Mái Ấm Ngọt Ngào
húng tôi từ giã nhau. Hai cái mũi đụng nhau. Đó là cách từ giã của chúng tôi. Đúng một giờ trưa. Tới phi trường tôi nói “Tâm cứ để tôi ở đó một mình. Về đi có nhiều việc để làm.” Chờ đợi ở phi trường đã quá quen. Đưa cũng thế. Mà không đưa cũng thế. Gửi hành lý xong tôi điện thoại về cho Đoan. Anh cằn nhằn sao không giữ Tâm ngồi lại. Thế là không ai... bye em hết à. Có anh thôi, không có anh thì có ai cũng vậy thôi. Tôi lững thững đẩy xe vào Gate. Còn sớm nên tôi đi rất từ từ. Trông có vẻ nhàn hạ lắm. 3 giờ 20 bắt đầu boarding. Tôi kêu về cho Đoan. “Bye nghe...” “Đi bình an nghe em. Thành công nghe em.”
12 tiếng đồng hồ lặn lội, ngồi nằm đủ kiểu, rồi cũng tới. Khiêng hai cái va-li 50 ký lô, nặng tắt thở. Phải lấy thế ngồi xuống rồi mới tà tà đứng lên bằng hai chân. Kinh nghiệm bản thân mà. Mỹ, Đức lõ mắt nhìn con nít chút xíu mà xách hai cái va-li tổ chảng. Trong va-li có giò bì, giò lụa, có rau thơm đủ loại, có cả rau đay, rau dền. Diễu dễ sợ. Đi hát có 5 show. Mang theo cả chục cái áo dài. Chắc mặc hai cái một lần chăng.
Về đến nhà trọ, cách phi trường một tiếng. Vừa bước lên cầu thang đã nghe giọng Kiều Nga rổn rảng như chuông đồng vọng xuống.
“Đến rồi, vào đây làm việc ngay.” Bước vào phòng, Kiều Nga đang ngồi trên sàn ngổn ngang băng nhạc. Nàng đang dán label và đây là công việc của nàng. Kiều Nga không cho ai làm. Sau khi chào hỏi đưa quà cho cả nhà, tôi xuống bếp bỏ thịt ra, lặt rau, nấu cơm chiều. Canh rau đay nấu tôm khô, thịt heo kho khô và đậu que xào. Ăn xong cả nhà quây quần coi video cải lương, coi Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Phượng Liên, Minh Phụng. Hay hết sẩy. 1 giờ khuya bầu và ca sĩ chào nhau “gút-tờ-nắc” nghĩa là good night.
Đang ngủ ngon, bỗng mắc... tè, lò mò ngồi dậy, chưa ra đến cửa, Kiều Nga gọi giật giọng làm tôi hết hồn. “Chị Mai, em ngủ hông được, cho em viên thuốc đi.” Và lần đầu tiên trong đời tôi ngủ một giấc... khủng khiếp. Mở mắt dậy, xuống bếp tìm café, nhìn đồng hồ. Chúa Mẹ ơi 8 giờ tối. Đúng là ngủ... sau bao nhiêu ngày đêm ngủ không đủ giấc. Kiều Nga cũng đánh một giấc đến 3 giờ và đã đi phố rồi. Tôi lại lo cơm tối. Canh bầu nấu thịt heo nạc, tim heo luộc ăn với rau sống. 10 giờ cơm nước xong. Lại ngồi tán dóc, Kiều Nga dán label tiếp. Dũng lo liên lạc với Trung Hành và được biết Trung Hành không qua vì giấy tờ sao đó. Dũng liền kêu cứu Anh Sơn ở Pháp. Thiếu Trung Hành thì cũng không sao miễn là chị, Kiều Nga, Sơn Tuyền đã đến là được rồi. Chỉ tiếc là cái vụ liên tình khúc do Kiều Nga và Trung Hành biểu diễn không có trong chương trình. Thôi thì đành xin lỗi bà con và liệu cơm gắp mắm. Trung Hành hát với Kiều Nga là nhất nhưng Anh Sơn có nét lắm, hát hay, duyên dáng, đẹp trai và cũng gồng chương trình dữ lắm. Không có gì đáng lo ngại nữa đâu.” Thế là qua một đêm xa nhà. Mới là đêm đầu tiên, còn 3 tuần nữa cơ. Ôi xin thời gian qua mau.
Đêm qua 2 giờ sáng tụi tôi mới đi ngủ, 6 giờ sáng mợ Kiều Nga đã la bải hải dựng tôi dậy. “Em không ngủ được.” Tội nghiệp cho tôi, dù đã uống thuốc ngủ, nhưng lỡ thức rồi ngủ lại không được. Hai đứa bèn rủ nhau xuống bếp chiên cơm ăn. Ăn xong, ngủ lại không được,
hai đứa lấy video ra coi cho tới trưa. 11 giờ trưa Sơn Tuyền đến, tụi tôi rủ nhau đi phố mua áo quần giầy vớ. Mua gần hết cả tiệm luôn. Thế là tiền hát chưa có đồng nào, coi như bay hết một show rồi. Đúng là đàn bà. Chán ơi là chán!
Sáng thứ Sáu thức dậy, tôi kho một nồi thịt với trứng và củ cải. Ăn uống no say xong, các mợ nai khăn gói lên đường... ra biên cương. Đụng đấy. Tụi tôi hát ở Lucerne, cách đó 200 cây số là Laussane, có Linda Trang Đài, Tuyết Nhung, Thanh Tùng, Băng Châu, Hương Lan và vài ca sĩ của ban nhạc. Bên tôi có Kiều Nga, Sơn Tuyền, Anh Sơn, Việt Sơn, ban nhạc Dạ Khúc và tôi. Đụng thế này là địch... chết toi, ta chết cả. 7 giờ tối, Anh Sơn chạy vào. Tôi hỏi khách được chưa. Sơn cười. Có... 9 người. Bỏ mẹ, tóc tai tôi dựng lên khỏi cần xịt keo. 15 phút sau. Truyền tin báo... 200 rồi. Được đấy. 7 giờ 30 mở màn. Gần đầy rồi, cái phòng nhỏ chút xíu có 500 chỗ mà không đầy thì... chết sướng hơn. Tôi mở màn với Em Đi Qua Chuyến Đò và Kinh Khổ. Tới Kiều Nga, khách vào thêm nhiều. Rồi Anh Sơn, Sơn Tuyền, Việt Sơn và tôi lại đóng lại phần một bằng một bài yêu cầu Mười Năm Tình Cũ. Hết chỗ ngồi. Bà con đứng phía dưới ngay chỗ cửa ra vào.
Chương trình hoàn toàn đều đặn. Bài bản hay. Kiều Nga, Sơn Tuyền mặc đồ đẹp. Anh Sơn, Việt Sơn. Hay. Tôi và các bạn vẫn được... yêu như ngày nào. Tụi tôi mừng quá. Vui quá. Đã quá. Bà con nhảy như điên. Trẻ nhảy nhiều hơn. Còn thì lại ngồi nghe tiếp. Về đến nhà, tôi dở xập xám ra binh chờ ăn cháo. Tuyền vào bếp làm cho tôi tô mì gói vì cháo là tên... ông cố tổ tôi. Bầu Ngọc tặng mỗi người một hộp chocolate ăn lấy thảo.
2 giờ trưa chủ nhật, tụi tôi lấy xe ra về. Chưa kịp thấy thành phố ra sao. Nhưng trời thương mà thương không trót. Mới đi được 3 tiếng đồng hồ, xe hục hặc ho hen như ông lão 90 rồi nằm ụ. Gọi được xe kéo cũng mất một tiếng đồng hồ. Tụi tôi ngồi y nguyên trong xe cho tài xế kéo lên cái xe kéo cao ngất đưa vào hãng xe ở một exit cạnh đó. Vô phúc, cái xích mà đứt thì... bỏ mẹ cả lũ. Nhưng làm sao mà sửa xe bây giờ. Chiều Chủ nhật mà, ở Đức chứ đâu có phải là... Mỹ mình. Tìm đâu ra thợ. Thế là kiếm xe lửa về. Có mấy trăm cây số mà từ 2 giờ chiều đến 1 giờ sáng hôm sau mới về tới Dormund. Ra đón tụi tui chỉ có một cái xe, ngồi trên hai người, kể cả tài xế và một mớ đồ. Băng dưới... 6 người. Kiều Nga ngồi trên lòng tôi. Vân Kiều ngồi trên Dũng. Sơn Tuyền thụt vào, Minh ban nhạc Dạ Khúc ngồi nhô ra. Trời mưa mù mịt nên cảnh sát không thấy cái “hộp cá mòi” bốn bánh di chuyển. Tụi tôi như cái mền rách. Tôi lao vào buồng tắm trước hết, rửa mặt, tay chân thay đồ ngủ rồi leo lên giường. Tuyền, Nga lần lượt mò vào giường. Nga ngồi đọc kinh niệm Phật. Tôi làm dấu đọc kinh, lấy chuỗi mân côi để trên bàn ngủ. Bên cạnh, Sơn Tuyền đã nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Kiều Nga cũng đã nằm yên. Rút cuộc chỉ còn mình tôi. Lúc trên xe về nhà tôi tưởng hai con mắt không thể nào mở được và nếu có chỗ nằm được là tôi sẽ... thăng ngay. Vậy mà khi tất cả (mọi người) đã ngủ rồi, tôi vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt.” Một viên thuốc cho chắc. Hại thì hại rồi đó. Nhưng... kệ mẹ nó. 30 năm trước không sợ, lẽ nào bây giờ... ngán. Mà dù có ngán, có sợ cũng trễ rồi. Cũng... không ăn thua gì cả.
Sáng nay Đoan kêu qua. Tôi mừng quá là mừng. Nghe được giọng chồng biết Đoan đã đi lại được dù là những bước ngắn. Làm café lấy, đi toilet lấy một mình. Và để thì giờ làm thơ cho... con vợ già. Mới đi có một tuần đứa nào cũng nhớ nhà. Nhớ như nhớ ông bà... ông vải vậy đó. Ở đâu, hay đi đâu, người ta cũng chiều chuộng cơm nước, lo lắng cho từng chút
một mà vẫn nhớ nhà. Mỹ cà chớn thiệt, Mỹ đáng ghét thiệt. Nhưng Mỹ chỉ dễ thương khi viết câu “Home sweet home”.
Nói là Mỹ dễ ghét nhưng Đức còn khó ưa hơn. Tụi Mỹ gặp mọi người dù quen hay lạ, cười cái đã, “hai” cái đã, rồi hồn ai nấy giữ. Đức là không à. Lạnh lùng, khinh người còn hơn dân Ăng lê nữa.Tụi tôi cũng bèn phản ứng lại ngay. “Mắt trả mắt. Răng trả răng” mà. Tây nói thì có lẽ đúng, Tây dễ chịu hơn nhiều. Tụi nó lõ mắt nhìn cái áo dài của tôi. Cái tóc dài của tôi. Ngay cả lúc tôi búi tóc, cài cái bút chì thay cho cái trâm cài đầu. Đi shopping ở Mỹ, thử cả chục bộ, lục tùm lum rồi bỏ lại đi ra Mỹ vẫn cúi đầu “thăn... cu”. Đức chỉ cho thử một lần 4 bộ. Không mua nó cũng khó chịu mà mua nhiều nó cũng... khó chịu. Ý là mày làm gì có tiền mà mua lắm thế. Mà có nhiều nhò gì cho cam.
Có mấy cái quần, mấy cái áo, toàn đồ rẻ tiền mà nó còn ghét mình. Kiều Nga, Sơn Tuyền mua đồ đắt tiền hơn là vì đồ mặc đi hát. Thấy hai mợ trả tiền, tôi tối tăm mày mặt, hoa cả mắt. May mà mình già rồi, nếu không làm sao đua với mấy mợ được.
Khi đi Đoan dặn tôi. “Em thích gì cứ mua, đừng mua đồ già quá.” Chả là cái gout của tôi rất... già. Mỗi lần đi mua bất cứ cái gì tôi đều hỏi Đoan. “Cái này được không anh. Màu này, kiểu này được không anh.” “Anh tiếc là lần này anh không đi được với em, mua cái gì cho đáng, đừng mua bậy bạ rồi không mặc, vừa chật tủ, vừa tốn tiền vô ích.” Tôi thì cái gì cũng thích và đúng như Đoan nói. Mua rồi không mặc. Tiếng là đi show có tiền, vậy mà lúc về chỉ toàn là xì dầu, café, thịt hộp, kem đánh răng, kem bôi tay. Thật là khùng đến như tôi là cùng.
Tối qua mưa. Tối nay mưa. Ngay lúc này khi tôi đang ghi lại buồn vui của một chuyến đi. Trời cũng đang mưa. Mưa rơi trên cánh cửa kính. Mưa rơi trong cái vắng lặng của một con phố nhỏ. Lâu lâu mới có tiếng xe chạy qua. Như khơi động thêm cái buồn của một người xa nhà. Tôi nhớ cây ổi đầy trái, tôi nhớ vườn rau xanh ngắt, tôi nhớ những cây ớt vừa cho những bông trái đầu tiên. Tôi nhớ con, tôi nhớ bạn bè ở đó. Nhớ lung tung và nhớ người... nhớ tôi. Hạnh phúc của một mái ấm gia đình cũng quan trọng như hạnh phúc của một ca sĩ trên sân khấu.
Căn nhà tôi dù nghèo nàn tôi vẫn yêu. Sân khấu dù đôi khi xập xệ tôi vẫn yêu. Bởi đời cho tôi thế. Bởi số mạng đã định cho tôi như thế. Tôi hân hoan lãnh nhận như lãnh nhận một ân sủng của Thượng đế.
Đi hát 30 năm, đến bây giờ còn được ở trong tình thương yêu của mọi người. Về làm bạn với Đoan 15 năm, đến bây giờ khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi mới biết chắc là tôi không cô đơn lúc tuổi già bóng xế. Tôi chỉ còn cầu mong sao cho các con tôi học hành ngoan ngoãn, nên người. Thế thôi. Ngoài ra tôi không còn mơ ước một điều gì. Lúc trước, tôi cứ mơ ước được về... nằm trên quê hương mình. Nhưng một người sống an lành thì... chết ở đâu cũng an lành.
Đằng Sau Những Nụ Cười Đằng Sau Những Nụ Cười - Khánh Ly Đằng Sau Những Nụ Cười