Hồi 19: Vì Tu Tiên, Không Từ Hiểm Trở Bởi Cầu Đạo, Lại Gặp Yêu Ma
ý Huyền bị Thái Bạch kim tinh nhấc bổng lên, đưa qua khỏi bức tường, đem tới một nơi nọ. Chân vừa chạm đất, mớ mắt ra nhìn, thì… ôi thôi, Thái Bạch kim tinh biến đi đằng nào, mà nơi đây là vùng đất lạ hoắc, mình chưa hề đặt chân tới. Nhìn lại bản thân, thấy mình đang đứng giữa một phố chợ đông đúc. Định thần nghĩ lại, mới biết Thái Bạch dẫn mình tới đây ắt có chủ đích.
Trước mắt chưa biết về đâu, nhưng tương lai chắc có chỗ tốt. Vì thế, lấy can đảm, vững bước tiến tới. Lên tiếng hỏi thăm mới hay mình đang ở dưới chân núi Hoa sơn, cách xa gia đình ở Lạc Dương tới vài trăm dặm. Lý Huyền biết được diệu dụng của tiên gia, lòng thầm kinh hãi. Lại vui mừng vì từ bé đã nghe nói Hoa sơn là nơi mà Lão Quân tổ sư thiết lập động phủ một bên vách núi. Nay người tiên đem ta đến chỗ này, ắt là chỉ cho ta con đường đi tìm tiên, hỏi đạo, tránh cho ta khỏi phải mò mẫm thăm dò.
Nghĩ vậy, bèn hướng lên không trung mà vái, tỏ ý tạ ơn. Loay hoay một hồi, bỗng cảm thấy toàn thân nóng hừng hực, mồ hôi rơi lã chã, lòng thầm cảm thấy kỳ quái. Chẳng lẽ nơi đây khí hậu nóng hơn trung nguyên rất nhiều? Mình mới ra khỏi Lạc Dương, lúc đó ở nhà mà không mặc áo bông thì đến chết rét, Hoa âm cách đó không xa mà sao thời tiết biến đổi nhanh thế? Đang suy nghĩ, bỗng thấy trước mặt, một ông già đi tới, Lý Huyền vội tiến lại hỏi thăm. Ông già liền cất tiếng cười hì hì, nói:
- Tiểu ca, giữa mùa hè nóng bức tại sao cậu lại mặc áo bông? Như vậy có thích hợp với cơ thể không? Cậu hãy coi lão đây, lớn tuổi hơn cậu rất nhiều, mà vẫn chỉ phong phanh một chiếc áo cánh, khác cậu rất xa.
Lý Huyền chợt hiểu ra, lúc này đang độ giữa hè, khí trời nóng bức. Chẳng cần nói cũng biết cái ông Thái Bạch kim tinh này, chẳng những trổ phép rút đất, còn thi thố cả thuật thay đổi thời tiết nữa. Quả là diệu đạo của thần tiên đã đoạt được công tạo hóa của trời đất! Lý Huyền không tiện nói rõ nguyên do sự việc, chỉ nói vài câu hàm hồ rồi từ biệt ông lão. Cậu lại sợ quần áo của mình không hợp thời, khó tránh khỏi thiên hạ nhìn soi mói, và cũng vì sức nóng mãnh liệt nữa, cậu không dám đi tiếp trên đường phố náo nhiệt, mới tìm những đường vắng vẻ, râm mát mà đi. Lúc này việc quan trọng nhất là phải dự bị quần áo mùa hè, mới có thể hoạt động không trở ngại. Lại cũng may là không cảm thấy đói bụng, cậu tìm những nơi hoang dã mà đi.
Đi hồi lâu, đã xa chốn chợ búa, Lý Huyền cởi áo bông, vắt ngang tay, tiếp tục tiến bước. Nhìn sắc trời đã thấy bóng hoàng hôn, Lý Huyền ngó quanh, nghĩ tới chuyện tìm một nơi nào để ngủ đỡ qua đêm, nhân tiện tìm đường lên núi Hoa sơn. Nhìn quanh, chẳng thấy bóng nhà cửa gì. Đang lúc khó khăn, chợt thấy một chú tiểu đồng đang chăn trâu, tay cầm ống sáo ngắn, ngồi trên mình trâu, thổi lên những điệu nhạc du dương, hướng về phía núi cao, rừng rậm mà đi. Lý Huyền mừng rỡ nghĩ thầm: "Đã có mục đồng, ắt có thôn trang. Ta có thể hỏi thăm một tiếng xem sao".
Cậu mới tiến về phía trước, cất tiếng gọi: – "Anh chăn trâu!".
Mục đồng không leo xuống trâu, chỉ mỉm cười, hỏi:
- Vị ca ca này ở đâu tới? Định đi đâu? Hỏi tôi có chuyện gì?
Lý Huyền đem ý mình nói lại, hỏi cậu kia cho biết có thể tìm đâu ra chỗ nghỉ trọ. Mục đồng cười hì hì, nói:
- Cậu nhìn đó, bốn phía đều là sơn dã, làm gì có thôn trang? Chỉ có nhà tôi ở sau núi, ở giữ rừng giùm thiên hạ thôi. Cha tôi nuôi được con trâu này, hàng ngày bảo tôi cưỡi nó, tìm nơi có cỏ cho nó ăn. Nếu cậu không biết chỗ nào để đi, hãy theo tôi về nhà nghỉ một đêm, sáng mai trở dậy đi tiếp.
Lý Huyền mừng lắm, nói:
- Chưa thấy ai nghĩa khí như anh.
Mục đồng xuống trâu, nắm tay Lý Huyền dắt đi, nói:
- Tiểu ca, chúng ta cùng đi thôi!
Lý Huyền cảm tạ mục đồng thêm vài câu, theo chân cậu ta đi men núi xuyên rừng, qua nhiều khúc quanh. Trong lúc đi đường, hỏi thăm mục đồng tên họ là gì, mục đồng nói:
- Tôi họ Vương, được người ta gọi là "Vương Tiểu Nhị", cha tôi là "Vương Đại Quan Nhi". Ông ấy nay đã già, nên ít khi ra ngoài, nhưng nếu có khách phương xa tới ngủ trọ, ông ấy vui mừng lắm.
Lý Huyền nghe vậy rất mừng. Không bao lâu đã tới chỗ sau núi, quả thấy một căn nhà tranh cất bên bờ suối. Xa xa, thấy một người đàn ông đã quá trung niên, đang đứng trước cửa nhà. Mục đồng nói:
- Đó là cha tôi.
Lý Huyền vội tiến lại hành lễ, cất tiếng: "Dạ!" Mục đồng thay lời cậu nói lại ý muốn ngủ nhờ, Vương Đại Quan liền hoan hỉ nói:
- Cậu là một vị công tử, dễ gì mỗi lúc tới được đây, quả là quý khách của chúng tôi!
Liền bảo mục đồng mau đưa trâu về chuồng, rồi lấy quần áo cho công tử thay. Rồi tự mình nắm tay, dắt Lý Huyền lên thảo đường, bảo con đi nấu nước pha trà. Vương Tiểu Nhị cười hì hì, đi lấy quần áo của mình cho Lý Huyền thay, và nói:
- Hèn chi cha tôi gọi cậu là một vị công tử. Cậu coi đó, bộ quần áo cậu đang mặc quá sang trọng. Những nhà tài chủ trong thôn làng chúng tôi làm sao sánh kịp?
Bấy giờ, Lý Huyền mới biết vì sao cha con ông kia lại gọi mình là công tử, nhân đó nói:
- Đội ơn lão trượng và tiểu ca quan tâm! Nếu tiểu ca thích bộ quần áo của tôi, tôi xin dâng hiến ngay!
Vương Đại Quan phất tay lia lịa:
- Làm vậy không được! Khoan nói là vô công không nên nhận thưởng, lão nhi ta ở đây mấy chực năm, chưa hề dùng tới những vật hoa mỹ bao giờ. Nhà nghèo cứ an hưởng cảnh nghèo, đừng để bỗng không chặt đứt phúc lộc của mình, còn mang họa nữa. Tiểu Nhị mau xếp gọn quần áo giùm công tử, rồi đi pha trà, nấu cơm. Đừng ở đó mà cà rề cà rề!
Tiểu Nhị cười mà bỏ đi. Hai cha con sơn dã này quả là những con người giữ được thiên chân, rất đáng yêu. Tiểu Nhị đi rồi, Đại Quan hỏi thăm Lý Huyền về cuộc hành trình vừa qua. Lý Huyền thấy ông ta thành thực, không nỡ giấu, cứ đem tình thật khai ra hết. Nhân tiện hỏi thăm về đường lối lên Hoa sơn. Đại Quan nghe hỏi, không tỏ vẻ gì là ngạc nhiên, mà gật gù, nói:
- Đó là việc đáng mừng. Công tử còn trẻ đã có chí lớn như thể chắc chắn kiếp trước phải có chút căn cơ. Nếu không, sao có thể đi bộ một quãng đường dài như vậy? Nghe nói núi Hoa sơn của chúng tôi chu vi dài tới hơn ba ngàn dặm, có tám mươi mốt ngọn núi cao, ba mươi sáu động phủ. Xưa nay tương truyền rằng mỗi hang động đều có thần tiên trú ngụ. Phần cao nhất ở phía Bắc có ngọn "Quan Nhật phong" 1, phía Nam có động Tứ Hà, là nơi mà năm xưa Lão Quân luyện đan. Ngày nay Lão Quân thỉnh thoảng cũng đến chỗ đó, bọn chúng tôi vào núi hái củi cũng thường được nhìn thấy, là một vị đạo nhân. Ông ta cũng hay bàn với chúng tôi về chuyện xưa và nay, kể các chuyện về triều đại trước, đời bây giờ. Ông hay hỏi mọi người về tình cảnh gần đây, có khi trò chuyện rất lâu, lại lấy những loại trái cây như lê, táo, đào, hạnh phân phát cho mọi người cùng ăn. Ai ăn vào, chừng xuống núi cảm thấy chân cứng cáp hơn trước gấp bội, mà bệnh tật gì cũng khỏi hết ráo, sống lâu hơn người bình thường. Vì thế người ta đồn rằng: "ông là tiên nhân đấy!". Có người lại nói: "ông ấy là sư tổ của thần tiên, tức… Lão Quân đó!".
Những lời truyền thuyết đó có từ hơn một trăm năm nay. Về sau, những người tin tiên, mộ đạo không ngại xa ngàn dặm tìm tới, lên núi, tìm tiên. Có kẻ đi không về cũng có người đi lại về. Đối với những người đi không về, có thuyết nói rằng họ đã gặp lão Quân, được hóa độ xuất thế. Có những kẻ không tin tu tiên lại dễ dàng như thế, bảo mấy người kia bị hổ lang sát hại, độc trùng tha đi. Những điều đó hoàn toàn không có bằng cứ gì cả, chẳng biết là thật hay giả. Đối với những người đi, lại trở về, chẳng cần nói tới: họ lên tới chỗ núi cao, không có dường thông suốt để đi tiếp, hoặc gặp phải những việc quá nguy hiểm, khiếp sợ mà phải bỏ về. Những chuyện như vậy chẳng có gì lạ, hà tất phải nói tới. Còn như già đây, đóng trụ ở chỗ núi non hẻo lánh, cả năm ít có người qua lại, nhưng hai chục năm gần đây, đích xác có thấy vài ba người lên núi tìm tiên, có người trở về, có người không. Vì nhà của tôi ở nơi mà những ai muốn lên Hoa sơn đều phải đi qua, nên tôi thường được thấy những người đó.
Nay công tử bỏ nhà đi chơi xa, lại được chân tiên dẫn đi, ắt là có duyên với tiên, nên lần đi này nhất định gặp được tổ sư. Già đây hồi nhỏ có gặp được một dị nhân, ban cho mười viên kim đan. Theo ông ta nói, thuốc này có thể chống được đói lạnh, phòng ngự được độc khí. Chúng tôi lên núi, vào rừng, chưa bao giờ gặp phải tà độc nên đã đem phân phát thuốc cho những người cần tới, đến nay còn lại có hai viên. Nếu công tứ cần lên núi, phải đề phòng độc hại mới được. Còn hai viên thuốc đây, công tứ cầm luôn đi!
Lý Huyền nghe vậy mừng lắm, vội bái tạ, nói:
- Tiên đan đã có linh nghiệm, tiểu tử xin bái lĩnh một viên, đủ để phòng thân. Còn lại một viên, lão trượng giữ lấy để cứu người giúp đời, thì hay hơn.
Vương Đại Quan tỏ vẻ hài lòng, nói:
- Trước nay tôi đưa thuốc cho người, ai cũng chỉ muốn lấy hết, rõ ràng chỉ biết có mình, không biết ai khác. Hạng người như thế làm sao có duyên với thần tiên? Nay nghe công tứ cao luận, đủ thấy là người có lòng nhân, lần đi này nhất định thành công, lão xin ở dưới núi ngày đêm trông đợi tin lành.
Nói rồi, lấy viên thuốc đưa cho Lý Huyền. Lý Huyền cầm xem kỹ, thấy viên thuốc đó có mầu sắc của vàng, tẩm trong nước son đỏ nhỏ bằng hạt cải. Lý Huyền hân hoan, tạ ơn mấy lần, trân trọng đem cất kỹ một nơi.
Tiểu Nhị đem trà tới, Lý Huyền uống một chén, lại hỏi thăm đường lên núi, Đại Quan nói:
- Lên núi rất dễ, đường núi khó tìm, công tứ đã có duyên với người tiên, tới đâu đường đi hiện ra tới đó, hà tất phải lo?
Lý Huyền bái tạ, thụ giáo, Đại Quan lại cười, nói:
- Công tử khách sáo quá? Lão chỉ là một người sơn dã, có điểm nào là tốt đâu, mà dám phiền công tử thâm tạ?
Lý Huyền nghiêm sắc mặt, nói:
- Con người không phân biệt văn vẻ, quê mùa, chỉ có hiểu lẽ phải là quý. Lão trượng nói ra, câu nào cũng xác đáng, tiểu tứ xin ghi vào gan phổi, suốt đời không quên! Một lời cảm tạ đáng kể làm chi?
Đại Quan tỏ vẻ hài lòng. Lý Huyền ở lại nhà ông nghỉ một đêm. Hôm sau, nhờ Đại Quan đem bộ quần áo đẹp của mình đi bán, được một số tiền, mua một bộ quần áo ngắn, ngoài ra còn mua được nhiều lương khô. Sửa soạn hành lý đầy đủ, lúc chiều tối, Lý Huyền định đi. Cha con Đại Quan khổ công cầm giữ ở lại thêm một đêm nữa, hứa sáng sớm hôm sau sẽ dẫn lên vách núi. Lý Huyền cười, bảo:
- Chân tiên đang ở trên đó, ta nên tới thăm liền. Đường núi há phải một, hai ngày tới ngay? Đã nghỉ hết một đêm, hà tất phải nài ép nhau ở thêm đêm nữa?
Đại Quan thấy ý Lý Huyền cương quyết, không dám giữ nữa.
Tiểu Nhị đưa tiễn một quãng đường, chỉ cho thấy lối vào núi, mới trở lại.
Lý Huyền có lòng cầu đạo vững chắc, cứ dấn bước mà đi. Lúc đầu đường còn bằng phẳng, càng lên cao càng gập ghềnh, khúc khuỷu. Mỗi ngày phải ngày đi đêm nghỉ, gặp hang động thì nghỉ lại qua đêm, đói thì ăn chút lương khô, khát thì uống nước suối.
Cũng đôi lúc gặp sơn tinh, dã thú, nhưng Lý Huyền dự tính trước, tránh đi. Gặp những đỉnh núi cao chót vót, cậu bám vách đá leo lên. Hành trình không chỉ một ngày, dần dần cậu đã vào núi tới chỗ sâu thẳm nhất, lên tới chỗ đỉnh núi cao nhất. Quay nhìn xuống dưới núi, mịt mù chẳng thấy rõ thứ gì. Nhìn lên, đỉnh núi cao như đâm vào những đám mây. Số lương khô dự trữ chỉ còn dùng được vài hôm nữa. Lý Huyền chẳng để tâm tới tất cả những chuyện đó, cứ mạnh dạn tiến bước, chẳng hề khiếp sợ chùn bước.
Hôm đó, vào lúc gần tối, lên tới chỗ hai đỉnh núi giáp nhau, núi non lô xô, Lý Huyền lạc mất đường đi. Trong lúc bàng hoàng, ngơ ngác, bỗng một trận gió đưa mùi hôi thối xông tận mũi, buồn nôn. Lát sau, gió tan đi, bỗng từ sau rừng rậm tiến ra một đạo nhân, râu tóc đều bạc phơ, thần thái nghiêm túc. Lý Huyền kinh hãi nghĩ thầm: "Cuộc hành trình gian khổ đi đã nhiều ngày, chẳng thấy một bóng người, sao bây giờ lại gặp đạo trưởng này?
Nhưng từng nghe Đại Quan nói: "Lão Quân tổ sư thường hay biến hóa thành người, nói chuyện với mấy bác tiều phu, nay thấy ông đây có phong thái thần tiên phiêu dạt, hẳn là thần tiên. Vả chăng ở chỗ núi sâu hang thắm, người phàm làm sao tới được? Đúng là thần tiên rồi, còn ngờ gì nữa?". Liền sửa lại quần áo cho ngay ngắn, trịnh trọng bước tới, cúi lạy đạo nhân, thưa rằng:
- Đệ tử là Lý Huyền, từ khi ở trong nhà ở Lạc Dương, được tiên sư dẫn dắt, từ Nam lên Bắc, lên núi tìm thầy học đạo, trên đường đi chẳng ngại phong trần, không từ gian khổ, nay may mắn gặp được sư trưởng, quả là chút lòng thành của đệ tứ chẳng rơi vào hư không. Xin sư trưởng mở lòng từ bi, thu nhận làm học trò, khiến đệ tử ngộ đạo chính quả, thoát khỏi lưới trần, đệ tứ vô cùng cảm kích!
Đạo trưởng cất tiếng cười hà hà, nói:
- Ngươi là Lý Huyền đấy hả? Ngươi đã có lòng thành, không ngại hiểm trở đi tìm học đạo, quả là người có pháp duyên. Ta có thể thu nhận ngươi làm học trò, truyền kim đan đại đạo cho ngươi.
Lý Huyền nghe nói, xiết bao mừng rỡ, vội khấu đầu lạy tạ, rồi đứng dậy. Đạo nhân dặn dò:
Hãy theo ta vào trong động phủ. Ta sẽ dạy cho ngươi phép tu trì.
Lý Huyền dạ dạ, cung kính đi theo đạo nhân, đi quanh một khối đá lớn, lại qua một vách núi, mới thấy lối đi xuyên qua một khu rừng rậm. Đạo nhân chỉ tay, nói:
- Qua khỏi khu rừng rậm này, sẽ thấy một khu đất trống bằng phẳng, và cuối khu đất đó là một động phủ ba gian, chính là nơi ta đang tu chân.
Lý Huyền ngẩng đầu nhìn ra xa, quả thấy đằng sau khu rừng là một quảng trường. Đạo nhân rảo bước đi mau, qua khỏi khu rừng, tới chỗ quảng trường nằm dựa vách núi, quả là một thắng cảnh. Chỉ thấy những cây tùng, cành lá giao nhau, và khắp mặt đất là những loài hoa lạ, tỏa hương thơm nhè nhẹ, khiến người ta ngây ngất. Đạo nhân dẫn Lý Huyền vào trong động, tự ngồi xuống một tảng đá. Lý Huyền tiến lại, vái tám vái. Đạo nhân bỗng hô to một tiếng:
- Đám tiểu yêu đâu rồi?
Liền có rất nhiều những con gì mang lông, để tóc, giống người mà không phải người, có đứa lớn, có đứa nhỏ lau nhau một đám chừng bảy, tám chục đứa, nhất tề tiến vào hang động, vái lạy đạo nhân. Lý Huyền lấy làm lạ lắm. Chỉ thấy đạo nhân toét miệng ra cười, nói:
- Ngươi đã muốn tu đạo, ắt cầu lên trời. Ngươi tuy có duyên, nhưng chưa thoát được xác phàm. Với tấm thân ô trọc như thế, đừng nói là lên trời, ngay cả tìm được căn bản để đằng vân giá vụ, cũng là thiên nan, vạn nan!
Lý Huyền vái đạo nhân, nói:
- Đệ tử tự biết mình căn cơ nông cạn, sở dĩ mạo hiểm tới đây là mong bái sư tôn, cầu xin được thoát thai hoán cất, nhập thánh siêu phàm. May gặp được lão sư thương tình cứu vớt, rất mong sư tôn chỉ báo đệ tử thoát khỏi con đường mê!
Đạo nhân cưới, nói:
- Thoát thai hoán cốt, nói thì dễ lắm, nhưng nếu không gặp được người tiên sử dụng phương cách đặc biệt, thì có dạy bảo ngươi ngàn vạn năm, ngươi vẫn chỉ là một tên Lý Huyền. Nay may gặp được bần dạo, là ngươi có phúc rất lớn. Ta có một pháp môn rất giản tiện mà tuyệt diệu, chỉ mất nửa ngày trời là có thể thay đổi hoàn toàn thai phàm, xương thịt của ngươi, ngươi có chịu không?
Lý Huyền nghe vậy, vừa mừng vừa ngạc nhiên, vội vái đạo nhân để cầu xin:
- Đệ tử cũng vì vậy mà tới đây. Cầu đạo được đạo, thật là may mắn, có gì mà không chịu?
Đạo nhân nói:
- Nay gặp được ngày tốt, đám tiểu yêu ma khiêng về đây một cái nồi, đem vị sư huynh mới tới này đi tắm rửa sạch sẽ, bỏ vào trong nồi nấu lên, bỏ thêm hành tỏi, hương liệu, để bần đạo nhắm một bữa, thì linh hồn anh ta mới có dịp tu trì, thành đại đạo.
Đám tiểu yêu nghe lệnh, vội xúm lại để khiêng Lý Huyền. Bấy giờ Lý Huyền mới kinh hãi, vội hỏi:
- Thiền sư tôn, đây là ý gì?
Đạo nhân hét lên:
- Ngươi muốn thoát thai hoán cốt, không làm cách này, làm sao thay đổi?
Lý Huyền còn muốn tranh cãi, bọn tiểu yêu không để cho cậu ta nói, mang tới một cái đòn gánh, trói hai chân hai tay, lồng đòn gánh vào, khiêng ra khỏi động. Chúng khiêng Lý Huyền ra phía sau động phủ, nơi đó có sẵn một nhà bếp rất rộng. Trên tường treo lủng lẳng những cẳng người, đầu chim, đuôi thú. Lại có một bếp lò rất lớn. Bọn tiểu yêu đem Lý Huyền đi tắm rửa sạch sẽ. Chúng chia nhau ra: một nhóm đi gánh nước về, một nhóm nhúm lửa, nhóm khác canh giữ Lý Huyền, không cho chạy trốn. Lý Huyền bấy giờ mới hối, nghĩ thầm: "Động phủ của người tiên là chốn thanh cao, sao lại có đám quái vật không ra hình thù gì, mà đạo nhân kia từ lời ăn tiếng nói đến cử động đều thô tục, bỉ lậu thế? Chẳng có vẻ gì đắc đạo, toàn chân. Điều đó lại phù hợp với lúc nãy, trước khi đạo nhân xuất hiện, ta đã ngửi thấy một mùi hôi nồng nặc, nhiều phần là từ thân thể của đạo nhân phát ra! Cũng tại ta không cẩn thận chút nào, đã nhận lầm hắn là thần tiên, tự đâm đầu vào bẫy! Quả là tự mình tìm con đường chết! Thương thay một tấm lòng thành, mấy phen thoát hiểm, rốt cuộc cũng đem thân mình làm món điểm tâm cho yêu nhân!". Càng nghĩ càng thương tâm, nước mắt rơi lã chã.
Bọn tiểu yêu thấy Lý Huyền khóc, liền vây chung quanh, vỗ tay đôm đốp, ra vẻ thích thú lắm. Lý Huyền đau lòng đã quá mức, chợt suy nghĩ lại: "Xưa nay, người tu đạo, lúc mới theo học, ông thầy luôn luôn thử thách coi người đó có thể tu tiên được hay không. Nay ta đã tới giữa núi Hoa sơn, tiên sư có thể trông mong gặp được, tiên cảnh chẳng còn xa nữa, mà sao thứ yêu ma này dám to gan hiện hình, quấy nhiễu như thế? Có thể đây là một mưu kế do một vị thần tiên lão sư đặt ra ở đây để thử thách đảm lượng và nghị lực của ta chăng? Nếu quả như thế, ta không nên thấy nguy hiểm chút xíu, mà biểu lộ thái độ khiếp nhược, hèn yếu. Vả chăng, việc đã đến nước này, hai hàng nước mắt của ta cũng không thể chuyển đổi được lòng dạ độc ác của bọn yêu ma, quỉ quái này đâu".
Nghĩ rồi, Lý Huyền cắn răng, mím miệng, nhắm mắt lại, sẵn sàng đợi bọn tiểu yêu nâng mình lên, đẩy vào nồi. Một lát, chợt nghe bọn tiểu yêu la hét:
- Nước đã sôi, mau quăng con vật này vào trong nồi!
Liền có bảy tám con tiểu yêu kêu nhao nhao lên, hò nhau nâng bổng Lý Huyền. Bấy giờ, Lý Huyền đợi chết, muốn tỏ lòng thành, không lộ vẻ gì là sợ hãi, còn mong được mau chóng vào nồi, để thoát trần thế, chuyển kiếp lại làm người.
Chú thích
1 hong: đây là đỉnh núi, không phải gió. Quan Nhật Phong: đỉnh núi để ngắm mặt trời.
Bát Tiên Đắc Đạo Bát Tiên Đắc Đạo - Khuyết Danh Bát Tiên Đắc Đạo