Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[4]
ã đến lúc bộ ba miền Tây chính thức tìm nơi ở mới ở Manhattan. Carlo có bồ ở đại lộ York; ngay chiều hôm ấy họ dọn về chỗ đó. Dean và tôi ngủ cả ngày, khi tỉnh dậy thì hay tin một cơn bão tuyết lớn sẽ ập đến vào đêm giao thừa 1948. Ed Dunkel ngồi trong một cái ghế bành của tôi, kể chuyện những Giao thừa trước. “Hồi đấy tôi ở Chicago. Rách lắm. Đang ngồi bên cửa sổ trong phòng ở khách sạn trên phố Bắc Clark thì mùi của hiệu bánh ngọt tầng dưới cứ bốc lên thơm điếc mũi. Một xu dính túi tôi cũng không có nhưng vẫn xuống nói thầm vài câu với con nhỏ dưới nhà. Nàng cho tôi bánh mì và mấy cái bánh cà phê. Tôi quay về phòng chén sạch và ngủ suốt đêm ở trong phòng. Có một lần ở Farmington, bang Utah, nơi tôi cùng làm với Ed Wall, các ông biết Ed Wall không, hắn là con trai một chủ trại ở Denver, tôi đang nằm trên giường bỗng nhìn thấy người mẹ đã chết từ lâu hiện lên ở một góc nhà, tỏa hào quang sáng lóa. Tôi gọi, ‘Mẹ ơi!’ Bà bỗng lại biến mất. Sau đó tôi cứ bị mê sảng suốt,” Ed Dunkel vừa nói vừa gật đầu.
“Thế ông định làm gì với Galatea bây giờ?”
“Ờ, để xem đã. Để đến New Orleans hẵng hay. Ông có nghĩ như vậy không, hả?” Hắn bắt đầu quay sang hỏi ý kiến cả tôi nữa; chỉ riêng Dean thôi thì hình như không đủ.
“Thế ông định làm gì với chính mình, Ed?” tôi hỏi.
“Chả biết nữa,” hắn nói. “Cứ đi. Cứ khám phá cuộc sống thôi.” Hắn nói đúng kiểu Dean. Hắn không có mục đích. Hắn ngồi xuống, hồi tưởng lại cái đêm ở Chicago và những cái bánh cà phê nóng trong căn phòng cô đơn đó.
Tuyết gào thét bên ngoài. Đang có một bữa tiệc lớn ở New York; cả bọn sẽ đi. Dean khóa cái va li tã lại, vứt vào trong xe và chúng tôi phới thẳng đến đêm tuyệt diệu. Cô tôi sung sướng khi nghĩ đến việc tuần sau thằng em tôi sẽ đến thăm bà; bà ngồi xuống đọc báo để đợi buổi truyền hình trực tiếp lễ mừng năm mới từ Quảng trường Thời Đại. Chúng tôi rồ máy lao về New York, không thể đi thẳng vì băng trơn. Tôi không bao giờ thấy sợ khi Dean cầm lái; hắn luôn biết cách xử lý trong mọi trường hợp. Cái radio đã được sửa và giờ thì chúng tôi tha hồ nghe các giai điệu bebop cuồng nhiệt suốt đêm. Tôi không biết những trò này sẽ đi đến đâu; mà cũng cóc cần biết.
Đúng vào giây phút đó một cảm giác kỳ lạ bắt đầu ám ảnh tôi. Nó là thế này: tôi đã quên béng một việc gì đó. Tôi chuẩn bị đưa một quyết định trước khi Dean xuất hiện và giờ thì tôi đã hoàn toàn quên mất, nhưng nó vẫn như còn thấp thoáng đâu đó trong đầu tôi. Tôi cứ gặm ngón tay mình trong lúc cố nhớ lại. Tôi thậm chí còn từng nhắc đến nó rồi. Nhưng giờ thì tôi còn không nhớ nổi đó là một quyết định thực sự hay chỉ là một ý nghĩ bị lãng quên thôi. Nó cứ ám ảnh mãi và khiến tôi buồn. Carlo Marx và tôi từng có lần ngồi mặt đối mặt, gần đến mức đầu gối chạm nhau, và tôi kể cho hắn nghe về giấc mơ của tôi về một tay trông như người Ả Rập kỳ lạ cứ bám theo tôi qua sa mạc, tôi cố sức lủi đi nhưng cuối cùng lão này đã đuổi kịp tôi, vừa lúc tôi sắp sửa bước vào Thành phố Che chở. “Ai vậy?” Carlo hỏi. Hai thằng cùng nghiên cứu vấn đề. Tôi gợi ý: nhân vật này không phải ai khác mà chính là tôi, trùm trên đầu một cái khăn liệm. Không phải như vậy. Đó là cái gì đó, ai đó, một linh hồn nào đó cứ đuổi theo ta trên sa mạc cuộc đời và nhất định sẽ tóm được ta trước khi ta kịp bước vào thiên đường. Tất nhiên, giờ đây khi trở lại điều bí ẩn này thì đơn giản đó chỉ là cái chết: cái chết sẽ tóm được ta trước khi ta kịp lên thiên đường. Điều duy nhất ta hướng đến suốt cuộc đời mình, khiến ta phải thở dài, thở than và đau khổ một cách thuần khiết nhất, là kỷ niệm về một niềm hạnh phúc đã mất đi mà ta từng cảm nhận từ trong bụng mẹ và chỉ có thể được tái sinh trong cái chết, dù ta chẳng muốn phải thừa nhận điều này. Nhưng nào ai ước mình được chết? Qua bao nhiêu biến thiên, tôi luôn nghĩ đến điều đó, từ đáy lòng mình. Tôi kể lại cho Dean hay và hắn nhận ra ngay ở đó nỗi mong mỏi giản đơn là được chết; nhưng vì lẽ không ai trong chúng ta có thể sống lại sau cái chết nên hắn, một cách đúng đắn, sẽ không làm gì hết, và tôi đồng ý với hắn.
Chúng tôi đi tìm nhóm chiến hữu ở New York của mình. Ở New York cũng có khối kẻ khùng. Trước hết chúng tôi mò đến nhà Tom Saybrook. Tom là một gã điển trai buồn rầu, dịu dàng, độ lượng và dễ bảo; thỉnh thoảng lắm gã mới lên cơn tuyệt vọng và lặn mất tăm, chẳng nói cho ai biết. Tối hôm ấy, gã cực vui. “Sal, ông đã móc được ở đâu ra những gã tuyệt vời này? Tôi chưa hề được thấy ai như họ.”
“Tôi tìm thấy họ ở miền Tây.”
Dean đang trong cơn phấn hứng; hắn mở một đĩa nhạc jazz, cầm tay Marylou, kéo sát nàng vào mình rồi bắt đầu nhảy theo nhạc. Nàng siết lấy hắn ngay. Một điệu nhảy tình yêu đích thực. Ian MacArthur cùng một lũ đông nghẹt kéo đến. Tuần nghỉ năm mới bắt đầu, kéo dài ba ngày ba đêm. Cả một huyện người chất đống lên cái Hudson và xe cứ lảo đảo đi khắp phố phường New York, đến hết bữa tiệc này sang bữa tiệc khác. Tôi kéo Lucille và em gái nàng đến bữa tiệc đình đám nhất. Khi Lucille nhìn thấy tôi cặp kè với Dean và Marylou, mặt nàng liền sa sầm lại - nàng cảm nhận được sự điên rồ họ đã tiêm nhiễm cho tôi.
“Em không thích anh dính lấy họ.”
“À, cho vui thôi mà. Người ta chỉ sống có một lần thôi. Phải chơi cho đã chứ.”
“Không, chẳng có gì vui cả và em không thích thế.”
Thế rồi Marylou lại quay ra ve vãn tôi, nói rằng Dean lại sắp quay lại với Camille và nàng muốn tôi đi cùng nàng. “Ta quay về San Francisco đi. Ta sẽ ở chung với nhau. Em sẽ là người tình tốt của anh.” Nhưng tôi biết là Dean yêu Marylou và cũng biết rằng Marylou làm thế để làm Lucille ghen. Tôi không thích cái trò ấy. Dù sao thì tôi vẫn liếm mép thèm thuồng khi nhìn cô nàng tóc vàng ngon lành này. Khi nhìn thấy Marylou kéo tôi vào góc phòng, thì thầm và hôn ghì lấy tôi, Lucille lập tức nhận lời đi chơi với Dean bằng ô tô, nhưng họ cũng chỉ chuyện trò và uống thứ rượu nấu lậu của miền Nam tôi vẫn để sẵn ở cốp xe. Mọi chuyện cứ rối tung lên và dường như đang đổ vỡ. Tôi biết chuyện của mình và Lucille sẽ không kéo dài lâu nữa. Nàng muốn tôi sống theo cách của nàng. Nàng từng lấy một gã cửu vạn bến tàu và gã đối xử với nàng không ra sao cả; tôi mong được lấy nàng làm vợ và sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc đứa con gái của nàng và mọi thứ khác nếu nàng ly dị được với chồng cũ. Nhưng chúng tôi cũng chẳng có đủ tiền mà làm thủ tục ly dị và thế là tuyệt vọng. Đó là chưa nói đến chuyện Lucille sẽ chẳng bao giờ hiểu được tôi, bởi tôi thích quá nhiều thứ, chẳng biết mình thực sự muốn gì và cứ mải mê đuổi theo hết ngôi sao băng này đến ngôi sao băng khác cho đến khi kiệt sức. Thế đó, tôi sống trong bóng đêm. Tôi chẳng có gì để trao cho người khác ngoài sự rối tinh của chính mình.
Những bữa tiệc đông khủng khiếp, ít nhất có một trăm con người chen chúc trong một căn hộ có tầng hầm ở khu West Nineties. Người người đổ vào các gian phòng gần lò sưởi. Trên mỗi góc nhà, trên mỗi giường ngủ và mỗi sofa đều đang diễn ra chuyện gì đó - đây chẳng phải thác loạn gì mà chỉ đơn giản là một bữa tiệc mừng năm mới có thêm tiếng la hét và âm nhạc cuồng nhiệt phát ra từ radio. Có cả một em người Tàu. Dean hớn hở hết đến với nhóm này lại sang nhóm khác, làm quen với mọi người. Thỉnh thoảng bọn tôi nhảy lên xe phóng đi kiếm thêm người đến. Damion xuất hiện. Hắn là người hùng của băng New York này, cũng như Dean là người hùng băng miền Tây. Vừa thấy mặt nhau hai người hùng đã ghét nhau lập tức. Cô ả cùng đi với Damion bỗng thụi vào cằm hắn một quả rất mạnh bằng tay phải. Hắn lảo đảo. Ả liền điệu hắn về nhà. Mấy chiến hữu khùng làm nhà báo đi thẳng từ tòa soạn đến, khuân theo một lô rượu. Bên ngoài bão tuyết đang nổi, dữ dội nhưng tuyệt đẹp. Ed Dunkel gặp em gái của Lucille và cả hai biến mất; tôi quên chưa nói rằng Dunkel là típ người rất dịu dàng với phụ nữ. Hắn cao đến mét chín, hiền lành, ân cần, tốt bụng, lúc nào cũng ngọt ngào. Hắn biết giúp phụ nữ mặc áo măng tô. Đó là phương pháp tốt để đánh gục phụ nữ. Năm giờ sáng, bọn tôi xô vào sân sau một khu nhà tập thể, trèo cửa sổ vào dự một bữa tiệc đình đám, sáng ra lại quay về nhà Tom Saybrook. Ở đấy những người khác đang vẽ tranh và uống bia thiu. Tôi ngủ trên một cái sofa, tay ôm một em tên là Mona. Nhiều nhóm rất đông từ quán rượu cũ Columbia Campus tiếp tục đến. Mọi thứ trong cuộc đời này, mọi diện mạo cuộc sống, đang ồ ạt kéo đến gian phòng ẩm thấp này. Tại nhà Ian MacArthur, tiệc tùng lại tiếp tục. Ian MacArthur là một gã tuyệt vời và dịu dàng, đeo kính và nhìn đời một cách say sưa. Gã bắt đầu học cách nói “Đúng!” trước mọi chuyện hệt như Dean thời kỳ đó, và đến giờ vẫn vậy. Trong điệu jazz hoang dã của bản “The Hunt” do Dexter Gordon và Wardell Gray biểu diễn, Dean và tôi chơi đuổi bắt với Marylou quanh chiếc sofa; dù nàng cũng chẳng còn bé bỏng gì. Dean ở trần, mặc độc cái quần, chân đất, cho đến tận khi phải ra xe đi đón thêm người đến dự tiệc. Mọi chuyện đều đã xảy ra. Bọn tôi tìm được thằng cha Rollo Greb khùng, lúc nào cũng phấn khích và ngủ ở nhà hắn ở Long Island một đêm. Rollo sống trong một ngôi nhà khá đẹp cùng với bà cô; chừng nào bà ấy chết, ngôi nhà sẽ hoàn toàn thuộc về hắn. Nhưng từ giờ đến lúc đó bà vẫn từ chối mọi ước muốn của thằng cháu và rất ghét bạn bè của hắn. Hắn tha về một lũ nhếch nhác gồm Dean, Marylou, Ed, tôi, và tổ chức một bữa tiệc loạn cả nhà. Bà cô đứng rình ở trên gác, dọa sẽ gọi cảnh sát. “Ôi, cô thôi đi, bà già giẻ rách!” Greb la lên. Tôi tự hỏi làm sao hắn có thể sống với bà ấy như thế được. Hắn có nhiều sách, nhiều hơn toàn bộ số sách tôi từng thấy trong đời - hai phòng đọc, hai phòng với những giá sách kín bốn bức tường, giá nào cũng đầy ự từ sàn đến tận trần, có cả những bộ ngụy thư đến chục tập. Hắn diễn những vở opera của Verdi, khoác vào người bộ pyjama rách một miếng tướng ở lưng và cứ thế mà diễn không ra tiếng. Hắn sống bất cần đời. Hắn là một học giả vĩ đại, kẻ cứ tha thẩn dọc theo bến cảng New York, cắp nách các bản nhạc gốc chép tay của các nhạc sĩ thế kỷ mười bảy, vừa đi vừa gào thét. Hắn lê bước ngoài phố như một con nhện khổng lồ. Sự phấn khích hiện lên trong mắt hắn thành những tia nhìn tóe lửa. Hắn lắc lư đầu trong cơn co giật phấn khích. Hắn thì thào, quằn quại, ngồi phịch xuống, rên rỉ, tru tréo, rồi trở lại trạng thái tuyệt vọng cũ. Hắn không thể nói được từ nào, hắn phấn khích quá. Dean cúi đầu đứng trước mặt hắn, nhắc đi nhắc lại, “Đúng... Đúng... Đúng.” Hắn kéo tôi ra một góc. “Cha Rollo Greb này thật vĩ đại, thật phi thường. Đó là những gì tôi cố gắng nói với ông - là những gì tôi hướng tới. Tôi muốn được như cha này. Không có gì kìm giữ được hắn. Hắn lao theo mọi hướng, hắn bộc lộ hết mình, hắn hiểu thời gian, hắn không làm gì khác ngoài việc cứ ngất ngưởng như thế. Trời ạ, hắn là mẫu mực đấy. Ông thấy không, nếu cứ đi như hắn, thì cuối cùng ông sẽ đạt được điều đó.”
“Đạt được cái gì?”
“ĐIỀU ĐÓ. ĐIỀU ĐÓ ấy mà! Tôi sẽ nói sau... giờ thì không có thì giờ, hiện tại ta chưa có thì giờ.” Dean lại vội vã sán đến gần Rollo Greb để nhìn hắn kỹ hơn chút nữa.
George Shearing, gã nhạc công chơi piano vĩ đại trong dòng jazz, theo Dean nói, cũng y hệt Rollo Greb. Dean và tôi đến gặp Shearing ở Birdland giữa kỳ nghỉ cuối tuần dài và điên rồ này. Chẳng có ai ở đó, chúng tôi là những khách hàng đầu tiên, dù đã mười giờ. Shearing xuất hiện, gã bị mù, phải có người cầm tay dắt đến chỗ cây đàn. Đây là một gã Ăng lê có vẻ ngoài đáng kính, mặc áo cổ cồn trắng, hơi đô, tóc vàng, khí chất tinh tế kiểu “đêm hè Ăng lê” toát lên quanh gã khi gã cất lên nốt nhạc du dương đầu tiên và tay ghi ta bass kính cẩn nghiêng mình về phía gã đệm theo. Tay trống, Denzil Best, ngồi bất động, chỉ có cổ tay đang điều khiển bộ dùi. Shearing bắt đầu đu đưa người; nụ cười tươi nở trên khuôn mặt say mê; đu đưa trên cái ghế đẩu, từ trước ra sau, thoạt tiên còn chậm, rồi nhạc nhanh dần lên và gã đu đưa nhanh theo, chân trái nẩy lên theo từng tiết tấu, cái cổ đu đưa, gã áp mặt xuống sát phím đàn, mái tóc được chải cẩn thận xõa, rối tung, gã bắt đầu mồ hôi đầm đìa. Nhạc đến cao trào. Tay bass gập người và gảy đàn dồn dập, mỗi lúc một nhanh, càng lúc càng nhanh, đơn giản cứ thế. Shearing bắt đầu đoạn hợp âm của mình; hàng ngàn nốt nhạc trào ra từ cây đàn như trận mưa rào ào ạt, như thể gã nhạc công này chẳng kịp thời giờ mà sắp xếp chúng lại theo trật tự chỉn chu. Chúng cứ tuôn ra như đại dương cuộn sóng. Khán giả la hét, “Tiếp đi!” Dean vã mồ hôi như tắm, mồ hôi ướt đẫm cổ áo hắn. “Gã đấy, chính gã đấy! Ông Thánh già! Thánh già Shearing đấy! Đúng! Đúng! Đúng!” Và Shearing biết sau lưng gã đang có một thằng khùng, gã có thể nghe thấy tiếng nấc và từng hơi thở của Dean, có thể đoán ra hết tuy không nhìn thấy gì cả. “Thế đấy,” Dean nói. “Đúng thế!” Shearing mỉm cười; vẫn đu đưa người. Gã đứng dậy khỏi cây đàn, mồ hôi nhỏ tong tong, đó là năm 1949, thời kỳ huy hoàng nhất của gã, trước khi nhạc của gã trở nên nhạt nhẽo và thị trường. Khi gã đi rồi, Dean chỉ tay vào cái ghế piano trống. “Cái ghế trống của Thánh đấy,” hắn nói. Trên cây đàn piano đặt một chiếc kèn đồng, bóng vàng của nó phản chiếu thành một hình kỳ lạ trên bức tranh đoàn xe du mục bỏ hoang trên bức tường sau dàn trống. Thánh đi rồi; chỉ còn sự im lặng sau khi gã đi. Đó là một đêm mưa. Một đêm mưa thần thoại. Dean tròn xoe mắt vì kính nể. Sự điên khùng này sẽ chẳng đi đến đâu. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với mình và bỗng hiểu ra là chỉ vì thứ trà bọn tôi đang hút thôi; Dean đã mua một ít ở New York. Điều này khiến tôi nghĩ rằng sắp đến lúc tất cả sẽ đổ tới - khoảnh khắc ta nhận thức được tất cả và mọi chuyện được giải quyết hoàn toàn.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường