Thằng Côn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 19
hết đói xong là chết no, chết dịch. Nhưng cơn ác mộng đã qua. Tỉnh lỵ lại mang cái vẻ bình thản muôn đời của nó. Vẻ bình thản đánh đai lấy cuộc sống người dân thị xã. Sóng gió đang nổi ở đâu xa lắm. Chứ ở thị xã Thái Bình, sóng ngầm chỉ xô giạt trong lòng một vài người. Hầu như, không ai muốn nhớ tới nạn chết đói mấy tháng trước. Dân Thái Bình chết cả mấy chục vạn người. Có làng bị chết đói hết.
Côn thì không thể quên Vọng. Thằng Vọng cũng bị chết đói. Côn tưởng chừng gia đình nó có người chết đói khổ sở, đau đớn. Tháng rồi, dưới giàn hoa lý nhà thằng Vũ, Luyến buột miệng nói "Giá chúng mình rủ thằng Vọng về nhà chúng mình ở, chắc nó không thể bị chết đói” Cả Côn và Vũ đều ân hận. Dễ dàng thế mà Côn và Vũ không nghĩ ra. Thằng Vọng chết đói, sẽ chẳng bao giờ được leo lên vồng cầu Bo xem Nhật xúc đất, kéo xe bò. Nó sẽ chẳng bao giờ được thấy thầy Đàn, thầy Hoan tát sĩ quan Nhật hộc máu mồm giữa phố. Ta sắp đánh Nhật. Côn tin tưởng ngày thầy Đàn trở về Thái hiên ngang như Trần Quốc Tuấn trên sân khấu kịch của Hướng Đạo. Ngày ấy chắc vui lắm.
Mùa hạ năm nay thật buồn tẻ. Hoa phượng vẫn nở nhưng mầu hoa không rực rỡ. Tại học trò đã nghỉ học trước hè, nghỉ từ tháng ba chết đói. Loài ve sầu rên rỉ mỏi miệng cũng chẳng ai thèm cảm xúc. Có lẽ, mùa hạ sang năm sẽ buồn tẻ hơn. Côn hồi tưởng những mùa hè năm xưa mà thương tiếc. Chắc chắn không còn những trận đá bóng sôi nổi với An Tập, trường Tầu. Vọng đã mang theo sân cỏ xuống đất sâu. Mất Vọng! Bóng tròn hết quyến rũ đôi chân thằng Côn. Tại Nhật hết. Nhật sang Thái Bình gây nên bao điều khốn khó.
Côn nắm quả đấm thụi lên mặt bàn. Bố nó ngồi đọc sách gần đó, ngạc nhiên:
- Con làm sao thế?
Côn rươm rướm nước mắt:
- Thằng Vọng chết đói, bố ạ!
Bố thằng Côn gỡ cặp kính trắng, dụi mắt:
- Con nói cho bố nghe rồi mà …
- Phát xít Nhật làm nó chết.
- Bố dặn con, con chả chịu nghe lời bố. Con muốn Nhật bắt cả nhà mình giết chết à?
Thằng Côn đưa hai tay ôm đầu:
- Con biết hết chuyện.
Bố nó buông rơi cuốn sách:
- Con biết chuyện gì?
Côn òa lên khóc:
- Con lớn rồi, con lớn rồi … Con biết ta sắp đánh Nhật, bố đọc giấy gì ở nhà thằng Vũ.
Bốn nó đến gần chỗ nó ngồi, cầm tay nó:
- Con lớn rồi, bố không bảo con là trẻ con nữa. Nhưng nhiều việc con chớ nên biết tới.
- Con ghét Nhật. Thằng Vũ dám chửi Nhật lùn. Nó bảo ở Hà Nội người ta giết Nhật như ngóe. Dân Hà Nội cừ lắm, sao dân Thái Bình không cừ?
- Dân Thái Bình sẽ "cừ”. Thầy con đã là một người "cừ”.
- Thầy con sắp đánh Nhật?
- Ừ, thầy con đang đánh Nhật ở xa.
- Bao giờ thầy con đánh Nhật ở Thái?
- Sắp sửa.
Bố thằng Côn dịu dàng:
- Con thấm nước mắt đi. Đã lớn rồi, nghe chuyện người lớn phải giữ kín, hiểu chưa?
Côn rút khăn thấm nước mắt. Nó nhìn bố, mỉm cười.
- Thôi, con đi chơi đi.
Côn chào bố. Nó chạy ra đường và đến nhà Vũ rủ Vũ lên cầu Bo. Nước lũ đã về. Chóng chê. Mới nắm ngoái, Luyến và Côn đứng đây nhìn nước lũ cuồn cuộn trôi ra biển.
- Con nhà Luyến, năm ngoái, đòi đóng bè chuối thả xuống cống Đậu ăn canh bánh đa của bác lang Tặng mày đấy.
Vũ phì cười:
- Xuống cống Đậu rửa bát à? Ông chán cống Đậu từ lâu.
Côn kéo sát Vũ bên mình:
- Mày biết chưa?
Vũ thì thào:
- Biết gì?
- Thầy mình sắp về Thái đánh Nhật.
- Thế hở?
- Ừ, bố tao dặn đừng nói với ai.
Vũ xăn tay áo:
- Tao sẽ đi theo thầy.
Côn ghé miệng kề tai Vũ:
- Dân thị xã sửa soạn đánh Nhật. Thầy mình cầm đầu. Bố tao bảo đánh đến đít rồi.
Vũ sướng rên, nhẩy cỡn:
- Tao phải trói một thằng, bắt kiến lửa bỏ lên bụng nó mới thích. Kiến lửa cắn rốn nó, nó giẫy đành đạch. Ông đứng ông múa mọi và "dzô tô nay, a ri ga tô”.
Côn vung tay:
- Ông nhốt một thằng không cho ăn cơm để nó chết đói như thằng Vọng.
Hai đứa trẻ mong đợi thầy chúng nó trở về Thái. Thầy chúng, chắc chắn, sẽ chở về những mộng ước ắp đầy những con mắt chúng. Hai đứa trẻ thị xã không muốn âm thầm sống trong cái vòng đai bình thản. Nó muốn thoát ra. Nỗi thèm khát của chúng bốc lộ rõ rệt. Bây giờ mới đúng lúc khung cảnh bình thản của tỉnh lỵ không thích hợp với chúng nó.
- Tao dắt thằng Nhật qua nhà con Thúy, tao đá đít, con Thúy sẽ phục lăn.
Vũ vỗ vai Côn:
- Mày chắc con Thúy phục tao chứ?
Côn gật đầu:
- Nó vẫn phục mày.
Nó hỏi Vũ:
- Mày lại nhà nó chưa?
Vũ thấy Côn thoáng buồn. Nó thúc khuỷu tay vào bụng bạn:
- Tao không đến đâu. Mày đến chơi với nó đi kẻo nó giận.
Côn thè lưỡi liếm môi:
- Tao không thích chơi với nó nữa. Tao thề không thèm nói chuyện với nó.
Vũ gặm nhấm móng tay:
- Mày buồn cười bỏ xừ đi ấy. Bây giờ mày thích cái gì?
Côn nín thinh. Nắng chiều chỉ còn thoi thóp trên các lùm cây bên kia sông. Dòng nước, tự nhiên, buồn bã. Như là nó chán chẩy xuôi ra bể. Nó muốn chẩy ngược về nguồn. Côn hướng mắt nhìn về phía xa. Gió thổi tung tóc thằng bé. Đôi mắt nó tròn to, long lanh một niềm ao ước. Lần đầu tiên, Côn trái lời Vũ. Côn không còn giống Vũ. Côn cũng chẳng giống Côn năm ngoái, năm xưa. Nó đứng đây, không tương tư tiếng hu hú, không nhớ những lần đóng bè qua sông. Phía xa, nó đang tưởng tượng có Thầy Đàn dạy bao nhiêu đứa trẻ yêu nước. Côn mơ hồ nghe tiếng nói của thầy. Và tình nó thương thằng Vọng dâng lên, đùn cay mắt nó.
- Bây giờ mày thích cái gì?
Côn quàng tay bá cố Vũ:
- Tao thích thầy mình về Thái.
Vũ xiết chặt Côn. Nắng đã tắt hẳn. Gió thổi lộng. Hai đứa trẻ tỉnh nhỏ cùng đăm đăm trông về chốn trời xa. Nơi ấy, nhiều người sắp về. Và tỉnh lỵ sẽ hết thê lương, buồn tẻ.
Mùa Giáng Sinh 1968
(viết tại Phú Nhuận Gia Định)
Thằng Côn Thằng Côn - Duyên Anh Thằng Côn