Chương 20
hiêm quả là thằng tinh sống! Hai lần nó bày mưu đặt kế cho tôi, hai lần tôi đều thu được kết quả: Dung đã mất sự trinh bạch cho tôi, mụ Hai Chén lại vừa cúng không tôi trăm bạc. Có điều, cùng là đắc thắng, tôi đã sống hai tâm trạng khác nhau hẳn. Tôi đau khổ với Dung bao nhiêu, cái việc mụ Hai Chén làm tôi bật cười bấy nhiêu. Tôi hí hởn như cậu học trò lưu trú kia đã chọc tức được viên giám thị cay nghiệt. Phải chăng thói quen đã làm giảm lương tri của tôi về tội độc ác? Hay là vì, ở trong cái xã hội ta đương sống, thiện ác và phải trái đã bị điên đảo đến nỗi khó lòng phân biệt được, và con người có thể phạm tội bất kỳ lúc nào, phạm tội mà nhiều khi chính mình không tự biết nữa? Trước kia, động nói tới sự lừa đảo, sự ăn cắp, tôi tưởng tượng ngay ra những hành vi nham hiểm và tàn bạo mà người đã làm, không hiểu do một ý định tối tăm nào. Sự lừa đảo, sự ăn cắp, hiện giờ đối với tôi đều gần thành ra những trò vặt hàng ngày, cần cho cái lũ động vật tham lam, ích kỷ và tinh quái là chúng ta đây dùng để trả miếng lẫn nhau. Và như thế, chỉ có những kẻ khờ khạo mới đáng bị chê cười, nếu những kẻ ấy không là những đấng thần minh lạc giữa loài người mà ta phải bái phục. Quan niệm về sự đời của tôi thực là hoàn toàn thay đổi, do vậy, tôi rất vui trước sự mắc lừa của người đàn bà nọ. Vẻ tưng hửng của mụ chắc khôi hài lắm! Tôi mỉm miệng cười thầm. Tôi còn khoái hơn nữa bởi từ nay đến Tết, sự ăn hút không còn là những mối lo nát óc cho tôi nữa. Sự may mắn quả phi thường! Mà tất cả những cái gì phi thường đều rất hợp với tôi. Từ ngày biết nghĩ và bắt đầu có nhận thức về đời sống cá nhân của tôi, tôi vẫn ghét những cái bằng phẳng, những cái tầm thường khuôn sáo. Tôi không chịu nổi một cuộc đời mà ngày nào cũng y hệt ngày nào, đến nỗi ta mất hẳn cái thú, cái ham mê được sống. Tôi muốn mỗi ngày phải đem lại cho tôi một cái gì mới lạ, một cái gì chính tôi cũng không chờ đợi hoặc có thể tưởng tượng được, dù rằng cái ấy có làm tôi phải lo sợ, đau đớn, thất điên bát đảo. Có lẽ chính sự ước mong kỳ dị này nó đã uốn cái dòng đời của tôi đến tình trạng hiện thời chăng?
Sau khi dọa nạt người nhà mụ Hai Chén và giằng lấy ở tay hắn tờ giấy bạc một trăm bạc, tôi tiến vào sân sau thư viện. Trống ngực tôi đánh như trống báo cướp, sự khôn ngoan phải chật vật lắm mới ghìm nổi hai chân tôi chỉ lăm le chạy thực nhanh khỏi cái tầm nguy hiểm. Tôi nghĩ thoang thoáng đến đội xếp, sở cẩm, quan tòa, nhà pha, mẹ tôi, chị tôi, Dung, và nhất là đến thầy tôi. Những ý nghĩ chạy dồn qua óc tôi ấy lạ thay càng chỉ khiến cái khoái thành công thêm mãnh liệt. Nó chiếm đoạt tôi, trở nên một thứ cảm giác nhục thể, một cái gì như sự cù ky khiến tôi không thể không rúc rích cười một mình. Tôi quặt ra sân trước, xăm xăm tới cổng chính, tôi đã ở phố Trường Thi. Một cái xe tay ghếch càng trước hãng bán ô tô. Tôi gọi to. Tôi nhảy lên không mặc cả:
- Chạy thực nhanh đến Hàng Cót!
Thoạt nhìn mặt tôi, Khiêm đã toét miệng - Ồ, cái miệng hơi dẩu mõm thỏ có cặp môi mỏng xoét và ướt nhẫy - và nói:
- Tao không cần phải là maitre Khánh Sơn cũng biết rằng mày đã thành công...
- Đúng! Mày thánh thật, đáng tao thờ làm quân sư suốt đời! - Tôi vừa nói vừa nằm lăn ra chiếu, ôm bụng cười không kịp thở...
Anh phu xe phải vào tận nơi đòi tiền, tôi mới nhớ rằng tôi đã quên khuấy mất anh ta. Khiêm hỏi:
- Bao nhiêu?
Người lao động buông sõng:
- Hai hào!
Khiêm nhăn mặt:
- Nặng thế?... Từ thư viện về đây mà những hai hào!...
- Cậu tính mưa gió thế này...
- Thôi được, xin biếu ông! - Khiêm quay lại phía tôi, trong khi người phu xe trở ra đường - Mày xem, tất cả chỉ cứ gọi là xoay nhau vì tiền ráo, nặn như nặn cái nhọt bọc vậy!...
Tôi bật cười:
- Thực là khẩu khí một thầy phạm nhe (Tiếng Nam Kỳ trỏ người infermier).
- Thế nào? Kể lại tao nghe!
Tôi thuật hết đầu đuôi sự xảy ra, gần đúng như Khiêm đã dự tính. Chúng tôi cười với nhau, chúng tôi trở lại là hai cậu học trò nghịch ngợm. Sau cùng, tôi kết luận:
- Giờ, mày nhận năm mươi đồng, còn một nửa tao giữ!
Khiêm vội xua tay:
- Không, mày cần, cứ giữ cả mà tiêu! Tao có lấy độ mười đồng cho bọn Kim Ngột Truật xuống ngã tư làm một chầu tất niên thì có.
Tôi nắm lấy tay Khiêm, nhìn vào tận đáy mắt nó và nghẹn ngào đến nỗi không nói được... Bạn tôi đứng dậy:
- Thôi, tao phải vào nhà thương đây. Nhớ để tao mười đồng là đủ.
- Chờ tao cùng ra phố với!
- Mày đi đâu?
- Đi cắt tóc, cạo mặt và mua mấy thức cần...
- Ừ, lúc có tiền, tội gì không đình huỳnh cho nó hả!..
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân