Ruồng Bỏ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 20
Ông lại bước vào Cape Town. Ông đã xa nơi này gần ba tháng, hồi khu đất có những căn nhà lụp xụp vắt ngang đường cái và trải dài từ phía đông đến sân bay. Dòng xe cộ đi chậm lại lúc một đứa trẻ cầm gậy lùa những con bò lạc ra khỏi đường. Nông thôn đang tiến dần đến thành thị, hoàn toàn không chủ tâm. Rồi trên khu đất công Rondebosch sẽ lại có gia súc, lịch sử sẽ sớm đi theo quỹ đạo của nó.
Thế là ông lại ở nhà. Ông chẳng cảm thấy như một người trở về nhà. Ông không thể hình dung lại ở trong căn nhà trên đường phố Torrance, nấp bóng trường đại học, lẩn lút như một kẻ tội phạm, né tránh các bạn đồng nghiệp. Ông sẽ phải bán ngôi nhà này đi, dọn đến một căn hộ rẻ hơn ở nơi nào đó.
Tình hình tài chính của ông đang rối ren. Ông đã không thanh toán các hóa đơn từ khi ra đi. Ông đang sống bằng thẻ tín dụng, rồi đến ngày nó cũng hết sạch.
Kết cục của một cuộc lang thang. Cái gì sẽ tới sau đoạn kết của cuộc lang thang này? Ông thấy mình tóc bạc trắng, lọm khọm, lê chân đến góc cửa hiệu mua nửa lít sữa và nửa ổ bánh mì; ông thấy mình ngồi đờ đẫn trên chiếc ghế dài trong căn phòng đầy những giấy tờ vàng ố, đợi buổi chiều tàn dần để có thể nấu bữa chiều và đi ngủ. Cuộc sống của một học giả không tên tuổi, không hy vọng, không triển vọng: ông đã sẵn sàng để ổn định như thế chưa?
Ông mở khóa cổng. Khu vườn um tùm, hộp thư chật cứng những xác côn trùng và quảng cáo. Dù được xây dựng hợp chuẩn nhất, ngôi nhà đã vắng chủ nhiều tháng: có quá nhiều hy vọng viếng thăm. Thực ra, ngay từ lúc mở cánh cửa đằng trước và ngửi mùi không khí, ông đã biết có chuyện không ổn. Tim ông đập thình thịch, nôn nao vì kích động.
Không một tiếng động. Dù là ai thì cũng đã đi rồi. Nhưng làm sao họ vào được trong nhà? Rón rén đi từ phòng này sang phòng khác, ông sớm phát hiện ra ngay. Những chấn song của một trong những cửa sổ đằng sau bật khỏi tường và bị bẻ quặt ra sau, các ô cửa sổ bị đập vỡ thành một cái lỗ đủ cho một đứa trẻ hoặc một người bé nhỏ chui lọt. Gió đưa lá cây và cát vào, đóng thành bánh trên sàn.
Ông lang thang khắp nhà xem mất những thứ gì. Phòng ngủ của ông bị lục soát rất kỹ, tủ áo mở toang hoác, trống trơn. Dàn, cát sét, băng, máy tính của ông mất sạch. Trong phòng làm việc, bàn và tủ đựng hồ sơ mở toang, giấy tờ rải rác khắp nơi. Nhà bếp bị cướp phá kỹ càng: dao nĩa,
bát đĩa sành sứ, các dụng cụ nhỏ hơn. Kho rượu của ông mất sạch. Ngay cả tủ đựng đồ hộp cũng rỗng tuếch.
Không phải là một vụ trộm thông thường. Một băng cướp đã vào đây, quét sạch sành sanh rồi rút lui với những túi, hộp, va ly nặng trĩu. Chiến lợi phẩm; sự đền bù chiến tranh; một sự việc nữa trong cuộc vận động phân phối lại rộng lớn. Lần này kẻ nào đã đi giầy của ông? Chúng mang các tác phẩm của Beethoven và Janácek về nhà hay ném vào thùng rác?
Một mùi kinh khủng tỏa ra từ buồng tắm. Một con bồ câu bị mắc trong nhà đã chết trong bồn. Ông rón rén hót đống xương và lông vào một túi nilon và buộc chặt lại.
Những ngọn đèn bị cắt đứt, điện thoại câm lặng. Trừ khi ông làm một cái gì đó, nếu không ông sẽ ở trong bóng tối cả đêm. Nhưng ông quá thất vọng nên không thể làm được gì. Cứ để mặc xác tất cả đấy, ông nghĩ, rồi lún sâu vào chiếc ghế bành, ông nhắm mắt lại.
Lúc chạng vạng tối, ông đứng dậy và rời ngôi nhà. Những ngôi sao đầu tiên đã xuất hiện. Qua những đường phố vắng vẻ, qua những khu vườn ngào ngạt mùi cỏ roi ngựa và hoa trường thọ, ông rẽ đường đến khu trường đại học.
Ông vẫn còn chìa khóa vào Tòa nhà Thông tin. Một giờ thuận lợi để lui tới: các hành lang đều vắng vẻ. Ông đi thang máy lên phòng làm việc của ông ở tầng năm. Tấm biển để tên ông trên cánh cửa đã dỡ đi. Tấm biển mới đề TIẾN SĨ S. OTTO. Dưới khe cửa có một tia sáng mờ.
Ông gõ cửa. Không một tiếng động. Ông mở cửa và bước vào.
Căn phòng đã thay đổi. Sách vở và tranh ảnh của ông không còn, các bức tường trống trơn chỉ còn một tấm ảnh trong một truyện vui, phóng to bằng tấm áp phích: Siêu nhân đang gục đầu vì bị Lois Lane mắng mỏ.
Một người đàn ông trẻ tuổi trước kia ông chưa gặp bao giờ ngồi sau chiếc máy tính, trong ánh sáng chập chờn. Người đó cau mày:
- Ông là ai? - anh ta hỏi. - Tôi là David Lurie.
- Vâng. Và?
- Tôi đến nhận thư từ của tôi. Phòng này đã từng là phòng làm việc của tôi - Trong quá khứ, ông suýt nói thêm.
- À vâng, ông David Lurie. Tôi xin lỗi, tôi không ngờ. Tôi đã xếp vào một cái hộp. Cả một số đồ vật khác của ông mà tôi tìm thấy - Anh ta phẩy ta - Ở đằng kia kìa.
- Còn sách của tôi?
- Tất cả ở trong kho, tầng dưới.
Ông cầm chiếc hộp lên.
- Cảm ơn anh - ông nói.
- Không có gì - anh chàng tiến sĩ Otto trẻ tuổi nói - Ông có thể mang được không?
Ông ôm chiếc hộp nặng trĩu vào thư viện, định lọc thư từ của ông. Nhưng lúc đến thanh chắn, chiếc máy tự động không nhận tấm thẻ của ông. Ông phải làm cái việc chọn lựa trong hành lang.
Ông quá bồn chồn nên không ngủ được. Tảng sáng, ông nhằm hướng sườn núi, khởi hành một chuyến đi bộ dài. Trời vừa mưa, những con suối dâng đầy. Ông hít thở mùi thông ngây ngất. Từ hôm nay, ông là một người tự do, chẳng có trách nhiệm gì với ai ngoài bản thân mình. Thời gian trải dài trước ông, ông muốn làm gì tùy thích. Ông có cảm giác bồn chồn, nhưng ông tự tin rằng sẽ quen với nó.
Ông đã báo với Lucy rằng ông không muốn thành một người nông thôn. Vậy mà ông nhớ nhiều thứ - ví dụ như gia đình nhà vịt: Vịt mẹ lượn trên mặt hồ, bộ ngực phồng lên hãnh diện, trong khi Eenie, Meenie, Minie và Mo bận rộn nghịch nước đằng sau, tin chắc chừng nào mẹ chúng còn ở đó, chúng sẽ an toàn, thoát khỏi mọi nỗi hiểm nguy.
Còn lũ chó, ông không muốn nhớ tới chúng. Từ thứ Hai tới, lũ chó được giải thoát khỏi cuộc sống trong các bức tường bệnh viện sẽ bị ném vào ngọn lửa, không ai để ý, không ai thương xót. Ông có tha thứ cho sự phản bội ấy không?
Ông đến ngân hàng, mang một đống những thứ cần giặt đến hiệu giặt là. Trong cửa hiệu nhỏ ông vẫn mua cà phê bao năm nay, người trợ lý giả vờ không nhận ra ông. Bà hàng xóm của ông đang tưới vườn, cố ý quay lưng lại ông.
Đến tối, ông gọi điện cho Lucy trong trạm điện thoại công cộng.
- Bố gọi cho con, để con khỏi lo cho bố - Ông nói - Bố khỏe. Bố sẽ mất một ít thời gian để ổn định. Bố chạy lóc cóc khắp nhà như một hạt đậu Hà Lan trong chai. Bố rất nhớ đàn vịt.
Ông không đả động đến những cuộc cướp bóc trong nhà. Bắt Lucy gánh thêm những chuyện rắc rối của ông làm gi?
- Còn Petrus? - Ông hỏi - Petrus có trông nom con không, hay chỉ nghĩ đến việc xây nhà của anh ta thôi?
- Petrus vẫn giúp con. Mọi người đều giúp con.
- Tốt, bất cứ lúc nào con cần đến bố, bố sẽ về ngay. Con chỉ cần nói một lời thôi.
- Cảm ơn bố. Không phải là bây giờ, nhưng có lẽ sẽ là ngày nào đó.
Có ai đoán được rằng sinh hạ một đứa con, rồi có lúc ông phải quỵ lụy yêu cầu con đón nhận sự giúp đỡ của ông?
Lúc mua hàng ở siêu thị, ông thấy mình đứng sau Elaine Winter, Chủ nhiệm khoa ông hồi nào. Bà ta đẩy một xe đầy những thứ đã mua sắm, còn ông chỉ có một cái giỏ xách tay. Bà ta quay lại chào ông, vẻ căng thẳng.
- Vắng tôi, khoa ta ra sao rồi? - Ông hỏi, cố hết sức vui vẻ.
Thực sự rất tốt - hoặc là một câu trẻ lời thẳng thừng nhất - Không có ông, chúng tôi làm ăn rất
tốt. Nhưng bà ta quá lịch sự nên không nói những lời đó.
- Ồ, chúng tôi vẫn chật vật như thường thôi - bà ta đáp mơ hồ.
- Các vị có thể thuê thêm người chứ?
- Chúng tôi đã nhận một người mới, làm hợp đồng. Một thanh niên.
Tôi đã gặp anh ta, ông có thể đáp. Một thằng ranh con ngu ngốc, ông có thể nói thêm. Nhưng ông cũng được nuôi dạy quá cẩn thận; thay vào đó, ông hỏi:
- Anh ta chuyên về gì?
- Ứng dụng các nghiên cứu ngôn ngữ. Anh ta đang học ngôn ngữ.
Quá nhiều cho các nhà thơ, quá nhiều cho các bậc thầy đã khuất. Ông phải nói rằng anh ta không được hướng dẫn chu đáo.
Đến lượt người phụ nữ đứng hàng trước họ trả tiền. Siêu thị yên tĩnh, Elaine không thể hỏi câu tiếp theo, đại loại như Ông xoay sở ra sao, ông David? để ông trả lời Rất tốt, bà Elaine ạ, rất tốt.
- Ông có muốn lên trước tôi không? - thay vào đó, bà ta hỏi và chỉ ào giỏ của ông - Ông mua ít quá.
- Xin bà đừng bận tâm, Elaine - ông đáp, rồi thích thú quan sát bà ta dỡ những thứ đã mua lên quầy: không chỉ bánh mì và bơ mà còn bao thứ lặt vặt khác mà một phụ nữ sống một mình thường tự thưởng cho mình - nào kem (kem hạnh nhân, kem nho thực sự), bánh quy Italy nhập khẩu, sô cô la thanh, nào giấy ăn hấp tiệt trùng.
Bà ta trả bằng thẻ tín dụng. Rồi từ phía bên kia rào chắn, bà ta vẫy tay chào biệt. Sự nhẹ nhõm của bà ta thật hiển nhiên.
- Tạm biệt! - Ông gọi với qua đầu người thu tiền - Cho tôi hỏi thăm mọi người nhé! Bà ta không nhìn lại.
Ở hồi đầu, vở nhạc kịch tập trung vào Huân tước Byron và người tình Contessa Guiccioli. Mắc trong tòa biệt thự Guiccioli giữa mùa hè ngột ngạt ở Ravena, bị người chồng ghen tuông của Teresa rình rập, cả hai lang thang khắp phòng khách ảm đạm, hát về những tình cảm nồng nàn phải giấu giếm của họ. Teresa cảm thấy mình như một tù nhân; nàng phẫn nộ, rầy la Byron, đòi ông đưa nàng đến một cuộc đời mới. Về phần Byron, ông vẫn còn đầy nghi ngờ, song ông quá khôn ngoan nên không thốt ra lời. Ông ngờ rằng trạng thái ngây ngất lúc ban đầu của họ sẽ không bao giờ lặp lại. Cuộc sống của ông đang bình ổn; ông đang khao khát cuộc đời ẩn dật êm ả.
Đúng như hồi đầu ở trang trại của Lucy và bây giờ lặp lại như thế, tác phẩm không thể gắn với cõi lòng ông. Có một nhận thức gì đấy chuệch choạc, một điều gì đấy không xuất phát từ con tim ông. Ông thử viết lại lần thứ hai, rồi thứ ba, để Teresa ở độ tuổi trung niên, rồi nàng lúc Byron đã mất. Ông ngồi bên chiếc piano, ghép những đoạn đầu tiên lại với nhau. Nhưng âm thanh của chiếc piano gây trở ngại cho ông: quá tròn trĩnh, quá tự nhiên, quá phong phú. Trong tầng áp mái, ông phát hiện ra một chiếc đàn piano cũ, xinh xắn, có bảy dây, ông đã mua cho Lucy trên đường phố KwaMashu khi cô còn bé. Dùng chiếc banjo này, ông bắt đầu viết những nốt nhạc cho Teresa, lúc khóc thương, lúc giận dữ, hát gửi cho người tình đã khuất, và giọng hát mờ nhạt của Byron từ lòng đất đáp lại.
Ngồi bên bàn nhìn ra khu vườn sum suê, ông ngạc nhiên vì điều mà chiếc đàn banjo bé nhỏ đang dạy cho ông. Sáu tháng trước đây, ông đã tưởng vị trí tinh thần của ông trong Byron ở Italy sẽ là giữa Teresa và Byron: giữa sự tha thiết muốn kéo dài mùa hè của con người say đắm và miễn cưỡng nhớ lại từ giấc ngủ dài của sự lãng quên. Nhưng ông đã lầm. Cuối cùng thì nét nhạc chẳng có vẻ gì gợi tình hoặc bi thảm, mà lại có vẻ khôi hài. Trong vở nhạc kịch, ông chẳng là Teresa, chẳng là Byron, thậm chí chẳng là thứ hòa trộn giữa hai người: ông như bị giam giữ trong tiếng nhạc, trong tiếng gẩy đều đều, lanh lảnh của dây đàn banjo, âm thanh như bị kìm nén, không thể thoát ra khỏi thứ nhạc cụ buồn cười nhưng không ngớt giằng lại, như một con cá trên dây câu.
Vậy mà đây là nghệ thuật, đấy là thứ ông đã lao tâm khổ tứ đến thế, ông nghĩ. Kỳ lạ làm sao! Mê hoặc làm sao!
Ông mất nhiều ngày mê mẩn với Teresa và Byron, sống bằng cà phê đen và bánh mì điểm tâm. Chiếc tủ lạnh rỗng tuếch, giường ông không dọn; lá cây qua cửa sổ vỡ bay đầy sàn.
Nhiều năm trước, khi sống ở Italy, ông đã đến thăm khu rừng ở giữa Ravenna và bờ biển Adriatic, nơi một thế kỷ rưỡi trước Byron và Teresa thường cưỡi ngựa. Ở nơi nào đó giữa những cây này, ắt phải là nơi nhà thơ Anh vĩ đại lần đầu tiên tốc váy của giai nhân mười tám tuổi, cô dâu của một người đàn ông khác. Ngày mai, ông có thể bay đến Venice, lên tàu hỏa đến Ravenna, lang thang theo những con đường mòn xưa cũ, qua chính nơi đó. Ông đang sáng tác nhạc (hay âm nhạc sáng tạo nên ông), nhưng ông không tạo nên lịch sử. Trong những cây thông lá nhọn này Byron đã có Teresa, ông bảo nàng “nhút nhát như con linh dương”, làm nhàu nát váy áo nàng, cát chui vào đồ lót của nàng (những con ngựa đứng gần đó, thờ ơ), và trong một lúc đắm say điên dại, Teresa đã rú lên làm Byron cũng rú theo.
Với Teresa dẫn đường; ông đi theo hết trang này sang trang khác. Rồi đến một ngày, xuất hiện một giọng khác, buồn thảm, ông chưa nghe thấy bao giờ, và cũng không ngờ lại nghe thấy. Qua lời lẽ, ông biết là giọng Allegra, con gái của Byron; nhưng nó xuất phát từ đâu trong lòng ông? Tại sao cha bỏ con? Hãy đến tìm con đi! Allegra gọi. Nóng quá, nóng quá, nóng quá! Cô bé than thở theo một nhịp điệu riêng, khăng khăng cắt ngang giọng của cặp tình nhân.
Tiếng gọi rầy rà của cô bé lên năm không được trả lời. Bị người cha nổi tiếng không yêu thương, bỏ lơ, cô bé bị chuyển từ người này sang người khác rồi cuối cùng được các bà xơ trông nom. Nóng quá, nóng quá! Cô bé rên rỉ trên giường tu viện, nơi em đang chết dần vì bệnh sốt rét. Sao cha lại quên con?
Sao cha em không trả lời? Vì cuộc sống của ông đã đủ đầy, vì ông thích trở về cái nơi là của ông, trên một bờ biển khác, đắm chìm trong giấc ngủ của tuổi tác. Con gái bé bỏng tội nghiệp của cha! Byron hát, chập chờn, miễn cưỡng, quá nhỏ nên cô bé không nghe thấy. Ngồi trong bóng một bên cánh gà, bộ ba nhạc công chơi những nét nhạc ngắc ngứ, người lên cao, người xuống thấp, đó là của Byron.
Ruồng Bỏ Ruồng Bỏ - John Maxwell Coetzee Ruồng Bỏ