Chương 20 : Thủ Tục Đã Xong
gày 2 tháng 9, ngày trừng phạt, đặc biệt lạnh hơn mọi ngày. Dưới một bầu trời nặng mây, bốn chiếc xe hơi màu đen xả hết tốc lực bên bờ Vịnh Đông Kinh tiến thẳng về Yokohama. Trên chiếc đầu tiên, Đại tướng Umezu - Tham Mưu Trưởng lục quân Nhật tựa vào lưng nệm và nghĩ ngợi đến vai trò của ông trong ngày hôm nay. Trái với ý muốn của ông, đích thân nhà vua đã cử ông làm đại diện cho quân lực Nhật trên chiếc chiến hạm Missouri. Umezu chán nản hết sức. Tuy bên ngoài ông cố giữ hình ảnh người Samourai thời cổ, nhưng bên trong, ông chứa chất không biết bao nhiêu âu sầu khổ não.
Ngồi kế ông trong chiếc xe đi đầu là một nhân vật kỳ cựu trong ngành ngoại giao Nhật Shigemitsu. Người mảnh khảnh mắt đeo kính cận, Shigemitsu sẽ đại diện cho Bộ Ngoại Giao để ký vào văn kiện đầu hàng.
Shigemitsu thỉnh thoảng lại nhích người khó chịu trong khi chiếc xe vật vã trên con đường đầy những lồi lõm. Năm 1932, một trái bom khủng bố đã làm ông bay mất cẳng bên trái. Từ ngày đó đến nay ông luôn luôn khổ sở về chiếc cẳng gỗ.
Hai con người đó ăn mặc khác hẳn nhau. Umezu mặc bộ quân phục Đại tướng Nhật Bản với giầy ống cao đến đùi gối, trường kiếm đeo bên sườn. Shigemitsu mặc theo kiểu lễ phục Ăng-lê với mũ cao, áo vét dài đít, quần sọc. Họ cùng trên đường tới gặp kẻ thù.
Đến Yokohama, Shigemitsu, Umezu và chín người nữa thuộc phái đoàn Nhật bước ra khỏi xe, đứng lặng chờ lúc xuống tầu.
Tầu đó là do Hoa Kỳ dành cho họ. Cho đến đêm trước đây Đô đốc Nakamura mới phát hiện ra rằng: Nhật không còn có một chiếc tàu nào có thể chạy được ở vùng này. Sự lo lắng của ông được giải quyết bằng chiếc Lansdowne của Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có ba khu trục hạm khác hạ neo ở bến để chở báo chí, và đại diện phe Đồng Minh.
Phái đoàn Nhật xuống chiếc Lansdowne vào lúc 7 giờ 30 sáng để tiến về phía chiếc Missouri đậu cách bờ biển 16 dậm. Trên mặt biển họ có dịp nhìn tận mắt sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ từ khắp nơi trên Thái Bình Dương về tập trung tại Vịnh Đông Kinh.
Sự chú ý dồn cả về phía chiếc soái hạm của Đô đốc Hoa Kỳ Halsey. Việc chọn chiếc Missouri làm nơi đầu hàng có người gốc từ Hoa Thịnh Đốn. Tuy Bộ trưởng Hải quân Forrestal muốn Đô đốc Nimitz được tổ chức lễ đầu hàng, nhưng Tướng Mac Arthur với tư cách Tư lệnh Tối cao Đồng minh đã dành lấy sự lựa chọn này, và ông đã chỉ định Đô đốc Halsey. Sau đó Forrestal yêu cầu Bộ Ngoại giao chấp thuận tổ chức lễ đầu hàng trên một chiến hạm, trong trường hợp này là chiến hạm Missouri, tên tiểu bang của Tổng thống Truman.
Đô đốc Halsey tham dự cuộc chiến Thái Bình Dương từ những ngày đầu tiên. Hải lực của ông đã đem phóng pháo cơ đến Midway ngay trước khi xẩy ra vụ Trân Châu Cảng. Trong những ngày đen tối, ông là người nguy hiểm nhất cho địch, và là người giữ vững tinh thần cho cả lính hải quân và không quân. Với tác phong bình dân ông được toàn thể binh sĩ dưới quyền kính mến. Đô đốc Halsey không phải là chiến lược gia, nhưng về chiến thuật quả ông số một. Ở nhiều khía cạnh người ta có thể gọi ông là một Patton ở Thái Bình Dương. Binh sĩ rất thích ông còn vì ông căm thù quân Nhật đến tột độ.
Ngay sau khi đình chiến, Halsey vẫn còn căm thù quân Nhật. Ngày 29 tháng Tám, soái hạm Missouri của ông lần đầu tiên tiến vào Vịnh Đông Kinh. Ông nhìn một bệnh viện sơn đầy dấu Hồng thập tự, nhưng vẫn nghĩ đó là một kho võ khí ngụy trang và nói: «Chúng ta phải cho nó nổ».
Ngày 2 tháng Chín này ông có dịp nghênh tiếp đầy đủ chiến hữu trên soái hạm. Ông vui mừng được bắt tay Đô đốc McCain luôn luôn có mặt bên ông trong suốt trận Thái Bình Dương. Ly rượu đầu, McCain vui vẻ với bè bạn. Mười ngày sau ông chết vì bệnh đau tim. Halsey còn cảm động đến chảy nước mắt khi ông thấy Tướng Wainuright bước lên tàu. Wainuright là người trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đã phải đầu hàng Nhật Bản ở Corregidor để tránh cho quân đoàn ông khỏi bị tận diệt. Sau ba năm sống đời tù binh Wainuright mới được đoàn cấp cứu OSS đem trở về với cõi sống.
Đô đốc Halsey lấy làm hãnh điện vì soái hạm Missouri của ông hôm nay là trung tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Sự trang hoàng trên tàu đặc biệt có một di tích lịch sử. Ở đây khán giả quốc tế được thấy lá cờ Hoa Kỳ mà Matthew Perry đã kéo trên tàu của ông khi ông tiến vào Vịnh Đông Kinh năm 1853, tức là 92 năm trước đây. Theo lời yêu cầu của Halsey, Viện Bảo Tàng hải quân ở Annapolis đã lấy lá cờ đó trao cho một Trung úy đem đến Vịnh Đông Kinh.
Vào lúc 8 giờ 55 phút, Ngoại trưởng Shigemitsu leo lên chiếc Missouri, phía trước ông là Đại tá Mashbir làm hướng dẫn viên cho phái đoàn Nhật. Nhìn ông phải vất vả từng bước đi với chiếc chân gỗ, mấy đồng bào ông liên tưởng ngay đến hiện trạng của Nhật Bản không đứng vững được trên đôi chân của mình.
Umezu đi sau, rồi đến những nhân viên khác, rồi toàn thể phái đoàn Nhật gồm mười một người đều đông đủ trên sàn tàu. Họ chia nhau đứng thành ba hàng đối diện với chiếc bàn trên trải khăn màu xanh.
Phía bên kia bàn là những quân nhân đại diện cho những quốc gia đã xúm lại để đánh bại Nhật Bản. Kasé, phụ tá của Shigemitsu nhìn từng người một và ông lấy làm kinh ngạc tại sao Nhật Bản lại dám hy vọng đánh thắng cuộc liên minh của ngần ấy nước.
Trong khi máy chụp hình, máy quay phim tới tấp làm việc, mọi người đứng nghiêm chỉnh chờ buổi lễ khai mạc. Bộ quân phục bên phía Hoa Kỳ hôm nay là bộ đồ thường mặc hàng ngày, không cà vạt,trái ngược hẳn với lề phục bên phía Nhật Bản.
Đứng hàng đầu bên phái đoàn Nhật, Umezu và Shigemitsu nhìn thẳng về phía trước. Ở hàng thứ ba có mặt Đại tá Sugita là bạn cũ của Đại tá Hoa Kỳ Munson. Sugita nhìn quanh và lấy làm lạ tại sao trong buổi lễ chính thức này mà binh sĩ Hoa Kỳ được phép leo lên những cỗ đại bác để nhìn cho rõ cảnh tượng trên sàn tàu.
Phái đoàn Anh mặc sọc với đôi vớ trắng kéo cao đến đùi gối. Phái đoàn Nga mặc lễ phục với những phù hiệu mầu đỏ chói lọi. Lối ăn mặc tề chỉnh của các phái đoàn Trung Hoa, Pháp và Gia Nã Đại khác hẳn lối mặc thường nhật của Hoa Kỳ.
Đúng 9 giờ, cánh cửa nhỏ mở tung, Tướng Mac Arthur đi thẳng tới chiếc bàn phía trước phái đoàn Nhật. Mac Arthur lập tức đọc ngay bài văn ông cầm theo: «Chúng tôi là đại diện cho những quốc gia lâm chiến, có mặt ở đây để long trọng ký kết thỏa ước theo đó hòa bình được phục hồi. Những vấn đề liên quan đến sự bất đồng lý tưởng và ý thức hệ đã được quyết định trên chiến trường thế giới, nên không còn là chuyện bàn cãi hay thảo luận...»
Một nhân viên trong phái đoàn Nhật là Đô đốc Tomioka nhận thấy một khuôn mặt quen thuộc đứng sau Mac Arthur. Trong nhiều năm ông đã giữ tấm hình của con người đó tại văn phòng của ông ở Đông Kinh. Hàng ngày ông nhìn tấm hình và cố dò xét nó nghĩ gì? Thường thường ông dò sai, đoán trật. Lúc này chiến lược gia hải quân Nhật Tomioka mới có dịp đối diện với kẻ thù, và con người đó là Đô đốc Nimitz đứng phía bên kia bàn.
Trong khi Mac Arthur tiếp tục đọc, tia nhìn của Đại tá Sugita xoáy vào Tướng Sutherland, Tham mưu trưởng của Mac Arthur, Sutherland liền nghiêng đầu thì thầm với Tướng Percival đại diện cho Anh quốc. Percival liền đưa mắt dọi vào mặt Sugita. Trước đây họ đã có lần gặp nhau, đó là lúc quân đội Nhật hạ điều kiện đầu hàng cho Tướng Percival ở Tân Gia ba năm 1942. Họ nhận ra nhau và nhìn nhau rất lâu.
Tướng Mac Arthur đọc tiếp: «... Những điều kiện đầu hàng của quân lực Hoàng Gia Nhật đều được ghi trong văn kiện đầu hàng lúc này ở trước mặt các ông.Với tư cách là Tư lệnh Tối Cao Đồng Minh theo truyền thống của những quốc gia mà tôi là người đại diện, tôi cương quyết thi hành trách nhiệm một cách công bình và khoan dung, và sử dụng mọi biện pháp cần thiết sao cho những điều khoản đầu hàng được thi hành một cách trọn vẹn, mau lẹ và trung thành».
Mac Arthur lùi lại mấy bước, ra hiệu cho phía Nhật Bản tới ký. Chiếc Missouri im lặng tuyệt đối khi Shigemitsu nặng nề cất bước về phía bàn. Ông ngồi xuống ghế, cất mũ xuống tháo giày. Phụ tá của Ông đứng khom người bên trái.
Shigemitsu cầm bút nhìn văn kiện, do dự. Mac Arthur gắt: «Sutherland ra chỉ chỗ cho người ta ký». Viên Ngoại trưởng Nhật hạ bút ký vào lúc 9 giờ 04 phút.
Đến lượt Umezu ký, ông đi thẳng tới bàn không buồn nhìn trang giấy có gì và ông ký luôn, rồi đi về chỗ cũ như cái xác không hồn. Nước mắt chảy dài trên mặt vài quân nhân trong phái đoàn Nhật.
Rồi Mac Arthur ngồi vào bàn ký, rồi đến Nimitz ký cho Hải quân, rồi đến lượt các Đại điện Đồng minh. Khi người cuối cùng ký xong, Mac Arthur tiến lên vài bước trịnh trọng tuyên bố: «Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình nay được tái lập trên thế giới, và cầu nguyện thượng đế bảo vệ hòa bình cho chúng ta. Thủ tục đã xong».
Trên không trung một đoàn phi cơ B.29 thực hiện cuộc biểu dương lực lượng cuối cùng, lực lượng đã góp phần làm sụp đổ đế quốc Nhật Bản.
Quá trưa hôm đó binh sĩ thuộc đệ nhất sư đoàn kỵ binh Hoa Kỳ đổ bộ lên hải cảng Yokohama. Ban nhạc của sư đoàn không vận thứ bảy, có mặt ở đây từ ba hôm nay chào đón cuộc đổ bộ bằng những bản nhạc quen thuộc.
Hai mươi bốn tiếng đồng hồ trước khi lễ ký đầu hàng trên chiến hạm Missouri chấm dứt, ở Phương nam vịnh Đông Kinh, một con người tràn đầy uy dũng đi dạo trên sườn núi và suy nghĩ về tương lai. Ông không lạc quan chút nào. Ông nhìn doanh trại của ông với những binh sĩ gày ốm phải lấy chuột nấu thành món ăn, và run lên cầm cặp vì sốt rét rừng.
Ông tiếp tục đi về chỗ thưa cây. Bộ quân phục của ông tuy nhầu nát nhưng là quân phục của một vị Đại tướng trong quân đội Hoàng Gia Nhật Bản. Lúc này Tướng Yamashita đi quan sát đám tàn quân tơi tả, và ông thở dài. Ba năm trước đây ông đã đánh thắng một trận oanh liệt làm bàng hoàng cả thế giới. Bây giờ đây ông chỉ huy một cuộc rút lui thảm khốc với một đạo quân ngày càng thêm suy nhược.
Ngọn núi mà Tướng Yamashita đang đứng có cái tên gọi là ngọn Prog nổi ở phía Bắc cao nguyên Luzon thuộc Phi Luật Tân. Đây là nơi ông đã chặn đánh nhiều sư đoàn Hoa Kỳ kéo tới vây.
Cuộc thử thách gian lao này bắt đầu vào tháng Mười năm ngoái. Khi Mac Arthur đổ bộ lên Leyte. Lúc đó Đông Kinh cắt đặt ông tới Phi Luật Tân để ngăn chặn cuộc tiến quân củaHoa Kỳ đe dọa đổ bộ vào chính quốc Nhật. Lực lượng Nhật ở Phi Luật Tân tuy còn hùng hậu nhưng thiếu hẳn sự yểm trợ bằng không quân và hải quân. Yamashita đem đến Phi Luật Tân một thiên tài quân sự không ai chối cãi, và một ý chí thực hiện phép lạ.
Đời ông là một câu truyện khác thường. Là một sĩ quan Nhật, ông rất ưa thích lý thuyết quân sự của Đức. Năm 1940 ông cầm đầu một phái bộ quân sự sang Đức để trực tiếp quan sát cuộc chinh phục sử chân của Đức Quốc Xã. Trong những năm 1941 và 1942 ông đã dành cho đế quốc Anh những bại trận thê thảm trong suốt cuộc chiến Thái Bình Dương. Phép lạ không phải là điều ông không biết đến. Chính ông đã từng thực hiện nó ở Mã Lai.
Khi chiến tranh bùng nổ vào tháng Chạp 1941, guồng máy chiến tranh Nhật cần đến dầu hỏa ở Nam Dương. Pháo đài Tân Gia Ba ở nam bán đảo Mã Lai là cơ sở chiến lược của Đồng Minh có tác dụng bảo vệ nguồn tài nguyên này. Tướng Yamashita được lệnh đánh chiếm Tân Gia Ba.
Binh sĩ Nhật đổ bộ trên những con đường mòn Mã Lai đã đem theo một vũ khí bí mật, đó là chiếc xe đạp. Hàng đoàn lính Nhật di chuyển thuần bằng phương tiện này với sự yểm trợ của lực lượng chiến xa. Chiến thuật bầt ngờ đó của Yamashita đã làm cho lực lượng Đồng Minh rối loạn.
Tướng Yamashita còn vạch ra chiến thuật đổ bộ đại qui mô sau chiến tuyến dịch. Lần lượt ông đánh tan mọi sư đoàn cố thủ dọc bánđảo Mã Lai.
Trong hàng ngũ chỉ huy Anh, Tướng Percival đã phạm một lỗi lầm chí tử. Percival căn cứ vào những bại trận liên tiếp của Anh nên kết luận là tướng Yamashita chỉ huy một lực lượng hùng hậu với một nguồn tiếp tế dồi dào về nhân lực và vật lực.
Percival sai lầm tai hại. Ở cửa ngõ Tân Gia Ba, quân số của Yamashita chỉ bằng một phần ba quân số Anh. Khoảng ba mươi ngàn binh sĩ Nhật còn lâm vào tình trạng thiếu thực phẩm, thiếu đạn dược đến mức độ nguy kịch. Nguồn tiếp tế ở rất xa và đường tiếp tế rất khó khăn. Binh sĩ Nhật sống mỗi ngày với hai bát cơm. Họ sẽ đói nếu không hạ mau lẹ Tân Gia Ba.
Yamashita chuẩn bị trận tấn công quyết liệt. Ông không thể trì hoãn thêm vì sợ địch quân nhận được viện binh từ biển đưa tới.
Ông tung quân vượt qua eo biển nối liền Mã Lai với Tân Gia Ba và đặt được một đầu cầu ở đây. Kinh hoàng vì đòn tấn công bất ngờ, quân đội Anh bắt đầu công tác phá hoại, trước những trận tấn công tới tấp của lực lượng Nhật.
Ngày 11 tháng Hai, ba sĩ quan Anh cầm cờ trắng tiến về phía chiến tuyến Nhật. Tướng tư lệnh hai bên đối diện với nhau vào lúc 7 giờ chiều, tại xưởng máy Ford, ngoại ô Tân Gia Ba, Tướng Percival run rẩy một cách thảm hại còn Yamashi-ta bình thản. Không có sẵn thông ngôn thông thạo, Yamashi-ta chỉ đòi hỏi đối phương trả lời có hay không trước những câu hỏi của ông về chi tiết cuộc đầu hàng. Mọi người đều nghĩ ông hiếu chiến ngay cả trong lời nói, trong cách xử sự. Sự thật không phải như vậy. Ông thật tình thấy tội nghiệp cho viên tướng Anh bại trận và muốn nói vài lời an ủi. Sau ông nghĩ nên yên lặng là hơn, nên ông đã bỏ đi. Khi quân đội Nhật tiến vào Tân Gia Ba ngày hôm sau thì toàn thể dân Nhật ở chính quốc nhắc đến tên ông và coi ông như thần tượng.
Vinh quang của ông không được mấy ngày. Dường như sợ uy tín của ông có thế trở thành một sức mạnh, Đại tướng Thủ tướng Togo hạ lệnh thuyên chuyển ông đi Mãn Châu. Thế là con Hùm Xám Mã Lai biến khỏi những tin tức hàng đầu và sống những ngày nhàn nhã ở biên giới Mãn Châu, canh chừng vùng Tây Bá Lợi Á.
Trong hơn hai năm, người quân nhân không hề biết phàn nàn đó sống trong sự lãng quên của mọi người. Đó cũng là thời gian đế quốc Nhật mỗi tháng một thêm suy xụp. Sau khi Togo bị lật đổ vào năm 1944, một lần nữa ông lại xuất hiện. Tại Đông Kinh những chiến lược gia quân sự đã tiên liệu đúng về một trận đổ bộ đại qui mô của Hoa Kỳ vào Phi Luật Tân. Họ lựa chọn Tướng Yamashi-ta cự địch. Vào tháng Chín 1944 Yamashi-ta rời Nhật Bản, để không bao giờ còn trở lại.
Bản năng quân sự của ông bảo cho ông biết rằng: «trận đánh quyết định giữa hai bên sẽ diễn ra tại Luzon», là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Phi Luật Tân. Ông dự tính tập trung lực lượng ở Luzon và thi hành chiến thuật tử thủ để cầm chân Hoa Kỳ lâu chừng nào hay chừng đó. Kế sách đó của ông đã bị Đông Kinh bác bỏ và họ đòi ông phải cử lực lượng tới tăng viện cho một mặt trận Leyte, là nơi Mac Arthur đổ bộ vào ngày 20 tháng Mười.
Bị thất vọng về quyết định của Đông Kinh nhưng ông vẫn phải tuân lệnh và gửi binh sĩ tới nghênh chiến ở Leyte. Quả là lực lượng Nhật đã mắc phải cái bẫy của địch quân. Một viên tướng Hoa Kỳ đã ví đảo Leyte như là một cái chợ thịt, mà thịt đây tức là lính Nhật, đến chừng nào chết chừng đó. Phần lớn lực lượng mà Yamashi-ta dự liệu cố thủ Luzon, đã bị tiêu diệt ở mặt trận Leyte.
Ngày 9 tháng Giêng 1945 khi Quân đoàn sáu Hoa Kỳ đổ bộ lên vịnh Luzon. Trận đánh cuối cùng ở chiến trường Phi Luật Tân đã bắt dău, với kết cục dường như cả thế giới đều biết. Tướng Yamashi-ta rút lui, đứng lại đánh địch, rồi chạy, rồi quay trở lại tấn công. Từ từ quân lực Hoa Kỳ dồn ông vào vùng rừng núi. Thành phố Manila bị bỏ lại, ông bằng lòng với chiến trường cao nguyên, là nơi ông có thể cầm cự lâu dài.
Khi quân đội Hoa Kỳ tiến đến ngoại ô Manila thì Nhật Bản gần như đã rút hết khỏi thành phố này. Một thông cáo được loan đi khắp thế giới báo tin Hoa Kỳ tái chiếm Manila, Đệ nhất sư đoàn kỵ binh Hoa Kỳ được dành cho cái danh dự mở cuộc diễu hành chiến thắng vào Manila.
Máy bay quan sát bay lượn trên thành phố ghi nhận những đám cháy ngút trời ở Manila chìm trong lửa đỏ. Quân Nhật ở lại tiếp chiến.
Nhiều sĩ quan Hoa Kỳ lo lắng. Họ không muốn Manila trở thành một trận địa. Nhiều phụ tá của Mac Arthur đã sống lâu năm ở Viễn Đông và coi Manila như là một thành phố quê hương.
Họ không muốn thấy Manila bị hoang tàn hơn nữa. Quân đoàn sáu Hoa Kỳ lâm trận một cách miễn cưỡng.
Ở vùng núi, Tướng Yamashi-ta nghĩ rằng binh sĩ của ông đã rút hết khỏi Manila, ông không biết một lực lượng thủy quân lục chiến đã bất chấp lệnh trên, lập công sự để tác chiến trong thành phố. Dưới quyền chỉ huy của Đề đốc Iwabuchi, lực lượng này có một kế hoạch mơ hồ là giữ Manila khỏi lọt vào tay địch.
Suốt tháng Hai, Manila quả là một lò sát sinh khủng khiếp. Thủy quân lục chiến Nhật chiến đấu dữ dội để bảo vệ một thành phố không có giá trị gì về phương diện chiến lược. Tướng Yamashi-ta ở vùng núi Luzon biết việc làm dại dột đó nên ra lệnh cho thủy quân lục chiến phải bỏ Manila. Ông còn gửi quân tăng viện đến đây để giúp cho Đề đốc Iwabuchi rút lui được dễ dàng.
Trong khi đó Yamashi-ta luôn luôn bị địch tấn công nhưng ông vẫn duy trì được thống nhất chỉ huy trong quân đoàn, ông phải chống cự với ba sư đoàn địch, và đã đem lại cho Đông Kinh thêm thời gian để chuẩn bị đối phó với cuộc đổ bộ lên chính quốc. Ông không thể làm gì hơn. Trong sáu tháng liền ông vẫn hãy còn cầm cự một cách oanh liệt.
Ngày 13 tháng Tám, đài phát thanh Đông Kinh phát thanh lời kêu gọi quân đội Nhật hãy nỗ lực để«tận diệt kẻ thù». Nghe thấy thế Yamashi-ta nhăn mặt: binh sĩ đang chết đói trước mắt ông.
Khi đài Đông Kinh phát thanh quyết định đầu hàng của nhà vua, viên tướng mệt mỏi đó lui về căn lều ngồi ngước nhìn lên mái. Tham mưu trưởng của ông là Tướng Muto canh chừng ông vì sợ ông tự sát. Nhưng Yamashi-ta đã giải quyết cho ông khỏi mối lo đó, và nói ông có bổn phận đưa binh sĩ của ông từ Phi Luật Tân trở về quê hương.
Vào ngày mồng 2 tháng Chín, ông tới gặp kẻ thù, ông không hề có chút ảo tưởng nào về tương lai. Đất nước của ông bị thua trận, rồi đây Hoa Kỳ sẽ thi hành mọi quyền của nước thắng trận. Đi sau ông, Tướng Muto tràn ngập lo âu, Muto có cảm giác Hoa Kỳ sẽ qui cho Yamashi-ta phải chịu trách nhiệm về những gì đã xẩy ra ở Manila mấy tháng trước. Muto xin ông đừng tới gặp địch, và nên rút sâu hơn nữa vào vùng rừng núi để đánh du kích. Yamashi-ta không nghe và quả nhiên bị địch giữ lại và đưa đi Baguio.
Ngày 3 tháng Chín, trong Tòa nhà trước đây là dinh của Cao ủy Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân, một chiếc bàn dài được sửa soạn để biến thành trung tâm điểm của buổi lễ. Trên những cỗ ghế chạm trổ cầu kỳ, sĩ quan Hoa Kỳ ngồi chờ đợi. Trước mặt họ là Yamashi-ta, Tướng Muto và Đô đốc Okochi đứng yên trong mười phút dài dằng dặc. Rồi cửa mở và ba quân nhân Nhật thấy nhiều người nữa tiến vào phòng. Mắt Yamashi-ta gợn sáng vì ông nhận ra cái bóng ma từ thủa nào. Bóng ma đó là Tướng Percival từ Đông Kinh tới đây để chứng kiến cuộc ký kết. Từ lúc đó, Yamashi-ta không lúc nào để mắt thêm nữa tới Percival. Cùng với Percival còn có tướng Wainwright luôn luôn theo dõi mọi cử chỉ của ba người Nhật. Tướng Hoa Kỳ William Styer chấp nhận sự đầu hàng của Yamashi-ta một cách chính thức.
Sau đó Styer tuyên bố: «Tướng Yamashi-ta, Đô đốc Okochi và những người khác bị bắt giữ làm tù binh»..
Một quân cảnh Hoa Kỳ lấy ngón tay dí vào vai Yamashi-ta rồi chỉ về phía cửa. Yamashi-ta quay mình đi tới một cuộc sống giam cầm. Wainwright nhìn thấy nước mắt ông chảy dài trên má.
Sau lễ ký đầu hàng Wainwright tới gần Styer và yêu cầu đối xử tử tế với Yamashi-ta.
Trong ngày hôm đó con hùm xám Mã Lai bị đưa về nhốt tại trại giam Bilibid ở vùng ngoại ô Manila. Mấy ngày sau ông bị buộc 123 tội ác chiến tranh. Người ta lập tòa án để xử ông và ông bị kết án tử hình.
Yamashi-ta là kẻ bại trận đầu tiên bị kẻ thắng mang ra xử. Nhiều người Hoa Kỳ sau này cho rằng đây chỉ là một hành động của bọn người muốn trả thù.
Ngày 8 tháng Chín, Đệ nhất Sư đoàn kỵ binh Hoa Kỳ mở đường tiến vào Đông Kinh. Theo lệnh của Tướng Eichelberger, Sugiyama đã rút hết binh sĩ Nhật về phía bắc thành phố. Bây giờ Tướng Mac Arthur đang trên đường đi tới tòa Đại sứ Hoa Kỳ để kéo lá cờ của nước ông ngay tại Trung tâm đế quốc Nhật Bản.
Đô đốc Halsey có mặt bên cạnh viên Tư lệnh Tối cao Đồng minh. Tướng William Chase đi dẫn đầu sư đoàn đã từng giao phong với Nhật trong ba năm liền. Binh sĩ của ông trong buổi tiến quân này ăn bận rất tề chỉnh với giầy và mũ bóng lộng. Hàng cây số quân xa, súng ống và quân sĩ kéo vào Đông Kinh, thành trì cuối cùng của Đất nước Mặt Trời Mọc. Hoàng cung của nhà vua bị một đạo quân ngoại quốc bao vây. Lễ chào quốc kỳ của Hoa Kỳ cử hành tại Tòa Đại sứ trước Tướng Mac Arthur, bên cạnh có Đô đốc Halsey và Tướng Eichelberger.
Đế Quốc Nhật Giãy Chết Đế Quốc Nhật Giãy Chết - William Craig Đế Quốc Nhật Giãy Chết