Chương 19 - Dân Khí Năm 1929
hẳng những tinh thần của đảng không nao núng mà thôi, dân khí ở trong nước hồi ấy cũng nổi lên bồng bột lắm, đối với những anh em trong tù, quốc dân đều đem lòng thương mến. Một bọn nữ học sinh đã rủ nhau bỏ tiền, may quần áo, đem bánh quà, rồi nhận chằng là em gái, là vị hôn thê, để hàng tuần vào thăm những người bị bắt không có gia đình ở Hà nộì? Trong trường Cao đẳng Y học, các sinh viên góp nhau mỗi người hai đồng để giúp cho cho anh em trong vòng xiềng xích. Tiếc thay, giống mặt người dạ thú ở chỗ nào cũng có. Cùng tiếng sinh viên, cũng nay may bác sĩ, mà tên Ph. Ng. T. lại nỡ đem việc ấy làm mồi tâng công! Hắn tâu mọi việc đó với mật thám rồi, còn xin “nhà nước” trừng trị rất nhiều những kẻ góp tiền, để phong trào cách mệnh khỏi lan rộng trong các trường Cao đẳng! Ôi! Trí thức!
Ở tỉnh thành đã vậy, ở thôn ổ càng thêm náo nức! Xưa kia các thanh niên đồng ruộng chưa hề biết có đảng. Nay nhân việc bắt bớ đăng trên báo chương, họ vui mừng phấn khởi, rồi cứ lần mò tìm cho thấy Đảng mà xin vào, trong số đó, các tay hào trưởng cũng nhiều. Suốt một tổng Kha Lâm ở Kiến An, các hương chức toàn là đảng viên. Làng Cổ Am ở Hải Dương, làng Võng La ở Phú thọ, hội đồng chi bộ họp ở giữa đình làng. Trương tuần, phó lý thì ra nhoài đường cái đi canh gác nhà chức trách! Các cụ già, đàn bà, con trẻ, thì xúm quanh dự thính. Cho nên nhóm thực dân đã in ra hàng vạn tấm ảnh anh Nguyễn Thái Học, anh Sơn Khê, phát đi các làng, lại treo giảì thưởng hàng năm nghìn đồng, mà không sao bắt được! Họ bảo nhau:
- Bắt làm gì các ông ấy! Các ông ấy cho một phát súng thì mất mạng, còn đâu mà ăn cái thưởng năm nghìn!
Nhiều làng thấy các anh đến, các huynh thứ lại góp tiền tiễn bàn! Kẻ nào nhút nhát quá, sợ liên luỵ, thì đến nói mời các anh đi ở làng khác, chứ cũng không hề có ai đi báo mật thám. Nói tóm lại thì đại đa số dân chúng hồi ấy đều ủng hộ cách mệnh. Cho nên các anh dù đi trốn mà vẫn tiến hành được mọi việc dự bị về việc quân. Sau nữa, ở đời nhiều khi cũng có những cái may mắn lạ lùng. Một hôm không rõ ở làng nào, bọn mật thám đương khám nhà một người đồng chí, thì Anh ở đâu xách cái cặp về. May người thư ký làng ấy đi vắng. Khi Anh về chúng tưởng Anh là người thư ký đi vắng về nghe tin khám xét nên cắp cặp đến. Chừng bảo Anh làm cái biên bản. Chữ Anh vẫn xấu, lại càng ra vẻ một ông thư ký nhà quê lắm! Thành thử ra Anh ngồi ngay trước mắt mà chúng không biết. Sau khi bọn mật thám đi rồi, cả làng phải lấy việc đó làm quái lạ. Cũng vì thế mà dân gian đã đồn anh có phép “tàng hình”.
Nguyễn Thái Học (1902-1930) Nguyễn Thái Học (1902-1930) - Nhượng Tống Nguyễn Thái Học (1902-1930)