Cờ Rồng Tay Máu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 21 - Sóng gió lại nổi lên
Ở phía Đông tỉnh Phúc Kiến, giáp ngay bờ biển, nơi đó có cái suối chảy thẳng ra biển. Dân chúng ở hai bên bờ suối đều sống bằng nghề đánh cá. Ngày nào cũng vậy, cứ đến khi mặt trời lặn là có rất nhiều thuyền buồm ở ngoài khơi về, lần lượt ghé vào trong bờ, những người đánh cá vì thu hoạch được nhiều nên cả nam lẫn nữ đều hỉ hả lên bờ, trở về nhà thật là vui vẻ vô cùng.
Đúng lúc ấy, trên con đường cái đi thẳng vào trong, bỗng có một thư sinh áo trắng rất đẹp trai xuất hiện. Người đó chính là Độc Cô Ngọc. Chàng vừa đi tới chỗ bờ suối, nơi đây tuy gọi là suối nhưng thực sự là con sông, ngửng đầu nhìn về phía trước, cau mày lẩm bẩm nói:
- Ta đã tới chậm một bước. Xem như vậy đêm nay đừng có hy vọng sang được bờ bên kia.
Trầm ngâm giây lát, chàng đi theo bờ suối tiến thẳng về phía bắc.
Tuy nơi đó có rất nhiều thuyền đánh cá, nhưng không thấy một bóng người nào cả.
Chàng đang lo ngại thì bỗng thấy trong bụi cây có một ông già đánh cá, vai vác lưới bước ra. Chàng mừng rỡ khôn tả, vội tiến lên chắp tay vái chào và nói:
- Xin lão trượng hãy ngừng bước một chút.
Ông già đánh cá ngừng chân lại, ngạc nhiên hỏi:
- Tiểu tướng công muốn chỉ giáo việc gì thế?
Độc Cô Ngọc đáp:
- Không dám, tại hạ muốn thỉnh giáo lão trượng là nơi đây chỗ nào có đò qua sông?
Ông già ngắm chàng một hồi rồi hỏi tiếp:
- Có lẽ tướng công không phải là người ở nơi đây?
Độc Cô Ngọc gật đầu đáp:
- Tại hạ vừa ở Mân Tây tới.
Ông già gật đầu nói tiếp:
- Dân cư ở đây phần nhiều sống về nghề đánh cá. Người nào muốn qua bờ bên kia đều có thuyền riêng của mình.
Ngẩn người ra giây lát, Độc Cô Ngọc hỏi tiếp:
- Xin lão trượng cho biết đến khi nào mới có người qua bờ suối bên kia?
Ông già lắc đầu đáp:
- Tướng công đến muộn rồi. Nếu tới sớm chừng nửa tiếng đồng hồ, dù không gặp người nào qua sông lão cũng có thể giúp tướng công được. Nhưng bây giờ đã khuya rồi.
- Sao? Đêm nay không dám qua sông ư?
Người đánh cá quanh năm ngày tháng sống ở trên mặt nước, dù mưa bão còn dám ra ngoài khơi thì có ngại gì đêm khuya mà không dám qua bờ suối bên kia.
Tướng công là người tỉnh ngoài nên không biết luật lệ Ở nơi đây, hể cứ mặt trời lặn là bất cứ thuyền nào cũng không được rời khỏi bến.
- Tại hạ không biết quý hương lại có luật lệ ấy.
- Luật lệ này không phải là người làng chúng tôi tự đặt ra đâu... Tướng công là người tỉnh khác, tốt hơn hết là đừng có hỏi việc ấy nữa.
- Xem như vậy đêm nay tại hạ không thể nào qua sông được?
- Đúng thế!
- Xin hỏi lão trượng, nơi đây có khách sạn không?
- Người ở nơi đây phần nhiều là sống về nghề đánh cá và cũng ít có khách thương đi lại nên trước kia tuy có một khách sạn, nhưng năm ngoái đã đóng cửa rồi.
Độc Cô Ngọc nghe nói rất lo âu nhưng chàng sực nghĩ lại nơi đây tuy không có khách sạn nhưng có làng mạc thì dù sao cũng không sợ phải ngủ ở ngoài rừng nên chàng mới yên tâm.
Chàng vừa nghĩ tới đó đã nghe thấy ông già khẽ ho một tiếng và nói tiếp:
- Có lẽ đêm nay đến phải phiền tướng công ngủ đêm ở trong một ngôi miếu mục nát, ở cách đây hơn trăm trượng.
Độc Cô Ngọc ngạc nhiên hỏi lại:
- Tại sao thế?
Ông già thở dài đáp:
- Tướng công không biết đấy thôi! Đó cũng là luật lệ của bổn hương, bất cứ nhà ai cũng không được giữ khách ngủ lại, dù họ hàng, bạn bè ở xa tới cũng không dám giữ ở lại.
Ngẫm nghĩ giây lát, Độc Cô Ngọc mới chắp tay vái chào và cảm ơn rằng:
- Đa tạ lão trượng đã chỉ điểm cho.
Nói xong, chàng quay người đi luôn, nhưng mới đi được mấy bước đã nghe thấy ông già đánh cá kêu gọi:
- Tướng công!
Độc Cô Ngọc ngừng bước, quay lại hỏi:
- Lão trượng còn muốn chỉ giáo gì nữa?
Ông già gượng cười đáp:
- Đó là sự bất đắc dĩ, mong tướng công lượng thứ cho.
Độc Cô Ngọc nói một câu “không dám” rồi quay người đi luôn.
Đi được một quảng đường, quả nhiên chàng đã thấy ở chỗ cách mình mấy chục trượng có một ngôi miếu thật đổ nát. Trông bề ngoài cũng đủ thấy ngôi miếu này đã bỏ hoang lâu ngày, tường vách đã đổ nát rất nhiều. Chàng thở dài một tiếng nghĩ bụng:
“Không hiểu ai đặt ra điều lệ vô lý, khiến đêm nay ta phải ngủ nhờ ở trong ngôi miếu đổ nát này... ”
Vừa nghĩ tới đó chàng đã đi tới cửa miếu, thấy ngôi miếu hoang này không lớn lắm, đứng ở cửa cũng trông thấy phong cảnh bên trong thần tượng đổ lỏng chỏng, màng nhện giăng tứ tung, cứt chim cứt chuột đầy mặt đất. Chàng lắc đầu gượng cười rồi bước vào bên trong. Vừa bước qua ngưỡng cửa đã có tiếng kêu chít chít, một vật gì đen thui thủi ở trong bay ra. Chàng cả kinh vội quay người tránh né, nhờ vậy mới không bị vật đó va đụng vào mặt.
Chàng vào tới bên trong, nhìn xung quanh một vòng lại thở dài một tiếng vì chàng thấy bàn thờ tích đầy cát bụi, không có một chỗ nào có thể dung thân được. Chàng đang băn khoăn thì bỗng thấy chỗ góc miếu có một đống cỏ khô, bên cạnh đó lại có đống củi cháy ngỏm từ lâu. Chàng liền nghĩ bụng:
“Không biết người tỉnh khác nào ở lại nơi đây? Đêm nay ta đành phải ngủ ở trên đống cỏ này... ”
Chàng đi tới cạnh đống cỏ, nhưng lại sợ dơ bẩn cái áo trắng nên chỉ từ từ ngồi xuống chứ không dám nằm. Một lát sau, vì quá mệt, chàng đành phải ngả lưng. Ngờ đâu vừa nằm xuống lại thấy đói bụng vô cùng. Chàng đành phải nhịn đói đến sáng mai chứ biết làm sao được?
Đang lúc trằn trọc không sao ngủ được, thì bỗng có hai tiếng mõ rất khẽ vọng tới.
Chàng ngẩn người ra nghĩ tiếp:
“Đã canh hai rồi, nếu là ngày thường có lẽ lúc này ta đang ôm chăn ngủ say, ngày hôm nay thật là chịu cả đói lẩn rét!”
Đột nhiên có tiếng chân người nhộp nhịp với tiếng người chuyện trò vọng tới.
Chàng ngạc nhiên bụng bảo dạ rằng:
“Đêm khuya thế này còn có ai đi đường nữa? Chẳng lẽ những người này như ta, không có nơi nào ở trọ và cũng cần tìm kiếm tới nơi đây chắc!”
Tiếng chân càng lúc càng gần, càng mỉm cười nghĩ tiếp:
“Nếu phải, đêm nay không đến nổi bị lẻ loi... ”
Chàng vừa nghĩ tới đó thì ngoài cửa miễu đã có giọng cười rất thô lỗ hỏi:
- Có phải lão đại định đến đây để bái tạ Ơn thần thánh đấy không? Bằng không sao lão Nhị lại tới ngôi miếu đổ nát này như thế?
Độc Cô Ngọc càng ngạc nhiên thêm, lại nghe thấy người thứ hai trả lời:
- Lão đại mỗi ngày chỉ đi qua loa một vòng rồi trở về trả lời không thấy gì là xong.
Nhưng ngày hôm nay không thể đùa giỡn như thế được. Lão đại không nhớ thiếu gia dặn bảo hay sao? Đặc biệt phải chú ý tới những khách ở xa tới và định qua suối bên kia. Nếu chúng ta sơ ý để sót một người thì phiền phức lắm. Bằng không thiếu gia trách cứ biết bảo ai chịu trách nhiệm vào đây?
Người nói giọng thô lỗ cười ha hả đáp:
- Được! Được! Lão nhị muốn khám xét cứ việc khám xét, đừng nói có nhiều thế nữa.
Tiếng chân người đã bước vào trong miếu rồi.
Độc Cô Ngọc giật mình kinh hãi, đang định ngồi dậy nhưng sau chàng nghĩ lại:
“Là phước không phải là họa, là họa muốn tránh cũng không thoát, chi bằng cứ nằm yên ở đây chờ còn hơn... ”
Chàng vừa nghĩ tới đó đã thấy trước mặt sáng hẳn và thấy hai đại hán mặc võ trang, tay xách đèn Khổng Minh vừa bước vào, trông thấy chàng mặt lộ vẻ ngơ ngác và từ từ tiến tới gần.
Hai đại hán ấy đi tới chỗ cách chàng chừng năm thước mới đứng lại và hỏi:
- Bạn kia, hãy đứng dậy nói chuyện.
Bất đắc dĩ, Độc Cô Ngọc phải đứng dậy hỏi:
- Hai vị muốn chỉ giáo gì thế?
Đại hán đứng bên trái nhìn Độc Cô Ngọc và hỏi tiếp:
- Bạn ở đâu tới và định đi đâu thế?
Độc Cô Ngọc đáp:
- Tại hạ Ở Mân Tây tới, định qua sông đi Mân Đông. Thấy trời đã tối và vì luật lệ Ở nơi đây nên đành phải vào trong miếu này nghỉ chân, tạm chờ đến sáng mai mới qua sông.
Đại hán bên trái nói tiếp:
- Hai anh em tại hạ là người của Long Hổ bảo ở nơi đây, thừa lệnh của thiếu gia phụ trách công việc tuần đêm. Hồi hôm gia thiếu gia có ra lệnh dụ, hễ thấy người nào định qua sông đi Mân Đông thì phải mời về bổn bảo để xét hỏi, nên...
Độc Cô Ngọc đỡ lời:
- Có phải hai vị muốn tại hạ đi theo về quý bảo để gặp thiếu gia của hai vị phải không?
Đại hán đứng ở bên trái đáp:
- Phải, anh em tại hạ có y định ấy thực...
Độc Cô Ngọc hỏi tiếp:
- Chả lẽ bất cứ người khách nào tới đây cũng phải gặp thiếu gia của hai người trước mới được qua sông hay sao?
Đại hán nọ đáp:
- Trước kia không nhất định như vậy, nhưng hai ngày hôm nay thì khác.
Độc Cô Ngọc hỏi tiếp:
- Thế ra luật lệ ban đêm không cho thuyền được đi lại và cấm các nhà thường dân để cho khách lạ Ở trọ cũng là của thiếu gia của hai vị đặt ra phải không?
Đại hán nọ gật đầu đáp:
- Không riêng gì những luật lệ ấy mà nơi đây bất cứ việc gì đều phải tuân theo mệnh lệnh của bổn bảo.
Kêu ồ một tiếng, Độc Cô Ngọc hỏi tiếp:
- Thiếu gia của hai vị có phải là do quan phủ phái tới đấy không?
Đại hán nọ vừa cười vừa đáp:
- Long Hổ bảo oai trấn Mân Đông, xưa nay không ai lai vảng tới quan phủ, bạn khỏi cần hỏi nhiều, lát nữa sẽ biết liền, đi thôi!
Độc Cô Ngọc lắc đầu đáp:
- Xin lỗi, tại hạ không muốn đi đâu cả.
Hai đại hán đều biến sắc mặt, nhưng chỉ thoáng cái thôi, chúng lại mỉm cười nói tiếp:
- Bạn khỏi e sợ! Long Hổ bảo là nơi trọng lý luận chứ không phải là chỗ chỉ biết bá đạo đâu.
Độc Cô Ngọc mỉm cười hỏi tiếp:
- Nếu nơi đây là chỗ trọng lý luận tại sao lại cứ bắt dân chúng phải tuân theo những luật lệ vô lý như thế?
Hai đại hán biến sắc mặt đáp:
- Bạn kia! Anh em tại hạ có lòng tốt mời như vậy, mong bạn đừng làm cho anh em tại hạ khó xử nữa.
Độc Cô Ngọc trả lời:
- Đâu dám! Tại hạ có hai ý kiến này, không biết hai vị có chịu nhận cho không?
Hai đại hán ngẩn người ra giây lát rồi hỏi lại:
- Bạn thử nói ra xem.
Độc Cô Ngọc nói tiếp:
- Tại hạ là một nho sinh nghèo, tự thấy mình xấu xí nhơ bẩn, xưa nay không dám gặp những nhân vật lớn bao giờ cả. Hai là về thưa với thiếu gia hai vị bảo rằng tại hạ không muốn yết kiến. Như vậy hai vị không bị thất chức chút nào, chẳng hay hai vị nghĩ sao?
Hai đại hán càng biến sắc mặt, thầm cười ha hả đáp:
- Gia thiếu gia là chủ nhân của một bảo tiếng tăm lừng lẫy Mân Đông. Tốt hơn hết bạn đừng nên nói đùa, nếu muốn qua sông thì cứ nên đi gặp gia thiếu gia một phen tốt hơn.
Độc Cô Ngọc hỏi tiếp:
- Theo hai bạn nói như vậy nếu tại hạ không theo bạn đi yết kiến thiếu gia của hai bạn thì tại hạ không thể qua sông được hay sao?
Đại hán đứng bên trái gật đầu lạnh lùng đáp:
- Phải, nếu không có lệnh dụ của gia thiếu gia thì không ai dám chở các hạ qua sông đâu!
Độc Cô Ngọc cười khẩy nói tiếp:
- Tại hạ rất muốn thử xem thiếu gia của hai vị có thủ đoạn kinh người như thế nào?
Hai đại hán giận dữ quát lớn:
- Bạn kia, anh em mỗ có lòng tốt...
Độc Cô Ngọc vừa cười vừa đỡ lời:
- Hai vị có lòng tốt tại hạ tâm lãnh rồi, và mong hai vị lượng thứ cho.
Hai đại hán đồng thanh quát lớn:
- Nếu vậy anh em mỗ phải thừa hành chức vụ, bắt buộc phải thất lễ với bạn.
Độc Cô Ngọc vừa cười vừa đáp:
- Nếu hai vị có thể trói được tại hạ, thì tất nhiên tại hạ phải tuân lệnh đi ngay.
Đại hán đứng bên trái cười gằn và đáp:
- Anh em tại hạ phải thử xem bạn có tàu ba kinh người như thế nào mà dám đa ngôn như thế? Lão nhị, chúng ta lên đi.
Y vừa nói dứt thì đại hán đứng bên phải đã cười khẩy một tiếng, xông lại giơ chưởng ra chộp lấy Kiên Tỉnh huyệt ở vai bên phải của Độc Cô Ngọc.
Chỉ thấy đối phương ra tay, Độc Cô Ngọc đã biết hai đại hán này chỉ thuộc vào cao thủ hạng hai hạng ba thôi. Tuy chàng tự biết công lực của mình hãy còn non nớt, nhưng vẫn không coi hai người nọ vào đâu nên chờ đợi đại hán nọ tới gần thì chàng cười khẩy một tiếng, không tránh né gì cả, giơ tay ra phất một cái. Đại hán nọ đã kêu hự một tiếng, ôm cổ tay lui ngay về phía sau, mặt lộ vẻ kinh ngạc, đứng ngẩn người ra.
Đại hán đứng bên tay trái tay cầm đèn thấy thế cũng phải hãi sợ và trầm giọng nói:
- Thế ra bạn là người có tài mà giấu ngón, thảo nào lại ngông cuồng như thế. Anh em tại hạ đã mù quáng.
Độc Cô Ngọc tủm tỉm cười và đỡ lời:
- Không dám! Khuyên hai vị nên vừa thưa với thiếu gia để khỏi gây nên cuộc đổ máu.
Đại hán nọ biến sắc mặt giận dữ nói tiếp:
- Bạn đừng có thị lại và làm bộ làm phách như thế. Phải biết trong địa hạt của Long Hổ bảo này không để cho người ngoài quấy nhiễu đâu. Hai anh em tại hạ mời không nổi bạn thì lát nữa sẽ có người khác đến mời, không biết ai phải đổ máu trước, đến lúc ấy sẽ rõ.
Độc Cô Ngọc vẫn tươi cười nói tiếp:
- Nếu vậy tại hạ vẫn xin đợi chờ ở trong ngôi miếu này, mời hai bạn cứ việc đi về đi.
Đại hán nọ cười khẩy nói:
- Bạn đã có gan gây sự ắt phải có gan ở lại đây đợi chờ...
Độc Cô Ngọc lớn tiếng cười và đáp:
- Hai vị cứ yên tâm. Tại hạ không tin Long Hổ bảo nho nhỏ này mà có thể giữ nổi tại hạ Ở lại. Nhưng tại hạ chỉ có thể đợi chờ được đến lúc mặt trời mọc thôi. Nếu trời sáng tỏ mà không thấy có người tới thì đừng có trách tại hạ không từ biệt mà bỏ đi đấy nhé?
Đại hán cầm đèn xen lời nói:
- Can đảm và thái độ kiêu ngạo này của bạn đáng kính phục thực, nhưng chỉ tiếc thay bạn lại trêu ngươi phải Long Hổ bảo.
Nói tới đó, y quay đầu bảo tên đồng bọn rằng:
- Lão nhị, chúng ta đi ngay thôi!
Nói xong y còn quay đầu lại hậm hực lườm Độc Cô Ngọc một cái rồi mới cùng tên nọ vội vàng đi luôn.
Độc Cô Ngọc còn cười và nói vọng theo:
- Hai vị cứ đi thong thả, xin thứ lỗi tại hạ không thể tiễn ra ngoài xa được.
Cờ Rồng Tay Máu Cờ Rồng Tay Máu - Từ Khánh Vân