Tồng Luận
Á Đông hồi cuối Thế Kỷ 19 có ba bậc vĩ nhân là: Phúc Trạch Dụ Cát, Khang Hữu Vy và Nguyễn Trường Tộ.
Ba người đều là những vị có học thức rộng, có tư tưởng cao và đều có chung một hoài bảo là muốn thức tỉnh đồng bào để quốc gia được hưng thịnh cho kịp bằng các nước Âu Mỹ.
Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa Yukichi) là người Nhật, ở thời kỳ Minh Trị duy tân. Vì muốn cho nước Nhật thoát được chế độ phong kiến và thống nhất tự cường, ông liền bỏ Hán Học mà đi cầu Hòa-lan Học và Anh Học. Nhờ được hai lần đi theo sứ thần qua Mỹ và Âu, ông hiểu rõ đại thế thiên hạ cùng văn hóa Thái Tây. Khi về nước ông chủ trương hai việc: Một là giáo dục dân chúng bằng sách báo; hai là rèn tập nhân tài bằng học đường. Trọn đời ông, bao nhiêu tâm tư sự nghiệp dồn cả vào hai việc quan trọng ấy. Những tác phẩm của ông như quyển ‘’Tây dương sự tình’’ và bộ ‘’Học vấn chi khuyển’’, phổ cập hết cả trong dân gian và có một ảnh hưởng rất sâu xa trong việc cải tạo nước Nhật. Nhất là trường ‘’Khánh ứng nghĩa thục’’ của ông lập ra đã đào tạo cho nước ông được mấy muôn nhân tài, chính là những người thợ đầu tiên đứng xây cái lâu đài vĩ đại của nước Nhật, ai nấy đều coi ông như một người có công lớn đối với cuộc duy tân của nước họ.
Cùng thời ấy, ở Trung Quốc Nhà Chí Sĩ Khang Hữu Vy (康有为) cũng hăng hái muốn gây dựng nên một nước Tàu mới. Sau khi đỗ Tiến Sĩ, ông liền bỏ chữ Hán, học chữ Anh, rồi đi du lịch ngoại quốc. Khi trở về, ông muốn đem kiến thức của ông ra làm việc cho nước. Nhưng đáng lẽ chuyên về việc trứ thuật và giáo dục như Phúc Trạch Dụ Cát, ông lại muốn mau mau đạp đổ các chế độ cũ kỹ của nước Tàu để kéo nước ông lên địa vị các cường quốc văn minh. Nhưng, than ôi! Việc chủ trương chính trị của ông đã bị bọn quyền gian Nhà Mãn Thanh vì tư lợi mà phá bỏ đi hết. Không những sự nghiệp của ông không có kết quả gì mà ông lại còn phải bôn ba ra nước ngoài, và bọn đồ đệ của ông thì bị giết hại tàn nhẫn.
Đến Nguyễn Trường Tộ tiên sinh thì tuy không bị một số phận nghiệt ngào như thế, nhưng cũng vì tiên sinh hăm hở muốn đem tài học ra cứu vãn ngay lấy cái vận mệnh nước nhà, mà sự nghiệp của tiên sinh toại thành vô ích cho đời...
Có người nói: ‘’Những sự nghiệp thay cũ đổi mới khiến cho nhà nước vững bền, xã hội được tiến hóa, nòi giống được thịnh cường, không phải nhờ ở cái trí thức đặc biệt của một đôi người, mà phải trông cậy cả vào cái trí thức phổ thông của số nhiều họp lại giúp nên mới thành được’’ (Nguyễn Trọng Thuật. Nam Phong số 180).
Nói thế cũng có lý, nhưng nếu hồi đó Triều Đình biết thu dụng tiên sinh để tiên sinh đem cái thông minh siêu quần, cái kiến thức bạt chúng và một bầu nhiệt huyết ra cải tạo nước nhà thì kết quả chắc là vững vàng, kiên cố biết bao! Lắm lúc, chúng tôi tự nghĩ: Nếu hồi ấy Nguyễn Trường Tộ tiên sinh được làm thủ tướng trong Triều, được vua tin dân mến, để thi hành triệt để những bản chương trình của tiên sinh đã phác ra về mọi phương diện, thì không biết ngày nay chúng ta đã đi đến bước nào!
Than ôi! Cái chí lớn vì dân vì nước của tiên sinh rút cục chỉ là một ảo mộng, khiến bọn hậu sinh chúng ta đọc lại tập điều trần mà ngẩn ngơ nhớ tiếc. Nhưng nhớ tiếc hão huyền cũng là chuyện vô ích. Bổ phận chúng ta phải noi gương của tiên sinh mà gắng gỏi làm cho nước nhà chóng bước kịp người.
Riêng đối với tiên sinh chúng ta phải tỏ lòng biết ơn người đã suốt đời tận tụy với tiền đồ của quốc gia, cũng như nước Nhật và nước Tàu hiện nay vẫn còn dành cho Phúc Trạch Dụ Cát và Khang Hữu Vy những trang rực rỡ trong Quốc Sử.
SÁCH BÁO THAM KHẢO
Tập điều trần của Nguyễn Trường Tộ.
Bản dịch tập điều trần Nguyễn Trường Tộ của Trần Mạnh Đàn.
Nguyễn Trường Tộ tiên sinh tiểu sử của Lê Thước (Nam Phong số 102, phần chữ Hán).
Nguyễn Trường Tộ của Nguyễn Trọng Thuật (Nam Phong số 180).
Bản dịch một số bài điều trần Nguyễn Trường Tộ của X. T. T. ở báo Tiếng Dân.
Nguyễn Trường Tộ et son temps của Đào Đăng Vỹ trong báo ‘’La Patrie annamite’’.
Việt Nam Tây Thuộc Sử của Đào Trinh Nhất.
Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh.
L'Empire d'Annam của Gosselin.
Histoire de la Cochinchine của P. Cultru.
Những bài về Sứ Thần Phan Thanh giản trong bulletin des Amis du Vieux Hué
Sách này in lại lần thứ hai ba nghìn cuốn giấy thường và 50 cuốn giấy lụa Dó. Nhà in Mai Lĩnh Hà Nội ngày 14 tháng 7 năm 1942.
Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Trường Tộ - Nguyễn Lân Nguyễn Trường Tộ