Bóng Đêm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Câu Chuyện Thứ Tư - Chiếc Đồng Hồ Poliot
ạo đó, thủ trưởng đơn vị Công an Q. là Thiếu tá T. một con người liêm minh, cẩn trọng. Trong việc xem xét các vụ án, ông không bao giờ phạm phải lỗi lầm là tác trách, cẩu thả để gây điều oan ức cho người lành, nhưng trong sinh hoạt cá nhân ông lại là người hay lơ đãng.
Một hôm, ông được phân phối một chiếc đồng hồ Liên Xô, nhãn hiệu Poliot, mạ vàng. Thời đó đồng hồ đeo tay là một vật dụng cao cấp, một tài sản quý giá, hiếm hoi. Nhưng đeo được hai hôm thì chiếc đồng hồ không thấy còn ở trên tay ông nữa. Sốt sắng với thủ trưởng, ông Kh. lúc đó đang là Đội phó Đội Hành chính tổng hợp liền đặt câu hỏi. Và sau khi được trả lời rằng: Không hiểu tớ để đâu mất. Kh. liền sa sầm nét mặt: "Sao lại thế được? Kiến tố vừa đố vừa giảng đây! Làm sao lại có thể mất hút con mẹ hàng lươn được! Lỗ rò rỉ này chỉ là từ nội bộ thôi". Nói xong liền mở cuộc điều tra gay gắt trong cơ quan.
Sự vụ tiến hành được một tháng nhưng ông T. không hề hay biết, thì đùng cái một hôm thấy Kh. gõ cửa, nét mặt hí hửng bước vào:
- Báo cáo thủ trưởng, thế là cháy nhà ra mặt chuột rồi ạ,
- Chuyện gì thế?
Thấy ông T. ngơ ngác, Kh. liền trợn mắt, rồi hạ giọng:
- Đúng là thủ trưởng bận trăm công nghìn việc lớn, nên quên hết mọi chuyện riêng tư thật. Thủ trưởng không nhớ tới cái đồng hồ Liên Xô à?
- Có nhớ. Nhưng sao? Tính tớ là chúa hay lơ đễnh. Có khi tớ bỏ quên sừ nó ở cơ sở nào đó rồi cũng nên.
- Đâu có chuyện ấy.
- Thế sao?
- Em tìm thấy rồi!
Kh. gần như nhảy lên. Và không để ông T. kịp hỏi, đã liến thoáng:
- Đúng như em dự đoán, trộm này là trộm quen. Anh có biết là tay nào không?
- Ai?
- Lão Nghiệp gác cửa! - Áp sát vào mặt thủ trưởng T., Kh. xuống giọng thầm thì:- Chắc là anh bất ngờ chứ gì. Chẳng hạn, anh sẽ đặt vấn đề lão ấy làm việc ở ngoài cổng, làm sao mà vào phòng của anh được. Nhưng anh ơi, thế giới mênh mông, mọi việc gì đều có thể xảy ra được. Mà anh ạ, em nghi lão Nghiệp này có tính gian từ lâu rồi kia.
Ông T. ngồi yên trong ghế, lòng dạ thấy phân vân lạ thường. Ông là người đãng trí. Đồ dùng cá nhân như cái bút máy, cái kính lão cho đến đồng tiền cho vay, có mấy khi ông nhớ rõ rành? Ngộ nhỡ để quên đâu thì có phải là oan cho ông lão Nghiệp không? Ông lão Nghiệp sáu mươi hai tuổi, bố một liệt sĩ cùng đơn vị, được đơn vị nhận vào giữ chân gác cổng xưa rầy có thấy ai kêu là hạng người gian tham đâu. Đang phàn tâm vậy lại thấy Kh. ghé miệng sát tai khoe rằng, đã phải giở cả đòn khảo tra ra lão kẻ cắp mới chịu thú tội, nên càng lo sợ. Nhưng ông lo sợ cũng bằng thừa, vì Kh. đã xòe một tờ giấy chi chít chữ lên măt bàn.
- Anh có biết không, em gọi lão ấy lên phòng. Trên bàn, em đặt sẵn cái roi da trâu. "Thế nào, liệu có phải để tôi ra tay, ông Nghiệp"? Em hất hàm nói vậy Lão già khôn ngoan giả vờ ngơ ngác: Dạ, ông nói cái chi tôi không hiểu. A, thế thì lão sẽ hiểu, sẽ hiểu ngay thôi. Cho lão vào buồng tối, em vung roi. Chả lâu la nhiều nhặn gì. Anh bình tĩnh. Cái kết quả của bạo lực đã thanh minh cho sự chán chính của nó. Đây, bản kiểm điểm thú nhận tội ăn cắp cúa lão đây.
Bản kiểm điểm thú tội của lão Nghiệp run run trên tay ông T. Mọi việc trên thế gian này quả là đều có thể xảy ra được. “Thấy chiếc đồng hồ quý có thể bán đủ tiền để mua đôi lợn giống cho vợ tôi chăn nuôi nên tôi đã nảy lòng tham. Lão Nghiệp viết. Trưa ấy, lợi dụng đang lúc vắng vẻ, thủ trưởng T. đi họp ở Sở chưa về, tôi liền lẻn vào...”
Rõ ràng là lão Nghiệp nhận là đã lấy chiếc đồng hồ và bán đi rồi. Rõ ràng giấy trắng mực đen, án tại hồ sơ còn nói gì nữa. Thế là thực tình là không muốn, vì việc này vốn chỉ là nhỏ mọn mà thủ trưởng T. bị sức ép của dư luận, của Kh., đành phải hạ bút ký giấy sa thải ông già Nghiệp nọ. Vụ án đã kết thúc và kẻ hớn hở vì lập công là Kh.
Kh. hớn hở vì chứng tỏ tài xét đoán, năng lực truy cứu và tinh thần hết lòng với thủ trưởng, nên chắc mẩm chuyến này được lên chức lên lương. Vì vậy, hơn tháng sau, một hôm được ông T. gọi riêng vào buồng, lòng không khỏi khấp khởi.
Hai người ngồi đối diện. Ông T. tay để trên bàn, nét mặt thản nhiên, thấy Kh. đang hồi hộp chờ đón, liền khẽ. khàng:
- Tôi thấy trong vụ án ông lão Nghiệp vẫn còn có điều cần phải trách cứ.
Đón ý thủ trưởng, Kh. lập tức toét miệng:
- Dạ, thưa anh, em cũng đã tự kiểm điểm là dùng cực hình hơi quá tay, nhưng thật tình mà lão già nó ngoan cố quá. Em nghĩ mà uất. Thủ trưởng mình mà nó còn dám thế. Thì với người khác nó là kẻ cướp à! Bởi vậy trị lão là để răn đe trăm ngàn kẻ khác...
Tưởng vẫn như đang nghe Kh. nói, mà thật sự ông T. đang khẽ khàng mở ngăn kéo và khi Kh. vừa dứt lời, ông liền thò tay vào gầm ngăn kéo, rút ra và giơ cao lên trước mặt Kh. một chiếc đồng hồ đeo tay - chiếc đồng hồ Poliot mạ vàng của ông. Điềm đạm, ông nói:
- Lỗi này thuộc về tôi trước hết. Vì tôi có cái đầu bã đậu hay quên. Chiếc đồng hồ của tôi không mất. Tôi cởi nó ra, để nó trong nhà tắm. Thằng cháu họ ở cùng tôi thấy, nó liền mượn đeo đi công tác ở biên giới mấy tháng liền. Vừa rồi nó về trả lại mới biết. Tội nghiệp cho ông lão Nghiệp quá. Ông nghĩ hộ tôi đi. Làm sao để không còn bao giờ gây oan uổng cho người vô tội nữa bây giờ? Và xin nói để ông rõ: Không bao giờ được lấy mục đích biện hộ cho thủ đoạn.
Nói xong, thủ trưởng T. gọi cán bộ tổ chức đơn vị lên, yêu cầu cử cán bộ đến ngay nhà ông lão Nghiệp mời ông đến cơ quan để xin lỗi và đền bù danh dự. Nhưng, đến nhà ông lão mới biết, ông lão bị oan đã không còn. Người con trai của ông kể:
- Bị sa thải được một tuần thì bố tôi kêu đau ngực và sốt li bì. Được hai hôm thì nôn ra cả bát huyết rồi mất. Bác sĩ bảo, một bên phổi bố tôi bị tổn thương nặng, tụ máu.
Câu chuyện bức hại người vì lòng dạ tăm tối này nhờ có văn chương ghi lại nên mới còn. Chứ không thì nó như bao nhiêu chuyện đời oái oăm khác đã rơi vào quên lãng. Văn chương hóa ra còn là ký ức và kinh nghiệm của cộng đồng!
Bóng Đêm Bóng Đêm - Ma Văn Kháng Bóng Đêm