Chương 18 - Sau Ngày Bại Lộ
iệc Ba-Gianh, các đồng chí của Đảng ở khắp các nơi bị bắt. Việc bắt bớ ấy khởi đầu từ ngày 17 tháng hai 1929. Kỳ thực thì mật thám biết có đảng đã lâu. Nhưng theo một câu châm ngôn của tụi chúng: “Để cho lan rộng đảng đàn áp cho hay” (laisser développer pour mieux réprimer), nên chúng cứ để ý dò xét chứ không bắt vội: Có như thế, chúng mới được công trạng lớn! Chứ bắt một số ít người, làm vài cái án nhẹ năm, tụi chúng còn xơ múi gì! Nhưng đến khi ấy thì chúng không dám để nữa, vì để nữa thì có khi chúng đàn áp không nổi nữa. Tuy rằng đối với các yếu nhân trong đảng tôi, chúng cho người canh cả đêm, dò từng bước, nhưng thực thì có thể nói rằng chúng chẳng biết gì cả! Có dở đến hồ sơ mình mà coi mới biết những tờ trình của tụi thám tử tâng công phần nhiều là bịa đặt suốt từ đầu đến cuối! Không có các tay nội công, không bao giờ phá nổi một đảng cách mệnh. Mà Đảng tôi, cho mãi đến năm 1929, quả tình không có một tay nội công nào. Bảo các đảng viên chúng tôi hồi ấy có lẫn nhiều mật thám, hoàn toàn là một chuyện của kẻ xấu bụng đặt điều nói láo. Thế nhưng sau khi bị bắt rồi, thì có nhiều kẻ hoặc mong gỡ tội, hoặc sợ đau đớn, cam tâm làm những việc phản Đảng, nghĩa là tiết lộ bí mật của đảng, trong số đó phải chia ra ba hạng. Một là hạng nhận cho xong chuyện. Họ tuy nhận song vẫn cố sức giữ gìn cho đồng chí. Ví dụ: chi bộ mười người thì nói có ba. Trong ba người thì lại khai biết rõ có một, còn hai lại không rõ tên thật và không biết chỗ ở. Hai là hạng nhận đúng sự thực. Ấy là hạng mắc mưu mật thám tưởng chúng đã biết hết cả, nên hỏi đâu nói đấy. Tuy vậy, họ còn có lương tâm là sẵn lòng chối những cái có thể chối được. Ví dụ, như Phạm Tiềm, khi chúng hỏi Nhượng Tống có chân trong đảng không, thì hắn đáp: “Tôi không biết!”. Kỳ thực thì có phải Tiềm không biết thật đâu!
Khốn nạn nhất là hạng thứ ba, ấy là hạng nhận cho kỳ hết chẳng những mong cho khỏi tội, mà còn muốn tâng công! Hạng ấy, trong anh em bị bắt khi ấy chỉ có một đứa là Bùi Tiến Mai tức Thừa Mai. Ấy vậy mà chỉ một mình nó đã đủ làm hại cả Tổng bộ và toàn hạt Thái Bình, vì hắn lại đại biểu của Thái Bình cử lên Tổng bộ. Xét ra hễ nơi nào huấn luyện kém là nơi ấy thất bại dữ. Số bị bắt khi ấy hơn nghìn, cơ hồ toàn là đảng viên mấy tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Ninh cả! Các tỉnh khác: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hà Đông, Quảng Yên, Kiến An, Thanh Hoá, vân vân, vì các đại biểu đã cố sức chịu đòn, không chịu nhận, khai gì cả, nên chúng không lần ra mối, anh em giữ được trọn vẹn. Mỗi tỉnh ấy chỉ bị bắt ít người do Thừa Mai khai ra, hay ngày thường mật thám đã chú ý đến lắm mà thôi.
Trong khi anh em bị bắt lung lung đó, thì anh Học cải trang mà trốn thoát, lúc thì Anh ăn vận lối thợ thuyền, lúc thì Anh ăn vận lối nhà quê. Có lúc anh đeo râu giả, dùng thẻ giả. Có lúc anh lại đội khăn, mặc yếm, đóng bộ tịch đàn bà. Nhưng anh đi trốn như vậy, không phải mong yên thân, khỏi tội đâu! Nếu Anh đảo qua về Hà Nội, là để nghe ngóng tin tức, sắp đặt công việc, và săn sóc anh em trong Hoả Lò.
Nếu Anh đi các tỉnh, là để lập thêm chi bộ, thu thêm đồng chí. Hay triệu tập hội đồng Tổng bộ để bàn định phương châm, tiến hành công việc đảng. Kỳ hội đồng Tổng bộ thứ nhất sau khi bại lộ là do Anh và anh Sơn Khê triệu tập ở Lạc đạo. Trừ mấy tỉnh đảng viên bị bắt hết ra, còn các nơi đều phái đại biểu về họp cả. Trong kỳ họp ấy, đại ý Anh nói:
- Hiện nay ở vài, ba tỉnh, đồng chí đã bị bắt bớ. Thế nhưng ở các tỉnh to, nhờ sự nhẫn nhục của anh em trong tù, anh em ở ngoài đều an toàn cả.
Tinh thần của đảng thế là vững vàng. Gan dạ anh em, thế là tỏ rõ. Lúc này là lúc ta cần phải bắt đầu bước vào thời kỳ phá hoại. Ngay trong năm nay, ta phải đạp đổ quyền hành của thực dân. Ở khắp mọi nơi, các binh đoàa, các chi bộ nhà binh mỗi ngày một thêm nhiều người mới. Ta có đủ sức đánh! Và ta phải đánh gấp! “Binh quý thần tốc”. Để lâu ra, bọn tướng lĩnh chúng nó để ý đến các võ trang đồng chí của ta thì việc càng thêm khó. Vậy ngay từ giờ, trong nhà binh, anh em phải chú ý đến các phương pháp tấn công, các địa điểm lợi hại. Còn anh em ngoài, phải rèn dũa gươm, dao, sắp sửa bom, đạn, để đợi ngày khởi sự. Anh em nghĩ thế nào?
Đa số đều nghĩ lời Anh là phải, và giơ tay tán thành. Còn thiểu số thì cho là chưa đủ lực lượng và phải đợi thời cơ. Phái thiểu số ấy sau này tách riêng ra gọi là phái trung lập, hay phái cải tổ. Mãi cho đến sau cuộc thất bại Yên Bái, sự chia rẽ ấy mới không còn nữa.
Ngoài việc dự bị nói trên, Đảng lại bàn lại việc cử người ra ngoài để cầu cứu với Tưởng Giới Thạch, hiện cầm quyền ở Tầu, và Khuyên Dưỡng Nghị, một nhà có thế lực trong chính giới Nhật. Việc ấy không hề thực hiện vì không tìm được nhân tài ngoại giao.
Tóm lại thì tuy bị đàn áp, nhưng sự sợ sệt không hề tràn tới tâm não của anh em. Sau ngày 17 tháng hai, một đảng viên ở Hà Nội còn nói câu này với một giọng rất tự nhiên:
- Hoài của! Hôm cất đám thằng Ba-gianh, trong tay mình không có một quả bom! Giá sẵn có, ít nhất mình cũng ném chết được Toàn quyền với thống sứ cho chúng nó cất đám nhau nhân thể!
Nguyễn Thái Học (1902-1930) Nguyễn Thái Học (1902-1930) - Nhượng Tống Nguyễn Thái Học (1902-1930)