Chương 21
ỹ Trang rụt rè bước vào phòng riêng của ông nội. Gần hai năm sống ở biệt thự này, những lần cô đặt chân vào đây đếm chưa đầy mấy đầu ngón tay. Ông đột ngột gọi cô như thế này chắc chắn phải có lý do trọng đại chứ không phải vì nhớ cháu mà kêu ngay lúc mười hai giờ trưa như thế này.
Không ngoài dự đoán của cô bởi cô Út Hạnh đã ngồi sẵn trong đó từ lúc nào với vẻ mặt khá căng thẳng.
Ông Thành nhắc cháu gái: " Khóa chốt cửa lại đi con" với giọng nghiêm nghị càng nhấn mạnh hơn tính chất quan trọng của buổi họp gia đình được thu gọn tới mức tối đa như thế này.
Mỹ Trang đã từng được nghe nói về những buổi họp gia tộc của nhà họ Kim khi có các vấn đề to tát nhưng chỉ toàn người lớn chứ cỡ cô với Khả Mi thì chưa đủ tư cách ngồi dự chứ đừng nói được lạm bàn.
Vì những lý do ấy mà bỗng dưng Mỹ Trang cảm thấy ruột gan cồn cào, miệng môi khô đắng.
Nhìn cháu gái bằng ánh mắt cảm thông, cô Hạnh ân cần kéo tay Mỹ Trnag ngồi xuống cạnh mình trên chiếc sofa, nói nhỏ vào tai:
- Bình tỉnh nghe nội nói, đừng ngắt lời nha con.
Hít mạnh một hơi vào phổi rồi nhè nhẹ thở ra, Mỹ Trang dần trấn tỉnh và đặt hai tay lên đùi, chăm chú chờ ông Thành mở lời. nhìn con gái rồi lại nhìn cháu nội, ông Thành lắc mái đầu bạc phơ của mình, cất giọng phiền muộn:
- Nhà họ Kim mấy đời này có làm điều gì thất đức đâu mà lại xảy ra chuyện đau lòng như thế này chứ?
Cô Hạnh an ủi cha:
- Có mấy ai được hưởng phước trọn vẹn đâu ba. Mất cái này được cái kia chứ.
Ông Thành thở dài ảo não:
- Cầu mong được vậy!
Đã được dặn là ngồi im và kín miệng nhưng Mỹ Trang không thể nào dằn lòng được nữa trước những diễn biến đầy kịch tính này. Cô vọt miệng hỏi luôn:
- Nãy giờ con như người câm điếc, chẳng hiểu chút xíu nào về những lời trao đổi của nội với cô Út. Nếu hai người không muốn con chết nghẹn vì tức thì mau nói cho con biết với.
Lời hờn dỗi của cô làm không khí dịu bớt. Ông Thành bật cười, mắng yêu:
- Con khỉ con này, lúc nào cũng liếng thoắng! Tên nào gan lắm mới thành cháu rể của nội được.
Mỹ Trang thè lưỡi làm xấu:
- Bởi vậy nên người ta trốn hết rồi nội ơi.
Sợ câu chuyện đi chệch hướng, dẫn tới những việc tế nhị khác, cô Hạnh nói át đi:
- Lo giải quyết chuyện quan trọng trước rồi râu rìa tính sau, được không hả hai ông cháu?
Ông Thành gật đầu rồi trầm giọng hỏi Mỹ Trang:
- Hồi năm rồi, con đề nghị chú Ba xuất tiền mua nhà để kinh doanh quán trà sữa phải không?
Hồi hộp không biết mình đã làm sai điều gì nhưng Mỹ Trang cũng mạnh dạn trả lời:
- Dạ phải. Nhưng chú Ba không đồng ý nên sau đó nhà bác Sinh đã mua lại căn đó.
Ông Thành và cô Út Hạnh nhìn nhau rồi cô Hạnh thay cha đặt câu hỏi:
- Sao con không trực tiếp hỏi nội mà lại thông qua chú Ba?
Càng lúc càng bối rối nhiều hơn nhưng Mỹ Trang vẫn thành thật đáp:
- Con thấy chú Ba là người quản lý tiền bạc nên trực tiếp hỏi chú cho nhanh. Khi chú nói không được thì con bỏ luôn ý định đó chứ đâu dám nói với nội hay cô Út.
Ông Thành ôm đầu, tỏ ra rất buồn bã:
- Vì lợi ích cá nhân mà xem nhẹ quyền lợi của người thân, thật hèn hạ quá!
Vẫn chưa nắm được vấn đề, Mỹ Trang quay sang hỏi cô Hạnh:
- Đã xảy ra chuyện gì vậy cô? Sao lại liên quan đến chuyện con tính mua nhà cả năm trước nữa chứ?
Cô Hạnh đưa mắt sang cha tỏ ý hỏi. Nhận được cái gạt đầu đồng ý của ông, cô quay lại trả lời cháu gái:
- Theo luật thì cổ đông của công ty không được tự ý rút vốn nhưng ngân hàng này là của gia đình, khoản tiền cháu cần để mua nhà được xem như phần tiền gởi để sinh lời chứ không phải phần góp vốn. Anh Ba cố tình mập mờ như thế vì mục đích riêng, không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với các thành viên trong gia đình về việc sử dụng tiền bạc. Có người báo lại với ông nội, ông rất giận nên bí mật điều tra và phát hiện thêm những chuyện động trời khác nữa. Con nghe xong rồi giữ kín, đừng nói với ai nha.
Mỹ Trang lo lắng hỏi:
- Tình hình có nghiêm trọng lắm không cô? Chú Ba có bị gì không?
Cô Hạnh nói cho cháu yên tâm:
- Ông nội đã đứng ra giải quyết thì chẳng có gì nghiêm trọng. Ông nội muốn xác minh vấn đề nên hỏi riêng con để biết rõ sự thật. Giờ con cứ làm việc bình thường, đừng nghĩ gì đến chuyện này nữa.
Căn dặn cháu như vậy nhưng khi Mỹ Trang ra khỏi phòng thì nét mặt cô Hạnh lại thay đổi.
Ngước nhìn cha, cô nhỏ giọng:
- Anh Thắng vừa gọi điện thoại về báo với con là bên công an đang theo dõi hoạt động của ngân hàng mình vì có dấu hiệu cho thấy anh Ba đã thực hiện việc rửa tiền.
Rên lên một tiếng, ông Thành choáng váng gục đầu xuống ngực khiến cô Hạnh hoảng hốt, bấm chuông gọi cấp cứu ầm ĩ.
Mỹ Trang chưa kịp ra khỏi nhà đã vội chạy lên phòng ông nội.
Xe cấp cứu chạy đến kịp lúc đưa ông Thành đến bệnh viện.
ØË×
Bước chầm chậm trên đồi giữa những tán lá dày rậm che hết ánh nắng, không cho chiếu tới mặt người, Khả Mi vui sướng cứ ngỡ mình đang đi trong giấc mơ bởi người đồng hành với cô lúc này chính là Khắc Ninh.
Khi nghe cha bảo: " Con ra resort coi sổ sách giùm ba mấy ngày", cô đã giãy nảy:
- Con đâu phải thư ký hay kế toán. Nhân viên của ba thiếu gì, sao lại sai con?
Nở nụ cười thâm trầm, ông Phú đáp:
- Ba làm gì cũng có lý do. " Cá không ăn muối cá ươn…", con cãi lời ba thì sau này đừng ân hận nhé.
Ngôn ngữ của ông ẩn chứa một điều bí mật gì đó khiến Khả Mi phải ngoan ngoãn phục tùng dù lòng không ngớt ca thán.
Ra đến nơi, thấy cảnh đẹp và tấp nập du khách thì nỗi bực tức trong lòng cô mới vơi bớt. Tuy vậy, Khả Mi vẫn thấy lạc lõng giữa một nơi xa lạ như thế này.
Ở resort được hai hôm, Khả Mi gọi ông Tín lên hỏi:
- Gần đây còn chỗ vui chơi nào khác không chú?
Ông Tín mau mắn trả lời:
- Khu công viên nước ở bên kia đồi, chạy xe một vòng là tới. Cô muốn đi thì kêu tài xế chở.
Khả Mi gật đầu:
- Quanh đi quẩn lại chỉ toàn núi với đồi, đi hai ngày là thuộc hết cảnh, chẳng có gì thú vị nữa. Thử qua đó xem sao.
Khu công viên nước hiện ra trước mắt cô khoảng hai mươi phút sau.
Nếu còn ở thành phố thì Khả Mi chẳng háo hức được đến đây như hiện tại bởi có quá nhiều loại hình giải trí để chọn lựa nhưng bây giờ- ngoài khu resort của nhà cô ra thì chỉ còn nơi này nữa thôi-, vì thế xe vừa dừng thì cô đã mở cửa xe bước ra thật nhanh.
Đang đi một vòng để kiểm tra từng khu vực, Khắc Ninh ngỡ ngàng nhìn chiếc bóng xinh xắn của một cô gái đang dần dần tiến đến gần anh.
" Sao cô ta lại giống Khả Mi quá vậy?"
Câu trả lời đã mau chóng có được khi cô đứng cách anh chỉ mấy bước và cũng mở to mắt nhìn anh đầy kinh ngạc.
Hai tiếng kêu cùng bật ra cùng một lúc:
- Sao tình cờ quá vậy?
Rồi Khả Mi giành hỏi trước:
- Anh ra đây làm gì vậy?
Khắc Ninh đáp nhanh:
- Khu công viên nước này của gia đình anh hợp tác đầu tư mà. Còn em?
Cô gái cũng trả lời với tốc độ lẹ làng không kém:
- Em đang coi khu resort cho ba.
Không hẹn mà nên, cả hai đồng nghĩ đến một điều và lúng túng tránh nhìn nhau. Nhưng phút bối rối đã mau chóng trôi qua bởi họ đã quá thân thiết với nhau từ bao năm qua chứ chẳng xa lạ gì, Khắc Ninh lấy tư cách chủ nhân lịch thiệp mời khách:
- Anh hướng dẫn em tham quan nhé.
Khả Mi vui thích gật đầu và không quên giao hẹn:
- Ngày mai sẽ đến phiên anh làm khách của em đó.
Và giờ đây, cô đang sóng đôi với anh như mơ ước từ rất lâu của mình.
Khắc Ninh chợt lên tiếng hỏi cô:
- Chừng nào em về Sài gòn?
Nếu ngày hôm qua- trước lúc gặp anh - thì cô sẽ đáp ngay không hề do dự: " ngay khi có thể" thì bây giờ lại mong rằng thời gian lưu lại đây được kéo dài càng lâu càng tốt.
Nghĩ thế nhưng làm sao nói ra miệng được, Khả Mi khéo léo hỏi ngược lại:
- Còn anh?
Khắc Ninh chậm rãi đáp:
- Khi nào xong việc nhưng anh rất vui nếu có em ở gần như thế này, vì thế chuyện về hay ở không thành vấn đề với anh nữa.
Nghe đến đâu, ruột gan nở nang từng khúc đến đó nhưng Khả Mi vẫn giả vờ đưa đẩy:
- Anh không nóng ruột về với người yêu sao?
Đôi mày chợt cau lại, Khắc Ninh không trả lời câu hỏi của cô mà lại bước nhanh hơn một chút nên tạo ra khoảng cách giữa hai người.
Lo lắng vì đòn thăm dò không mang lại kết quả như ý cho mình, Khả Mi toan tìm lời xí xóa thì chuông điện thoại của cô chợt reo inh ỏi.
Mừng rỡ vì có cớ thoát khỏi tình huống khó xử một cách nhẹ nhàng, Khả Mi vội áp máy vào tai, hỏi huyên thuyên mà chưa kịp biết ai trong gia đình đang gọi mình:
- Khả Mi đây. Có chuyện gì vậy?
Giọng mẹ cô vang lên đầy khích động:
- Ông nội bị đột quị đang cấp cứu ở bệnh viện. Con về liền nha Mi.
Loa điện thoại khá to nên Khắc Ninh cũng nghe được thông báo ấy. Anh vội quay bước, chờ Khả Mi.
Nói thêm vài câu nữa với mẹ rồi Khả Mi ngưng cuộc điện đàm, nhìn Khắc Ninh bằng ánh mắt hoang mang, run giọng thốt:
- Em phải về ngay, không bầu bạn với anh được nữa rồi.
Khắc Ninh ân cần chia sẻ nỗi lo với cô:
- Anh quí ông nội như ông của mình nên cũng lo buồn không kém em. Trước mắt, anh chưa về Sài gòn được nên diễn biến sức khỏe của ông ra sao thì em nhớ báo cho anh biết nhé.
Sự xúc động làm mắt Khả Mi ướt rượt ( hay phần nào cũng do sự luyến tiếc bởi phải bỏ qua một cơ hội bằng vàng được kề cận người mình yêu như thế này?), cô gật đầu liên tiếp và hứa với anh:
- Em sẽ tra tấn anh liên tục cho mà xem.
Tiễn cô ra khỏi khu công viên nước xong, Khắc Ninh quay trở vào với vẻ mặt trầm tư rồi bấm điện thoại, khẽ khàng lên tiếng khi bên kia đầu dây có tín hiệu trả lời:
- Thành thật chia buồn với em. Anh cố gắng có mặt ở Sài gòn trong thời gian sớm nhất. Em sẽ không bỏ đi khi trông thấy mặt anh chứ?
Nhận được lời đáp, gương mặt anh rạng rỡ hẵn lên và sôi nổi hứa:
- Không có gì! Tự anh sắp xếp được mà. Ba mẹ không can thiệp được đâu.
Mùa Đông Trên Mắt Nhớ Mùa Đông Trên Mắt Nhớ - Hoàng Kim Mùa Đông Trên Mắt Nhớ