Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 4 - Hippe
ậy là chủ nhật rộn ràng hơn hẳn ngày thường. Buổi chiều còn thêm tiết mục dạo chơi bằng xe ngựa: sau giờ uống trà một đoàn xe song mã đã được đặt từ trước chậm chạp theo dải đường ngoằn ngoèo uốn khúc bò lên cổng viện đón từng nhóm khách an dưỡng chở đi dã ngoại, chủ yếu là khách Nga, nhất là các quý bà người Nga.
“Người Nga rất thích đi chơi bằng xe ngựa”, Joachim bảo Hans Castorp, họ đang đứng trước cổng viện tiêu khiển bằng cách ngắm cảnh ngựa xe nô nức. “Những người kia thuê xe chở đến Clavadel, ra bờ hồ hoặc xuống thung lũng Flüela, hay là đến thăm các tu viện, có nhiều chỗ để thăm thú lắm. Nếu cậu muốn chúng mình cũng có thể đi chơi đâu đó trong thời gian cậu ở đây. Nhưng tớ cho rằng trước mắt cậu còn phải tập trung vào việc thích nghi với đời sống trên này đã, và chưa cần chơi bời giải trí gì thêm.”
Hans Castorp gật đầu tán thành. Chàng ngậm một điếu thuốc lá trên môi, hai tay đút túi quần, mắt chăm chú quan sát bà già người Nga vui tính với cô cháu gái ốm ròm và hai phụ nữ khác lên ngồi vào một cỗ xe ngựa; hai người phụ nữ kia là Marusia và Madame Chauchat. Cô nàng Chauchat mặc một chiếc áo khoác popeline mỏng có đai thắt lại sau lưng, nhưng không đội mũ. Cô ta ngồi xuống cạnh bà cụ ở ghế trước, trong khi hai cô gái trẻ chiếm dãy ghế sau. Cả bốn người đều rất hào hứng và luôn miệng liến láu thứ tiếng nói mềm nhũn không xương của họ. Họ cười tấm chăn ủ chân ở trên xe, co kéo thế nào cũng không đủ che cho cả bốn người, cười món mứt Nga mà bà cụ đã cẩn thận gói trong hộp gỗ lót bông và giấy vụn để ăn cho vui dọc đường và giở ra mời ngay từ lúc này… Hans Castorp để ý phân biệt giọng nói hơi khàn của Madame Chauchat. Cũng như mọi lần, mỗi khi nhìn thấy người đàn bà cẩu thả này chàng lại có cảm giác đã gặp cô ta ở đâu rồi, và vắt óc hồi lâu tìm kiếm hình ảnh quen thuộc đã theo chàng vào tận giấc mơ… Nhưng tiếng cười của Marusia, đôi mắt nâu tròn ngây thơ ngước nhìn lên từ sau chiếc khăn tay cô dùng để che miệng, và bộ ngực nở nang mặc dù bên trong đang bị bệnh tật gặm nhấm đến mục ruỗng, lại khiến chàng nhớ tới một hình ảnh khác mà chàng mới thấy gần đây, khi đó đã làm chàng xúc động bàng hoàng, và chàng thận trọng liếc mắt nhìn Joachim, cố không quay đầu sang bên ấy. Không, nhờ trời hôm nay mặt Joachim không tái đi loang lổ, và đôi môi anh chàng cũng không mím chặt đến đau đớn như hôm ấy. Nhưng anh ấy đứng nhìn Marusia, tư thế và ánh mắt không còn một chút gì là kỷ luật nhà binh, mà mơ màng và nô lệ đến nỗi phải gọi là ướt át một cách đầy dân sự. Nhưng chỉ giây lát thôi rồi chàng tự kiểm soát lại nét mặt mình và liếc nhanh về phía Hans Castorp, cậu em chỉ vừa đủ thời gian đưa mắt đi chỗ khác làm bộ ngó lơ trong không khí. Và Hans Castorp lại cảm thấy trái tim đập lồng lên trong ngực - một cách vô cớ và tự thân vận động, như đã có lần nó hành chàng ở trên này.
Phần còn lại của ngày chủ nhật không khác gì ngày thường, có chăng chỉ là những bữa ăn, vì không thể tăng thêm về chất lượng được nữa nên người ta quay ra tìm cách vẽ vời cho cầu kỳ hơn về hình thức. (Bữa trưa có gà nấu đông, trang trí xung quanh bằng tôm nõn và quả anh đào bổ đôi; món tráng miệng là bánh kem bọc trong lưới caramel và thậm chí có cả dứa tươi.) Buổi tối sau khi uống hết vại bia Hans Castorp thấy người ngây ngấy, các khớp xương lạnh cóng và cứng đờ còn tệ hơn cả những ngày trước đó, nên mới gần chín giờ tối chàng đã chia tay anh họ rồi leo lên giường kéo chăn đắp lên tận cằm ngủ say như chết.
Có điều ngay hôm sau, tức là ngày thứ hai đầu tiên của chàng trên viện an dưỡng, lại có một sự kiện đều kỳ xen vào lịch sinh hoạt hằng ngày: bác sĩ Krokowski tổ chức một buổi thuyết trình theo định kỳ hai tuần một lần trong phòng ăn lớn, dành cho cử tọa là tất cả những bệnh nhân ‘Sơn trang’ đã đủ tuổi thành niên, tiếng Đức không đến nỗi mù tịt và bệnh chưa tới giai đoạn hấp hối. Hans Castorp được anh họ giải thích rằng đó là một loạt bài nói chuyện chuyên đề có thứ tự lớp lang hẳn hoi bàn về một đề tài khoa học đang rất ăn khách dưới cái tiêu đề chung ‘Tình yêu là nguyên nhân nảy sinh bệnh tật’. Tiết mục giải trí mang tính khoa học này diễn ra sau bữa điểm tâm thứ hai và, vẫn theo lời Joachim, theo luật bất thành văn ở đây không một ai được phép vắng mặt - thế cho nên thái độ chống đối của Settembrini được coi là đặc biệt bất hảo, vì ông này chẳng những không bao giờ ngồi nghe thuyết trình - mặc dù tiếng Đức ông ta hơn đứt những người khác - mà còn tự do buông lời chê bai dè bỉu mỗi khi có dịp. Về phần Hans Castorp, chàng sốt sắng nhận lời tham dự ngay, trước tiên vì phép lịch sự và sau nữa cũng vì chàng tò mò không để đâu cho hết. Nhưng trước đó chàng có một quyết định sai lầm tai hại: chàng nảy ra ý định tự mình đi dạo một chuyến quanh vùng, và hậu quả xảy ra cho chàng tệ hại hơn mọi phỏng đoán bi quan nhất.
“Cậu này”, chàng mở lời ngay khi Joachim vừa bước chân vào phòng lúc sáng sớm, “tớ không thể cứ như thế này mãi được. Tớ chán ngấy cuộc sống ở tư thế nằm ngang rồi - máu huyết tớ như đông cả lại trong huyết quản. Tất nhiên cậu thì khác, cậu là bệnh nhân, tớ tuyệt nhiên không có ý định cám dỗ cậu. Nhưng riêng tớ muốn dạo bộ một cuốc cho ra hồn, nếu cậu không buồn thì tớ định ăn điểm tâm xong đi ngay để tranh thủ mấy tiếng đồng hồ buổi sáng thăm thú quanh vùng, cứ nhắm mắt đưa chân muốn tới đâu thì tới. Tớ sẽ lấy theo một chút đồ ăn của bữa điểm tâm làm lương khô dọc đường. Để xem lúc trở về tớ có còn là con người cũ nữa không.”
“Được thôi!” Joachim bảo, khi thấy khó lòng lay chuyển nổi ý định của cậu em họ. “Nhưng tớ khuyên cậu đừng có đi xa quá. Ở đây không giống như ở nhà đâu. Và nhớ về đúng giờ để dự nghe thuyết trình đấy!”
Thực ra ngoài lý do vận động thân thể mà Hans Castorp viện dẫn chàng còn có những duyên cớ ngầm khác nữa. Chàng cảm thấy gương mặt nóng bừng, vị đắng nghét trong miệng và nhịp đập vô tội vạ của trái tim là hậu quả của khí hậu khó thích nghi trên này thì ít, mà có căn nguyên ở những ấn tượng mắt thấy tai nghe thì nhiều: trò nỡm của cặp vợ chồng người Nga bên hàng xóm, câu chuyện làm quà bên bàn ăn của bà Stöhr vừa bệnh hoạn vừa dốt nát, tiếng ho não ruột của ông hiệp sĩ cũng như những lời càn rỡ của ông Albin, cảm tưởng của chàng khi chứng kiến lối sinh hoạt chẳng giữ gìn ý tứ của đám trẻ trên này, nét mặt đau đớn tuyệt vọng của Joachim mỗi khi nhìn cô Marusia và còn nhiều điều khác nữa. Chàng tự nhủ phải thoát ra khỏi cái vòng phù phép ở ‘Sơn trang’, để được một lần tự do hít thở khí trời và đi cho giãn gân giãn cốt, rồi tối về nếu có mệt đừ thì ít nhất cũng biết rõ tại sao. Vậy là ăn xong bữa sáng chàng hăm hở chia tay Joachim, anh chàng nhẫn nhục lặp lại cuộc dạo chơi điều độ đến chỗ băng ghế bên máng nước rồi quay về, còn Hans Castorp tay vung vẩy batoong, chân băng băng sải những bước dài theo đường xe chạy đi xuống thung lũng.
Đó là một buổi sáng đầy mây mù lạnh lẽo, lúc ấy khoảng tầm tám rưỡi. Như dự định, Hans Castorp hít vào từng hơi dài làn không khí ban mai tinh khiết, cái không khí vừa nhẹ vừa trong, thấm vào lồng ngực chẳng chút khó khăn, nhưng không có hơi ẩm, không mùi vị, không nội dung và cả không ký ức… Chàng bước qua lạch nước và khúc đường ray hẹp, lên tới đoạn đường lát đá khấp khểnh nhưng không đi tiếp theo đường cái mà rẽ vào một lối mòn cắt ngang đồng cỏ. Lối đi này chỉ có một khúc ngắn ban đầu là bằng phẳng, sau đó dốc ngược bò lên sườn núi bên phải. Càng lên cao Hans Castorp càng phấn chấn, ngực chàng như nở ra, tới một chỗ lưng chừng dốc chàng dừng chân đưa đầu gậy gạt vành mũ che trán lên cao, nhìn xuống thung lũng chàng nhận ra cái hồ nước đã gặp khi mới tới, mặt nước lấp loáng như tấm gương đặt phía xa xa, và chàng bắt đầu cất tiếng hát.
Chàng nhớ đâu hát đấy, những bản nhạc dân gian tha thiết như vẫn thấy đầy rẫy trong các tập nhạc của hội sinh viên, trong đó một bài có những lời sau:
“Đáng lẽ nên ca ngợi tình yêu và ma men,
Thì những người hát rong lại rêu rao đạo đức…”
Đầu tiên chàng còn ngân nga khe khẽ, sau đó trở nên mạnh dạn hơn rồi cuối cùng thả sức hát oang oang. Giọng nam trung của chàng bình thường hơi cứng, nhưng hôm nay chàng thấy mình hát rất hay, và càng lúc càng cảm thấy cao hứng hơn. Nếu gặp chỗ không lên cao nổi thì chàng đổi giọng kim, và vẫn thấy hay như thường. Nếu bất chợt quên mất lời thì chàng tự chắp nối những câu không đầu không cuối cho vần với giai điệu, và vẫn hăng say tròn môi uốn lưỡi theo đúng kỹ thuật xướng thanh mà tung những lời vô nghĩa ấy lên không trung, rốt cuộc đến một lúc chàng chỉ còn tự bịa ra cả nhạc lẫn lời, nhưng vẫn không quên vung tay diễn xuất phụ họa cho sáng tác của mình như một ca sĩ trên sân khấu opera thực thụ.
Vì vừa leo dốc vừa ca hát rất chóng mệt, nên chẳng mấy chốc chàng đã hụt hơi và nghệ thuật thanh nhạc càng ngày càng sút giảm. Nhưng vì lý tưởng, để phục vụ vẻ đẹp của bộ môn ca nhạc, chàng tự bắt mình tiếp tục hát trong hơi thở hổn hển mỗi lúc một ngắn cho đến lúc hoàn toàn hết hơi, mắt mờ đi chỉ còn thấy một lớp màn đỏ quạch run rẩy, mạch nhảy như ngựa vía. Chàng quị gối buông mình ngồi phịch xuống dưới gốc một cây thông già - sau cơn hứng khởi bất thình lình trở thành con mồi của nỗi chán chường, tâm trạng bi thảm đến mức gần như tuyệt vọng.
Một hồi sau, khi đã tạm bình tâm trở lại để có thể đứng dậy tiếp tục đi, cổ chàng không hiểu sao bỗng run giật dữ dội, còn trẻ như vậy mà đầu chàng coi mòi không vững, cứ gật gù liên hồi không khác gì ông nội Hans Lorenz Castorp thuở trước. Hiện tượng này khiến bao ký ức về người ông quá cố lại ùa về, và chẳng hề lấy thế làm khó chịu, chàng còn thú vị bắt chước người ông trịnh trọng tựa cằm xuống ngực, cử chỉ kỳ thực chỉ để che giấu tật run giật của cái đầu nhưng lại rất được cậu bé Hans Castorp hồi nhỏ ngưỡng mộ.
Chàng tiếp tục leo lên cao nữa, theo lối mòn chạy quanh hình chữ chi, nhằm phía có tiếng lục lạc trên cổ gia súc. Lát sau chàng gặp đàn bò đang gặm cỏ bên một túp lều trên mái dằn đầy đá cục. Hai người đàn ông rậm râu vác rìu trên vai đi xồng xộc ngược chiều, khi còn cách chàng một quãng họ chia tay nhau hết sức mộc mạc và bình dị. “Thôi, tôi đi đây, cảm ơn anh!” Một người cất giọng ồm ồm bảo người kia, chuyển chiếc rìu từ vai trái sang vai phải rồi tạt ngang vào rừng, không theo lối mòn nào cả, đạp lên cành thông răng rắc mà đi thẳng xuống thung lũng. Câu nói “tôi đi đây, cảm ơn anh” của người ấy vang lên âm u lạ thường trong cảnh tịch liêu, làm bồi hồi các giác quan của Hans Castorp vốn đã nửa tỉnh nửa mê sau cố gắng leo dốc và ca hát. Chàng lẩm bẩm lặp lại lời người lạ, khi nói cố gắng bắt chước thổ âm miền núi và giọng điệu vừa nghiêm trang vừa giản dị của ông ta, trong lúc đi qua túp lều mục đồng tiếp tục trèo lên cao nữa, vì chàng muốn tới tận ranh giới chỗ cây lá kim cũng ngừng mọc; tuy nhiên sau một lần liếc mắt nhìn đồng hồ chàng phải từ bỏ ý định này.
Chàng rẽ sang trái, nhắm hướng khu dân cư dưới thung lũng, theo một lối mòn thoai thoải quay trở xuống. Những cây thông thân cao vút nuốt chửng lấy chàng, lúc đi xuyên rừng chàng lại thử cất tiếng hát khe khẽ, mặc dù lần này thận trọng giữ sức hơn nhiều, và lấy làm lạ không hiểu tại sao bước xuống dốc mà hai đầu gối chàng run rẩy còn dữ hơn khi lên dốc. Nhưng vừa bước ra khỏi bìa rừng chàng phải kinh ngạc đứng ngây người trước cảnh thần tiên mở ra trước mắt, thơ mộng như một bức tranh phong cảnh thanh bình, không thua gì chốn đào nguyên.
Một dòng suối trong vắt thấy rõ những hòn cuội ngổn ngang dưới đáy, lòng suối nông bằng phẳng, từ vách núi cao bên phải đổ xuống những khối đá bậc thang, lô xô tung bọt trắng xóa rồi hiền hòa chảy tiếp xuống thung lũng, chui qua một cây cầu gỗ cong cong có hàng lan can mộc mạc, đẹp mê hồn. Dưới khe bạt ngàn một loài hoa tím biếc mọc đầy hai bên bờ suối. Những cây thông cổ thụ nghiêm trang dáng thẳng tắp đứng lẻ loi hoặc thành từng cụm rải rác từ dưới lòng khe lên sườn núi, một cây đổ nghiêng bên thác nước nhưng vẫn xòe rễ bám chặt vào vách đá, dáng gầy guộc nổi lên kỳ dị giữa bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Tiếng thác đổ ầm ào là âm thanh độc nhất bao trùm cảnh vật, càng làm tăng vẻ liêu trai của chốn sơn khê. Bên kia suối Hans Castorp thấy có một băng ghế cho lữ khách nghỉ chân.
Chàng bước qua nhịp cầu gỗ tới ngồi xuống ghế, mê mải ngắm nhìn dòng thác tung bọt cuồn cuộn trắng xóa, chăm chú lắng nghe tiếng nước đổ sầm sập tưởng như đơn điệu mà kỳ thực đầy biến động; vì Hans Castorp thích nghe tiếng nước chảy không khác gì say mê âm nhạc, có khi lại còn hơn. Nhưng ngồi chưa ấm chỗ thì đột nhiên mũi chàng đổ máu cam, bất ngờ đến nỗi chàng không kịp giữ cho khỏi dây ra quần áo. Máu ra ồng ộc và dai dẳng đến nỗi có dễ gần nửa giờ đồng hồ chàng cứ phải tất tả chạy xuống suối vốc nước rửa mặt và giặt khăn tay rồi lại chạy lên ghế nằm dài ra đắp tấm khăn ướt lên mũi. Chàng nằm yên đợi cho máu cầm hẳn, lặng thinh, hai tay chắp sau gáy, đầu gối chống cao, mắt nhắm nghiền, tai lắng nghe tiếng thác đổ, lâng lâng dễ chịu, nhẹ người sau khi được chích huyết một cách tự nhiên, và chìm vào một trạng thái tinh thần đặc biệt, mọi chức năng của cơ thể giảm xuống mức tối thiểu: sau khi thở ra một lúc lâu chàng không hề cảm thấy nhu cầu cần hơi thở mới, và cứ lười biếng nằm bất động để mặc trái tim khua thêm mươi nhịp đập rồi mới chậm chạp hít vào một hơi vừa ngắn vừa nông.
Và rồi bỗng dưng chàng thấy mình lọt vào bối cảnh một câu chuyện xảy ra từ rất lâu về trước, chính là bản gốc của giấc chiêm bao biến tấu hôm rày cứ đến quấy rầy giấc ngủ của chàng… Nhưng chàng được đưa trở lại chốn cũ ngày xưa một cách sinh động và trọn vẹn, như không hề tồn tại khoảng cách không gian và thời gian, đến nỗi ta có thể bảo rằng ở đây chỉ còn cái xác nằm lại trên ghế bên bờ suối, trong khi linh hồn Hans Castorp đã tách ra tìm về quá khứ, nhập vào khung cảnh thời xa vắng ấy và sống lại một tình huống tưởng như đơn giản nhưng là cả một cuộc phiêu lưu tình cảm táo bạo đối với chàng.
Khi ấy chàng còn là cậu bé mười ba tuổi, học lớp đệ tam dưới[58], mặc quần soóc lửng đứng ngoài sân trường trò chuyện với một thằng bé cùng tuổi nhưng học lớp khác - một cuộc chuyện trò mà Hans Castorp là người mở đầu một cách khá đường đột, và bằng vào đối tượng cụ thể được nói đến ở đây thì thời gian trao đổi chỉ rất ngắn ngủi, nhưng vẫn khiến chàng sung sướng đến tột độ. Lúc đó là giờ giải lao giữa hai tiết học cuối, một giờ lịch sử và một giờ vẽ ở lớp Hans Castorp. Trên mảnh sân trường lát gạch xỉ đỏ bầm có tường bao kín xung quanh, trước sau chỉ trổ ra hai cổng, hàng hàng lớp lớp học sinh chạy tới chạy lui, túm năm tụm ba thành từng nhóm, đứng ngồi ngả ngốn dựa vào tường. Khắp nơi ồn ào như ong vỡ tổ. Một ông thầy đội mũ mềm đứng trông coi trật tự, uể oải ngoạm chiếc bánh mì kẹp thịt trên tay.
Thằng bé mà Hans Castorp tới bắt chuyện mang họ Hippe, tên là Přibislav. Điều kỳ cục nhất ở đây là chữ ‘ř’ lại phải đọc như chữ ‘sch’, tức là tên nó phát âm đúng sẽ thành “Pschibislav”; và cái tên lạ lùng này rất xứng với diện mạo bề ngoài của nó, một diện mạo rất khác thường, phải nói là có nhiều nét đặc biệt lạ mới đúng. Hippe là con trai ông giáo sư trung học kiêm sử gia, nổi tiếng là một học sinh gương mẫu của trường và mặc dù không hơn tuổi Hans Castorp nhưng học cao hơn nó một lớp, gia đình nó xuất thân ở vùng Mecklenburg[59] và chỉ cần nhìn hình thức cũng rõ nó là sản phẩm lai giữa chủng tộc Đức với dòng giống Wends-Slavs[60]. Mặc dù nó cũng có mái tóc vàng - tóc nó lúc nào cũng húi cua thật ngắn khiến cái đầu tròn như cái gáo - nhưng đôi mắt màu xanh xám hay cũng có thể là xám xanh - cái màu thường xuyên thay đổi sắc độ như những đỉnh núi mờ xa - lại mang hình thù hết sức lạ đời, vừa dài vừa hẹp và nhìn kỹ thậm chí còn thấy hơi xếch lên trên đôi gò má rộng nhô cao. Hình thức ấy chẳng những không khiến Hippe trở thành xấu xí mà lại còn tỏa ra một sức hấp dẫn riêng, tuy nhiên lạ mắt đến nỗi nó bị đám bạn học gán cho cái biệt danh ‘thằng Kirgiz[61]’. Một đặc điểm nữa là Hippe đã mặc quần dài như người lớn, kết hợp với một tấm áo choàng ngắn đến thắt lưng màu xanh dương gài nút kín lên tận cổ, ve áo lấm tấm mấy hạt gầu trên đầu rơi xuống.
Sự thực là Hans Castorp đã ngầm chú ý đến cậu chàng Přibislav này từ lâu rồi, khắp cái sân trường đông nhong nhóc người quen kẻ lạ nó đã để mắt đến một mình cậu ta, âm thầm quan sát, lẳng lặng đi theo như cái đuôi với một thái độ có thể gọi là ngưỡng mộ, tóm lại là nó dành cho cậu ta một mối quan tâm đặc biệt; trên đường đến trường nó đi xa xa sung sướng ngó nhìn cậu ta đùa giỡn với bạn bè, lắng nghe chúng nói cười và phân biệt được ngay giọng cậu ta, giọng nói trầm trầm êm tai, nhỏ nhẹ, hơi khàn. Đành rằng nó chẳng tìm thấy lý do chính đáng nào giải thích cho mối quan tâm này, nếu không muốn kể đến cái tên ngoại đạo hay là hạnh kiểm mẫu mực của cậu ta (điều này chắc chắn chẳng có ký lô nào đối với nó), hoặc giả cặp mắt Kirgizstan đôi khi ưa liếc xéo, không phải để nhìn, mà tinh nghịch mơ màng, mờ tối như ánh chiều buông. Nhưng lúc đó Hans Castorp chẳng mấy quan tâm đến chuyện lý giải những cảm xúc của mình, lại càng không cần biết tên gọi của tình cảm ấy. Tất nhiên giữa hai đứa không thể bảo là tình bạn được, vì nó có ‘quen’ Hippe đâu. Thứ nhất, không ai bắt nó phải đặt tên cho tình cảm của mình, vì nó chẳng bao giờ nảy ra ý định biến những điều thầm kín ấy thành lời - điều đó trái ngược với bản tính của nó và hơn nữa nó hoàn toàn không có nhu cầu tâm sự với ai. Và thứ hai, đặt tên nếu không phải là đánh giá thì cũng là một định nghĩa rõ ràng, tức là đối tượng đã bị xếp vào một khuôn khổ trật tự nhất định, quen thuộc ở đời, ấy vậy mà trong tiềm thức Hans Castorp vẫn thấu suốt niềm tin rằng một báu vật nội tâm như cảm xúc này phải được che chở và bảo vệ để khỏi trở nên nhàm chán tầm thường.
Tuy vậy dẫu có lý do hay không có lý do mặc lòng, thực tế là cái cảm xúc không thể đặt tên và thổ lộ cùng ai ấy mãnh liệt đến nỗi Hans Castorp âm thầm ấp ủ nó trong lòng gần trọn năm trời - nói là gần trọn một năm vì không thể xác minh được rõ ràng thời điểm khởi đầu của nó, điều này lại càng chứng tỏ bản tính chung thủy và kiên định của Hans Castorp, thử tưởng tượng xem, một năm dài biết là chừng nào đối với một đứa trẻ ở độ tuổi này! Rất tiếc những khái niệm về tính cách và bản chất thường tiềm ẩn một giá trị đạo đức nhất định, không khen thì chê, mặc dù cái gì cũng có mặt tốt và cả mặt xấu. Lòng ‘chung thủy’ của Hans Castorp, thực ra nó chưa bao giờ có ý tự hào về đức tính này, xét một cách khách quan vô tư sẽ thấy bắt nguồn từ bản chất ù lì, thụ động và ngại làm quen với cái mới, một thứ tâm trạng thường trực cho nó cảm giác yếu tố trung thành và truyền thống khiến các mối quan hệ nhân sinh càng bền vững thì lại càng đáng quý. Bản thân nó cũng có khuynh hướng đặt niềm tin vào tính vĩnh cửu của trạng thái tinh thần và tình cảm của mình, và chẳng muốn thay đổi làm gì. Vậy là nó đã quen nâng niu trong trái tim mối thiện cảm âm thầm từ xa với Přibislav Hippe, và coi đó là một điều bất di bất dịch trong cuộc đời mình. Nó thích tâm trạng phấp phỏng do tình cảm này gợi lên, nỗi hồi hộp chẳng biết hôm nay có được gặp người ấy không, liệu người ấy lúc đi ngang qua có bước sát cạnh nó không, hay thậm chí còn ban cho nó một ánh mắt, cảm giác mãn nguyện êm ái không lời là món quà quý báu của điều bí mật nó ôm ấp trong lòng, thậm chí cả niềm tuyệt vọng không tránh khỏi trong hoàn cảnh này nó cũng chẳng khước từ: đó là những khi thiếu bóng Přibislav, lúc ấy sân trường bỗng trở nên hoang vắng, ngày dài lê thê ảm đạm ghê hồn, chỉ còn tia hy vọng le lói không chịu tắt.
Tình cảnh ấy cứ thế kéo dài khoảng một năm trời, cho đến khi đạt tới đỉnh cao mạo hiểm được miêu tả ở đây, và còn tiếp diễn thêm chừng một năm nữa - nhờ lòng chung thủy của Hans Castorp - rồi mới chấm dứt, một kết cục thầm lặng mà, cũng giống như lúc khởi đầu, bản thân nó không hề nhận thấy những mối dây ràng buộc nó với Přibislav đã lỏng lẻo và dần dần tuột hẳn tự lúc nào. Přibislav chuyển trường và rời khỏi thành phố khi cha cậu ta được bổ nhiệm đi dạy nơi khác; nhưng Hans Castorp chẳng còn quan tâm mấy tí đến sự kiện này, từ trước đó nó đã quên mất sự hiện diện của Přibislav rồi. Có thể nói rằng, hình ảnh cậu bạn ‘Kirgiz’ từ sương mù bảng lảng đã len lén luồn vào tâm tư nó từ lúc nào chẳng rõ, dần dà trở nên đậm nét và đầy ấn tượng, đạt đến cao trào là khoảnh khắc gần gũi địa lý và vật lý trên sân trường, một thời gian dài chiếm địa vị độc tôn trong cuộc đời nó rồi lại từ từ rút lui không để lại vết đau giã biệt và cuối cùng chìm hẳn vào sương mù quên lãng.
Nhưng cái khoảnh khắc của tình huống đầy phiêu lưu táo bạo ấy, mà giờ đây Hans Castorp thấy lại mình trong đó, và cuộc chuyện trò, gồm những lời trao đổi thực sự giữa chàng và Přibislav Hippe, đã bắt đầu như sau. Giờ tiếp theo là tiết học vẽ, và Hans Castorp nhận ra mình không có bút chì. Các bạn học cùng lớp nó dĩ nhiên đều cần bút của mình để vẽ, nên nó chỉ có thể hỏi mượn bút của một trong những đứa nó quen nhưng học lớp khác. Nó nghĩ ngay đến Přibislav, là người gần gũi nhất trong tâm tưởng nó, đối tượng quan tâm âm thầm bấy lâu nay; và nó liều lĩnh quyết định sử dụng cơ hội ấy - nó coi đây là một cơ hội tốt - để hỏi mượn Přibislav một cây bút. Nó không hề nghĩ rằng hành động của nó khá là kỳ cục, vì đúng ra nó có quen biết Hippe đâu, cũng có thể nó chẳng thèm đếm xỉa đến điều này, hoàn toàn mù quáng đến quên cả ngại ngùng. Và thế là giữa đám đông xô bồ trong cái sân lát gạch xỉ đỏ bầm, nó đứng lại ngay trước mặt Přibislav Hippe mà cất tiếng hỏi:
“Xin lỗi, cậu có thể cho tớ mượn một cái bút chì được không?”
Và Přibislav ngước cặp mắt Kirgizstan trên đôi gò má cao nhìn nó, trả lời bằng giọng nói khàn khàn êm tai, không một chút kinh ngạc hoặc giả không để lộ vẻ kinh ngạc của mình. “Được thôi”, nó bảo. “Nhưng hết giờ học cậu phải trả lại cho tớ đấy.” Và lấy trong túi ra cây bút chì của nó, cắm trong cái cán bằng kim loại với một cái vòng mạ bạc mà người ta phải đẩy lên trên để phần thân bút chì bằng gỗ sơn đỏ thò ra. Nó giải thích cho Hans Castorp cách sử dụng chẳng có gì là phức tạp của cây bút, trong lúc hai đứa chụm đầu vào nhau.
“Mà đừng có làm gẫy của tớ!” Nó còn dặn thêm.
Chẳng biết nó nghĩ gì mà lại nói thế? Cứ làm như Hans Castorp âm mưu biển thủ luôn cây bút của nó, hay là sử dụng một cách cẩu thả kém giữ gìn!
Rồi chúng nó nhìn nhau hơi cười cười, và vì chẳng còn gì để nói nữa nên chúng quay nhìn chỗ khác rồi cuối cùng xoay lưng lại với nhau bỏ đi về hai hướng.
Tất cả chỉ có thế. Nhưng trong đời chưa bao giờ Hans Castorp cảm thấy hạnh phúc như tiết học ấy, vì nó vẽ bằng cây bút của Přibislav Hippe, nhất là lại có cái viễn cảnh sau đó được tận tay trao trả món đồ cho chủ, cơ hội tất yếu và tự nhiên nhất trần đời do hành động kia đem lại. Nó còn tự tiện gọt cái bút chì cho thêm nhọn, và nhặt vài mẩu vỏ bào từ lớp gỗ sơn đỏ đem cất vào tận đáy ngăn kéo bàn học của mình giữ gìn cẩn thận gần một năm trời - không một ai, nếu tình cờ nhìn thấy những miếng vỏ bào xinh xinh đo đỏ này, lại có thể ngờ rằng chúng mang trong mình ý nghĩa sâu nặng nhường ấy. Còn động tác trả đồ sau đó diễn ra vô cùng nhanh gọn, nhưng Hans Castorp cũng chẳng muốn gì hơn, thế là đủ để nó hạnh phúc lắm rồi - niềm hạnh phúc mê man mãn nguyện vì được giao tiếp với Hippe.
“Đây”, nó bảo. “Cảm ơn cậu.”
Và Přibislav chẳng nói chẳng rằng, chỉ kiểm tra qua loa cái chốt đẩy bút rồi đút ngay vào túi…
Sau đó chúng nó không bao giờ nói chuyện với nhau nữa, nhưng cái lần duy nhất ấy, nhờ Hans Castorp can đảm chủ động mở đầu, là một kỷ niệm không thể nào quên…
Chàng mở choàng mắt, bàng hoàng ngoi lên từ vực sâu ký ức. ‘Chắc mình vừa ngủ mê!’ Chàng tự nhủ. ‘Ừ, đấy là Přibislav. Lâu lắm rồi mình chẳng nghĩ đến cậu ta. Không biết những mảnh vỏ bào giờ ở đâu? Cái bàn học thì vẫn để ở nhà ông trẻ Tienappel. Nếu vậy hẳn chúng còn nằm trong cái ngăn kéo nhỏ thụt sâu phía bên trái. Mình chưa bao giờ lấy ra khỏi chỗ ấy. Thậm chí lười đến mức chẳng thèm nhón tay vứt bỏ… Đúng là Přibislav bằng xương bằng thịt. Không ngờ có lúc mình gặp lại cậu ta rõ mồn một thế này. Kỳ thật, cậu ta giống cô ả ở đây như hệt! Hóa ra vì thế mà mình để ý đến cô nàng? Hay cũng có thể bảo rằng: vì thế mà hồi đó mình quan tâm đến cậu ta? Vớ vẩn! Thật chẳng ra làm sao cả. Mà mình cũng phải quay về thôi, muộn lắm rồi.’ Nhưng chàng vẫn nằm lì trên ghế, băn khoăn ngẫm nghĩ. Cuối cùng chàng gom hết nghị lực vươn vai đứng dậy. “Thôi, tôi đi đây, cảm ơn anh!” Chàng nói to và cảm thấy lệ trào lên cay cay khóe mắt, trong khi môi thoáng nở nụ cười. Mũ và gậy trong tay, vừa định cất bước đi thì chàng choáng váng vội ngồi thụp xuống ghế, vì hai đầu gối mềm nhũn muốn khuỵu xuống không mang nổi sức nặng cả người. ‘Hốp la’, chàng tự nhủ, ‘không ổn rồi! Thế mà đúng mười một giờ mình lại phải có mặt ở phòng ăn để dự thuyết trình. Dạo chơi ở trên này đẹp thì đẹp thật nhưng cũng nhiêu khê quá. Tuy nhiên mình không thể cứ ngồi lì ở đây. Chắc tại nằm lâu nên chân mình bị tê, vận động một lát rồi đâu sẽ vào đó.’ Và chàng thử đứng lên lần nữa, vì đã cố gắng tập trung sức nên lần này thành công.
Nhưng lúc đi hồ hởi bao nhiêu thì đoạn đường về bi đát bấy nhiêu. Chốc chốc chàng lại phải ngồi xuống bên vệ đường nghỉ chân và thở lấy hơi, mặt tái nhợt, mồ hôi lạnh tứa ra đầy trán và trái tim lồng lên đập vô tội vạ. Cứ thế chàng vất vả lần hết quãng đường vòng vèo chữ chi xuống núi; tới khu giải trí ở dưới thung lũng chàng phải tự thú nhận rằng mình không thể nào đủ sức đi đoạn đường dài còn lại về ‘Sơn trang’, và vì không thấy có xe trạm hay xe ngựa cho thuê nên chàng phải xin lên ngồi nhờ trên chiếc xe chở hàng lỉnh kỉnh hòm không đang rong ruổi về hướng ‘Làng’. Lưng áp sát vào lưng người đánh xe, chân để thòng từ sàn xe xuống gần chấm đất, mặc kệ những ánh mắt công khai kinh ngạc hay kín đáo tò mò của đám khách bộ hành, chàng lắc lư gà gật theo nhịp xóc của cỗ xe cà khổ. Tới lúc phải rẽ ngang qua đường ray bên lạch nước chàng nhảy xuống, dúi tiền cho gã đánh xe chẳng cần biết nhiều ít thế nào, rồi vắt chân lên cổ leo nốt đoạn đường dốc quanh co về lại an dưỡng đường.
“Dépêchez-vous, monsieur!”[62] Anh chàng gác cổng người Pháp hối hả bảo. “La conférence de Monsieur Krokowski vient de commencer.”[63]
Và Hans Castorp vứt vội mũ cùng batoong lên giá áo rồi lách mình qua cánh cửa kính khép hờ vào phòng ăn - le lưỡi nhón chân để khỏi gây tiếng động. Ở đó đông đảo bệnh nhân điều dưỡng đã ngồi nghiêm chỉnh trên những chiếc ghế xếp thành nhiều dãy, và đối diện với họ, ở đầu hẹp của gian phòng, ông bác sĩ Krokowski mặc lễ phục đứng sau chiếc bàn phủ khăn trang trọng với một bình nước làm vật trang trí, say sưa nói…
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần