Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần Hai - Akimốp - Chương 1
ôlia đã đến được lán đất của ông cụ Phêđốt một cách dễ dàng. Trước mắt thời gian hãy còn nhiều - hẳn hai giờ đồng hồ, mà có thể, hơn thế nữa. Pôlia muốn nghỉ ngơi chút ít và lại đi tiếp. Nhưng vào đúng giây lát cuối cùng cô đã nghĩ lại. Trong hai tiếng không đi nổi tới trại của ông ngoại, mà đi giữa đêm hôm đâu có đơn giản.
Pôlia nhóm cái bếp lò nhỏ trong lán đất, đun nước chè và khi trời vừa tối, liền đi nằm ngay. Nửa giờ đầu tiên cô thấy phấp pha phấp phỏng và chống chếnh thế nào ấy. Cứ có cảm giác như có người nào đấy đang mò đến lán. Đấy đấy, cửa mở ra là những kẻ lạ bước vào. Pôlia nhỏm đầu dậy, nghe ngóng. Hóa ra đó là cỏ khô lạo xạo dưới người cô. Cuối cùng Pôlia tự làm cho mình tin là rừng taiga hoang vắng trong thời gian đông lạnh, và chẳng có gì đe dọa cô. Mọi lo lắng chỉ là do xúc động mạnh và huyễn tưởng, và chẳng việc gì phải nhồi nhét vào đầu óc đủ chuyện vớ vẩn. Cô ngủ say và tỉnh dậy sau một đêm không hề mộng mị.
Trời hửng sáng Pôlia đã bước chân lên thanh trượt tuyết và đi tiếp. Cô đi, như hôm qua, nhẹ nhàng, không quá vội vàng, nhưng cũng không trùng trình vô ích ở những chỗ dừng nghỉ. Cô ngồi xuống một đống cành khô, nhai một chút bánh khô - và lại lên đường.
Rừng taiga chìm ngập trong tuyết nằm lặng lẽ, trầm tư. Ngày hôm nay sáng sủa hơn hôm trước. Mặt trời ló ra mấy lần, và khi ấy tán cây rừng với những cái mũ bông trắng xốp lộng lẫy của mình trở nên óng vàng và lấp lánh như những cây nến sáng. Những vết rìu phạt nhẵn trên các thân cây cũng trở nên rõ hơn. Pôlia chú ý bám sát những vết rìu ấy để không lạc đường, không rời hướng trại của ông ngoại đi lệch về hướng nào khác. Sau tất cả những gì mà cô đã trải qua ở xóm trại của bọn nhà hoạn, sau những câu chuyện trao đổi căng thẳng với Nhikipho và, cuối cùng sau buổi tâm sự cởi mở với cha, cô thấy thật dễ chịu được ở trong trạng thái hoàn toàn đơn độc và ngẫm nghĩ mọi chuyện vừa xẩy ra. Cô cảm thấy rằng giữa cuộc sống mà cô đã trải qua suốt một tháng, thậm chí mười ngày trước đấy, với cuộc sống bắt đầu từ hôm qua là một ranh giới sâu thẳm ngăn cách. Thực ra chẳng hề xảy ra một sự thay đổi bên ngoài nào. Tất cả mọi người ở bên cạnh cô, mọi đồ đạc và vật dùng vẫn ở nguyên chỗ cũ cả, không có ai và không có gì thay đổi cả, nhưng trong chính bản thân cô, trong tâm hồn cô mọi cái đã chuyển dịch, mọi cái đã thay đổi vị trí, mang những sắc thái khác.
Cô thầm suy xét một mặt của cuộc sống, rồi đến mặt khác, rồi mặt thứ ba của nó, cuối cùng cô đi đến những kết luận hướng dẫn cho cô có một thái độ hoàn toàn mới.
«Không thể sống trong cái nhà mà mi khinh rẻ, khi những người của cái nhà ấy mi coi là xa lạ... mà nếu đúng như vậy thì tại sao còn cứ kéo dài, trì hoãn, nhẫn nhục, chịu an phận làm cái kẻ thực ra mi không phải như vậy... Dứt bỏ ra đi, không chậm trễ dứt bỏ ra đi... Nhưng nếu anh Nhikipho ngăn trở, mưu toan gắn cuộc sống của hai vợ chồng dưới một mái nhà, khi đó thì sao? Dù sao vẫn cứ bỏ ra đi. Không có anh ấy nữa ư? Phải, không có anh ta... Nếu như anh ấy yêu chân thành, thì anh ấy sẽ đi cùng mình, còn nếu không yêu thì cứ để anh ta ở lại tự giết mình... Và khi đó sẽ rõ là mọi lời lẽ mà giữa hai người đã từng trao đổi biết bao lần về cuộc đời tự lập chỉ là nước sơn hào nhoáng, lớp mạ vàng đáng giá một xu, con lúc lắc vô tích sự».
Pôlia thấy thương hại Nhikipho. Cô đã từng tin tưởng vào anh ta. Đã yêu anh ta và không thể tưởng tượng được mình không có anh ta. Nước mắt ứa ra nhòa mắt. Cô vừa đi vừa khóc, bởi vì ở đây, ở giữa rừng taiga, không ai nhìn thấy những giọt nước mắt này, không ai có thể chê trách hoặc suy đoán cái tình cảm của cô theo chiều hướng nào khác.
Cô suy nghĩ cả về cha đẻ, về sự nghiệp mà ông cống hiến cuộc đời mình và vì nó mà ông sai cử cô đi vào cánh rừng taiga xa xôi này. Rồi tiếp tục sẽ ra sao đây. Không lẽ anh chàng trai mà cô hối hả đi giúp đỡ này là người cuối cùng? Không lẽ năm nay hay sang năm sẽ không có những sự việc mới mà cha cô sẽ lại nói với cô như hôm qua: «Pôlia, ngoài con ra, không còn ai đi được, mà cần phải giúp đỡ, cho dù việc này có quá sức lực của chúng ta đi nữa...» Và cô lại sẽ đi, đi một cách thoải mái. Tâm hồn cô mở rộng đón gặp cha cô, và cô biết chắc chắn là cha cô không bao giờ và trong bất cứ việc nào cũng xử sự khéo để cho các hành động và suy nghĩ của ông không xúc phạm đến lương tâm của cô hoặc quá đáng hơn là làm tổn thương đến ý thức của cô.
Chà, những đường đi lối bước trong cuộc đời này mới phức tạp và rắc rối làm sao! Gần giống như ở đây, trong rừng taiga này. Bước chân đi và luôn luôn phải để ý xem đang đi ở đâu: phải nghĩ đến cả bước đường đã qua, cả đoạn đường sẽ tới, phải cân đối sự vận động của mình với dòng thời gian để đến đêm không rơi vào chỗ trống trải, tính toán sức lực để đi không bị kiệt sức, và bao giờ cũng có một chút sức lực dự trữ.
- Dừng lại! Có vết thanh trượt! - Pôlia thốt lên khi nhìn thấy phía trước có hai vệt ngoằn ngoèo, vắt qua sườn dốc thoai thoải của mương xói.
Pôlia trượt đến chỗ vết trượt, cô dừng lại. «Ai đi thế này? Ông mình với anh chàng ấy chăng? Hay ai khác? Có lẽ là ông với anh ấy. Hình như sắp sửa phải hiện ra trại của ông rồi». Xem xét vết thanh trượt, Pôlia đi sâu vào rừng linh sam mới mọc, rồi qua chừng một vécxta cô lại gặp vết trượt. Bây giờ vết trượt kéo dài từ vết rìu trên thân cây này đến vết rìu trên thân cây khác, và Pôlia đi bên cạnh vết trượt đó. Lớp sương muối lồng bồng rơi từ trên các cành cây xuống, đôi chỗ đã phủ kín vết trượt, nhưng cô cảm thấy rõ là vết trượt này còn mới, vết trượt của ngày hôm nay thôi.
Nửa tiếng sau Pôlia cảm thấy mùi khói và lát sau qua cây cối cô đã nhìn thấy những bức tường bằng thân gỗ của căn nhà ông Phêđốt. «Thế là cuối cùng mình đã tìm tới nơi rồi! - Pôlia thở phào nhẹ nhõm và thậm chí còn tăng thêm tốc độ đôi chút. - Ông mình hẳn sẽ vui mừng, bao nhiêu ngày ông cháu không thấy nhau rồi còn gì nữa. Ông sẽ hỏi đủ thứ chuyện cho mà coi, rồi lại thết đãi các món kỳ lạ của rừng taiga. Ông hẳn là có một món gì đó mà mình phải ngạc nhiên!»
Pôlia muốn tiến đến căn nhà một cách lặng lẽ, thận trọng, dường như không phải cô đến bằng thanh trượt, mà nhảy sà từ trên cành cây xuống, tựa hồ một cánh chim trời bé bỏng.
- Xin chào mọi người! Ở đây mọi người sống ra sao nào? - Pôlia vui vẻ lên tiếng, tay mở cánh cửa, nhưng chưa kịp nhìn khắp căn nhà.
- Mời vào! - Pôlia nghe tiếng nói lo ngại của Akimốp.
Anh đang đứng bên cạnh bàn, cúi người bên trên một tấm bảng rộng, vẽ đầy những cái vòng tròn, dấu thập và đường nét gì đó. Trong tay anh là một cái dùi nung đỏ. Trong căn nhà sực mùi gỗ đốt cháy và mùi nhựa nóng chảy. Lúc này, trong bộ trang phục mặc ở nhà, Akimốp có vẻ rụt rè hơn, nhưng lại già hơn tuổi. Có lẽ bộ râu cằm mà nay đã trở nên tròn trặn, rậm rì cả hai bên má, cả quai hàm, cả cổ, làm cho anh trông già đi.
- Hình như tôi với chị đã có lần gặp nhau thì phải, - nhìn kỹ Pôlia, Akimốp nói, giọng khá bối rối.
- Ở nhánh sông cụt Gôlêsikhinô mùa thu vừa rồi, khi người ta truy lùng anh, - Pôlia nói rõ thêm. - Thế ông Phêđốt đi săn ư?
- Sáng nay ông cụ vừa về Parabên. Đi lấy thêm thực phẩm dự trữ.
- Nghĩa là, tôi gặp vết trượt của ông tôi. Tiếc thật! Nhưng mà không sao, đằng nào cũng...
Akimốp đẩy tấm bảng ra xa, đặt cái dùi mũi chĩa lên trên và lặng đi chờ đợi những thông báo quan trọng gì đó đối với mình.
- Đồng chí Granhít, đây là thư của đồng chí Gà rừng gửi đồng chí. Điều gì không rõ, có lệnh truyền đạt bằng lời, - Pôlia nói lên những lời ấy có phần hơi lúng túng.
Những lời ấy đối với cô thật lạ thường, nhưng cha cô dặn phải nói đúng theo trật tự như vậy. Pôlia cố ghìm để không cười, cái cười cứ chực bật ra. Đồng chí Gà rừng không phải ai khác mà chính là cha cô. Hóa ra là những người quan hệ với nhau trong Đảng gọi ông Gôrbiacốp như vậy đó. «Nhưng ai mà nghĩ ra cái tên như thế không biết?! Rất hay, rất đạt. Trong bản chất, bố có cái gì đấy của gà rừng: xương xương, nặng nề, chậm chạp», - Pôlia suy nghĩ, trong lúc đồng chí Granhít đưa đôi mắt thèm khát lướt nhanh trên mặt giấy.
- Thế đấy, Pôlia, cô đã mang đến cho tôi cái tin thật mừng quá. Cảm ơn cô. Lần thứ hai cô lại cứu giúp tôi. - Akimốp gấp tờ giấy lại, nhưng ngay đó lại giở ra và cắm cúi đọc lại.
«Rõ là anh ấy chán ngồi trong rừng taiga quá rồi. Anh ấy đang muốn vùng thoát ra bay nhẩy. Hai chân cứ rậm rịch như chú ngựa chồn vó. Chỉ cần động giây cương một tý chút là lập tức phóng bay lên không còn biết gì trời đất nữa», - Pôlia thoáng nghĩ.
- Mà cô ngồi xuống chứ, Pôlia. Tôi sẽ đi hầm gamen thức ăn, đặt ấm trà. Cô đem cái tin của mình đến làm tôi sửng sốt đến bối rối. Mời cô ngồi xuống đi. Tôi sẽ thu dọn tất cả những thứ này xuống phản... - Akimốp rối lên chạy xuôi chạy ngược khắp nhà. Tấm bảng anh đánh rơi ngay đó, cái dùi cũng lăn long lóc dưới gầm bàn, sau đó, một vật gì từ trên bếp rầm rầm rơi xuống, và Pôlia bất giác thầm nhận xét: «Không biết là người vụng về lóng ngóng, hay vui sướng quá đâm ra bối rối».
- Anh khỏi phải bận tâm như vậy. Tự tôi cũng có thể lo liệu lấy được. Chả phải tiểu thư công chúa gì. - Pôlia cười.
- Ấy, không! Sao lại thế được? Cô đã vượt một chặng đường dài như vậy. Cô cần được nghỉ ngơi cho tốt. Ngồi xuống đi, tôi xin cô đấy. Bữa ăn hôm nay chúng ta có gà thông, món nhắm có cá chép muối, nước trà với nham lê ướp lạnh. Cô thấy không, chúng tôi sống sung túc không! Tất cả là nhờ cụ Phêđốt đấy! - Akimốp đã nén được niềm xúc động của mình, và lúc này anh làm đâu ra đấy.
«Không, anh ấy lanh lợi lắm», - Pôlia lại thầm nghĩ.
- Mà anh lấy ở đâu ra nham lê kia chứ? Tất cả đều nằm dưới tuyết cả, đều băng lạnh cả... - Pôlia đang khát, lúc này giá được thì cô sẵn sàng uống hết ca nước trà trước bữa ăn.
- Cụ Phêđốt tìm về đấy! Mà cô biết bằng cách nào không? Cụ đến đầm lầy nham lê, ngay trước mắt tôi cụ bới tuyết trên hai ụ rêu, gỡ lớp rêu phủ mang về nhà. Đến đây rêu tan ra giá và chúng tôi lấy ra cả một cơi đầy quả to mọng. Không hiểu sao đêm đêm cụ bắt đầu khổ sở vì ho. Thế là cụ mới đi tìm thuốc cho mình. Và bắt cả tôi cũng phải uống nước mộc nhĩ bạch dương với nham lê. Cụ bảo thứ thuốc này là vô giá. – Akimốp bật cười hồn hậu, ròn rã, và Pôlia hiểu rằng ông già rất hợp tính hợp nết với anh.
- Có thể trước hết hãy cho tôi uống một cốc nước trà với nham lê được không? - Pôlia muốn gọi Akimốp là đồng chí Granhít nhưng lại ngắc ngứ, dù sao như thế cũng không quen thế nào ấy.
Akimốp cảm thấy điều đó liền bảo:
- Cô cứ gọi tôi, cô Pôlia ạ, như cụ Phêđốt vẫn gọi ấy: - Gavơriukha. Còn nước trà thì tôi sẽ rót ngay đây.
Akimốp vứt thêm những khúc củi khô vào bếp lò cho đỏ thêm, và bếp lò phừng phừng cháy. Qua mấy phút ấm nước trà liền sôi sùng sục. Akimốp mang từ ngoài sân vào một cơi nham lê ướp lạnh.
- Pôlia, cô uống đi. Khi nào đỡ khát ta sẽ ăn trưa.
Akimốp thậm chí không cho Pôlia chạm đến cái gamen. Mọi thứ đều tự làm lấy hết, anh hâm nóng và múc canh vào hai bát to, cho thêm thịt gà thông vào đấy, đặt lên bàn những miếng cá chép muối để trên một mảnh gỗ.
- Mời cô ăn đi. Chỗ chúng tôi với cụ Phêđốt bắt đầu ngặt cái khoản bánh khô. Nhưng tôi xin vay cho cô ở cái khoản dự trữ bất khả xâm phạm. - Akimốp đứng dậy để lấy bánh khô ở các cơi để trên giá cao, nhưng Pôlia ngăn anh lại:
- Tôi thết anh bánh mì mới. Tôi mang theo cả một ổ bánh tròn.
Pôlia lấy ở cái túi của mình ra một ổ bánh mì tròn, đem cắt đôi.
- Phần này anh để mang đi đường. Còn phần này có thể ăn được.
Akimốp đã lâu không được ăn bánh mì mới. Anh cầm lấy một lát, hít ngửi, nhưng lưỡng lự không dám ăn. Mãi sau anh mới cắn một miếng, nhai rất lâu, ngon lành.
- Con người ta nghĩ ra lắm điều kỳ diệu, nhưng bánh mì là một phát minh kinh thiên động địa bậc nhất của con người. - Akimốp chặc lưỡi, không giấu sự khoái trá. Quan sát Akimốp, Pôlia thấy vui thích hẳn lên.
- Thứ bánh làm bằng lúa mạch đen bình thường. Hơn nữa, bột lại là thứ bột thô.
- Thế mới lại càng quí! Mà mùi mới thơm làm sao chứ! Tỏa mùi thơm khắp cả căn nhà. - Akimốp ăn hết một lát to, có thể ăn hết thêm cả một lát thứ hai, nhưng tự ngăn mình lại: - Đủ rồi, phải để dành cho cả ngày mai nữa chứ.
Rót nước mộc nhĩ bạch dương đặc vào hai cái ca, Akimốp quyết định đã đến lúc có thể bàn đến công việc.
- Pôlia, xin cô cho biết, đồng chí Gà Rừng bảo chuyển cho tôi những điều dặn dò truyền miệng gì nữa?
- Nghĩa là thế này. - Pôlia lại im lặng, nhớ lại, bố cô đã nói những gì, rồi nhìn thẳng vào cặp mắt chờ đợi của Akimốp, cô nói: - Sáng sớm mai chúng ta lên đường. Chúng ta đi tới lán đất của ông tôi. Nghỉ đêm tại đó. Còn từ lán đất trở đi đường sẽ dài hơn, đến khoảng mười vécxta. Ta phải đi đường vòng để tránh Parabên và đến chiều tối phải tới Tsigara. Từ đấy, đến đêm bác xà ích Ephim Vlaxốp sẽ chở anh đi tiếp. Chở đi đâu, không thấy nói, Gà Rừng... - Pôlia bối rối, cô im lặng, sau đó vội vàng tiếp: - Gà Rừng bảo: về chặng đường đi tiếp người đánh xe đã nắm được.
Có lẽ, điều thông báo của Pôlia chẳng chứa đựng điểm gì mới đối với Akimốp, tất cả đều đã nói trong thư, lá thư mà anh đã đọc đi đọc lại mấy lần, nhưng Akimốp vẫn nghe Pôlia nói hết một cách chăm chú. Lặng im một lát, anh hỏi:
- Hóa ra là, ở chính Tsigara ấy tôi lại không được ngủ lại.
- Không. Đêm người ta sẽ chở anh đi, - Pôlia khẳng định lại và, sau khi im lặng một chút, phát biểu dự đoán của mình: - Tôi nghĩ, sở dĩ phải chở anh đi đêm là để vượt qua các trại cư dân, nơi đó thường bị khám xét.
- Thôi thì ta trông cậy cả vào số mệnh và đặc biệt vào các đồng chí, - Akimốp nói đùa.
Trong nhà đã tối. Chỉ có bếp lò lập lòe những vệt ánh sáng. Akimốp mở cửa lò. Anh đốt đóm châm đèn.
- Chúng ta lên đường vào giờ nào, cô Pôlia? - anh hỏi.
- Bắt đầu hửng sáng là ta ra đi.
- Được. Bây giờ tôi thu xếp đôi thứ để sáng mai không phải bận nữa, với lại thế này nhé, cô đừng dậy sớm, cô cứ ngủ, tôi sẽ nấu nước trà, ninh lại thịt chim đa đa, Mà cô có ngủ quên, tôi sẽ đánh thức.
- Tôi đã quen dậy vào bốn năm giờ sáng. Phải đi vắt sữa bò mà.
Có thể nhân cái điều nói xa xôi ấy hỏi sâu về cuộc sống của Pôlia, nhưng Akimốp tự cho rằng mình không được quyền làm như vậy. Đồng chí Gà Rừng viết vắn tắt: tuyến đường chạy trốn của anh đã vạch, khác thường, hơi kéo dài hơn một chút, nhưng lại an toàn hơn nhiều. Pôlia sẽ đưa anh tới làng Tsigara, và có vậy thôi. Pôlia là người thế nào? Cô có quan hệ gì đối với Gà Rừng? Cô làm nghề gì? Không thêm một chữ nào nữa.
Một điều duy nhất mà Akimốp tin chắc là Pôlia có họ hàng với cụ Phêđốt. Pôlia gọi ông cụ bằng tên đấy, nhưng hai ba lần cô lỡ mồm: «ông tôi». Akimốp còn nhớ một chuyện khác: buổi đầu có lần chuyện trò với nhau, khi nhắc đến cô gái đã cứu anh ở nhánh sông cụt, ông cụ không ghìm được đã tự hào thốt lên: «Cháu gái tôi đấy! Cháu độc nhất đấy!»
Akimốp thở dài, tiếc rẻ là vì cái hoàn cảnh cuộc sống của chính mình anh không thể thỏa mãn sự hiếu kỳ của anh và anh khuyên Pôlia đi nằm nghỉ.
- Vâng, tôi đi nằm đây. Hai ngày liền tôi khuỵu chân rồi thật đấy. - Pôlia nói và, đi đến phản, nằm nép vào tận trong góc.
Akimốp tưởng cô sẽ ngủ thiếp đi ngay tức khắc, nhưng Pôlia vẫn nằm mắt mở trừng trừng, và thỉnh thoảng liếc nhìn cô, Akimốp lại thấy rằng cô luôn luôn theo dõi anh.
- Một khi cô chưa ngủ, cô Pôlia, tôi muốn hỏi cô: tôi nên làm gì với tấm bảng này nhỉ? - Akimốp hỏi, tay cầm tấm bảng gỗ dán rộng gần bằng chiếc mặt bàn.
- Nhưng sao kia, ở các địa phương khác của nước Nga anh không tìm ra tấm bảng gỗ khác ư? - Pôlia cười mát.
- Vấn đề không phải ở chỗ đó, cô Pôlia ạ. Đây không phải chỉ là tấm bảng gỗ, mà là tấm bản đồ rừng taiga xa xôi với những ghi chú các dấu hiệu khí đốt, những nguồn nước nóng, những điểm dịch chuyển âm thanh, sai lệch kim la bàn. Ở đây cũng ghi lại cả những quan sát... Những quan sát của riêng tôi và đặc biệt là của cụ Phêđốt. Biết đâu đấy, có thể khi nào đó sẽ cần thiết cho khoa học. Còn tấm bảng gỗ là bởi vì tôi không tìm ra giấy mà cũng chẳng có bút chì.
Tất cả câu chuyện này làm cho Pôlia sửng sốt. Cô chống khuỷu tay nhỏm dậy, và bây giờ cô nhìn Akimốp với vẻ ngạc nhiên. Về mảnh đất Narưm thân yêu của mình, mảnh đất mà theo cô tưởng tượng không có đâu đẹp hơn, cô thường chỉ được nghe nhắc đi nhắc lại những lời: «Mảnh đất tồi tàn. Miền đất tồi tàn...» Trái tim nhỏ bé của cô bao giờ cũng thắt lại đau đớn vì những lời ác nghiệt và hà khắc này. Đất Narưm thế này mà là tồi tàn ư?! Mảnh đất nơi mẹ cô đã lớn lên và sống suốt đời ư? Mảnh đất, mà bố cô, con người buộc phải đến ở nơi đây, đã yêu quí một đời ư?! Mảnh đất mà ông Phêđốt của cô luôn luôn gọi là mảnh đất của những điều kỳ diệu ư?! Thôi đi... Thế ở đâu còn có những khoảng rộng như ở Narưm đây? Mà ở đâu, ở vùng nào có thể tìm thấy những con sông hùng mạnh như ở đây? Rồi rừng như rừng ở đây còn ở đâu có nữa? Còn những đồng cỏ ở đây trải rộng mênh mông làm sao, sau cơn mưa lũ xuân phủ đầy hoa và giống hệt như những tấm thảm! Như thế kia đấy...
Tất nhiên, Pôlia không nói ra điều đó, nhưng hễ ai mở mồm nói về Narưm những lời bất công quá quắt: - «Mảnh đất tồi tàn! Miền đất tồi tàn...» - là cô lại sẵn sàng nói lên những ý nghĩ ấy.
Ấy vậy mà bỗng dưng! Một người trốn tù... Con chim nhỏ lạc cánh... Vậy mà anh ta nói về chuyện gì kia chứ? Tấm bản đồ cánh rừng taiga xa xôi! «Có thể khi nào đó sẽ cần thiết cho khoa học...» Không phải để cho việc gì khác, mà là cho khoa học! Anh trai trẻ mọc đầy râu này là ai vậy? Có thể anh là Lômônôxốp mới? Xưa kia Lômônôxốp ấy cũng xuất thân từ những miền hoang vắng xa xôi, đeo túi lương khô cuốc bộ tìm đến Mátcơva...
Pôlia không thể cứ nằm mãi trên phản. Cô trở dậy, đi đến bên bàn, đưa mắt nhìn tấm bảng vẽ chằng chịt những mũi dùi nung đỏ.
- Mà đây là tất cả rừng taiga xa xôi ư? - Pôlia hỏi, cúi xuống tấm bảng.
- Tất cả đó, cô Pôlia ạ, là đất ở đây chưa được khảo sát... - Akimốp không nói hết, thở dài, chỉ dang rộng hai cánh tay dài.
- Vậy mà ở đây đâu đâu cùng chỉ nghe người ta nói: «Mảnh đất tồi tàn». Nhưng lại là thế đó!
- Trên trái đất không có chỗ nào là tồi tàn, Pôlia ạ. Chỉ có những điều kiện sinh sống tồi tàn của con người. Mà cái đó không phải phụ thuộc vào đất đai, mà là phụ thuộc vào con người...
- Thế anh hiểu biết về đất đai không? Đất nào có giá trị, đất nào không? - Pôlia hỏi, cảm thấy dung mạo của chàng trai này lại có thêm những hình nét khác nào đó. «Mình vẫn cứ nghĩ chẳng qua là anh ta nổi loạn chống Nga hoàng, và có vậy thôi, thế nhưng anh ta lại, thấy chưa nào... vì lợi ích khoa học», - ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu cô.
- Tôi có biết đôi chút Pôlia ạ. Tôi là một khách du lịch, một người đi khảo sát, - Akimốp nói về mình, miệng cười mai mỉa.
- Nhưng anh học bao giờ mà nhanh thế?! - bất giác Pôlia thốt lên, cô vẫn cho rằng tất cả những người am hiểu khoa học đều là những ông già lọm khọm râu tóc bạc phơ thả dài, vẻ mặt đều nghiêm khắc và khó gần, như chính ông Lômônôxốp ấy hoặc lại nữa như ông Menđêlêép...
- Không, Pôlia, cô nhầm rồi, hiện thời tôi đã làm được gì đâu.
- Thế anh cần mang cái này theo ư? - Pôlia hất đầu về phía tấm bản đồ gần như phủ kín cả mặt bàn.
- Tất nhiên là rất muốn, - Akimốp thở dài, nhớ ngay tới ông bác Likhatsiốp, chắc hẳn bác sẽ phải hài lòng về tấm bản đồ như thế này. Hẳn bác sẽ khen ngợi hết mức: «Khá lắm, Ivan, cháu đã không lười nhác, cháu đã suy nghĩ, không trông chờ vào ngày mai sáng sủa, cái ngày mai mà những kẻ chây lười thích đẩy cho những công việc dang dở».
- Mang theo nguyên cả tấm bảng như thế này khó đấy. Mỗi bước đi là lại vướng cây vướng cối. Anh sẽ bực mình lắm đấy, - Pôlia nói, ước lượng khuôn khổ tấm bảng trên lưng Akimốp. - Nhưng có thể làm thế này: cưa nhỏ tấm bảng ra, xếp mảnh nọ lên mảnh kia, rồi sau này sẽ lấy hồ dán gỗ dán lại. Và đành phải cho vào bao mà mang, và không phải đeo ngang, mà đeo dọc lưng.
Chính bản thân Akimốp cũng hiểu - không thể nào mang theo tấm bảng gỗ trên lưng. Ừ thì cho là mang được nó ra khỏi rừng taiga đi nữa, nhưng tiếp tục rồi ra sao? Thậm chí trong tình trạng cưa nhỏ, tấm bảng vẫn sẽ là vật cản trở. Mà cái chính là nó sẽ làm cho người khác chú ý và như vậy là cả các quan chức trật tự nước Nga cũng sẽ chú ý đến anh, còn đối với anh thì lúc này giá mà lại tàng hình được, biến thành cái bóng, như một con bướm cánh nhẹ lâng lâng bay khắp nước Nga, không để lại dấu vết gì cả.
- Xin cảm ơn cô Pôlia đã góp ý khuyên bảo, nhưng tôi không thể đưa tấm bảng đi theo. Tôi để lại đây. Tôi để vào chỗ này, góc này nhé. Dưới phản nằm. Và cứ để nó nằm đấy. Điều trước nhất tôi đề nghị cô, Pôlia: nhờ cô nói lại với cụ Phêđốt để cụ chớ vội biến nó thành củi đóm... - Nghĩ ngợi điều gì một chút, anh nói thêm, miệng cười mát: - Biết đâu tôi lại cần đến...
- Tất nhiên rồi, chúng tôi sẽ giữ gìn kỹ chứ! Tôi sẽ bảo với ông tôi, nhưng chính ông tôi cũng biết rồi. Anh đừng nghĩ rằng một khi ông tôi thất học, nghĩa là ông tôi man rợ và tăm tối. Ông tôi biết nhiều, nghe nhiều... - Trong giọng nói của Pôlia nghe rõ những âm sắc ấm áp.
- Đâu có man rợ và tăm tối kia chứ! Cụ Phêđốt là con người có tầm nhìn cuộc đời rộng rãi. Còn trong lãnh vực đời sống rừng taiga thì cụ quả là một bậc giáo sư!
Pôlia bật lên tiếng cười vui vẻ. Cái chàng trai rậm râu này mới buồn cười làm sao chứ. Chắc hẳn là anh chàng rất thông minh! Đối với những người khác đất đai Narưm là «mảnh đất tồi tàn», còn anh chàng lại tiên đoán đất đai này sẽ được khoa học nghiên cứu. Ông Phêđốt đối với tất cả giới tai mắt Parabên chỉ là một người lưu đày ngụ cư, một cố nông, một người lam lũ, còn đối với anh chàng này - đấy lại là ông giáo sư... Pôlia đã sống bao nhiêu trên thế gian này, đã gặp bao nhiêu con người rồi, nhưng lần đầu tiên cô thấy một con người biết làm cho những khái niệm được mọi người thừa nhận, biến đổi đến mức những khái niệm ấy khiến mi phải sửng sốt bởi những tính chất nào đó ẩn giấu trong đó, những tính chất mà chưa ai thấu hiểu, ngoài anh ấy ra...
- Cô Pôlia ạ, thời gian qua tôi đã quen thân với cụ Phêđốt rồi.
- Ông tôi thì đối với ai cũng dịu dàng, - Pôlia nhận xét.
- Điều đó đúng... Nếu như mọi cái, mà như người Đức vẫn nói, sẽ «gut», tức là tốt, thì sẽ có bao nhiêu công việc, cứ tha hồ mà ra tay. Chà! - Anh vung tay lên, xoa hai tay vào nhau. Pôlia nhận thấy rằng đôi mắt anh trong giây lát đó có cái gì cao xa, trong ánh sáng mờ nhạt của cây đèn, giống như những vì sao lấp lánh lúc buổi bình minh một cách bí ẩn, trìu mến và lặng lẽ. «Có lẽ anh ấy đã có vợ rồi. Mà có thể cũng còn chưa kịp xây dựng gia đình! Chính vì thế mà buồn phiền», - Pôlia thầm nghĩ, nhưng cô không dám hỏi về chuyện đó.
Akimốp thu xếp vài ba đồ vật vặt vãnh vào trong cái túi vải bạt, cái túi Pôlia đã một lần nhìn thấy trong chiếc thuyền con. Anh vui vẻ nói:
- Vậy đó, thế là tôi đã sẵn sàng... đây là tấm áo của tôi đó.
- Bây giờ đi ngủ thôi. - Pôlia lại nằm vào chỗ cũ.
Akimốp còn loay hoay lát nữa, ra ngoài trời mang vào một ôm củi, chất thêm củi vào bếp lò rồi mới tắt đèn. Anh thận trọng đặt áo quần lên khúc gỗ và khi cái khóa thắt lưng lồng ở quần dài đập xuống sàn kêu lên, anh lẩm bẩm tự rủa mình:
- Đồ vụng về như gấu ấy.
Hai tấm phản trong nhà đặt hai bên chiếc bàn. Pôlia nằm ở chỗ cụ Phêđốt, còn Akimốp nằm ở phản của mình, ở góc đầu nhà.
o O o
Vậy là Pôlia vẫn là người tỉnh dậy trước tiên. Cô đã đun sôi ấm nước trà và nấu thịt chim đa đa, bấy giờ Akimốp mới bật dậy như bị bỏng.
- Thế mà cũng là một đấng nam nhi đấy, chỉ là cái thằng ba hoa xích tốc! Ngủ tít thò lò không còn biết ngượng nữa, - anh tự đay nghiến mình. - Pôlia ạ, đấy là tại cô mang đến cho tôi một tin vui đấy! Tôi phấn khởi, yên tâm, nỗi lo âu lắng xuống. Không, thế này không được, như thế này không xong...
- Anh cứ tự trách móc làm gì vô ích! - Pôlia bật cười. - Không phải là anh ngủ quên, mà là tôi dậy quá sớm đấy. Có thể ngủ thêm cả một tiếng đồng hồ nữa cũng được. Còn lâu trời mới rạng sáng.
Bây giờ thì tất cả những lời thuyết phục của Pôlia đều không có tác dụng gì cả. Akimốp thắp đèn lên và bắt đầu loay hoay quanh bếp lò. Nhưng ở đây Pôlia cũng đã tranh việc của anh. Cô khơi to bếp, chất thêm củi vào, và ngọn lửa bùng bùng cháy.
- Anh Gavơriukha, mời anh ngồi vào bàn. Anh phải ăn cho chắc bụng vào, sẽ không có bữa trưa đâu, còn bữa tối phải đến lán đất của ông tôi ta mới nấu, - Pôlia báo trước.
- Tôi chịu được!
- Anh bắt đầu ăn đi. Thịt chim đa đa xong rồi đấy.
- Một phút thôi! Tôi lấy tuyết xát người đã.
Akimốp cởi tấm áo mặc ngoài qua đầu và chỉ mặc mỗi chiếc áo lót, anh nhảy ra ngoài cửa. Lát sau anh quay trở vào, hai tay ướt át, bộ mặt đỏ lại cũng ướt nhoẹt, anh vừa đi vừa lắc đầu, thở phì phì.
- Trời đầy sao đấy! Giá lạnh!
Hai người ăn món chim đa đa, uống trà, chuyện trò về đủ chuyện vớ vẩn. Pôlia cảm thấy là qua mỗi phút Akimốp càng làm cho cô bớt ngượng ngùng hơn. Hôm qua trong những giờ phút làm quen đầu tiên giữa hai người cô thấy sượng sùng mãi, vừa e lệ, vừa căng thẳng. Nhưng những điều Akimốp nhận xét về đất đai Narưm và đặc biệt về cụ Phêđốt một cách vô hình và rất tự nhiên, không cần lời lẽ nào hết đã làm mất dần cảm giác xa lạ đó. Thấy rõ là mặc dù Akimốp là người chiến sĩ đấu tranh chống chế độ Nga hoàng đấy, một người từ đất đai xa lạ đến, nhưng là một người hồn hậu, vui tính, hiểu biết cuộc sống của người khác và đánh giá họ không qua sự giàu có và chức tước, mà hoàn toàn qua đặc điểm khác hẳn.
Ăn xong bữa sáng, Pôlia đã xử sự hoàn toàn như bất cứ một người dân rừng taiga nào ở địa vị của cô: cô dọn rửa bát đĩa, xếp đặt thành hàng trên giá để, xem lại xem trong âu còn muối hay không, diêm có để ở chỗ quy định không, sau đó dọn cách xa bếp lò không chỉ những khúc củi, mà cả những mảnh gỗ, thanh đóm nhỏ. Củi trong lò cháy nốt, lửa sẽ tự tắt lụi. Nhưng nếu bỗng chợt vì gặp hoạn nạn hoặc trên đường đi tìm săn mồi một lữ hành nào đó tìm tới trạm, người ấy sẽ tìm thấy ở đây đủ cả: cả diêm, cả muối, cả ga-men, cả lương khô, cả củi khô và đóm để nhóm bếp. Còn nếu không xảy ra trường hợp như vậy, thì mọi thứ cứ còn nguyên đó cho đến khi chủ nhân trở lại!
Hai người đi thanh trượt vào chân. Buổi sáng bình lặng - cành cây không lay động, tuyết phủ không chuyển dịch khỏi chỗ. Nhưng trong rừng taiga âm vang như trong căn nhà hoang vắng. Con chim gõ kiến túc túc mỏ, tìm sâu dưới lớp vỏ cây, và khắp rừng lan đi: túc túc túc, túc túc túc... Màn tối lui dần xuống chỗ trũng sâu, bầu trời sáng ra, những tia nắng hồng, dài và nhọn như những mũi dáo, ánh ngời lên trên ngọn rừng.
- Thế nào, anh không quên gì chứ? Không phải quay trở lại chứ? - Pôlia hỏi, xem xét Akimốp. Sương muối đã phủ lên mũ lông, bám vào râu, lông mi của anh, nổi thành những vết óng bạc trên áo lông cộc và ủng lông.
- Có thể khởi hành được rồi, - Akimốp trả lời.
- Anh đi trước đi. Cứ theo vệt thanh trượt trước của tôi, - Pôlia ra lệnh. Tuyết lạo xạo kêu lên dưới hai thanh trượt của Akimốp. Pôlia để cho anh vượt lên trước mình, nán đợi một phút rồi trượt đi theo anh. Akimốp đi và chốc chốc lại ngoái nhìn lại. «Anh ấy làm sao vậy, mất hút mình hay sao vậy?» - cô nghĩ bụng, nhưng ngay lúc ấy hiểu ra rằng anh ấy ngoái lại là do nguyên nhân khác. Anh ấy đã sống không ít ngày trong căn nhà gỗ kia: hẳn anh muốn ghi nhớ nó lại trong tâm trí suốt đời.
Hai người đi không nhanh quá nhưng cũng không lề mề. Akimốp dừng lại ở một chỗ, hỏi:
- Tôi đi có được không, cô Pôlia? Có thể cô đi lên trước chăng?
- Không nên đi nhanh hơn. Ngày mai chặng đường dài hơn. Cần phải giữ sức.
Và tuyết lại kèn kẹt dưới thanh trượt của Akimốp, và anh lắc lư đôi vai loang loáng đi giữa các hàng cây.
Pôlia nhìn theo tấm lưng anh thầm nghĩ: «Rõ là người còn trẻ, mà sớm hiểu biết. Người ta săn đuổi anh ấy từ mùa thu. Nhưng anh ấy đã làm gì nên tội kia chứ? Giá hỏi cho biết nhỉ! Nhưng liệu anh ấy có nói cho biết ư? Thậm chí tên của mình anh ấy cũng chẳng nói ra: Gavơriukha. Không, anh ấy không phải là Gavơriukha... Tất nhiên anh ấy cũng có cha có mẹ. Cha mẹ anh vẫn sống, thương nhớ anh ấy. Có lẽ đã làm ma cho anh rồi, thì anh đã ngồi im hơi lặng tiếng hàng bao nhiêu tuần lễ giữa rừng taiga này rồi... Nhưng mọi người đã gìn giữ người con trai cho cha mẹ anh... Nếu anh chạy trốn thành công, anh sẽ còn sống cả cho bản thân anh nữa... Ở thành phố lớn anh sẽ trà trộn mất hút, sẽ đội một cái tên người khác, còn bộ dạng thì như vậy cũng đã biến đổi đến những người ruột thịt của anh cũng chẳng nhận ra... Giá được chuyện trò với anh hẳn phải lý thú: chẳng hạn, cuộc đời theo anh phải như thế nào? Để có được như vậy, phải làm gì? Nhưng mà bây giờ đâu phải lúc cho câu chuyện như vậy, lòng anh đang canh cánh nỗi lo âu. Ra khỏi rừng taiga xa xôi mới chỉ là một nửa công việc, sau đó còn chuyện đi trên đường cái quan... Rất có thể bọn chúng bất chợt tóm cổ anh».
Pôlia không lầm. Trong lòng Akimốp lúc này quả thực đang ngổn ngang bao nỗi lo âu. Chiều tối mai là anh sẽ ra tới đường cái quan, đến các địa điểm dân cư. Ở đấy liệu các đồng chí đã cân nhắc mọi chuyện hay chưa? Liệu có xảy ra điều gì trắc trở? Đã chuẩn bị tiếp nhận anh ở Tômxcơ hay chưa? Còn Pêtrôgrát? Tấm hộ chiếu ra nước ngoài đã chuẩn bị cho anh chưa? Đã kiếm được tiền cho anh đi đường và, cho dù chút ít thôi, để sống ở Xtốckhôn trong những ngày đầu tiên hay không?.. Kể ra thì ở đấy đã có ông bác. Ông chẳng chối từ anh đâu, ông sẽ đỡ đần anh. Đời nào một giáo sư Nga có tên tuổi sống ở đất nước đang phồn vinh, đất nước đã kiếm chác được khá nhiều trong cơn tai họa của thế giới, lại như một chàng sinh viên nghèo khổ, không có lấy một xu thừa.
Akimốp lo lắng, và bất cứ ai cũng có thể hiểu được nỗi lo lắng của anh: hiện thời anh còn chưa biết cả tuyến đường chạy trốn, cả những điều kiện mà cuộc chạy trốn của anh sẽ phải trải qua... Lúc này anh hoàn toàn phụ thuộc vào những người khác, phụ thuộc vào lòng tốt của họ, sự thông cảm của họ đối với số phận của anh, vào sự hiểu biết của họ về ý nghĩa toàn bộ cuộc đấu tranh mà những người bônsêvích gọi là cuộc giao tranh không khoan nhượng giữa các giai cấp trên vũ đài chính trị ở nước Nga đương thời.
- Anh Gavơriukha, chúng ta nhá miếng bánh chứ nhỉ? - Pôlia lên tiếng hỏi, khi hai người hoàn toàn lặng thinh, đã đi được hơn nửa đoạn đường tới lán đất của cụ Phêđốt. Akimốp mải mê với những suy nghĩ của mình đến mức không đáp lại. «Thôi được, ta gắng chịu. Tốt hơn là đến được lán đất sớm hơn một chút và nấu lấy một bữa ăn tối, - Pôlia quyết định. Cô không lên tiếng thêm một lần nào nữa. Akimốp cũng im lặng và thậm chí không ngoái lại.
Ngày đã trở nên ảm đạm, nền trời trở nên bệch bạc, giá lạnh gắt thêm, bấy giờ Pôlia mới vui vẻ lên tiếng!
- Hãm phanh lại, anh Gavơriukha, chúng ta sắp tới chỗ ngủ đêm rồi.
- Không lẽ? - Akimốp ngạc nhiên,
- Thì chúng ta đã đi gần suốt cả ngày rồi còn gì nữa! - Pôlia thốt lên.
Họ nhanh chóng nhóm bếp, và Pôlia quyết định nấu cháo cá. Ngay lượt đi, cô đã để lại đây con cá tầm ướp băng, dăm củ khoai tây và hai củ hành với một nhúm hạt tiêu.
Akimốp giúp đỡ cô: anh bổ củi, chặt con cá tầm ra thành khúc, ra chỗ suối mà nước không bị đóng băng múc nước đem về.
Pôlia quả là thiện nghệ nấu món cháo cá. Chẳng bao lâu trong lán đất đã tràn ngập hương vị món ăn mới nấu.
- Chà, mới thơm ngon làm sao chứ! Tôi phải nuốt nước miếng đây, cô Pôlia ạ, - Akimốp nói đùa và đặt ấm nước mạch lên bếp.
- Anh đã học được kiểu sống rừng taiga ở đâu thế? - Pôlia hỏi.
- Trước đây tôi cũng đã có dịp ở rừng taiga rồi. Cụ Phêđốt dạy cho tôi nữa. Thế còn cô, cô Pôlia, cô học nấu cháo ở đâu thế?
- Thì rõ là cũng ở nơi anh học được ấy! - Pôlia cười.
Cả ngày họ đã im lặng nên bây giờ hai người chuyện trò không ngớt. Tất nhiên họ muốn biết đôi điều về nhau trong câu chuyện phù phiếm, nhưng hiểu rằng lúc này không phải lúc hỏi han nhau một cách nghiêm chỉnh. Anh không nghi ngờ rằng Pôlia càng biết ít về anh thì cô càng dễ dàng và thoải mái hơn. Để phòng xa hai người đã thỏa thuận với nhau rồi: mình không hay biết gì hết về anh thanh niên, hoàn toàn không hay biết gì hết, anh ta người ở đâu đến và anh ta là người thế nào. Và Akimốp cũng đã được chuẩn bị như vậy: cô gái người ở đâu đến, con cái nhà ai, đã có chồng con hay còn chưa có chồng - tôi chẳng hay biết gì hết. Vừa gặp nhau ở đây kia, hóa ra là, chúng tôi có việc đi đến cùng một làng, vì vậy chúng tôi mới cùng đi. Chẳng lẽ việc ấy bị ngăn cấm ư?
Hai người ăn bữa tối khi trời còn sáng. Đến khi uống trà thì bóng tối đã sập xuống. Chỉ có ánh than hồng hồng ở bếp hắt ra một chút ánh sáng lờ mờ.
Đến lúc phải đi nằm thì vỡ lẽ ra một tình thế khó xử: phản trong lán đất hẹp đến mức hai người chỉ có thể nằm sát bên nhau.
- Pôlia, cô cứ nằm thoải mái, đàng hoàng, còn tôi ngồi bên bàn và cố gắng ngủ ngồi, - Akimốp nêu ý kiến.
- Không. Đêm nay anh cần ngủ thật tốt. Ngày mai là chặng đường khó khăn, mà đến đêm sau nữa không biết liệu anh có ngả lưng được ở đâu một chút hay không, - Pôlia đáp lại.
- Thôi được. Ta quyết định thế này: thoạt đầu tôi ngồi bên bàn, cô ngủ ở phản, còn từ nửa đêm tôi sẽ đi nằm, còn cô sẽ ngồi.
Pôlia bằng lòng, cô đi nằm, còn Akimốp ngồi bên bàn. Pôlia thấy dễ chịu, khoan khoái, nhưng cô không thiếp ngủ được: Akimốp làm cô phải bận tâm. Trong lán đất chật đến mức thậm chí Akimốp không duỗi chân được. Anh luồn chân xuống dưới phản, thỉnh thoảng lại động phải những cái mễ, thế là lại đánh thức Pôlia.
Khổ sở chừng một giờ đồng hồ, Akimốp đứng dậy, mặc áo lông cộc vào người rồi bỏ ra ngoài trời. Anh ở ngoài đó chỉ chưa được nửa giờ, nhưng Pôlia đã kịp chợp mắt đi, có cảm giác rằng chàng trai đã lang thang ngoài trời lạnh quá lâu.
- Anh, Gavơriukha, anh thử thu xếp nằm bên cạnh. Nếu không anh không kham nổi ngày mai đâu, - Pôlia ngái ngủ lẩm nhẩm nói, khi Akimốp trở vào. Cô nằm nép vào bên tường đất.
Anh đã mệt lắm, anh không chỉ buồn ngủ ríu mắt lại, mà hai chân rã rời cứ muốn quị xuống. Anh nằm xuống bên cạnh Pôlia, xoay lưng về phía cô, chỉ kịp nói: «Thật hạnh phúc», - thế là ngủ thiếp đi như chết cho tới sáng bạch.
o O o
Đường đến Tsigara hóa ra vừa xa lại vừa khó đi. Hai người đi mất trọn một ngày không nghỉ. Gần tối thì tuyết lại rơi, trời nổi bão, vì thế ở những quãng trống gió ghìm tốc độ trượt.
Họ tới được Tsigara lúc trời đã tối sẩm. Mọi nhà đã lên đèn, và sau quãng chập tối nhộn nhịp làng xóm lặng đi.
Akimốp đã quên bẵng cuộc sống ở làng quê và bây giờ trong đêm tối, quan sát ánh đèn lửa, anh cố đoán ra xem làng này lớn hay nhỏ, các ngõ xóm nằm rải rác ra sao, con đường cái quan qua chỗ nào.
Thanh trượt buộc phải đem giấu vào bụi cây, cách đường cái chừng một trăm xagiên. Họ rắc một ít tuyết phủ lên, cắm cây gậy vào đống tuyết để khỏi quên mất chỗ giấu. Pôlia thu xếp cất cả khẩu súng săn vào đống cành khô cũng ở ngay chỗ ấy.
Họ đi vào làng từ phía Cônpasevô, nhập vào đoàn xe chở hàng nhỡ đường, đi từ Tômxcơ về Kargaxốc.
May thay, đoàn xe chở hàng rẽ vào quán trọ của Nin Lucốp. Cuộc gặp gỡ với bác Ephim Vlaxốp sẽ phải diễn ra chính tại đây. «Chập tối, khi trời vừa sẩm», - ông Gôrbiacốp đã nói như vậy.
Sau ngôi nhà lớn có chái phụ là quán trọ vừa rộng vừa dài. Trước cửa quán đầy những xe trượt. Pôlia và Akimốp đoán ra ngay được là khách trong quán đông chật như nêm. Vậy mà bây giờ lại thêm cả một đoàn xe chở hàng: mười lăm cỗ xe đủ kiểu thắng ngựa.
Trong lúc ngoài sân còn nhộn nhạo, Pôlia lẻn vào trong nhà. Ở đấy lại đang có chuyện, có thể nói là đang có sự kiện. Đám đàn ông, đàn bà, cả khách trọ mới đến lẫn nhà chủ, đang xúm xít bên một chiếc bàn dài, nhưng không dám dịch lên nữa. Trong góc nhà có hai tên vệ binh canh giữ ba anh con trai. Quần áo trên người ba anh con trai không còn ra hồn nữa. Chỉ là những mảnh giẻ vắt trên lưng, trên vai, bên mạng sườn họ. Một anh con trai còn lộ cả thân mình ra. Đầu tóc mọc bù xù. Tóc dựng từng túm như túm rơm, má và mũi họ đầy vẩy kết - những chỗ ấy bị rộp lên vì giá lạnh. Chân họ mang xiềng. Chỉ hơi động chân là tiếng loảng xoảng vang lên khắp nhà. Các anh con trai ấy nhìn mọi người như những con thú sa bẫy, chuyện trò gì với nhau, nhai bánh mì đen, nhắp nước đun sôi, thậm chí không váng màu mộc nhĩ bạch dương.
- Ai thế hả bác? - Pôlia hỏi bác nông dân đứng ở gần bên cửa.
- Những kẻ đào ngũ... Chả là họ bị tóm ở chỗ dân cựu giáo trong rừng taiga Parabên.
- Họ là dân cựu giáo ạ?
- Không, dân bình thường. Quê ở Tômxcơ. Người ta bắt họ vào lính, nhưng cô thấy không, đáng ra phải đến đơn vị thì họ lại chạy trốn vào rừng taiga. Họ đã trốn tránh ở đấy hơn một năm trời.
- Thế bây giờ họ sẽ ra sao, bác nhỉ?
- Sẽ tử hình.
Pôlia cố lách đến thật gần bàn, nhìn kỹ mấy anh con trai. Họ khỏe mạnh, cường tráng, còn trẻ măng.
- Không lẽ đức Nga hoàng không rủ lòng thương xót ư? - Pôlia hỏi, khi thấy bác nông dân lúc nãy đã lại ở bên cạnh mình. Bác theo sau Pôlia len gần đến trước bàn.
- Nhưng việc gì mà ngài phải thương xót kia chứ? Đàn bà còn đẻ nữa!
- Nào nào, bà con đồng hương, đừng có chen lấn, giải tán đi. Có gì hay ho kia chứ! - tên vệ binh bình thản nói.
- Thưa ngài cấp trên, xin phép ngài vì Chúa cho mấy anh con trai này con cá hồi muối. Chứ chỉ uống nước sôi suông thì lê chân làm sao nổi. - Ông già rậm râu từ đám đông bước ra. Mấy anh con trai nghe thấy lời ông nói, mắt sáng lên niềm hy vọng, nhưng tên lính canh tù bỗng quát tháo:
- Lùi lại! Lão là thế nào, một giuộc với chúng hả?! Lũ chó đẻ ấy có cho ăn rơm cũng không đáng. Những quân phản bội, những đứa giết vua! - Hắn còn lầu bầu mãi đủ những lời thô tục. Ông già vội vã lùi xa bàn, lần ra sau lưng đám đàn ông.
Pôlia bỗng nhớ đến công việc của mình: sau khi dòm ngó khắp cả phòng ngoài, gần như ngó nhìn tận mặt tất cả đám đàn ông, cô đi sang buồng bên cạnh. Ở đây dọc theo bờ tường có phản gỗ chạy dài một loạt, và một số khách vãng lai đã ngủ ngon lành, quấn tròn trong những tấm áo lông cộc và những tấm áo lông dài. Ở đây không có đèn, mà chỉ có u mỡ leo lét cháy, và u tối đến mức Pôlia buộc phải đến gần từng người đang ngủ nhòm kỹ: liệu có phải bác Ephim Vlaxốp chăng? Không, cả ở phòng ngoài, cả ở đây đều không thấy bác Ephim Vlaxốp. Bác ấy ở đâu kia chứ? Biết xử trí thế nào với anh Gavơriukha bây giờ đây? Anh ấy ở lại ngoài sân và chờ đợi cô, anh ấy đang cóng lạnh.
Pôlia ra sân, cô gọi Akimốp vào nhà sưởi, nói cho anh biết là trong nhà trọ đang có mấy người đào ngũ với hai tên lính canh, còn bác đánh xe vẫn chưa thấy tới. Akimôp lưỡng lự: đi vào nhà hay đứng đợi ở ngoài sân. Lạnh đấy, nhưng có thể chịu được. Nhưng tính tò mò vẫn giành phần thắng. Được thấy những chàng trai trẻ đã thà bỏ trốn vào sống trong rừng taiga hơn là phải tòng ngũ, kể cũng lý thú. Akimốp nghiêng người đi vào nhà, sẵn sàng trong bất cứ giây phút nào cũng có thể lại lao ngay ra sân.
Bọn vệ binh cho mấy người đào ngũ ăn uống xong, ra lệnh cho mọi người giải tán.
Mọi người giãn ra, để chừa một lối đi, nhưng không định bỏ về.
Những người lính đào ngũ vừa bị đưa đi đến một căn nhà riêng để giam lại, thì đám đàn ông và đàn bà nông dân liền thở dài bàn tán về số phận của họ.
- Làm sao họ lại chịu bọn chúng? Ba người có thể quật nổi thừa hai đứa!
- Bọn chúng đã lừa họ. Nói gọn là một tên cựu giáo sùng đạo đã rình thấy và dẫn bọn vệ binh đến...
- Quân giết người! Họ ăn mất phần của hắn hay sao? Hay là hắn tiếc rừng taiga?
- Được, chúa sẽ trừng phạt đứa đê mạt. Không thoát đâu!
- Có thể Chúa cũng chẳng trừng phạt đâu, nhưng thiên hạ chẳng tha thứ cho hắn. Hắn sẽ sống khổ sống sở. Đồ chó đẻ, quân khốn nạn, nhục...
Mọi người dần dà tản đi: một số đi đến phản nằm ngủ, số người khác bỏ ra sân - đổ thức ăn cho ngựa.
Pôlia và Akimốp nấn ná bên cửa: họ chẳng đi đến phản làm gì, mà ra sân, ra chỗ giá lạnh, cũng vô nghĩa. Bác đánh xe có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Không phải chuyện nói bâng quơ: «Chập tối, lúc trời tối sẩm». Pôlia gật đầu chỉ cho Akimốp thấy đống củi trong góc nhà. Akimốp leo lên đống củi trong góc nhà, kéo sụp mũ lông xuống. Ánh sáng đèn khuất sau bếp lò hầu như không xuyên tới đây, nhưng từ chỗ này anh nhìn thấy tất cả những ai ra vào nhà. Ở đây có thể ngủ gà ngủ gật chút ít. Dù sao đi nữa cũng không phải ở ngoài trời. Pôlia cũng tìm được cho mình một chỗ: đối diện với Akimốp, trên chiếc ghế gỗ dài rộng chất đầy những vòng cổ ngựa, giây thắng, đai vòng mông ngựa.
Họ ngồi yên chỗ mới được hai ba phút không hơn. Bỗng nhiên ngoài sân lại cỏ chuyện gì nhộn nhạo: những tiếng quát tháo, tiếng xe trượt tuyết kin kít, âm thanh leng keng của những cái chuông nhỏ treo ở cung ngựa, tiếng đập cổng. Chuyện gì ngoài ấy thế? Có thể, những người lính đào ngũ liều mạng bỏ chạy? Hay là có đoàn xe chở hàng mới tới? Nhưng ở đây còn chỗ nào cho họ nghỉ chân? Không hiểu cái quán trọ này là cái quán trọ duy nhất hay sao? Cứ ùn ùn, ùn ùn kéo đến mãi...
Ngồi trên đống củi, Akimốp nhổm dậy, cảnh giác. Pôlia cũng nhìn ra cửa dò xét. Tốt hơn là trong thời điểm này chuồn khỏi đây, ra ngoài sân chờ đợi tiếp. Ngoài đó bây giờ chắc đã tối hẳn: một cây đèn treo trên cột liệu chiếu sáng được bao lăm? Akimốp đứng dậy, nhưng không kịp bước bước nào. Cửa bỗng mở toang và một đám quan chức cảnh sát theo nhau kéo vào nhà.
Akimốp ngồi nép vào góc tối và ngạc nhiên: thoạt đầu bước vào là bốn tên đội, sau đó đến chính gã đồn trưởng đồn cảnh sát Narưm.
Akimốp đã nghĩ: chắc hẳn thế này là chấm dứt cuộc đột kích của đám cảnh sát. Nhưng đâu có thế. Cửa lại mở toang ra, và hai tên sĩ quan hiến binh bước vào. Cả bọn quan chức cười nói ầm ĩ. Chủ quán trọ, một tay mugích Tsigara giầu có, lăng xăng trước viên trưởng đồn cảnh sát.
- Thế này nghe không, Olipheriêvích, nhà anh tống khứ tất cả khách trọ của mình đi ngay! Cứ để cho họ đi tiếp, đêm khá sáng. Anh phải làm cho bọn ta bữa ăn tối, rồi chuẩn bị chăn đệm. Còn làm như thế nào - tự anh cũng biết...
- Chúng tôi làm ngay ạ, thưa quan trên, chúng tôi làm ngay ạ, - chủ quán lúng búng.
Bác ta bắt đầu rối lên, cho gọi bà lão và con trai ra giúp. Bác nông dân, cả những người đã thu xếp chỗ ngủ, đặc biệt là cả những người chưa kịp làm việc đó, đều lập tức chuyển động. Người bổ đến những vòng cổ ngựa, người đến các bao đựng thức ăn, người lấy áo ngoài, chất đống ở bên lối vào. Chẳng ai muốn trái ý bọn cảnh sát, với lại họ cũng đều đã biết - dây dưa với bọn chúng rất nguy hiểm. Tránh xa đống phân, đỡ ngửi mùi thối.
Lợi dụng trong lúc mọi người lộn xộn, Akimốp liền chuồn khỏi cái góc tạm trú của mình ra cửa. Ngược lại, Pôlia không vội. Cô muốn nghe ngóng để biết được lý do gì đã khiến bọn cảnh sát tụ tập, nhưng trong tiếng người láo nháo khó hiểu được chuyện gì cụ thể. Pôlia ra sân. Bởi vì cô cũng không có ý định để cho bọn cảnh sát để ý thấy cô.
- Ma quỉ xui khiến bọn họ đến đây! Bắt hồn bắt vía bọn họ đi cho rồi!
- Khi còn chưa muộn, phải chuồn cho nhanh! Kẻo họ lại vỗ vai vỗ đầu cho bây giờ!
Cánh đàn ông vừa chửi rủa, gán cho bọn cảnh sát đủ thứ tên mĩ miều, vừa vội vàng thắng ngựa. Càng xe, vòng cổ ngựa va nhau lách cách, hàm thiếc ngựa lẻng xẻng.
Pôlia đi ra ngoài cổng. Quỉ thật, bác ấy đâu không biết nữa, cái bác đánh xe Ephim Vlaxốp ở Togur ấy? Đã đến lúc phải đánh xe đến rồi mới đúng. Chập tối sắp qua rồi, và quãng tối sẩm cũng vậy, mảnh trăng đã càng lên cao cao mãi trên nền trời và chiếu sáng đến mức có thể tìm thấy cái kim trong đống cỏ khô.
Cần phải đón đường bác ta ngay tại đây. Nếu không bác ta lại mò vào nhà, mà ở đó, biết đâu đấy, chúng lại xét hỏi vặn vẹo bác ấy thì rầy rà to.
- Hóa ra cháu ở đây, cô bé! Vậy mà bác lại tìm cháu trong nhà, - Pôlia nghe thấy tiếng nói ở sau lưng mình. Ngoảnh lại, trước mặt cô chính là bác Ephim Vlaxốp. Bác ta người tầm thước, gọn gàng, chắc nịch. Áo lông cộc có thắt giây lưng và cái roi ngựa. Chiếc mũ lông hất ra sau gáy, cổ quấn khăn. Chân bác không đi ủng lông - mà đi ủng da với tất dầy, kéo cao lên quá gối. Ủng lông dọc đường nhất thiết phải hong khô, đi ủng lông ẩm nguy hại lắm, mà ở quán trọ thì có khi len được đến nổi gần bếp lò cũng khó, chứ đứng nói đến chuyện hong ủng với hong giày. Đường xa đi ủng da tiện lợi hơn nhiều.
- Chào bác Ephim! Vậy mà cháu đã sợ: liệu bác có đến hay không nữa kia? Thế bác có thấy bọn chúng ùn ùn kéo tới lôi thôi lốc thốc cả bầy? - Pôlia thì thào.
Đôi mắt của bác Ephim lóe lên trong đêm tối một cách tinh nhanh và nghịch ngợm:
- Cô bé, cô nghĩ gì vậy nào! Bác đã hứa chắc chắn với người anh em rồi kia mà. Chứ bác, cháu biết không, bác bám vào đuôi bọn cảnh sát. Bác sợ không dám vượt bọn chúng: chúng có thể cấm đi tiếp. Tên đồn trưởng đưa chúng về Narưm. Hắn sẽ huấn luyện cách săn bắt những con thú hai chân. Thôi thì cứ để lão ta dậy bảo huấn luyện, còn chúng ta vẫn sống! - bác Ephim cười sôi nổi, nhưng thoáng một cái bác lại trở nên nghiêm nghị rồi hỏi: - Thế ông khách đi xe đâu? Đến giờ lên đường rồi.
- Cháu đưa ra ngõ ngay bây giờ.
- Cho anh ta nằm vào lòng xe trượt, trùm kín áo lông dài, phủ lên ít rơm - tha hồ phóng!
Xe cộ chiếc nọ theo chiếc kia kéo ra khỏi sân nhà trọ. Những con ngựa mệt mỏi uể oải bước đi. Những người đàn ông chưa được ngủ đẫy giấc ngồi thu lu cau có trên ghế xà ích.
Pôlia chạy hết đầu nọ sang đầu kia sân nhà trọ. Gavơriukha biến mất. Cuối cùng cô tìm thấy anh ở bên nhà kho. Anh nép vào bên tường và run lập cập.
- Ta đi ngay thôi! - Pôlia sốt ruột gọi.
- Đến rồi ư! - Akimốp thốt lên và nhảy qua các cỗ xe trượt, vòng qua những cỗ xe mui, vội vã theo chân Pôlia.
Bác Ephim cùng với xe ngựa đã có mặt tại chỗ. Cỗ xe trượt rộng rãi, bàn trượt rộng bản theo kiểu Narưm, như những thanh trượt tuyết. Những xe trượt có bàn trượt như vậy đều vững chãi, nhẹ nhàng, còn nếu tuyết bỗng rơi xuống phủ kín đường, thì chẳng có gì đáng sợ, cứ tha hồ mà trượt đi. Xe trượt kiểu Narưm đi trên đồng tuyết hoang cũng tốt: chịu hàng nặng cứ như loại xe dài do đàn chó kéo, không thụt chìm xuống đồng tuyết đến ngập đầu.
Ngựa của bác Ephim được thắng kiểu nối đuôi nhau. Con ngựa chính, con ngựa thắng vào càng xe, chân cao, mình thon, cổ dài, thấy ngay là giống ngựa chạy nước kiệu. Con ngựa thắng dây dòng chạy trước, lông sáng và thấp bé hơn, nhưng xét qua bốn cẳng mập mạp, cái bụng gọn gàng, thì nó là con ngựa lanh lẹn, ham chạy.
Họ vừa đi tới gần cỗ xe, bác Ephim đã mở rộng tấm áo choàng bằng lông chó, phủ lên vai Akimốp.
- Anh nằm xuống, vùi mình vào đống cỏ khô ấy, như vậy sẽ ấm hơn.
Akimốp lút trong tấm áo lông, lăn vào lòng xe, khó khăn động đôi môi cóng lạnh, lên tiếng:
- Thôi chào, cô Pôlia! Cám ơn cô cả về chuyện mùa thu trước lẫn mùa đông này.
- Chúc anh đi đến nơi đến chốn, - Pôlia nói, tỏ vẻ tiếc là không thể bắt tay Gavơriukha được.
Bác Ephim vung chiếc roi ngựa lên kêu vút một tiếng, hai con ngựa lao đi, qua một phút cỗ xe đã mất hút giữa những đống tuyết cao và bụi cây sau làng.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri