Chương 17
á tước coi như mình đã ở ngoài nội các. Ông tự nhủ: “Hãy xem chúng ta có thể có bao nhiêu con ngựa sau sự thất sủng của ta, người ta sẽ gọi việc lui về của ta như thế đấy”. Ông kết toán gia sản, khi vào nội các ông có tám vạn francs của riêng, ông ngạc nhiên nhận thấy ngày nay tính chi li các khoản, gia tài ông chưa đến năm mươi vạn francs. Nghĩa là được hai vạn francs thực lợi là cùng. “Phải công nhận ta là một tên đại hời hợt. Không có một thị dân nào ở Parme không cho là ta có mười lăm vạn francs lợi tức, và về vấn đề này quận vương càng là thị dân hơn ai hết. Khi họ thấy ta lem luốc, họ sẽ nói ta là biết giả nghèo giả khổ. Ái chà! Bá tước kêu lên, nếu ta còn làm thủ tướng ba tháng nữa, cái gia tài ấy sẽ gấp đôi cho mà xem”. Ông thấy ý kiến này đáng viết cho nữ công tước và ông hăng hái chộp cơ hội, nhưng để cho phu nhân tha thứ việc ông viết thư sau khi họ đã nói với nhau những điều vừa qua, ông bủa đầy những con số và con tính trên giấy. Ông nói: “Chúng ta chỉ có hai vạn francs lợi tức để cho ba người Fabrice phu nhân và tôi sống ở Naples, Fabrice và tôi sẽ có một con ngựa cưỡi cho cả hai người”.
Bá tước vừa gửi xong thì người nhà báo ngay có quan chánh án Rassi đến. Ông tiếp hắn với cái vẻ gần như là ngạo mạn. Ông nói:
— Thế nào? Ông cho bắt cóc ở Bologne một tên phiến loạn mà tôi che chở, hơn thế ông muốn chặt đầu hắn, thế mà ông chẳng nói gì với tôi cả! Ông có biết tên cái người kế vị tôi không? Đó là tướng Conti hay là chính ông vậy?
Rassi hoảng hốt, hắn không quen giao thiệp với giới quyền quý cho nên không đoán được bá tước nói chơi hay nói thật. Hắn đỏ mặt, ấp úng mấy tiếng khó hiểu. Bá tước nhìn hắn và thấy vui vui trước cảnh lúng túng của hắn. Thình lình Rassi vùng dậy và kêu lên một cách hết sức tự nhiên, với dáng Figaro bị Almaviva bắt quả tang[87].
— Thật tình, thưa bá tước, tôi chẳng muốn quanh co úp mở với quan lớn, quan lớn sẽ cho tôi cái gì nào, nếu tôi trả lời tất cả những câu hỏi của ngài như đối với cha rửa tội của tôi?
— Huân chương Saint Paul (đó là huân chương của công quốc Parme) hoặc là tiền, nếu ông tìm ra cho tôi một cái cớ để ban thưởng cho ông.
— Tôi thú với huân chương Saint Paul hơn, bởi vì nó làm cho tôi trở thành qúy tộc.
— Thế nào? Quan chánh án thân mến hãy còn ít nhiều coi trọng cái qúy tộc khổ của chúng tôi vậy ư?
— Nếu tôi là qúy tộc, Rassi đáp với tất cả sự trâng tráo của nghề nghiệp, thì thân thuộc những đứa tôi treo cổ chỉ thù ghét tôi mà không khinh bỉ tôi.
— Thế thì tôi sẽ cứu ông khỏi cảnh bị khinh bỉ, về phần ông, ông phải chữa cho tôi lành cái bệnh mù tịt và điếc câm. Các ông định làm gì Fabrice đấy?
— Quả là hoàng thân rất bối rối. Ngài sợ ông sẽ bị đôi mắt đẹp của nàng Armide[88] thu hút, xin tha thứ cho tôi cách nói sống sượng đó, chữ nghĩa kia vốn là của quận vương, ngài sợ ông bị đôi mắt quả là đẹp ấy thu hút, đôi mắt ấy từng làm cho chính ngài cũng xúc động, và ông sẽ bỏ mặc ngài xoay xở, mà đến cái vụ Lombardie thì chỉ có ông mới gánh nổi. Tôi muốn nói thêm với bá tước, Rassi hạ giọng, đây là một dịp hời cho ông và xứng đáng với cái huân chương Saint Paul mà ông thưởng cho tôi. Hoàng thân sẽ cắt quốc thổ mà cấp cho ông một ấp dễ coi, trị giá sáu mươi vạn francs, xem như một quốc ân, hoặc là một món tiền mặt ba mươi vạn écu, nếu ông chịu khó không can thiệp vào vụ Fabrice Del Dongo, hay ít nhất là chỉ nói với ngài về việc đó một cách công khai.
— Tôi chờ đợi một cái gì hơn thế, bá tước nói. Không xen vào việc Fabrice là đoạn tuyệt với nữ công tước.
— Ấy, hoàng thân cũng nói y như thế, thực ra ngài căm bà công tước một cách kinh khủng, điều ấy tôi nói riêng với ông mà thôi đó nhé, ngài sợ rằng để đền bù việc cất quan hệ với bà công tước, trong khi hiện nay ông đã là người góa vợ, ông sẽ xin ngài cho phép lấy bà quận chúa già Isota, em họ ngài, chỉ mới năm mươi tuổi.
— Ngài đã đoán đúng, bá tước kêu, chúa ta là người tinh tế nhất trên đất nước ngài.
Chưa bao giờ bá tước có ý muốn kỳ quặc là lấy bà quận chúa già ấy, đối với một người mà nghi lễ triều đình làm cho chết chán đi được, thì việc đó chẳng thích hợp tí nào! Ông day trở hộp thuốc lá trên mặt bồn cẩm thạch đặt gần ghế ông. Rassi lầm thấy trong cử chỉ lúng túng đó một dịp bỏ để kiếm chác, mắt hắn sáng lên, hắn kêu:
— Thưa bá tước, xin ông vui lòng, dù ông nhận cái ấp sáu mươi vạn francs hay số tiền thưởng ba mươi vạn, cũng xin ông vui lòng dùng tôi làm người thương thuyết. Tôi xin trổ tài! Hắn hạ giọng, làm tăng số tiền thưởng hoặc còn hơn thế, bắt người ta kèm theo ấp một khu rừng đáng giá. - Nếu quan lớn chịu khó nhẹ nhàng, thể tất với quận vương khi nói về cái thằng oắt con mà người ta bắt giữ đó, thì người ta có thể nâng lên hàng công quận cái ấp mà tổ quốc sẽ ban thưởng cho ông. Tôi xin nói lại lần nữa với quan lớn, hoàng thân hiện nay căm ghét nữ công tước, nhưng ngài rất lúng túng, lúng túng đến nỗi đôi khi tôi nghĩ là có sự kiện gì bí mật mà ngài không dám tiết lộ với tôi. Ngẫm cho kỹ thì đây là một mỏ vàng, tôi thì bán cho bá tước những bí mật riêng tư nhất của hoàng thân, và cứ y như là tha hồ, bởi vì mọi người đều tưởng tôi là kẻ thù không đội trời chung với bá tước. Thật ra, một mặt hoàng thân căm giận nữ công tước, nhưng mặt khác ngài lại tin, cũng như tất cả chúng tôi, là chỉ ông mới có khả năng đưa đến thắng lợi những cuộc vận động về xứ Milanais[89]. Quan lớn có cho phép tôi thuật nguyên văn những lời quận vương hay không? Rassi hăng tiết nói. Vị trí tương quan của các từ thường làm nên một diện mạo không diễn dịch được, để tôi thuật lại thì bá tước sẽ nhận thấy rõ hơn cả tôi.
— Tôi cho phép tất, bá tước đáp, tay vẫn lơ đễnh gõ gõ hộp thuốc lá bằng vàng lên mặt bàn cẩm thạch. Tôi cho phép tất và tôi sẽ tỏ lòng biết ơn của tôi.
— Nếu bá tước cho tôi những sắc phong tước có giá trị truyền tử lưu tôn ngoài cái huân chương, thì tôi sẽ hoàn toàn mãn nguyện. Khi tôi nói về việc cầu phong, hoàng thân trả lời: “Một tên vô lại như ông mà là quí tộc ư? Có họa là đóng cửa nhà hàng cho sớm! Rồi thì ở Parme, chẳng ai thèm xin phong nữa!” Tôi xin trở lại với vụ Milanais. Cách đây chưa đầy ba hôm, hoàng thân nói với tôi: Chỉ có tên bợm ấy là theo dõi được những mưu toan của ta mà thôi, nếu ta đuổi hắn, hoặc hắn chạy theo mụ công tước, thì cũng bằng ta từ bỏ hy vọng làm vị chúa tể khoan hòa được sùng bái nhất ở nước Ý!“.
Nghe đến đó bá tước thở ra khoan khoái và tự nhủ: ”Thế là Fabrice sẽ không chết!”.
Suốt đời Rassi chưa bao giờ cầu được một cuộc nói chuyện thân mật với thủ tướng, cho nên hôm nay hắn sung sướng như điên. Hắn thấy sắp lột bỏ được cái tên Rassi, cái tên đã trở thành đồng nghĩa với những gì hèn hạ, xấu xa nhất. Đám bình dân gọi chó dại là Rassi. Gần đây có mấy anh lính đấu kiếm danh dự chỉ vì một bạn đồng ngũ gọi họ là Rassi. Sau hết, không có tuần nào mà cái tên riêng khốn khổ đó không lọt vào một bài thơ kinh khủng. Con hắn, một học sinh vô tội mới mười sáu tuổi, bị xua đuổi khỏi các quán cà phê vì mang tên họ đó.
Những kỷ niệm cháy da đó khiến hắn làm một việc liều lĩnh. Hắn vừa kéo ghế đến bên ghế bành của bá tước, vừa nói:
— Tôi có một vùng đất đai gọi là xứ Riva, tôi muốn làm nam tước ở đó.
— Sao lại không chứ? Thủ tướng nói.
Rassi mừng như mở cờ trong bụng.
— Thế thì thưa bá tước, tôi xin được tọc mạch, tôi dám phỏng đoán ông nhằm mục đích gì. Ông muốn kết hôn với quận chúa Isota, đó là một tham vọng cao quí. Khi đã là quốc thích thì ông không thể bị bãi chức, ông sẽ xỏ mũi chủ ta. Tôi không giấu là ngài rất không thích quận chúa lấy ông. Nhưng nếu ông giao phó công việc cho một người khôn khéo và đền công hậu hĩ thì có hy vọng thành công.
— Thưa nam tước, tôi thì tôi không có hy vọng! Tôi phủ nhận trước tất cả những lời ông có thể nhân danh tôi mà nói. Nhưng khi cuối cùng, cuộc hôn nhân lừng lẫy ấy đến làm toại ước mong của tôi và đem đến cho tôi một địa vị cao cả bậc nhất trong bộ máy nhà nước, tôi sẽ biếu ông ba mươi vạn francs tiền riêng của tôi và tôi sẽ khuyên hoàng thân ban cho ông một ân huệ mà chính ông sẽ coi trọng hơn số tiền đó.
Bạn đọc sẽ cho cuộc đối thoại này quá kéo dài, tuy nhiên, chúng tôi đã cắt đi hơn một nửa, nó còn kéo dài thêm hai tiếng đồng hồ nữa, Rassi đi ra khỏi nhà bá tước sung sướng đến điên người. Còn bá tước thì nhiều hy vọng cứu được Fabrice và càng cương quyết từ chức. Ông cho rằng uy tín ông cần được tăng bởi sự có mặt của những kẻ như Rassi và tướng Conti ở các vị trí cầm quyền. Ông khoái trá với khả năng trả thù hoàng thân: “Y có thể làm cho nữ công tước bỏ đi. Ông nói, nhưng mẹ kiếp! Y cũng không còn hy vọng gì làm vua lập hiến trên xứ Lombardie nữa”. (Cái ảo vọng này buồn cười, hoàng thân thông minh lắm, nhưng bởi vì cứ mơ màng đến chuyện đó, cho nên ngài hóa ra si dại vì nó).
Bá tước khôn xiết vui mừng chạy ngay đến nhà nữ công tước, định thuật lại cuộc nói chuyện giữa ông và Rassi. Ông thấy bị cấm cửa, người gác cổng hầu như không dám nói thật cái lệnh từ miệng bà chủ truyền ra. Ông buồn bã trở về dinh thủ tướng. Cái tai họa vừa giáng xuống đầu ông át hẳn niềm vui dấy lên qua cuộc trao đổi với người tâm phúc của quận vương. Không còn tâm trí để làm bất cứ việc gì, bá tước buồn bực đi thơ thẩn trong phòng treo tranh. Mười lăm phút sau, ông nhận được mảnh giấy này: “Ông bạn quí mến, nếu đúng chúng ta chỉ còn là bạn với nhau, thì mỗi tuần ông chỉ nên đến nơi tôi ba lần thôi. Mười lăm hôm nữa, chúng ta sẽ giảm xuống mỗi tháng hai lần những cuộc viếng thăm mà lòng tôi rất qúy chuộng đó. Nếu ông muốn làm đẹp lòng tôi thì hãy truyền báo rộng rãi cái tin đoạn tuyệt này. Nếu ông muốn đền đáp cho tôi tất cả niềm yêu đương của tôi đối với ông ngày trước, thì ông hãy chọn một người yêu khác, về phần tôi, tôi có những dự định xa hoa, phóng túng lớn: Tôi muốn có mặt nhiều ở xã hội thượng lưu, biết đâu tôi không tìm được một người thông minh làm khuây khỏa những tai ương mà tôi gặp phải. Chắc chắn với tính cách là bạn thân, ông sẽ chiếm vị trí thứ nhất dành sẵn trong tim tôi, nhưng tôi không muốn cho người ta cứ nói là tôi làm gì cũng do óc thông minh của ông quyết định, nhất là tôi muốn người ta biết rõ tôi không còn có ảnh hưởng gì đối với những quyết định của ông. Tóm lại, bá tước thân mến ạ, ông hãy tin ông vẫn luôn luôn là người bạn thân thiết nhất của tôi, và cũng không là gì khác. Xin ông vui lòng đừng nghĩ đến việc quay trở lại, nên coi là đã hết tất cả. Hãy tin mãi mãi vào tình bạn của tôi”.
Cái đòn cuối cùng này đau quá, bá tước không đủ can đảm chịu đựng. Ông viết một bức thư rất hay cho quận vương xin từ mọi chức vụ và ông gửi thư đó đến bà công tước, yêu cầu bà cho đưa đến hoàng cung. Lát sau, ông nhận lại bức thư từ chức xé làm tư, ở một khoảng trống, bà công tuớc hạ cố viết lên mấy chữ: Không, một nghìn lần không!
Không thể diễn tả sự tuyệt vọng của thủ tướng tội nghiệp. Ông nghĩ thầm: “Nàng nói phải, ta công nhận, ta quên mất, chứ vụ án bất công là một tai họa ghê gớm. Nó có thể đưa đến cái chết của Fabrice và cái chết đó sẽ dẫn đến cái chết của ta. Không muốn đến cung điện hoàng thân trước khi được gọi, tự tay ông viết tờ sắc phong[90] cho Rassi trong lúc lòng đang chết điếng, sắc chỉ ban huân chương Saint Paul và phong quí tộc truyền cho hắn. Ông đính theo một tờ sớ nửa trang trình bày những lý do quốc gia cần phải làm như thế. Ông tìm thấy một chút khuây khỏa ngao ngán trong việc chép hai công văn ấy và hai bản sao đẹp gửi cho bà công tước.
Bá tước loay hoay với nhiều giả thuyết. Ông đoán xem đường lối xử thế tương lai của người yêu. “Chính nàng cũng không biết đâu, ông tự hào. Chỉ có một điều chắc chắn là không gì trên đời này khiến cho nàng vi phạm những quyết định mà nàng đã một lần tuyên bố với ta. “Điều càng làm cho ông đau khổ và ông không thấy công tước phu nhân đáng trách. Nàng ban tình yêu cho ta, bây giờ nàng không yêu nữa vì lỗi của ta, lỗi lầm vô ý thức, đúng, nhưng có thể đưa đến hậu quả kinh khủng, cho nên ta không có quyền phàn nàn”.
Hôm sau, bá tước được biết là nữ công tước đã lại ra mắt giữa giới quyền quí, tối hôm trước, bà đã đến tất cả mọi nhà có tiếp khách. “Điều gì sẽ xảy ra nếu ta gặp nàng ở cùng một phòng khách nhỉ? Ăn nói với nàng thế nào? Dùng giọng lưỡi gì để nói chuyện? Làm sao mà không nói gì với nàng cho được?”.
Ngày hôm sau là một ngày ảm đạm. Có tin đồn rộng rãi là Fabrice sắp bị xử tử, dân phố xôn xao. Người ta còn nói thêm rằng quận vương thế tất dòng họ đại thế gia của y, đã quyết định xử chém.
“Chính ta giết nó, bá tước tự nhủ. Ta không mong gì tái hợp với nàng rồi!”. Mặc dù luận ra cái lẽ khá rõ như thế, ông vẫn không tự ngăn mình khỏi đến trước cổng nhà nữ công tước ba lần. Nói cho đúng, ông đi bộ, để cho người ngoài đừng để ý. Trong cơn tuyệt vọng, ông lại đánh bạo viết thư nữa. Ông cho gọi Rassi hai lần, Rassi không đến. “Tên đểu này phản ta rồi”. Bá tước tự bảo.
Ngày hôm sau, ba tin đồn quan trọng làm cho giới thượng lưu Parme, cả giới thị dân nữa xôn xao. Tin sắp xử tử Fabrice đã chắc chắn và bổ sung tin này, có cái tin lạ lùng là nữ công tước không có vẻ gì thất vọng cho lắm, căn cứ vào vẻ bên ngoài thì bà chỉ thương tiếc anh nhân tình trẻ này vừa phải, trong khi đó bà lại vô cùng khéo léo ở ngón trang điểm, để lợi dụng nước da trắng xanh vì một cơn cảm mạo khả năng xảy ra lúc Fabrice bị bắt. Qua những chi tiết ấy, tầng lớp thị dân xác định lòng dạ của một bà ở chốn cung đình xưa nay vẫn khô khốc bạc bẽo như thế thôi. Tuy nhiên vì thể diện và cũng như để an ủi linh hồn Fabrice nơi chín suối, bà đoạn tuyệt với bá tước Mosca. Những nhà đạo đức nghiêm nghị Parme thì kêu: “Vô hạnh đến thế là cùng!”. Nhưng mà, có khó tin không? Bà công tước tưởng như đã nghiêng tai sẵn sàng nghe những lời đường mật của mấy thanh niên tuấn tú nhất trong triều. Người ta để ý thấy một trong những điều kỳ lạ là bà ta nói chuyện rất vui vẻ với bá tước Baldi, người tình hiện tại của mụ Raversi, và chế diễu anh chàng nhiều về việc anh ta hay đi đến lâu đài Velleja. Đám tiểu tư sản và bình dân bất bình với cái chết của Fabrice và qui tội cho sự ghen tuông của bá tước Mosca. Giới cung đình cũng bàn tán nhiều về bá tước, nhưng để mà chế diễu. Cái tin thứ ba trong ba tin lớn mà chúng tôi đã báo chính là việc bá tước từ chức, ai cũng chế nhạo người tình nhân lố bịch đã năm mươi sáu tuổi còn hy sinh một địa vị tuyệt vời vì nỗi sầu muộn bị một người đàn bà tàn nhẫn ruồng bỏ, mà mụ này thì từ lâu đã yêu quí một thanh niên hơn hẳn mình. Chỉ ông tổng giám mục là đủ hiểu biết, nói đúng hơn, đủ thông cảm để đoán thấy vì danh dự, bá tước không thể cứ làm thủ tướng ở một nước mà người ta sắp đem chặt đầu người ông che chở, không hỏi ý kiến ông. Tin bá tước từ chức có hiệu lực làm lành bệnh thấp khớp của tướng Conti, chúng tôi sẽ nói đến đúng lúc, khi chúng tôi thuật về cách Fabrice sống ở ngục thành trong khi cả thành phố xôn xao hỏi thăm ngày giờ hành hình anh ta.
Ngày hôm sau bá tước thấy Bruno trở về, Bruno là người thủ hạ trung thành ông đã phái đi Bologne. Ông xúc động khi anh ta vào buồng, nhìn thấy anh, ông hồi tưởng tâm trạng hạnh phúc của mình khi phái anh đi Bologne gần như với sự đồng tình của nữ công tước. Bruno không khám phá được gì hết ở Bologne, anh không tìm thấy Ludovic, viên thị trưởng Castelnovo đã bắt giam anh ấy tại nhà lao thị trấn.
— Tôi phái anh đi Bologne lần nữa, bá tước bảo. Công tước phu nhân tìm thấy một thích thú xót xa ở việc moi ra cho biết các chi tiết về cái tai họa của Fabrice. Anh hãy gặp viên sen đầm coi bót Castelnovo…
Nhưng không! Bá tước tự cãi lệnh. Hãy đi ngay đến xứ Lombardie phân phát tiền bạc, phân phát nhiều vào cho những người thông tin của ta ở đấy. Mục đích của ta là đòi được ở các người ấy những báo cáo gây tin tưởng nhất.
Khi Bruno đã hiểu rõ mục đích công cán của mình, thì bá tước viết mấy thư giới thiệu. Trong khi dặn dò anh thủ hạ những điều cuối cùng, ông nhận được một bức thư rõ ràng là giả dối, nhưng viết rất hay, có thể nói của bạn viết cho bạn để cậy giúp một công việc. Người bạn viết thư đó chính là quận vương. Nghe đồn có những dự định rút lui như thế nào đó, ông van bạn ông, bá tước Mosca hãy ở lại nội các, ông yêu cầu nhân danh tình bạn và những hiểm nguy của tổ quốc, và ông ra lệnh nhân danh là chủ. Ông nói thêm rằng vua nước X vừa tặng ông hai huân chương thượng đẳng của người, ông giữ một, còn một gửi cho bá tước Mosca thân mến của ông.
“Con bò này hại ta! Bá tước giận dữ quát trước mặt anh Bruno sửng sốt, hắn tưởng cám dỗ ta được với những lời giả dối đã nhiều lần hắn và ta xếp đặt để đưa một thằng ngốc nào đó vào tròng”. Ông từ chối cái huân chương mà quận vương ban và trong thư trả lời, ông nói tình trạng sức khỏe không cho phép ông có nhiều hy vọng thực hiện lâu dài những nhiệm vụ nặng nề của nội các, ông giận lắm. Lát sau, người ta bảo có quan chánh án Rassi đến, ông đối đãi với hắn như một người da đen.
— Ái chà! Vì tôi đã đẩy ông lên hàng quí tộc, ông bắt đầu kiêu căng rồi! Tại sao hôm qua không đến cảm ơn tôi, làm cái bổn phận tối thiểu đó của ông, hở ông lên mặt?
Tay Rassi vốn là người chẳng thèm chấp những lời mắng nhiếc, hắn được hoàng thân tiếp với giọng đó hàng ngày. Nhưng hắn muốn được làm nam tước tự bào chữa một cách thông minh. Chẳng khó khăn gì.
— Hôm qua, hoàng thân bắt tôi ngồi chết dí trước bàn cả ngày. Tuồng chữ biện lý của tôi xấu là thế, mà ngài cứ bảo tôi sao chép một mớ công văn ngoại ngữ ngớ ngẩn và dài dòng đến nỗi tôi ngờ mục đích duy nhất của ngài thực ra là cầm tù tôi. Khi cuối cùng tôi xin cáo từ được, vào lúc năm giờ chiều, người lả đi vì đói thì ngài ra lệnh cho tôi về thẳng nhà và đừng đi đâu hết trong buổi tối. Quả có hai thám tử riêng của hoàng thân, mà tôi biết mặt, lảng vảng ở đường phố chỗ tôi đến nửa đêm. Sáng nay, khi có thể đi được thì tôi gọi một cái xe đưa tôi đến tận cửa nhà thờ lớn. Tôi bước xuống xe rất chậm rãi rồi đâm đầu chạy xuyên qua nhà thờ và xin có mặt! Quan lớn hiện nay là người quyền quí mà tôi say sưa muốn được làm vừa lòng.
— Còn tôi, ông hề tuồng ạ, tôi không mắc lỡm vì mấy cái chuyện khéo bịa của ông. Hôm kia, ông không chịu nói gì với tôi về Fabrice. Tôi đã tôn trọng những băn khoăn và nhưng lời thề thốt của ông liên quan đến điều bí mật, mặc dù những lời thề của một người như ông bất quá chỉ là những phương tiện để đầu hàng. Hôm nay, tôi muốn biết sự thật. Những tin đồn nhảm nhí nói rằng Fabrice bị kết án tử hình vì đã giết tên Giletti là thế nào?
— Không ai có thể báo cáo với quan lớn về những tin đồn ấy rõ hơn tôi, bởi vì chính tôi cho phao những tin đồn ấy theo lệnh hoàng thân. Bây giờ tôi mới nghĩ ra, có lẽ vì muốn ngăn ngừa tôi thuật lại với ông cho nên hôm qua ngài cứ giữ tôi cả ngày. Hoàng thân vốn không cho tôi là một thằng điên dại, cho nên ngài đinh ninh là tôi phải mang cái huân chương đến quan lớn và van xin quan lớn ghim vào ve áo cho tôi.
Thủ tướng la lớn:
— Đi vào sự việc đi! Và đừng lắm lời!
— Không nghi ngờ gì nữa, hoàng thân muốn có một bản án tử hình đối với ông Dongo, nhưng ngài chỉ có một bản án hai mươi năm xiềng xích[91] như bá tước đã biết, cái bản án ấy ngày hôm sau lại do ngài hoán cải xuống mười hai năm cấm cố ngục thành, với chế độ bánh nhạt nước trong những ngày thứ sáu và những ngày lễ của nhà thờ.
— Vì tôi chỉ biết cái án cấm cố ngục thành đó mà thôi, cho nên tôi lo ngại về những tiếng đồn xử tử loang rộng trong thành phố. Tôi còn nhớ cái chết của bá tước Palanza mà ông che đậy quá khéo.
— Ấy lúc đó chính là lúc tôi đang được thưởng huân chương! Rassi kêu to, không mảy may bối rối. Đáng lẽ tôi phải thắt dây khi đã nắm được mối, bởi vì ông ta muốn có cái chết ấy. Hồi đó tôi là một thằng ngốc. Nắm kinh nghiệm ấy, ngày nay tôi dám khuyên bá tước không nên bắt chước tôi. (Sự so sánh ấy, ông thủ tướng thấy khả ố quá, phải dằn lòng mới không đá đít Rassi).
— Ông làm thế là khôn đó, bá tước nói và quắc mắt nhìn Rassi, dáng nghiêm khắc.
— Phải phân biệt. Rassi mỉm cười nói tiếp. Tôi, tôi chỉ có quyền đối với những cái chết chính thức, nếu ông Del Dongo chết vì đau bụng thì chớ có quy trách nhiệm cho tôi. Tôi không biết vì sao mà hoàng thân giận ả Sanseverina quá đỗi (ba hôm trước hẳn Rassi đã gọi công tước phu nhân, nhưng nay thì cũng như cả thành phố, hắn biết bà và thủ tướng đã đoạn tuyệt).
Bá tước kinh ngạc về việc một tên hèn hạ như thế đã tước mất danh hiệu của nữ công tước, và ta có thể đoán ông lấy làm thú vị như thế nào! Ông đưa đôi mặt hừng hực thù hằn nhìn Rassi, rồi ông nhắn thầm: “Hỡi nữ thiên thần của ta, ta chỉ có thể chứng tỏ tình yêu của ta bằng cách nhắm mắt làm theo lệnh nàng”.
— Tôi thú thật với ông là tôi không tha thiết gì với những cơn cao hứng của công tước phu nhân. Tuy nhiên vì bà ấy đã gửi gắm cái thằng Fabrice bất trị ấy cho tôi, đáng lẽ hắn cứ ở Naples chứ đừng đến đây làm rối mù công việc của chúng ta, tôi không muốn hắn bị giết trong khi tôi còn tại vị. Tôi vui lòng hứa với ông rằng ông sẽ được phong nam tước trong khoảng tám hôm sau khi hắn ra tù.
— Thưa bá tước, nếu vậy thì tôi chỉ được phong tước nam già dặn mười hai năm nữa, bởi vì hoàng thân giận ghê gớm và căm thù bà công tước sâu sắc đến nỗi ngài tìm cách giấu đi.
— Điện hạ tốt thật! Ngài cần gì giấu lòng căm ghét của ngài khi quan thủ tướng của ngài không che chở cho nữ công tước nữa? Tuy nhiên tôi không muốn người ta bảo tôi là đê tiện, nhất là ghen tuông, chính tôi đã đưa bà công tước đến xứ này, cho nên nếu Fabrice chết trong nhà lao thì ông sẽ không là nam tước, mà có lẽ bị đâm chết cũng nên. Nhưng hãy gác lại cái chuyện vặt vãnh đó, vấn đề là tôi đã kết toán gia sản của tôi, chỉ được ngót hai vạn francs thực lợi, xong tôi đã kính cẩn đệ đơn xin từ chức lên nhà vua. Tôi có ít nhiều hy vọng được quốc vương Naples thu dụng, thành phố lớn ấy sẽ cho tôi những thứ giải trí lúc này tôi đang cần mà không thể tìm thấy ở cái hốc Parme này. Tôi chỉ ở đây cho đến khi ông làm mối quận chúa Isota cho tôi thành công mà thôi v.v…
Câu chuyện kéo dài bất tận trên hướng ấy. Khi Rassi đứng lên, bá tước nói, vẻ lơ đễnh:
— Ông biết người ta nói Fabrice lừa tôi, nghĩa là hắn là một trong những nhân tình của bà công tước, tôi không thừa nhận chuyện đồn đại ấy và để cải chính, tôi muốn ông trao túi tiền này cho Fabrice.
Rassi đâm hoảng nhìn túi tiền nói:
— Nhưng thưa bá tước, số tiền trong đó to quá và quy chế…
— Có thể là to đối với ông, ông bạn thân mến ạ, bá tước đáp với cái vẻ khinh bỉ cao độ, một anh tư sản như ông, khi gửi tiền cho bạn ở trong tù, gửi mười đồng vàng đã tưởng mình khánh kiệt. Tôi muốn Fabrice nhận sáu nghìn francs này và cần nhất là cung đình không được hay biết gì hết về việc trao gửi này.
Vì Rassi hoảng sợ toan trả lời, bá tước sốt ruột đóng cửa lại. “Cái ngữ ấy chỉ thấy uy quyền đằng sau sự ngạo mạn” Ông nói thế rồi làm một việc quá lố bịch đến nỗi chúng tôi thuật lại mà cũng thấy ngại. Ông chạy vào bàn giấy lấy một bức chân dung nhỏ của nữ công tước cầm lên hôn lấy hôn để, hôn say sưa. “Xin lỗi em, nữ thiên thần của anh. Ông kêu lên, anh xin lỗi em vì không tự tay tóm tóc ném qua cửa sổ cái thằng đã dám nói về em một cách khinh bỉ. Anh xử sự quá điềm tĩnh như vậy là vì vâng lệnh em! Hắn cứ chờ đó mà xem, có thiệt gì!”.
Thầm thì mãi với bức chân dung xong, cảm thấy lòng quá ngao ngán, ông nghĩ ra một việc buồn cười và sốt sắng thi hành. Ông gọi hầu phòng lấy cho một cái áo có đính các huân chương và mặc đến thăm bà quận chúa già Isota. Cả đời ông chỉ đến đó vào dịp đầu năm. Bà mặc rất diện, ngồi với mấy con chó của bà, đeo cả kim cương như khi đi vào triều. Bá tước tỏ ý lo có quấy rầy công nương chăng, vì hình như công nương sắp đi đâu, công nương trả lời với thủ tướng là một quận chúa Parme phải giữ thế của mình bằng cách luôn luôn ăn mặc như thế. Lần đầu tiên sau khi gặp tai họa, bá tước cảm thấy vui vui. “Ta đến chỗ này là phải lắm, ông tự hào, và ngay từ hôm nay phải tỏ tình đi”. Quận chúa rất sung sướng được thấy một người nổi tiếng thông minh, một thủ tướng đến thăm viếng mình, cô gái già không mấy khi được tiếp nhưng người như thế. Bá tước bắt đầu bằng những lời phi lộ khéo léo về khoảng cách lớn lao giữa một người quí tộc bình thường và một người trong hoàng gia. Quận chúa đáp: Phải biết chỗ khác nhau, công chúa của một ông vua nước Pháp chẳng hạn, không có hy vọng gì đội vương miện một ngày nào đó, sự việc không diễn ra như thế trong hoàng gia Parme. Bởi vậy những người họ Farnèse chúng tôi phải luôn luôn giữ phẩm giá bên ngoài. Và tôi, một quận chúa tầm thường như ông thấy, tôi không thể nói tuyệt đối rằng ông sẽ không là thủ tướng của tôi một ngày kia.
Cái ý kỳ quặc bất ngờ này lại làm cho ông bá tước đáng thương được cười thầm thú vị một lần nữa.
Quận chúa Isota đỏ mặt xấu hổ khi nghe ông thủ tướng bảy tỏ tình yêu của mình. Ra khỏi phủ quận chúa, ông gặp một sĩ quan hầu cận ở hoàng cung, hoàng thân cho triệu ông cấp tốc.
— Tôi ốm! Ông thủ tướng rất thú được dọt vương chủ của mình một lần chơi, nên đáp như vậy, rồi giận dữ thét to:
- Chà! Chà! Ngài đẩy tôi đến chỗ cùng đường, rồi ngài còn muốn tôi phụng sự ngài. Ngài quận vương của tôi ạ, ngài nên biết rằng ở thời đại này, nhận vương quyền do thượng đế ban chưa đủ, muốn làm một ông vua chuyên chế phải rất thông minh và có chí khí.
Viên sĩ quan hầu cận rất thắc mắc về khỏe mạnh của người ốm đó, sau khi cho anh ta lui, bá tước thấy nên đến hai nhân vật ở triều đình có ảnh hưởng nhất đối với tướng Fabio Conti. Điều khiến cho bá tước rùng mình lo ngại và nản lòng là quan trấn thủ ngục thành bị dư luận qui tội là trước đây, vì thù hiềm riêng ông đã trừ khử một viên đại úy bằng chất aquetta[92] xứ Pérouse.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme