Lửa Đắng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 19 -
ng Hoè gọi điện xuống phòng Đại, báo lên có việc.
Hớn hở đưa tờ Thời luận ra, mặt ông vênh lên:
- Bõ công tôi ngồi đọc báo cả ngày cho anh!
Đại đón tờ báo trong tay bố. Dập vào mắt anh là hàng chữ được đánh dấu màu xanh lá mạ: Vì sao tai nạn giao thông tăng lên? Tác giả đưa ra một loạt số liệu thống kê của cục Quản lý Đường bộ, Đường sắt. Theo đó, số vụ tai nạn giao thông tháng này tăng hơn tháng trước; năm sau tăng hơn năm trước. Tăng cả về số vụ tai nạn và số người chết, bị thương. Tháng An toàn giao thông là tháng có số vụ tai nạn cao hơn cả, nhất là tai nạn nghiêm trọng. Tác giả đưa ra một hệ thống nguyên nhân. Đường sá không đáp ứng được nhu cầu xe đi lại. Số lượng xe tăng vọt, đặc biệt là xe tư nhân. Ý thức của lái xe kém. Phương tiện giao thông cũ kỹ, quá đát hoặc không an toàn vẫn chạy thoải mái. Nghĩa là các trung tâm đăng kiểm không làm hết trách nhiệm của mình.
Đại trả bố tờ báo:
- Con chưa nhận ra điều gì làm Ngài cố vấn kể công với Tổng giám đốc?
- Ăn nhau là ở cái đoạn phân tích thông tin đấy ông con Tổng giám đốc ạ. Bây giờ cũng thế. Ngày xưa cũng vậy. Chỉ cần lọc ra từ báo chí công khai của đối phương mà phát xít Đức có một đống thông tin vô cùng quý giá về hồng quân Liên Xô, khiến cho Bộ chỉ huy tối cao Kremlin phải phát hoảng. Đây nhé. Khi các Trung tâm đăng kiểm xe của Nhà nước không làm xuể, thì sao nào? Xu hướng tất yếu sẽ là xã hội hoá. Nghĩa là các tổ chức tư nhân có thể nhảy vào được. Bố tính, anh nên nghĩ dần về chuyện này đi là vừa.
Ngay hôm sau, Đại tự lái xe đi kiểm tra định kỳ. Anh quan sát toàn cảnh Trung tâm đăng kiểm này. Xem xe ra vào, thời gian khám xe, hỏi chuyện cánh lái xe, xem họ bị khám thế nào. Cũng cách làm ăn ra sao. Vì số xe đến khám rất đông, nên phải xếp hàng. Tay nào muốn chen hàng phải kẹp tiền vào hồ sơ đưa vào. Tiền còn giải quyết được nhiều việc nữa. Ví dụ, một chiếc lốp, lẽ ra không được phép chạy nữa, xe vẫn được đóng dấu lưu hành. Tất nhiên, chạy thêm ít ngày nữa cũng phải thay. Nhưng bây giờ phải đánh xe về, mua lốp mới, thay xong mới quay lại xếp hàng thì rách việc quá. Đút tiền để được đóng dấu, không hơn à? Nhiều xe cũ, sau khi kiểm tra, chỉ được lưu hành nửa năm, nhưng tiền vào thì thời hạn lưu hành được một năm, v.v… và v.v…
Đại cho người đặt hàng một công ty, chuyên cung cấp thông tin theo yêu cầu của khách hàng về hoạt động đăng kiểm. Có thể, còn phải vào trường đại học Giao thông Vận tái tham khảo ý kiến mới được. Nếu bây giờ xây dựng một Trung tâm đăng kiểm thì còn những gì. Địa điểm, hẳn là phải rộng rồi, bao nhiêu, mấy ngàn mét vuông là vừa. Địa điểm của mình phải không gần "thằng" khác quá. Phải anh hùng nhất khoảnh, buộc các xe phải chạy về chỗ mình. Nào nhà cửa, nào thiết bị, nào người, nào vốn. Cái khó không phải là vốn. Không có thì vay. Khó như chính là biết chiếm dụng vốn của "thằng" khác để hoạt động sinh lợi cho mình. Mà không biết, một trung tâm đăng kiểm hiện đại ở các nước phát triển, mặt mũi nó ra sao, dây chuyền thiết bị thế nào. Giá bao nhiêu. Dây chuyền của "thằng" nào tiên tiến nhất?
Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Đại mang vấn đề ra bàn với các cộng sự. Mỗi người một mảng công việc. Họ bị gắn vào đó, không thoát li được để cùng nghĩ với anh. Ông Hoè không có khả năng tham gia vào những việc cụ thể thế này. Nhưng ông có cái đầu tỉnh táo của một nhà tham mưu.
Hôm hai bố con đến sở Kế hoạch Đầu tư xin đăng ký thêm ngành kinh doanh, Đại cứ đăm đăm. Quả thật anh thấy bí. Ông Hoè lên tiếng:
- Cái lúng túng của con bây giờ là hậu quả của một sai lầm - ông ngừng lại -Sai lầm của con, là khuyết điểm của bố. Bố đã không chỉ ra cho con thấy rằng phải chú ý đến chiến lược con người. Con đang thiếu người trợ lực. Nói xa hơn, con cũng chưa tính đến lớp người kế cận, càng chưa tính đến người kế nhiệm tin cậy, chắc chắn. Đã lúc nào con nghĩ tới thằng Cường chưa. Nó có thể làm gì? Làm ăn ở nước ngoài có cái hay nhưng hay nhất vẫn là làm giàu được trên quê hương đất nước mình. Đầu tư ra nước ngoài cũng là một hướng, nhưng chỉ nên làm khi ta hết cơ hội làm ăn trong nước, khi đủ vốn và đủ sừng mỏ để gõ nhau với những công ty xuyên quốc gia, đã có cả trăm năm tích luỹ tư bản và kinh nghiệm, thủ đoạn và bẩn lĩnh. Con nên nhớ điều này. Toàn bộ đời sống xã hội của họ đều đã được Luật hoá. Người Việt Nam mình quen duy tình, chứ không duy lý như họ: Ta còn là nước đang phát triển ở trình độ thấp, đặc biệt là phông pháp lý còn hạn chế. Bố nghĩ, nên có những bước đi phù hợp. Với năng lực và hoàn cảnh của mình, con tập trung đầu tư trong nước là phù hợp.
Trong cuộc họp sau, Đại đưa vấn đề ra bàn trong ban lãnh đạo. Anh nhấn mạnh đến việc mở rộng quy mô hoạt động. Sự thiếu hụt cán bộ có năng lực đe đảm trách những công việc rất có triển vọng sắp đến.
Hai ngày sau, trên ba tờ báo lớn ở Thanh Hoa, đăng nhu cầu tuyến dụng của Sao Việt các ngành kinh tế đối ngoại, kỹ thuật máy tính, luật và cơ khí ô tô. Riêng cơ khí ô tô cần hơn chục người. Ưu tiên những người đã có từ hai đến ba năm kinh nghiệm làm việc. Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp thì ưu tiên nhận loại giỏi.
Đại ngồi trước mặt một thanh niên, tóc cắt cao. Sự căng thẳng, hồi hộp vẫn không che lấp nét cứng cỏi, tự tin trên gương mặt thông minh của anh ta.
- Đồng chí tên gì?
- Thưa chú, cháu tên là Phạm Việt Chương ạ. Nhưng cháu không phải là đảng viên đâu ạ!
- Thế anh không có chí cùng tôi làm giầu à?
- Dạ, nếu cùng chí hướng ấy thì cháu xin được làm đồng chí của chú ạ!
- Quê?
- Cháu ở tỉnh H ạ!
- Sao quê anh nhiều vụ bê bối thế?
- Thưa chú, một số đảng viên có chức quyền làm bậy thôi ạ!
- Mấy vụ lộn xộn ở khu công nghiệp chả là quần chúng nhân dân là gì?
- Thưa chú, đấy là những đám đông. Mà ai tham gia đám đông đều khó lòng giữ được khả năng suy nghĩ, suy luận của riêng mình. Lúc ấy, họ chỉ còn cảm nhận bằng không khí hừng hực, bằng liên kết các ý tưởng thôi ạ. Họ thất thường, manh động, rất khó kiểm soát được mình. Quyết định hành xử của họ là ở những người cầm đầu, những người nấp sau lưng họ ạ.
- Nếu được làm giám đốc công ty, anh sẽ làm gì?
- Thưa… chú cho cháu khất trả lời câu hỏi này. Nếu được nhận vào làm việc, sau từ hai đến ba năm cháu dám trả lời ạ!
Ông cụ quả thật sáng suốt.
Đợi vợ con ngủ, Đại lên phòng làm việc, đóng chặt cửa. Anh không viết thư điện tử mà điện thoại trực tiếp cho con trai.
Bên ấy, Cường cùng mấy sinh viên Việt Nam góp vốn lập một xưởng sản xuất bảnh đa nem. Bánh đa nem xưa nay, vẫn phải tráng thủ công từng cái một, đem phơi khô, đóng gói. Vì thế nó hình tròn, độ dày mỏng phụ thuộc vào muôi múc bột nước và động tác dùng chính cái muôi làm bằng sọ dừa, xoa cho bột dàn đều khắp mặt vải căng trên noi nước sôi. Nước sôi cũng phải có giới hạn. Vẫn là 100 độ đấy, nhưng nếu lửa to quá, hơi nước bốc mạnh làm lá bánh phồng lên vờ ra. Lửa không đủ, chỉ sôi lom rom, bánh không đủ chín.
Không biết từ đâu, bằng cách nào, Cường nghĩ ra, hay học lỏm cách làm bán thủ công này: dùng những tấm phim chụp X quang thải loại, ngâm nước vôi trong cho sạch thuốc phim, cắt theo hình vuông cho vừa bằng một lá nem. Bột nước gạo xay bằng máy, đặt trong một thùng to, nhúng từng chiếc phim vào thùng bột. Bột nước bám vào hai mặt phim.
Treo tấm phim đó lên dây, căng trong buồng hấp. Đậy nắp lại Mấy phút sau mở ra. Chín hàng loạt. Bóc ra, đưa vào buồng sấy. Cách làm này nhanh, nhiều, bánh mỏng đều, lại vuông, đóng gói xếp vào thùng vận chuyển gọn, thuận tiện hơn hẳn loại bánh cũ.
Mới đầu làm không kịp bán. Không chỉ dân Việt Nam thích, mà dân nước này cũng mê món nem rán Việt. Đã có hai nhà hàng Việt chuyên bán món này. Nem rán Việt, đánh bạt cả xúc xích nổi tiếng nước sở tại. Bởi nó có nhiều thứ, rau (giá, hành, xu hào) hoặc củ đậu, mộc nhĩ chứ không chỉ có thịt, ăn không ngán. Nhất là cái thứ nước chấm vừa mặn vừa chua, vừa ngọt, vừa cay.
Khách thích vị cay hăng hăng của tỏi thì bỏ tỏi giã nhỏ vào, thích vị cay xé lưỡi của ớt thì cho ớt vào, thích vị cay thơm nồng ấm của hạt tiêu thì cho hạt tiêu vào. Nhiều người bỏ cả tỏi, đt, hạt tiêu vào. Họ không ăn xà lách sống kèm nem rán, nhưng họ rất thích rau húng, rau mùi. Họ cũng không ngồi lại, chấm nem vào bát nước chấm, mà yêu cầu nhà hàng nhúng nhanh từng chiếc nem vào nước chấm, cho vào túi nhựa cầm tay, vừa đi vừa ăn.
Chả biết làm sao, lại nảy nòi ra một xưởng làm bánh đa nem nữa. Rồi đường hàng không trực tiếp giữa hai nước thiết lập. Không chỉ bánh đa nem, mà rau thơm, rau mùi, mùi tây, bắp cải Đà Lạt cũng chở sang đây. Thịt bò, thịt cừu chở ngược lại Mấy ông chủ, chưa làm chủ bao giờ, không kiểm soát được số lượng hàng làm ra. Mới đầu lãi to, sau chỉ lãi tí chút, đủ nuôi quân, tích luỹ chả được bao nhiêu.
Đại bảo con, thế vẫn là làm ăn nhỏ, tủn mủn, bán thủ công. Tình hình trong nước thay đổi nhanh lắm. Các nước đang ồ ạt đầu tư vào. Gia nhập WTO đến nơi rồi. Con nhượng lại phần của mình, cho anh bạn học năm thứ hai ấy. Nó không mua lại thì tặng luôn cho đẹp. Tốt nghiệp xong, về ngay với bố. Bố rất cần một người có trình độ, tin cậy trợ lực.
Thời gian đầu, Cường cũng ăn chơi nhảy múa ra trò, nhưng thấy nhiều bạn bè chí thú học hành, làm ăn, đâm ra nghĩ ngợi. Được hai người bạn nghèo rủ làm chung, thế là xoay xở vừa học vừa làm bánh đa nem. Nếu về? Chỉ có một điều cấn cái. Ấy là việc gặp lại Kiều Linh. Biết làm thế nào? Ông trời sắp đặt thế, chứ ai mưu mô tính toán gì mà trách.
Nghĩ thế, Cường cũng thấy yên lòng.
Nói chuyện với con xong, Đại còn ngồi lại rất lâu. Anh không nghi ngờ gì tình cảm vợ, cũng chẳng nghi ngờ gì tình cảm con trai. Vợ anh đến với anh chân tình, thành thật. Đại yêu vợ một cách giản đơn nhưng thực lòng. Anh không có cái tinh tế của một người đàn ông từng trải và học nhiều. Mọi suy nghĩ của anh đều mạch lạc như mệnh lệnh quân sự, không màu mè khách sáo.
Một đêm như nhiều đêm khác, Đại lên phòng làm việc đọc sách quản trị kinh doanh, cuốn "Nghề tổng giám đốc".
Hôm nay, tự nhiên thấy cuốn "Khám phá nguồn cảm xúc bản thân" để ngay ngắn trên bàn làm việc. Anh lật giở mấy trang.
Quái lạ, sao ngủ với nhau mà cũng phải viết thành sách thì kỳ cục hết chỗ nói. Tò mò, Đại giở mục lục ra, mấy chục chương, mỗi chương là một vấn đề. Xem hết chương này đến chương khác. Chết thật, cái việc làm tình mà cũng lắm chuyện thế này sao. Hoá ra mình làm sai sách cả. Mình chỉ biết việc mình. Cứ nghĩ mình xong việc thì việc vợ cũng xong. Lại có một chương nhan đề "khẩu giao". Người dịch chú thích vì không phù hợp với phong cách Á Đông nên không dịch. Ra thế. Đại lờ mờ hiểu ra.
Thì cũng có lần nghe cánh đàn ông nói loáng thoáng, nhưng anh không để ý. Những lần đi với ca-ve, Đại cũng vẫn chỉ đơn giản "đánh nhanh thắng nhanh", nên anh mù tịt mọi chuyện. Điều kì quặc là, khi học những kiến thức về chuyện ấy, anh thấy người rạo rực, thèm muốn. Anh xuống phòng ngủ. Linh đã ngủ ngon. Chiếc váy ngủ màu tôm nôn đã ngắn, lại còn hếch lên. Đại khẽ vén lên, làm vợ cựa mình thức giấc.
Đại nằm xuống ôm chặt vợ. Cứ chỉ xa xỉ ấy làm Linh tỉnh ngay. Cô cười tham.
- Em kiếm sách ấy ở đâu đấy?
- Ở hiệu sách chứ ở đâu. Cả một giá, toàn loại sách này thôi. Em chọn một cuốn. Anh nên đọc.
- Đọc qua rồi. Hoá ra, anh là thằng vô văn hoá tình dục em ạ.
Linh cười khúc khích:
- Thế bấy giờ có văn hoá chưa?
- Tương đối, tương đối!
Ngay màn khởi động tuyệt vời của chồng, Linh đã phải rên lên. Đến khi "hoà nhập", cô thấy mình tan chảy ra
Đã đời!
Đây là lần đầu tiên chồng Linh làm được một trận "kịch chiến". Lần đầu tiên Linh "thắng lợi giòn giã". Lần đầu tiên Linh thu được "chiến lợi phầm".
Mà lạ cái, không thấy chồng bắt gãi lưng mới kỳ.
Vợ chồng Linh tuổi tác cách xa, không có cái bình đẳng bè bạn, bằng vai phải lứa. Không có những câu cợt nhả của những đôi bạn tình. Không đùa cợt, nghịch ngợm, không chọc ghẹo, trêu chòng. Vì thế, bấy nay Linh cứ âm thầm chịu đựng. Có lần, một chị cùng công ty hỏi Linh một câu táo tợn:
- Tổng giám đốc lãnh đạo thì giỏi rồi, anh chị em phục lăn. Nhưng có khi, trên "sân vận động hàng chiếu" lại kém cỏi chừa biết chừng". Linh đỏ mặt. Chị ta liền tấn công: "Chị đoán không sai mà. Phải dạy. Phải huấn luyện. Cầu thủ muốn đá hay cũng phải huấn luyện chứ. Thằng nào cũng chỉ thuận chân phải thôi, huấn luyện mãi mới đá được cả chân trái. Em phải huấn luyện thì Tổng giám đốc đá… "chân giữa" mới hay được!"
Mấy cô chưa chồng cười ngặt nghẽo. Một cô có chồng khoe: "Chồng em chả phải huấn luyện gì. Hắn ta vào cỡ huấn luyện viên ngoại hạng ấy chứ!". "Thế thì mày được nhờ". Linh lý nhí: "Nhưng em… em ngượng lắm. Mà huấn luyện thế nào hả chị!". "Ờ, chị cũng thông cảm với mày. Là chồng trên giường, nhưng lại là sếp công ty, lại gần như - chị ta định nói – "cha chú", nhưng nghĩ thế hơi phũ, nên đổi thành - anh cả với em út. Kế cũng khó nói. Thế này nhé, em mua lấy mấy cuốn sách tình dục học để trên bàn sếp. Sếp nào đọc mà chả dựng "cột buồm" lên! Thế là thực hành ngay ấy mà!"
Linh nghe theo. Hiệu quả không ngờ.
o O o
Đại đang ở Pháp thì nghe điện thoại di động đổ chuông.
Anh hấp tấp lấy máy ra nghe. Chuyện gì thế không biết. Đã giao hẹn là việc khẩn cấp không đừng được, mới gọi cơ mà, tốn lắm. "Thì ra bố". Ông Hoè mừng rỡ giục con: "Tham quan nhanh lên mà về dự thầu. Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép đấu thau lập trung tâm đăng kiểm xe ô tô. Các thành phần kinh tế đều được tham gia".
Nói xong câu ấy ông Hoè tắt máy luôn. Đại như mở cờ trong bụng. Ông cụ tuyệt thật. Đúng là cố vấn đắc lực.
Vừa về chiều hôm trước, sáng sau Đại họp ban lãnh đạo. Anh báo cáo kết quả chuyến tham quan dây chuyền đăng kiểm xe, khảo sát giá cả. Cũng đã thuê một công ty tài chính bên ấy, tư vấn cho việc mua dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới.
Thời gian mời thầu là một tháng. Cá ban lãnh đạo và ông Hoè đều ngạc nhiên khi Đại giao cho Chương làm hồ sơ dự thầu, hẹn ba ngày phải trình mình.
Trả lời những đôi mắt thắc mắc, Đại gọn lỏn:
- Các anh yên tâm. Tôi chịu trách nhiệm trước các anh về sự thành bại của cuộc đấu thầu này. Văn phòng chuẩn bị vé máy bay, tôi đi thành phố Hồ Chí Minh vào chuyến sớm nhất ngày mai.
Đại vào đây gặp một người bạn cũ bên quân đội. Đơn vị anh này đang quán lý một khu đất rất rộng chưa sử dụng đến, thừa sức cho một trung tâm đăng kiểm xe quy mô lớn.
Chuyến đi Pháp của Đại giải quyết được mọi việc. Giờ là vẫn bề mặt bằng xây dựng trung tâm.
Mấy ngày sau, Đại đã bay ra. Hợp đồng nguyên tắc thuê đất thời hạn năm năm đã được ký kết.
Sáng hôm sau, đến Tổng công ty, anh cho gọi Chương lên:
- Sao tôi không thấy hồ sơ dự thầu đã giao cho anh làm?
- Báo cáo Tổng giám đốc, vì thấy chú chưa về nên cháu chưa trình ạ.
- Lần cuối cùng đấy nhé - Anh nghiêm mặt - Hẹn ba ngày là ba ngày, tôi đi vắng cũng phải xong, bận việc không về sẽ điện giao cho người khác xem thay. Tôi có làm sao sẽ có người khác xử lý. Không lý gì một người làm hỏng công việc của cả một tổ chức, một đơn vị hàng trăm người thế này. Tôi nhắc lại, lần đầu mà cũng là lần cuối cùng đấy, nếu còn muốn làm việc ở đây.
- Báo cáo Tổng giám đốc, cháu xin lỗi và cam đoan, đây là lần cuối cùng ạ. Thưa, chú nhận cho cháu ạ.
Đại giở ra, xem lướt qua một lượt rồi ký ngay.
- Đưa văn thư đóng dấu đem nộp. Nói tài vụ xuất tiền đặt cọc bảo lãnh dự thầu, cùng hồ sơ.
Chương, giỏi thì giỏi đấy, nhưng mới chỉ học giỏi, chưa có kinh nghiệm làm việc. Nghe Sếp chỉnh, chỉ thiếu nước "vãi linh hồn". Thấy Sếp xem lướt qua, không hỏi han, căn vặn gì thì chắc hồ sơ mình làm sắp vứt vào sọt rác. Lại thấy Sếp với tay vào ống bút. Chắc là phê vào lề công văn xin dự thầu, để làm lại đấy. Đến lúc thấy Sếp ký vào cả mấy bộ hồ sơ thì cậu ta không hiểu. Chẳng nhẽ hồ sơ không có gì sai sót? Còn bao nhiêu vấn đề chưa có dữ liệu đầy đủ, mình toàn ang áng, phịa ra. Thậm chí có chỗ như địa điểm còn để trống. Vậy mà sao ông ta lại bảo đem đi nộp, lại nộp lệ phí dự thầu và cả khoản bảo lãnh dự thầu? Có ít tiền đâu cơ chứ. Thế nghĩa là dự thầu thật, dự nghiêm chỉnh.
Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Chẳng câu nào trả lời được.
Chàng lính mới tò te nhìn mặt Sếp, thấy rất nghiêm nghị. Thế này thì trượt là cái chắc. Nghĩ thế, đến phòng văn thư, cậu ta tần ngần một tí, rồi dứt khoát quay lại:
- Báo cáo Tổng giám đốc. Cháu thấy… không nên nộp hồ sơ này ạ.
- Sao? Tôi đã ký rồi, tôi ra lệnh nộp, anh lại bảo không nên. Thế thì… mời ngồi vào đây - Đại rời khỏi ghế, chỉ tay vào chiếc ghế của mình.
Chàng lính mới sợ quá. Lấy hết can đảm, ấp úng:
- Thưa Tổng giám đốc, cháu biết trình độ của mình có hạn. Hồ sơ này, cháu chuẩn bị quá sơ sài, còn nhiều khiếm khuyết ạ. Nếu nộp thì chắc chắn sẽ không trúng ạ… Vì thế cháu mạnh dạn đề nghị chú, không nên nộp ạ. Thưa… vẫn còn hạn ạ. Có thể bổ sung cho hoàn chỉnh ạ.
Mặt lạnh như tiền, không quan tâm điều Chương nói, Đại xẵng giọng:
- Báo nộp là nộp, sao lằng nhằng thế?
- Thưa… Thưa Tổng giám đốc, lương tâm, trách nhiệm không cho phép cháu làm thế ạ. Xin chú cho thêm ít ngày nữa, cháu thu thập thêm các dữ liệu và bổ xung địa điểm xây dựng Trung tâm ạ.
- Anh nghe đây nhé. Trách nhiệm đầu tiên, trách nhiệm lớn nhất của người lính là, phục tùng mệnh lệnh, phục tùng người chi huy. Hay tôi không xứng đáng làm người chỉ huy anh?
- Thưa… không phải thế ạ. Thưa… nếu nộp thế này sẽ bị loại ạ. Cháu sẽ có tội với Tổng giám đốc, với công ty ạ. Cháu… kiên quyết không nộp…
Giọng Chương méo đi. Anh ta sắp khóc.
Mặt Đại hể hể, mừng rỡ. Xúc động thật sự. Đến bên người thanh niên đang cúi đầu khổ sở, anh đặt cả hai tay lên hai vai Chương, vỗ vỗ liền mấy cái.
- Được lắm! Cái bất tuân lệnh chỉ huy của cậu thật đáng quý, đáng trọng. Cậu cứ nộp đi cho tôi… Cứ yên tâm nhé!
Làm sao mà yên tâm được? Nhưng, cử chỉ của Sếp, xưng hô của Sếp, câu cuối cùng của Sếp giải toả nỗi lo của Chương. Mặt đã nở ra. Cậu ta nhìn Sếp, vẻ tin cậy:
- Chắc Sếp có mẹo gì phải không ạ?
- Thôi, làm nhiệm vụ đi - Và đột nhiên, Đại hô to: "Đằng sau quay. Hướng phòng văn thư, đi thường, bước!"
Giờ ăn trưa ở văn phòng Sao Việt. Cao tuổi như ông Hoè thì ăn xong, tranh thủ ngả lưng, cũng được hơn nửa giờ. Thực ra, với chế độ cố vấn như ông, muốn ngủ đến mấy giờ thì ngủ. Ông Hoè không tuỳ tiện. Càng không lợi dụng quan hệ cha con để tuỳ tiện. Bây giờ văn phòng không còn thổi nấu lấy như thời kỳ đầu, Đại muốn tranh thủ thời gian cho mọi người được nghỉ thêm, nên cho gọi cơm văn phòng. Mức ăn khá, lại gọn gàng. Chả phải dọn dẹp gì.
Ông Hoè nhớ hồi kháng chiến chồng Pháp, phải ăn đua hai đầu - đầu và, đầu gắp thức ăn. Tuyệt đối không được nói chuyện khi ăn cơm. Để đảm bảo vệ sinh theo đời sống mới đấy. Bây giờ đũa dùng một lần. Mỗi người một hộp cơm riêng. Và nói chuyện thật vui. Bữa ăn là dịp cho những câu bông đùa, những chuyện tếu. Nhất là đám trẻ tuổi, đám phụ nữ. Hình như phụ nữ quen với thiên chức nuôi con nên không mấy khi ngủ trưa. Thế là ngồi túm tụm trong hai bàn.
Chị bạn đã mách nước "chuyện kia" cho Linh hỏi:
- Sếp đi xa về đã "đóng thuế" chưa em?
Linh đã dạn dĩ hơn, nhưng vẫn ngượng, cúi đầu lý nhí:
- Đóng rồi chị ạ.
- Thóc mẩy hay thóc lép?
Linh cười xấu hổ:
- Thóc mẩy ạ!
Chị kia cười khoái chí:
- Có thế chứ.
Cả bọn cùng cười. Chị ta hồn nhiên kể: Dạo mới cưới, chồng tao đi xa về thì hăng lắm. "Thứ nhất sợ kẻ ngà ngà, thứ nhì sợ kẻ đi xa mới về" mà. Bây giờ thì cứ cố tình quên. Không biết vì lẽ gì, hay đổ đi đâu rồi cũng nên. Tao phải hát "… Em thách thôn chàng, nộp đủ, nộp mau…" Lão ta cười: "Biết rồi, đang chuẩn bị "đóng nhanh lúa tốt đây". Chị lại véo von: "Thóc lép bay thẹn tay sàng sấy…" lão ta lại cười: "Yên tâm, rất chi là mẩy"…
Những ngày sau đó, Đại quần đám trợ lý suốt ngày. Anh huy động những nhân viên ưu tú nhất vào cuộc. Anh vào khoa Cơ khí ô tô, trường Đại học Giao thông, khẩn khoản mời vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đã nghỉ công tác quản lý, làm cố vấn việc này. Mặt bằng nhà xưởng sẽ được bố trí hợp lý. Đường xe ra, xe vào riêng biệt. Nơi ăn nghỉ, giải trí cho lái xe khi chờ đợi. Nhà ăn, quầy bar đàng hoàng. Tất cả đều lắp máy điều hoà nhiệt độ. Khu vực kiểm tra phanh, đo tốc độ, cân tự trọng xe, kiểm tra trượt ngang để đánh giá độ an toàn hệ thống phanh, lái… Tất cả đều có đồng hồ điện tử đo đếm. Khu vực kiểm tra tiếng ồn, khí xả, khu vực kiểm tra hệ thống chiếu sáng v.v… Đâu ra đấy.
Trung tâm này có hẳn một khu vực sửa chữa và thay thế phụ tùng. Biểu giá sửa chữa, phụ tùng thay thế được niêm yết công khai. Xe nào không đạt tiêu chuẩn cái gì, cần sửa thì sửa, cần thay thế thì thay thế, không phải đánh xe về. Tất cả các loại xe chở người có ở Việt Nam đều có phụ tùng thay thế. Một chu trình khép kín tiện lợi. Các gian nhà xưởng đều lắp kính, khách có thể theo dõi thợ làm việc. Hệ thống camera được lắp đặt từ cổng vào, cho đến các phân xưởng.
Công nghệ này được nhập của Pháp, vào loại tiên tiến. Năng lực tài chính, tính toán tài chính, khả năng thu hồi vốn, đóng góp ngân sách, mọi chế độ đối với người lao động, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, tất cả đều được tính toán, trình bày đâu ra đấy với những phụ lục kèm theo.
Hệ thống máy tính của Trung tâm được nối mạng với cục Đăng kiểm, nên lý lịch mỗi xe khi đăng ký đều được Trung tâm nắm chắc và kết quả kiểm định của Trung tâm được báo cáo về Cục ngay. Nhờ thế việc quản lý xe lưu hành được đảm bảo hoàn toàn. Một nhóm loay hoay vẽ đi vẽ lại sơ đồ, rồi lại vẽ cảnh đồ, vẽ trên máy tính chán rồi, thấy ưng ý mới mời Đại và mấy người trong ban lãnh đạo đến cho ý kiến. Lại chỉnh sửa chán rồi mới vẽ phóng lên giấy croki khổ lớn.
Bị cuốn vào công việc, nhưng Hưng vẫn canh cánh câu hỏi. Vì sao đã nộp hồ sơ rồi, Đại mới cho làm tất cả những việc này? Nhất là khi Hưng được Đại yêu cầu làm lại hồ sơ dự thầu. Tất nhiên Chương là người đầu tiên được gọi tham gia.
Vào ngày cuối cùng thời hạn dự thầu, Đại cho nộp bộ hồ sơ mới, rút bộ hồ sơ cũ về. Anh giải thích trong cuộc họp giao ban:
- Tôi đề phòng, và không phải vô lý khi phải đề phòng như thế - cái anh mở thầu vẫn có kiểu đi đêm với một hoặc nhiều "thằng" dự thầu. Nó có thể tuồn thông tin của mình cho "thằng" này, "thằng" khác để lấy tiền. Nó có thể hẩu với một "thằng" nào đó để cho "thằng" ấy trúng thầu. Về mặt pháp lý, nó vẫn thông báo mời thầu, vẫn bán hồ sơ, vẫn thu tiền đặt cọc bảo lãnh. Nhưng thật ra nó đã thoả thuận ngầm với ban quản lý dự án, hoặc chủ đầu tư để chọn một đơn vị nào có ăn cánh với nó. Các đơn vị khác dự thầu, chỉ là lấy lệ. Cuộc đánh trận giả này, vì vậy chỉ có quân xanh thôi. Đến lúc Hội đồng xét thầu chấm điểm, công bố kết quả, đương nhiên là "thằng" nào ăn cánh, "thằng" ấy trúng.
"Thằng" này sẽ phải chi cho mấy "thằng quân xanh", vì nó có công đánh trận giả cho mình thắng. Và đương nhiên nó sẽ phải cúng nhà thầu đến nơi đến chốn rỏi! Ta nộp hồ sơ ngay từ đầu, chỉ để xí chỗ thôi. Đối thủ của ta, nếu được nhà thầu thông đồng sẽ yên chí, ta chỉ là cái thằng vớ vẫn, vắt mũi chưa sạch. Đến phút 89 mới nộp hồ sơ thật. Đố thằng nào xoay kịp. Mà cũng chả phải chạy cửa sau để trúng thầu.
Nếu ta không trúng thầu, tôi cứ đi đầu xuống đất!
Lửa Đắng Lửa Đắng - Nguyễn Xuân Khánh Lửa Đắng