Nhà Tù epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 18
a ngày Tết, các tù nhân nguy hiểm ở cachot được “giải phóng” xiềng xích. Nguyễn Việt Hưng, tướng Phục Quốc Nguyễn Việt Hưng, thường đứng dán mặt vào ô cửa nói chuyện với chúng tôi. Các bạn trẻ của 1C-1 đấu ào ào, bất chấp Nội quy. Ổng Hưng hỏi thăm tôi chuyện “nội các” Đinh Xuân Cầu khiến tôi tê tái. Ở đề lao Gia Định, tất cả can phạm phản động đều quý mến ông Đinh Xuân Cầu. Chuyện Hai Nghiêm mỉa mai ông “Mặt anh mà đòi làm thủ tướng à?” đã thành giai thoại ở đề lao. Ông Cầu đang nằm tại 7C-2, vào cachot vì Sao giò trốn trại. Sau ba ngày Tết, Nguyễn Việt Hưng bị máng chân vào cùm ở ngay tường, ông ta phải nằm ngửa suốt ngày đêm, trừ hai bữa ăn. Tù nhân vụ Vinh Sơn có người nhái AIi Hùng thổi sáo tuyệt diệu. Về khuya, Ali Hùng trổ tài Trương Lương. Tiếng sáo của anh ta buồn não nuột. Cả khu C-1 thức nghe anh ta thổi sáo. Trong hơi sáo sầu của Ali Hùng, chợt nổi lên một giọng nữ gai góc từ khu B vọng sang “Báo cáo cán bộ phòng 4 có người bệnh nặng”, tưởng chừng nhạc thiều âm ty. Tôi đã sống những phút giây hãi hùng và kỳ ảo đó. Nghĩa đời không phải ở đấy. Nhưng ở đấy, người ta tìm thấy nghĩa đời.
Hạ tuần tháng 2-1977, Toà án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh xử vụ Vinh Sơn. Sáng sớm, mỗi tù nhân được phát một ổ bánh mì rồi bị xích chân còng tay đưa tới Tòa án. Buổi chiều được dẫn về. Nguyễn Việt Hưng, Ali Hùng, linh mục Nguyễn Vãn Nghị, linh mục Nguyễn Văn Chức, thiếu tá Tiếp và hai người tôi không biết tên ở cachot 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 đã hầu toà ba ngày liên tiếp. Buổi chiều cuối cùng của phiên tòa chung thẩm, khi trở lại cachot Nguyễn Việt Hưng dơ ba ngón tay rồi dùng gan bàn tay chặt lên gáy mình, ông ta báo tin có ba tù nhân bị xử tử. Vài hôm sau, bẩy tù nhân vụ Vinh Sơn chuyển cachot. Chúng tôi hết được nghe Ali Hùng huýt sáo đêm khuya. Bẩy cái cachots dành cho tù nhân mới mà hai cái là nơi “ngự trị” của hai nữ hoàng cachot Hoàng Thị Nga và Ngô Thị Lan. Doãn Quốc Sĩ, hình như, ở cachot số 9. Tôi lại bị gọi sang khu A làm việc với chấp pháp số 11, người Thanh Hoá.
Chấp pháp số 11 yêu cầu tôi bổ sung bản tự khai liên hệ với văn nghệ sĩ Hà Nội. Hắn muốn biết ngoài tôi còn anh em nào thù tạc văn nghệ sĩ Hà Nội không và tôi nghe thấy gì do anh em khác kể lại. Bản tự khai bổ sung rất ngắn. Vì tôi không biết, không nghe, không thấy. Chấp pháp số 11 nhã nhận. Hắn không hạch hỏi. Tôi viết buổi sáng là xong. Buổi chiều hắn mạn đàm:
- Anh Duyên Anh, tại sao anh giao du nhiều mà chỉ khai có một bạn thân.
- Tôi ít bạn.
- Tại sao?
- Vì tôi ưa viết báo công kích, không ai thích thân với tôi.
Câu trả lời của tôi hợp lý quá. Chẳng còn gì nhảm hơn là khai hết tên bạn bè để làm phiền họ, nhỡ họ bị công an chiếu cố. Mà thực ra, bạn thân đúng nghĩa trước 1975, tôi chỉ có một người. Là Đặng Xuân Côn. Ngày Đặng Xuân Côn vượt biên, tôi bị hạch hỏi, bị quay chóng mặt- Như ngày Nhật Tiến vượt biên, dù đã được tha, Nguyễn Đình Toàn vẫn bị gọi lên Sở Công An viết... tự khai.
Chấp pháp số 11 không yêu cầu gì thêm, hỏi vẩn vơ hai ba câu rồi nói chuyện văn nghệ... tiền chiến. Tôi làm việc với hắn vỏn vẹn một ngày. Bất thình lình, 1C-1 bị giải tán. Từng nhóm, từng nhóm, tù nhân khăn gói quả mướp chuyển tới các phòng ở khắp đề lao. Tôi vào tuốt 7C-1, phòng giam tăm tối và hôi hám. Vì cần tiến nhanh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa nên ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã xây cái chuồng heo tại góc sân sát vỉa hè Phan Đăng Lưu, sát tường sau 7C-1. Tù nhân tha hồ hít thở phân tiểu heo cách mạng, hương thơm của chủ nghĩa ưu việt. Tôi “tái ngộ” vua cachot Đoàn Kế Tường ở đây. Ở đây, đầy đủ mặt phản động. Già có cụ Cao Văn Diên, cụ Trần Văn Liễu, cụ Nguyễn Văn Thông. Trẻ có Hoàng Sơn Trường, Đinh Cường, Nguyễn Hữu Trí. Tư sản mại bản có Đỗ Bá Thúc đã từng làm Thứ trưởng thời Diệm và dạy ở trường Luật. Linh mục Phạm Minh Thiện cũng về 7C-1 “họp đàn”. Ngoài phản động còn có vài tù nhân vượt biên, vài cảnh sát đặc biệt trốn trình diện. Sĩ quan mới phải trình diện. Riêng an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt, hạ sĩ quan cũng phải trình diện học tập cải tạo. Và Phủ trung ương tình báo thì anh gác cổng, anh bưng nước đều... tình báo hết. Ra đi lâu về. Hoặc ra đi không về. Trưởng phòng tên Nguyễn Văn Mâu do Hai Phận chỉ định. Tôi đã có tí chức tước: Thư ký tù, chuyên viết biên bản các buổi họp cuối tuần và lập danh sách mua hàng chợ.
Hai Phận sáng tạo kiểu điểm danh mới. Ngày hai lần, sáng và chiều, hắn bắt tù nhân ra xếp hàng đôi ngay ngắn. Trưởng phòng hô “nghiêm” rồi báo cáo:
- Báo cáo ông Trưởng khu, phòng 7 hiện diện 56 người đủ.
Hai Phận vĩ đại hất tay:
- Được.
Chúng tôi lần lượt dơ tay đọc số, đọc tên và vào phòng. Hai Phận mở cuộc thi đua vệ sinh, ngăn nắp cho tù nhân. Khẩu hiệu của hắn: “Bỏ cờ trắng, vượt cờ xanh, giành cờ đỏ”. Điểm danh cũng được tính điểm thi đua. Tù nhân thi đua ở tù! Nhờ màn thi đua nên có cuộc họp trưởng phòng toàn khu. Thư ký đi ghi chép biên bản. Tôi được gặp Mặc Thu Nguyễn Viết Khánh, Thanh Thương Hoàng và được biết anh em của tôi đã “họp đàn” hết tại đề lao Gia Định, Đủ mặt. Lúc này, Hai Phận vĩ đại thống lãnh lưỡng khu C-1, C-2. Chúng tôi có một tháng thi đua. Phái đoàn trưởng phòng tham quan các phòng và... chấm điểm. Tù chấm điểm tù. 7C-1 cầm cờ trắng hạng bét vì toàn mùi phân heo và mùi ghẻ mủ. Hai Phận chửi chúng tôi ăn ở bẩn thỉu. Hắn ví chúng tôi với heo và ra lệnh cho chúng tôi “phải khắc phục mùi phân heo”!
Năm 1977 có hai biến cố. Biến cố thứ nhất: Toàn dân ăn độn. Biến cố này được dân gian đánh dấu bằng lời ca số 2 của ca khúc Miền Đông đất đỏ:
Ai đã qua miền Đông đất đỏ
Xem xe chở vào thành phố khoai mì
Cả khoai lang và rồi thì khoai bí
Dân mình xếp hàng mua kí về ăn
......
Tổ quốc ơi!
Ăn khoai mì ngán quá
Từ giải phóng đến nay
Ta ăn độn dài dài
Từ giải phóng đến nay
Ta ăn độn bằng khoai...
Hai Phận “triệu tập” một phiên họp “đột xuất”. Các trưởng phòng và thư ký đi phó hội. Hai Phận buồn bã nói:
- Trung Quốc nó đòi nợ, ta phải trả nợ nó, ta không thèm khất nợ, ta trả hết, trả khẩn trương. Do đó, từ mai, các anh sẽ ăn độn. Các anh khắc phục ăn khoai, ăn sắn nhé! Cũng đầy đủ vi-ta-min. Đấy, gà nó ăn ngô béo ra phết. Lợn nó ăn khoai thịt vẫn ngon.
Chúng tôi không dám cười. Hai Phận đau đớn:
- Người ta cứ bảo đất miền Nam tốt, làm không ăn có, ném thóc giống rồi nhắm mắt chờ mùa gặt. Thế mà từ giải phóng, hết hạn hán lại lụt lội...
Hai Phận vò đầu bứt tóc.
- Trời hại ta, trời cũng theo đế quốc Mỹ!
Tôi thấy Hai Phận đích thực vĩ đại hơn Hồ Chí Minh vĩ đại. Hắn trấn an chúng tôi:
- Nhưng ta đã có mỏ dầu hỏa ở Tiền Hải, Thái Bình. Mỏ ngay trên đất, không cần giàn khoan, không cần nhà máy lọc...
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Hai Phận đã dạy bài này bên Sở Công An. Hắn dạy lại.
Hai Phận, tinh hoa của cộng sản đấy. Chúng tôi đã được học tập cải tạo tư tưởng như thế với những ông thầy như thế. Sau buổi họp “chuẩn bị tư tưởng” ăn sắn, ăn khoai, chúng tôi ăn sắn, ăn khoai thay cơm. Tại sao Hai Phận phải “triệu tập” cuộc họp “đột xuất”? Vì đề lao Gia Định là đề lao kiểu mẫu của thành phố. Chế độ muốn làm dáng dân chủ trong nhà tù. Đã xẩy ra một lần cơm đầy thóc, nhiều phòng... tuyệt thực. Tù nhân phản đối: Chúng tôi không giống gà. Chấp pháp phê bình quản giáo, thay đổi một trưởng khu. Họ sợ giữa thành phố, tù nhân nổi loạn sẽ tạo tiếng xấu cho cách mạng.
Biến cố thứ hai: Nổ kho đạn ở Long Bình. Tù nhân sung sướng, tưởng chừng sắp xô gục cửa ngục mà ra. Cả buổi chiều, hành lang vắng bóng công an. Đạn nổ ầm ầm. Nhưng đâu lại vào đó. Đạn ngưng nổ, ước mơ của tù nhân tắt lịm. Ngoài đời, dân gian cũng tuyệt vọng không kém. Những tù nhân “to tiếng bàn luận” vụ nổ bị làm kiểm điểm, bị cúp thăm nuôi. 7 C-1 bình yên nhờ “lãnh tụ” Đoàn Kế Tường bảo anh em “im lặng” nghe đạn nổ. Sinh hoạt đề lao bình thường.
Thêm một sáng tạo ăn. Nghe đồn Đức Giáo Hoàng bán đấu giá vương miện lấy tiền mua bột mì tặng tù nhân chính trị Việt Nam. Đề lao xây lò bánh mì. Bánh mì đề lao thiếu bột nổi. Ăn nóng thì rát họng, ăn nguội thì mỏi răng. Để đến ngày mai thì y hệt cái giầy tã. Bèn đề xuất bánh tầm bì không bì heo. Rồi bánh cuốn. Rồi mì sợi nấu với nước muối. Mì sợi bị chê, đề lao trở về cơm hẩm. Tiêu chuẩn ca đầy ngọn chì còn lưng ca.
Đúng dịp cơm tù bị bớt để trả nợ chiến tranh giải phóng, Doãn Quốc Sĩ ra cachot sau 11 tháng “thiền” trong bóng tối. Anh về 6C-1 ở chung với Thái Thủy. Tôi bị đuổi qua 3C-1. Thời gian ở 7C-1, Đoàn Kế Tường tả cho tôi nghe các cachots anh đã nằm, các hình phạt anh đã chịu. Hồi ở 5C-2, tôi đã chứng kiến Đoàn Kế Tường chửi quản giáo Hùng kẽm gai. (Hùng mở cửa cho cơm vào phòng. Một tù nhân thấy thùng canh rau muống già, ngao ngán nói: “Lại canh kẽm gai”. Hùng bắt bẻ. Tù nhân tặng nó biệt danh Hùng kẽm gai). Hùng kẽm gai báo cáo Hai Phận. Hai Phận đến tận phòng hỏi:
- Đứa nào dám chửi cán bộ cách mạng dã man?
Đoàn Kế Tường đáp:
- Không có đứa nào cả. Tôi đây. Nội quy cấm ông ăn nói lỗ mãng.
Hai Phận nổi giận:
- Nội quy của ai?
- Của nhà tù. Tôi đọc cho ông nghe: “Can phạm gọi cán bộ là anh xưng tôi. Cán bộ gọi can phạm là anh xưng tôi”.
- Anh dám chửi cán bộ.
-Tôi chửi luôn chế độ dã man!
Hai Phận bắt Đoàn Kế Tường ra làm việc. Vị anh hùng đề lao Gia Định, người nằm cachot bị ra phòng tập đã đập cửa hò hét xin trở lại cachot, đâu ngán cachot.
Tù nhân ở C-2 phục chàng quá. Hai Phận làm việc xong, đưa chàng về. Hắn cho chàng gặp vợ con. Hắn cho chàng khiêng đồ ngày thăm nuôi. Hắn cho chàng chế thuốc ở Y Tế. Chàng nóng tính đánh nhau với ai, kẻ bị chàng đánh đi kỷ luật, chàng bình yên.
- Đang là anh hùng, em trở thành “ăng-ten” anh ạ! Cộng sản thâm hiểm thật.
Cộng sản thâm hiểm, dĩ nhiên. Hạ gục uy tín vị anh hùng, tạo mâu thuẫn để tín đồ bôi bẩn thần tượng rồi bỏ rơi thần tượng. Lúc ấy, thần tượng đã nhào, anh hùng đã hèn mọn! Thay vì người ta “học tập" thủ đoạn cộng sản, người ta chỉ nghị luận “ăng-ten”. Người ta khó mà khôn lớn, dẫu nằm tù cộng sản suốt đời.
Đến 3C-1, tôi gặp cụ Đỗ Văn Lựu, nhạc phụ của tướng Phạm Văn Phú. Vị đại tá Ngự Lâm Quân này, thời còn đeo lon trung úy, đã đóng ở tô giới Thượng Hải, đã có những trang tình sử với các kiều nữ Tô Châu. Trung thành với Bảo Đại, cụ Lựu chống Ngô Đình Diệm, bị Diệm bỏ tù. Hôm nay, cụ vào tù cộng sản về tội phản động, về tội phó thủ tướng chính phủ Liên Bang Đông Dương. 1 Tôi gặp Hoàng Mạnh Hùng, tiến sĩ, giáo sư đại học Bách Khoa. Tôi gặp Ngô Tỵ, Nguyễn Khánh Long. Tôi gặp Tổng giám đốc nhà phát hành Nam Cường. Tôi gặp Đặng Hải Sơn. Tôi gặp nhóm bạn trẻ Song Vĩnh. Tôi gặp cụ Nguyễn Đồng chăn bò làng Song Vĩnh bỗng trở thành đại phản động. Trưởng phòng 3C-1 là gã Việt cộng gốc Quảng Nam. Tôi quên họ của hắn, chỉ nhớ hắn tên Đoan. Hắn vào tù vì tội tham nhũng. Đoan tập kết trở về. Trong số các trưởng phòng tôi biết, Đoan là thằng khốn nạn nhất. Giữa hắn và tù nhân có một sự cách ly ngấm ngầm. Chúng tôi không nói chuyện với hắn. Đoan cấu kết với tên Ba, can tội vượt biên. Không khí 3C-1 căng thẳng. Hắn bắt chúng tôi thay phiên nhau đọc báo Nhân Dân và phát biểu cảm tưởng những gì mình thu hoạch. Giờ đọc báo, Đoan quan sát các tù nhân có ngủ gục. Hắn yêu cầu ngồi nghiêm chỉnh nghe báo Đảng. Những giờ hành chính, tù nhân không được nằm.
Các bạn trẻ 3C-1 thường tụ tập quanh tôi nghe “quay phim” Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng. Và tôi bị Đoan báo cáo là tuyên truyền phản cách mạng, bị Hai Phận gọi ra nạo dũa tơi bời. Không sao, bù lại tôi gặp Nguyễn Văn Quả, 2 binh nhì Thủy quân Lục chiến, hiền như đất, nói ngọng níu lưỡi mà dám làm phản động có đại liên, có tổ chức. Tôi yêu những người như Quả biết mấy. Đi chiến đấu là để chiến đấu. Thế thôi. Khác hẳn những ông sư đoàn trưởng Phục Quốc Quân vốn đeo lon hạ sĩ, trung sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. A, tôi còn gặp Quang dù (anh ta bảo anh ta là đại úy), người thấp, ngực đầy lông, chân mang thương tích, nắm chức vụ Tư lệnh Lực Lượng Kháng Chiến thủ đô. Anh em quen gọi đùa Quang dù là ông Đô trưởng. Đô trưởng rất ham nói, dẫu nói nhăng nói cuội, và rất dễ chọc giận. Anh ta bị quân báo bắt, bị nhốt ở Tô Hiến Thành, bị đánh sưng phổi. Vài hôm quen với 3C-1, Hoàng Mạnh Hùng 3 sang chỗ tôi tâm sự còm:
- Trước ngày bị bắt, tôi định đi gặp ông?
- Làm gì?
- Mời ông xuất ngoại với chúng tôi.
- Để làm gì?
- Chiến đấu!
A, lại thêm một người mời tôi chống cộng vào lúc “trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn.”
- Chừng đi gặp ông thì hay tin ông đã bị bắt.
- Và ông cũng bị bắt.
- Không ngờ gặp ông tại phòng này.
Hoàng Mạnh Hùng du học ở Mỹ về. Anh ta đã từ chối không nhận chức thứ trưởng Văn hóa Giáo dục của chính phủ Thiệu. Quốc gia cực đoan như Duy Dân, anh ta xếp các chính phủ Việt Nam từ sau 1945 là ngụy quyền. Để tiện phân biệt, anh ta chia hai: Hà Nội phỉ quyền, Saigon ngụy quyền. Anh ta muốn chiến đấu cho một chính quyền. Và như thế, cần thiết cuộc chiến đấu phải mới, thật mới với tư tưởng mới và lãnh đạo mới. Tôi đồng ý. Chúng tôi trở thành thân. Tôi bắt đầu sống bằng ước mơ ở 3C-1. ít nhất còn một người hiểu giá trị tung hoành của ngòi bút của tôi. Tôi kể cho Hoàng Mạnh Hùng nghe “nội các” Đinh Xuân cầu. Anh ta nói:
- Cộng sản đã lưu manh hoá thị dân miền Bắc và cả nông dân miền Bắc nữa. Mỹ và ngụy quyền đã lưu manh hóa thị dân miền Nam, bây giờ, thêm cộng sản. Chúng ta phải nghĩ đến nông dân miền Nam còn chân thật mà chiến đấu. Và phải quên những thứ Trương Phiên, Bùi Ngọc Phương nhan nhản cuộc sống hôm qua, hôm nay. Tôi chỉ còn tin đám trẻ. Ông đã đi nhiều phòng giam, chắc ông đã rõ, đám trẻ hào sảng và nhiệt tình vô cùng. Họ không biết thở đài.
Tôi ghi nhận điểm son chói lọi này.
- Tại sao trước 1975 ông không tìm tôi.
- Tôi ngại!
- Ngại gì?
- Ông cao ngạo bỏ mẹ đi ấy, tìm ông sợ bị ông đồng hoá với bọn bẩn, ông chửi mất mặt. Nhiều người ghét ông vì ông cao ngạo!
- Ngộ nhận cả, ông ạ!
Chưa ai gặp tôi nói chuyện có ý nghĩa cho cuộc đời phải thất vọng về tôi hết. Người ta không gặp tôi rồi bảo tôi cao ngạo! Một lần, người ta đề nghị tôi vào ban giám khảo văn chương toàn quốc, tổng trưởng Ngô Khắc Tinh nói: “Đừng đừng, ông ta nhận không sao nhưng ông ta từ chối, ông ta sẽ chửi bới um sùm.” Toàn tưởng tượng rồi ghim thành kiến xấu. Lại một lần, có ông tướng hồi hưu muốn ra nhật báo, nhờ người kiếm tôi làm chủ bút. Tôi đặt vấn đề lương: 200 ngàn một tháng. Đáng lẽ 150 ngàn thôi. Chủ nhiệm một tuần báo đi làm thuê cho chủ nhiệm một nhật báo phải 200 ngàn. Ông tướng đồng ý. Tôi đòi trả trước 5 tháng lương. Tại sao? Vì nhỡ báo ông xuất bản được hai tháng, cao hứng ông dẹp tiệm hay cạn vốn ông dẹp tiệm, tôi mất tiếng cần gỡ tiền. Làm báo phải chịu đựng, ít nhất, sáu tháng. Ông tướng lắc đầu và bảo tôi cao ngạo. Quyền lợi hợp lý mà cũng cao ngạo à? Thêm lần nữa, ông Nguyễn Văn Bé xuất bản nhật báo Thách Đố mời tôi viết vài mục. Tôi đòi 200 ngàn một tháng, đưa trước một tháng và sẽ viết từ số 2 nếu báo của ông ta đúng lập trường tôi đã đồng ý với ông ta. Ông Bé lôi tên tôi quảng cáo om sòm. Báo Thách Đố ra số 1. Đó là nhật báo đốn mạt, tôi không viết. Đem tên tuổi tôi quảng cáo đã đủ 200 ngàn. Chưa kể tôi sẽ kiện Thách Đố để Tô Văn viết bài ký tên tôi. Có gì đâu mà cao ngạo?
- Tôi nghĩ thế.
- Bây giờ ông còn thấy tôi cao ngạo không?
- Không, với tôi.
- Dĩ nhiên là với những người đừng để tôi coi thường, bất cứ nơi chốn nào. Tôi yêu và phục tất cả những người tài năng, những người có tâm hồn. Tôi ít học, có dốt nhưng không ngu. Nói chuyện với tôi vài câu là, hoặc tôi yêu mến, hoặc tôi khinh bỉ. Tôi không cao ngạo. Ai sống có chính kiến cũng đều giống tôi. Tôi không thích làm hòn bi với triết lý ba phải. Tôi chỉ có thể là nghệ sĩ là chiến sĩ mà không thể là chính khách hay chính trị gia. Tôi không thích làm vừa lòng mọi người. Với tôi, thiện và ác rõ rệt, xấu và đẹp phân minh, dối và thật sáng tỏ. Sự lầm lẫn của tôi là yêu ai thì yêu hết mình, ghét ai thì ghét hết mình. Tôi bằng lòng sự lầm lẫn đó và trung thành suốt đời với sự lầm lẫn đó. Bởi tôi không cần ai bỏ phiếu cho tôi.
- Người ta sẽ dùng ông như một kẻ châm lửa cho một phong trào.
- Ai là người ta?
- Tuổi trẻ có tâm hồn.
- Tôi rất mong được hầu hạ những người ấy. Những người ấy có quyền cưỡi lên lưng tôi. Tôi tình nguyện làm con ngựa già nhẫn nại. Những thằng lãnh tụ khụ khị thì đừng hòng. Chúng nó có gì hơn tôi? Và chúng nó cứ ghét tôi, cứ bảo tôi cao ngạo. Tôi phục vụ cho tương lai, không cho dĩ vãng.
Tháng 6-1977, một số bạn trẻ rời đề lao đi lao động cải tạo, một số bị chuyển phòng vì chống tên Đoan. 3C-1tiếp nhận người mới, có Nguyễn Văn Mẫn bộ đội đào ngũ (anh này đã ở với tôi tại 6C-1, 7C-1) và Lê Văn Nhân, trưởng phòng thương nghiệp. Anh Nhân “30 năm đời ta có Đảng,” tập kết năm 1954, về Nam năm 1975. Anh quê Rạch Giá, hồi hương giữ chức trưởng phòng thương nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Vợ anh người Hà Nội, cháu nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Muốn loại bỏ thành phần tập kết, chế độ lấy lý do anh ở nhà lầu, đi xe Fiat (của gia đình ở Saigon cho), chụp lên đầu anh ta cái mũ “mất phẩm chất cách mạng”, tịch thu thẻ Đảng, khai trừ anh ta ra khỏi Đảng rồi tống anh vào nhà tù. Khi khép cửa phòng lại, Hai Phận nói với anh ta:
- Bây giờ anh đã trở thành kẻ thù của Đảng, của nhân dân, anh hết là đồng chí của chúng tôi. Anh được đối xử như mọi can phạm.
Tình nghĩa và tình cảm cộng sản đó. Những anh chị cộng sản làm dáng, làm cảnh, vừa tích cực hoạt động Hội vừa nhẩy đầm nên suy nghĩ. “Ba mươi năm đời ta có Đảng” vẫn nằm tù. Thì cái thứ cộng sản dây máu ăn phần... về quê thăm nước ra cái gì nhì? Anh Nhân có vẻ khoái tôi. Tôi thì méo mó nghề nghiệp cứ thích “phỏng vấn” can phạm Việt cộng.
- Thật sự anh can tội chi?
- Chiến chinh đã tàn, cung nỏ đốt cháy. Đấy, tội của tôi. Chúng nó muốn người Bắc nắm mọi chức vụ.
- Bác Hồ dạy “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” mà?
- Ổng nằm hòm kính rồi.
- Anh tin ai nữa?
- Hết, tôi không tin ai nữa. Có mỗi thứ để tin là Đảng, Đảng chơi quá nặng tin ai bây giờ?
Cùng với anh Nhân, một đảng viên trung kiên cũng vô cachot đối diện 3C-1. Anh này tối ngày chỉ hát hai bài và mỗi bài hai câu:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời bác nay thành chiến thắng huy hoàng...
........
Chưa có hôm nào đẹp như hôm nay
Đất nước thanh bình lòng ta mê say
- Thằng ấy dân tập kết như tôi, anh Nhân nói.
Dân tập kết, giám đốc công ty xuất khẩu thảm Trương Văn Loan nằm ở 5 C-l, chủ nhiệm công ty ăn uống quốc doanh nằm ở 4C-1, vân vân. Anh Nhân thường để dành miếng cháy bữa chiều làm điểm tâm sáng sau. Lúc anh nhai cháy, anh nhìn tôi, nghẹn ngào hát: Chưa có hôm nào đẹp như hôm nay. Hoàng Mạnh Hùng bảo, cuộc chiến đấu mới cần mở rộng cho những Lê Văn Nhân tham dự. Họ đã thấm đòn cộng sản, họ sẽ phóng lên tuyến đầu. Tôi đồng ý. Nhưng sự đồng ý của tôi, sự gần gũi những người cộng sản đã “trở thành kẻ thù của Đảng, của nhân dân” đã làm khó chịu những người quá khích. Họ không muốn nhìn kẻ bị cộng sản khu trừ như một con người, con người đang khốn khổ như những con người trong ngục tù cộng sản, con người đang khao khát chiến đấu phục hận. Cái nhìn xa không giống cái nhìn gần. Cận thị và viễn thị khác nhau. Không giống và khác nhau tạo thành bất đồng quan điểm. Khi quan điểm bị nâng lên, sự bất đồng thay đổi triệu chứng. Cái triệu chứng khốn kiếp nhất là bôi bẩn nếu chưa quyền bính, là tàn sát nếu có quyền bính, Con người muốn sống đích thực với lòng mình thật khó. Nó sẽ cô đơn khôn cùng. Để thoát khỏi cô đơn, nó phải toa rập với đám đông thường là mê muội, độc đoán, ngu xuẩn. Thế thì con người chọn cái đích thực phải căng ra mà hứng những mũi tên tẩm thuốc độc. Hơn bất cứ ai, nghệ sĩ sáng tạo cần thiết cô đơn. Bởi vì, từ trong nỗi cô đơn, anh sẽ soi sáng được chân lý, anh sẽ dâng hiến cho đời sống những ý nghĩa mầu nhiệm về con người, về cuộc đời. Tôi bắt đầu chê bỏ thứ tiểu thuyết mua vui của các chuyên viên phơi-ơ-tông. Loại penilletonistes rỗng tuếch tư tưởng xem chừng đã lạc hậu ỏ cái thế lưu vong của chúng ta. Không thể réo gọi thời đại bằng nước mắt những cuộc tình lẩm cẩm. Cũng dễ hiểu thôi, loại này trăm năm chưa biết cô đơn là cái gì. Những kẻ ồn ào dễ a dua, toa rập. Họ cần có im lặng và bóng tối để truy nã bản thân mình.
3C-1 cho tôi nhiều suy nghĩ. Một trong những suy nghĩ của tôi là trường hợp ông Nam Cường. Vợ ông nằm vùng làm tới chức Phường trưởng. Ông vẫn đi tù. Trường hợp thứ hai không đáng suy nghĩ nhưng cũng nên nhắc: Ông Tư Bôn, giám đốc Việt Nam tổng phát hành, cậu ruột của Mai Văn Bộ, tê liệt ở đề lao Gia Định. Bộ vào thăm mà không thể xin cho cậu mình được tha. Bạn sẽ có một định nghĩa nào về tình cảm cộng sản?
--------------------------------
1 Sẽ viết chi tiết về Chính Phủ Liên Bang Đông Dương ở phần ba.
2 Năm 1978, Quả ra tòa cùng tổ chức, lãnh án 25 năm, bị đưa sang Chí Hòa.
3 Đã có mặt tại Santa Ana, California, USA.
Nhà Tù Nhà Tù - Duyên Anh Nhà Tù