Trư Cuồng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần IV - - Cực Thiên Thai
ơn hoảng nôt bệnh tật dẫn tôi từ xứ Quái đến xứ Đợi Chờ, từ nỗi mong nóng bỏng của tôi bay sang Bãi Chết, ở đó tim tôi bị đâm thủng.
Tôi nằm lặng trong tối đêm mê sảng. Hoảng nộ ghé tai tôi hứa hẹn sẽ cho tôi du hành khắp vương quốc tối mò, đi tìm những gã khổng lồ mù loà, câm điếc, có sức mạnh lay chuyển địa cầu, chỉ một cái vẫy tay đã xây nên ngàn vạn lâu đài, rồi lại một cái vẫy cờ đen làm thế gian điên đảo.
Một nỗi nhớ màu đen, một cơn thèm những miền bóng tối, một u hoài nguyên thủy, một hành trình trở về cội nguồn.
Mẹ ơi! Con muốn khóc, vì hình như có bàn tay mẹ âu yếm. Con thu hình bé bỏng, nước mắt cứ tuôn và lòng bỗng vơi nhẹ.
Tiếng ạ ời của mẹ ta, hay tiếng gọi buồn xứ chết? Chưa đâu! Mẹ chưa gọi con về. Phải đi cho hết đã. Phải đến bến bờ nào xa lạ nhất. Hãy đến mà tự nghiệm, mà sống cho đến tận cùng của những xung động thần kinh. Ta cho con du hành tới một xứ sở hoang đường cổ tích. Cho con du hành tới tương lai. Đó là xứ sở đẹp nhất, cực lạc nhất mà ta tạm gọi là Cực Thiên Thai. Từ dày đặc sương mù hỗn mang, chiếc máy bay kỳ lạ đã dẫn tôi đến một vùng ánh sáng rực rỡ có đủ sắc cầu vồng: xứ Cực Thiên Thai.
Cánh cửa đột nhiên toang mở.
Ánh sáng hồng hào ào vào bóng tối. Chói lòa, đấy là cảm giác đầu tiên về xứ Thiên Thai.
Tiếng hát, tiếng đàn, tiếng cười vang lên. Và một tiếng loa dứt khoát tuyên ngôn.
"Ở đây chỉ có tiếng cười!"
Thật mâu thuẫn. Ở cái xứ sương mù mà tôi đã qua, (ảo mộng này đã bị xóa trong trí nhớ), cô bé ưu phiền đã trách cứ tôi vì không còn nước mắt; thì ở đây nước mắt lại là tội lỗi. Tiếng loa không nói tuột ra điều ấy; bởi vì sắc điệu của tiếng loa thật là nghiêm nghị, nó như vẻ mặt của ông thầy tu đang rao giảng, có lúc nó như cái giọng khắc khổ của ông thầy giáo; và có thể nói nó như khuôn mặt lạnh băng của viên chánh án.
Bên trong tôi, chợt một tiếng thầm vang lên chỉnh đốn: "Chớ vội vã, hãy mở lòng, hãy giang rộng cánh tay ra để đón nhận những điều kỳ diệu mà con người chưa từng thấy từ trước tới nay."
Mắt tôi đã quen dần cùng ánh sáng.
Thì ra tôi đang đứng giữa một sân ga. Một chiếc máy bay kỳ lạ nào đó đã mang tôi đến xứ Thiên Thai. Ngàn vạn ngọn đèn đủ màu sắc đang nhấp nháy chào đón. Cô phát thanh hướng dẫn khách du lịch bằng một giọng ngọt ngào mời mọc:
- Xin mời quí khách biết nói tiếng Anh đến trước cửa lâu đài có chiếc đèn màu đen.
Tôi ngẩn người: "Có ánh sáng màu đen sao?" Khoa học không công nhận màu đen. Qua lăng kính phân tích ánh sáng không thấy màu đen trong sắc cầu vồng. Nhưng, trên thực tiễn, nó vẫn tồn tại.
Kìa! Trên sân ga Thiên Thai, cái màu đen đang tỏa sáng. Đó là viên ngọc màu đen, hoặc một viên kim cương đen khổng lồ phát sáng. Khi cô phát thanh dứt lời, thì đột nhiên ở một lầu đài giữa sân ga, một viên ngọc đen to như cái chum, trụ chót vót trên một cột cao ở đỉnh lâu đài, chợt khởi sáng. Mới đầu, nó rực lên lung linh, sau đó nó tỏa ra một vầng hào quang càng ngày càng mạnh, cuối cùng ta cảm giác như nó đang bắn ra muôn vàn những tia sáng màu đen. Thật kỳ dị! Những tia màu đen vừa chói sáng.
Quang cảnh sân ga thật hoang đường. Màu đen chợt ôm trùm cảnh vật... Những ngôi nhà khoác áo đen, những con người khoác áo đen. Quái lạ chưa! Đen thế mà vẫn thấy mặt nhau; những khuôn mặt đột nhiên biến vẻ. Những hàm răng! Chỉ riêng răng là không nhuốm màu đen. Không hiểu có một phản ứng nào đó nên ánh sáng đen không bắt được vào hàm răng. Vì thế cho nên giữa một không gian màu đen, những hàm răng chợt được tăng hết độ trắng. Trắng nhởn... trắng phau.... trắng bóng... trắng toát... Bên cạnh tôi, một người chợt phá lên cười. Trong hàm răn nhọn của anh ta sao mà đáng sợ. Nhìn hàm răng ấy tôi cũng bật cười theo. Và tôi chợt hiểu, xứ Thiên Thai đã sử dụng những kỹ thuật đặt biệt của mình, để bắt du khách mới đặt chân tới phải phát ngay ra tiếng cười đồng lõa cùng với họ. Tôi liếc mắt nhìn chung quanh. Mọi người đều đang cười. Những hàm răng đều nhe ra hết. Nhìn những hàm răng ấy, đột nhiên tiếng cười trong tôi tắt ngấm. Tôi nhìn ra xa... Trông chiếc máy bay đậu trên đường băng sao giống hình con quạ. Cô gái Thụy Điển tóc bạch kim chợt biến hình như một bà già.
Những tia sáng đen được gia tăng hết cường độ. Bầu trời lóe lên. Đó là một trận bắn pháo hoa màu đen. Những chùm hoa đen rơi từ trên trời xuống, gây cho ta một cảm giác lo lắng nhưng vô cùng hấp dẫn. Thần kinh ta căng lên mỗi khi cảm thấy những chùm hoa đen kia như một tấm lưới đang chụp lên đầu ta. Tôi chợt nghĩ tới một câu, mà hình như tôi đã đọc được ở đâu đây:
" Màu đen là màu sáng nhất. Màu đen cũng là màu hấp dẫn nhất."
Lẽ dĩ nhiên, khách sạn của những người biết nói tiếng Nga phải được trang điểm bằng ngọn đèn đỏ, ngôi sao đỏ. Những phát thần công nổ rung trời. Những chùm pháo hoa đỏ đan vào những chùm hoa đen. Ánh sáng của chúng tưới lên mặt người, tranh nhau lúc đỏ lúc đen, làm những khuôn mặt biến hình liên tục; lúc hồng, lúc đen nhờ, lúc đỏ chói, lúc đỏ bầm, lúc màu hoa hiên, lúc đen như chôn chảo... Những hàm răng trắng nhởn lúc trước, khi gặp màu đỏ hàm răng mờ đi, khi gặp màu đen cảm giác như chúng lại nhe ra. Cảm giác gây cười lúc trước đã hết, lúc này còn đọng trong ta là sự sợ hãi.
Rồi bầu trời chợt như được rạch làm đôi: một bên là ánh kim cương, một bên là hừng hực lửa cháy, ở đường ráp ranh ngoằn ngoèo một con rồng đỏ và một con rắn đen. Chợt dâng lên cảm giác như một cuộc hiến máu thời nguyên thủy. Những Gôgôn, Tônstôi, Đốt mặc áo đạo sĩ đang giang tay rộng, ngửa mặt lên trời mà cầu khẩn:
- Ôi Thượng đế! Phải chăng cần rửa bằng máu mới sạch được những tôi lỗi của thế gian này? Mới xây dựng lại được thế gian này?
Tôi choáng váng như người vừa uống xong một ly rượu ma quái. Thần kinh vẫn còn rung như sợi tơ đàn. Tôi chệnh choạng bước về ngôi nhà khách Việt Nam mà ngọn đèn hiệu là quả tên lửa màu da cam. Đất quê tôi đã hứng đựng quá nhiều bom đạn, đến nỗi sắc màu chiến tranh còn dư đọng trên ngọn đèn hồng. Ôi! Màu da cam tên lửa! Cội nguồn của ung thư, gốc rễ của những đứa con quái thai...
Mệt quá vì một cuốn phim ứ màu sắc. Căng thẳng quá vì một cuộc chiến tranh màu sắc. Ôi! Đen đen, đỏ đỏ, tím tím, vàng vàng, mà làm chi!
Tôi khát, tôi khát... Tôi thèm một dòng suối... Tôi thèm một cánh cò... Tôi thèm một màu xanh biển lúa...
Tôi lại vào căn nhà khách, nằm lăn ra nền, và đánh một giấc ngủ dài lại sức.
Tôi tỉnh dậy đã thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi chờ ở ghế sa lông. Cô vui vẻ:
- Chào ông Hoàng. Ông ngủ một giấc ngon chứ?
- Cô là ai? - Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Em tên là Mi. Em là phục vụ viên, hướng dẫn viên du lịch, và kiêm cả việc phiên dịch nữa. Chắc là ông cần đến em.
Lẽ dĩ nhiên, tôi phải cần đến sự giúp đỡ của cô gái xinh đẹp kia. Chúng tôi làm thân với nhau khá nhanh chóng.
Theo Mi, tôi được biết mình đang sống ở một xứ sở kỳ lạ, một nơi ở đó người ta đang thực hiện những mơ ước tốt đẹp nhất của loài người. Tôi gọi xứ này là Cực-Thiên- Thai, còn nhân dân ở đây gọi nó là Xứ-Không-Nước-Mắt; bởi vì không một con người nào của xứ này biết khóc. Mi hỏi tôi rất ngây thơ:
- Nước mắt thế nào hở ông?
Tôi trả lời:
- Nó như những giọt sương, những giọt ngọc mà đêm buồn đã đánh rơi trên lá cỏ.
- Thế... sương là gì?
Tôi chợt ngớ người ra. Mới đầu, tôi tưởng cô ta đùa bỡn vì cách trả lời của tôi có chút cầu kỳ kiểu cách; nhưng nhìn đôi mắt rất thàn thật của Mi, tôi mới hiểu cô không đùa mà vì cô không biết thật. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì một cô gái xinh đẹp nhường kia lại không biết mặt những giọt sương. Chẳng lẽ nào cô không có một chút thơ thẩn trong cuộc đời, một chút bâng khuâng về tình yêu chẳng hạn; tôi biết vào những giờ phút đó, những cô gái thường một mình đi ngắm cảnh chiều, hoặc vơ vẩn bên một cánh hoa hồng ngậm sương mai. Sau tôi mới vỡ lẽ ra một điều: Xứ-Không - Nước - Mắt là một xứ cực kỳ khoa học. Cả đất nước này là một gian phòng điều hòa nhiệt độ khổng lồ. Ở đây không có những khái niệm: tuyết, rét, nóng, bão... Ở đây chỉ có mùa xuân. Mưa theo ý muốn. Nắng theo ý muốn. Gió theo ý muốn... Lẽ dĩ nhiên, các nhà bác học có thể tạo ra sương sớm, tạo ra những giọt ngọc thiên nhiên; nhưng có lẽ những sương ấy quá ư là phù phiếm, và có lẽ chúng thuộc về phạm trù gợi buồn, nên người ta đã quyết định không tạo ra chúng.
Chính vì lẽ đó nên tôi đã mất cả tiếng đồng hồn để giải thích, để miêu tả và để làm trực quan của cô Mi hiểu. Tôi lấy một ống pi-pét hút nước lên, rồi khéo léo để rơi giọt nước nhỏ lóng lánh, cho nó nằm đậu trên một cánh hồng nhung. Tôi nói:
- Em hãy tưởng tượng có một chàng trai yêu em, rồi một hôm nào đó, anh ta lại đi với một cô gái khác; chắc chắn em sẽ "buồn"... à, xin lỗi... em sẽ bâng khuâng. (Tôi phải vội vã chữa lại cách nói, vì cô gái mới cho tôi biết, ở đây không một người dân nào được phép nói đến chữ buồn, vì chữ đó là một chữ phạm húy)
Cô Mi chợt phá lên cười:
-Ông ủy mị quá, ở xứ này, các cô gái không bao giờ bâng khuâng như thế. Bởi vì mất chàng trai A21 này, ta lại có chàng trai A21 khác.
Đến lượt tôi trở nên ngớ ngẩn. Tôi hỏi:
- Cô nói A21 là thế nào? Tôi chẳng hiểu.
Cô gái giải thích:
- Ở đây, các nhà bác học có thể tạo ra những con người theo đơn đặt hàng. Ví dụ, em thích có một đứa con tóc đen, mắt xanh mũi dọc dừa, hát hay và có năng khiếu về cơ khí. Như vậy em sẽ đến viện sinh đẻ, đưa ra yêu cầu đó. Các nhà bác học sẽ tra bảng tìm xem yêu cầu đó thuộc về mẫu gì? Con của em như thế thuộc về mẫu X.1003. Người ta sẽ ra ngân hàng nhân chủng tìm về một loại tinh trùng nào đó. Mẫu trứng ấy và tinh trùng ấy sẽ gặp nhau trong ống nghiệm. Sau đó mẫu trứng được thụ tinh, người ta sẽ đem nó cấy vào tử cung của em; và em sẽ có một đứa con hoàn toàn theo ý muốn. Và để tránh những bi lụy không cần thiết, bao giờ người ta cũng tạo người theo cặp. Bên cạnh chàng A21 thông thường vẫ có một chàng A21. Ngoài ra, ở viện sinh đẻ người ta còn lưu trữ hồ sơ về dòng A21; có thể có A21k, A21n, A21i... những con người này sẽ hao hao như nhau, có thể họ khác nhau về màu mắt, độ cao, hoặc một sở thích nào đó; và như thế em lại có thể tìm một chàng A21 nào đó theo ý em.
Nghe Mi nói tôi ngạc nhiên đến đờ đẫn:
- Cô nói thế có nghĩa là có thể đẻ ra được một họa sĩ tóc vàng, cao 1, 75m hoặc một nhà toán học mũi cà chua lại biết vẽ, tùy theo com măng?
- Chứ sao! Cô gái cười ròn - Ông sẽ còn được tận mắt xem những điều kỳ lạ khác. Ông cần ghi nhớ: xứ sở này là xứ cổ tích, xứ của huyền thoại, vì ở đây người ta có thể làm ra những điều chỉ xảy ra trong truyện cổ tích.
Ngày nọ, rồi ngày kia... tôi đã lạc vào một xứ mơ. Tôi ngơ ngác lạc vào một khu rừng táo đen; tôi lạ lẫm trước một đàn ngỗng vàng; tôi sửng sốt trước những con bò khổng lồ màu trắng; tôi ngạc nhiên trước những con lợn nặng hàng tấn, chỉ biết nằm mà ăn chứ không biết đứng; tôi ngây ngất trong một biển lúa mênh mông chạy đến tận chân trời. Của cải ê hề đầy rẫy.
Hôm nay, cô Mi dẫn tôi đi thăm một xưởng máy. Cô gái nói:
- Ở nước Mỹ, người ta đã trải qua những giai đoạn: quản lý xí nghiệp bằng dây chuyền, rồi quản lý bằng tâm lý học. Ở đây, chúng tôi quản lý xí nghiệp bằng sinh học, bằng hóa học, bằng vật lý học...
Đây là một xí nghiệp cơ khí. Tôi đến phân xưởng máy tiện. Hơn một nghìn chiếc máy cùng chạy một lúc. Công nhân làm việc bằng bấm nút tự động. Chỉ nghe tiếng máy rít, không một tiếng người. Họ nói chuyện với nhau bằng tín hiệu ngón tay, tín hiệu của người câm.
Thấy chúng tôi vào, họ gật đầu chào. Tôi dừng chân, hỏi chuyện một cô thợ. Cô ta chỉ lắc đầu rồi cười. Mi kéo tay tôi:
- Ông đừng hỏi. Họ không nói được đâu.
Tôi ngạc nhiên đến cực độ:
- Cô bảo sao? Tất cả những người này đều câm?
Mi kéo tôi ra đến sân mới giải thích:
- Tôi đã nói trước với ông rồi. Ở xứ tôi người ta quản lý bằng sinh học, hóa học, vật lý học...
Tôi chợt hiểu. Tôi nói bằng một giọng bực bội:
- Nghĩa là các người đã cho họ uống một loại thuốc hóa học để bắt họ câm, để cho họ chẳng còn nói được nữa?
- Ông chỉ mới hiểu một chút xíu. Trông ông có vẻ phẫn nộ. Có gì đáng phẫn nộ đâu. Câm ở đây là câm có thời hạn. Buổi sáng đến xưởng, công nhân được uống thuốc để tăng lực, đồng thời để mất tiếng nói trong vòng bốn tiếng đồng hồ (ở đây, một ngày chỉ làm việc bốn tiếng). Sau bốn tiếng, con người lại nói năng như thường. Đây là sáng kiến vĩ đại của giáo sư Z25. Ta biết rằng khi nói chuyện với nhau, con người sẽ mất thời gian, sẽ tiêu hao năng lượng một cách phí phạm, sẽ làm cho óc phân tán không tập trung vào lao động, và gây nhiều giờ chết. Sáng kiến của tiến sĩ Z25 từ khi ra đời đã làm năng xuất của toàn xứ sở tăng 50 %.
Tôi đi từ bàng hoàng này đến bàng hoàng khác. Qua câu chuyện, Mi còn lộ cho tôi biết ở đây người ta còn dùng cả hóa học vào pháp luật. Ví dụ ăn cắp từ một đến mười đồng thì phải phạt câm trong một tháng; uống rượu say phải phạt câm nửa năm; gây gổ đánh nhau, phải phạt liệt chân trong một tháng; buồn rầu bị phạt mù tạm thời từ một tháng đến ba năm.
- Trời ơi! - Tôi kêu lên - Buồn rầu mà bị trừng phạt nặng nề đến thế sao?
- Buồn rầu là một tình cảm sa đọa, nó chỉ thuộc về những chế độ thối nát xa xưa. Ở đây, cơm ăn thừa mứa, quần áo anh mặc quá dư dật; tiện nghi quá đầy đủ... Sinh hoạt trai gái tùy anh lựa chọn... Vậy thì, tại sao anh buồn? Người nào buồn, kẻ ấy là sâu mọt của xã hội.
Thấy cô gái đang quá ư hùng hồn, tâm thể đang ở trong một trạng thái phấn khích, tôi biết mình đã động chạm đến một điểm nhạy cảm nhất. Có thể đó là một điểm húy kỵ của xứ sở, vì vậy tôi vội lảng sang chuyện khác. Tôi hỏi sang chuyện hôn nhân gia đình vì chắc đó là đề tài lý thú. Quả nhiên cô gái chợt vui vẻ hẳn lên:
- Ở đây, chúng tôi lấy nhau hoàn toàn tự do. Sinh hoạt trai gái đã trở nên một sinh hoạt hoàn toàn vui thú. Kinh tế không dính líu vào quan hệ nam nữ. Bởi vì kinh tế được đồng loạt hóa, không ai giàu nghèo hơn nhau.Gia đình cũng thay đổi đến tận cội rễ. Gia đình cũ gồm hai vợ chồng và con cái nay đã bị phá bỏ, bởi lẽ, chính vì người ta quá chăm lo đến gia đình tế bào, nên con người sinh ra tư hữu, chỉ biết bo bo làm giàu cho gia đình, từ đó gây ra bao rối loạn xã hội. Bây giờ, chúng tôi có những đại gia đình, gồm nhiều ông bà, nhiều vợ chồng, nhiều con cái cùng sống chung với nhau. Chắc ông sẽ hỏi tôi về vấn đề con cái? Xin trả lời: sự giao cấu tự nhiên, thụ thai tự nhiên chỉ đẻ ra những đứa con ốm o, quái gở. Vấn đề sinh đẻ thuộc về kế hoạch nhà nước, một kế hoạch có tầm số một. Công dân có quyền lợi và nghĩa vụ cần phải thực hiện kế hoạch ấy. Ví dụ, nhà nước năm nay cần đẻ thêm mười nghìn dân, trong đó, chín nghìn công nhân, mười nhà bác học, chín trăm kỹ sư và chín mươi người làm nghệ thuật các loại. Những người đàn bà phải đến viện sinh đẻ nơi mình ở để đăng ký thực hiện nghĩa vụ sinh đẻ. Tiêu chuẩn mỗi phụ nữ phải đẻ từ một đến ba đứa con, tùy theo từng người. Người ta sẽ căn cứ vào những dữ liệu khoa học nhất để cấy vào tử cung người đàn bà một chiếc trứng đã được thụ tinh và xử lý gien theo ý muốn. Như vậy, trẻ con sinh ra ngày càng khỏe mạnh, bởi vì trứng thụ tinh là do một trang trại giống đảm nhiệm, trứng và tinh trùng đã được chọn lọc rất tinh vi. Có những người đàn bà và đàn ông siêu đẳng về một mặt nào đó, thường hàng tháng phải đến cung cấp trứng và tinh trùng cho trại giống nhân chủng. Ở trại giống K1 của chúng tôi, có đủ các loại trứng đã thụ tinh lại có một Phòng xử lý gien siêu hạng. Trứng đẻ ra các nhà bác học, trứng đẻ ra các công nhân cực khỏe, trứng đẻ ra những cô danh ca siêu đẳng.
Lời giới thiệu của cô Mi làm tôi ngây người. Cảm giác kinh ngạc và lo lắng đồng thời cũng đến. Ở đây, người ta đang làm thượng đế. Ở đây, người ta đang loại trừ tự nhiên. Ở đây, người ta đang quá táo bạo và quá lạc quan. Ở đây, chất xám đang bị chương trình hóa.
Sự thần kỳ thường làm con người ngây ngất kính phục. Sự thần kỳ chiếm đoạt ta, tước bỏ của ta ý thức về tự do. Trước thần kỳ, con người mất lựa chọn; thái độ thường hằng là quì xuống, chấp nhận nô lệ. Tôi không ghét sự thần kỳ dưới góc độ khoa học, mà ghét nó dưới góc độ nhân vị. Thần kỳ càng thêm thần kỳ khi nó mang chiếc áo bào sặc sỡ khoa học. Sức mạnh bức đoạt của nó sẽ gấp ngàn lần vì nó nhân danh cái lý.
Những ý nghĩ đó dần dần nhen nhóm trong tôi; mới đầu chỉ là những tia lửa ghen ghét. Tôi ghen với khoa học. Khoa học mà hơn hẳn tự nhiên sao? Mà ở xứ này khoa học hơn hẳn tự nhiên thật. Ở đây có bàn tay phù thủy. Người ta đang cấy một thứ mang cá vào con người; xứ Không - Nước - Mắt định dần dần cho phép người dân của mình có thể sống được cả ở trên cạn và cả ở dưới nước. Người ta định xây những thành phố dưới biển, và người dân có thể thở bằng mang cá ở lầu đài đáy biển.
Nghệ thuật ở xứ này cũng có thể nói là thần kỳ hay kỳ dị. Người ta cũng đã hóa học hóa và vật lý hóa sân khấu. Xứ Cực - Thiên - Thai chỉ biểu diễn hài kịch. Ở đây, những nghệ sĩ hề là những ông hoàng bà chúa. Trong nhà hát, người ta bơm một chút hơi vào để kích thích trung tâm gây cười của khán giả. Tôi đã tận mắt chứng kiến một chợ cười: cười nụ, cười duyên, cười hoác, cười hô hố, cười hì, cười gié, cười hổn hển, cười ôm đầu, cười giang tay, cười ôm bụng, cười nhảy cỡn, cười cấu xé, cười lăn đùng ngã ngửa... chỉ còn thiếu cười ra nước mắt.
Tôi nôn nao vì chợ cười, tôi ngạt thở vì tiếng cười. Rồi tôi buồn nôn. Và đêm về tôi khóc. Tôi khóc một mình. Khóc thương cho tiếng cười. Tôi chợt hiểu ra một điều: may thay tôi còn tiếng khóc. Qua chợ cười đêm đó, tôi hiểu hành lý con người ở đây quá nghèo. Cuộc sống con người gồm có tiếng khóc - câu cười. Người ta đã cướp đi của họ cái nửa phần phong phú nhất: tiếng khóc. Và tôi thông cảm với sự khốn cùng của họ...
Đã nhiều buổi chiều, tôi bắt gặp những con người đủ loại ngồi thừ trong ghế bành, ngồi chưng hửng ở bao lơn, ngồi thảm hại trong những xó góc. Họ ngồi đấy với những con mắt ráo hoảnh khô cạn. Người ta đã ăn cắp mất của họ những giọt nước mắt... Khi đứa trẻ sơ sinh ra đời, người bác sĩ đã nhỏ vào mắt nó một giọt thuốc quỷ để làm teo đi tuyến lệ, cái tuyến nhỏ bé nhưng nhân đạo đã tạo ra những giọt nước mắt làm vơi nhẹ lòng người. Càng nghĩ một tình cảm vừa day dứt vừa phẫn nộ càng lớn nở trong tôi.
Tôi phản ứng bằng cách nằm dài trong buồng, kêu khó ở, để khỏi đi tham quan. Khoa học ư? Những trò phù thủy của những ông thầy mo hiện đại làm tôi chán phè. Thương thay những nhà khoa học ngây dại, họ không hiểu điều gì cũng có giới hạn. Khoa học cũng phải biết ngập ngừng trước ngưỡng cửa của cuộc sống; bởi vì chạm vào sự sống thiêng liêng, khoa học sẽ trở thành đồ tể, nó sẽ phản bội con người.
Tôi rất ngạc nhiên khi chiều hôm đó cô Mi đến cáo biệt:
- Bây giờ, ông có thể tham quan một mình, bởi vì ông đã có một vốn từ vựng tạm đủ, để có thể tự giao thiệp với mọi người xứ này.
- Còn cô, cô đi đâu?
- Em phải đi làm một công việc mới.
Tôi cười mỉm:
- Chính quyền ở đây đã tin tôi rồi hay sao? Tôi đã được phép có quyền một mình đi lại ở xứ sở này?
Cô gái tàn nhẫn một cách tự nhiên:
- Ông hàm ý đến việc theo dõi ông ư? Nói thực, chúng tôi ở đây chẳng tin ai. Ai cũng là người theo dõi kẻ khác, đồng thời là người bị theo dõi. Nhưng may thay cơ quan mật vụ ở đây đã sản xuất ra được những viên gạch thám tử. Đó là những viên gạch điện tử có khả năng thu phát, và biết ghi cả tiếng nói, cả hình ảnh. Những viên gạch điện tử ấy được xây lẫn vào những viên gạch bình thường khác. Do đó, bất cứ ở đâu cũng có những con mắt, những chiếc tai để nhìn, để nghe những điều cần tìm hiểu.
Không biết những lời nói ấy của Mi có phải là một đe dọa, hay đơn thuần chỉ là những thuyết minh cho khách du lịch của một cô hướng dẫn viên xinh đẹp có nụ cười mê hồn.
Mi đã đi một hôm rồi. Tôi vẫn nằm dài lặng lẽ và nghĩ lung mung.
Chao ơi là buồn! Buồn thăm thẳm, dài dặc. Phải chăng nỗi buồn của kẻ xa nhà? Có phải nỗi buồn này sinh ra từ sự đối nghịch giữa những thói quen thường nhật và những tập tục xa lạ ở đây? Không phải. Vậy thì có thể là nỗi buồn khát vọng, ước muốn không được thỏa mãn? Cũng chẳng phải. Bởi vì tôi làm gì có thèm muốn ở xứ sở xa lạ này. Vậy, chắc là những nỗi buồn đen cư ngụ bơ vơ ở những miền hoang sơ mù tịt của tâm hồn; sức hoang của nó thèm những cuộc hành hương về những ngôi đền nguyên thủy.
Nỗi buồn đen cư ngụ thường hằn ở những đáy thẳm mọi người. Nó ngủ dài, ngủ dài... hầu như chẳng bao giờ biết thức, chỉ thỉnh thoảng mới u ơ cựa mình, gây cho ta những buồn tênh. Rồi một ngày nào đó, sau khi ta đã nếm trải đủ ngọt, bùi, cay đắng; chợt một chiều tàn, tai ta nghe tiếng ngân nga của chuông chiều; hoặc hồn ta ớn lạnh khi nghe tiếng khóc của một đứa trẻ thơ; hoặc tia nhìn của ta bỗng gặp một vũng máu, một thây người; hoặc có khi sống mòn mỏi trong cái thường nhật nhàm chán, ngây ngô, và một lúc nào đó ta chợt nhìn thấy một chiếc lá bay... và chỉ cần một chút xíu thế thôi, bỗng nhiên nỗi buồn đen thức dậy. Nó như người khổng lồ vô hình lay động tâm hồn ta bằng những lời thì thầm, tra hỏi đêm ngày. Nó tra hỏi sự sống, cái chết, cái ý nghĩa về ta và về mọi người. Anh hành trình từ đâu đến và sẽ đến đâu?...
Nỗi buồn đen đến với ta, một đôi khi có thể là hồi chuông nguyện vì qua nó ta chợt bắt gặp cái Ta đích thực, và chợt thấy cái màn nhờ nhờ, chán phè, vô vị của cuộc sống. Nhưng, cũng có khi, nỗi buồn đen là tiếng chuông thức tỉnh. Con người chợt hiểu ngôi vị của cá nhân mình trong vũ trụ; và kỳ lạ thay, những sắc màu muôn vẻ của thế giới bỗng bộc lộ ra chân tướng. Nỗi buồn đen lúc ấy sẽ là bánh xe lăn cho con người hành trình trên con đường gập ghềnh của cuộc sống.
Cuộc đối diện của tôi với Buồn Đen chưa dứt. Hãy còn cái hương vị dư đọng thoang thoảng của nó, thơm như mùi hương lan, hương ngâu. Tôi tự cười mỉm: " Ô hay, nỗi buồn cũng mang hương." Tôi vẫn lim dim hưởng cho hết khoái cảm của hương buồn. Chợt có tiếng ai nhè nhẹ:
- Thế là ông đã mỉm cười rồi.
Tôi giật mình. Một tiếng đàn bà.
- Ai đấy?
- Em đây. Mi đây.
Tôi ngồi dậy, thấy Mi đang lặng lẽ đứng bên giường. Tôi vui vẻ:
- Cô xong việc sớm thế? Cô đã về... Rồi sao?
- Đâu có, việc của em còn dài.
- Thế, sao cô tới?
Mi cười:
- Kỳ lạ thật! Em cảm thấy hình như đã quen ông từ lâu.
Tôi ngạc nhiên vì cô gái đã nhắc cho tôi một cảm giác tương tự. Tôi lại cười:
- Có lẽ quen nhau từ một tiền kiếp nào đó cũng nên.
Mi ngồi xuống, quay đi và nói nhỏ:
- Kỳ lạ thật! Em bỗng thấy nhớ ông.
- Nhớ tôi?
- Vâng!... Vì ông... kỳ lạ quá... Ông khác người ta ở đây.
- Tôi có điều gì khác?
- Khác vì ông ít cười. Khác vì ông lặng lẽ. Khác vì ông nói những điều mà em cảm thấy, nhưng em chưa nghe thấy bao giờ...
Tôi tiếp lời Mi:
- Khác vì tôi biết buồn.
Mi chợt giơ tay bịt miệng tôi lại, rồi thì thầm sợ hãi:
- Em van ông, van ông đừng buồn. Và chớ nói điều đó ở đây. Vì nói ra, chỉ có hại cho ông... và cả cho em nữa.
- Cho cô? - Tôi ngạc nhiên, nhưng nhìn bộ mặt lo âu khổ sở của cô gái, tôi bỗng chợt hiểu. Và tôi im lặng ngay.
Quyền năng của người đàn bà thật to lớn. Người đàn bà có thể biến thiên đườn thành địa ngục, và đảo lại địa ngục thành thiên đường. Sau lúc Mi đến, nỗi buồn trong tôi tan biến ngay. Tôi như vẫn còn nghe âm điệu ngọt ngào của cô gái: "Em van ông... van ông đừng buồn..."
Câu nói đơn giản ấy cứ theo tôi trên đường phố của xứ Vui. Đã mấy hôm rồi, hôm nay tôi mới gặp mặt phố phường. Nhìn mọi người đi nhộn nhịp, tôi chợt hiểu mối quan hệ mâu thuẫn chằng chịt giữa cái vui và cái buồn. Buồn càng sâu đậm, thì vui càng náo nức. Cái buồn làm ta trở thành người, nhưng có nỗi vui, con người sẽ trọn vẹn. Tôi bỗng cảm ơn sự vui sống mà cô gái vừa ban cho tôi bằng một câu nói quá ư đơn giản: "Em van ông... van ông đừng buồn..."
Trư Cuồng Trư Cuồng - Nguyễn Xuân Khánh Trư Cuồng