Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 4 - Đáng Ngờ Về Chính Trị
huỗi ngày đơn điệu ở đây cũng có những sự kiện được tổ chức thường xuyên điểm xuyết thêm vào: cứ mười bốn ngày một lần lại có một buổi hòa nhạc ngoài trời vào sáng chủ nhật, có thể coi đó như là cột mốc đánh dấu đã hết hai tuần, và vì Hans Castorp đến vào tuần thứ hai nên sự kiện đặc biệt ấy diễn ra ngay chủ nhật đầu tiên chàng ở trên này. Chàng tới nơi vào ngày thứ ba trong tuần, cho tới chủ nhật là đã được năm hôm, sau cơn trở trời mang nặng chủ điểm mùa đông thời tiết đỏng đảnh đã lại khoe ra vài nét xuân tươi tắn mỏng manh, những đám mây trắng nhởn nhơ trên nền trời xanh biếc không ngăn cản mặt trời rải những tia nắng nhẹ xuống sườn núi và thung lũng hôm nay lấy lại sắc xanh rờn, vì lớp tuyết mới xuống đã chịu số phận tan rã và ngấm xuống lòng đất không còn dấu vết.
Có thể thấy rõ ai cũng hăm hở sửa soạn cho ngày chủ nhật trang trọng hơn hẳn ngày thường, cả ban quản trị lẫn bệnh nhân đồng tâm hiệp lực với nhau trong cố gắng này. Khi phục vụ bữa điểm tâm người ta đã đưa lên cùng với trà cả bánh nướng rắc đường, bàn nào cũng có một bình hoa cắm đầy những bông cẩm chướng dại, thậm chí có cả hoa đỗ quyên núi, các ông ưa ngắt mỗi người một bông gài vào khuyết áo (ông công tố viên Paravant người Dortmund còn diện một bộ lễ phục đuôi én màu đen đủ cả áo gilê chấm trắng), trang phục của các bà các cô cũng đầy màu sắc hội hè, Madame Chauchat xuống ăn điểm tâm trong một chiếc váy không tay bằng đăng ten tha thướt, và trong lúc cánh cửa sập lại cái rầm, kính rung loảng xoảng thì cô ta dừng chân giây lát, duyên dáng quay nhìn một lượt quanh phòng như trình diễn thời trang để tất cả mọi người chiêm ngưỡng rồi mới cất bước uyển chuyển lướt về chỗ ngồi, dễ thương đến nỗi cô giáo quá thì người Königsberg ngồi bên cạnh Hans Castorp cứ xuýt xoa khen ngợi. Thậm chí cặp vợ chồng bê bối ở bàn Nga hạ lưu cũng tỏ ra tôn trọng ngày nghỉ cuối tuần, ông chồng thay chiếc áo da cũ xì bằng một thứ áo vét ngắn và đi giày da tử tế chứ không phải đôi ủng dạ khủng khiếp ngày thường, bà vợ vẫn không chịu rời chiếc khăn lông bết bẩn nhưng bên dưới thấy lấp ló chiếc áo sơ mi lụa màu lục cổ dún vô số nếp xếp… Hans Castorp chau mày khi thoáng thấy bóng hai vợ chồng họ, và đỏ bừng mặt, không hiểu sao lên tới trên này chàng bỗng có tật hay đỏ mặt.
Ngay sau bữa điểm tâm thứ hai nhạc đã nổi lên ở ngoài sân, nào kèn nào sáo thay phiên nhau chơi hết bản nhạc này đến nhạc bản khác cho tới gần trưa. Trong thời gian hòa nhạc kỷ luật điều dưỡng được nới lỏng và bệnh nhân không bắt buộc phải nằm nghỉ. Đành rằng một vài người vẫn cố thủ trên ban công chỉ để cho đôi tai thưởng thức văn hóa, và trong gian phòng mái bằng ngoài vườn cũng có ba hay bốn chiếc ghế có người nằm; nhưng đa số khách ở viện an dưỡng đều ra ngồi bên những chiếc bàn nhỏ màu trắng kê trên hàng hiên, trong khi những kẻ thích chơi ngông, để tỏ ý bất cần những vật dụng thông thường như bàn ghế, ngồi bệt trên mấy bậc tam cấp dẫn xuống vườn và bày ra đủ thứ trò tinh nghịch ở đó: đám này chủ yếu là các bệnh nhân còn trẻ, đủ cả nam thanh nữ tú, phần lớn Hans Castorp đã biết tên hoặc biết mặt. Hermine Kleefeld có mặt trong số họ, cả ông Albin cũng vậy, ông này đưa một hộp sôcôla tổ chảng bọc giấy hoa vòng quanh mời tất cả mọi người trong khi bản thân mình không ăn mà khệnh khạng như bố già ngồi hút một điếu thuốc lá đầu bịt vàng; kế đó là gã trai môi vều thuộc ‘Hội nửa phổi’, cô Levi ốm ròm với nước da màu ngà voi, một thanh niên tóc vàng xỉn thấy người ta gọi là Rasmussen, anh chàng này chuyên co hai cánh tay lên khư khư ngang tầm ngực, bàn tay buông thõng như vây cá; rồi bà Salomon người Amsterdam, một mệnh phụ thân hình phúc hậu trang phục tuyền màu đỏ, cũng cao hứng nhập bọn với đám trẻ, và người đàn ông cao lêu khêu tóc lưa thưa ưa chơi dương cầm nhạc ‘Giấc mộng đêm hè’ trong phòng khách, giờ đây cũng ngồi bó gối sau lưng bà ta, cặp mắt âu sầu đăm đăm nhìn xoáy vào cái ót đồ sộ rám nắng chình ình trước mặt; xa hơn nữa là một tiểu thư tóc đỏ người Hy Lạp, một cô khác không rõ người ở đâu với khuôn mặt giống như con heo vòi, cậu thiếu niên háu ăn đeo kính dày cồm cộp, một thiếu niên khác khoảng mười lăm hay mười sáu tuổi mang kính kẹp mũi, mỗi khi húng hắng ho lại đưa ngón tay út để móng dài cong như ống máng lên miệng, rõ là một tên đại ngốc, và còn nhiều bệnh nhân khác nữa.
Gã thiếu niên móng tay dài, Joachim hạ giọng kể, lúc mới đến bệnh rất nhẹ, không sốt, được ông bố là bác sĩ quá cẩn thận gửi lên khám phòng xa, và theo phán xét của ông cố vấn cung đình thì chỉ cần ở lại khoảng ba tháng. Thế nhưng bây giờ, sau ba tháng, cậu ta thường xuyên sốt 37,8 đến 38 độ và được coi là bệnh nặng. Nhưng cũng tại gã sống phóng đãng lắm kia, làm sao mà không hại sức khỏe cho được.
Hai anh em chiếm một bàn riêng, hơi tách ra một bên vì Hans Castorp hút thuốc trong lúc uống nốt vại bia đen mang theo từ bàn ăn ra, thỉnh thoảng chàng cũng tạm hài lòng với hương vị điếu xì gà. Váng vất vì men bia và mơ màng trong tiếng nhạc, miệng hơi hé mở, đầu nghiêng về một phía chàng đưa cặp mắt đỏ hoe lừ đừ quan sát cảnh vui đùa vô tư như ngoài bãi tắm quanh mình, và ý nghĩ rằng tất cả những người ở đây ít nhiều đều bệnh tật, phần lớn trong số họ còn đang sốt, không những chẳng khiến chàng ghê sợ mà ngược lại còn làm quang cảnh tăng vẻ kỳ thú, truyền cho nó một sức hấp dẫn tinh thần nhất định… Người ta nhấm nháp nước giải khát sủi bọt bên bàn, và hăng hái chụp ảnh trên bậc tam cấp. Những người khác túm tụm đổi chác tem thư, và cô gái Hy Lạp tóc đỏ hí hoáy vẽ ông Rasmussen, nhưng nhất định không chịu cho người mẫu xem tác phẩm, vừa cười khanh khách phô ra những chiếc răng dài thưa như cọc rào cô ta vừa oằn người tránh né khiến ông này mất một lúc lâu vẫn không sao giật được tập giấy trên tay cô ta. Hermine Kleefeld ngồi trên một bậc tam cấp, tay cầm tờ báo cuộn tròn gõ nhịp theo điệu nhạc, mắt lim dim khép hờ, để mặc ông Albin mày mò cài một bó hoa đồng nội xinh xinh lên áo mình, và gã thiếu niên môi vều ngồi dưới chân bà Salomon sái cổ ngoảnh lên huyên thuyên tán chuyện với bà ta, trong lúc người đàn ông chơi dương cầm có mái tóc lơ thơ ngồi đằng sau vẫn im lìm dán mắt nhìn chòng chọc vào gáy bà này.
Các bác sĩ cũng đảo qua nhập bọn với khán giả, ông cố vấn cung đình Behrens mặc áo choàng trắng còn ông bác sĩ Krokowski vẫn trong trang phục đen tuyền. Họ đi dọc dãy bàn, ai cũng được ông cố vấn cung đình dành cho đôi ba câu bông đùa thân mật, và một làn sóng vui nhộn cồn lên như dải nước sủi bọt sau đuôi tàu đánh dấu những chỗ ông ta lướt qua, rồi họ xuống chỗ đám trẻ, lập tức phái đẹp quây ngay lấy ông bác sĩ Krokowski, mắt chấp chới đá lông nheo, trong khi ông cố vấn cung đình mua vui cho cánh nam giới bằng cách trổ tài buộc dây giày: ông ta đặt bàn chân vĩ đại của mình lên một bậc thang hơi cao, tháo tung dây ra, rồi chỉ bằng một tay khéo léo cột lại như cũ khiến cho ai nấy đều trầm trồ kinh ngạc, nhiều người còn ráng sức làm theo nhưng chỉ uổng công.
Muộn hơn còn thấy cả Settembrini, ông ta đi từ phòng ăn ra ngoài hiên, tay chống batoong, vẫn như mọi ngày trong chiếc áo lừ xừ và chiếc quần màu vàng, nét mặt thông thái đầy vẻ mỉa mai châm biếm. Ông ta đưa mắt nhìn quanh rồi tiến lại phía bàn hai anh em Hans Castorp, cất tiếng chào bằng một câu “A, hay quá!” và nhún nhường hỏi xem có thể ngồi cùng họ được không.
“Bia, thuốc lá và âm nhạc”, ông ta bảo, “đó là quốc hồn quốc túy của các ông! Tôi thấy ngay ông là người có tinh thần dân tộc, ông kỹ sư. Hôm nay ông vui quá nhỉ. Cho phép tôi được chia sẻ tâm trạng phấn khởi của ông!”
Hans Castorp nghiêm nét mặt - chàng đã thôi cười từ khi thoáng thấy ông người Ý - và bảo: “Ông đến muộn quá, ông Settembrini, buổi hòa nhạc sắp kết thúc rồi. Ông không thích âm nhạc ư?”
“Tôi không thích âm nhạc theo lệnh”, Settembrini đáp. “Hay là theo lịch. Tôi càng không thích khi âm nhạc sặc mùi hiệu thuốc và được áp đặt từ trên xuống để phục vụ mục đích chữa bệnh. Tôi là người trọng tự do, hay nói đúng hơn trọng một chút tự do và nhân phẩm còn sót lại cho những kẻ như tôi. Cũng giống như ông chỉ muốn ghé thăm chúng tôi trong chốc lát, tôi chỉ tạt qua mươi mười lăm phút xem những trò tiêu khiển loại này, rồi lại đường tôi tôi đi. Bằng cách ấy tôi tạo cho mình cái ảo tưởng tự do không ràng buộc… Có lẽ đó chỉ hoàn toàn là ảo tưởng, nhưng biết làm sao, nếu nó cho tôi được một chút mãn nguyện trong tâm thì cũng quý lắm rồi! Đối với anh họ ông thì khác, ông ấy coi đây là nhiệm vụ. Có đúng không, ông thiếu úy, ông quan niệm những trò này cũng thuộc về nghĩa vụ phải không. Ôi, tôi biết, ông áp dụng thủ thuật này để giữ lòng tự hào trong thân phận nô lệ. Một mánh khóe tinh vi. Không phải bất kỳ ai ở châu Âu cũng nắm được. Âm nhạc ư? Ông vừa mới hỏi tôi có phải là người yêu nhạc không? Nếu như ông thích dùng từ ‘người yêu nhạc’,” (Hans Castorp không nhớ là mình đã dùng từ này), “thì khái niệm ông chọn không phải là dở, nó mang nét tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng. Vâng, tôi thừa nhận tôi là người yêu nhạc, tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng tôi không đặc biệt đánh giá cao môn nghệ thuật này - không thể so sánh được với tình yêu và lòng trân trọng tôi dành cho ngôn từ, phương tiện chuyển tải tư tưởng, công cụ trong tay người trí thức, mũi cày của tiến bộ… Âm nhạc… là hình thức diễn đạt nửa vời, thể hiện mập mờ, vô trách nhiệm, bàng quan. Chắc ông lại muốn phản đối tôi rằng âm nhạc cũng có khả năng biểu cảm rõ ràng minh bạch. Nhưng thiên nhiên cũng tự thể hiện mình rất rõ ràng, một dòng suối nhỏ chảy róc rách cũng trong trẻo rành mạch lắm chứ, có điều nó chẳng giúp ích gì được cho chúng ta. Đó không phải là cái rõ ràng minh bạch đích thực, sự trong trẻo ấy rất trừu tượng, chẳng nói lên được điều gì và cũng chẳng chịu bất cứ ràng buộc nào, một sự trong trẻo vô trách nhiệm, thực chất rất nguy hiểm bởi nó quyến rũ và ru ngủ… Hãy cứ để âm nhạc khai thác những xúc cảm dồi dào! Vâng, nó sẽ giúp cho tình cảm chúng ta cháy bùng lên. Nhưng điều chúng ta cần lại là nhóm lên ngọn lửa trí tuệ kia! Chúng ta cứ tưởng lầm rằng âm nhạc lôi cuốn và thúc đẩy, kỳ thực tôi ngờ rằng nó chỉ khiến con người ta xa lánh sự đời. Các ông hãy để tôi đi đến kết luận tối hậu: Tôi mang một mối ác cảm về chính trị đối với âm nhạc.”
Tới đây thì Hans Castorp không thể đừng được mà phải đập tay vào đầu gối và kêu lên rằng cả đời chàng chưa nghe thấy một lý lẽ tương tự bao giờ.
“Mặc dầu vậy xin ông hãy cứ thử cân nhắc!” Settembrini mỉm cười bảo. “Âm nhạc là liều thuốc nâng cao tinh thần vô giá, là sức mạnh lôi cuốn và thúc đẩy người ta tiến lên phía trước, nếu như tác động của nó đã có sự chuẩn bị trước về tư tưởng. Nhưng văn học phải đi trước mở đường. Âm nhạc tự mình nó không làm cho thế giới tiến bộ được. Âm nhạc tách riêng ra thậm chí còn nguy hiểm nữa. Đặc biệt đối với cá nhân ông, ông kỹ sư, âm nhạc là một nguy cơ tuyệt đối. Tôi đã đọc thấy điều đó trên nét mặt ông khi vừa mới bước ra ngoài này.”
“Ôi, ông Settembrini, ông chẳng nên nhìn nét mặt tôi làm gì. Ông không thể tưởng tượng nổi bầu không khí trên này của các ông làm tôi khổ sở đến mức nào đâu. Tôi cũng không ngờ là thích nghi với khí hậu ở đây lại khó khăn đến thế.”
“Tôi sợ rằng ông lầm đấy.”
“Không, thật mà! Có quỷ thần chứng giám, người tôi lúc nào cũng mệt rã rời và nóng hâm hấp.”
“Theo tôi người ta phải cám ơn ban quản trị đã tổ chức những buổi hòa nhạc như thế này”, Joachim chín chắn góp ý. “Ông đánh giá sự việc từ một góc độ cao, ông Settembrini, có thể nói là từ góc nhìn của một nhà văn, và tôi không dám phản đối điều gì cả. Nhưng tôi thấy rằng một chút âm nhạc cũng đáng để người bệnh ở đây biết ơn rồi. Tôi không có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, và những bản nhạc họ chơi ở đây cũng chẳng cao siêu gì, chẳng phải cổ điển cũng không ra hiện đại, chỉ đơn thuần là âm nhạc bình dân thế thôi. Nhưng đó là một chút thay đổi quý giá. Nó lấp đầy vài tiếng đồng hồ, ý tôi muốn nói rằng: nó phân chia và cung cấp nội dung cho mỗi giờ đồng hồ, khiến những giờ khắc ấy ít nhiều còn lưu lại chút dấu vết, trong khi ngày tháng ở đây cứ trôi như bay như biến… Ông thấy không, mỗi tiết mục đơn giản kéo dài khoảng độ bảy phút, phỏng nhỉ, và nó mang một ý nghĩa nhất định đối với tôi, có mở đầu và có kết thúc, nó vượt lên trên cái đơn điệu ngày thường và được bảo tồn để khỏi vô tình chìm nghỉm trong sự nhàm chán vô biên. Hơn nữa nó lại còn được phân phối một cách phong phú, có màn có cảnh với các nhân vật khác nhau, với tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, thế nên giây phút nào cũng mang một nội dung có ý nghĩa để người ta bám víu vào, trong khi ngày thường… Tôi không biết liệu mình diễn đạt có đúng không…”
“Hoan hô!” Settembrini reo lên. “Hoan hô, ông thiếu úy! Ông miêu tả chính xác tuyệt vời một yếu tố mang đậm tính luân lý của âm nhạc, đó là, nó đo bước tiến thời gian một cách đặc biệt sinh động và khiến thời gian trở nên khách quan, đầy trí tuệ và quý giá. Âm nhạc thức tỉnh thời gian, nó thức tỉnh chúng ta để thưởng thức một cách tinh tế nhất thời gian, nó thức… về mặt này âm nhạc mang tính đạo đức. Nghệ thuật là đạo đức, chừng nào nó có tác dụng thức tỉnh. Nhưng nếu như nó có tác dụng ngược lại thì sao? Nếu như nghệ thuật chỉ nhằm ru ngủ, làm con người chìm vào mê đắm, làm mất tinh thần hoạt động và ngăn cản bước tiến bộ? Âm nhạc cũng có thể gây ra tác động ấy, nó cũng biết cách đầu độc như thuốc phiện. Một tác động chết người, thưa các ông! Thuốc phiện là chất độc ma quỷ, nó làm người ta ù lì, thụ động, trở nên bàng quan và dậm chân tại chỗ… Về âm nhạc ta cần xét lại, thưa các ông. Tôi bảo lưu ý kiến rằng âm nhạc có bản chất nước đôi. Tôi cũng sẽ không đi quá xa nếu tuyên bố rằng âm nhạc rất đáng ngờ về chính trị.”
Ông ta còn tăng tăng nói tiếp một thôi một hồi nữa, nhưng Hans Castorp ngồi nghe câu được câu mất, phần vì chàng đã mệt rũ ra, phần vì còn mải chú ý theo dõi những cử chỉ tự do quá trớn của đám trẻ ngồi trên bậc tam cấp. Chẳng biết mắt chàng nhìn có đúng không? Cô thiếu nữ mặt như con heo vòi ngồi hì hục đơm một chiếc khuy vào chỗ cái đai đầu gối quần cậu thiếu niên mang kính kẹp mũi! Và vừa làm cô ta vừa thở hổn hển vì cơn suyễn, trong khi cậu ta húng hắng đưa móng tay dài cong như cái máng lên miệng! Họ đều mắc bệnh nặng, cả hai người, mặc dù vậy có vẻ như đám trẻ ở trên này theo một lối sống riêng không cần đếm xỉa đến thuần phong mỹ tục dưới kia. Dàn nhạc chơi một bản polka…
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần