kỹ, nhận ra khuôn mặt gầy gò ấy đầy một chất trẻ trung kỳ lạ. Hắn từng học trường dược ở Vienna, nghiên cứu nhân chủng học, đọc rất nhiều; và giờ đây hắn đi vào sự nghiệp của đời mình, không có gì khác là nghiên cứu bản thân mọi thứ ngay trên đường phố cuộc đời và trong đêm tối. Hắn ngồi trên ghế, Jane mang rượu Martini ra. Nhưng tấm mành treo ở gần ghế của hắn bao giờ cũng buông kín, ngày cũng như đêm, đó là góc ưa thích của hắn ở trong nhà. Trên đầu gối hắn là cuốn Kinh Thánh chép tay của người Maya và một khẩu súng hơi mà thỉnh thoảng hắn dùng để bắn vào mấy ống benzedrine đặt làm mục tiêu ở đầu kia phòng. Tôi liên tục chạy quanh, đặt những ống mới. Tất cả chúng tôi vừa bắn vừa nói chuyện. Bull muốn biết lý do chuyến đi của chúng tôi. Hắn nhìn vào tận mặt chúng tôi, khụt khịt, tiếng phát ra như trong một cái bể cạn khô.
“Dean ạ, tôi muốn ông ngồi yên một phút và nói cho tôi biết ông định làm cái trò gì khi cứ đi ngang dọc đất nước như vậy?”
Dean đỏ mặt lên, “Ông biết thừa đi rồi còn gì nữa.”
“Sal, ông ra Bờ biển làm gì?”
“Tôi chỉ đến đó mấy ngày thôi. Rồi tôi sẽ trở lại trường học tiếp.”
“Còn thằng cha Ed Dunkel thì sao, hắn là loại người thế nào?” Lúc đó Ed đang còn bận đến để bù thiệt hại cho Galatea trong phòng ngủ; hắn chẳng mất thời gian để làm việc đó. Không ai biết nói gì cho Bull về Ed Dunkel cả. Thấy chúng tôi chẳng biết gì về nhân sự của mình, hắn bèn lấy ra ba bi trà, bảo chúng tôi thử, bữa tối sắp bưng ra rồi.
“Trên đời này không có thứ gì tốt hơn để kích thích tiêu hóa. Một lần, trong một quán nọ, tôi vớ phải một miếng bít tết kinh khủng. Chơi một bi trà và nó trở thành món ngon nhất trần gian. Tôi vừa từ Houston về tuần trước, đến gặp Dale bàn việc trồng đậu trắng. Một buổi sáng tôi đang ngủ ở khách sạn thì đột nhiên giật mình rơi một phát từ trên giường xuống đất. Thằng ngu khốn kiếp này vừa bắn chết vợ hắn ở ngay phòng sát vách. Mọi người hoảng sợ cứ đứng trơ ra đó, trong khi thằng này cứ việc ung dung lái xe chuồn lẹ, để lại cây súng săn trên sàn cho cảnh sát. Cuối cùng người ta cũng túm được hắn ở Houma, đang say bí tỉ. Cứ đi vơ vẩn trên đất nước này mà không thủ sẵn súng trong người thì không an toàn chút nào.” Hắn vạch áo ra chỉ cho bọn tôi xem khẩu súng của hắn. Rồi hắn kéo ngăn kéo ra khoe số thuốc súng còn lại. Ngày xưa ở New York, hắn còn có hẳn một khẩu tiểu liên giấu dưới gầm giường. “Giờ thì tôi có một khẩu xịn hơn rồi, một khẩu Scheintoth của Đức, loại súng bắn hơi ngạt, ngắm thử người đẹp này xem, còn mỗi một viên đạn. Với em này tôi có thể hạ được một trăm người mà vẫn dư thời gian rút êm. Mỗi tội chỉ còn mỗi một viên đạn.”
“Hy vọng em không có mặt khi anh thử súng,” Jane ở trong bếp nói chõ ra. “Làm sao anh biết được đấy là đạn hơi ngạt?” Bull khịt mũi; hắn nghe thấy nhưng không hề để ý đến câu nói của Jane. Quan hệ vợ chồng hắn thuộc loại kỳ dị nhất, họ trò chuyện rất khuya; Bull thích trò lên lớp nhất, cứ nói luôn mồm bằng cái giọng đều đều, Jane cố ngắt lời hắn nhưng chưa bao giờ thành công; đến sáng hắn thấm mệt và thế là đến lượt Jane nói tiếp, còn hắn chịu nằm nghe, hít thuốc. Jane yêu gã này điên cuồng, nhưng theo một cách hết sức lạ đời; không vòng vo loanh quanh, không uốn éo bộ điệu, chỉ đơn giản là chuyện trò, chia sẻ cùng nhau tình bằng hữu sâu sắc đến nỗi bọn tôi không tài nào đo nổi. Sự lạnh lùng và xa cách đáng ngạc nhiên giữa họ thực sự là một dạng của sự thông hiểu mà nhờ đó họ trao đổi những rung động tinh tế của tâm hồn. Tình yêu là tất cả; Jane luôn ở cách Bull ba mét và không bao giờ bỏ qua bất cứ lời nào hắn nói ra, dù hắn nói rất nhỏ.
Dean và tôi kêu gào muốn có một đêm vĩ đại ở New Orleans và muốn Bull dẫn đi thăm thú. Hắn dội cho chúng tôi một gáo nước lạnh. “New Orleans là một thành phố chán chết. Mò vào khu phố da màu là phạm pháp. Các quán bar thì tồi tàn không chịu nổi.”
Tôi nói, “Trong thành phố cũng phải có vài quán lý tưởng chứ.”
“Quán bar lý tưởng đâu tồn tại trên đất Mỹ này. Một quán bar lý tưởng là một cái gì đó ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Vào khoảng 1910, quán bar là nơi để cánh đàn ông gặp gỡ, trong hoặc sau giờ làm việc. Ở đó có một cái quầy dài, những giá treo bằng đồng thau, ống nhổ, đàn piano, vài tấm gương và những thùng whisky giá mười xu một ly đặt cạnh những thùng bia giá năm xu một vại. Ngày nay tất cả những gì các bar có là đồ dùng mạ crôm, bọn đàn bà say bét nhè, lũ đồng tính, bọn phục vụ hung dữ, những tay chủ quán lo sợ rình rập quanh cửa ra vào, lo cho những chiếc ghế da và sợ luật pháp; quá nhiều tiếng la hét không phải lúc và im lặng chết chóc khi có người lạ bước vào.”
Bọn tôi tranh luận về các quán bar. “Thôi được,” hắn nói, “để đêm nay tôi đưa các ông vào thành phố và chứng minh quan điểm của mình.” Và hắn cố ý đưa bọn tôi đến những quán bar tồi tệ nhất. Chúng tôi để Jane ở nhà với bọn nhóc; bữa tối đã xong, nàng ngồi đọc mục tìm việc trên tờ Times-Picayune của New Orleans. Tôi hỏi, chị đang tìm việc làm à? Nàng nói, không đâu, nhưng đây là mục thú vị nhất trong tờ báo. Bull đưa chúng tôi vào thành phố, nói luôn miệng. “Nghỉ ngơi chút đi, Dean, đâu sẽ vào đó cả, tôi hy vọng thế, ôi, phà kìa, ông không cần phải đưa bọn tôi sang bờ bên kia đâu.” Hắn đi tiếp và nói nhỏ với tôi rằng Dean đang ngày một tệ hại. “Tôi thấy có vẻ hắn đang tìm kiếm số phận lý tưởng của mình, một việc điên khùng không thể dừng lại, được thúc đẩy bằng sự quá khích và vô trách nhiệm của kẻ tâm thần.” Hắn liếc mắt sang Dean. “Ông mà định đi California với thằng điên này thì sẽ chẳng bao giờ tới. Sao không ở lại New Orleans này với tôi? Ta sẽ đi đánh cá ngựa ở Graetna và nghỉ ngơi trong sân nhà tôi. Tôi có một bộ sưu tập dao rất hách và đang dựng một cái bia để tập ném. Ngoài thành phố có nhiều hàng rất ngon, nếu dạo này ông có hứng.” Hắn lại hít thuốc. Chúng tôi đang trên phà, Dean nhảy ra khỏi xe và gập người qua lan can. Tôi đi theo hắn, còn Bull ngồi lại trong xe để tiếp tục hít. Sương mù huyền ảo phủ kín mặt sông đêm đó, thành phố New Orleans ở đầu kia sáng rực. Vài con tàu đen thẫm đậu gần bờ, những con tàu ma quái như tàu Cereno chìm trong màn sương với ban công kiểu Tây Ban Nha, mũi tàu chạm trổ công phu, nhưng đến gần thì mới thấy đó chỉ là những tàu chở hàng cũ của Thụy Điển và Panama. Ánh đèn trên phà rực rỡ trong đêm; vẫn những người da đen xúc than đổ vào lò và hát vang. Old Big Slim Hazard từng có thời làm việc trên phà Algiers; điều này khiến tôi nghĩ đến Mississippi Gene; và khi dòng sông đổ xuống từ giữa nước Mỹ, có ánh sao chứng giám, tôi cũng biết rất rõ rằng mọi thứ mình đã và sẽ biết đều là Nhất Thể. Có một chuyện kỳ lạ nữa là cùng cái đêm chúng tôi và Bull Lee qua phà đó, một cô gái đã tự tử ngay trên phà; hoặc ngay trước khi hoặc ngay sau khi chúng tôi ở đó; hôm sau chúng tôi đọc được tin trên báo.
Bọn tôi vào mọi quán bar gớm ghiếc của khu phố người Pháp với Old Bull đến nửa đêm mới quay về nhà. Đêm ấy, Marylou cũng tập tọng chơi thuốc. Nàng lôi mọi thứ trong sách dạy ra; lấy trà, benny*, rượu, thậm chí còn đòi Old Bull chích thêm cho một mũi moóc phin. Nhưng tất nhiên hắn không cho, hắn chỉ đưa cho nàng một ly Martini. Ngần ấy thành phần cũng đủ khiến nàng phê đến đơ người và cứ ngây dại đứng như trời trồng cạnh tôi ngoài hiên. Cái hiên nhà Bull thật tuyệt, nó chạy hẳn một vòng ôm lấy ngôi nhà; dưới ánh trăng và bên hàng liễu trông ngôi nhà như một biệt thự cổ miền Nam từng một thời thịnh vượng. Trong phòng khách, Jane đang ngồi đọc mục tìm việc làm, Bull thì đang chích trong phòng tắm, hắn lấy một cái cà vạt đen cũ buộc chặt vào cánh tay khốn nạn đã hằn lên hàng ngàn mũi chích. Ed Dunkel và Galatea nằm ườn trên cái giường đồ sộ mà Old Bull và Jane chưa từng dùng đến; Dean mải cuốn lá trà, còn Marylou và tôi thì đang nhại lại trò quý tộc miền Nam.
“Vì sao, thưa tiểu thư Lou, đêm nay nàng lại kiều diễm và đáng yêu đến thế?”
“Xin cảm ơn ngài Crawford, tôi vô cùng biết ơn những lời tốt đẹp ngài đã dành cho tôi.”
Cánh cửa quanh hàng hiên lúc nào cũng để mở và các diễn viên của vở kịch buồn trong đêm nước Mỹ cứ nhảy ra đường xem những người khác đang ở đâu. Cuối cùng, mình tôi lang thang ra tận bờ đê. Tôi muốn ngồi trên bờ sông lầy lội để được thỏa sức ngắm nghía dòng Mississippi nhưng lại phải gí mũi vào hàng rào dây thép mà nhìn nó.
Còn lại gì khi con người bị ngăn cách với những dòng sông? “Thật quan liêu!” Old Bull nói; hắn ngồi đó, một cuốn của Kafka đặt trên đùi, ngọn đèn dầu cháy trên đầu, hắn khịt mũi. Căn nhà cũ nát của hắn kêu cọt kẹt. Và những cành củi trôi về từ Montana trên dòng con sông lớn thẫm màu đêm. “Chẳng có gì khác ngoài quan liêu. Và công đoàn nữa! Đặc biệt là công đoàn!” Nhưng nỗi vui mừng u ám sẽ quay trở lại.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường