Nho Lâm Ngoại Sử epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Hồi 18 - Họp Hội Thơ Danh Sĩ Vớ Khuông Nhị
hiều hôm ấy Khuông Siêu Nhân uống rượu xong về nhà trọ ngủ. Hôm sau, vừa mới tỉnh mơ, người chủ Văn Hãn Lâu lên lầu nói:
- Thưa tiên sinh, nay tôi có một việc muốn thưa với tiên sinh!
Khuông Siêu Nhân hỏi việc gì. Chủ nhân nói:
- Hiện nay, chúng tôi có chung vốn với một người bạn định khắc một bộ sách tuyển văn bát cổ để bán, muốn nhờ tiên sinh duyệt hộ. Làm sao duyệt cho hay và nhanh. Tất cả hơn ba trăm bài văn không biết độ bao nhiêu ngày thì duyệt xong? Nếu duyệt kịp ngày thì sẽ có khách đem đi Sơn Đông, Hà Nam để bán. Nếu chậm lại, khách về mất thì bị lỡ việc. Sách này khắc ra ngoài bìa tên hiệu tiên sinh. Khi in ra sẽ có một số tiền nhuận bút, và mấy chục quyển sách biếu nữa. Không biết tiên sinh có thể duyệt được không?
- Chừng bao lâu phải duyệt xong mới khỏi lỡ việc?
- Trong vòng nửa tháng duyệt xong thì ngày giờ còn hơi rộng, nếu không thì chỉ hai mươi ngày là cùng.
Khuông Siêu Nhân tính thầm trong bụng, nửa tháng có thể duyệt xong, nên nhận ngay. Chủ nhân mang rất nhiều bài thi bát cổ đem lên lầu. Đến trưa, lại dọn bốn món ngon mời Khuông ngồi ăn mà nói:
- Khi xong bản thảo xin mời ăn một bữa. Khi sách in ra lại xin mời ăn một bữa nữa. Thường ngày thì ăn cơm thường. Ngày mồng hai, mười sáu, xin mời tiên sinh đến ăn với chúng tôi. Trà, nước, dầu đèn đều do chúng tôi cung cấp hết.
Khuông Siêu Nhân rất mừng. Đêm hôm ấy Khuông thắp đèn lên để duyệt, luôn luôn không nghỉ tay. Duyệt được năm mươi thiên mới nghe chuông lầu điểm canh tư.
Khuông Siêu Nhân mừng rỡ nói:
- Thế này thì làm gì mất đến nửa tháng!
Khuông tắt đèn đi ngủ, sáng thức dậy lại duyệt. Một ngày với nửa đêm duyệt được bảy, tám mươi thiên.
Đến ngày thứ tư Khuông đang ở trên lầu duyệt văn chương bỗng nghe có tiếng gọi ở dưới:
- Khuông tiên sinh có ở nhà không?
Khuông Siêu Nhân đáp:
- Vị nào đấy?
Nói xong vội chạy xuống lầu thì thấy Cảnh Lan Giang tay cầm một tờ giấy cuộn lại. Thấy Khuông, Cảnh liền chào và nói ngay:
- Tôi đã lâu mới đến, thật có lỗi!
Khuông Siêu Nhân cầm lấy tay Cảnh Lan Giang dắt lên lầu. Cảnh Lan Giang trải tờ giấy lên bàn:
- Đây là bài thơ hạn vần “lâu” về cuộc nhóm họp hôm trước. Mọi người đều đã viết vào tờ giấy cả rồi. Ông Triệu Tuyết Trai xem qua thấy chưa vừa ý cũng lấy làm tiếc, nên cũng làm một bài theo vần “lâu”. Chúng tôi nhường cho ông viết lên mặt trên, còn mỗi người viết một bài. Vì thế đến hôm nay mới đưa lại thỉnh giáo.
Khuông Siêu Nhân nhìn đầu đề: Cuộc họp ở Kỳ Đình lúc cuối xuân lấy vần “lâu”. Triệu Tuyết Trai, Cảnh Lan Giang, Chi Kiếm Phong, Phố Mặc Khanh mỗi người viết một bài thơ và viết tên mình ở đằng sau.
Khuông trông thấy trang giấy trắng tinh, dấu son đỏ chói, thật là đáng yêu, bèn cầm lấy dán lên vách lầu rồi mới ngồi xuống. Khuông Siêu Nhân nói:
- Hôm ấy tôi quá say về nhà đã muộn.
- Tại sao mấy hôm nay tiên sinh không đi đâu cả?
Chủ nhân có nhờ tôi tuyển hộ mấy bài văn bát cổ, tôi phải làm nhanh để kịp đưa ra in, nên không đến hầu thăm được. Thật là có lỗi!
- Tuyển văn bát cổ là một việc rất tốt! Hôm nay tôi với anh đi gặp một người.
- Vị nào?
- Không phải hỏi, anh thay quần áo ngay, đi với tôi sẽ biết.
Khuông thay quần áo, khóa cửa lầu, cùng Cảnh xuống lầu đi ra phố. Khuông Siêu Nhân nói:
- Anh định đi đâu đấy?
- Chúng ta sẽ đến thăm ông Hồ Tam con cụ Hồ trước đã làm đến thượng thư bộ Lại. Hôm nay là ngày sinh nhật của công tử. Mọi người đều nhóm họp ở đây. Chúng tôi muốn đến chúc thọ nên rủ anh cùng đi. Đến đấy ta sẽ gặp nhiều người. Những người có tên trong tờ giấy kia đều có mặt cả.
- Tôi chưa gặp Hồ Tam tiên sinh bao giờ, vậy có phải đem theo tờ danh thiếp không?
- Cái ấy cũng cần!
Hai người đi đến hàng bán hương sáp mua một cái danh thiếp. Khuông lại quầy hàng mượn bút viết mấy chữ: “Vãn sinh Khuông Hồi bái”. Viết xong bỏ vào phong bì rồi cùng đi. Cảnh Lan Giang nói với Khuông Siêu Nhân:
- Hồ Tam tiên sinh tuy rất ham khách nhưng nhát gan vô cùng! Năm trước, sau khi cụ Thượng mất, ông ta đóng chặt cửa không tiếp một ai. Hễ động việc gì là bị người ta lừa gạt, không biết kêu vào đâu. Sau mấy năm, may nhờ chơi với chúng tôi, đi lại với nhau được chúng tôi giúp đỡ nên bây giờ mới có nhiều người lui tới, không ai dám lừa ông ta nữa.
- Là con một ông thượng thư còn ai dám lừa! - Thượng thư mà làm gì? Đó là việc ngày trước. Ông ta hiện nay cũng không còn ai nữa. Bạn thân ông ta thì chẳng qua cũng như những anh học trò khác mà thôi. Tục ngữ có câu chí lý: “Ông tri phủ chết không bằng con chuột sống”, như thế còn ai sợ công tử nữa?
Nhân tình bây giờ chỉ chạy theo thế lợi thôi. Trái lại, Tuyết Trai tiên sinh chúng ta nổi tiếng về thơ, các quan ở phủ, viện, đạo, không một người nào là không đến chào ông ta. Người ta chỉ thấy ở cổng lớn nhà ông nay dập dìu lọng vàng kiệu đỏ, mai lại nhộn nhịp năm bảy cái võng tía tàn xanh. Còn những hạng ô, dù, lẹp xẹp, quan nhỏ chức thấp thì vô kể. Như thế ai mà chả sợ! Gần đây người ta thấy kiệu của ông Tuyết Trai hai ba ngày lại lui tới nhà Hồ công tử, người ta đoán rằng Hồ công tử có thế lực gì cho nên những khách thuê nhà của công tử đều trả tiền rất nhanh chóng, đầy đủ. Hồ công tử rất cảm ơn chúng tôi về cái khoản ấy.
Họ đang đi giữa phố nói chuyện thì gặp hai người mặc áo rộng, đội mũ vuông từ xa đi lại. Cảnh Lan Giang đón chào và nói:
- Hai anh cũng đến nhà Hồ công tử để chúc thọ hay còn đợi vị nào đến và định đi đâu?
Người kia nói:
- Chính là lại rủ anh đi nhưng đã gặp đây rồi, ta cùng đi luôn!
Khuông Siêu Nhân thấy thế bèn hỏi:
- Vị này là ai?
Cảnh Lan Giang quay lại nói với Khuông Siêu Nhân:
- Vị này là ông Kim Đông Nhai, vị này là ông Nghiêm Trí Tụng.
Và chỉ Khuông Siêu Nhân rồi nói với hai vị kia:
- Đây là ông Khuông Siêu Nhân.
Bốn người đều chào nhau rồi cùng đi. Họ đến một cái cổng rất lớn, biết đây là phủ của Hồ thượng thư. Họ đưa danh thiếp cho người giữ cửa. Người giữ cửa nói:
- Xin mời các ngài vào ngồi chờ ở sảnh.
Khuông Siêu Nhân trông thấy gian giữa có biển do tay nhà vua đề bốn chữ: “Cột đá triều đình”. Hai bên có hai dãy ghế gỗ trắc. Bốn người đều ngồi xuống.
Một lát sau, Hồ công tử đi ra, đầu đội mũ vuông, mình mặc áo đoạn dài màu nâu, chân đi giày đen, đế trắng, để râu ba chòm, ước chừng hơn bốn mươi tuổi. Công tử khiêm tốn vái chào tất cả mọi người, mọi người đều chào lại. Mọi người chúc thọ công tử, công tử không dám nhận, cảm tạ các vị và mời ngồi. Kim Đông Nhai ngồi ghế thứ nhất, Nghiêm Trí Trung ngồi ghế thứ hai, Khuông Siêu Nhân ngồi ghế thứ ba, Cảnh Lan Giang là người sở tại nên cùng với công tử ngồi ghế chủ. Kim Đông Nhai quay về phía công tử cảm tạ đã làm phiền hôm trước. Công tử quay về phía Nghiêm Trí Trung nói:
- Mấy lâu ngài ở kinh mới về bao giờ?
Nghiêm Trí Trung nói:
- Thưa mới về hôm trước. Mấy lâu nay tạm trú trong nhà bà con thân thích là Chu tiên sinh làm tư nghiệp trường Quốc Tử Giám ở Kinh Đô(1) vì thế mà hàng ngày luôn luôn được gặp cụ Phạm Tiến làm Thông chính. Nay Thông chính xin phép về thăm mộ, hẹn tôi cùng đi, nhân tiện tôi ghé về thăm nhà.
Hồ công tử nói:
- Quan Thông chính hiện trú ở đâu?
Nghiêm Trí Trung nói:
- Quan Thông chính ở luôn dưới thuyền, không lên thành. Ba bốn ngày nữa sẽ đi. Tôi hôm trước lên thành gặp ông Tuyết Trai được biết hôm nay là sinh nhật của ông nên chúng tôi đến chúc mừng để tỏ tình xưa nghĩa cũ.
Công tử nói:
- Khuông tiên sinh lên tỉnh từ bao giờ? Quý quán ở đâu? Hiện nay trọ ở đây?
Cảnh Lan Giang đáp thay:
- Khuông tiên sinh quê ở Lạc Thanh, lên tỉnh cũng chưa lâu, cùng đi thuyền với tôi. Hiện nay ông ta ở tại Văn Hãn Lâu đang tuyển những bài văn trong các khóa thi.
Công tử nói: - Tôi nghe tiếng ông đã lâu. Thật là hân hạnh! Đang nói chuyện thì người nhà mang trà lên. Công tử đứng dậy mời các vị khách vào thư phòng, bốn người bước vào thư phòng, thấy ở ghế trên đã có hai người ngồi trước, đội mũ vuông, râu bạc có vẻ sang trọng. Thấy bốn người đến họ thong thả đứng dậy. Nghiêm Trí Trung quen mặt lại chào:
- Vệ tiên sinh, Tuỳ tiên sinh đều ở đây, chúng tôi xin chào!
Chào hỏi xong mọi người ngồi xuống. Vệ tiên sinh, Tuỳ tiên sinh cũng không nhường ghế cho khách, vẫn cứ lên ngồi chỗ cũ. Người nhà bẩm với công tử rằng có khách đến, công tử ra đón!
Mấy người ngồi xong, Cảnh Lan Giang hỏi hai vị khách người ở đâu.
Nghiêm Trí Trung nói thay: - Vị này là Vệ Thế Thiện tiên sinh ở Kiến Đức, đỗ thi hương ở Kiến Đức; vị này là Tuỳ Sầm Am tiên sinh ở Thanh Môn, đỗ khoa Minh Kinh(2) đã lâu. Hai vị này là những nhà làm văn tuyển nổi tiếng ở tỉnh Chiết Giang hơn hai mươi năm nay. Những bài văn bát cổ được tuyển đã lưu hành khắp trong nước.
Cảnh Lan Giang đứng dậy vái chào và tỏ ý ngưỡng mộ. Hai người này không hỏi tên họ những người kia. Tuỳ Sầm Am nhận được Kim Đông Nhai vì khi vào Kinh thi Hội đến nhà giám thì gặp nhau. Tuỳ chuyển sang hỏi:
- Ông Đông Nhai! Từ khi từ biệt nhau ở kinh đến nay phút chốc đã mấy năm. Ông có việc gì về phủ chơi thế. Chắc ông đã đầy niên hạn và được bổ làm quan to rồi!
Kim Đông Nhai đáp: - Không phải thế! Gần đây trong bộ bổ vào nhiều người rất là phức tạp. Lại có chuyện Vương Huệ đầu hàng Ninh Vương. Sau triều đình lại bắt hỏi Lưu thái giám, sai khám xét sổ sách trong bộ tôi. Tôi sợ ở lại bộ lâu, có ngày cũng sinh chuyện cho nên xin nghỉ để đi khỏi Kinh Đô.
Đang nói chuyện, người nhà bưng miến ra. Ăn xong Vệ và Tuỳ ngồi rỗi đem chuyện văn chương ra nói. Vệ nói rằng:
- Gần đây việc chọn văn chương càng hỏng bét. Tuỳ nói:
- Chính thế! Khoa trước hai chúng tôi có chọn một bộ, và đã chỉnh lý lại.
Vệ đưa mắt nhìn xung quanh nói:
- Khoa trước không có văn chương. Khuông Siêu Nhân nhịn không được, đứng dậy hỏi:
- Xin hai tiên sinh cho biết, quyển thi khoa trước ở đâu cũng có bản khắc, tại sao lại nói không có văn chương?
Vệ nói:
- Vị này họ là gì nhỉ?
Cảnh Lan Giang nói:
- Đây là Khuông tiên sinh ở phủ Lạc
Thanh. Vệ nói:
- Nói không có văn chương ấy là không có văn chương đúng phép tắc.
Khuông Siêu Nhân nói:
- Văn chương mà đã đỗ được rồi tức là văn chương có phép tắc, không thể nói ở ngoài việc thi đỗ lại còn có phép tắc riêng nữa.
Vệ tiên sinh nói:
- Ông không biết! Văn bát cổ là thay thánh hiền mà nói, phải có phép tắc nhất định chứ! Không phải như các hạng sách nhảm, có thể tùy ý làm bậy được.
Cho nên xem một thiên văn bát cổ chẳng những thấy được người làm văn giàu sang phúc ấm thế nào mà còn thấy được sự thịnh suy của nước nữa. Thời Hồng Vũ và Vĩnh Lạc có phép tắc của thời Hồng Vũ và Vĩnh Lạc. Thời Thành Hóa, Hoằng Trị có phép tắc của thời Thành Hóa, Hoằng Trị. Đều là một dòng lưu truyền có môn phái riêng của nó. Thí dụ như chủ khảo lấy những người đỗ, thì trong ấy vẫn có người hợp phép mà cũng có người gặp may. Tất cả phải qua những người làm văn tuyển như chúng tôi phê vào đó thì những bài ấy mới là văn chương truyền bá được! Nếu một khoa thi không có bài nào chọn được, gọi là không có văn chương.
Tuỳ tiên sinh nói:
- Thưa ông, chúng tôi không sợ không đỗ, chúng tôi chỉ cốt làm sao một khi đã đỗ rồi bài văn của chúng tôi có thể đưa cho người xem mà không thẹn. Nếu không, chẳng khác là làm cầu may, mang xấu cả đời.
Lại quay lại hỏi Vệ tiên sinh:
- Gần đây quyển “Tam khoa trình mặc” do Mã Thuần Thượng lựa chọn, ông đã xem chưa?
Vệ tiên sinh nói:
- Chính ông này đã làm hỏng hết cả việc tuyển lựa. Ông ta cứ loanh quanh trong nhà thái thú Cừ Thản Am quận Gia Hưng. Suốt ngày nói những thứ nhảm nhí. Nghe nói ông ta chỉ khá về khoản học nhảm, còn phép tắc văn chương thì hoàn toàn không biết tý gì, cứ độc nói bậy. Những quyển tốt đều bị phê hỏng cả! Cho nên hễ tôi thấy văn tuyển của ông ta thì tôi bảo học trò xổ cả những lời phê đó đi(3).
Đang nói chuyện, Hồ công tử và Chi Kiếm Phong, Phố Mặc Khanh cùng ngồi vào bàn ăn cơm. Mấy người chờ đợi mãi đến tối vẫn chưa vào ăn tiệc vì còn phải đợi cho được Triệu Tuyết Trai. Đợi mãi đến tối Triệu Tuyết Trai mới đi kiệu tới. Lại có hai phu kiệu đi theo. Có thêm người cầm bốn bó đuốc đi trước và sau. Triệu xuống kiệu chào hết mọi người rồi nói:
- Thật là có lỗi, làm phiền các vị chờ đợi lâu quá! Nhiều người thân thích họ Hồ đến nữa, chủ nhà đem hai cỗ chia làm ba, mọi người vây quanh ngồi ăn. Tiệc tan, ai nấy đều trở về.
Khuông Siêu Nhân về nhà trọ duyệt hết mấy bài văn rồi mới đi ngủ. Tính ra trong sáu ngày duyệt hơn ba trăm bài văn. Khuông lại đem những câu chuyện nghe được trong bữa tiệc tại nhà họ Hồ tán rộng ra làm bài tựa viết lên đầu quyển. Lúc rảnh Khuông đi chào hết những người bạn cùng dự tiệc rượu hôm trước.
Bản văn tuyển đã duyệt xong, hiệu sách đem về xem xong nói:
- Ngày trước Mã tiên sinh ở nhà người anh tôi tại Văn Hải Lâu phải duyệt đến hai tháng mới xong ba trăm bài văn. Cho người đến giục thì lại phát cáu. Không ngờ tiên sinh duyệt nhanh đến thế. Chúng tôi nhờ người xem đều nói đã nhanh lại kỹ, thật là tốt quá! Tiên sinh ở đây chắc các hiệu sách sẽ đến nhờ duyệt văn và sẽ kiếm được món lợi to.
Chủ hiệu sách nhận gói hai lạng bạc tiền duyệt đưa lại và nói:
- Đến ngày khác in xong sẽ xin đưa cho tiên sinh năm mươi quyển sách.
Chủ hiệu sách lại soạn tiệc rượu uống ở trên lầu. Đang uống rượu thì ở ngoài có người đưa một tờ giấy lại. Khuông Siêu Nhân cầm lấy mở ra xem thì là một tờ giấy Tùng Giang xếp thành một cái thiếp. Ở trong viết:
“Ngày năm tháng này ăn tiệc ở Tây Hồ và làm thơ. Mỗi vị phải xuất hai đồng cân để làm tiền tổn. Dưới đây là danh sách các vị:
Vệ Thế Thiện tiên sinh
Tuỳ Sầm Am tiên sinh
Triệu Tuyết Trai tiên sinh
Chi Kiếm Phong tiên sinh
Nghiêm Trí Trung tiên sinh
Phố Mặc Khanh tiên sinh
Khuông Siêu Nhân tiên sinh
Hồ Mật Chi tiên sinh
Cảnh Lan Giang tiên sinh
Cộng tất cả chín vị. Đằng sau viết “Xin đến dự đông đủ”.
Lại có một hàng chữ viết “Mỗi vị xin góp đủ phần của mình cho Hồ Tam công tử ở Ngự Thư đường”.
Khuông Siêu Nhân thấy dưới tên các vị đều viết chữ
“đã biết”. Y cũng viết như thế, rồi cân hai đồng cân bạc và cầm tờ giấy giao lại người đầy tớ, bảo đem về. Đến tối không có việc gì, nhân nghĩ đến việc ngày mai đi chơi Tây Hồ, tất phải làm thơ, nếu mình không đi thì cũng khó coi, bèn lấy một bản “thi pháp nhập môn”(4) ở trong hiệu sách, thắp đèn lên đọc. Khuông là người rất thông minh nên mới xem một đêm mà đã hiểu cả. Ngày hôm sau, lại xem luôn một ngày, một đêm nữa, rồi lấy bút ra làm thử. Làm xong thấy có vẻ hay hơn những bài dán trên vách. Hôm ấy lại xem lần nữa để cho thêm tinh hơn.
Sáng ngày rằm, Khuông ăn mặc chỉnh tề sắp sửa ra cửa thì thấy Cảnh Lan Giang và Chi Kiếm Phong lại rủ. Ba người cùng ra cửa Thanh Ba. Thấy các vị đều ngồi trên một chiếc thuyền chờ đợi. Lên thuyền xem, thì Triệu Tuyết Trai chưa đến. Trong số đó không thấy Nghiêm Trí Trung. Họ bèn hỏi Hồ công tử:
- Nghiêm tiên sinh tại sao không thấy đến?
Công tử đáp:
- Hôm qua thuyền Phạm thông chính nhổ sào, ông ta đem phần tiền của ông ta đến đây và đã về Quảng Đông rồi.
Mọi người xuống thuyền, chèo ra Tây Hồ. Phố Mặc Khanh hỏi Hồ công tử:
- Tôi nghe nói ông Nghiêm có chuyện gì rắc rối trong việc lập thừa tự thì phải, vì cứ thấy ông chạy lung tung mà chẳng ăn thua vào đâu!
Công tử nói:
- Hôm qua tôi có hỏi ông ta. Việc ấy đã xong rồi. Người con trai thứ hai của ông ta vẫn được lập làm tự như cũ. Gia tài chia mười phần, “vợ hầu” của em ông ta lấy ba phần, con trai thứ hai của ông ta lấy bảy phần.
Thuyền chèo một chốc đến Hoa Cảng. Mọi người đều giục Hồ công tử hỏi mượn vườn hoa để làm nơi uống rượu. Hồ công tử chạy đi mượn nhưng cửa đóng sầm lại. Người giữ vườn không chịu cho mượn. Hồ công tử phát bực, nhưng người kia vẫn làm lơ.
Cảnh Lan Giang dắt người kia ra một chỗ riêng hỏi. Người kia nói:
- Hồ công tử là người nổi tiếng bủn xỉn. Suốt năm ông ta mời tôi được mấy bữa mà tôi phải hầu hạ ông ta chứ? Năm ngoái đây, ông ta mượn vườn hoa này làm hai tiệc rượu mà một đồng tiền cũng không cho, đến lúc đi cũng không bảo người quét tước. Ông ta còn sai người nhà lấy cả hai thăng gạo nấu cơm thừa mang đi. Quan cách gì mà như thế! Tôi hầu hạ làm quái gì!
Cảnh Lan Giang nói một hồi, không ăn thua gì, mọi người đành phải đi đến ngồi nhờ nhà một vị hòa thượng ở đền Vu Công. Hòa thượng pha trà bưng ra.
Tiền góp dồn cả cho Hồ công tử. Hồ Tam dẫn Cảnh Lan Giang đi mua các thứ. Khuông Siêu Nhân nói:
- Tôi cũng đi chơi cho vui.
Khuông đi ra phố. Trước tiên đến một tiệm bán thịt vịt. Công tử sợ vịt không béo bèn hạ móc xuống xem con nào béo rồi mới gọi Cảnh Lan Giang lại mặc cả. Vì có nhiều người ăn nên lại mua thêm mấy cân thịt, một cặp gà, một con cá và rau sống, gọi đứa nhỏ mang về trước.
Lại mua một ít bánh bao để làm món điểm tâm. Hai người chạy lại một hàng bánh bao, chọn ba mươi chiếc, mỗi chiếc giá ba đồng tiền. Nhưng công tử chỉ trả hai đồng, nên gây chuyện cãi lộn với người hàng bánh. Cảnh Lan Giang ở ngoài khuyên giải Hồ Tam không mua bánh bao nữa chỉ mua bột mì và đưa cho Cảnh Lan Giang mang về. Lại đi mua măng khô, trứng, muối, hạt giẻ, hạt dưa
v.v... để làm đồ nhắm rượu. Khuông Siêu Nhân cũng mang hộ. Về đến chùa, họ đưa cho hòa thượng cất vào trong nhà.
Chi Kiếm Phong nói:
- Bác Hồ Tam, sao bác không gọi một người bếp nấu giúp cho? Làm gì mà bận rộn thế?
Hồ Tam lè lưỡi nói:
- Mượn người nấu bếp! Lại tốn một món tiền nữa!
Hồ công tử cân một ít bạc đưa cho thằng nhỏ đi mua gạo.
Bận rộn đến chiều, kiệu Triệu Tuyết Trai mới tới. Triệu xuống kiệu gọi lấy cái hòm ra. Phu kiệu bưng hòm đến, Triệu mở hòm lấy ra một gói bọc giấy đỏ trong đó có hai đồng bốn phân bạc đưa cho Hồ Tam. Dưới bếp rượu, đồ ăn đã xong, dọn lên mọi người ngồi ăn. Họ vừa ăn cơm vừa uống rượu.
Triệu Tuyết Trai nói:
- Chúng ta hôm nay nhóm họp vui vẻ ở đây, không thể không làm thơ.
Họ bắt đầu chia vần:
Triệu tiên sinh gắp phải vần “Tứ chi”(5).
Vệ tiên sinh gắp phải vần “Bát tề”
Phố tiên sinh gắp phải vần “Nhất đông”
Hồ tiên sinh gắp phải vần “Nhị đông”
Cảnh tiên sinh gắp phải vần “Thập tứ hàn”
Tuỳ tiên sinh gắp phải vần “Ngũ vi”
Khuông tiên sinh gắp phải vần “Thập ngũ san”
Chi tiên sinh gắp phải vần “Tam giang”.
Chia vần đã xong, họ lại uống mấy chén rượu, rồi đều về thành. Hồ Tam công tử gọi người nhà lấy quả đựng đồ ăn, nhặt những vật thừa như xương xẩu, rau cỏ, quả, lá, bỏ tất cả vào đó. Quả nhiên Hồ công tử lại còn hỏi hòa thượng xem gạo nấu cơm thừa mấy thăng, lấy tất cả lại. Rồi đưa cho hòa thượng năm phân bạc tiền hương đèn. Xong y bảo người nhà khiêng hết về thành(6).
Khuông Siêu Nhân cùng Chi Kiếm Phong, Phố Mặc Khanh, Cảnh Lan Giang cùng về một đường. Bốn người cao hứng, dọc đường cười nói, chơi đùa, nên chưa về đến thành, trời đã tối mịt.
Cảnh Lan Giang nói:
- Trời đã tối rồi, chúng ta đi thật nhanh lên chứ!
Chi Kiếm Phong say mềm, miệng nói lảm nhảm:
- Cần quái gì! Ai chẳng biết chúng ta là hạng danh sĩ đi họp làm thơ ở Tây Hồ? Vả lại Lý Thái Bạch ngày xưa còn mặc áo gấm đi trong cung, lang thang cả đêm. Vừa mới chập tối đã sao? Cứ đi tự nhiên! Ai dám làm gì!
Đang lúc cao hứng, hoa tay múa chân, bỗng trước mặt có một cặp đèn cao, lại một cặp đèn xách đi đến, trên mặt đèn viết mấy chữ: “Quan phó tri phủ xét việc buôn muối”. Người ngồi ở trong kiệu vừa mới trông thấy đã biết đấy là Chi Kiếm Phong, bèn gọi người bắt giữ y lại.
- Chi Kiếm Phong! Anh là người giữ việc buôn muối trong phân phủ này. Tại sao đêm hôm lại chè chén say sưa, làm ồn ào cả đường phố như vậy?
Chi Kiếm Phong quá say, chân đứng không vững, xiêu trước vẹo sau, miệng lại còn nói:
- Lý Thái Bạch ngày xưa mặc áo gấm trong cung đi cả đêm.
Viên quan thấy y đầu đội mũ vuông nói rằng:
- Trong hạng buôn muối ở nha môn, lâu nay không có học sinh, giám sinh! Anh là cái thứ gì mà đội mũ này! Tả hữu đâu! Bắt nó lôi đi! Lấy xiềng mà xiềng lại!
Phố Mặc Khanh tới trước nói bênh mấy câu. Phân phủ tức giận nói:
- Anh là tú tài, tại sao đang đêm lại say rượu! Bắt giải ngay ra trường!
Cảnh Lan Giang thấy vậy, liền lẻn trong bóng tối, nắm lấy Khuông Siêu Nhân lôi qua ngõ hẻm. Hai người chuồn thẳng.
Hai người về đến nhà, mở cửa, lên lầu nằm ngủ. Hôm sau đi ra nghe ngóng thấy hai người kia cũng không việc gì, bèn vẫn cứ chọn vần làm thơ như cũ.
Khuông Siêu Nhân làm xong, đến khi xem bài của Vệ tiên sinh, Tuỳ tiên sinh thấy những chữ “vậy ôi”, “mảng rằng”(7) đều viết vào cả. Còn nữa, thì cứ nhặt nhạnh mấy chữ sáo trong lời phê văn chương cho vào. Nay đem so với thơ của mình, thì thấy cũng chả kém gì thơ của họ. Mọi người đem bài thơ ấy viết lên tám trang giấy. Khuông Siêu Nhân đem dán lên vách. Độ nửa tháng sau quyển văn tuyển đã khắc xong. Đêm ấy hiệu sách mời Khuông đến chén một bữa no say. Hôm sau, Khuông đang ngủ ở trên giường thì nghe phía dưới có người gọi lớn rằng:
- Ông Khuông! Có khách lại thăm.
Vì gặp được người này, nên:
Hôn nhân thỏa nguyện biết rằng kiếp trước có duyên;
danh dự càng cao, so với thường nhân khác hẳn.
Muốn biết người kia là ai, hãy xem hồi sau phân giải.
(1) Mở miệng là nói láo! Nghiêm Trí Trung đã giả nhận là bà con của Chu Tiến và bị đuổi (xem ở hồi VII).
(2) Khóa thi hỏi về nghĩa lý trong ngũ kinh.
(3) Mã và Tùy đều nói đến phép tắc, đều chê người khác là học nhảm. Sự thực họ chê lẫn nhau, và văn bát cổ chỉ là một thứ văn nhảm không ra phép tắc gì.
(4) Sách dạy vỡ lòng cách làm thơ.
(5) Trong sách “âm vần” của Trung Hoa cổ, có các chữ xếp theo vần thứ nhất, thứ hai, vần tứ chi là vần chi ở thứ tư. Học sinh dựa vào đó để ghép vần khi làm thơ.
(6) Cách tả tính bủn xỉn của Hồ Tam thực là sinh động, không một lời châm biếm nhưng thực là châm biếm sâu sắc.
(7) Trong thơ không ai dùng những chữ “vậy ôi”, “mảng rằng” v.v... Đó là những danh từ chỉ dùng trong văn bát cổ. Tuỳ Sầm Am vốn quen làm văn bát cổ nên khi làm thơ cũng “bê” tất cả vào. Đại khái những nhận xét của Ngô Kính Tử thường kín đáo như vậy
Nho Lâm Ngoại Sử Nho Lâm Ngoại Sử - Ngô Kính Tử