Chương 20
rời ơi, họ đang làm gì ở bên đó? Sao mãi chưa có tin. Bác sĩ Joseph Pearson nhịp các ngón tay lo lắng trên mặt bàn làm việc của chính mình. Đã một giờ bốn mươi lăm phút trôi qua kể từ khi lấy máu của em bé và gởi sang bệnh viện Đại học. Lúc này trong phòng chỉ có nhà bệnh lý học già và David Coleman. Coleman nói khẽ:
- Tôi đã hỏi lại bác sĩ Franz, ông ta bảo sẽ gọi điện ngay khi có kết quả.
Pearson rầu rĩ gật đầu rồi hỏi:
- Thằng nhỏ đâu? Alexander ấy mà?
- Cảnh sát đã lái xe đưa anh ta về. Anh ta đương ở chỗ vợ. Coleman ngập ngừng - Trong khi chờ đợi ông thấy có nên hỏi thăm phòng theo dõi sức khỏe và tình hình nhà bếp chăng? Không biết việc kiểm tra những người dọn thức ăn đã được tiến hành chưa?
Pearon lắc đầu:
- Để sau hẵng hay. Chờ cho xong chuyện này đã - ông nói - Tôi chẳng còn đầu óc nào nữa.
Từ lúc các biến cố nổ ra chớp nhoáng trong phòng xét nghiệm, lần đầu tiên David Coleman tự hỏi ông cụ đang cảm thấy thế nào. Không hề có tranh luận về tính xác thực của những lời Coleman bàn về nghiệm pháp cảm ứng máu. Pearson yên lặng như thầm nhận rằng anh hạn đồng nghiệp trẻ tuổi hiểu biết nhiều hơn ông, ít ra trong lãnh vực này.
Coleman nghĩ thầm: “Phải đối diện với sự kiện ấy quả là điều xót xa”. Lần đầu tiên anh thấy lòng mình hiện lên niềm thông cảm.
Pearson ngừng gõ nhịp và đập mình bàn tay xuống mặt bàn - Trời ơi sao họ vẫn chưa gọi?
o O o
- Có tin tức gì từ phòng xét nghiệm không?
Bác sĩ Charles Dornberger hỏi cô y tá trực vừa bước vào. Ông đã rửa tay sẵn sàng và đang ngồi chờ trong phòng mổ bên cạnh khoa Phụ sản.
Cô gái lắc đầu:
- Không, thưa bác sĩ.
- Bao lâu nữa chúng ta mới sẵn sàng?
Cô y tá rót nước nóng vào đầy hai chiếc bình cao su rồi đem đặt dưới tấm mền trên bàn mổ nhớ xíu dành cho trẻ sơ sinh. Cô đáp:
- Mấy phút nữa thôi.
Một anh sinh viên thực tập đến bên Dornberger và hỏi:
- Ông định truyền thay máu cho dù không có kết quả xét nghiệm Coombs ư?
- Phải! Dornberger đáp - Chúng ta đã để mất quá nhiều thời gian, tôi không muốn để mất thêm nữa - ông ngẫm nghĩ rồi nói tiếp: - Dù sao, triệu chứng thiếu máu đã tới mức đủ để biện minh cho việc truyền thay máu thậm chí không cần xét nghiệm nữa.
Cô tá nói:
- À, thưa bác sĩ, dây rốn của em bé cắt sát quá, bác sĩ có biết chưa?
- Có, cảm ơn, tôi biết rồi - ông quay sang giải thích cho anh sinh viên thực tập: Nếu biết trước sẽ phải truyền thay máu, ta đã chừa dây rốn cho dài để tiện việc nối ra vào. Không may, ca này ta không biết trước nên đã cắt sát.
- Bác sĩ sẽ tiến hành thế nào?- Anh sinh viên hỏi.
- Tôi sẽ gây tê cục bộ rồi rạch ngang trên tĩnh mạch rốn - ông quay sang cô y tá - Đang sưởi ấm máu rồi hả?
- Vâng ạ.
Dornberger nói với anh sinh viên thực tập:
- Cần kiểm tra kỹ xem máu mới có nhiệt độ gần sát với cơ thể chưa. Sơ suất điều ấy có thể làm tăng thêm nguy cơ bị sốc.
Trong thâm tâm. Dornberger biết ông đang nói để dạy anh sinh viên cũng như vì lợi ích của chính mình. Ít ra, nói chuyện giúp ông khỏi nghĩ ngợi căng thẳng. Lúc này nghĩ ngợi căng thẳng là điều ông muốn tránh. Từ lúc chia tay với Pearson sau câu nói thẳng thừng, ông bị cắn xé mãi vì sự lo âu và buộc tội. Về mặt chuyên môn, không ai có thể trách cứ ông về những gì đã xảy ra, nhưng điều ấy xem ra không quan trọng. Chính bệnh nhân của ông đang lâm vào cảnh hiểm nghèo: bệnh nhân của ông có thể chết vì sự chểnh mảng tồi tệ nhất của y khoa. Trách nhiệm tối hậu là của riêng một mình ông.
Dornberger toan nói tiếp, nhưng lại thôi. Có điều gì đó không ổn: ông cảm thấy chóng mặt, thái dương đập mạnh, cảnh vật quan cuồng, ông nhắm mắt lại một lúc rồi mở ra.
Được rồi, tất cả lại phẳng lặng như cũ, cơn chóng mặt đã qua. Nhưng nhìn xuống hai bàn tay, ông thấy chúng run run.
Ông cố gắng trấn tĩnh, nhưng vô ích.
Chiếc lồng ấp bảo vệ em bé Alexander đang được đẩy vào. Cùng lúc đó ông nghe thấy anh sinh viên thực tập nói:
- Bác sĩ Dornberger, ông khoẻ chứ?
Đầu môi và chót lưỡi của ông trả lời:
- Khỏe.
Ông biết nếu muốn ông vẫn có thể tiếp tục làm việc mà không một ai biết những gì vừa xảy ra cho ông. Tuy đã muộn màng lắm rồi, nhưng với tài khéo léo và óc phán đoán, có lẽ ông vẫn cứu được đứa bé và xoa dịu được lương tâm cùng tâm hồn thanh khiết. Ít ra tới một mức nào đó.
Và rồi cũng trong giây phút ấy, ông nhớ lại tất cả những gì ông đã nói ra và tin tưởng suốt bao năm qua về những kẻ già nua tham quyền cố vị. Mình đã từng bô bô nói rằng chừng nào ngày giờ tàn lụi đến, mình sẽ biết và sẽ rút lui. Mình đã từng tin chắc rằng không bao giờ mình xử lý một ca bệnh nào với những kỹ năng cá nhân bị hạn chế.
Ông nghĩ đến những điều ấy rồi nhìn xuống đôi bàn tay run run của mình.
- Không - Ông nói - Có lẽ tôi không được khoẻ - Ông ngừng lại, và biết rằng đây là lần đầu tiên nỗi xúc động mãnh liệt khiến ông khó kiểm soát được giọng nói, ông hỏi: - Có ai vui lòng gọi giùm bác sĩ O’Donnell? Bảo ông ta tôi không thể tiếp tục được nữa. Tôi muốn ông ta làm giúp ca này.
Chính lúc ấy, trên thực tế cũng như trong tâm hồn, bác sĩ Charles Dornberger rút lui khỏi y khoa.
o O o
Chuông điện thoại vừa reo, Pearson chộp ngay lấy ống nghe. - Sao?... Bác sĩ Pearson đây Tốt lắm. Cảm ơn.
Không gác máy, ông nhấn nút đổi đường để rồi xin nói số một. Có tiếng “click”, tiếng người ở đầu dây bên kia, rồi tiếng của Pearson:
- Cho tôi nói chuyện với bác sĩ Dornberger. Bác sĩ Pearson đang gọi đây.
Tiếng người bên kia trả lời ngắn gọn, Pearson nói:
- Được rồi, vậy thì nhắn giúp cho. Bảo ông ấy rằng tôi vừa được tin bên viện Đại học. Xét nghiệm máu em bé Alexander cho kết quả dương tính. Em bé bị loạn nguyên hồng cầu.
Pearson gác máy. Nhìn lên, ông thấy ánh mắt Coleman dán chặt vào mình.
o O o
Bác sĩ Kent O’Donnell đang rảo bước qua hành lang tầng chính để sang khoa thần kinh. Anh đã sắp xếp một cuộc hội chẩn ở đó về tình trạng liệt từng phần cơ thể của một bệnh nhân của anh.
Hôm nay là ngày đầu tiên O’Donnell trở lại làm việc ở bệnh viện Three Counties. Rời New York về đến nhà tối hôm qua, cho đến lúc này anh vẫn cảm thấy phấn chấn và sảng khoái vì chuyến đi. Thỉnh thoảng thay đổi không khí là cần thiết, anh tự nhủ - cho mọi y sĩ. Đôi khi sự tiếp xúc hằng ngày với bệnh tật, thuốc men có thể trở thành áp lực đè nén làm cho ta rã rượi sau một thời gian mà ta chẳng hề hay biết. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, việc thay đổi không khí giúp tâm trí ta vui tươi và khoáng đạt. Bên cạnh đó, từ sau buổi tái ngộ với Denise ở New York, lòng anh mãi cân nhắc vấn đề có nên thôi việc ở bệnh viện Three Counties và xa rời thành phố Burlington mãi mãi hay không. Và mỗi lần cân nhắc, các lý lẽ bênh vực việc ra đi dường như có sức thuyết phục nhiều hơn. Tất nhiên anh biết rằng mình bị thôi thúc mãnh liệt vì tình cảm đối với Denise, rằng trước khi gặp nàng, anh chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ Burlington mà đi. Nhưng anh tự hỏi: có gì sai lầm hay không khi quyết định chuyện nghiệp vụ nghiêng về phía hạnh phúc cá nhân? Đâu có phải mình bỏ nghề y khoa, mình chỉ thay đổi sân mổ và nỗ lực hết khả năng ở một nơi khác. Nghĩ cho cùng, đời sống của một con người là tổng thể của mọi thành phần; không có tình yêu - một khi anh đã tìm thấy nó - những gì còn lại của mình có thể sẽ héo hắt và vô giá trị.
Với tình yêu, mình có thể thành con người tốt hơn - Năng nổ và tận tụy - Bởi lẽ đời sống của mình là một tổng thể.
Anh lại nghĩ đến Denise với sự lâng lâng mong đợi mỗi lúc một thêm dạt dào.
- Bác sĩ O’Donnell, bác sĩ O’Donnell.
