Chương 19
ôi trốn đi lần này, thầy mẹ tôi không lùng bắt nữa. Các ngài yên trí tôi sẽ lại bò về? - Ồ, không đời nào! Hay các ngài đã thôi thương tiếc đứa con hư? Càng hay! Tôi càng khỏi phải bị phiền nhiễu, tôi càng được yên thân. Một khi người ta đã không thể hiểu nhau, tốt hơn hết là sống cách biệt hẳn nhau ra.
Hiện giờ, tôi cam lòng phó mặc đời tôi cho số mệnh, tôi quyết sẽ không có một hành vi nào để cưỡng lại nó. Tôi cũng chẳng nghĩ ngợi lôi thôi gì nữa. Tôi sợ nghĩ lắm rồi. Tôi luôn luôn đắm hồn tôi vào thuốc phiện để quên. Đôi khi, một ý tưởng có lởn vởn đến óc tôi, tức khắc tôi xua đuổi nó đi cho bằng được. Tôi muốn sự sinh hoạt tinh thần của tôi ngừng hẳn lại, cũng như đời sống của đồng loại tôi đã dừng bước bên ngoài cửa tiệm. Ngày tháng cứ việc nối nhau qua. Và nếu chẳng có sự túng tiền nó kéo giật tôi về thực tại, tôi chắc không ngờ đâu tôi lại còn tơ vương với trần thế.
Tôi đã bán cái bút máy vàng, tôi đã bán bộ quần áo rét, cái áo par-dessus của tôi. Số tiền được bao nhiêu đã tan ra khói. Một buổi sớm mai tình cờ soát lại túi, tôi đã giật mình thấy chỉ còn vỏn vẹn độc có sáu đồng xu. Những điếu thuốc phiện trôn quýt thế là mất hết vị ngon lành, sự yên tĩnh của hồn tôi bắt đầu vẩn những vệt mây đen lo lắng...
"Làm cách nào bây giờ?". Óc tôi loạn lên vì một ý cấp bách: Tiền. Lòng tôi thắt lại bởi một hãi hùng: Sự thiếu tiền. Và tôi, tôi nhìn vật gì bây giờ cũng chỉ là để ước lượng: đáng giá bao nhiêu tiền? Tôi vẩn vơ nghĩ tới sự may mắn của những người bắt được tiền hoặc trúng số. Tôi nhắm mắt lại để sống hiển nhiên bằng tưởng tượng cái tâm trạng của những người sung sướng ấy. Tôi sắp đặt hẳn lại cuộc đời tôi, trù tính việc này việc khác, và nhiều lúc không cầm được sự khoái trí, tôi đã cất tiếng cười. Tiếng cười làm tôi tỉnh mộng để càng nhận rõ ràng và thấm thía cái chua chát của cảnh ngộ tôi hiện giờ. Tôi ngồi nhỏm dậy, với cái điếu bát làm một mồi thuốc lào và hỏi bồi:
- Ngoài ấy vẫn mưa à?
- Thưa cậu, vẫn mưa và rét lắm!
Tôi thở dài: Nếu mưa rét thì ta hãy nằm lát nữa vậy. Đã đành xoay nhưng xoay cách nào, xoay ở đâu mới được chứ? Ấy chỉ là những lẽ tôi dùng để đánh lừa tôi. Sự thực, tôi đã mắc sâu cái thói lười nhác, do dự của những dân bẹp thực sự.
- Còn mấy điếu xái, tiêm nốt hộ đi!
Tôi vừa bảo anh bồi, vừa kéo tấm chiên đỏ mượn của chủ tiệm mà đắp lên tới ngực. Cái cảm giác êm ấm bên khay đèn càng tăng gấp nghìn lần trước cái viễn tượng một cuộc chạy tiền dưới trời mưa gió. "Được lúc nào hãy biết lúc ấy!". Tôi mỉm cười, giơ tay tiếp lấy đầu dọc tẩu và kéo một hơi thẳng thét. Thuốc phiện reo trên miệng chụp đèn rồi biến thành khói, và khói tan vào không trung... Tôi lắc lư một bên đùi, thán phục mãi cái ông Tàu trước tiên nào đó đã sáng nghĩ ra sự hút thuốc phiện.
Chợt anh bồi khẽ rỉ tai tôi:
- Thưa cậu!...
Tôi cau mặt, vì những câu nói bất thường đối với tôi lúc này đều có ý nghĩa đáng sợ cả.
- Gì?
- Con muốn nói với cậu cho con xin tiền mười buổi tiêm để con thêm vào mua một cái khăn xếp...
- Được, rồi sẽ có...
Tôi hẹn bứa bừa, tưởng cho xong chuyện, không ngờ từ lúc ấy trở đi, tôi cứ như nằm trên một đống gai: bồi tiêm đã trở mặt hỏi tiền, chắc tình trạng tài chính nguy ngập của tôi đã rõ rệt lắm. Tôi đâm cáu một cách vô lý, tôi muốn chửi bới một người dù vô tội, muốn gây sự với bất kỳ ai. Cái bực tức không trút vào đâu được khiến tôi mệt lả. Thêm vào đó còn sự đói cơm từ chiều hôm qua! Tôi nghĩ đến cái chết, trong tôi có cái gì như bắt đầu một sự tan rữa... Tôi nhắm nghiền hai mắt, nằm ngay đờ chẳng khác một cái xác đương nguội.
A, mà tôi chết thực nọ!... Tôi chết vì thiếu cả cơm lẫn thuốc phiện... chết gục ngay giữa phố đông, trên vỉa hè nhớp nháp những bùn. Tôi không đau đớn, cũng chẳng kịp kêu rên. Tôi cứ lịm dần đi... Thiên hạ xúm đến xem đông quá. Một bà cụ chép miệng: "Rõ khốn khổ! Con cháu ông bà nào chả biết được...". Một bác đàn ông gày nhom, mặt tái, môi thâm, buông tiếng thở dài: "Lại chỉ thuốc phiện đấy thôi!...". Sau cùng, một ông đạo mạo, có vẻ công chức, khẽ cười mũi và nói như để trả thù: "Những quân lêu lổng, không ăn lời cha mẹ, chết là đáng kiếp!"... Tôi nghe rõ cả, có điều tôi chẳng thể cử động hoặc tỏ một ý gì. Thế rồi, người ta ấn tôi vào một cái săng gỗ tạp, người ta đậy nắp ván thiên, và cái săng được chuyển sang một nơi khác... một nơi nào xa lắm... chừng là một xó nghĩa trang làm phúc...
Người ta hạ huyệt tôi, không kèn, không trống, không điếu văn, không cả những câu than khóc. Thình lình, những xẻng đất trút xuống nắp quan tài lộp độp, lộp độp. Huyệt đầy dần... và im lặng... và tối đen. Tôi đã bị vùi trong mả! Một hơi ẩm lạnh thấm vào xác tôi...
Thế là xong!... Tôi chẳng nghĩ ngợi, chẳng đau buồn gì nữa... Từng phút, từng giờ, và tháng, và năm qua đi...
Bỗng, một giọt nước rỏ xuống mặt tôi, một giọt nước mưa thấm qua đất, qua ván thiên đã ải mục. Một giọt thứ hai... lại một giọt nữa... Tất cả cứ thầm lặng, kế tiếp đều đều và cứ giữa mặt tôi mà rỏ xuống. Mũi tôi, hai má tôi ướt đẫm, trương to lên, bắt đầu rữa nát...
Tôi muốn gào to, thực to, muốn van vỉ, muốn kêu gọi trời cao đất dày, mẹ tôi, chị tôi, Dung, hoặc bất cứ một người xa lạ nào đương đi lại trong ánh nắng đầy hương thơm và vang lừng những tiếng động của cuộc sống. Khốn khổ cho tôi: quai hàm tôi đã rời ra mất rồi còn đâu! Môi tôi cũng mất hẳn. Ở chỗ cái miệng sinh ra đáng nhẽ để được cười và nói những lời âu yếm, chỉ còn trơ hai hàm răng gỉ. Rồi thì khắp người tôi bắt đầu thối nát. Những con bọ, sống tối tăm trong lòng đất, xúm lại quanh tôi, bò lổm ngổm lên da tôi, rúc ráy vào thịt tôi...
Tôi rùng mình một cái. Tôi mở bừng hai mắt nhìn ngơ ngác cõi nhân gian. Tôi thở một tiếng nó cất hẳn cho ngực tôi cả một vác nặng.
Khiêm cười và hỏi tôi:
- Mày nằm mê thấy những gì mà u ú như ma bóp cổ vậy?
Tôi vui sướng quá, vui sướng vì tôi hãy còn sống và còn được nói với người sống:
- Khiêm đấy à? Ừ, tao nằm mê hãi quá! Mày đến từ bao giờ?
Không đợi Khiêm kịp đáp, tôi ngồi nhỏm dậy, tưởng chừng có thể ôm ghì lấy bạn tôi. Khiêm, lúc này, chẳng là tượng trưng của sự sống đấy ư?
- Gần được một giờ rồi... - Khiêm gườm gườm hai mắt trông tôi và lắc đầu lia lịa - Vừa được tin bà mẫu ông rước ông về thì lại đã có người mách ông cao ngọa ở đây... Gớm, ông tháo khoán kể cũng chớp nhoáng thật!...
- Thôi, đừng chớt nhả nữa, tao đương buồn chết đây!...
Khiêm nín lặng một phút để nghiêm vẻ mặt lại:
- Thế mày định đoạn tuyệt với gia đình thực à?
- Lại chả thực!
- Mày đã tính mưu sống bằng cách nào chưa?
- Tao chưa có ý định nào rõ rệt...
- Ấy mới gớm!... Thì ra, về cái đức vong mạng, con chỉ mới đáng là học trò của ông...
- Úi chào, đã liều thì liều một thể...
- Nhưng, có chắc liều được không đã chứ?
- Tao đương bắt đầu nghĩ về chỗ ấy.
- Hiện tình mày ra sao?
- Nguy lắm! Nằm xuống đây tao bảo...
Tôi chờ Khiêm ngả mình đối diện với tôi xong liền thuật rõ tình trạng của tôi cho nó nghe:
- Ngay cối thuốc này, và tiền bồi tiêm, tao cũng đương chưa biết đào đâu ra...
- Ấy là chưa kể tiền ăn, hút, tiêu vặt ngày mai, ngày kia, nhất là trong mấy hôm Tết...
- Ồ, cái thằng vớ vẩn lạ, chưa chi đã nói đến chuyện tết với nhất...
- Còn gì nữa, hết tháng mười một sang tháng Chạp rồi...
Tôi giật bắn người:
- Kia, đã tháng Chạp rồi à?
- Bẩm vâng ạ! Ông làm như ông là một thi sĩ, đầu óc lúc nào cũng ở cung trăng không bằng!
- Chết chửa! Tao không biết thật...
Tôi thở dài, lòng xôn xao hẳn lên. Bao nhiêu kỷ niệm về Tết vụt tự một xó tối nào của trí nhớ tôi hiện cả ra. Tôi thấy tôi cô độc, chơi vơi không biết chừng nào:
- Nếu thế lại càng nguy cho tao hơn nữa...
- Mày có muốn hút thêm không? Khiêm thấy tôi ngần ngừ liền vỗ vỗ vào túi và cười: - Muốn hút thêm cứ việc hút thả cửa đi! Tao có tiền đây. Còn những chuyện gì, rồi đâu tự khắc có đó...
Tôi ấm hẳn người lên. Thì ra, ở thời buổi này, câu hùng hồn nhất mà thằng người có thể nói được, ấy chính là câu "Tao có tiền!".
Tôi gọi dõng dạc:
- Bồi, thêm một cối nữa!
Trong lúc bồi tiêm thuốc, Khiêm thủng thẳng bảo tôi bằng tiếng Pháp:
- Tao có kế này, may ra giải nguy cho mày được. Tao định cho Mãng Xà Vương, bởi nó cũng đương đét, nhưng bây giờ nghe chuyện mày, tao thấy mày còn cần hơn nó.
- Chính thế! Mày có kế gì, cứ cho tao là hơn!
- Nhưng mày liệu có can đảm lĩnh cẩm nang của tao đi làm việc không?
- Nguy hiểm lắm sao?
- Cũng khá nguy...
Sự háo hức của tôi giảm ngay mất một nửa:
- Mày thử nói tao nghe!
- Đi đâu mà vội! Hãy hút no nê đi đã.
- Khốn nhưng sốt ruột lắm!
- Thế ngộ tao không đến?
- Đấy lại là chuyện khác...
- Quốc sỉ!... - Khiêm gạt đầu dọc về phía tôi - Đây, mời ông giật đi cho!
Tôi hút. Trong khi ấy, Khiêm nói:
- Có một con mẹ buôn giấy vụn ở ngõ Châu Long. Tên nó là con mẹ Hai Chén. Nó rích lắm và xem chừng cũng là một mẹ Lý Toét dở. Bây giờ mày đường hoàng đến bảo nó rằng mày có một lô giấy vụn muốn bán. Thể nào nó cũng vồ lấy, vì giấy vụn hiện đương được giá. Mày hãy đòi nó đưa đủ một trăm tờ, nếu nó muốn chắc chắn thì cứ cho người đem tiền và xe bò đi theo mày, có giao giấy mới nhận bạc. Mấy mà chị mày không mắc.
- Ồ, nhưng giết ai ra giấy để giao cho người nhà nó?
- Mày ngu lắm! Thế nào gọi là đi lừa?
Hai tiếng "đi lừa" đập vào óc tôi như cái dấu sắt nung đỏ:
- Ồ... nhưng... đã chắc gì họ mắc!
- Chắc lắm! Trông mày có vẻ thực thà, tự nhiên thế kia, đến tao cũng mắc chứ đừng nói ai nữa.
- Tao độ này hút dữ quá, lại ăn uống thất thường, trông còn ra gì hồn người!...
- Mày muốn thoái phỏng? Tùy mày!...
Tôi chợt nhớ đến sáu đồng xu trong túi:
- Rồi sao nữa?
- Phải nói cho khéo, hễ nó nghe là được. Mày chỉ còn việc dẫn người nhà nó đến cổng sau thư viện. Đến đây, mày cần phải làm bộ hách dịch bảo người nhà nó đưa tiền để mày trình quan chủ đã, sau mới được phép lấy hàng ra...
- Thế ngộ tên người nhà nó cứ nhất định không đưa?
- Thì mày cứ việc sà lù, cu soong nhặng xị lên, bảo mua bán với Tây không phải là việc trẻ con, đoạn mày giằng phắt lấy tiền mà đi vào.
- Vào chỗ nào?
- Bú dù! Vào cổng sau để rồi chuồn thẳng ra cổng trước, gọi xe phới một mạch về đây chứ lại còn gì nữa!
- Tao chỉ sợ kế ấy không thành...
- Không thành bấy giờ hãy hay. Vả mày cũng không mất gì kia mà. Tiền xe pháo đã tao ứng cho cả.
Tôi cười gượng:
- Đã đành! Nhưng làm thế kể cũng bất lương một chút...
- Nếu muốn giữ tiếng lương thiện thì đừng ăn, đừng hút nữa! Tùy mày!
- Được rồi! Không xoay cách ấy cũng không còn trông mong vào đâu nữa...
- Lại còn hòng trông vào đâu! Ở đời này, đứa nào lại thương xót đứa nào!... Có đi, lấy veston của tao mà mặc cho nó chỉnh...
Tội Nhân Hay Nạn Nhân Tội Nhân Hay Nạn Nhân - Lan Khai Tội Nhân Hay Nạn Nhân