Cầu Ô Thước epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8
ột thời, tôi thường thích nghe bài hát này, bài hát thuộc giai đoạn bí hiểm của Bob Dylan, thời kỳ mà bằng chất giọng kèn kẹt, ông tiên đoán với chút giễu cợt: “It may be the devil or it may be the Lord, but you’re gonna have to serve somebody.” “Có thể là quỷ sứ hay là Chúa trời, nhưng mi sẽ phải phục vụ ai đó.” Tôi từng tự vấn - tôi vẫn còn tự vấn - liệu sự phục tùng này là nguồn hứng khởi hay dấu hiệu của sự đê hèn. Tất cả phụ thuộc vào sức mạnh mà người ta gán ghép cho tâm hồn và phụ thuộc vào cách người ta gọi vấn đề đó như thế nào: là chuyện cái tên.
Những bóng ma.
Trước khi rời Hà Nội, tôi ở phố Trần Hưng Đạo, lê la trong một câu lạc bộ của các quân nhân về hưu. Các cụ già khỏe mạnh đi dạo với sự vững chãi của tuổi xế chiều. Có thể khắp nơi họ được ca ngợi là những chiến sĩ vẻ vang và những người cha của Tổ quốc, nhưng nỗi đau buồn, nỗi buồn chiến tranh sâu sắc, như Bảo Ninh đã viết, họ buộc phải chôn chặt trong lòng. Các sự thật thời nay của đất nước - mãi dâm, tham ô - chỉ nên được bàn đến như chuyện ngoài lề; trong khi các sự thật trước kia ấy, phức tạp và đau xót, hẳn phải cần đến sự bền lòng của cả một thế hệ được tự do khai quật các xác chết của mình mà không bận tâm đến mùi hôi thối bốc lên từ đất bùn, phân ủ da thịt thối rữa, máu khô đen và những giấc mơ đang bị phân hủy.
Những bóng ma.
Dọc đường ra sân bay Nội Bài, băng qua những khu đất trống đã được điểm xuyết những con đường hai bên toàn những cột đèn vững chãi dẫn vào những dinh thự còn chưa cất móng, tôi nhận thấy rằng chuyến đi của mình, bắt nguồn từ một thôi thúc ngầm, chỉ tuân theo logic của những bóng ma - tuân theo tính khí khó lường của chúng. Chúng hiện hình ở những lối ra, trong một góc tối ở các ngôi chùa, và chỉ mang lại cho tôi những sự thật của những bóng ma, của những điều người ta có thể cần tới trong các hành trình tâm linh, chứ không phải trong cuộc sống thực. Như với cha tôi vào những ngày cuối đời, tôi đã phải chiểu theo từng lời và bám vào chúng, nhặt nhạnh từng đoạn rồi lần mò đào xới cho đến khi tìm ra một ý nghĩa nào đó. Là người gìn giữ ký ức, tôi buộc phải viết tiếp những câu dang dở, soạn thảo công phu những câu chuyện từ những dữ liệu rời rạc ấy. Những gì nảy sinh từ đó, rốt cuộc, có lẽ chẳng hề có mối liên kết thực sự nào, có lẽ tôi sẽ không được thỏa mãn và chẳng tìm thấy ở đó câu trả lời như mong muốn. Thậm chí tôi không dám chắc rằng các bóng ma thôi quấy rầy tôi. Tôi trở thành một trong những cụ già mà đôi khi ta nhìn thấy đi dạo một mình trên các lối đi trong nghĩa địa, vào dịp lễ các Thánh, lẩm bẩm một mình không ngớt, lờ đi cái ranh giới giữa người sống và người chết.
Ngay cả ý đồ tôi đã thực hiện để được nói chuyện với con trai mình, tôi cũng không chắc đó là thực nữa.
Và rồi tôi thất bại và tôi cô độc, phó mặc bản thân cho sự tĩnh lặng ồn ào của những vong hồn.
***
Tôi bấm số điện thoại của Costes ngay khi về lại Paris, đại lộ Simon-Bolivar, không kịp cởi áo vest và mở cửa sổ. Tôi không chịu nổi ý nghĩ rằng ông già có đôi mắt xanh lơ đã lợi dụng lúc tôi vắng mặt để vĩnh biệt, và tim tôi đập thình thịch khi tiếng chuông vang lên trong hư không. Rốt cuộc vợ ông nhấc máy và tôi xưng tên, tôi nghe thấy sự ngạc nhiên của bà - không biết là do bà mệt mỏi hay thở phào nhẹ nhõm. Tôi cảm ơn về lá thư bà viết và cuốn nhật ký. Bà trả lời là không có gì.
“Ông ấy thế nào ạ?”
Tôi chỉ nghe thấy tiếng thở của bà. Thế rồi:
“Cậu đến ngay đi.”
Bà cho tôi địa chỉ ở quận XVI, một tòa biệt thự có cổng sắt khóa, có người gác cổng và hệ thống báo động bảo vệ. Vượt qua các chướng ngại vật, những ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn con nằm thẳng hàng với nhau tạo vẻ khiêm tốn dễ chịu và không gian tĩnh lặng đầy chim chóc khiến ta như được quay trở lại những năm tháng xa xưa.
Bà mở cửa cho tôi, bắt tay tôi, hầu như chẳng để tôi có thời gian chào hỏi. Costes nằm trên chiếc ghế dài trong phòng khách, vẫn mặc pyjama, một miếng bông trắng ở cằm che vết xước do dao cạo, mái tóc dài bạc trắng ánh xanh được chải cẩn thận. Tôi lại gần ông rồi để vào tay ông một con rùa nhỏ, một trong những món đồ người ta bày bán khắp nơi trên các đường phố Hà Nội, và với một đô la là bạn sở hữu được thứ có thể đem lại tuổi thọ cho mình.
Đầu tiên ông chưa nói với tôi mà dùng ngón tay sờ để nhận ra đồ vật, những ngón tay mà trước đó tôi không nhận ra là bị biến dạng vì bệnh viêm khớp. Khuôn mặt ông hốc hác, đôi mắt giờ đây đã lòa chắc chắn nhìn thấy những điều mà tôi không thấy.
“Cháu quay lại rồi đây, rốt cuộc tôi nói.
- Cậu thật may mắn. Tôi thì mong là đã không ra đi... Nhưng đấy...”
Ông khẽ cười, trong cái cười ấy tôi nhận ra lớp màn đau đớn ở cơn ho của ông.
“Cháu đã nhận được những gì ông gửi cho cháu. Cháu không biết ông đã làm cách nào để tìm được cháu...
- Tôi có làm gì đâu, vợ tôi làm đấy.”
Và ông nói thêm ngay lập tức, hẳn là để xin lỗi cho câu trả lời cụt ngủn của mình:
“Nhưng tôi rất hài lòng là bà ấy đã làm việc đó. Tôi chẳng thấy ai có thể quan tâm đến những thứ ấy.
- Thưa ông Costes, cháu không biết nói điều này thì ông có cười cháu không, nhưng thực sự là cháu vui vì ông vẫn còn sống.
- Tôi không chắc là mình cũng vui nhưng những lời cậu nói thật tử tế.
- Cháu cũng muốn nói với ông rằng cuốn nhật ký của ông rất có ích cho cháu.
- Thế thì tốt rồi.
- Tại sao ông dừng không viết nữa?
- Điều khiến tôi ngạc nhiên, cậu xem, đó là việc thậm chí tôi đã bắt đầu viết... Vậy thì việc kết thúc... Tôi chẳng còn nhớ chính xác ngày tháng...
- Ông đã bắt đầu vào tháng Tám năm 1945 và trang cuối cùng là vào mùa xuân năm 1946.
- Có lẽ tôi về Pháp vào thời gian đó, phải không nhỉ? Mùa xuân... năm 1946... Cậu nói là năm 1946 à? Bây giờ cậu biết những chuyện ấy rõ hơn tôi... Một lần tôi nói chuyện với một giáo viên dạy lịch sử và mỗi chi tiết tôi đưa ra đều khiến ông ấy nhíu mày. Tôi nhầm, tất nhiên là tôi nhầm - đến mức khi kết thúc buổi nói chuyện, hầu như ông ấy đã thuyết phục được tôi rằng tôi không ở nơi mà tôi tưởng mình từng đến, rằng cuộc sống như tôi nhớ lại chỉ là do tôi tưởng tượng ra. Một ảo ảnh.
- Việc đó có khiến ông rầu lòng không?
- Không hẳn.”
Suzanne Costes mang một khay đựng tách cà phê cho tôi và ly đồ uống màu vàng cho ông.
“Vitamin, bà nói với giọng không ngữ điệu.
- Tôi tưởng là prôtêin.
- Ông thực sự quan tâm đến chuyện đó sao?
- Tôi thế nào cũng được. Nhưng tôi nghĩ điều đó quan trọng với bà, mà bà thì lại quan trọng với tôi. Có thể đó chỉ là lập luận bề nổi. Nào vào nhiệm vụ thôi...”
Bà giúp ông uống còn tôi để ông nghỉ ngơi một chút sau nỗ lực đó.
“Ông có quay trở lại Việt Nam chứ?
- Trở lại Việt Nam, dĩ nhiên rồi. Nhưng trước đó, có phái đoàn Việt Nam đến Paris để đàm phán hòa bình. Rồi cậu xem, tôi sẽ gây ấn tượng với cậu đấy: khi ấy là vào mùa thu sau đó, phải không?
- Vâng, vào tháng Chín.
- Họ đã đề nghị tôi theo dõi ông Hồ. Chẳng phải tôi là người Pháp đầu tiên bắt tay ông ấy sao? Tôi chấp nhận, không biết tại sao, làm người giúp việc cho ông ấy. Salan ở đó để giải quyết những việc quan trọng, còn tôi lo những việc còn lại...
- Salan ư?
- Ừ, Salan người Algérie thuộc địa của Pháp, một trong số ít các tướng về hưu... Nói điều này về một gã bị kết tội phản quốc thì không được hợp lẽ, nhưng đó là một tay rất cừ, một công bộc mẫn cán của nước Pháp. Ông ta nói được nhiều thứ tiếng ở Đông Dương và thậm chí còn làm được một số từ điển cho một vài phương ngữ Lào. Thực ra, sai lầm chủ yếu của ông ta là tưởng mình có thể thành người theo chủ nghĩa De Gaulle từ năm 1945 đến 1962 - và từ chối không xin lỗi sau đó. Tôi thì không có chung những đức tin ấy, nói đúng ra thì tôi ngưỡng mộ ông ta vì điều đó. Chính trong thất bại mà ta thấy được con người ấy có trọng danh dự không.
- Nhưng ta đang nói đến Hồ Chí Minh kia mà.
- Ừ, dĩ nhiên, Hồ Chí Minh - tôi lang thang trong các ngăn kéo của lịch sử... Hồ Chí Minh, vậy là tôi đi theo ông ấy khắp nơi, thành phố Biarritz, nhà ông Aubrac, khách sạn Royal Monceau, thành phố Fontainebleau nơi diễn ra những tranh luận mà thực chất chỉ là hàng giờ tào lao không thể chịu đựng được ấy. Chúng tôi cũng đến những công trình tưởng niệm người đã khuất, đặt vòng hoa lên đó để thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Khốn khổ biết bao... Ông Hồ kiên nhẫn hơn tôi, bởi lẽ ông không bao giờ tỏ ra không bằng lòng. Tôi thì bực bội vì buồn chán. Rốt cuộc, trò hề kết thúc: người ta đã tiễn họ ra tận tàu. Đã đến lúc ông Hồ quay về nước. Cấp trên yêu cầu tôi tiếp tục nhiệm vụ và một lần nữa tôi chấp nhận.
- Bởi vì ông yêu quý người ấy phải không?
- Yêu quý người ấy ư? Tôi không biết liệu mình có yêu quý ông không, đó không phải là kiểu nhân vật mà ta phải yêu hay không. Tôi ngưỡng mộ ông - và một cách hết sức ích kỷ tôi thích cái đặc quyền được có thời gian bên ông, dù tôi không hề quên những gì phải làm.
- Những gì bác phải làm ư?
- Thì đấy, những việc ấy, cậu biết đấy...
- Cháu không biết.
- Chúng tôi lên tàu Dumont-d’Urville, một con tàu hộ tống, và ông là người Việt Nam duy nhất giữa một đoàn thủy thủ Pháp cùng những cố vấn Pháp như tôi. Ồ, đương nhiên, thật là thân tình và thú vị, thời tiết ôn hòa, buổi tối ông cho chúng tôi những lời khuyên về cuộc sống và đám thủy thủ yêu mến ông đến mức chỉ chút xíu nữa là họ thổ lộ với ông những nỗi đau khổ trong lòng. Khi ông đang mải mê kể những câu chuyện đẹp đẽ về Bác Hồ thì chúng tôi rà soát kỹ lưỡng cabin ông ở. Chúng tôi chụp ảnh tất cả những gì tìm thấy trong túi đựng tài liệu của ông. Tôi đồ rằng ông biết chuyện đó, rằng ông thích chuyện đó và rằng chính ông, theo cách của mình cũng đang tham gia trò chơi này. Tuy nhiên, tôi nhớ có một buổi tối, khi con tàu vừa vào đến biển Đông và chỉ còn hai hay ba ngày nữa là cập bến, ông đến tì khuỷu tay lên thành tàu gần tôi và chúng tôi bắt đầu cuộc chuyện trò, ông Hồ có biệt tài ấy. Tôi hiểu ông ấy từ chân tơ đến kẽ tóc, từ đó, tôi bắt chước những ngón nghề của ông và tôi mua vui cho cả đoàn thủy thủ bằng cách bắt chước ‘làm Bác Hồ’ mỗi khi ông quay gót. Nhưng đêm hôm ấy... Tôi không biết vì sao, chỉ đơn giản là tôi muốn tin ông và để mình bị quyến rũ. Suy cho cùng, tôi không phải đối tác mà ông đang thương lượng, tôi chẳng phải là cái được thua trong câu chuyện ấy, chỉ là một trong những kẻ mà ông đã gặp, những kẻ từng chọc gậy vào bánh xe của ông - đúng hơn là những que diêm. Tôi rất muốn nói về bản thân mình và ông cũng chuyện trò một cách thân thiện, chúng tôi đã gợi lại những kỷ niệm ở Luân Đôn nơi mà nhờ vào các báo cáo của Sở Mật thám, tôi biết rằng ông từng làm bếp ở Dorchester. Ông nói cho tôi biết thành phần một loại nước xốt mà tôi chẳng hay, cũng với vẻ nghiêm túc như khi ông kể cho tôi nghe một huyền thoại xa xưa của Việt Nam. Tôi muốn chọc đùa ông một chút và tôi hỏi ông có yêu phụ nữ không. ‘Chẳng hơn ông đâu, ông Costes ạ, ông nói với giọng bình thản, nhưng cũng chẳng kém. Vả lại, ông biết chuyện ấy mà.’ Tôi không nói dối cậu đâu: ông nháy mắt với tôi. Rồi sau đó ông trở nên tư lự. ‘Ông biết là tôi đã ký hiệp ước ấy vào phút cuối... Một hiệp ước kiểu ‘modus vivendi’(1), có vẻ thế. - Tôi biết. - Và ông cũng biết rằng đó có thể là bản án tử hình của tôi... - Tại sao? - Đơn giản là vì tôi đã ký vào đó. Nội dung trong đó, cả ông và tôi đều biết rằng chẳng mấy quan trọng. - Thế còn bây giờ, thưa ngài Chủ tịch, chuyện gì sẽ xảy ra?’ Ông đợi một lúc lâu, mải ngắm các vì sao. ‘Chúng ta sắp biết điều đó, ông Costes ạ. Sẽ là một chuyện hay, một kinh nghiệm bổ ích. - Ông sẽ không chết đâu, thưa ngài Chủ tịch. - Không, quả như vậy, tôi không nghĩ là chuyện đó xảy ra ngay lập tức.’
“Sau đó hai ngày, chúng tôi được viên đô đốc D’Argenlieu kỳ cục chờ đón tại vịnh Cam Ranh. Chúng tôi lên chiếc tuần dương hạm Émile-Bertin. Với điệu cười tử tế giả tạo, viên đô đốc vội lao về phía Hồ Chí Minh: ‘Chào mừng Ngài, thưa ngài Chủ tịch. Ngài thấy đấy, Ngài được đón tiếp rất chu đáo.’ Đô đốc khoa trương chỉ cho Hồ Chủ tịch thấy hải đội Pháp, khoảng hai chục chiếc tàu đủ loại kích cỡ: hạm đội vô địch của chúng tôi. Và ông Hồ bé nhỏ, chẳng hề bối rối: ‘Tôi nhớ một câu ngạn ngữ của Pháp nói rằng không phải là cái khung làm nên giá trị bức chân dung.’ Gã kia mím môi lại và thế là kết thúc.
“Tôi ngược ra Hà Nội. Đất nước này đang dần vuột mất mà chúng tôi chẳng thể làm được gì. Tôi từng hỏi liệu cậu còn nhớ Hải Phòng không. Một câu chuyện đen tối liên quan đến việc khám xét thuyền buôn lậu của người Tàu, thế rồi quay sang đánh nhau. Tôi để cậu tự làm sáng tỏ tại sao lại thế và mọi chuyện diễn ra như thế nào... Trong những khoảnh khắc lịch sử ấy, người ta chỉ còn được dẫn đường bởi những cảm xúc - và cảm xúc với đất nước là một trong số đó, trong đó có viết: Sau đó, tất cả các tác giả đều xuất bản một cuốn sách. ‘Duy chỉ có tôi thấy rõ rằng...’ Nhưng cũng như những người khác, tôi bị bẫy trong cảm xúc với đất nước của mình, tự nhủ rằng dù sao, nếu dạy cho họ một bài học đích đáng, theo kiểu Leclerc, thì ta đã có thể tiếp tục đàm phán với những điều kiện tốt hơn... Tôi tự nhủ... Ôi, những điều vớ vẩn mà tôi tự nhủ, thật khiến tôi xấu hổ! Trời ơi, tôi phát ốm vì tất cả những kẻ luôn viết lại lịch sử và rồi phân xử, với vốn hiểu biết kẻ cả về quá khứ, đâu là phe tốt đâu là phe xấu...
- Bác vừa nói về chiếc thuyền ấy...
- Quả thật cậu không bỏ qua bất cứ ngóc ngách nào trong câu chuyện lẩm cẩm của tôi... Tôi không biết cậu làm thế nào để có thể chịu nổi câu chuyện ấy. Ừ, chiếc thuyền của người Tàu... Bỗng nhiên người ta dồn dập gửi đến lời cảnh báo nghiêm trọng. Nghiêm trọng: hai mươi nghìn người chết, như người ta từng nói, một cuộc chém giết, một cuộc tàn sát! Thế rồi năm tháng trôi qua và con số xuống thành mười nghìn, rồi hơn sáu nghìn - nói riêng nhé, thế cũng kha khá rồi. Cậu phải biết là cách đây vài năm, tôi có gặp thị trưởng Hải Phòng thời ấy. Lúc đó khá muộn rồi và chúng tôi kết thân với nhau bằng rượu cognac. Tôi chuyện trò với ông ấy về lịch sử. Bao nhiêu người? Tôi đã hỏi. Chính xác là bao nhiêu người? Ông ấy nhìn quanh rồi đưa ra lời bình mà cậu chắc hẳn hay nghe ở Việt Nam: ‘Chúng ta là những người bạn phải không? Nhiều nhất là năm trăm.’ Lịch sử được dựng lên như vậy đấy. Việc cứ phải là con số đó thì quan trọng ở điểm nào chứ, sao không phải là hai mươi nghìn, mười nghìn hay sáu nghìn? Và mọi chuyện có gì là quan trọng đâu nếu lời nói lúc nào cũng xấu xa như vậy...
- Một cuộc tàn sát...
- Thế đấy, chính xác là một cuộc tàn sát. Tại sao chúng ta khiếp sợ khi nghe quân phát xít có thể đã giết năm triệu người Do Thái - mà không phải là sáu triệu? Tại sao điều đó lại quan trọng?
- Có thể điều đó chẳng quan trọng gì.”
Ông nhắm mắt lại và im lặng hồi lâu. Tôi nghĩ là ông thiếp đi.
“Mặc dù không có sự thật bên trong chúng ta, cũng chẳng có sự thật bên ngoài chúng ta, nhưng vẫn có cái gì đó không cất thành lời, một kiểu khát khao, có thể là ngô nghê, có thể là xấu xa, nhưng rất nhân văn, có nghĩa là chúng ta cần những số liệu thật ngay cả khi chúng ta không bao giờ đạt được. Tôi hoàn toàn không muốn giễu cợt đâu.
- Tuy vậy, chuyện đó thật sự chẳng quan trọng gì...
- Cậu nói đúng - nào, chuyện này đến đây là đủ rồi. Vậy thì điều quan trọng là cả hai bên đều gặp nhau ở điểm muốn có chiến tranh, rằng chiến tranh dường như và là điều duy nhất cần thiết và hợp lý. Thời gian ấy tôi có mặt ở Hà Nội và tôi cảm nhận được bầu không khí: chướng ngại vật dựng lên trên đường phố, tôi từng nghe tin đồn rằng trong khu phố cổ họ phá tan hoang các ngôi nhà, dỡ đục tường để cho mỗi con phố đều trở thành một mê cung, một đường hầm mà các đoàn quân Tự vệ của họ có thể chui qua khi cần. Họ tiến hành công việc chuẩn bị và chúng tôi biết điều đó, dù chúng tôi không biết khi nào thì mọi việc sẽ nổ ra. Ngay cả Sainteny khôn ngoan cũng có gương mặt ảm đạm, thiếu cởi mở, và điều gì cũng có thể khiến anh ta nổi đóa - hay gần như vậy. Có một cỗ xe đang khởi hành và cần phải đi đến đó, phần lớn người Pháp đều hưng phấn, một số ít thì rầu lòng. Nhưng hẳn cậu cũng sẽ chẳng gặp được ai lại không cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi.
“Lúc đó đang là những ngày đầu tháng Mười hai...
- Vẫn là năm 1946 sao?
- Ồ, tôi yên tâm khi thấy rằng nhà sử học trẻ tuổi của mình vẫn luôn chăm chú theo dõi. Đúng, năm 1946. Đô đốc D’Argenlieu ở Paris để bảo toàn vị trí và thế lực của mình, còn tôi hỏi Sainteny liệu anh ta có cho phép tôi về Pháp không. Tôi không bắt buộc phải hỏi ý kiến anh ta: thực ra nhiệm vụ của tôi đã kết thúc nhưng tôi cảm thấy không có quyền ra đi mà không nói với anh ta. Sainteny nói với vẻ trầm tư: ‘Costes, tôi có thể nói với anh theo kiểu Leclerc rằng ta không có quyền rời khỏi con thuyền đáng thương của chúng ta vào giờ phút này. Nhưng tôi không muốn thế và tôi gần như tiếc là không thể đi theo anh. Chung quy lại, việc một số người trong chúng ta không bị cuốn vào cơn lốc đau khổ sắp xảy ra có lẽ là một việc đáng mong muốn. Khi đam mê mất đi - bởi đam mê mất đi là điều không thể tránh khỏi - cần phải hy vọng rằng chính họ là những người mà ta sẽ lắng nghe, ở cả hai phía, và cũng hy vọng rằng điều đó là chưa quá muộn.’ Tôi run lên bởi vì anh ta không phải là người nói nhiều và mỗi lời của anh ta đều mang một sức nặng. Điều khôi hài nhất, khi tôi hồi tưởng, đó là anh ta hoàn toàn sai, trên mọi phương diện: khi đam mê mất đi thì mọi điều tồi tệ đã xảy ra rồi, người chết, cảnh tượng hoang tàn, trong khi người sống sót thì mãi khắc sâu đau khổ trong tâm.”
Ông dừng lại một lát, chậm chạp giơ hai bàn tay lên rồi xoay chúng như thể ông là người thợ gốm đang làm việc, trừ phi ông đang thực hiện những động tác trong một vở kịch câm để diễn tả mối xúc cảm mà ông không thể thốt thành lời. Sau đó hai bàn tay lại đặt lên ngực và ông tiếp tục kể chuyện.
“Tôi tiếc là mình đã không có mặt ở đó vào ngày 19 tháng Mười hai năm 1946 - cậu xem, tôi không ngừng tiến bộ đấy nhé: năm 1946! - khi mọi chuyện đã bắt đầu. Sainteny bị thương chính vào ngày hôm ấy, người ta nói anh ta chết nhưng may thay thông tin đó không đúng.
“Tôi lao về Paris và Katia cũng ở đó để theo dõi và viết bài về khủng hoảng chính trị liên tiếp sau cuộc nổi dậy tại Hà Nội. Lần đầu tiên có sự khó xử giữa chúng tôi, vì những gì đã xảy ra vài tháng trước đó... Tôi không nhớ đã kể cho cậu nghe chưa...
- Ông chưa kể cho cháu, nhưng ông có viết trong tập giấy...
- Thật tiếc cho tôi. Chúng tôi đã trải qua khá nhiều thời gian bên nhau, xoay xở để không nhắc đến tên bố cậu. Cuối cùng tôi đã không giữ được và tôi nói với cô ấy rằng tôi biết, rằng với tôi chuyện đó không thay đổi được gì hết và rằng cô ấy là bạn gái của tôi. Tôi cho là cô ấy cảm thấy nhẹ người. Cô ấy nói với tôi là rất yêu người ấy, nhưng cô ấy thấy quan hệ của họ không có tương lai - cô ấy đã viết thư nhưng người ấy không hồi âm. Tôi cố không nói xấu gì bố cậu. Dù sao cô ấy cũng không ở Paris lâu.
“Tôi ở trong tâm trạng gì đó mà rất cuồng nhiệt, tự coi mình là De Gaulle năm 1935, chạy vạy hết từ bộ này đến bộ khác, khuấy động mọi mối quan hệ mà tôi có thể thiết lập được nhằm thuyết phục rằng một thảm họa đang diễn ra và cần phải can thiệp. Người duy nhất kiên định trong mớ bòng bong này lại một lần nữa là cha Blum(2). Ngài đã đăng trên tờ Bình dân một bài báo rõ ràng là ủng hộ độc lập.
- Thế còn những người cộng sản thì sao? Cháu nghĩ rằng họ chống chủ nghĩa thực dân chứ ạ?
- Những người cộng sản á? Đừng làm tôi bật cười với những người cộng sản! Thorex gửi điện tín cho D’Argenlieu: ‘Nếu ông cần phải đánh, thì cứ làm đi, thưa ngài ủy viên, và hãy ra tay mạnh vào!’
“Blum và tôi là một câu chuyện dài: chính tôi là người đi đón ngài tại nhà ga phía Bắc vào ngày 11 tháng Sáu năm 1940. Ngài từ Anh trở về trong khi tất cả những người khác ra đi. Ngài không tin vào mắt mình, ngài vân vê ria mép tứ phía và nói với tôi: ‘Nhưng tôi vừa nói với Churchill rằng chúng tôi vẫn trụ vững. Thế mà tất cả bọn họ lại ra đi.’ Ngài không phán xét họ, ngài quá hiểu về con người nên không làm những việc như vậy. Cả hai chúng tôi có mặt ở trụ sở Quốc hội và cùng bước vào đài bán nguyệt. Dĩ nhiên không có ai khác ngoại trừ lính tuần tra, họ nhận ra ngài và để chúng tôi đi qua. Tôi lưu giữ chút khâm phục và lòng tôn trọng gần như mang tính tôn giáo đối với thể chế. Còn ngài giữ im lặng trước những hàng ghế dài trống vắng, trước những sọc đỏ, sọc vàng của nước Pháp. Tôi hình dung ngài nghe thấy tiếng vọng từ những ngày sóng gió khi ngài đứng đầu Mặt trận Bình dân - những ngày tươi đẹp tràn trề hy vọng, những ngày ảo tưởng buồn bã tập thể, những ngày bác ái và hận thù quá mức. Xavier Vallat: ‘Việc ngài nắm quyền, thưa ngài chủ tịch Hội đồng, hiển nhiên là một ngày lịch sử. Lần đầu tiên, xứ Gaule La Mã sẽ do một người Do Thái nắm quyền.’ Theo Vallat, Blum là người tinh tế thông thạo kinh Talmud, theo Thorez ngài là tên cớm mật thám, kẻ bị buộc tội vì mọi chuyện bắt đầu từ tội phản bội. Bị chừng ấy những tên khốn ghét thì người ta không thể nhầm hết được. Tôi có một người rất cừ bên mình và tôi thấy vui sướng.
“Chiến tranh xảy ra, ngài sống sót sau vụ buộc tội đê hèn khiến ngài bị giam giữ tại Buchenwald, và bất chấp tuổi cao, bất chấp mọi thử thách hay sức khỏe đã yếu, ngài vẫn tham gia đôi chút vào tình trạng hỗn loạn chính trị thời hậu chiến ấy, khi mà ngài chính là lựa chọn duy nhất cho chức chủ tịch Hội đồng. Tôi nhớ lại chuyến thăm ma mị đến tòa Quốc hội, và tôi đã cố mọi cách để gặp được ngài. Tôi đã phải xoay xở hết sức khéo léo, cậu hiểu không, để không mất lòng tin của cấp trên... Và thời gian cứ trôi đi: tôi chỉ có thể có riêng mười phút với ngài sau khi bỏ phiếu nhất trí thông qua ngân sách quân sự cho Đông Dương. Toàn thể nhất trí! Ngài kiên nhẫn nghe tôi nói, ngài có ánh mắt tinh anh biết mấy! Rồi ngài e dè nói với tôi: ‘Đừng hối tiếc, thưa ông, vì đã không gặp tôi sớm hơn. Dù có gặp trước thì cũng là quá muộn rồi. Không ai trong số chúng ta được quyền lựa chọn. Sự nhất trí tuyệt đối là một điều khủng khiếp. Tôi không thể làm khác được.’ Và thế là trên vỉa hè cung điện Bourbon, với khung cảnh đẹp đẽ khi phóng tầm mắt về quảng trường Concorde(3) có cái tên chẳng phù hợp chút nào, tôi đã thấy người đàn ông đó khóc. Một anh lính gác trung hậu quan sát chúng tôi mà chẳng hiểu gì, không biết rằng dưới bộ ria bạc của ông già mặc áo choàng đen đó, có đờm dãi và những lời chửi rủa, có Riom và Buchenwald - bốn mươi năm lịch sử nước Pháp, từ vụ Dreyfus cho đến ngày Giải phóng. Và chính người đàn ông đó - người vô cùng đáng kính, rời bỏ mọi tham vọng cá nhân - đã phát động một cuộc chiến mà ngài biết sẽ thất bại và cho là không công bằng.
“Thực sự chính lúc đó tôi đã nghĩ rằng đất nước của tôi thế là hết - ở đó, trên vỉa hè, vào tháng Mười hai năm 1946, với ông già ấy, người đã nhỏ ba giọt lệ, có thể chỉ đơn giản là vì ông ấy quá già nên không kiểm soát được tuyến lệ của mình. Đúng, tôi đã nghĩ rằng hàng chục thế kỷ của một nền lịch sử không đến nỗi tồi tệ đang kết thúc... Đó là một đặc quyền mà có lẽ tôi chẳng cần. Tôi theo chủ nghĩa De Gaulle vì cần như vậy - chính bản thân Blum đã ủng hộ tướng De Gaulle vào những giờ khắc đen tối nhất - nhưng trong lòng, tôi không yêu con người chẳng hề yêu nhân loại ấy mà yêu ‘một tư tưởng’ nào đó, sau này ông viết như vậy. Bao nhiêu người chết, hàng nghìn, hàng triệu, dưới danh nghĩa của ‘những tư tưởng nào đó’? Ôi bây giờ cậu sục sôi lên, anh bạn trẻ trung thực của tôi tin vào những từ như dân chủ và tiến bộ, và tôi muốn thừa nhận với cậu rằng còn có những tư tưởng tệ hơn nữa. Tôi sẽ không cho cậu cái quả ‘tống tất cả vào một rọ’, bởi lẽ tôi có chỗ trong chiếc rọ ấy. Nhưng vào giờ khắc mà chúng tôi khám phá ra quy mô rộng lớn của chủ nghĩa quốc xã, trước khi chúng tôi vật lộn với quy mô rộng lớn của chủ nghĩa cộng sản, thì bỗng nhiên dưới danh nghĩa tư tưởng của người tài giỏi nhất trong số chúng tôi, người đã giữ danh dự trong những năm tháng không có danh dự, chúng tôi đã tàn sát tại Sétif, tàn sát tại Hải Phòng và định thả rơi những người Madagascar để kiểm tra xem liệu khi bị ném ra khỏi một chiếc phi cơ đang bay thì họ có nặng hơn không khí hay không... Cậu tưởng tôi nhầm lẫn về ngày tháng hả? De Gaulle đã rời bỏ quyền lực sớm hơn gần một năm, phải không? Thế thì tại sao lại đổ lên đầu ông ấy cái vụ này? Bởi chính ông là người đã khởi động cỗ máy, chính ông là người nhân danh chống lại chính phủ Vichy, đề xuất quay lại thời kỳ tốt đẹp ‘như trước’. Như trước ư? Thế thì, đó là thời kỳ Đế chế, trong biên giới và sức mạnh của nó. Nước Pháp có phải là như vậy không? Với những gì tôi chứng kiến ở Đông Dương thì tôi không thể nói rằng nước Pháp lịch lãm và vẻ vang. Nhưng nhân danh biết bao người chết, biết bao tù khổ sai, biết bao thuế má bất công... Những người mà chúng tôi có tham vọng đô hộ đọc cho chúng tôi nghe bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và trích đọc tác phẩm của Victor Hugo, Baudelaire và Anatole France. Chúng ta tự hào là nước châu Âu đầu tiên bãi bỏ chế độ nô lệ (rồi nhanh chóng thành nước đầu tiên tái lập chế độ đó...). Liệu có phải chúng ta không thể dừng lại ở đó và, nếu như họ phải xâu xé lẫn nhau, thì cứ để họ đánh nhau như những người Anh đã làm tại Ấn Độ? Đạo đức giả, quả vậy, có thể, nhưng khi đạo đức tính bằng những xác chết thì tôi thích đạo đức giả hơn, thậm chí tôi còn chuộng đạo đức giả nữa. Người mà tôi ngưỡng mộ, đó là Blum, với sự yếu đuối và lòng dũng cảm của ngài, nhân tính của ngài không lùi bước trước bất cứ điều gì, ngoại trừ có thể là tuổi già, và tôi sẵn sàng chịu đựng món nước canh chủ nghĩa Jaurès-Mác xít khó tiêu của ngài bởi ít ra đó cũng là con người. Tôi nghe thấy những kẻ đao to búa lớn: ‘Một chính khách mà như thế à!’ Vậy một Mitterrand, một Chirac thì là cái gì? Phùùù. Thế còn Roosevelt, và Mandela? Havel? Những con người, anh bạn thân mến ạ, những con người giữa những con người, không gì khác ngoài những con người.
“Trên vỉa hè ấy, dưới cơn mưa dai dẳng không ngớt ấy, lần đầu tiên tôi phải thú nhận rằng người anh hùng của tôi đã thất bại, rằng ‘tư tưởng nào đó’ của tôi trôi đi theo rãnh nước, với tất cả máu thịt đã đổ ra vì nó. Sau một hồi mà với tôi dường như rất lâu, Blum ngẩng đầu lên. Ngài đã quên rằng tôi đứng đó nhưng ngài không hổ thẹn, bởi lẽ nếu người ta có thể khóc như một kẻ hèn nhát thì người ta cũng có thể khóc như một con người. Ngài mỉm cười với tôi. ‘Cần phải tiếp tục, ngài nói. Nào.’ Ngài bắt tay tôi rồi quay lưng rời bước: một tháng sau ngài từ bỏ quyền lực. Tôi không bao giờ gặp lại ngài nữa.”
Sự hăng hái đã gần như nhấc ông lên khỏi chiếc ghế dài và đôi khi, đôi bàn tay biến dạng của ông vung ra đằng trước như để bóp nghẹt, vuốt ve, đánh đập. Cả tôi cũng đau buồn vì câu chuyện của đất nước chúng tôi như người ta đau đớn vì một căn bệnh vô phương cứu chữa; cả tôi hẳn cũng muốn chữa khỏi hoàn toàn “cảm xúc dân tộc” trong mình nhưng tôi không thể. Đằng sau truyền thuyết vẻ vang và đáng thương của những người chiến thắng, tôi thích câu chuyện của những kẻ chiến bại hơn, những đứa trẻ bị chết bởi phát đạn xuyên thủng thái dương bên phải, mặt hướng lên mảnh trời quá rộng phía trên một mảnh đất màu mỡ. Ấy thế mà - tôi có thể bắt đầu biết được điều này - lại một lần nữa, đó là hai mặt của tấm huân chương.
Costes lấy hơi một chút, mệt nhoài vì nói không ngừng.
“Cậu lại đây,” ông nói.
Tôi kéo ghế sát gần ông nhưng vẫn chưa đủ, vì vậy tôi chuyển sang ngồi xuống đất trong tư thế gần như quỳ mà tôi chẳng hề thấy gò bó. Ông đặt tay lên đầu tôi và để như vậy mấy giây trước khi chạm vào cái trán nóng bỏng của tôi. Xung quanh tôi, căn phòng khách nhỏ của một gia đình tư sản, không có ảnh cũng không lộn xộn, không có sách cũng không có giấy tờ bừa bãi. Tôi bình tĩnh lại.
“Tôi chưa bao giờ quên tất cả những chuyện đó. Những chuyện đó đã không ngăn cản tôi sống, lấy vợ, làm bộ trưởng - à, đúng hơn là làm quốc vụ khanh - đón nhận các vinh dự, có bạn bè và đôi khi làm những gì mình cho là tốt. Nhưng từ sâu thẳm trong lòng, tôi biết điều đó, tôi chưa bao giờ chỉ làm những gì Blum đã nói, trên cái vỉa hè ướt sũng nước mưa ấy: tôi đã tiếp tục... Tất cả chúng tôi đều đã tiếp tục... Tôi không dám chắc rằng đa số làm được tốt hơn thế nhiều, dù tôi biết rõ rằng, hết thế hệ này sang thế hệ khác, một số người khẳng định đã làm được một việc gì khác, người ta gọi đó là hy vọng.
- Chuyện không tệ đến thế đâu.
- Chuyện không đi xa được, hãy tin tôi. Đó là một phương thuốc khi người ta gọi ‘Thưa ngài Bộ trưởng’, ‘thưa ngài Chủ tịch’ (ta luôn từng là chủ tịch của một cái gì đó và khi rời bỏ hay bị hẩy ra thì ta trở thành chủ tịch danh dự) hay khi tôi nhận được huy chương hay số cân pho mát bằng trọng lượng cơ thể tôi. Đôi khi, tôi trở nên rất lặng lẽ: tôi hình dung rằng cuộc đời của mình là một thất bại hoàn toàn và tôi thử đặt mình vào vị trí của người khác - ‘tại sao không phải là Carraz?’ có lúc tôi nghĩ như vậy. Ừ, tại sao không nhỉ?
- Cháu đã gọi điện cho bác ấy. Cháu cố thử nói chuyện với bác ấy. Bác ấy đã từ chối.
- Tôi biết.
- Bác ấy nói với ông như thế ạ?
- Tôi biết những chuyện đó. Hãy thử tiếp đi. Tôi chỉ gặp bố cậu thôi, tôi chưa bao giờ thực sự gần gũi với bố cậu. Nhưng Carraz thực sự là bạn ông ấy, có thể là người bạn duy nhất. Nếu như đây không phải là một từ khó nói giữa những người đàn ông thì ta có thể nói rằng Carraz yêu ông ta. Còn tôi, người mà tôi yêu là cô ấy cơ.
- Cô ấy. Ông muốn nói là mẹ cháu chứ gì.
- Đúng, mẹ cậu. Hãy tha thứ cho tôi nếu như đối với tôi cô ấy vẫn luôn chỉ là ‘Katia’. Và hãy tha thứ cho tôi vì tôi vẫn tiếp tục yêu Katia ngay cả khi ông ấy gần như hủy hoại cô ấy đến mức cô ấy, người trước đây từng sống sót trước mọi chuyện, đã suýt nữa không gượng dậy được.
- Lúc ấy ông có ở đó chứ?”
Tôi thấy ông có vẻ ngượng nghịu, và khi đặt những câu hỏi, tôi cũng cảm thấy gượng gạo. Chừng nào câu chuyện còn chưa liên quan trực tiếp đến tôi thì chừng đó nó vẫn có thể tiếp tục. Nhưng ngay khi can hệ đến cuộc đời riêng của tôi thì đó lại là chuyện khác. Tôi nhận thấy sự ngập ngừng của Costes và của chính tôi, tôi định dứt khoát đứng dậy nói với ông rằng thế là hết.
“Tôi không biết, ông nói.
- Ý ông là gì?
- Tôi không có mặt ở đó. Nhưng trước đó cô ấy đã nói với tôi... Và khi tôi hiểu ra thì đã quá muộn, cô ấy đã đi xa, và sự tàn bạo trớ trêu của cuộc đời đã chia lìa tôi khỏi cô ấy cùng vào lúc Katia chia tay ông ấy. Thế đấy.
- Thế còn bố cháu, sau đó ông có gặp lại không?
- Có, thỉnh thoảng ông ấy đến thăm tôi khi có việc qua Paris, đôi khi rất khốn khổ, chưa bao giờ sung túc cả. Tôi cho ông ấy tiền và lắng nghe ông ấy nói về những dự tính của mình và thuyết phục tôi tin rằng mọi chuyện đều tốt đẹp. Khách sạn ở Thái Lan, resort tại Saint-Martin... Thậm chí ông ấy có cả những dự định ở Việt Nam, ông ấy có nói về một hòn đảo...
- Hòn đảo tên là gì?
- Ông ấy chưa bao giờ nói với tôi - tôi không chắc ông ấy đã nói tên hòn đảo đó với bất kỳ ai chưa và thậm chí tôi cũng không chắc hòn đảo có tồn tại...
- Thế còn sau đó?
- Tôi hoàn toàn mất liên lạc với ông ấy vào cuối những năm 1970. Tôi nghe nói ông ấy nhận quản lý những bungalow tồi tàn tại Guadeloupe, nhưng tôi không chắc điều đó và, thực lòng mà nói, tôi không muốn biết cho lắm.
- Tại sao?
- Chuyện đó lẽ ra có thể là thật.”
Tôi đánh mắt nhìn sang hướng khác.
“Tất cả những cái đó thuộc về cậu, André ạ, ông nhấn mạnh. Nó nằm trong xương thịt cậu, thấm vào cái chất chảy trong cơ thể cậu. Cậu chẳng thể làm gì được. Cậu ở cùng với tôi trên cái vỉa hè đó: cậu không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục với nó. Hãy tin tôi đi.”
Ông bắt đầu ho. Ông lấy ngón tay đùa nghịch với con rùa mà tôi đã tặng.
“Trường thọ, ông thì thầm... và chính cậu đã nói với tôi về trò gian lận...”
Nhưng những ngón tay của ông tiếp tục ve vuốt không mệt mỏi trên các vảy rùa.
***
Buổi tối, tôi quay lại căn hộ bụi bặm của chúng tôi. Số 50 đại lộ Simon-Bolivar (libertador(4)): trước đây là địa chỉ của ông nội tôi rồi trở thành địa chỉ của bố tôi, và cuối cùng là của tôi.
Căn hộ bề bộn những hồ sơ đã phai màu, những quyển vở xổ chỉ và bong giấy, nơi một bàn tay niên thiếu từng thử viết những câu chuyện cổ tích Aztec hay tiểu thuyết về biển. Người ta thấy hàng chồng ngật ngưỡng xếp đến tận phía sau cửa bếp. Các bộ sưu tập Tuầ̀n lễ Đông Dương đặt cạnh cuốn Tư bản luận giải, các bảng điểm ở trường tiểu học đặt cạnh những tổng phổ viết vội và những bảng sao kê ngân hàng những năm 1960. Phía trên các cánh cửa có biển gỗ mạ vàng đang mủn ra. Cây dương cầm lỗi điệu từ nửa thế kỷ nay và hơn một nửa số phím đàn chỉ phát ra thứ âm thanh nghẹt tiếng. Tường phủ nhung màu xanh, giữa hai bức tranh khung cảnh Venise còn lại những chiếc đinh bật đầu và những khoanh tròn còn nhợt nhạt hơn nữa, là nơi trước đây để đồ sứ Trung Quốc và việc bán đi lần lượt từng đồ một đã giúp bố tôi sống sót khi ông từ châu Á trở về không một xu dính túi. Thật khó tin rằng trong những hình tròn trống rỗng đó xưa kia có một thân hình mảnh dẻ và xa xôi của một ngư dân cô đơn hay một hàng các cô thôn nữ với những bông mẫu đơn cài trên tóc đang nhảy múa.
Tôi lục lọi trong các ngăn tủ, nhưng vì phấn khích quá nên chẳng tìm thấy gì. Tôi mở những cánh tủ đóng im ỉm hàng năm nay, bàn tay nhọ đen khi sờ lên các hồ sơ, tôi làm cho những tờ giấy bay lên, tôi tóm lấy hoặc tôi vứt những bức ảnh xuống tận gầm cây dương cầm. Khi một đồ vật từ giá sách rơi xuống thì các ngón tay tôi cũng dính đầy bụi bặm màu ghi của quá khứ. Với phương pháp ấy, tôi chẳng có cơ may thu thập được thứ gì tốt hơn những mẩu giấy không thể sắp xếp lại cho ngăn nắp được.
Trong màn đêm, cảm giác thôi thúc như khi ở Hà Nội lại choán lấy tôi, một ham muốn gần như không thể chịu đựng nổi là được ôm con trai tôi vào lòng, hôn nó đến nghẹt thở và học từ nó tất cả sự khôn khéo của Kangourou Jack(5), cùng nó vừa bắt chước tất cả các động tác của Jackie Chan vừa kêu “lêu lêu”. Một lần nữa tôi lại có ham muốn, ham muốn vô cùng mạnh mẽ và như trong mơ, được đi tìm nó trong căn phòng ngủ nơi nó không còn ở đó nữa, và vừa áp mình vào nó vừa gọi tên thân mật của nó.
Tôi viết “Sébastien” lên một mẩu giấy, viết hàng dòng, đầy cả trang.
Tôi biết Marie ở đâu bởi trong những ngày đầu khi cô ấy ra đi tôi đã nhìn thấy địa chỉ mới của cô ấy ở mặt sau một chiếc phong bì mà tôi không bóc.
Buổi sáng, vào giờ mở cửa của các quán cà phê đầy những kẻ bất hạnh, tôi đi vào thành phố lạnh lẽo để chờ con trai. Tôi đứng rét cóng ngay trước cổng trường mang cái tên Jemmapes đẹp đẽ - lại một chiến thắng, tất cả những cái tên chiến thắng vây quanh chúng ta để làm trôi đi nỗi cay đắng của những thất bại - ở phía bên kia kênh Saint-Martin. Tôi chăm chăm nhìn vào nơi mà con trai tôi phải tới, nhưng mỗi phút trôi qua lòng tin trong tôi lại dần mất đi. Khoảng tám rưỡi, vỉa hè tràn đầy cái đám đông ồn ào, hồ hởi toàn trẻ con được bố hoặc mẹ dắt tay, khi đó sự khốn khổ trong tôi dâng lên cực điểm. Hẳn là con trai tôi đang ở đâu đó giữa cái đám đông ấy, chia cắt với tôi bởi chiếc cầu nhỏ bắc trên con kênh, nơi mà ta chỉ cần bước là qua, con kênh ấy giờ đây thật sạch sẽ, người ta đã dọn đi mọi thứ cần dọn như những tấm đệm mục nát và những chiếc xe đạp gắn máy mất khung.
Tôi bỏ đi.
Dọc theo bờ kênh, những gì còn lại của một tiệm đồ cũ hiện ra chầm chậm và người ta có thể thu thập được chẳng mấy mảnh đời của những người khác. Một chút kiên trì trong thất bại và người ta có thể là phát minh của chính mình, đầu chất đầy những ký ức khác nhau, căn hộ đầy những đồ vật có lịch sử bí hiểm, gợi nhớ những kỷ niệm của gia đình.
Tôi quay trở lại phố Faubourg-du-Temple. Trên quảng trường có một vòng quay vừa được mở ra chẳng để cho ai cả. Tôi một mình đi hết vòng này đến vòng khác trong một chiếc máy bay lên thẳng và nhìn nước Pháp vinh quang từ trên trời.
Khi đã dùng hết vé, tôi đi gặp Carraz, ông lính già từng không muốn kể với tôi về tất cả những điều đó.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước