Ám Ảnh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 19
òa nhà làm trụ sở của Công ty thuốc lá Hyland được xây dựng lên năm 1952 do ý kiến của Henry David Hyland. Tòa nhà có bốn tầng và cao nhất ở vùng Willow Cross. Ban đầu H.D đã mướn kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và nói:
- Tôi muốn có tòa nhà đẹp nhất ở miền Nam, nhưng tôi không muốn nó có vẻ mới. Tôi muốn người ta nhìn thấy lịch sử khi nhìn vào công ty thuốc lá Hyland. Tôi muốn họ thấy một cái gì đó vĩnh cửu.
Trước khi đặt móng tòa nhà này, ông Wright đã rút lui vì không chấp nhận được ý định của H.D muốn biến đồ án ấy hoàn toàn thành của mình bằng cách luôn luôn đòi hỏi thay đổi các bản vẽ theo ý mình, bất chấp ảnh hưởng của việc đó vào toàn cục của kiến trúc. Sau đó tòa nhà đã đổi kiến trúc sư hai lần nữa và đều là người miền Nam. Kết quả cuối cùng là một toà nhà lai căng, không giống ai cả. Không ra một nhà thờ, cũng không ra một viện bảo tàng, không ra cổ điển, cũng không ra hiện đại. Trụ sở của công ty thuốc lá Hyland cuối cùng được hình thành không nhất thiết đạt được yêu cầu về mỹ thuật. Nhưng H.D Hyland bằng lòng vì nó đã nói lên được điều ông ta mong muốn. Trụ sở của công ty thuốc lá của gia đình ông tượng trưng cho lịch sử bền vững và quyền lực pha lẫn một chút tính cách gia trưởng và phong kiến của Miền Nam.
Nguyên cả tầng trệt dành cho một đại sãnh dùng để trưng bày lịch sử của kỹ nghệ thuốc lá, như một hội chợ của cả thế giới về thuốc lá, mở cửa cho công chúng vào xem bảy ngày trong một tuần. Mục triễn lãm đi đầu là hình vẻ về đồn điền thuốc lá của thuyền trưởng John Rodfe, người đầu tiên trồng thuốc lá của nước Mỹ. Mục kế tiếp là hình vẽ cuộc chống đối lệnh cấm của triều đình Anh quốc không cho những người trồng thuốc lá ở Mỹ trực tiếp bán sản phẩm của mình ra nước ngoài. Tiết mục này có ghi hàng tựa đề: "Thuốc lá dẫn đầu cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của Hoa Kỳ."
Rồi đến một hình mẫu của xưởng thuốc lá Hyland nguyên thủy trong thế kỷ thứ mười chín, cho thấy cách làm thuốc lá thời đó thành từng bánh, từng cuộn.
Cuộc triển lãm tiếp tục trình bày những cái máy vấn thuốc điếu đầu tiên của những năm đầu thế kỷ hai mươi và chuyển dần đến nhà máy Hyland hiện nay gồm nhiều tòa nhà hiện đại, trang bị đầy đủ, trong đó có một lực lượng nhân công vừa trắng vừa đen, làm việc nhịp nhàng với những bộ máy tinh vi, làm hết tất cả các động tác từ hong lá thuốc đến róc các gân lá, đến xắt lá và trộn các loại thuốc với nhau trước khi vấn thành điếu.
Ở cuối dãy các gian hàng triển lãm, có một nhóm ba cô giá xinh đẹp đứng sẵn để biếu người xem những gói thuốc Hyland mẫu và đưa khách đi xem những tấm hình ghi lại những hoạt động từ thiện của công ty. Dưới tựa đề "Đi đầu trong chiến tranh" là những tấm ảnh chụp những người lính chiến Mỹ ở trận tuyến, tỏ vẻ mệt mỏi đang tiếp nhận những gói thuốc lá Hyland. Có một bằng khen đóng khung của tổng thống Roosevelt, đề cao sự ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Công ty Hyland, bằng cách mua những tín phiếu của nhà nước phát hành trong thời chiến.
Dưới tựa đề " Đi đầu trong hòa bình" là những tấm ảnh to bằng bích chương quảng cáo, trình bày sự tham gia của công ty vào hàng chục tổ chức từ thiện, cũng như sự bảo trợ của công ty trong nhiều hoạt động thể thao lớn.
Tầng lầu cao nhất dành hoàn toàn để làm văn phòng của ông Tổng giám đốc, chức vụ này đã truyền từ H.D Hyland xuống dưới người con trai đầu lòng của ông là Edward. Tầng này cũng như một viện bảo tàng chứa đựng những kỷ niệm trong suốt thời gian gia đình ấy được nâng lên từ giai cấp trung lưu để trở thành giai cấp giàu sang tột đỉnh. Nhưng trái với cuộc triển lãm cho công chúng hướng về tiêu đề phục vụ quần chúng, ở đây tiêu đề là một quy tắc đạo đức của H.D Hyland, khắc bằng chữ vàng trên một tấm gỗ gắn sau lưng bàn giấy tổng giám đốc.
HÃY LÀ SƯ TỬ, ĐỪNG LÀ CỪU NON
HÃY IM LẶNG, THÙNG RỖNG KÊU TO
HÃY NHANH NHẸN - BẰNG KHÔNG HÃY CHẾT
HÃY CHỐNG LẠI KẺ THÙ BẰNG SỰ YẾU KÉM CỦA CHÍNH NÓ
HÃY THƯỞNG CÔNG BẠN CỦA MÌNH KHI CẦN THIẾT.
Trong những năm Duke cầm quyền ở công ty Hyland, tuy ông ta không ghi lại thành văn, các thuộc hạ ông ta đều biết rõ những châm ngôn của ông. Đó là "Không có bạn, chỉ có đồng minh" - "Nên gây một tiếng động đúng lúc để che giấu mối nguy hiểm". "Hãy nhớ một ân huệ… nhưng đừng bao giờ quên một sự lăng nhục."
Sáng thứ sáu mùa đông ấy, Duke bước vào thang máy dành riêng cho ông ta dùng và gật đầu khi người phục vụ thang máy cất tiếng chào. Khi cửa thang máy mở ra ở tầng lầu trên cùng, cô thư ký của Duke là Nancy Butterfield đã đứng chờ sẵn ở bên ngoài, vì đã được người bảo vệ ở dưới nhà báo cho biết ông ta đến.
Giống như một bà già ở đồn điền, cô lẽo đẽo đằng sau ông chỉ một bước, trong khi ông chủ đi qua khu tiếp khách, qua phòng họp rộng bao la và vào văn phòng của ông. Như thường lệ, cô Butterfield đọc lại vanh vách tên những ai đã gọi điện thoại đến trong khi ông vắng mặt, vì biết những mẫu giấy ghi lại để ở trên bàn giấy của Duke sẽ bị gạt vào giỏ rác không đọc đến. Cô chờ một lát và không nghe ông ra lệnh gì, cô pha một bình cà phê nóng, đổ vào bình thủy có vỏ bằng bạc, rồi ra ngoài.
Duke dụi mắt như để làm tan biến cơn nhức đầu vì ảnh hưởng của rượu uống tối hôm trước, đã làm ông thức dậy sáng nay. Ông đã nôn thốc nôn tháo ra hết và đầu nhức như búa bổ. Ông lấy ở ngăn kéo trên cùng của bàn giấy ra hai lọ nhỏ, một đựng thuốc giảm đau và lọ kia đựng sinh tố và chất khoáng. Ông rót cà phê nóng vào một cái tách lớn bằng sứ, thêm vào một ít rượu Bourbon và uống với viên thuốc. Ông nhắm nghiền hai mắt, dựa ngửa vào chiếc ghế bành bọc da dùng làm bao tay sang trọng và chờ dịu bớt cơn đau đầu, ông thầm rủa sự bất lực của người bác sĩ riêng của gia đình Hyland: "Tôi trả tiền cho ông để giữ cho tôi khỏe mạnh, mà ông chẳng làm được việc gì hết. Tôi không thấy có lý do gì để tiếp tục trả tiền khi tôi không ưa các kết quả."
Bác sĩ Kendrick đáp:
- Chính ông phải chịu trách nhiệm về các kết quả, ông Hyland. Tôi đã nhiều lần khuyên can ông và chữa trị những sự quá độ của ông. Nếu ông tiếp tục bỏ ngoài tai sự khuyến cáo, nếu ông không chịu bớt uống rượu, đổi cách ăn lối sống, tôi không làm gì được để thân thể ông khỏi tàn tạ.
Ông bác sĩ không còn dám bảo Duke rằng thói quen hút thuốc lá là cái có khả năng nhiều nhất sẽ giết chết ông.
Duke coi cái đó toàn chuyện tào lao. Một bác sĩ cũng như một người thợ máy, như bất cứ người thợ máy nào khác lãnh lương của công ty. Công việc của ông ta là bảo quản bộ máy, chứ không phải đưa ra những lời cảnh giác và bào chữa.
Khi đã khá hơn, Duke bấm nút gọi cô Butterfield và bảo cô ta cho người thợ hớt tóc riêng của ông vào. Mayfield là một người da đen có nước da sáng, ở trong thị trấn đến đây mỗi tuần một lần, giống như cha anh xưa kia.
Sau khi cất tiếng "chào ông Duke" như thường lệ, Mayfield để ý đến nước da tái xanh và cặp mắt đầy tia máu của ông chủ, nên giữ ý không nói chuyện nữa. Anh ta lặng lẽ mở túi da sờn và xếp đồ nghề ra mặt bàn giấy của Duke. Anh ta huơ tay buộc cái khăn choàng bằng vải trắng tinh ở cổ Duke.
- Đừng cắt ở đỉnh đầu - Duke lẩm bẩm.
- Dạ, - Mayfield đáp, mặc dầu không cần phải dặn.
Sau sáu năm, người thợ hớt tóc biết chính xác phải cắt thế nào, và lúc nào, mái tóc nâu rậm ấy mới vừa đây bắt đầu trở thành muối tiêu. Một tay cầm lược, tay kia cầm kéo. Mayfield làm việc chậm rãi, chính xác, hớt đến đâu, thu dọn tóc rơi đến đó, để không để lại dấu vết sau khi hành nghề.
Ngồi yên cho người thợ hớt tóc làm việc, Duke châm một điếu thuốc và ngẫm nghĩ về bản đối chiếu thành công và thất vọng của tuần lễ vừa qua. Về mặt thành quả, ông đã đánh bại công ty thuốc lá Regal trong vụ đấu thầu để mua lại công ty nhỏ chế biến thuốc lá để hít và để nhai. Tuy công ty ấy đang có tình trạng tài chính khả quan, cái Duke muốn nắm là tên của nó đã có tử một thế kỷ và sự vui thích qua mặt được Công ty Regal.
Nhưng sự hài lòng của ông đã bị một hành động phá phách công khai nữa của Pepper, làm cho giảm bớt. Khi mở ti vi để nghe tin thời sự tối qua, Duke thấy chiếu trên màn hình, cảnh cô em gái khác mẹ bị bắt vì tôi phá rối trật tự và tấn công một cảnh binh. Hình như Pepper và bạn bè vô tích sự của cô ta đã quyết định đốt pháo để làm vui nhộn thêm tiệc rượu say sưa của họ. Sau khi được những người hàng xóm báo cáo vì họ ngại có hoạt động khủng bố, một xe cảnh sát đã được gởi đến đề điều tra. Khi thấy một viên cảnh sát ở cửa vào nhà, Pepper mời anh ta nhập bọn cho vui. Anh ta đã từ chối và Pepper đã nổi sùng, mắng nhiếc anh ta, tát và đá anh ta.
Duke nhăn mặt khó chịu vì nghĩ đến nhiều tờ báo chuyên khai thác vụ tai tiếng, sẽ đăng một loạt bài để một lần nữa bôi nhọ tên dòng họ Hyland. Các đứa con của bà Joanne luôn luôn là những cái gai chích vào hông Duke, bây giờ càng khó chịu hơn hồi chúng còn nhỏ.
Người thợ cắt tóc đã làm xong, xoa phấn lên cổ Duke, mở tấm vải choàng ra và rút lui sau khi chào:
- Xin hẹn ông tuần tới, chào ông.
Duke đứng dậy và bước đến bên cái tủ kính đựng bộ sưu tập các kỷ vật vô giá có tính cách vua chúa của cha để lại. Tất cả các món đồ trong tủ để có lai lịch hoàng gia, từ những quả trứng do Faberger làm ra và của vị Sa hoàng Nga cuối cùng, đến cái hộp thuốc lá để hít, nạm đầy kim cương của vua Louis 14 của Pháp. Ông mở khóa tủ kính, lấy ra món quý giá nhất của bộ sưu tập. Đó là một cái chén tống bằng vàng nạm những viên hồng ngọc vô cùng xinh đẹp. Theo truyền thuyết, nó đã được đặt làm bởi Henry VIII, Vua nước Anh và đã được nhiều pháp sư của triều đình của nhà vua ghép vào đó nhiều pháp thuật đặc biệt. H.D đã đặt tên cho cái chén tống ấy là chén tống Henry - cũng là tên tục của ông - và quả quyết rằng trước khi làm công việc kinh doanh gì quan trọng, ông uống rượu bằng cái chén tống ấy thì chắc chắn được may mắn và thành công.
Duke rót rượu Bourbon vào cái chén tống bằng vàng, rồi đưa lên hướng về bức chân dung của người cha với ý giễu cợt và nốc cạn. Khi còn nhỏ, Duke ngán sợ người cha có vẻ huyền thoại. Nhưng sau khi đã trưởng thành, ông ta đã có thể coi H.D Hyland là một người bình thường như mọi người và đã tập hợp quanh mình những vật nhắc nhở đến những thất bại và hạn chế của H.D
Duke lại nâng cốc uống cho một viên ngọc bích chưa cắt to tướng gắn trên một cái ghế bằng đồng. Duke gọi nó là "Sự điên rồ của Hyland", khi nhớ lại cha mình đã mua cái mỏ đá quý ở Brasil vô giá trị ấy mà chỉ căn cứ trên một viên ngọc này và bị người ta lừa.
Ông ta lại nâng cốc uống cho một hình mẫu một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước, dự định là chiếc đầu đàn của Công ty tàu thủy Hyland Overseas. Sau khi bị bọn người Brasil lừa, H.D đã bỏ việc phiêu lưu ấy, quyết tâm dành hết cho công việc mà ông quan tâm, công việc sản xuất thuốc lá. Duke lẩm bẩm một mình: "Ngu xuẩn, thật ngu xuẩn" và uống cạn ly rượu. H.D đã bỏ lỡ cơ hội một đời có một lần khi ông có thể mua rẻ tất cả những tàu chiến thặng dư của nhà nước sau khiếng tranh thế giới thứ hai. Vì ông đã để cho người con trai của mình chay theo các Công ty khác đã hiểu rõ giá trị của sự đa dạng hóa hoạt động.
Đó là một sự sai lầm khác của H.D. Cũng như những người vợ đã trở về, như những con dơi hút máu sau khi ông chết, để cố đòi thêm một vài triệu trong gia đình của ông để lại.
Duke mỉm cười, ông đã cho những con mụ ấy thấy rõ kể từ nay đừng hòng "ăn có" nữa. Cũng như ông đã cho những người vợ cũ của chính ông thấy họ sẽ lãnh được gì nếu họ đòi hỏi ông quá mức.
Nụ cười của ông nở to khi ông nhớ lại người vợ thứ hai của ông đã lớn tiếng đòi ông cho thêm năm chục ngàn đô la để trả tiền chữa trị về tinh thần cho một ông đạo ở New Mexico. Bà ta đã than thở: "Ông mắc nợ tôi. Ông đạo Sing nói rằng ông đã làm khủng hoảng tinh thần của tôi và phải mất nhiều năm mới chữa lành. Ít nhất là ông phải trả tiền bồi thường". Duke đã thẳng thừng đuổi bà ta đi.
Máy nội đàm ở bàn giấy reo lên. Cô thư ký của ông nói:
- Thưa ông Hyland, ông rãnh để gặp người em trai của ông chưa ạ?
Duke liếc nhìn vào cuốn sổ hẹn, ông tính nhẩm, Babe có lẽ đã chờ nãy giờ ít nhất là nửa tiếng. Ông nói:
- Cho ông ta vào.
Cánh cửa văng phòng của ông được mở ra một cách dè dặt, từ từ, để lộ một người đàn ông có ngoại hình ít thay đổi sau nhiều năm sống lâu ngoài trời, nên Babe Hyland có nước da rám nắng thường trực, có những nếp nhăn nhỏ nhưng vẫn còn gương mặt của một thiếu niên, thất bại và thất vọng đã làm cho đôi mắt không còn thần sắc như trước, nhưng anh ta vẫn bảnh trai một cách lạ lùng. Vì nể mặt người anh, Babe mặc một bộ đồ màu xám đàng hoàng, thay vì phục sức xuề xòa như khi đi trên thuyền.
- Vào đi, chú em. Vào ngồi nghỉ cho khỏe, chắc là chú mệt lắm sau chuyến bay.
- Tôi bị sai lệch giờ giấc do máy bay phản lực. Chỉ cần ngủ lại một đêm là khỏe ngay.
- Tôi chắc vậy, chú dùng cà phê nhé? - Ông ta làm ra vẻ ân cần, nhưng biết chắc rằng người em trai ưa thứ khác.
- Không, không cám ơn anh - Babe từ chối và liếc vào tủ rượu gần đấy đang mở để lộ ra một dãy ly và chai. Anh ta liếc vào đồng hồ tay xem giờ này đã yêu cầu uống rượu được chưa.
Thấy thế, Duke bắt đầu giở ra một trò chơi mà ông thích và càng thích hơn nếu như ông không thắng dễ dàng như thế. Ông lấy ra một tờ giấy trong xấp giấy để trên bàn.
- Tôi đã đọc báo cáo của chú. Tôi phải nói rằng…
Ông ta ngừng lại một chút và quan sát Babe đang ngồi chồm tới trên ghế. Sau bao nhiêu năm anh ta vẫn còn mắc mưu,
Duke nói tiếp:
- Tôi ngạc nhiên và thất vọng. Tôi đã yêu cầu chú báo cáo cho tôi đầy đủ về những nông trường của chúng ta ở Brasil và Zimbabwe. Tôi đã yêu cầu chú dự đoán năng suất cho từng mẫu của những giống thuốc lá mới mà chúng ta đang trồng thử. Chú đã không cho tôi biết báo cáo ấy ngoài khả năng của chú.
Duke nói bằng giọng dịu dàng, ông rất khoái được có dịp trừng phạt. Nhất là khi không có gì tốn kém. Không nguy hiểm. Duke biết thế nào Babe cũng làm sai công việc được giao, nên ông luôn luôn gởi người khác theo để làm cho đúng.
Dưới lớp da rám nắng, Babe tái mặt. Anh ta đã sợ nhất lúc này. Anh nói:
- Những giống thuốc mới đang mọc tốt tôi đã nói vậy trong báo cáo.
- Vâỵ thì những chuyện tào lao khác là cái gì hở chú em?
- Đó là ý kiến thành thật của tôi về những gì ta nên làm.
Duke lặp lại, giọng mỉa mai:
- Ý kiến thành thật của chú à? Do đâu chú nghĩ rằng chú có tư cách để có ý kiến? Trong cả cuộc đời của chú, chú đã dành đủ thời giờ để làm việc chưa mà có được ý kiến?
- Anh không cần nói với tôi bằng cái giọng đó.
- Tôi thấy cần phải nói khi chú đem về một báo cáo có thể hại cho tương lai của công ty Hyland. Tôi có cần phải nói cho chú chuyện gì có thể xảy ra nếu có một ký giả tọc mạch nào đó nắm được cái này? Chú có nghĩ phút nào đến việc là chú nối giáo cho kẻ thù của chúng ta? Hay là sự suy nghĩ quá khó nhọc đối với chú?
- Theo tôi, nếu chúng ta tiếp tục công việc này mới là có hại cho công ty thuốc lá Hyland. Phải chi anh thấy được những điều kiện làm việc mà tôi đã thấy. Những nông dân làm công cho chúng ta ở Brasil nghèo sát đất. Họ đi chân đất và họ thiếu ăn, họ cày ruộng bằng bò, Duke ạ, trong thời đại này! Để chuyển vận, họ dùng những xe bò bánh gỗ giống như thời kỳ đồ đá. Họ sống trong những cái chòi không đáng cho súc vật ở. Mùi hôi thối của nước uống… tôi không thể nào tả nổi. Hay là những đứa trẻ, Duke, thân mình chúng đầy ghẻ lở. Giống như… một trại cùi nói trong Thánh kinh.
- Nhưng chúng ta đã đem lại cho các dân tộc ấy một cái gì đó rất có giá trị trong tương lai chú em ạ. Chúng ta đang gởi đến đấy những nhà nông học do chính công ty của chúng ta đào tạo để dạy họ cách trồng thuốc lá cao cấp trên vùng đất nghèo khổ của họ. Chúng ta đang đầu tư cả thời gian và sức lực, Babe… thì họ nộp lại một cái gì đó cũng là đúng thôi. Trong khi đó chúng ta có thể mua thuốc lá của họ bằng nửa giá trả cho thuốc lá mua trong nước.
Babe nói tiếp:
- Ở Zimbabwe còn tệ hơn. Hàng trăm công nhân sống trong một khu nhà chật hẹp, tất cả dùng chung một nhà cầu đã bị hỏng. Không có nước để tắm rửa, không có cơ sở ý tế nào trong vòng một trăm dặm. Không ai sống được với đồng lương chúng ta trả cho họ, dưới hai mươi đô la một tháng. Còn tệ hơn là nô lệ.
Duke lắc đầu và nói:
- Chú là một đứa ngu dốt và khờ dại đáng thương. Chú không biết một chút gì hết về việc làm ăn và chú sẽ không bao giờ biết cả.
Babe đỏ mặt vì nhục nhã, nhưng những điều khiện làm việc tồi tệ và đáng xấu hổ mà anh đã thấy, đã làm anh xúc động mạnh, nên cảm thấy có bổn phận phải nói ra.
- Nếu làm ăn giỏi là vậy thì phải rồi, tôi dốt.
Duke mỉm cười tự mãn và nói:
- Tôi mừng vì cuối cùng chú đã nhận thức được cái đó. Và bởi vì chú rõ ràng không thích hợp với công việc ở ban nhập nguyên liệu từ nước ngoài của công ty, tôi thấy rằng tôi phải kiếm một người khác ít… đa cảm hơn chú để làm việc đó. Nhưng chú đừng mất kiên nhẫn chú em ạ, chúng ta có thể nói chuyện lại sớm. Tôi chắc, nếu cả hai chúng ta đều cố gắng, chúng ta sẽ tìm ra một việc gì đó thích hợp với tài năng và khả năng của chú.
Babe nhớm đứng dậy, nhưng Duke vẫn chưa chịu thôi.
- Còn một điểm khác nữa. Tôi không thích những điều tôi nghe nói về cuộc sống riêng của bọn họ. Nếu chú vẫn chưa học được cách uống rượu như môt người phong lưu mã thượng, thì có lẽ đã đến lúc phải gởi chú đi học lại một khóa ở Woodland Hills…
Babe rùng mình khi nghe nhắc đến tên cơ sở này mà Duke đã gởi anh đến sau khi H.D chết, như để chứng minh rằng bây giờ Duke nắm quyền tuyệt đối trong tay. Trong ba mươi ngày đầy ác mộng, Babe đã bị người ta áp dụng vào mình bằng phương pháp trị liệu mà các bác sĩ gọi là phương pháp trị liệu bằng sự ghét bỏ, một hình phạt nặng nề làm cho anh phải van xin thà chết còn sướng hơn. Nghĩ đến cảnh đó, anh có can đảm để nói một cách điềm tĩnh:
- Ông già đã qua đời từ lâu. Anh vẫn còn oán ghét tôi đến thế sao?
Babe sợ Duke nổi giận lôi đình, nhưng ông ta chỉ tỏ vẻ vui thú khi nghe Babe nói như vậy. Phải, ông già đã qua đời từ lâu và không còn ai ngăn cản Duke đối xử với người em trai khác mẹ như thế nào. Ông dịu dàng hỏi:
- Do đâu chú nghĩ rằng tôi oán ghét chú? Chú cho rằng tôi có những lý do để cảm thấy thế nào?
- Tôi… không biết nữa - Babe ấp úng nói.
- Để xem nào. Có biết chăng tôi oán ghét chú vì H.D bỏ mẹ tôi để cưới bà Joanne?
Babe nín lặng.
- Có thể chăng tôi đã oán ghét chú vì ông già đã coi tôi như không có? Bởi vì ông đã bắt tôi làm việc để xứng đáng với món tiền cấp hàng tháng cho tôi, trong khi ổng nuông chiều chú để chú hư hỏng? Để chú chơi với các toa xe lửa của công ty? Cho chú bất cứ cái gì chú muốn? Cho chú cả một đoàn ngựa con để đánh polo vì chú nói chú có thể thích môn ấy? Không bao giờ nói một tiếng nào khi chú chán trò chơi ấy?
Babe ngồi im thin thít, không dám cắt ngang trong lúc Duke kể lể. Anh ta nhìn hình mẫu của chiếc tàu thủy Hyland Queen một cách thèm thuồng khao khát. Phải chi H.D đã duy trì công ty tàu thủy mà ông đã bắt đầu lập ra, thì bây giờ có lẽ Babe đã có đất dụng võ.
Khi Duke ngừng lại để thở, Babe cố gắng nói:
- Nhưng H.D đã yêu anh theo kiểu của ông ta. Dẫu ông ta đã làm gì cho tôi, thì ông cũng đã chọn anh làm người thừa kế.
- Yêu? Thời buổi này món hàng ấy có giá trị gì nữa? Không, không đâu chú em. H.D đã chọn tôi làm người thừa kế vì tôi sinh ra đầu tiên. Bởi vì ông già là một người thủ cựu. Cả chú và tôi đều biết tình yêu có nghĩa lý gì với ổng.
Duke vẩy tay ra hiệu cuộc nói chuyện đã chấm dứt.
Babe đứng dậy ra về. Anh mệt mỏi nên không hề có ý nghĩ cãi lại người anh. Như một người con vâng lời cha mẹ, anh để cho Duke khống chế. Babe đã làm thử hết việc này đến việc khác, anh đã cố gắng hết sức mình, ngay cả sau khi thấy dù anh có nỗ lực đến đâu, Duke vẫn cho là thất bại và bất tài. Babe chỉ được thoải mái trong những thời kỳ "thất nghiệp" khi anh rảnh rang để đua thuyền máy là môn thể thao mà anh đam mê và trong đó anh có cơ hội độc nhất để thắng.
o O o
Bằng lòng là vì đẩy được Babe về vị trí của anh ta. Duke tự khen mình đã nhìn xa trông rộng, nên không để cho có đứa con nào trong hai cuộc hôn nhân của ông. Người ngoài tưởng rằng đó là một sự thất vọng nặng nề đối với ông. Nhưng khi một ký giả của báo Time hỏi ông cảm thấy như thế nào khi không có đứa con trai thừa kế. Duke đã trả lời thành thật: "Napoleon có người thừa kế không? Alexander Đại đế có người thừa kế không? Không, thưa ông, tôi cho ông hay rằng, một người lập ra một sự nghiệp vĩ đại tốt hơn là không nên có con cái". Rồi ông mìm cười để cho người ký giả hiểu sao thì hiểu. Nếu ông phải nói rõ ra, thì có lẽ Duke đã nói rằng ông không muốn có một đứa con trai, như con người ngu dốt, yếu đuối, vô giá trị vừa ở văn phòng của ông ra về. Ông lại càng không muốn có một đứa con trai như ông, một người lớn có một tâm hồn trẻ con chờ chực ở hậu trường, chờ cho người cha chết đế chiếm sự nghiệp mà ông ta đã gầy dựng suốt cả cuộc đời.
Không, Duke thầm nghĩ, giấc mơ bất tử của ông nằm trong tương lai của Công ty Hyland mà ông hình dung ra, còn huy hoàng hơn cha ông đã tưởng tượng. Khi còn sống, H.D chỉ có một tình yêu là tình yêu công ty. Tình yêu ấy đã trở thành một ám ảnh, làm cho ông có một cái nhìn chật hẹp và một lối nghĩ địa phương nhiều hơn là toàn cầu.
Cái nhìn về tương lai của Duke thể hiện bằng một cái nhà kiếng thu nhỏ để trên bàn họp. Dưới cái nắp bằng nhựa dẻo là những mẩu còn sống thuộc một giống thuốc lá mới đã được tạo ra để mọc như thổi trong khí hậu Brasil và nhiều điểm khác ở Phi Châu.
Bất kể những lời phiền trách của Babe, dự án này đã trên đường thành công và trong những năm tới, nhờ nó, Công ty Hyland sẽ có nhiều tấn thuốc lá rẻ tiền.
Nhưng kiểm soát được nguồn cung cấp thuốc lá từ nước ngoài rẻ tiền chỉ là một yếu tố trong kế hoạch ba mũi nhọn của Duke cho tương lai. Kế hoạch đó dự trù đa dạng hóa hoạt động của công ty mà cha ông ta xưa kia không bao giờ hiểu được và phát triển mạnh mẽ những thị trường nước ngoài cho thuốc lá Hyland. Nhờ có những lợi nhuận khổng lồ để tha hồ đầu tư, Duke biết giá trị của sự hiện đại hóa, nên đã đặt mua máy móc và những phụ tùng có thể sản xuất những điếu thuốc lá chứa ít thuốc hơn hai mươi lăm phần trăm. Nhưng vì trong nước đang có phong trào để ý nhiều hơn đến sức khỏe, doanh số thuốc điếu trong nước không cao bằng trước đó, trong khi doanh số của công ty Hyland ở nước ngoài càng ngày càng tăng nhanh và càng hứa hẹn.
Bất cứ việc gì Duke nhúng tay vào cũng thành công rực rỡ. Với sự thành công của kế hoạch trong tương lai của ông. Duke hoàn toàn chờ đợi Công ty thuốc lá Hyland trở thành đế quốc thuốc lá giàu mạnh nhất thế giới. Ông đã bắt đầu tuyển dụng những nhà quản trị trẻ thông minh nhất, hăng say nhất để thực hiện ý chí của ông, nhưng cũng đem lại cho công ty những khả năng sáng tạo của chính họ.
Duke ấn máy nội đàm ở bàn giấy, ra hiệu cho cô thư ký riêng của ông biết ông sẵn sàng tiếp người khách khác.
Nhìn vào sổ hẹn, Duke nhẩm tính, người khách này đã phải chờ còn lâu hơn cả Babe, ít nhất một tiếng đồng hồ. Một lát sau, Sterling Weatherby bước vào và đến bàn giấy của Duke.
Duke không mời người luật sư ngồi mà hỏi ngay:
- Sao, ông đã lo xong việc đó chưa?
Người luật sư loay hoay cái nón trong tay và nhích qua nhích lại, lúng túng trên đôi chân.
- Tôi đã làm xong hết.
- Nhưng cô ta vẫn còn ở đây - Duke nói. Ông sắp nổi sùng, nhưng cố nén trong khi Weatherby lắp bắp bào chữa.
- Ắt hẳn cô ta có những món tiền khác, ông Hyland. Tôi xin thề với ông, tôi đã làm tất cả những gì làm được. Tôi chẳng đã đẩy cô ấy đi xa bao nhiêu năm nay và làm mọi việc khác…
- Và ông đã được trả công rất hậu. Nếu bây giờ ông không thể hoàn tất công việc của ông…
- Chỉ là vấn đề thời gian, ông Hyland. Tôi có thể bảo đảm với ông chỉ là vấn đề thời gian.
- Thật vậy không? Vậy thì, nếu để thời gian làm việc đó thì tôi đâu cần ông làm gì, phải không?
Người luật sư nhìn trừng trừng vào người đã ký chi phiếu trả tiền cho mình từ hơn mười hai năm nay. Ông ta nói giọng lạc đi:
- Ông không nói thật đó chứ?
- Ồ, có chứ. Ông hãy coi như ông đã được về hưu, Weatherby. Không có lương hưu. Bây giờ hãy đi đi.
Weatherby nhìn sững Duke Hyland và không tin ở tai mình. Dĩ nhiên, số tiền thù lao ông nhận được không phải là tất cả lợi tức của ông. Nhưng nếu mọi người biết ông không còn được sự bảo trợ của gia đình Hyland thì phần còn lại các thân chủ của ông chắc chắn sẽ mất trắng. Thế nhưng nếu ông cưỡng lại thì được lợi lọc gì? Ông có thể hy vọng rằng Duke sẽ lại cần đến ông và đổi ý. Weatherby ra khỏi văn phòng, so với khi mới vào, gương mặt ông già đi mấy tuổi.
Quỷ tha ma bắt con bé ấy đi, con gái của một con điếm, Duke nghĩ thầm. Thật là khó chịu khi nghĩ đến cô ta còn ở trong ngôi nhà ấy. Cô ta còn ở đó ngày nào là còn nhắc nhở ông nghĩ đến mẹ cô, người đàn bà mà H.D đã phỗng tay trên ông và nhắc ông nhớ lại quá nhiều chuyện trong quá khứ mà ông chỉ muốn xua đuổi vĩnh viễn ra khỏi ký ức.
Ám Ảnh Ám Ảnh - Jessica March Ám Ảnh