Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
ng bạn đồng hương, ông đưa tôi tới đâu nhỉ?
- Tôi đưa anh tới cái nơi cần đến, anh bạn trẻ ạ.
- Thế chúng ta không đi chệch mất quốc lộ đấy chứ? Đường mấp mô thế nào ấy thì phải.
- Anh bạn trẻ ơi, trước đây chúng ta cũng hầu như không đi theo quốc lộ bao giờ. Từ Tsigara có đi đôi chút, nhưng chỉ đến chỗ ngoặt ấy thôi.
- Thế liệu ông bạn khéo lại chở tôi trở về với cái lũ quỉ kéo đến nhà trọ ấy chăng?
- Anh bạn trẻ, anh đùa gì vậy? Mỗi vécxta chúng ta càng cách xa bọn chúng thêm. Mặc bọn chúng ở đấy, còn chúng ta sống rồi - bác Ephim cười to, và Akimốp cảm thấy đó là cái cười đắc thắng vì sự lanh lợi và khôn khéo: «Mặc bọn chúng ở đấy!»
- Chưa làm được chớ vội khoe, - Akimốp đáp lại. Anh thấy sự hân hoan của bác đánh xe hơi quá sớm.
- Chúng ta chẳng ngu si gì, cần phải cẩn thận xem chừng, - bác Ephim nói, giọng hoàn toàn nghiêm trang và, im lặng một lát, bác nói thêm: - Nhưng mà dù sao đi nữa, anh bạn trẻ ạ, thấy rõ là số anh thật may mắn, anh xem kìa, gặp cái đêm mới đẹp làm sao chứ! Yên ắng, rồi trăng kia, cứ như đang vui đùa. Sắp sửa tới một làng nhỏ đây rồi. Anh bạn trẻ ạ, chúng ta sẽ đi ngang qua, không nghỉ lại. Đám dân ở đây không đáng tin cậy, quá thể xu nịnh.
- Thấy không, thế mà ông bạn bảo là: «Chúng ta sống rồi!», - Akimốp lo lắng nói, thoáng giật mình thầm nghĩ: «Không khéo vớ vẩn sau bước mở đầu thành công như thế bọn chúng lại chộp mình ở đây mất».
Cái làng hóa ra chỉ có bẩy nóc nhà. Các căn nhà gỗ nằm rải rác trên một bãi rộng và bao bọc bởi cánh rừng bạch dương cao, trong đêm trăng sáng này giống như những cây nến bạc lấp lánh. Con đường đi ngang qua các căn nhà, nhưng không phải ngay bên cửa sổ, mà cách xa có tới trăm xagiên. Cả làng đã ngủ say, không đâu còn đèn lửa. Thậm chí cả lũ chó cũng không hề kinh động.
Lúc ra khỏi làng họ nhìn thấy căn nhà gỗ cuối cùng bị cháy mất một nửa; thành tường gỗ cháy đen, chung quanh tuyết bị giẫm nát, lố nhố những mô nước bị đóng băng. Có lẽ, tai họa mới xảy ra cách đây một hai ngày trước mà thôi. Tuyết còn chưa phủ kín ngôi nhà bị cháy, vết tích cháy còn mới nguyên, dường như người ta chịu thua thần lửa mới chỉ bỏ đây ra đi mà thôi.
- Thế còn kia là vết chân gì thế nhỉ? - Akimốp hỏi và thậm chí còn nhỏm dậy vì ngạc nhiên. Từ cái nhà bị cháy qua bãi tuyết đến tận rừng cây kéo dài vết chân gì khá lạ lùng: dấu bàn chân to, thụt khá sâu và cách nhau những quãng xa. Cả ngựa, cả bò đều không thể để lại những vết chân như thế. Tưởng như có ai đó đi khỏi đây trên đôi cà kheo cao kều, như bọn thiếu niên trong làng vẫn bầy trò nghịch ngợm.
Bác Ephim, sau khi nhìn kỹ liền nhận ra đó là dấu chân nai. Hẳn là con nai đến đây gặm cỏ khô chất đống ở cách chỗ bị cháy không bao xa và may mắn không bị bén lửa. Nhưng bác đánh xe định bụng đùa vui với ông khách của mình. Bác cảm thấy, người trốn tù lâu nay sống trong rừng taiga đã phát buồn và lúc này cũng đang rầu rĩ lo âu: liệu từ sau mỗi gốc cây bạch dương kia bọn cảnh binh Narưm lúc nào cũng sốt sắng có xông ra chộp lấy anh ta không?
- Anh bạn trẻ, anh có biết đấy là dấu vết chân ai không? - bác Ephim nói, giọng bí ẩn nhiều ngụ ý. - Đó là dấu vết chân của thổ công đấy.
- Của thổ công ư? - Akimốp ngạc nhiên hỏi lại.
- Đúng là của thổ công. Anh thấy đấy, căn nhà cháy rồi, vì thế mà thổ công phải đi tìm chủ khác. Vị thần đáng thương khốn khổ ấy sẽ còn phải lang thang đi tìm cho đến lúc tìm ra được một căn nhà gỗ hợp ý mình.
- Sao, ông bạn đồng hương, ông tin là có thổ công ư? - Akimốp hỏi, giọng giễu cợt, trong bụng nghĩ thầm: «Chúng ta đã vượt qua được cái làng mà cánh đàn ông là dân quị lụy. Có thể tiếp tục cũng sẽ vượt qua hết».
- Thì chính ở trong căn nhà gỗ của tôi cũng có một thổ công. Tôi đặt tên cho thần là Rômca. Một chàng trai khá ra trò. Có lần đi đánh xe chở khách về, nằm xuống ngủ, thế là thần ta mừng quýnh lên vì tôi đã trở về, rồi vuốt tóc tôi.
- Trong mơ à?
- Trong mơ nào? Tôi chỉ mới hơi thiu thiu thôi.
- Toàn chuyện vớ vẩn! - ngạc nhiên về điều nghe thấy, Akimốp thốt lên.
- Mùa hè cả nhà đánh xe đi ra đồng cỏ cắt cỏ, tôi ra lệnh cho bà nhà tôi: «Này bà nó ạ, bà phải để thức ăn dự trữ cho Rômca», - không để ý một chút nào đến việc Akimốp ngờ vực, bác Ephim say sưa kể tiếp. - Sau vụ cắt cỏ trở về, mọi thứ dường như vẫn còn cả, chỉ có điều không còn ở nguyên chỗ cũ nữa, mà xáo trộn cả. Chả là, anh bạn trẻ ạ, các thổ công không có như người ta đâu: các vị không ăn mà chỉ ngửi thôi. Thổ công là một tạo vật bằng không khí. Hiện vật không hợp với ông ta. Nhưng đôi khi hiện ra trông như người. Họa hoằn lắm, nhưng có đấy. Một lần tôi đã được nhìn thấy. Vừa đi đánh xe chở khách về. Cũng là người anh em kết nghĩa Gôrbiacốp của tôi sai bảo tôi đi. Anh chưa có dịp quen biết người ấy ư? Mà thôi, chưa thì cũng chẳng can hệ gì. Vậy là, tôi về đến nhà, bà nhà tôi đi nhóm bếp nhà tắm cho tôi, tôi tắm rửa đâu đấy, ăn bữa tối rồi đi nằm nghỉ. Tôi hơi thiu thiu ngủ. Bà nhà tôi ở bếp nói với sang: «Ông nó đừng ngủ lúc này thì phải, Ephim ạ. Mặt trời đang sắp lặn. Sẽ nặng đầu đấy». Tôi hé mắt nhìn. Quả thực trời đang tối. Một thứ ánh sáng gì xanh xanh, hơi phơn phớt hồng chan hòa khắp buồng lớn. Tôi chợt đưa mắt nhìn vào một góc buồng, thì thấy thổ công đang ngồi. Mặt tựa tựa mặt tôi: bộ râu cằm, hai lỗ mũi cũng hếch hếch như của tôi. Tóc cũng y hệt. Chỉ có đôi mắt thì không như mắt tôi. Láu lỉnh và ranh ma đến mức thấy một lần suốt đời không quên được. Còn tay chân nữa - tất tất y hệt như người ta, chỉ có điều phủ đầy lông lá hung hung đỏ. Móng chân móng tay dài và cong lại, nhưng mà thần ta giữ sạch sẽ. Tôi mới nheo mắt nhìn và ngẫm nghĩ: không hiểu vị thần sẽ làm gì đây? Hắn ta với trên giá lấy xuống một cuốn sách, giở sách ra, nhìn chằm chằm vào mặt sách như thể đọc. Bấy giờ ở trọ nhà tôi chả là có những người lưu đày: có hai người, người tỉnh thành, lịch sự, có học. Tôi mới nghĩ là, quân chó đẻ, trong khi tôi lang thang đánh xe chở khách khắp Narưm, thì hắn ta ở nhà học được chữ. Tôi nhìn hắn ta rất lâu. Chính anh cũng thấy đấy, đời thuở nào mà chính mắt mình lại được thấy thổ công hiện nguyên hình như thế kia chứ. Nhưng mà dù sao đi nữa, chắc là hắn ta cũng nhận ra là mắt tôi không nhắm hẳn. Hắn ta liếc nhìn vào sách, sau đó lại nhìn tôi. Tôi không biết liệu rồi sẽ kết thúc ra sao đây. Nhưng mà tôi nghe thấy tiếng bà nhà tôi đang đi vào buồng lớn, vẫn lại cái bài ca ấy: «Ephim, ông chớ có ngủ lúc hoàng hôn. Đến đêm ông làm gì nào?» Còn hắn ta, ông thổ công ấy, vừa nghe thấy tiếng chân bà ấy là cứ như tan biến đi mất ngay tức thì. Vừa có đấy - và rồi chẳng có gì sất. Tôi mới kể lại cho bà nhà tôi nghe. Bà ấy liền nước mắt dòng dòng: «Thôi, đến thời tận thế rồi! Tôi sợ lắm! Muốn gì thì gì tôi cũng không ở nhà một mình đâu». Tôi phải dỗ dành bà ấy đủ cách mới xong... «Ngốc ạ, - tôi bảo, - thổ công là tạo vật có ích. Không bao giờ động đến người đâu!». Mà này anh bạn trẻ, anh có biết không, đối với các thổ công cháy nhà là cùng đường, - bác Ephim thở dài thườn thượt. - Ngọn lửa xua đuổi các vị ra đường ra chợ. Vậy mà gió rét thế kia cơ mà. Ôi, vị thần đáng thương, ông ta biết đi đâu? Có ghé vào căn nhà gỗ nào đấy chăng nữa, thì ở đó đã có thổ công rồi. Mà các vị không thể sống đôi... Các vị cứ sống mỗi nhà một vị mà thôi...
- Thế thì các vị ấy sinh sôi nẩy nở bằng cách nào? - Akimốp hỏi, làm ra bộ nghiêm trang giống như bác Ephim kể chuyện. Anh giấu mặt vào cổ áo lông dài, cố nhịn cười.
Nhưng câu hỏi của Akimốp không làm cho bác đánh xe bối rối. Thúc ngựa đi nhanh hơn, bác tiếp tục câu chuyện với vẻ say sưa như cũ:
- Ở Togur chúng tôi trước đây có cụ Epxtigơnei Dakharuskin. Cụ sống đến tuổi già lụ khụ. Khắp vùng không có ai cao tuổi hơn cụ. Sống đến một trăm hai mươi tuổi thì cụ mới mất. Một cụ già thông thái. Cụ đã nhìn thấy biết bao nhiêu chuyện, biết bao nhiêu điều đến mức cả làng chúng tôi đều phải kinh ngạc! «Các cháu ơi, bao giờ các cháu sống đến tuổi ông, các cháu sẽ biết được nhiều chuyện». Tất nhiên bấy giờ thỉnh thoảng chúng tôi đến vây quanh cụ và bắt đầu căn vặn: «Ông, thế ông đã nhìn thấy chúa rồi chứ ạ?» - «Thấy rồi, - cụ nói, - nhiều lần thấy rồi». - «Thế ông thấy các thiên thần chưa?» - «Cái đó thì thấy bao nhiêu lần rồi ấy chứ». - «Nhưng ông có thấy quỉ sứ không?» - chúng tôi hỏi. «Cả quỉ sứ, - cụ đáp, - ông cũng thấy rồi». «Thế bọn họ sinh ra như thế nào nhỉ?» - chúng tôi căn vặn cụ. «Rất đơn giản thôi, - cụ nói, - do hơi thở của chúa. Chúa thở một cái thế là đâu vào đấy rồi: hoặc là thiên thần, hoặc là quỉ sứ». Chúng tôi lại hỏi: «Thế chúa lại sinh ra quỉ sứ làm gì kia chứ? Giá chúa chỉ sinh ra những thiên thần thôi có phải hơn không». - «À, cái đó thành lệ của chúa như vậy. Một khi chúa hài lòng và vui vẻ, chúa sinh ra các thiên thần, còn nếu bỗng nhiên ngài nổi giận điều gì đó - thì đẻ ra quỉ sứ...»
- Nhưng dù sao đi nữa các thổ công thì ở đâu mà ra? - cố nhịn cười, Akimốp lại hỏi, cảm thấy rằng bác đánh xe của anh không phải là người dễ bị dồn vào thế bí.
- Các thổ công ấy à, anh bạn trẻ ạ, các thổ công do hơi ấm của bếp lò mà có. Người ta đắp lò, hong khô lò, bấy giờ từ cái hơi bếp lò liền đẻ ra thổ công. Thổ công là tạo vật từ bếp lò. Chính vì thế mà ông ta mới thường xuyên sống ở sau bếp lò...
Akimốp vui hẳn lên, còn bác Ephim chỉ khụt khịt một cách thỏa mãn.
Đêm đã sắp tàn, khi qua cánh rừng lưa thưa phía trước thấy lù lù những ngôi nhà của một xóm trại đơn độc.
- Anh bạn trẻ, giờ ta ghé vào uống trà chỗ ông Philarét, ngủ lấy một hai tiếng rồi lại đi tiếp, - bác Ephim lên tiếng.
- Philarét là ai thế nhỉ? - Akimốp hỏi, nhẹ nhàng tuồn ra khỏi tấm áo lông dài, tấm áo đã làm cho anh được dễ chịu và ấm áp suốt chặng đường.
- Anh bạn trẻ ạ, chẳng ai biết rõ ngọn ngành cả. Ông ấy cứ sống vậy trong cái ổ chuột này, chỉ biết có vậy thôi, ông ấy săn bắn, đánh cá, có bà vợ, thằng con trai câm điếc. Tôi đi lại với ông Philarét đã lâu lắm rồi. Tôi không nhận thấy ở ông ấy có gì xấu cả. Ông ấy từ đâu đến vùng chúng tôi - có chúa biết. Có thể dân địa phương nào đấy, bỏ làng đến đây, mà có thể là người ở xa tới - dân di cư, mà có thể là một người đào tẩu. Ông ấy cứ sống như vậy, sẵn sàng cho vào sưởi ấm nhờ. Thôi thì riêng chuyện ấy cũng đã cần cám ơn ông ta rồi. Trong vùng chúng tôi, anh bạn trẻ ạ, con người rất lý thú, có những tính kỳ quặc và vì thế mà không thích những câu hỏi thừa. Cái gì tự người ta kể ra, thì hãy cảm ơn cái đó. Cái lệ nó thành như thế.
- Tập quán rất hay đối với cánh chúng ta, - Akimốp cười.
- Thì chính là như vậy, - bác Ephim đáp lại với vẻ thông cảm.
Ông Philarét cùng với bà vợ già đón tiếp hai người khách tới nhà một cách quí trọng. Mặc dù hãy còn sớm lắm, bếp lò đã được nhóm rồi và trong cửa lò tròn tròn đã xếp đầy các loại nồi. Một chõ đựng đầy khoai tây. Bà già nhanh nhẹn gọt vỏ khoai, cắt đôi, cắt tư ra rồi để đầy lên một cái chảo rộng và đổ kem chua vào, lại đặt vào bếp.
Akimốp từ bé chưa được ăn thứ khoai tây ngon như vậy. Kem chua sôi lên, cháy sém và phủ lên khoai tây một lớp vỏ giòn tan nâu thẫm. Qua một đêm anh đã đói ngấu, bây giờ ăn một cách ngon lành, chiêu bằng nước mộc nhĩ bạch dương. Ông Philarét không hỏi han gì khách: họ đi đâu, đi làm gì? Như vậy cũng đã rõ cả, họ đi tránh bọn tôi tớ Sa hoàng, cố tránh chạm trán với bọn chúng... Bà già cũng không hỏi han gì cả.
Kể ra thì Akimốp đã nhận thấy rằng ngay từ phút đầu bác Ephim cũng đã nắm chủ động câu chuyện. Bác không ngớt hỏi ông Philarét với bà già hết về việc lấy mật ong, lại về vụ thu hoạch hạt tuyết tùng, rồi lại về việc đánh cá đông ở các hồ.
- Ông Philarét ạ, chúng tôi đi đường mệt rồi. Cho phép tôi với anh bạn trẻ đây nhắm mắt ngủ một hai tiếng, - bác Ephim nói, khi Akimốp đẩy ca trà bạch dương ra xa mình.
- Vậy mời các vị vào buồng đây. Tôi sẽ trải áo lông xuống sàn rồi mang gối đến ngay. - Ông Philarét thu cả một ôm áo lông cừu trên mắc rồi mang cả sang buồng bên. Sau đó ông lấy ở giường ra một lô gối, rồi cũng mang sang buồng bên ấy.
Ngay ở trên mặt sàn hình thành một giường nằm rộng trải bằng các tấm áo lông. Akimốp tháo giày ra, cởi áo mặc ngoài, nằm duỗi dài người thoải mái, đưa hai tay lên gối đầu. Bác Ephim ra ngoài sân một lát - tháo ngựa ra khỏi xe và rắc thức ăn cho chúng. Bác quay lại rồi nằm xuống bên cạnh lúc nào, Akimốp không hay biết. Anh ngủ li bì liền suốt ba tiếng đồng hồ. Bác Ephim phải lay vai đánh thức anh dậy.
- Dậy thôi, anh bạn trẻ Gavơriukha, thanh thiên bạch nhật rồi. Đã đến lúc ta phải đi tiếp thôi. Đến đêm phải tới được trại Lucaskinô. Bây giờ thì chúng ta không thể chậm trễ được đâu: không có đường sá gì hết. May mà dân Tunguxơ đã lăn phẳng đường bằng xe trượt hươu kéo, nếu không thì chẳng thể đi nhanh được.
Ông Philarét nghe thấy bác Ephim nói vậy, liền an ủi: có đường đi, mới đây dân Tunguxơ đã tìm đến trại của ông lấy bột. Họ đi bốn xe trượt hươu kéo. Những con hươu kéo xe đã vượt qua chặng đường một cách dễ dàng, thậm chí hai bên sườn chúng không thót lại. Vả lại tuyết cũng chưa rơi thêm nhiều. Từ mùa thu tuyết rơi xuống ngập gối, và chỉ có ngần ấy thôi. Chỉ nay mai, tuyết mới lại rơi xuống thêm. Đến giữa mùa đông gió dồn tuyết lại thành những đống cao hơn cả ống khói trên mái nhà.
Chủ nhà lại cho khách ăn uống trước khi lên đường. Bà già lấy ở bếp ra và đặt cả lên bàn con cá giếc khổng lồ. Hai cái lườn béo vàng ngậy của nó chìa cả ra khỏi chảo, và cái chảo lại chiếm tới một phần tư mặt bàn.
- Quả là một con thú! Lạy chúa, cá giếc như thế này cà đời tôi chưa thấy bao giờ! - bác Ephim thốt lên, ngồi xuống bên cạnh Akimốp. - ông Philarét, ông bắt được ở đâu con giếc này vậy? Phải chi dạy được con cá này, khéo nó có thể kéo thuyền được đấy!
Cả Akimốp cũng ngạc nhiên vì con cá này.
- Cá voi sông! Xem kìa, cái sọ của nó ghê chưa! Nó ăn gì mà to thế này nhỉ?
Ông Philarét thích thú trước sự ngạc nhiên của khách, ông đạo mạo vuốt bộ râu xám dài đến tận rốn, cái mồm móm mém cười.
- Nó là cá hồ. Còn thức ăn ở các hồ tại đây thì bao nhiêu mà chẳng có. Tôi với thằng con buông lưới. Thế là nó rơi vào. Và khuấy rối mù trong lưới đến mức không can được sợi lưới bình thường. Chúng tôi kéo lưới lên mặt băng mà không tin mắt mình nữa.
Con cá rán mới tuyệt làm sao, ngon đến mức cả Akimốp lẫn bác Ephim đều không tìm được lời nào diễn tả nổi! Họ chỉ biết chặc lưỡi.
Ngay từ khi theo đi du lịch khảo sát với giáo sư Likhatsiốp, Akimốp đã nhận thấy rằng ở đây, ở Xibiri này - dù là ở các xóm làng hay các xóm chài trên sông, cũng như ở các chòm săn – món ăn đều có vị ngon đặc biệt. Ở Pêtrôgrát anh đã có dịp đến ăn ở các khách sạn sang trọng nhất, tham dự các bữa ăn thết khách của ông bác, những bữa ăn có mặt các vị tai mắt của giới khoa học Nga, - ở đấy thôi thì còn thiếu món gì họ không đưa ra! Có món ăn tên gọi mới rắc rối làm sao, nguyên cái tên ấy cũng sặc mùi ngoại quốc, nhưng ăn cái món tinh xảo ấy mới thật vất vả. Còn ở đây chỉ là con cá giếc rán, nhưng nó đem lại niềm khoan khoái hơn cả bữa tiệc đãi khách. Akimốp nhớ lại có một lần ở Keti anh đã nói lại với ông bác điều quan sát của mình. Giáo sư Likhatsiốp cười khẩy và bảo:
- Ở đây mọi cái đều gần với thiên nhiên, Ivan ạ, mà thiên nhiên tràn đầy những điều bí ẩn và kỳ lạ. Chẳng hạn cái món bánh mằn thắn này nhé. Cháu đã được ăn nhiều lần rồi. Nhưng cháu có biết bánh mằn thắn Xibiri chính cống làm bằng bốn thứ thịt: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt muông thú rừng (nai, hươu, tuần lộc, sơn dương). Và sự việc không phải ở thịt và bột, thứ bột nhào mà nhất thiết phải vẩy vào vài thìa trà đặc. Để bánh mằn thắn có vị ngon không gì sánh được, người ta nhất thiết ướp lạnh thấm tận trong nhân, sau đó cho vào bao gai sợi thô và để bao gai ngoài trời lạnh. Cái bao sợi gai thì có gì là tinh vi nhỉ? Ấy vậy mà có đấy! Cái bao như vậy hẳn có những tinh chất đặc biệt nào đó biến bánh mằn thắn thành thứ thần diệu.
Và ở con cá giếc này cũng có cái gì đó có thể gọi là thần diệu.
- Bà chủ thân mến ơi, làm sao bà lại rán con cá ngon làm vậy được? - Akimốp hỏi bà già. Bà cụ đâm ra bối rối, đối với bà cái câu hỏi ấy thấy nó là lạ thế nào ấy.
- Như mọi khi thôi. Mổ ra, đánh vảy, ướp muối, để lên chảo, cho vào bếp lò, - bà kể thứ tự công việc, dù sao đi nữa bà cũng thấy hãnh diện vì sự chú ý của ông khách đối với việc nấu nướng của bà.
- Ấy không, bà Phecơla, bà quên một việc rồi, - ông Philarét ngắt lời bà.
- Gì kia, ông nó?! Tôi nói cả rồi mà.
- Không, không phải đã hết. Bà quên mất sữa, - ông Philarét nhắc nhở.
- Vâng, quả là tôi quên chuyện ấy, - bà già sực nhớ lại. - Trước khi để con cá vào chảo là ngâm nó trong sữa đã.
- Để làm gì kia ạ? - Akimốp tiếp tục tò mò.
- Là để mùi tanh bay hết đi và thịt nó trở nên mềm mại hơn, - bà già giảng giải.
- Ra là thế đấy! Chắc hẳn cái điều chủ chốt là ở chỗ đó, - Akimốp kết luận và đưa mắt nhìn bác Ephim lúc này mải mê nghe câu chuyện đến mức quên cả ngựa. Phải cho chúng uống nước từ trước khi thắng vào xe.
Chia tay bên cổng trại với ông Philarét, Akimốp toan tính toán trả tiền trọ và tiền ăn cho chủ nhà, nhưng ông già thậm chí không muốn nghe đến chuyện ấy.
- Anh làm sao vậy thế, anh bạn trẻ, chẳng nhẽ có thể như vậy ư? Không lẽ chúng tôi là bọn lái buôn nào đó hả? Thế này thì không có phải tình nghĩa con người với nhau! Không, không, anh bạn trẻ ạ, đừng làm chúng tôi phải xấu hổ.
Kể ra thì Akimốp không phải làm cái việc đó. Mọi lo toan loại ấy đều là trách nhiệm của bác Ephim. Nhưng cả cái món ăn tuyệt vời, cả sự đối xử bình dị của ông bà già trong cái xóm trại lạc lõng giữa rừng taiga này đã làm cho Akimốp xúc động quá đỗi.
Tuy vậy, khi đã đi khỏi xóm trại chừng nửa vécxta, bác Ephim vẫn cứ quở trách Akimốp:
- Anh bạn trẻ ạ, rồi đây anh phải quên cái chuyện xỉa tiền ra trả tiền trọ. Ở địa phương chúng tôi không có lệ như vậy đâu, mà như thế có thể lại làm phật lòng người ta lắm lắm nữa đấy. Dân chúng tôi coi việc cho người khách sưởi nhờ, cho anh ta ăn uống là việc thiêng liêng của chúa. Dù anh là người địa phương hay anh là một kẻ đào tẩu, người ta cũng không để anh chết đói, và cóng rét cũng vậy. Chỉ có dân cựu giáo với bọn người hoạn là làm cái trò ấy, chính vì điều đó mà dân chúng tôi không coi bọn họ là người của mình... Với lại cái quân giết người ào đến quán trọ ở Tsigara ấy nữa. Mà lũ chúng thì kể làm gì?! Loài ác điểu!
- Tôi thấy mến ông bà già quá... Tôi có lỗi, bác Ephim. Thế anh con trai của ông bà già đâu?
- Đi đánh cá ở các hồ. Thấy không, kéo con cá giếc như thế từ đáy hồ lên đấy.
- Hoàn toàn câm điếc ư?
- Cứ như cái cây tùng kia kìa!
- Thật là bất hạnh.
- Mà sao? Chẳng nhẽ phải nghe những lời bẩn thỉu lại sung sướng ư?
Bác Ephim nói quả không sai, anh thanh niên gặp vận đỏ. - Cho đến lúc ấy Akimốp không hề gặp trở ngại nào. Đoạn đường từ xóm trại của ông Philarét đến trại định cư Lucaskinô, đoạn đường khó khăn nhất của tuyến đường, hóa ra hoàn toàn thuận lợi. Những con hươu tuần lộc đã xới tuyết lên bằng những bộ vó, còn những cỗ xe trượt đã đầm lì mặt đường. Tuyết mới rơi chỉ rắc lưa thưa lên mặt đường và còn chưa kịp nén chặt. Đôi ngựa đi một cách nhẹ nhàng, thoải mái, và đôi chỗ bác Ephim còn cho chúng đi nước kiệu. Một trở ngại nhỏ là những con suối, mà phải vượt qua ở quãng chưa ai đi. Nước dưới băng đã lộ lên bề mặt và con đường cũ đã bị phủ một lớp băng. Buộc phải tìm lối vượt suối ở chỗ khác.
o O o
Bác Ephim lôi ở trong xe ra một chiếc xà beng, mang theo dò giẫm trong tuyết, chọc mặt băng phủ kín con suối, và, khi đã tìm ra lối xuống thoai thoải, cho xe vượt qua suối ở một chỗ mới.
- Thôi, bây giờ thì, anh bạn trẻ ơi, ta sẽ phóng thẳng một mạch, - bác Ephim nói một cách hài lòng và giải thích nỗi lo lắng của mình: - Tổ cha chúng nó, vào mùa đông tính tình những con suối ấy thất thường kinh khủng. Có khi chúng phình lên, những tảng băng lớn chắn ngang đường, khi ấy thì chỉ có mà khóc. Còn bây giờ thì, anh thấy đấy, chúng còn chưa kịp trương bụng lên. Và không hiểu đồ quỉ, chúng lấy đâu ra sức lực thế không biết? Làm vỡ vụn mặt băng như vỏ hạt tuyết tùng vậy. Vậy mà mặt băng dầy có tới gần một xagiên. Người già ấy mà, có thể các cụ nói đúng, khi các cụ đem ma quỉ ra dọa mọi người...
Tất nhiên, Akimốp có thể nói với bác Ephim quan điểm của mình về các suy nghĩ của bác ấy: đất ở Narưm sống động, trong lòng đất ở đây đang xẩy ra những diễn biến to lớn, ở đây chẳng có ma quỉ nào hết, - nhưng anh không muốn xao nhãng những điều mình đang quan sát trên đường.
Bình nguyên phủ đầy những rừng linh sam và tùng, trải rộng mênh mông đến tận chân trời, chốc chốc lại bị chia cắt bởi những dẫy đồi và gò đống hiện ra đột ngột. Akimốp biết rằng họ đang ở đâu đó không xa những lạch nước của Keti nơi mà ông bác Vênhêđích Pêtrôvích Likhatsiốp của anh trước đây đã tiến hành các cuộc tìm kiếm. Chính nơi đây Akimốp cũng đã từng cùng với giáo sư trải qua suốt một mùa hè. Lúc này anh mỉm cười nhớ lại những ngày tháng ấy. Bấy giờ anh cùng với giáo sư Likhatsiốp đã chuyện trò về nhiều điều. Và hai người cũng đã tranh cãi nhiều không chỉ về vấn đề cuộc sống xã hội của nước Nga, vấn đề khai sáng và giáo dục ở đất nước này, mà cả về những vấn đề chuyên môn của việc canh nông. Chính bấy giờ Akimốp đã phát biểu ý kiến về các đặc điểm cấu tạo địa chất của lưu vực Keti-Tsulưm: lưu vực này tiếp giáp với cao nguyên, với các vết lộ điểm gẫy của cổ sinh đại. Ông bác bấy giờ không phải là tranh cãi với Akimốp, mà là khích lệ, thôi thúc những suy nghĩ mới của anh.
- Khá lắm, Ivan. Cháu mang trên vai cái được gọi là cái đầu không uổng phí! - giáo sư Likhatsiốp nói đùa và thân mật vỗ vào tấm lưng cường tráng của người bạn trẻ của mình.
Lúc này quan sát địa hình chung quanh, Akimốp trở lại trong ý nghĩ với các nhận định của mình đã phát biểu với giáo sư Likhatsiốp. «Anh đánh giá đúng, Ivan ạ, anh đã phát biểu một giả thuyết lý thú, - Akimốp tự chuyện trò với chính bản thân mình. - Giá có thể, mình đã mời ông bác đến đây lần nữa, cùng đi qua các khoảng đất này đến tận bờ sông Ênhixây, xem xét mọi cái bằng chính mắt mình. Không, những nếp uốn này không phải ngẫu nhiên.
Akimốp còn nghĩ cả đến cái kênh đào Ôbi-Ênhixây. Cái kênh ấy thực tế đã mất hết ý nghĩa của mình. Con đường sắt xuyên suốt Xibiri từ Uran tới Thái Bình Dương, đòi hỏi thêm những đường đi lại mới nối các khu dân cư với các vùng lân cận. Nhưng bản thân ý đồ về kênh đào Ôbi-Ênhixây lúc này Akimốp cũng vẫn thấy khá là hợp lý. «Đó không chỉ là sự giao tiếp ngắn nhất giữa hai con sông vĩ đại, mà điều chủ yếu nhất - đó là lối ra ngắn nhất của Xibiri sâu thẳm tới đại dương, lối ra với thế giới rộng lớn của nhân loại. Sớm hay muộn không ở đây thì cũng ở đâu đó gần ngay đây, nước Nga lại sẽ phải tìm ra con đường đi đến Bắc Băng Dương. Nước Nga không thể lãng quên đi các mối quan tâm của mình trong lãnh vực bắc cực. Dân tộc vĩ đại như dân tộc Nga sẽ đưa cuộc sống vào cả những không gian bao la này».
Suy nghĩ của Akimốp bay tới tương lai xa xôi. Thỉnh thoảng anh lại quên bẵng anh đang ở đâu, chuyện gì đang xảy ra với anh.
Bác Ephim không tiếp thêm cho anh những câu chuyện giai thoại về các thổ công và quỉ sứ, bác cũng không hát những bài hát ngân nga, u buồn, mà hẳn là bác yêu thích hết lòng, bởi vì hễ rảnh rỗi lúc nào là bác lại thầm thì ngân nga những lời khó hiểu. Bữa nay bác Ephim im lặng, cảm thấy rằng người khách của bác mải mê suy nghĩ, anh ta đâu còn nghĩ tới bác.
- A, kia rồi, anh bạn trẻ, trại định cư Lucaskinô kìa rồi. Anh thấy ngọn khói ở trên cánh rừng kia không?
Trong màn xanh lam của trời chiều chạng vạng Akimốp không nhận ra ngay những đám khói mờ mờ trên nền trời giá lạnh.
Sẩm tối rừng cây thẫm lại, từ phía những ngọn đồi thổi tới ngọn gió lạnh, buốt thấu tận xương.
- Ngày mai, anh bạn trẻ ạ, sau khi tiễn đưa anh lên đường đi tiếp là tôi phải quay trở lại ngay. Trời đất này có chiều trở lạnh nữa. Có thể sẽ có băng giá lớn, - bác Ephitn nói và, sau khi im lặng một lát, nói thêm, hẳn là để cổ vũ Akimốp: - Anh đi thanh trượt tuyết thì băng giá không trở ngại gì, chứ đi xe ngựa kéo này thì gay go lắm đấy. Giá lạnh thấu qua các loại áo lông.
Ngay trước đó Akimốp cũng đã đoán rằng trại định cư Lucaskinô - đó không phải là một làng, thậm chí không phải là một thôn. Nhưng cái mà anh được thấy lại vượt cả những điều chờ đợi tồi tệ nhất của anh.
Trên một bãi nhỏ bao bọc bởi một rừng cây tạp nham thấp bé dường như một hàng rào, vẻn vẹn có ba căn nhà lều tròn lút trong tuyết. Khói trườn ra qua cái lỗ thông hơi gần sát chỏm mái nhà lều, cùng với khói thỉnh thoảng những tàn lửa chấp chới bắn vọt ra. Những tàn lửa ấy nghịch ngợm bay cao lên trời, lấp lánh cái thân hình bé nhỏ cháy đỏ, rồi tắt ngấm đi một cách đột ngột, buồn bã tách khỏi những cụm khói.
Bên cạnh lều thơ thẩn những con hươu tuần lộc thấp bé và chân khòng, mình phủ lởm chởm đầy lớp lông dài, với những chòm râu cằm bờm xờm đầy sương muối. Cũng ở đấy những con chó hung vàng vùng vẫy trong tuyết, cũng như những con hươu, mình chúng phủ đầy lớp lông bờm xờm.
Cả những con hươu lẫn bầy chó đều không thèm quay đầu nhìn về phía những người khách vừa tới.
- Ơi, Egorsa ơi, anh ở đâu thế?! - bác Ephim gọi to.
Hồi lâu không có ai đáp lại và ra khỏi mấy căn nhà lều.
- Sao nhỉ, họ chuyển đi nơi khác rồi ư? Tôi thử vào xem một cái, - bác Ephim lo lắng nói rồi bước về phía nhà lều.
Nhưng bác chưa kịp vào nhà. Từ trong nhà một người đàn ông Tunguxơ thấp bé, mặt đỏ phừng phừng với bộ ria thưa, vén vạt cửa bằng da lông thú bước ra. Người ấy mặc chiếc áo lông bằng da hươu, đi ủng lông, đầu đội mũ lông chồn xám.
- Ôi, Ephim! Chào anh! Lại đến, lại bảo Egorsa cho người dẫn đường hả, - người đàn ông Tunguxơ lên tiếng, phô hàm răng trắng chắc chắn dưới cặp môi se gió đỏ tươi. Người đàn ông Tunguxơ nói bằng tiếng Nga rất sõi và rắn rỏi và chỉ có âm «đ» phát âm như âm «t» nhẹ.
- Chào anh, Egorsa! Lại đến quấy rầy anh đây: anh đưa đường hộ. Một người rất tốt.
Akimốp có cảm giác là trong giọng nói của bác Ephim có một âm sắc xin nài khá rõ, và vì vậy anh thấy khó chịu thế nào ấy: «Mình phụ thuộc hoàn toàn vào tính khí thất thường của người đàn ông Tunguxơ này. Các đồng chí của mình ở chỗ này hình như chưa nghĩ kỹ hết mọi điều. Thế ngộ nhỡ anh ta khước từ thì sao?» - anh thoáng nghĩ thầm.
- Chúng tôi đã tính, anh Ephim ạ, đi đến Vaxiugan, thú rừng kéo đến đấy. Năm nay ở đấy nhiều hạt tuyết tùng. Nhiều người đã di cư đến đấy.
- Thế anh định ngày mai ra đi hay sao? Anh cứ đưa đường hộ rồi thì đi.
- Nikônca sẽ đưa đường, - im lặng một lát, Egorsa nói và, lần đầu tiên nhìn Akimốp, mời anh và bác Ephim vào nhà lều. - Vào đi. Mụ nhà tôi nấu thịt rồi. Mấy hôm trước chúng tôi vật con nai.
- Hay tuyệt! Còn tôi có mang theo một chút để sưởi ấm người đây, - bác Ephim nháy mắt với Egorsa. Akimốp nhận thấy là người đàn ông Tunguxơ vui vẻ phô hai hàm răng trắng lóe và thậm chí nheo mắt vì bữa khoái lạc sắp tới.
- Thế bác Ephim, bác có mang thanh trượt tuyết đến không? Tôi chẳng còn gì hết. Tôi đã bó cả lại chất lên xe trượt rồi.
- Thanh trượt có chứ! Đây. - Bác Ephim lôi ở dưới đống cỏ khô trên xe trượt ra bộ thanh trượt mà cụ Phêđốt làm cho Akimốp ngay từ vụ tuyết rơi đầu tiên và mới đây Pôlia đã giấu ở bụi cây gần Tsigara.
Egorsa cầm lấy đôi thanh trượt, nâng nâng trên hai tay, chọc xuống tuyết, rồi nói:
- Thanh trượt của chúng tôi bằng gỗ tùng. Một ngày có thể đi được khá xa.
- Anh thì đi xa được, còn đây là người thành phố. Anh ấy đi thư thả thôi, - bác Ephim nói, biết rằng người Tunguxơ đi thanh trượt tuyết giỏi lạ thường và ít ai trong dân săn bắn người Nga có thể theo kịp họ. Lạy Chúa, chớ để họ làm cho người chạy trốn kiệt sức mất. Coi bộ thì chàng trai là dân nhanh nhẹn, rất có thể dễ hăng máu lắm.
- Nikônca đi thanh trượt không lấy gì làm lẹ cho lắm, nó sẽ đi gượng nhẹ, - Egorsa nói, đưa mắt nhìn Akimốp như thể muốn làm cho anh yên tâm.
Akimốp yên lặng, nhìn kỹ Egorsa, đưa mắt tìm Nikônca ở giữa các nhà lều, con người ấy sẽ đi với anh đến bãi soi Xtepakhina, nơi một người đưa đường mới sẽ phải đón nhận anh. Nhưng không chỉ không thấy Nikônca đâu, mà lúc này trên bãi rừng không có cả một con hươu nào, một con chó nào cả. Hẳn là chúng đã trốn cả vào rừng cây phía sau các nhà lều.
Vợ Egorsa, một phụ nữ trẻ, người Tunguxơ, gương mặt tròn trặn, đôi lông mày thanh mảnh, dường như vẽ bằng than bạch dương, và bà cụ mẹ anh, mắt có cái nhài quạt đục, giống như đồng xu bạc, đưa đẩy trong con ngươi mắt, đang loay hoay bên đống lửa. Trong nhà lều ấm áp sực mùi nhựa cây và mùi thịt nấu. Những mẩu vụn xương hươu lăn lóc khắp mọi chỗ trên tấm lót bằng da hươu.
- Coi bộ gia đình anh sống no đủ đấy chứ, anh Egorsa! - hất đầu về phía những mẩu xương, bác Ephim nói.
- Chúng tôi vớ được một con hươu mới to chứ! Nikônca xua nó khỏi những đầm lầy rêu phong suốt hai ngày. Đến đây tôi tóm được nó ở bên sông. Chén no. Chứ không, anh bạn trẻ ạ, bụng rỗng quá đỗi, - Egorsa kể.
«Lại Nikônca... Hẳn là một tay thợ săn từng trải, giầu kinh nghiệm. Được người dẫn đường như vậy thú thật», - Akimốp nghĩ thầm.
Hai người đàn bà đặt cái nồi thịt hầm lên kiềng. Thịt còn chưa nguội, vì thế qua mấy phút trong nồi đã sôi lên lục bục.
Khi món ăn đã được, vợ Egorsa bắc nồi xuống, đẩy món ăn đến gần chỗ bác Ephim lúc này ngồi chồm hổm bên đống lửa, Akimốp ngồi trên tấm áo lông của mình cách chỗ bác Ephim một chút. Trong nhà lều không có bàn ghế gì hết. Trên mặt khúc gỗ duy nhất có mấy con dao còn bám những giọt mỡ và những mẩu thịt dính lằng nhằng.
- Anh bạn trẻ, nào ngồi xích gần vào đây, - Egorsa nói với Akimốp và đưa cho anh một con dao dài và một cái bánh tròn bèn bẹt, không có men, rắc đầy bột.
Thịt khá dai, và cái chính là hoàn toàn không có muối. Akimốp bất giác nhớ đến con cá giếc rán ở cái trại của ông Philarét. Bác Ephim lôi ở đâu trong ngực ra chai rượu vốtca giấu kỹ lưỡng, đưa cho Egorsa.
- Nào, anh bạn trẻ, ta uống một tý.
Tay Egorsa run lên. Anh ta hết sức cẩn thận đỡ chai rượu, đẩy ba cái ca gần chỗ mình và rót vào cái ca ở gần chỗ mình nhiều hơn.
- Tôi phải cho mụ nhà tôi nhấp một tý, - Egorsa nói, giải thích tại sao anh rót vào ca mình nhiều hơn là ca thứ hai, thứ ba.
- Chứ sao nữa, cần phải thế! - bác Ephim gật đầu đồng tình và nâng cái ca của mình lên để chạm với Egorsa và Akimốp. - Nào, anh em mugích, chúc anh em mạnh khỏe! Chúc anh, Egorsa, săn được nhiều thú, còn anh, Gavơriukha, đi đến nơi đến chốn.
Akimốp nâng cái ca của mình, đưa lên chạm môi, nhưng không uống. Bà cụ già nhìn anh, cặp mắt đầy thèm thuồng, bằng tất cả nội tâm của mình cầu xin anh, thiêu đốt tâm can anh. Vừa ở ngoài giá lạnh vào Akimốp rất muốn uống, nhưng anh không chịu nổi trước sự xin nài da diết, mặc dù không lời này của bà cụ già:
- Mời mẹ, mẹ uống đi cho khỏe, - Akimốp nói và đưa ca rượu cho mẹ Egorsa. Nghe thấy những lời ấy, Egorsa giật mình, định đón ngang cái ca của Akimốp để trút sang cho mình lấy thêm một hai hớp, nhưng bà cụ già đã dốc rượu vào cái miệng mở rộng của mình nhanh đến mức, anh con trai không kịp chớp mắt.
- Gớm chửa, đồ ôn dịch, thèm vốtca đến thế đấy, - chẳng ra khen, mà cũng chẳng ra trách, Egorsa nói và ngửa cổ để nốc cạn phần rượu vốtca của mình.
Bà cụ già say ngay tức thì và chỉ qua hai ba phút, người rũ xuống, lặng lẽ rúc vào cái mền lông thú và ngủ thiếp đi. Cả Egorsa cũng đã say. Anh ta bắt đầu lảm nhảm nói đủ thứ chuyện vớ vẩn.
- Anh Ephim thân mến, anh là bạn tôi! Bạn! - Egorsa gào lên. - Anh không tin ư?! Nếu anh muốn, tôi sai mụ nhà tôi đến với anh đêm nay? Muốn không?
- Egorsa ơi, anh là bạn tôi thế nào kia ấy chứ, không lời nào diễn tả nổi! Dù tôi hỏi xin anh cái gì đi nữa, bao giờ anh cũng sẵn sàng. Còn mụ nhà anh, anh giữ lấy cho anh, cô mới trẻ đẹp làm sao kia chứ, - bác Ephim nói khéo. Bác biết là điều nguy hiểm nhất là nhượng bộ anh chàng Tunguxơ. Rồi đây anh ta đến nhà mình, theo cái lệ có đi có lại anh ta sẽ đòi hoặc là vợ bác, hoặc là con gái bác đến ngủ đêm với anh ta.
Bỗng đâu ngoài nhà lều nghe có tiếng tuyết lạo xạo và một giọng nói đàn ông vừa vỡ, âu yếm con chó.
- Nikônca đến đấy! Vừa đi thăm các bẫy thú, mang mồi về, - Egorsa lên tiếng, giọng không hiểu sao tỏ ra lo lắng và thậm chí anh còn đứng dậy. Men say dường như bay biến hết. Anh ta quay về phía bác Ephim búng ngón tay vào cổ, nói gần như thì thầm: - Anh Ephim này, về cái khoản này, im lặng đấy. Anh chàng lại phật lòng là chúng mình không để dành cho hắn. Đồ ôn dịch, hắn cũng như bà lão của tôi ấy, thích vốtca lắm.
Nhưng trong quan hệ với dân Tunguxơ và Ôxchiác ở Narưm bác Ephim là người lõi đời. Một khi Nikônca là người sẽ đưa đường cho người chạy trốn đi tiếp, thì thế nào cũng phải quan tâm đến anh ta. Trường hợp như thế này bác Ephim bao giờ cũng dự trữ sẵn đôi thứ gì đấy.
Nikônca đâm xổ vào nhà lều, thở phì phì, người nghiêng ngả nặng nề. Người chú mang đầy những sóc, chồn hôi, chồn trắng, sáng lên những vệt trắng như tuyết trong tranh sáng tranh tối của nhà lều được ánh lửa tỏa sáng.
Vì một nguyên nhân hoàn toàn dễ hiểu, Akimốp chờ đợi sự xuất hiện của Nikônca với một sự thích thú khác thường. Bởi vì ngày mai anh sẽ trao phó cả cuộc đời mình cho con người này. Trong cái biển không cùng không tận của rừng taiga, không có người đưa đường thì anh khác nào một đứa trẻ côi cút thảm thương, bị số phận đẩy tới chỗ chết không cưỡng lại được.
Khi Nikônca tháo ở thắt lưng ra những con vật và cởi bỏ tấm áo lông ngắn cũn cỡn, không dài tới được cả đầu gối, Akimốp nhìn thấy trước mặt mình một cậu bé nhỏ nhắn, gầy gò, nhìn qua nhiều nhất chỉ cho đến mười lăm tuổi, mặc dù chú ngậm cái điếu tẩu giữa hai hàm răng trẻ khỏe và nhả khói mù mịt.
«Ôi, không khéo chú ta lại đưa mình đến nơi khỉ ho cò gáy nào đó thay vào bãi soi Xtepakhina», - Akimốp lo lắng nghĩ và đưa đôi mắt chăm chú bắt đầu theo dõi Nikônca.
Vợ Egorsa, thoạt đầu cũng đã hơi say say bây giờ lại đã tỉnh táo, vội vã đẩy nồi thịt đến trước Nikônca, đưa ra một con dao dài. Egorsa cầm lấy dao, khoắng tìm trong nồi miếng thịt to nhất và lấy mũi dao xọc rồi đưa cho chú bé, với một thái độ khá trân trọng.
- Mồi bắt được thế nào, Nikônca? Thú có đến hay không đến bẫy, cạm? - bác Ephim hỏi, quay đầu sang phía Nikônca và chuẩn bị nghe chú bé nói với một thái độ nghiêm trang nhất.
- Tồi thôi, - Nikônca khoát tay, ngoạm răng cắn miếng thịt hươu.
- Nhưng mà chú vẫn mang về đây, có nghĩa là không hoàn toàn tồi. - bác Ephim nói, đếm những con chồn hôi và chồn trắng đã chết lạnh cứng.
- Cũng được chút ít. Được ít thôi.
Rõ ràng Nikônca hạ thấp kết quả chuyến đi săn của mình. Bác Ephim đã biết đặc tính này của dân thiểu số ở Narưm là không huênh hoang, nói «tồi», khi có đầy đủ cơ sở để nói là «tốt». Chuyện này xuất phát từ niềm tin thơ ngây đã truyền từ đời nọ sang đời kia: nếu anh huênh hoang quá, thì vua của rừng taiga, vị thần có mặt ở mọi nơi, vô hình có mặt ở khắp mọi chốn, nghe thấy lời anh khoe khoang thế là thần không cho thú vật và chim muông đến bẫy cạm của anh nữa.
- Tôi còn thấy một con hươu nữa, anh Egorsa! Nó đang gặm cỏ ở đầm lầy nham lê. Phải chạy đến đó ngay! - Nikônca nói, nhai thịt chóp chép.
Điều Nikônca thông báo làm cho cả nhà Egorsa vui mừng. Vợ Egorsa vung cả hai tay lên. Bà cụ già ngửng đầu lên và nói một câu gì đó bằng tiếng Tunguxơ, có lẽ đại loại là: «cầu thượng đế, thượng đế hãy mang lại may mắn». Egorsa cũng rạng rỡ hẳn ra.
- Ăn hết thịt con hươu này, sẽ đến lượt ngả con thứ hai, - Egorsa vui vẻ nói.
- Nó bỏ đi mất! Mai phải chạy đến đấy ngay, - Nikônca bày tỏ sự lo lắng của mình.
- Ngày mai có việc. Ephim đề nghị đưa chàng trai này đến bãi soi Xtepakhina. Chú đưa đi nhé.
Nikônca đưa mắt nhìn bác Ephim, sau đó quay sang nhìn Akimốp, láu lỉnh nheo lại.
- Chích chích chích, hạ thủ Sa hoàng, - Nikônca nói và bật tiếng cười ròn rã, tiếng cười của một chú thiếu niên.
«Rõ là không phải lần đầu tiên chú ấy đưa đường cho những người chạy trốn», - Akimốp thầm nhận xét và, liếc nhìn bác Ephim, quyết định chưa tiếp câu chuyện về đề tài này.
- Nikônca, chú đưa đi hộ nhé. Anh ta là người tốt, - bác Ephim nói, trong bụng thầm lo chú bé sẽ từ chối.
Nhưng Nikônca chẳng hề có ý định từ chối.
- Tôi sẽ đưa đi chứ! Trên đường về sẽ đi xem các bẫy thú, - Nikônca nói một cách hiền hòa, ợ một tiếng rất to và nằm xoài ra, chống hai khuỷu tay, tỏ hết vẻ khoan khoái sau bữa ăn no.
- No rồi chứ? Thế thì tốt. Bây giờ thì hút thứ thuốc lá chính phẩm thực sự này. - bác Ephim lại lôi ở đâu trong lần áo trong ra một bánh thuốc lá. Về cái khoản thuốc lá «chính phẩm thực sự» tất nhiên bác quả có quá cường điệu. Đây là một bánh thuốc lá sợi bình thường mà các xưởng thuốc lá vẫn sản xuất để cung cấp cho binh lính ngoài mặt trận.
Nhưng Nikônca thật sung sướng vì món quà này. Chú cầm lấy bánh thuốc sợi, đưa lên mũi và hít rõ to.
- Chà! Mới khá chứ! - cuối cùng chú thốt lên.
Từ trong góc nhà lều, lấp lánh cái mắt nhài quạt, bà cụ già lồm cồm bò ra chỗ chú bé. Bà cụ đột ngột dừng lại, quì chân, chìa lòng bàn tay vàng khè khum lại về phía đứa con trai thứ.
- Con sẽ cho, con cho bây giờ. - Nikônca xé vỏ bánh thuốc ra, lấy một nhúm thuốc sợi, bỏ vào lòng bàn tay bà cụ. Cũng hối hả như lúc nẫy dốc vốtca, bà cụ bỏ tõm dúm thuốc lá vào mồm và ra sức nhai, lẩm bẩm những lời gì đó biểu lộ sự khoái trá thật sự của mình.
Cầm khư khư bánh thuốc, Nikônca rắc cho Egorsa và vợ anh mỗi người một dúm, Egorsa để dúm thuốc lên bậm ở môi, còn người đàn bà gói phần thuốc của mình vào góc khăn buộc trên mái đầu tròn trĩnh, tóc đen láy của cô.
Phân phát thuốc lá cho mọi người trong nhà xong, Nikônca thông ống điếu của mình, rỗ sạch tàn đen, nhồi đầy thuốc mới và châm lửa hút, bậm bậm đôi môi dầy vào đầu ống điếu.
- Ư ư, khá thật! - chú nhắc lại, nhìn bác Ephim tỏ vẻ cảm ơn.
...Mọi người nằm xuống ngủ ngay chung quanh đống lửa, tại chỗ mà mỗi người ngồi từ tối. Akimốp ngủ chập chờn. Ở đây không có gối, mà cũng chẳng có cỏ khô hay rơm thay gối. Anh lấy khúc củi làm gối, nhưng chỉ một lát là cổ anh mỏi rời, thế là anh hết xoay bên này lại trở về bên kia. Mở mắt ra, suốt đêm Akimốp chỉ nhìn thấy một cảnh: Nikônca nằm ngửa trong ánh lửa lập lòe. Cái ống điếu từ trong mồm chú chồi ra. Hai hàm răng chú ngậm chặt. Hai bên má nổi gân, gương mặt cau lại bởi một sự căng thẳng nào đó như vượt quá sức người.
o O o
Trên đường đi Nikônca hóa ra không chỉ là một chú thiếu niên táo bạo mà thôi, mà quả thực là một con quỉ con tràn trề sức lực của rừng taiga. Akimốp lúc phải mắng mỏ chú, lúc lại thán phục chú.
Ra đi lúc còn tối trời. Màn tối như một bức tường bất động. Hình cây cối phải đoán theo cái diềm bạc do băng giá và tuyết rơi từ tối dệt nên. Những mương xói có cảm giác như thẫm tối, không cùng, từ đó phảng phất hơi ấm của những con suối không bị đóng băng và vọng tới tiếng rỉ rách của nước chảy qua những thân cây bị ngập dưới nước.
Hai người đi nhịp nhàng và không vội vã cho đến lúc trời rạng sáng. Khi màn tối vừa tan đi và trên trời những ngôi sao mờ nhạt vừa tắt, Nikônca dừng lại.
- Thế nào, anh trai Gavơriukha, ta phóng nhanh một chút được chứ? - Nikônca hỏi, nhìn Akimốp từ đầu xuống chân bằng cặp mắt hẹp ranh mãnh.
- Thế chính chú, Nikônca, chú nghĩ ra sao? - không nghi ngờ có gì tệ hại, Akimốp trả lời.
- Anh bạn ạ, phải phóng nhanh thôi. Tôi sẽ trở về ngủ nhà.
- Làm sao mà chú kịp? Anh Egorsa bảo là từ đây đến bãi soi Xtepakhina phải đến ba chục vécxta không ít. Cả đi cả về sẽ là sáu mươi, chú không kịp đâu.
- Không thể không kịp được. Ngày mai phải xua con hươu, chúng tôi sẽ kiếm được thịt.
- Nếu như vậy thì ta thử chạy xem sao. Tôi sẽ theo vết thanh trượt của chú, - Akimốp cuối cùng đồng ý.
Nikônca cất ống điếu vào túi, dắt hai vạt áo vào thắt lưng, sụp cái mũ lông chó xuống tận lông mày và sau khi kêu to «Ư-ư-ức», trượt đi trên tuyết nhẹ nhàng như chim bay.
Akimốp hiểu rằng anh không thể chậm trễ một phút nào. Anh thít chặt thêm giây khóa thanh trượt một chút và lao theo Nikônca. Tấm lưng của chú bé với cái túi bằng vải thô tự dệt đeo ở thắt lưng và khẩu súng săn ở bên vai loáng thoáng giữa các hàng cây, lúc hiện ra, lúc biến đi, nhanh đến mức Akimốp khó khăn mới kịp định hướng bước chạy của chú.
Trong lúc chạy trong rừng, Akimốp còn ít nhiều theo kịp Nikônca. Nhưng phía trước hiện ra cánh đồng dài dài, giống như ống tay áo. Có lẽ đó là cái hồ vùng rừng taiga, đã bị đóng băng và tuyết phủ kín. Đến đây thì Nikônca lao đi nhanh đến mức phía sau chú bốc lên một đám bụi tuyết che khuất chú.
- Chà, con quỉ con, hắn làm gì thế không biết! - Akimốp thốt lên thán phục, anh cũng thích phóng nhanh trên thanh trượt. Cơn hăng say lây cả sang Ivan, thế là anh lao lên đuổi theo Nikônca, quyết định dù thế nào đi nữa cũng đuổi bằng được chú bé trên cánh đồng này. Nhưng Akimốp vừa xích gần đến Nikônca, chú bé lại ra sức thêm đến mức qua mấy phút sau không còn thấy chú đâu nữa. Cái hồ bị tuyết phủ kết thúc, và lại mở ra cánh rừng hỗn tạp kéo dài. Nikônca mất hút sau các bụi cây, vì thế bây giờ Akimốp không dám để trệch vết thanh trượt của chú, sợ lạc đường.
Akimốp thế là không đuổi kịp Nikônca. Mãi đến chỗ nghỉ anh mới đuổi kịp chú. Chú bé đang ngồi trên thân cây bạch dương ngả cong và đang nhai bánh. Chú đã bỏ mũ ra, và mái đầu bù xù ướt nhèm của chú mịt mù hơi bốc lên.
- Chà, người anh em, chú chạy giỏi thực! Chân chú làm sao mà đủ sức chạy nhanh đến thế hả? Nhưng đội mũ vào đi, kẻo lại cảm lạnh đấy! - Akimốp nói, ngồi xuống thân cây bạch dương bên cạnh Nikônca.
- Anh nói gì vậy, anh trai? Sao mà cảm được? Sau ta lại chạy, mồ hôi lại làm mờ mắt. - Nikônca ăn nốt bánh, lấy ống điếu ra, nhồi chặt thuốc lá của bác Ephim cho và châm lửa hút, nhả những hơi khói dài hình lượn sóng. Akimốp liếc nhìn Nikônca và cảm thấy rõ tâm hồn chú bé rừng taiga này đang sung sướng mãn nguyện làm sao. Chung quanh rừng yên tĩnh với những cụm tuyết trắng chói ngời trên cành, mặt trời chiếu sáng, vui tươi, bầu trời lấp lánh trong những vệt ánh vàng, chung quanh là rừng taiga bao la, sự vắng vẻ mà chú ta, Nikônca, hiểu rõ và chinh phục được, một mình chú, mạnh mẽ và ngoan cường, như dòng thác ở khúc cạn, và mau lẹ như ánh chớp. Hai hàm răng ngậm ống điếu, hai lỗ mũi hấp háy hít khói thứ thuốc lá thật sự. Còn bên cạnh là anh trai người Nga, anh ấy khen chân chú chạy nhanh. Anh chàng kỳ quặc thật, chạy trốn khỏi nơi đây, khỏi những vùng đất mà trên thế gian này không đâu bằng... Chạy trốn để ở đâu đó, không biết là ở đâu, sẽ hạ thủ... Nga hoàng, tên của ông ta không hiểu sao cố đạo ở Parabên lại đặt cho chú, chú bé Tunguxơ, mà cũng vì chuyện đó cố đạo đã lấy mất của bố chú cả một xâu sóc và chồn hôi.
- Sao, anh trai, ta lại chạy chứ? - Nikônca hỏi, lại giấu cái ống điếu vào túi quần bông chần và chụp cái mũ lông lên đầu, sụp đến tận mắt.
Akimốp đã nghỉ ngơi, trán và má anh đã khô, còn trên bộ râu cằm của anh ướt vì mồ hôi thì đọng những chuỗi sương băng giá.
- Chạy thôi, Nikônca! - Akimốp vội vàng đứng lên đôi thanh trượt tuyết.
- Ư-ư-ức! - Nikônca kêu to, và từ dưới đôi thanh trượt của chú bốc lên hai cột lốc xoáy song song mịt mù.
«Chà, con quỉ con mới lanh lợi làm sao! Chà, nó đi mới cừ chưa. Ôi ôi, nó lao xuống dốc mới tuyệt chứ!» - cố không tụt lại sau Nikônca, Akimốp lẩm nhẩm một mình.
Nhưng trong một giây lát đã xảy ra một điều mà Akimốp phải ra sức hãm thanh trượt lại để hiểu cho được có chuyện gì xảy ra.
Nikônca chạy ở phía trước Akimốp khoảng một trăm xagiên. Qua màn bụi tuyết do thanh trượt của chú bé Tunguxơ bốc lên, anh nhìn thấy tấm lưng của chú với cả cái nòng súng săn thấp thoáng giống như cột buồm. Bỗng nhiên Nikônca ra chỗ quang đãng, cây cối như lùi lại dãn ra nhường lối cho chú, và Akimốp chính mắt mình đã nhìn thấy sự việc xảy ra lạ thường không tưởng nổi: Nikônca đã biến mất, vừa sờ sờ đấy vậy mà biến không còn vết tích.
Đi tới nơi chú bé biến mất, Akimốp không tin mắt mình nữa. Cách chỗ anh ba bước là bờ vực dựng đứng, dưới bờ vực là một bãi rộng trải ra, giống như cái hồ dài mà họ đã đi qua ở đầu đoạn đường. Bờ vực bị rừng bạch dương che khuất, những cây bạch dương do những trận gió thổi ngả nghiêng đến mức nếu ở đây không phải là vực thì chúng hẳn nằm rạp cả xuống mặt đất. Phía trên bị phủ tuyết, rừng bạch dương hoàn toàn có thể tưởng lầm là mặt đất cứng bình thường. Có thể Nikônca cho là đất cứng thật. Đang hăng say theo đà chạy, chú ta có thể không nhận thấy vực. Mà có thể, chú ta cũng nhận thấy, nhưng cứ liều nhẩy mà không tìm lối xuống thoai thoải, để khỏi mất thời gian tìm kiếm.
Nhìn thấy Akimốp dừng lại bối rối bên bờ vực, Nikônca cười to, gọi anh nhảy theo.
- Nhảy đi, Gavơriukha! Ở đây êm lắm!
Nhưng, lượng chiều cao bờ vực, Akimốp quay sang bên và đi xuống dốc, để lại phía sau mình hai vết thanh trượt ngoằn ngoèo.
- Ngộ nhỡ thanh trượt của chú gẫy? Hay chú bị thương?! Chẳng nhẽ có thể liều thế ư?! - Akimốp lên tiếng, nghiêm khắc nhìn chú bé.
- Sao, anh trai? Sao nó lại gẫy? - Nikônca cười ròn rã.
Akimốp lây cái vui của chú và, nhìn lên những cây bạch dương phía trên cao, từ chỗ Nikônca vừa nhảy xuống, nghĩ bụng: «Cái đầu mới liều lĩnh làm sao chứ! Không biết sợ, không biết lo xa... Nhưng dù sao cũng cừ thật».
Hai người cùng bỏ thuốc ra hút, Akimốp đưa thuốc của mình ra mời Nikônca lấy nhồi vào ống điếu. Trước khi chạy trốn khỏi Narưm ít lâu, anh nhận được quà của bạn bè gửi từ Pêtrôgrát tới. Họ đã cố gắng chạy tìm ở đâu đó ra thứ thuốc loại thượng hảo hạng: thơm, nhẹ, hơi làm đầu choáng váng. Tuy nhiên Nikônca lại không thích thứ thuốc của Akimốp. Hút một ít, chú lấy thuốc của mình ra nhồi và hít một cách khoái trá ra mặt.
- Liệu chúng mình có lạc đường không, Nikônca? - Akimốp hỏi, anh thấy rằng dù chú bé có can đảm đấy, tháo vát đấy, nhưng đồng thời lại nhẹ dạ, như mọi chú thiếu niên khác trên trái đất, và kiểm tra lại chú không thừa.
- Sao lại lạc được? Anh trai ạ, ta cứ đi thẳng, đi thẳng, đi thẳng. Có bịt mắt tôi, tôi cũng tìm ra bãi soi Xtepakhina. Ta chạy thêm một ít nữa, sau đó tìm cách kiếm bữa trưa, - Nikônca giảng giải.
Hai người chạy thêm tiếng rưỡi đồng hồ nữa, Nikônca không hề mệt mỏi và hầu như không chỗ nào chịu giảm tốc độ.
- Ư-ư-ức! - chú kêu to, tiếng kêu dài âm vang khắp rừng taiga. Cái đó làm cho giọng của chú nghe hùng tráng và bất tận, làm rừng tràn ngập những âm thanh, và đôi khi có cảm giác: không, mảnh đất này đâu đến nỗi hoang vắng và bị bỏ rơi. Nó đang cất tiếng vang dội thế kia mà!
Ở một nơi, Nikônca dừng lại, đưa hai tay lên và vẫy cho Akimốp biết rằng cả anh nhất thiết phải dừng lại. Sau đó Nikônca tháo súng ở vai ra, cúi lom khom xuống và thận trọng đi vào đám tùng non. «Chắc là chú ta kiếm bữa trưa», - nhớ lời nói của Nikônca, Akimốp nghĩ thầm. Đưa mắt nhìn các tán cây, Akimốp nhìn thấy trên ngọn tùng khô héo có một chấm đen. «Gà rừng! Chắc Nikônca rượt theo nó», - Akimốp đoán ra và anh đợi tiếng súng nổ. Nikônca bắn ngay giây phút đó. Con gà rừng xòe rộng cánh, toan gượng lại khỏi rơi xuống, nhưng không gượng nổi, lộn tròn và rơi xuống tuyết, trong khi rơi đã làm gẫy những cành khô và kéo theo những cành khô ấy rơi theo xuống tuyết.
Akimốp đi tới đám rừng tùng non vào lúc Nikônca cầm con gà rừng quay trở lại chỗ dừng chân.
- Có bữa ăn trưa rồi. Ta không chạy nữa, anh Gavơriukha ạ, - Nikônca nói.
- Nhưng đến bãi soi Xtepakhina còn xa không? - Akimốp hỏi, cảm thấy chân mình bắt đầu hơi nhức nhối.
- Nó kia rồi kìa! Anh có nhìn thấy đám tuyết tùng ở đằng trước kia không?
- Đấy ư? Thế thì chúng ta gần tới nơi rồi còn gì, Nikônca. Chẳng mấy mà tới nơi.
- Ơ hờ! Nếu mà không có anh, Gavơriukha, tôi còn chạy nhanh hơn.
Chẳng bao lâu sau, Nikônca và Akimốp leo lên đồi cao mọc đầy những cây tuyết tùng to lớn, um tùm, và chừng nửa vécxta nữa ra tới bờ sông. Ở đây dưới tán cây rậm rạp có một căn nhà gỗ.
- Này, ông chủ ơi! - Nikônca gọi to, nhưng không có ai đáp lại. Tuyết chung quanh căn nhà nguyên vẹn chưa có vết chân ai. Akimốp hiểu rằng người đưa đường mới của anh còn chưa tới.
Vừa cởi bỏ các thanh trượt ra, Nikônca và Akimốp bắt tay ngay vào chuẩn bị bữa trưa. Akimốp nhóm bếp lò, lấy cái nồi và ấm niêu ra hố múc nước trong lỗ băng đem về, còn Nikônca nhổ lông và mổ con gà rừng. Căn nhà gỗ giống như căn nhà gỗ của cụ Phêđốt ở rừng taiga xa xôi. Hai tấm phản cũng xếp đặt như vậy, khúc gỗ cũng để ở bên cái bàn, cái giá gỗ nhỏ cũng treo phía bên trái cửa ra vào. Akimốp tìm trong cái âu lấy ra muối, hộp diêm và hai mảnh mộc nhĩ bạch dương khô đen. Mọi cái đâu ở chỗ đó, đúng như ở mọi căn nhà gỗ...
Sau bữa ăn trưa Nikônca vội quay trở lại. Akimốp còn lại một mình trong căn nhà gỗ.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri