Duyên Anh Và Tôi epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Duyên Anh, Người Ban Ân Sủng Hạnh Phúc Đời Đời
ắt đầu nói về Người đã khó, và có lẽ, không bao giờ nói hết được về Người, linh hồn bất diệt của Tuổi Trẻ Việt Nam.
Người đã chan chứa hồn nhiên, mộng mơ của Tuổi Thơ, với Thằng Vũ, Con Thúy, Chương Còm, Dzũng Đa Kao...
Người đã bi phẫn lên án thực trạng xã hội nhiễu nhương, vùi dập thiếu nhi lạc loài với Luật Hè Phố.
Người đã tràn ngập yêu thương mời gọi tình người; đã hiểu rõ và cảm thông phẫn nộ của tuổi trẻ với Điệu Ru Nước Mắt, Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang...
Người đã soi sáng cho Tuổi Trẻ Việt Nam lý tưởng cách mạng xã hội bằng tình tự con người với Ngựa Chứng Trong Sân Trường.
Tôi đang nói về Người, Duyên Anh Vũ Mộng Long
Tôi muốn ngồi lên những sóng gió thị phi, đố kỵ điên cuồng đã ra sức xô ngã một tài năng của dân tộc, một tên tuổi đã đi vào huyền thoại muôn đời của tuổi trẻ Việt Nam.
Tôi viết những dòng này để hồi tưởng lại ân sủng hạnh phúc Duyên Anh đã ban phát cho gia đình tôi, và cho riêng tôi, trong thời gian ngắn ngủi chúng tôi được may mắn đón tiếp anh.
Ba mươi năm trước, thuở vừa lớn, đọc những tác phẩm của Duyên Anh, tôi đã hằng mơ ước được gặp anh, để xin anh khuyên dạy về con đường Tuổi Trẻ, cho đời mình không uổng phí. Nhưng suốt thời gian ở Việt Nam, tôi chỉ làm quen, và yêu mến Duyên Anh, qua những sách anh viết, chứ chưa lần nào được diện kiến.
Sau những năm tháng tù ngục quê nhà, tôi vượt biên đến Hoa Kỳ. Lòng ao ước một dịp trong đời, được giáp mặt thần tượng tuổi trẻ của tôi, vẫn nung nấu không rời.
Lần thứ nhất Duyên Anh trở lại Quận Cam, để ra mắt những tác phẩm Ca Dao đầy tự hào dân tộc, viết bằng tay trái, giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật. Sau buổi sơ ngộ ở quán Anh Thy, tôi được Nguyễn Đức An chở lên nhà anh Vũ Trung Hiền, thăm Duyên Anh, một buổi tối tháng 8, năm 1995.
Suốt ba bốn tiếng ngồi bên Duyên Anh, thổ lộ với anh hoài bão của mình, và được nghe anh ân cần chỉ dạy, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc.
Một thời gian sau, khi Duyên Anh trở lại Cali lần thứ nhì, vì nhà anh Vũ Trung Hiền ở mãi tận Pasadena, không tiện cho Duyên Anh đi xuống Westminster thường xuyên, anh dự tính tạm trú ở khu vực gần Little Saigon.
Mặc dù một vài thân hữu của Duyên Anh, nhà cao cửa rộng, ân cần mời anh về nhà họ, Duyên Anh đã vui lòng đến sống với gia đình chúng tôi, trong căn apartment chật hẹp, ở chung cư góc đường Westminster và Erin.
Thoạt đầu, Duyên Anh không định ở lâu với chúng tôi. Nhưng chỉ sau một vài ngày, với lòng chân thành và tình người Việt Nam, những nghi ngại, ngăn cách, do bối cảnh chính trị phức tạp, đã nhanh chóng tan biến. Để rồi, hơn nửa năm sống gần nhau, chân tình giữa Duyên Anh và toàn thể gia đình tôi, ngày càng thêm đậm đà, khắng khít. Như ruột thịt.
Gia đình tôi, từ khi có Duyên Anh, lúc nào cũng tưng bừng, tấp nập, rộn rã tiếng nói cười. Các ông anh lớn của tôi, ở các thành phố lân cận, thường xuyên tới viếng thăm, trò chuyện với Duyên Anh. Bè bạn, cứ dăm ba ngày, lại lui tới, mời mọc anh. Những người bạn trẻ, thuộc các tổ chức, và đoàn thể khác nhau, nhiều đêm tìm tới anh tâm sự đến khuya, cùng anh chia xẻ khát vọng chung của dân tộc.
Duyên Anh càng ngày càng biểu lộ lòng thương mến tôi nhiều hơn, nhất là sau khi biết tôi làm nghề lao công vệ sinh. Một lần, anh đã nói với tôi, giọng đầy tha thiết:"Tôi rất thương cậu. Mặc dù cậu đã ở tù chung với Bầy Sư Tử Lãng Mạn của tôi, cậu không hề nói gì về quá khứ của cậu. Sang đây, cậu đã thực tế bắt đầu lại từ số không. Tôi mong cậu hãy cố gắng xây dựng đội ngũ cách mạng Tân Tây Sơn, cũng bắt đầu từ số không, nghĩa là Từ Đất Dấy Lên..."
Trước đây, tôi vốn có tật xấu là hay nóng giận, to tiếng với vợ con. Thấy vậy, Duyên Anh khuyên dạy tôi: "Là chồng, là cha, tức là người lãnh đạo gia đình. Dân chúng không bao giờ tuân phục những tên bạo chúa, mà chỉ luôn vâng lời, và nhớ ơn các vị minh quân thi ân bố đức. Cậu chỉ nên dùng những lời yêu thương, nhỏ nhẹ chỉ bảo vợ con, đừng bao giờ quát tháo vô ích; mà hàng xóm lại chê cười..."
Đời sống nhiều gia đình Việt Nam ở hải ngoại khá khó khăn, nhất là cảnh nhà chật vật, đôi khi khiến vợ chồng gấu ó lẫn nhau. Nhưng từ khi Duyên Anh hiện diện trong gia đình tôi, và tôi nghe lời khuyên dạy của anh, thay đổi cách cư xử với vợ con tôi, tôi nhận thấy cuộc sống gia đình tôi đầm ấm hẳn ra. Vợ tôi tỏ ra quý trọng tôi hơn, và các con tôi biết vâng lời bố hơn.
Vợ tôi sanh ở huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, như Duyên Anh, nên được anh nhận là em gái. Các con tôi, sau giờ học, không còn rong chơi như trước nữa. Chúng thường về nhà ngay, xúm xít chung quanh bác Duyên Anh.
Con trai lớn của tôi, Nguyễn Lê Bảo, là đứa ham chơi nhất nhà. Tôi để ý, nó hay lại gần hỏi anh nhiều chuyện, còn anh thì cứ hiền từ, lắng nghe nó nói. Sợ nó nói những chuyện vớ vẩn làm anh bực mình, tôi hỏi anh: "Nó xin anh cái gì vậy?", Duyên Anh cười dí dỏm: "Nó đòi học làm thơ... tán gái!"
Tôi không biết anh dạy nó những gì, mà nó cũng tập tễnh làm thơ, và hiện nay, đã có được cô bạn gái rất ngoan ngoãn, dễ thương, lại học giỏi nữa. Hai vợ chồng tôi đều rất yêu thương cô bạn gái này của Bảo.
Thằng con trai thứ của tôi, Nguyễn Lê Gia, là đứa ôm ấp lý tưởng phục vụ dân tộc. Nó thường được anh dạy bảo về lịch sử, về chữ nghĩa, và kinh nghiệm cuộc đời. Từ khi được gặp bác Duyên Anh, nó luôn luôn "mơ thành người Quang Trung", và quyết tâm đi theo con đường dân tộc, bác đã vạch ra cho nó.
Thằng con út của chúng tôi, Nguyễn Lê Định, được anh cưng nhất nhà. Duyên Anh đi đâu về, cũng lên tiếng gọi "Thằng út đâu rồi?" Nó cũng thường quấn quít bên anh, giúp anh những việc lặt vặt. Nhưng anh thường tự làm lấy, không muốn phiền đến ai trong nhà. Mỗi tuần, anh hay phát tiền tiêu vặt cho nó. Duyên Anh nói: "Nó thương bố mẹ nghèo, không dám xin. Nhưng nó ra ngoài với bạn bè, không có tiền tiêu, tội nghiệp nó..."
Ý chí phấn đấu, tự lực, quật cường, của Duyên Anh bộc lộ mãnh liệt, không những trong các tác phẩm của anh, mà còn cả trong sinh hoạt hàng ngày. Chỉ còn sử dụng được tay trái và chân trái, anh tự làm lấy tất cả mọi việc cá nhân. Rất ít khi anh nhờ ai phụ giúp.
Duyên Anh thức dậy thật sớm, tự pha cà phê, rồi ngồi vào bàn viết, bằng tay trái, cho đến khi mệt, thì đi nằm nghỉ.
Anh mặc quần áo rất giản dị, không cầu kỳ làm dáng, không lập dị khác người. Ăn uống lại càng giản dị hơn. Chỉ cần một món canh rau là xong bữa. Đòi hỏi duy nhất của anh là, mỗi bữa cơm tối, mọi người trong nhà phải ngồi vào bàn ăn chung. Ngay cả khi trò chuyện với bạn bè, hoặc được mời đi uống rượu ở một vài nơi, cứ hễ gần tới bẩy giờ, anh luôn xin cáo từ, để về dùng cơm với gia đình tôi; những bữa ăn đạm bạc, nhưng chắc đã gợi cho anh khung cảnh ấm cúng, êm ả của quê hương, của gia đình.
Sau này, anh Đỗ Sơn nhiều lần gạn hỏi tôi, nhà tôi thường mời anh Duyên Anh món gì mà anh ấy gọi là "bữa cơm dân tộc". Tôi ngạc nhiên và xúc động đến nghẹn ngào, không trả lời được nữa; lòng càng bồi hồi nhớ thương Duyên Anh nhiều hơn.
Chỉ hơn nửa năm chung sống, bằng lòng yêu thương chân thành và tâm hồn bao dung, đôn hậu, Duyên Anh đã ban cho chúng tôi quá nhiều ân huệ, từ ý nghiã cuộc sống cho đến hạnh phúc đời người. Những người bạn thân thiết hiểu rõ gia cảnh chúng tôi, thường tỏ ra ngưỡng mộ hạnh phúc của chúng tôi.
Những lời Duyên Anh đã nói, lạ lùng thay, có một sức mạnh huyền diệu hóa giải bất cứ một cuộc tranh luận hay bất đồng ý kiến trong đại gia đình tôi. Mỗi khi tôi có vấn đề gì không đồng ý với các ông anh, hay với vợ con tôi, hễ ai nhớ lại được "Anh Duyên Anh đã nói như thế này...", hoặc "Bác Duyên Anh đã nói như thế kia...", là hầu như những điều ấy đã trở thành chân lý, thành mẫu mực, cho chúng tôi dựa vào để giải quyết vấn đề.
Có ai ngờ được, hạnh phúc chúng tôi được hưởng hôm nay, và mãi mãi, là ân sủng được ban phát do một người đã từng chịu quá nhiều bất hạnh và oan khiên!
Nhiều người thường cầu xin ân sủng từ Đấng Thiêng Liêng vô hình. Riêng gia đình tôi được hưởng ân sủng cụ thể từ Duyên Anh, Tình Người chân thật. Vì Tình Người, Duyên Anh đã bị ném đá, đã vào địa ngục để trang trải yêu thương, và đã lên đời để tiếp tục rao giảng phúc âm tình người.
Hôm nay, tuy anh đã về cõi an nghỉ đời đời, sứ điệp yêu thương Duyên Anh từng rao giảng vẫn tồn tại trong các tác phẩm của anh, và mãi mãi còn ảnh hưởng đến hàng triệu tâm hồn Việt Nam. Và cả tâm hồn nhân loại nữa.
Giáo sư Phạm Kim Vinh đã nói: "Duyên Anh là niềm tự hào của Đất Nước. Người nào hãnh diện về Duyên Anh, người đó mang món nợ với Duyên Anh..."
Riêng tôi, tôi không chỉ hãnh diện được làm một người em của Duyên Anh, mà còn hạnh phúc được nhận ân sủng từ anh. Nghĩa là, tôi mang món nợ quá lớn đối với anh.
Sẽ chẳng bao giờ tôi trả nổi món nợ ân tình đó. Chỉ biết nguyện dâng hiến trọn quãng đời còn lại, làm theo những lời Duyên Anh đã dạy bảo.
Nguyễn Kim Dung
Westminster ngày 12 tháng 12, 1999
Duyên Anh Và Tôi Duyên Anh Và Tôi - Vũ Trung Hiền Duyên Anh Và Tôi