Xin Cha-À-O! epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chả Lẽ Bên Nước Các Ông Thiếu Lừa
nh bạn tôi vốn là người không biết cáu giận. Vì thế hôm ấy tôi rất ngạc nhiên, khi vừa bước vào cửa nhà tôi, chưa kịp chào hỏi gì, anh đã cáu ầm lên:
- Xấu hổ quá!... Nhục nhã quá!...
Tôi nghĩ bụng, chắc anh hay gia đình anh gặp điều gì không may.
- Chào, anh ngồi xuống đây đã, - tôi bảo.
- Thật xấu hổ!... Thật nhục nhã!...
- Có chuyện gì xảy ra vậy?
- Nhục quá! - Anh nhắc lại, một tay áp vào má như bị đau răng - Có đời nào một con lừa già ốm mà bán cho người ta đến hai nghìn rưỡi lia!
Tôi lùi lại một bước và nhìn anh chằm chằm vẻ lo lắng: "Hay anh ấy bị điên?... Và, thú thật, tôi đã định gọi vợ tôi".
- Anh uống cà phê, cà pháo gì! Nhục lắm! Nhục hết chỗ nói! Anh hãy nói cho biết, một con lừa già ốm yếu, không đóng móng được nữa có thể đáng giá hai nghìn rưỡi lia không? Mà giỏi lắm nó chỉ sống được hai ngày nữa là cùng.
- Anh biết không... - "Chắc chắn anh ta bị loạn thần kinh rồi", - tôi thoáng nghĩ trong đầu - tôi không bao giờ biết giá của chúng, mà hơn nữa, thú thật, tôi nhìn thấy lừa cách đây đã chục năm rồi.
- Tôi cũng không phải là lái lừa, nhưng anh hãy thử nói cho tôi biết: có con lừa nào có giá trên hai nghìn rưỡi lia không?
- Ừ, à... nếu đó là một con lừa cực kỳ quý hiếm... - Tôi đáp cho xong chuyện.
- Có quý giá gì đâu cho cam! Lừa nào chả là lừa! Giá như nó biết nói thì lại khác. Đằng này nó chỉ là một con lừa rất bình thường. Thế mà lão già bán cho người ta những hai nghìn rưỡi lia, nhưng cái dở nhất là tôi lại là kẻ môi giới trong vụ mua bán này!
- Thế nhưng cái gì đã xui anh dính vào chuyện này!
- Như anh biết đấy, hai vợ chồng tôi đã có lần sang Mỹ, - sau khi nguôi nguôi một lát, anh bắt đầu kể - ở đó tôi có quen một ông giáo sư. Đó là một người rất dễ mến và rất quan tâm đến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi về nước, chúng tôi vẫn trao đổi thư từ với nhau. Cách đây hai tháng ông ấy viết thư cho tôi, báo rằng có một nhà nghiên cứu nghệ thuật, một chuyên gia lớn về các loại thảm cổ và lịch sử nghề dệt thảm, là bạn của ông ta, chuẩn bị sang Thổ Nhĩ Kỳ, và nhờ tôi giúp đỡ ông bạn này. Tất nhiên, tôi trả lời rằng, tôi sẵn sàng, song chỉ yêu cầu ông ta bố trí sang Thổ Nhĩ Kỳ vào thời gian tôi nghỉ hè ở trường Tổng hợp. Vì thế trước khi sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông ta đã kịp đi Ấn Độ, Iran và Apganixtan.
Sau khi đến Stambun, ông ta rất hãnh diện khoe với tôi mấy chiếc va li lớn chứa đầy những tấm thảm mới mua được. Ông tỏ ra hết sức mãn nguyện.
"Tất cả những tấm thảm này đều là những báu vật vô giá". - Ông nói thế. Riêng mảnh thảm cổ, nhỏ tí này, theo lời ông ta, đáng giá không dưới ba nghìn đô la, vậy mà ông ta mua chỉ có một đô la của một người nông dân nghèo Iran. Người nông dân này mừng đến phát điên lên khi nhận được đồng đô la đó. Tôi hỏi ông ta, tại sao cái mẩu thảm nhỏ xíu mà lại đắt thế.
"Vì đó là kiệt tác! - Ông bạn người Mỹ kêu lên - Trên mỗi một xăng ti mét vuông đếm được tám mươi nút dệt! Chả lẽ anh không biết là trong bảo tàng... - Ông ta nói tên một bảo tàng nào đó, - Có lưu giữ một mẫu thảm mà mỗi xăng ti mét vuông của nó có một trăm nút dệt, đó là kỷ lục của nghệ thuật dệt thảm đấy! Cái mẫu thảm đó, - Ông ta cười tinh quái, - được mua với giá năm đô la, trong khi giá thực của nó không dưới năm nghìn đô la!".
- "Sao ông mua được rẻ thế?" - "Anh biết không, tôi là người chuyên sưu tầm thảm cổ đã bốn chục năm nay, tôi tích luỹ được nhiều bí quyết lắm..."
Về sau tôi được biết rằng, ông ta là chuyên gia nổi tiếng thế giới, là tác giả của ba cuốn sách chuyên khảo, hai tập album, và là chủ nhân của một trong những bộ sưu tập thảm cổ phong phú nhất thế giới. Khi ông ấy thổ lộ với tôi về những mánh lới trong việc mua bán, tôi cứ tròn xoe mắt vì ngạc nhiên...
Ngày hôm sau tôi đưa ông ta đi Anatôlia. Ông ta ghi chép cái gì đó giống như ghi nhật ký khoa học, rồi chụp ảnh các tấm thảm trong nhà thờ và viện bảo tàng, mua một số thứ lặt vặt, nhưng thấy rõ là ông ta tỏ ra không được hài lòng, Sau một thời gian, chúng tôi đến một khu khai quật khảo cổ lớn. Hai đoàn khảo cổ, một của Mỹ, một của Tây Đức đang đào bới khắp cả một vùng. Những đống đất và cát cao ngất như là những núi bông vào mùa thu hoạch. Công việc khai quật hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp: Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một số tầng văn hoá. Từ dưới đất hiện lên những ngôi nhà, cung điện, và cả một thành phố. Khắp nơi chỗ nào cũng thấy khách nước ngoài. Nông dân các làng xung quanh thi nhau mời chào họ mua những loại bát đĩa và các "đồ cổ" khác lấy được ở các địa điểm khai quật. Cảnh mua bán diễn ra thật náo nhiệt. Thậm chí cả bọn lau nhau đi chân đất cũng bám theo khách nước ngoài tay cầm các bình đất nung nhỏ và các mẩu đá nhằng nhịt chữ viết, miệng la:
"Oăn đô la", "Tu đô la"(1)
Dù sao thì cũng đã đặt chân đến đây, nên tôi quyết định mua thứ gì đó làm kỷ niệm. Tôi mặc cả viên đá màu xanh da trời, khắc hình đầu người với ý định sẽ nạm vào cái nhẫn ở nhà. Nhưng người bạn Mỹ đi cùng tôi bảo rằng tất cả những thứ bán rao đó, cụ thể là những viên đá ấy, chẳng có chút giá trị lịch sử hay nghệ thuật gì.
"Ở khắp phương Đông, bất cứ chỗ nào tôi đến, - Ông ta giải thích cho tôi, - đều giống hệt như ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại các địa điểm khai quật, nơi có nhiều du khách nước ngoài đổ xô đến, đám nông dân luôn quây chặt lấy họ. Vớ được bất cứ thứ gì, họ đều cho đó là đồ cổ. Đám người bịp bợm này học được cách làm giả bất cứ vật gì, khiến cho nhiều nhà khảo cổ học nhiều kinh nghiệm đôi khi vẫn bị lừa... Ông bạn cùng dạy ở trường Tổng hợp với tôi mua nhầm phải một vật làm giả cổ, về nhà mới phát hiện ra đó chỉ là mẩu xương chó khô! Tuy nhiên, những vật giả ấy, kể cả những viên đá này, phải thừa nhận là, được chế tác khá gỏi. Đúng thế không?" - Chúng tôi lên đường đi tiếp. Trời nóng bức kinh khủng. Chúng tôi muốn tìm chỗ nào có bóng mát để nghỉ chân, uống tạm cái gì đó cho đỡ khát, nhưng phải mất gần một chiếc, chiếc xe jeep mới đưa chúng tôi đến được chỗ có một cây dương đứng trơ trọi. Dưới bóng cây có một người nông dân đứng tuổi đang nằm. Cạnh đó là một con lừa, buộc vào gốc cây. Chúng tôi chào và hỏi chuyện bác ta. Tôi dịch ý cho ông bạn Mỹ.
"Bác làm gì ở chỗ đồng không mông quạnh này?" Tôi hỏi. "Chả làm gì cả, - Ông già đáp, trước kia chỗ này còn trồng trọt được ít nhiều, nhưng từ khi người ta bắt đầu đào bới, khai quật thì người dân sinh lười biếng, không làm gì nữa". "Vậy nông dân sống bằng gì?" - Từ khi những viên đá và sọ người này thành mốt, thì bao nhiêu đàn ông đàn bà bỏ việc trồng trọt, thi nhau đi đào bới hết, nhặt được cái gì, đem bán cái ấy..."
Người Mỹ gật đầu, tỏ ý tán đồng từng câu nói một của người nông dân đứng tuổi. Ánh mắt ông ta như muốn nói: "Điều đó càng chứng minh cho lời tôi nói: ở nước các bạn cũng giống hệt như ở mọi nơi khác của phương Đông..."
Một lát sau ông ta rời chúng tôi ra xem con lừa.
"Tôi thấy ở ta có biết bao nhiêu kẻ ngu đần đê tiện, - bác nông dân nói tiếp. - Bọn chúng đem bán rẻ cho người nước ngoài bao nhiêu là vật quý của chúng ta đào được dưới đất. Những vật ấy là vô giá! Tiền bán chúng, có thể xây dựng được mười nước Thổ Nhĩ Kỳ! Bọn ngoại đạo này cứ đào bới và chở đi hết... Mang về nước chúng bán được bao nhiêu là tiền..."
Với số tiền ấy có thể xây dựng được cả một thành phố ấy chứ!... Cứ thế mãi rồi chúng ta chẳng còn gì hết! Nghe nói bây giờ chính phủ nước ta bắt đầu khôn lên, không cho bọn nước ngoài vơ vét bất cứ một vật gì. Còn nếu cứ để họ mua rẻ như đi ăn cắp ấy, thì phải hiểu là chính phủ bị ăn cắp và đến một lúc nào đó có thể, nếu anh muốn hiểu thế, cả bản thân chính phủ cũng được bán với giá phải chăng..."
"Vậy người nông dân sống bằng gì?"- Tôi hỏi. "Xin ngài tốt hơn hết là đừng hỏi... Quanh vùng này có sáu làng. Ngài cứ thử ghé vào nhà bất kỳ đĩa, hình, choé, sạch sành sanh không còn lấy một chiếc. Trong nhà có bất cứ thứ gì có thể biến thành... cái gì nhỉ... à thành cái đồ cổ ấy, dù có mốc meo, han gỉ cũng đều đem bán hết, cứ thế này rồi sẽ làm hỏng hết con người... Hôm qua tôi thấy thằng bé con hàng xóm tháo cái chuông ở cổ con lừa nhà tôi. Thoạt đầu tôi chưa hiểu nó lấy làm gì. Sau mới vỡ lẽ ra, nó đem chôn thật sâu dưới đất, sau đó nó đào lên ngay trước mặt người nước ngoài - xin mời - đồ cổ chính hiệu đấy! Từ những miếng sắt mỏng lừa bỏ đi họ đúc thành những cái huy hiệu, những đồng tiền cổ, đấy tình hình như vậy đó..."
"Thế còn bác sống bằng gì?" - "Tôi ấy à, tôi buôn bán lừa".
Nói rồi bác nông dân đứng dậy, ra tháo dây buộc lừa. Ông bạn người Mĩ đến sát cạnh tôi, trông dáng vẻ rất hồi hộp.
"Lẽ nào ông sống nổi bằng việc buôn bán mấy con lừa này?" - Tôi tiếp tục lục vấn bác nông dân. "Không biết nói thế nào nhỉ... Vì việc này còn phụ thuộc vào những con lừa..."
Ông bạn người Mĩ sốt ruột, cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Ông ghé sát tai tôi, thầm thì: "Này, trong lúc anh nói chuyện với ông ta, tôi đã xem kỹ mảnh thảm trên lưng con lừa. Nó đúng là kiệt tác đấy!" - "Sao? Cái giẻ rách bẩn thỉu ấy à?" - Phải, phải, tôi đã xem kỹ màu sắc, hoa văn, nút dệt rồi! Trời đất ơi, thật quá sửng sốt! Trên mỗi xăng ti mét vuông đếm được đúng một trăm hai mươi nút dệt. Thế giới chưa từng biết đến kỹ thuật dệt ấy! Đó là một vật vô giá, không có gì hơn nó được..." Tôi nhìn ông bạn Mĩ đang nghẹn ngào xúc động, hỏi: "Ông định mua cái ấy à?" "Tất nhiên rồi! Nhưng tôi không muốn để lão ta nghi ngờ là chúng ta mua mảnh thảm. Tôi biết rõ những tay lọc lõi đến xảo quyệt này. Nếu chúng đoán ra giá trị thật của đồ vật, thì chúng không bao giờ nhượng bộ đâu, thậm chí còn không cho đến gần đồ vật, dù có trả bao nhiêu tiền chúng vẫn bảo là ít! Vì thế chúng ta..."
"Tên ngoại đạo ấy nói gì thế?" Bác nông dân hỏi tôi, - Không có gì. Ông ta bảo rất thích ở đây... - Tôi đáp. - "Ở đây có gì mà thích? Chỉ những đất trống và đồi hoang..." - Bác nông dân làu bàu, vẻ khó chịu.
"... Vì thế chúng ta không nên để lộ cho lão ta biết là chúng ta quan tâm tới mảnh thảm kia - Ông bạn người Mĩ vẫn tiếp tục thì thầm giọng mánh lới, thủ đoạn - Chúng ta sẽ mua con lừa! Lão ấy sẽ bán cho chúng ta con lừa cùng mảnh giẻ rách ấy mà hoàn toàn không ngờ rằng đó là một báu vật thật sự. Con lừa thì đến chỗ rẽ phía trước ta sẽ thả cho nó đi... Anh hãy mặc cả đi!".
"Có phải bác nói là bác muốn bán lừa không? - Tôi hỏi ông già. "Bán, tôi đã nói rồi... - "Thế khoảng độ bao nhiêu thì bác bán?" - "À, cái đó còn xem người mua là ai đã..." - "Nếu chúng tôi mua. Ông già cười vang. "Ngài nói đùa thế, chứ các ngài mua con lừa của tôi làm gì?" "Bác không phải lo chuyện ấy, bác cứ nói giá đi" - "Nhưng còn phải xem ai là người mua đã, ngài hay là cái ông ngoại đạo kia "Ông ta mua! Cái ông người Mĩ ấy!" - Ông người Mĩ à" Hừm... nghĩa là người đồng minh của chúng ta... Thế thì hơi bất tiện!... Này, ngài hãy bảo ông ta con lừa này không thích hợp với ông ta đâu. Nó già lắm rồi!".
Tôi dịch lại cho ông bạn người Mĩ. "Tốt lắm! Nghĩa là lão ta sẽ bán rẻ!" - Ông bạn kêu lên. "Già cũng không sao, - Tôi dịch cho ông già nghe - Ông ta đồng ý mua" - "Nhưng như thế thì xấu hổ lắm. Khi về Mĩ ông ta sẽ kể cho mọi người nghe rằng dân Thổ Nhĩ Kỳ đã lừa gạt ông ta như thế nào...
Tôi dịch nguyên văn câu này.
"Người nông dân Thổ Nhĩ Kỳ rất trung thực - anh hãy nói với bác ta thế. Ở các nước phương Đông khác, người ta không những lừa người mua mà còn hét giá đắt khủng khiếp. Còn bác già đây là người tốt! Anh hãy nói là tôi sẽ trả hậu cho bác ấy..."
"Ông người Mĩ đồng ý", - tôi dịch lại. "Nhưng con lừa này sẽ chết trên đường đi, không về được đến Mĩ. Hơn nữa nó lại đang ở thời kỳ rụng lông kinh khủng..." - "Ông già rõ thật lẩn thẩn! Người ta muốn mua thì việc của ông là cứ phát giá đi nào". "Nhưng tôi đã nói với ngài rồi, con lừa này không dùng vào việc gì được đâu. Ông người Mĩ này mua nó để làm gì? Vả lại ông cũng tò mò muốn hỏi, chả lẽ bên nước họ thiếu lừa hay sai? "Lão già hỏi: chả lẽ bên nước anh thiếu lừa hay sao?"
Ông người Mĩ suy nghĩ một lát rồi bảo tôi: "Anh hãy nói với bác ra: Bên chúng tôi cũng có lừa, nhưng loại lừa này thì không..."
"Hừm... Nghĩa là ông ta không thích lừa Mĩ, mà thích lừa Thổ Nhĩ Kỳ... Thôi được. Thế là thanh thản, tôi không có lỗi gì hết. Bao nhiêu khuyết tật của con lừa tôi đã nói hết cả rồi, không giấu giếm điều gì. Mặc cho gã ngoại đạo này sẽ biết điều gì đợi hắn". - "Thế bác định bán bao nhiêu nào?" - "Đối với các ông thì - mười nghìn lia" - "Cái g-ì-ì-ì? Ông có điên không đấy! Một con ngựa cái nòi, giống Ả Rập cũng không đắt hơn bốn nghìn..." - Thế thì ông ta mua lừa làm gì? Sao không mua con ngựa cái thuần chủng kia đi!"
Tôi nói lại cho ông bạn Mĩ nghe số tiền mà ông nông dân giao giá. "Biết mà... Tôi đã nói rồi bọn này ranh ma quỷ quyệt lắm. Nếu ta hỏi mua mảnh thảm, có lẽ lão ta phải hét đến một trăm nghìn. Thôi được, tôi sẵn sàng trả, nhưng chỉ có điều, nếu hẳn ta biết là tôi đồng ý, lập tức hắn sẽ tăng lên hai chục nghìn, và nếu tôi đồng ý trả hai chục nghìn, hắn ta sẽ đòi năm chục nghìn! Vậy nên, anh cứ mặc cả nữa đi...".
Tôi hỏi ông già: "Này, tôi hỏi thật, ông mua con lừa này giá bao nhiêu?" - "Ông đã hỏi, tôi không giấu. Tôi mua nó có năm lia và chỉ nay mai là nó ngoẻo, tôi sẽ lột da nó để may giầy. Nó chả dùng vào việc gì được nữa!".
- Vậy bác không biết xấu hổ hay sao mà đòi bán những mười nghìn? Rõ thật nhục nhã cho cái đầu óc bãđậu của bác!" - "Ôi, có trời chứng giám, tôi có muốn bán đâu, các người muốn mua đấy chứ! Tôi bảo nó già rồi, cái lão người Mĩ bạn ngài lại bảo; "Không sao!" Tôi bảo da nó rụng lông xơ xác. Ông ta bảo: "Cũng chẳng sao!" Tôi bảo nay mai nó sẽ chết, ông ta bảo "Không lo". Ấy, mà tôi còn quên, một chân sau nó đi tập tễnh...". Biết thế nhưng ông ta vẫn bảo "Tập tễnh một chân cũng không sao...". Đấy, ngài thấy không, nghĩa là ở con lừa này có cái gì đó lạ lùng mà mà tôi không hiểu nổi! Nếu không thì tại sao ông bạn người Mĩ của ông lại đồng ý mua con lừa già què quặt ốm yếu này. Tôi nói vậy có phải không? Vì thế tôi nói một câu: đúng mười nghìn lia, không kém một xu".
Tôi hỏi ông bạn Mĩ có đồng ý mua với giá đó không? Ông ta gật đầu, nhưng sau đó chúng tôi còn mặc cả gần hai tiếng đồng hồ nữa, bớt được xuống còn năm nghìn. Cuối cùng, làm ra vẻ không mua nữa, chúng tôi đi ra chỗ ô tô đỗ.
Ông già không hề để ý đến chúng tôi.
Độ mười phút sau chúng tôi quay lại, ông già phởn chí, cười đắc thắng: "Tôi biết thế nào các ông cũng quay lại mà!" - "Sao bác biết?" - Vì thật rõ là các ông quá mê mẩn con lừa của tôi, không rời nó ra được..." Mặc cả thêm nửa tiếng nữa, cuối cùng ông bạn người Mĩ đếm trả ông già hai nghìn rưỡi lia. Ông già dắt con lừa lại cho chúng tôi. "Đây, xin giao lại cho các ông! Tôi biết bán thế là rẻ, nhưng thôi...". Nói xong ông tháo mảnh chăn trên lưng con lừa rồi đi về. Quá bất ngờ, ông bạn Mĩ đứng như trời trồng, miệng há hốc...
Chúng tôi nắm lấy sợi dây cương, ông người Mĩ kéo phía trước, còn tôi thì đẩy phía sau. Con lừa già yếu đến nỗi hai chúng tôi huỳnh huỵch mãi mới lôi nó đi được khoảng hai mươi thước. Ông bạn Mĩ nói thầm: "Lạy chúa, đừng tỏ vẻ than phiền gì cả, ta cố kéo thêm một đoạn, rồi nhờ anh đến giải thích với lão ta là con lừa bị rét, xin lão ta đưa cho miếng thảm để đắp cho nó..."
Bỗng sau lưng chúng tôi có tiếng kêu: "Khoan đã! Khoan đã! Các ông quên cái này... - "Trời ơi tấm thảm tự đến với chúng ta..." - Chúng tôi vui mừng khôn xiết. "Các ông quên cái vòng buộc dây. Về Mĩ rồi ông lấy cái gì mà buộc! Chà, chà sao đãng trí thế các ông! Đời thuở nhà ai đi mua lừa mà không có vòng buộc dây cương...".
Ông người Mĩ tỏ ra sốt ruột "Thôi, chúng ta không khách khí nữa...".
"Này, bác già, bác cho chúng tôi mảnh giẻ rách kia đi... - Tôi nói." - Con lừa của bác yếu lắm, không khéo nó chết rét dọc đường mất, dù sao ta cũng nên thương loài vật". - "Ấy chết, không được, - bác nông dân từ chối, - tôi không cho mảnh vải này được, đó là di sản bố tôi để lại... Vả lại các ông mua lừa, chứ có mua mảnh vải này đâu." - "Nhưng nó chỉ đáng giá một trinh cũng được - Ông già đáp, rồi nói thêm giọng nghiêm túc hơn: "Tôi mang nó về nhà đây. Ở nhà tôi còn một con lừa còm nữa, tôi phủ mảnh vải này lên lưng nó, biết đâu đấy lại gặp may, có một vị khách hiếu kỳ nào đó giống như ông bạn Mĩ của ngài vậy. Lạy đức Ala, nhờ có mảnh vải này mà đã năm năm qua, kể từ khi đám người ngoại đạo đến đào bới đất đai, con mới được mở mày mở mặt nhờ việc buôn bán con vật thải loại này. Không, không có mảnh vải này không được, nhưng ngài hãy nói để ông ta an tâm, cái vòng kia thì tôi cho không... Thôi, xin tạm biệt. Chúc thành công!" Rồi đi được vài bước, ông già kêu với theo: - "Này, nếu các ông muốn bỏ lại con lừa thì cứ việc, tội gì phải kéo nó đi xa cho mất công!".
Chúng tôi đi đến chỗ chiếc xe jeep. Thôi thực sự lo sợ ông bạn Mĩ ngất xỉu nên phải vừa đi vừa dìu ông ấy.
"Hừm... Tôi chưa bao giờ bị ai chơi cho một vố đau như thế" - Ông bạn Mĩ buông tiếng thở dài, tay tung tung cái vòng buộc trên lòng bàn tay. "Thế ông định làm gì với cái vòng này?" "Tôi cho vào bộ sưu tập thảm... làm kỷ niệm... Dù sao tôi cũng đã mua nó với giá hai nghìn rưỡi lia Thổ Nhĩ Kỳ...".
Xin Cha-À-O! Xin Cha-À-O! - Azit Nêxin Xin Cha-À-O!