Tiếng loa gọi tên đưa anh trở về với thực tại. Anh dừng chân, đảo mắt tìm máy điện thoại để trả lời. Anh thấy có một chiếc trong văn phòng kế toán lắp tường kính cách đó mấy bước. Bước vào đó, chỉ một lát sau anh nhận được lời nhắn gọi của Dornberger. Đáp ứng ngay tức khắc, anh đổi hướng đi về phía thang máy để lên khoa Phụ sản trên lầu tư.
Trong khi Kent O’Donnell rửa tay, Dornberger đứng bên cạnh tường thuật những gì đã xảy ra cho ca bệnh và nói rõ lý do ông phải mời bác sĩ trưởng.
Dornberger không bi thảm hóa cũng như không giấu giếm một điều gì. Một cách chính xác và không bị cảm giác chi phối, ông kể lại việc xảy ra trong phòng xét nghiệm và các biến cố sự việc ấy. Chỉ có một đôi chỗ O’Donnell ngăn ông lại để chen vào những câu hỏi sắc bén. Suốt thời gian còn lại, anh chăm chú lắng nghe, nét mặt càng lúc càng đanh lại theo lời tường thuật của Dornberger.
Tâm trạng phấn chấn của anh mất hẳn. Sự phấn chấn bị vỡ tan thành trăm nghìn mảnh vụn một cách bất ngờ ngoài sự tưởng tượng do những gì anh nghe được và do anh biết rằng sự chểnh mảng và thiếu hiểu biết - mà, xét cho cùng, anh phải chịu trách nhiệm - có thể dập tắt sự sống của bệnh nhân trong bệnh viện này. Anh thầm nghĩ xót xa:
- Trước đây mình đã có thể cho Joe Pearson thôi việc với rất nhiều lý do. Thế mà không. Mình cứ dây dưa chần chừ, trong khi chơi trò “chính trị” và cố thuyết phục rằng mình đương xử sự đúng, mà thật ra suốt thời gian ấy mình đang bán rẻ y học.
Anh lấy khăn vô trùng lau khô hai bàn tay rồi xỏ vào đôi găng mà một cô y tá đã chìa sẵn.
- Được rồi - Anh nói với Dornberger - Ta đi thôi.
Bước vào phòng mổ nhỏ, O’Donnell đưa mắt nhìn qua các thiết bị đã được chuẩn bị sẵn sàng. Anh rất quen thuộc với kỹ thuật truyền thay máu - một điều mà Dornberger rất rõ khi quyết định gọi bác sĩ trưởng - và anh đã từng làm việc với trưởng khoa Nhi và trưởng khoa Phụ sản nhằm thiết lập những thao tác nghiệp vụ đúng tiêu chuẩn tại bệnh viện Three Counties trên cơ sở kinh nghiệm của các bệnh viện khác.
Em bé Alexander tí hon, yếu ớt đã được đưa ra khỏi lồng ấp và đặt trên bàn mổ ấm áp. Y tá trợ lý, với sự tiếp tay của anh sinh viên thực tập, đang cột em bé vào vị trí bằng những chiếc tã lót - mỗi chân tay một chiếc - gấp lại thành dải băng hẹp và dài rồi dùng kim băng đính chật vào tấm bọc bàn mổ. O’Donnell nhận thấy em bé nằm gần như bất động, phản ứng rất yếu ớt với những việc đang được thực hiện. Đó không phải là đấu hiệu hy vọng nơi một đứa trẻ nhỏ bé như thế này.
Cô y tá mở một tấm khăn vô trùng và đắp lên người em bé, chỉ để chừa cái đầu và khoảng rốn với dây rốn bị cắt đang lành dần. Khâu gây tê cục bộ đã hoàn tất. Cô gái trao chiếc nhíp cho O’Donnell, anh gập một tập băng mỏng và bắt đầu bôi thuốc khử trùng trên vùng mổ. Anh sinh viên thực tập đã cầm sẵn bút chì và tập giấy. O’Donnell hỏi:
- Anh ghi chép số liệu phải không?
- Vâng, sir.
O’Donnell nhận thấy giọng nói anh ta tỏ vẻ kính trọng, những lúc khác hẳn anh đã thầm cười vui. Giới bác sĩ thực tập và sinh viên nội trú là những người có đầu óc độc lập đến mức tai tiếng. Họ luôn hờm sẵn để quan sát những yếu kém nơi các bác sĩ chính. Được bất cứ người nào trong bọn họ gọi là sir thì chẳng khác nào được phong tước.
Mấy phút trước hai cô y sinh đã nhẹ bước vào phòng.
Lúc này theo thói quen giảng dạy, O’Donnell bắt đầu diễn giải theo các thao tác:
- Có lẽ các bạn đã biết - Anh liếc nhanh về phía hai cô y sinh - truyền thay máu là một quá trình thụt rửa. Trước hết ta rút một lượng máu ra khỏi cơ thể đứa trẻ và thay vào đó một lượng máu mới tương đương. Sau đó vòng thao tác được lặp đi lặp lại cho đến khi gần như toàn bộ máu bệnh được lấy ra hết.
Y tá trợ lý đang xoay ngược một chai máu trên chiếc giá cao hơn bàn mổ. O’Donnell nói:
- Ngân hàng máu đã đối chiếu máu với máu của bệnh nhân để bảo đảm sự tương đồng. Cũng cần phải bảo đảm lượng máu đưa vào bằng đúng lượng máu rút ra. Chính vì thế phải có ghi chép liên tục - ông trỏ vào tập giấy trên tay anh sinh viên thực tập.
- Nhiệt độ chín mươi sáu, ([35]) y tá trợ lý thông báo.
O’Donneil chìa tay ra:
- Cho dao mổ.
Sử dụng dao mổ một cách nhẹ nhàng, anh cắt bỏ phần tĩnh mạch rốn đã khô lại để lộ ra lớp mô ướt.
Đặt dao xuống, anh nói khẽ:
- Kẹp mạch.
Anh sinh viên thực tập vươn dài cổ theo dõi.
O’Donnell nói:
- Chúng ta đã cô lập tĩnh mạch rồi. Bây giờ ta đi vào đó để gỡ huyết khối - Anh chìa tay ra, cô y tá đặt chiếc nhíp vào đó. Cục huyết khối rất nhỏ, hầu như không nhìn thấy, nhưng anh cũng gắp ra được một cách nhẹ nhàng và chịu khó. Làm việc với đứa trẻ nhỏ bé như thế này chẳng khác nào làm việc với một con búp bê. O’Donnell tự hỏi liệu cơ may sống của của em bé là bao nhiêu. Cứ sự thường, cơ may có nhiều, thậm chí rất nhiều. Nhưng với ca bệnh này, sau nhiều ngày muộn màng, hy vọng thành công đã giảm xuống tới mức chấp nhất. Anh liếc nhìn khuôn mặt em bé. Lạ thay, em không xấu xí, như hầu hết các đứa trẻ đẻ non, thậm chí có phần nào xinh đẹp với quai hàm vững chắc như nói lên sức mạnh tiềm tàng. Trong khoảnh khắc, trái với thói quen từ trước đến nay, anh để cho đầu óc đi vẩn vơ với ý nghĩ: khốn khổ thay - ra đời với trăm nghìn mũi dùi chống lại mình!
Y tá trợ lý đang cầm một chiếc ống nhựa có gắn kim ở đầu Đây chính là đường rút máu ra và bơm máu vào. O’Donnell cầm lấy ống và cắm kimvào tĩnh mạch rốn một cách hết sức nhẹ nhàng. Anh nói:
- Kiểm tra áp lực tĩnh mạch.
Trong khi ông giữ ống thẳng đứng, cô y tá dùng thước đo chiều cao cột máy rồi thông báo:
- Sáu mươi milimét.
Anh sinh viên thực tập ghi lại con số ấy.
Ống nhựa thứ hai dẫn đến chai máu trên cao. Ống thứ ba chạy xuống một trong hai chiếc chậu hợp kim Monel đặt dưới chân bàn. Chập cả ba chiếc ống lại với nhau, O’Donnell gắn chung vào một chiếc ống tiêm 20 khóa vòi ba chấu. Anh bẻ ngoặt một chấu khóa vòi thành góc chín mươi độ.
- Nào - Anh nói - bắt đầu rút máu.
Với những ngón tay nhạy cảm, anh kéo pít-tông ống tiêm nhẹ nhàng về phía mình. Đây là giây phút quyết liệt của việc chuyền thay máu. Nếu máu không tuôn ra thoải mái, cần phải gỡ ống dẫn ra và làm lại khâu chuẩn bị từ đầu. O’Donnell biết Dornberger đang rướn người theo dõi sau lưng anh. Và rồi, êm ái và thoải mái, máu bắt đầu tuôn chảy tràn qua ống dẫn và đổ vào ống tiêm.
O’Donnell nói:
- Các bạn để ý thấy tôi hút rất chậm và cẩn thận. Trong trường hợp này vì em bé quá nhỏ, ta phải rút mỗi lần một lượng máu rất ít, Bình thường, với em bé đủ tháng, ta có thể rút mỗi lần hai mươi milimét, nhưng với em này, tôi chỉ rút mười milimét để tránh gây ra quá nhiều dao động ở áp lực tĩnh mạch.
Anh sinh viên thực tập ghi chép: 10 ml ra.
O’Donnell lại bẻ ngoặt một chấu khóa vòi ở đầu ống tiêm rồi nhấn mạnh pít-tông. Lượng máu vừa rút ra khỏi cơ thể em bé được đẩy xuống chiếc chậu kim loại dưới chân bàn. Lại bẻ chấu khóa vòi, anh hút máu mới vào ống tiêm, rồi, nhẹ nhàng và chậm rãi, bơm số máu ấy vào cơ thể em bé.
Anh sinh viên thực tập ghi chép: 10 ml vào.
Cứ nhẫn nại, O’Donnell tiếp tục công việc. Mỗi đợt hút ra bơm vào, làm chậm rãi và thận trọng, phải mất trọn năm phút. Rất dễ bị cám dỗ đi đến chỗ vội vã, nhất là trong một ca đầy quyết liệt như thế này, nhưng O’Donnell biết rằng tốc độ là cái cần phải tránh. Sức đề kháng trong cơ thể nhỏ bé này chẳng còn lại bao nhiêu. Sốc có thể xảy ra tức thời và trí mạng.
Và rồi hai mươi phút trôi qua kể từ lúc khởi đầu, em bé cựa quậy và bật khóc.
Tiếng khóc yếu ớt, mong manh như sợi chỉ - một lời phản kháng nhẹ hẫng chợt đến lại chợt đi. Nhưng đó là dấu hiệu của sự sống. Bên trên những tấm khẩu trang của mọi người trong phòng, những đôi mắt đang mỉm cười. Hy vọng như vừa nhích gần hơn một chút.
O’Donnell thừa biết rằng không nên nhảy ngay đến kết luận hấp tấp. Tuy nhiên, anh quay sang nói với Dornberger:
- Nghe như nó nổi giận với chúng ta. Có thể là dấu hiệu tốt. Dornberger cũng có phản ứng, ông nghiêng mình đọc trang ghi chép của anh sinh viên thực tập, và rồi biết mình không có nhiệm vụ, ông đánh liều nói ướm thử:
- Một chút gluconat canxi, anh nghĩ thế nào?
- Đồng ý.
- O’Donnell gỡ ống tiêm ra khỏi khóa vòi đôi và thay vào một ống tiêm chứa mười cc gluconat canxi mà cô y tá vừa trao cho. Anh bơm vào một cc, rồi trả lại. Cô y tá đưa lại cho anh ống tiêm trước mà trong khi chờ đợi, cô đã rửa sạch trong chiếc chậu thứ hai.
- O’Donnell nhận thấy bầu không khí trong phòng đã bớt dần căng thẳng. Anh bắt đầu tự hỏi sau bao nỗi cam go em bé này sẽ qua khỏi được chăng. Anh đã từng chứng kiến những điều lạ lùng hơn xảy ra, đã biết được từ lâu rằng không có gì là bất khả, rằng trong y học, chuyện lành bất ngờ và chuyện dữ bất ngờ có tần số như nhau.
- Tốt lắm - anh nói. Ta tiếp tục đi.
Anh rút ra mười milimét máu rồi thay vào đó bằng máu mới. Lại mười ra, mười vào. Mười nữa - ra vào. Mười nữa.
Và rồi, năm mươi phút trôi qua kể từ lúc khởi đầu, y tá trợ lý thông báo:
- Thưa bác sĩ, nhiệt độ bệnh nhân đang giảm xuống. Hiện chỉ còn chín mươi bốn độ ba ([36]).
Anh nói nhanh:
- Kiểm tra áp lực tĩnh mạch. - Ba mươi lăm milimét - quá thấp.
- Hơi thở kém -Anh sinh viên thực tập nói - Màu da xấu lắm.
O’Donnel bảo anh ta:
- Kiểm tra mạch đập - quay sang cô y tá: - Ôxy!
Cô gái lấy mặt nạ cao su áp lên mặt em bé. Lát sau có tiếng gió huýt khi dòng dưỡng khí tuôn chạy.
- Mạch đập rất chậm. - Anh sinh viên thực tập thông báo.
Cô y tá:
- Nhiệt độ xuống còn chín mươi ba ([37]).
Anh sinh viên thực tập đang lắng nghe bằng stethoscope. Anh nhìn lên:
- Hô hấp yếu dần - Và một lúc sau: -Ngừng thở rồi.
O’Donnell giành lấy stethoscope và lắng nghe được một tiếng tim đập nhưng rất yếu.
- Coranine, một cc - Anh nói lanh lảnh.
Khi anh sinh viên thực tập rời bàn mổ, O’Donnell giật phắt những tấm vải che và bắt đầu làm hô hấp nhân tạo.
Lát sau, anh sinh viên thực tập quay lại. Không bỏ phí một giây lát, anh đã có sẵn lên tay một ống tiêm, đầu kim chĩa lên trời.
- Đâm thẳng vào tim. - O’Donnell nói - Đây là cơ may duy nhất của chúng ta.
o O o
Trong văn phòng khoa Xét nghiệm, bác sĩ David Coleman mỗi lúc một thêm bồn chồn. Anh đã ở lại cùng chờ đợi với Pearson từ lúc nhận được cú điện thoại thông báo kết quả xét nghiệm máu. Họ cùng giải quyết một vài ca bệnh lý còn tồn đọng, nhưng công việc đi rất chậm chạp, và cả hai người cùng biết rằng tâm trí mình đang để ở một nơi nào khác. Đã gần một tiếng đồng hồ trôi qua mà chưa có tin tức gì.
Mười lăm phút trước, Coleman đã đứng lên ướm thử:
- Có lẽ tôi nên đi xem có chuyện gì bên phòng xét nghiệm chăng?
Ông cụ nhìn anh, ánh mắt thiết tha. Và rồi, gần như nài van, ông nói:
- Anh vui lòng ở lại được không?
Ngạc nhiên, Coleman đáp:
- Vâng, nếu ông muốn.
Cả David Coleman cũng cảm thấy sự chờ đợi là rét buốt. Anh biết mình cũng căng thẳng chẳng kém gì Pearson, tuy lúc này ông cụ tỏ rõ sự lo lắng nhiều hơn. Lần đầu tiên Coleman nhận thấy ca bệnh này cuốn hút đầu óc của mình mạnh mẽ biết bao. Anh không lấy làm thỏa mãn trước sự kiện anh nói đúng và Pearson nói sai về nghiệm pháp máu. Tất cả những gì anh thiết tha mong mỏi lúc này, vì lợi ích của vợ chồng Alexander, là đứa bé sống được. Anh ngạc nhiên vì thấy tình cảm của mình dâng lên dạt dào. Quả là khác thường khi có một điều gì tác động đến tâm hồn anh mạnh mẽ đến thế. Nhớ lại ngay từ buổi đầu ở bệnh viên Three Counties, anh đã thấy thương mến John Alexander, và sau này gặp vợ của John và biết rằng ba người là đồng hương, anh cảm thấy giữa họ nẩy sinh tình ruột thịt. tuy không được nói ra nhưng là có thật.
Thời gian trôi qua thật chậm chạp, giây phút sau dường như dài đăng đẳng hơn giây phút trước. Anh cố nghĩ ra một vấn đề gì đó để làm cho đầu óc bận rộn - điều này rất hữu ích khi muốn giết thời giờ. Anh quyết định tập trung vào một vài khía cạnh trong ca bệnh của em bé Alexander.
Điểm thứ nhất - anh nghĩ thầm - Nghiệm pháp Coombs trên máu em bé cho kết quả dương tính, có nghĩa là máu người mẹ có Rh cảm ứng. Anh cố suy thử xem sự thể có thể đã diễn ra như thế nào.
Tất nhiên người mẹ, tức Elizabeth Alexander có thể đã bị cảm ứng trong thời kỳ mang thai lần đầu tiên. David Coleman lý luận: sự cảm ứng khó có thể ảnh hưởng đến đứa con đầu lòng tức là đứa bé chết vì... họ bảo sao nhỉ? À, phải rồi, chết vì viêm phế quản. Thường thường cảm ứng Rh được tìm thấy trong thời kỳ mang thai lần thứ hai.
Khả năng tiếp theo là rất có thể Elizabeth đã được truyền máu có mang yếu tố Rh dương tính. Anh ngừng lại - Phía sau đầu óc của anh có một ý nghĩ chưa thành hình đang cựa quậy, một tâm trạng bất ổn gần như có thể gọi tên được mà vẫn chưa chắc hẳn. Anh nhíu mày tập trung tư tưởng. Và rồi bất thình lình các mảnh vụn kết lại được với nhau, điều mà anh đang sờ soạng tìm kiếm đã hiện lên rồi, rõ ràng và sắc nét ngay trong tầm mắt. Trí óc anh chỉ đích danh: những lần truyền máu. Tai nạn ở New Richmond. Giao tuyến hỏa xa nơi mà cha của Elizabeth tử nạn và cô bị thương nặng.
Coleman lại gặp trung tư tưởng. Anh cố nhớ lại những lời John Alexander đã nói về Elizabeth ngày ấy. Đây rồi: Elizabeth suýt chết, phải truyền máu nhiều lần mới qua khỏi được. Đây là dịp đầu tiên tôi đặt chân đến bệnh viện và ở lại đó gần một tuần lễ.
Ngần ấy năm tháng đã trôi qua, không thể chứng minh được nữa, nhưnh anh sẵn sàng đánh cuộc tất cả những gì anh có để nói rằng đầu mối của sự việc nằm ở đó. Anh suy nghĩ yếu tố Rh chỉ mới được biết đến vào thập niên 1940, lại phải mất mười năm qua việc thử nghiệm Rh mới được tất cả các bệnh viện và các bác sĩ chấp nhận. Trong thời gian đó, tại nhiều nơi, việc truyền máu được thực hiện mà không có đối chiếu yếu tố Rh. New Richmond có thể nằm trong số đó. Thời gian rất khớp. Elizabeth có lẽ gặp nạn vào năm 1949 - anh còn nhớ sau đó có được nghe cha của anh kể lại. Cha của anh, một ý nghĩ mới chợt nảy ra trong đầu anh: chính..cha của anh, bác sĩ Byron Coleman - là người chăm sóc gia đình Alexander và cũng là người chỉ định truyền máu cho Elizabeth. Cô được truyền máu nhiều lần có nghĩa là máu không phải của một người, trong đó hầu như chắc chắn có một ít máu Rh dương tính. Dạo ấy chính là dịp Elizabeth bị cảm ứng, lúc này anh đoán chắc điều ấy. Lúc ấy, tất nhiên, không có ảnh hưởng gì lộ ra bên ngoài, nhưng máu trong người cô cứ tạo ra những kháng thể - những kháng thể ẩn nấp không một ai nghi ngờ cho đến khi, chín năm sau, chúng vùng lên giận dữ, hiểm độc hung hãn và hủy hoại đứa con của nàng.
Tất nhiên không ai có thể trách cứ cha của Coleman, cho dù giả thuyết ấy là đúng. Ông đã chỉ định truyền máu với niềm tin vững vàng và đã dùng những nguyên tắc y học của thời ấy. Đã đành vào thời ấy, yếu tố Rh đã được biết đến và tại một vài nơi đã có thực hiện việc đối chiếu Rh. Nhưng làm sao có thể mong đợi một bác sĩ đa khoa đầu tắt mặt tối ở thôn quê theo kịp với những phát kiến mới mẻ. Liệu ông có thể theo kịp không nhỉ? Một số bác sĩ thời đó, kể cả bác sĩ đa khoa, đã biết đến những chân trời mới mở ra trước mắt nhờ việc phân nhóm máu. Họ đã nhanh nhẹn ra tay áp dụng những tiêu chuẩn mới nhất. Nhưng có lẽ - David Coleman lý luận - họ còn trẻ tuổi. Dạo ấy cha của anh đã già, lại phải làm việc tất bật cả ngày không thể đọc sách nhiều được. Nhưng phải chăng lối biện hộ này không đủ sức thuyết phục? Nếu đây là lời biện hộ do người khác đưa ra, liệu chính anh - David Coleman - có chịu chấp nhận không? Hay phải chăng có một tiêu chuẩn nước đôi, một loạt qui tắc khoan nhượng hơn dành để đánh giá những người thân thuộc, thậm chí người cha đã khuất? Ý nghĩ này khiến lòng anh xao xuyến. Anh khổ tâm nhận ra rằng lòng hiếu thảo đang nằm chắn ngang một vài quan niệm sống mà anh hằng ấp ủ. Giá mà anh đừng nghĩ đến những điều ấy để lúc này khỏi áy náy, nghi ngờ, không hoàn toàn chắc chắn một điều gì.
Pearson đang nhìn anh. Ông hỏi:
- Bao lâu rồi?
Coleman xem đồng hồ tay:
- Đã hơn một tiếng.
- Tôi gọi điện xem sao - Pearson đưa tay nhấc máy điện thoại, nhưng lại lưỡng lự rụt tay về. – Không - ông nói - Không nên.
Trong phòng huyết thanh, John Alexander cũng ý thức rõ về thời gian. Một giờ trước, anh từ phòng bệnh của Elizabeth trở về, và từ lúc đó nhiều lần anh gắng gượng làm việc, nhưng rõ ràng tâm trí anh đang để ở xa những gì mình đang làm. Anh đã tạm ngừng tay để tránh nhầm lẫn. Bây giờ, nhặt một ống nghiệm anh định bắt đầu lại, nhưng Bannister bước đến giật ống nghiệm khỏi tay anh.
Nhìn vào bảng yêu cầu xét nghiệm, ông kỹ thuật viên nói một cách tử tế:
- Anh để tôi làm cho.
Anh ngần ngại phản đối.
Bannister lại nói:
- Nào, cậu nhỏ, để đây cho tôi. Sao không lên với vợ ở trên đó?
- Cám ơn ông, có lẽ tôi nên ở lại. Bác sĩ Coleman bảo hễ có tin... ông ấy sẽ đến báo ngay - Ánh mắt Alexander lại hướng về đòng hồ treo tường, giọng anh căng thẳng:
- Chẳng còn lâu lắm đâu.
Bannister quay đi:
- Phải - ông nói chậm rãi - Tôi cũng đoán thế.
o O o
Elizabeth nằm một mình trong phòng bệnh, người bất động, đầu tựa trên gối, đôi mắt vẫn mở. Thấy bà y tá Wilding bước vào, cô hỏi:
- Có tin gì chưa?
Bà y tá cao niên với mái tóc gần bạc trắng, lắc đầu:
- Hễ có tin là tôi báo cho cô biết ngay - Đặt ly cam vắt mới đem vào xuống cạnh giường, bà nói:
- Nếu cô muốn, tôi có thể ở lại đây mấy phút.
- Vâng, - Elizabeth gượng cười.
Bà y tá kéo một chiếc ghế bên cạnh giường. Bà cảm thấy hai bàn chân được nghỉ ngơi dễ chịu, gần đây chúng cứ đau luôn khiến bà ngờ rằng có lẽ chẳng còn bao lâu nữa chúng sẽ bắt bà, dù muốn dù không, phải giã từ cái nghề điều dưỡng này. Ừm, bà cảm thấy ngày ra đi đã gần rồi. Dẫu thế, bà Wilding mong mỏi có thể làm được điều gì đó cho đôi vợ chồng trẻ này. Ngay từ đầu bà đã cảm thấy thương mến họ. Bà coi hai người gần như con cái. Dù ít dù nhiều, khi chăm sóc cô gái này (dường như cầm chắc mất đứa con mới lạ lùng) bà cảm thấy gần như đang chăm sóc con gái của mình ngày xưa. Bà rất ước ao một đứa con gái nhưng chẳng bao giờ được toại nguyện. Có tức cười không khi mà bà, sau bao năm làm điều dưỡng, lại đâm ra đa cảm vào những ngày xế bóng? Bà hỏi Elizabeth:
- Lúc tôi bước vào, cô đang nghĩ gì thế?
- Cháu nghĩ đến những đứa con bụ bẫm nô đùa trên thảm cỏ xanh trong nắng - Giọng Elizabeth mơ màng - Cảnh ấy giống như ở Indiana hồi cháu còn bé... Những ngày hè. Ngay từ dạo ấy, cháu thường mường tượng một ngày kia mình sẽ có con, sẽ ngồi xem chúng lăn người trên cỏ trong ánh nắng như chính cháu đang vui đùa lúc đó.
- Bọn trẻ tức cười lắm - Bà Wilding nói - lắm lúc sự việc diễn ra khác hẳn sự mong đợi của mình. Cô biết không, trước kia tôi có một đứa con trai, đến nay nó đã thành người lớn.
- Không - Elizabeth nói - Hồi đó cháu không biết.
- Cô đừng hiểu lầm tôi. Hiện nay nó là người lớn, cũng ra vẻ lắm, sĩ quan hải quân hẳn hoi. Nó cưới vợ cách đây một hai tháng, có gửi thư báo tin cho tôi.
Elizabeth tự hỏi tâm trạng người mẹ như thế nào khi đứa con trai mà mình sinh ra gửi thư về báo tin cướp vợ.
- Chưa bao giờ tôi cảm thấy mẹ con tôi hiểu nhau.- bà Wilding nói, xét theo một mặt nào đó, có lẽ phần lỗi ở tôi. Ly hôn và không tạo được cho con mình một mái ấm gia đình thật sự.
- Nhưng thỉnh thoảng bà đến thăm anh ấy vẫn được cơ mà? Rồi thế nào chẳng có cháu nội.
- Tôi vẫn hay nghĩ tới điều ấy. Trước kia tôi thường tưởng tượng cảnh ấy chắc sẽ vui lắm. Cô biết đấy, có đám cháu ở quanh quẩn đâu đó, chiều chiều mình ghé qua, ẫm đứa này, trông coi đứa kia, và khối việc vui vui khác nữa.
- Còn bây giờ... bà không nghĩ như thế nữa sao?
Bà Wilding nói:
- Tôi có cảm tưởng rằng rồi đây sẽ chẳng khác nào mình đến thăm người dưng nước lã. Mà có muốn đến nhiều cũng chẳng được. Cô biết đấy, con trai tôi đóng ở Hawaii, chúng nó mới dọn đến đó vào tuần trước - Giọng bà bỗng nhiên đượm vẻ thân thương:
- Nó định đem vợ về thăm tôi, nhưng vào phút chót lại gặp trở ngại nên không đi được.
Sự yên lặng hiện ra. Lúc sau, bà Wilding nói:
- Thôi, tôi phải đi đây - Bà đứng lên, và nói thêm khi ra đến cửa:
- Uống nước cam đi, Mrs. Alexander, tôi sẽ trở lại ngay khi có tin.
o O o
Kent O’Donnell toát mồ hôi, y tá trực cúi xuống lau trán cho anh. Năm phút đã trôi qua kể từ lúc anh bắt đầu làm hô hấp nhân tạo, thế nhưng vẫn chưa có sự đáp ứng nào từ cái thân thể tí hon dưới hai bàn tay anh. Hai ngón tay cái đặt trên lồng ngực, các ngón tay kia đan lại sau lưng. Em bé nhỏ quá, hai bàn tay của O’Donnell phải gối lên nhau. Anh phải hết sức thận trọng vì biết rằng chỉ cần ép xuống quá tay là những khúc xương mong manh sẽ gãy như cây khô. Thật nhẹ nhàng, anh lại ép, lại thả, ô-xy kêu huýt huýt, cố gắng dẫn dắt hơi thở và dỗ dành hai lá phổi mỏi mệt khởi động lại nhịp đập hồi sinh.
O’Donnell muốn em bé này sống được. Anh biết nếu em chết thì điều đó có nghĩa là Three Counties - bệnh viện của anh - đã thất bại một cách đáng khinh trong chức năng cơ bản là chăm sóc người bệnh cho thích đáng. Em nhận được sự chăm sóc tồi tệ nhất trong khi đang cần sự chăm sóc tốt nhất. Sự chểnh mảng đã vô hiệu hóa tay nghề lão luyện. Anh cố gắng truyền tâm trạng thiết tha, bỏng cháy qua đôi bàn tay mình vào tận trái tim rã rượi của em bé.
Cháu cần đến chúng tôi nhưng chúng tôi đã phụ lòng cháu.
Cháu thăm dò sự yếu kém của chúng tôi và nhận thấy chúng tôi còn thiếu sót. Nhưng xin cháu hãy để cho chúng tôi cùng nhau cố gắng một lần nữa. Có lúc chúng tôi đã làm việc tốt hơn lần này; đừng dựa vào một lần thất bại mà nghĩ rằng chúng tôi luôn luôn là thế. Có ngu dốt, dại dột, mù quáng và định kiến trên cõi đời này - Chúng tôi đã tỏ cho cháu thấy điều ấy rồi. Nhưng còn có những điều khác nữa, những điều tốt đẹp và đầy mến thương đáng dùng để làm lẽ sống. Vậy thì cháu hãy thở đi – điều ấy rất đơn giản nhưng vô cùng quan trọng. Hai bàn tay của O’Donnell nới ra xiết vào... ép... buông...ép...buông...ép.
Thêm năm phút nữa trôi qua. Anh sinh viên thực tập đang chăm chú lắng nghe bằng Stethoscope. Lúc này anh đứng thẳng lên, đón ánh mắt của O’Donnell và lắc đầu.
O’Donnell ngừng tay vì biết có tiếp tục cũng vô ích.
Quay sang Dornberger, anh nói khẽ:
- E rằng cháu bé đi rồi.
Ánh mắt họ gặp nhau, cả hai người đều biết rằng họ cùng có chung một tâm trạng. O’Donnell giận sôi lên. Anh giật phăng mũ và khẩu trang, kéo toạc găng tay rồi ném tuệch xuống đất.
Anh cảm thấy mọi người đang nhìn mình. Môi mím đanh lại, anh bảo Dornberger:
- Nào, ta đi thôi - Rồi cộc cằn với anh sinh viên thực tập:
- Có ai hỏi thì bảo tôi ở chỗ bác sĩ Pearson!
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng