Chương 19 : Đất Địch
ại tá Tench và một trăm bốn mươi sáu binh sĩ của ông rời Okinawa vào lúc 8 giờ sáng ngày 28 tháng Tám. Bốn mươi lăm chiếc máy bay vận tải C.47 lập thành đội ngũ bay về phía Đông Bắc. Tuy không nói ra nhưng người nào cũng lo sợ trường hợp có thể bị hạ sát khi họ đổ bộ xuống đất địch. Lúc gần tới đích, họ an lòng hơn sau khi thấy chiến hạm và khu trục cơ Hoa Kỳ đi yểm trợ ở ngoài khơi Nhật Bản.
Tại căn cứ không quân Atsugi, tướng Arisu hốt hoảng khi trông thấy đoàn máy bay C. 47 bay gần tới phi trường. Ông liền ra lệnh chuẩn bị nghênh tiếp binh sĩ nước thắng trận. Hàng trăm lính Nhật túc trực để đối phó với mọi biến cố có thể xẩy ra. Arisu rất sợ: một tên nào đó trong bọn này, có thể nổ súng bắn vào lính Hoa Kỳ. Nếu chẳng may trường hợp này xẩy ra, thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng cho cả hai nước, và cho cả chính bản thân ông. Nghĩ tới đó,tướng Arisu cảm thấy rùng mình.
Máy bay Hoa Kỳ đáp xuổng trái hướng khiến cho chương trình của tướng Arisu bị đảo lộn. Đại tá Tench và đoàn binh sĩ của anh đậu ở một nơi cách rất xa Ủy ban nghênh tiếp của Arisu.
Khi máy bay tắt máy đoàn người Hoa Kỳ không ai nói với nhau câu nào, họ lo sợ mọi sự có thể xảy ra trong lúc này. Đại tá Tench mở cửa máy bay và bước xuống đất Nhật. Anh giậm mạnh gót chân bên phải đế đánh dấu cái giây phút lịch sử rồi băng qua bãi để xem binh sĩ Nhật dành cho anh những gì?
Không thấy ai cả. Không có gì động đậy. Tench dừng lại. Bên cạnh anh là Trung tá Bowers làm thông ngôn và Trung tá Hutchison, cả hai đều cầm súng trường. Tench cũng đeo một khẩu súng sáu. Anh đã ra lệnh cho tất cả binh sĩ dưới quyền anh đứng lại ở dưới cánh máy bay chờ cho tình hình được sáng tỏ. Thần kinh ba người như đang muốn nổ tung. Sự im lặng chung quanh trở nên ghê rợn.
Thông ngôn viên Bowers cảm thấy tim đập mạnh khi nhận thấy một nhóm lính Nhật nhô mình trên cỏ. Họ vừa hét vừa chạy về phía bọn anh đứng. Tench liền nghĩ anh là mục tiêu tấn công của bọn người quyết tử. Nỗi lo sợ mỗi lúc một tăng khi trông thấy nhiều xe vận tải chở lính Nhật kéo tới. Đoàn xe này dừng lại,rồi một người mặc quân phục tề chỉnh bước lại tự giới thiệu:«Tôi là Trung tướng Arisu, phụ trách Ủy ban nghênh tiếp ở căn cứ Atsugi».
Tench chào đáp lại rồi nói: «Tôi là Đại tá Tench, chỉ huy lực lượng mở đường cho Tư lệnh Tối cao Đồng Minh».
Không có gì thân mật, hoàn toàn chỉ có lễ nghi quân sự. Bọn người Hoa Kỳ luôn luôn lườm Arisu và ông này dẫn họ về nơi tổ chức đón tiếp. Trong căn lều vải, Arisu mời Tench uống nước cam. Nghĩ ngay đến thuốc độc, Tench tái mặt từ chối. Viên tướng Nhật hiểu ngay sự sợ hãi của anh, nên nâng ly uống trước. Sau một phút chần chừ Tench uống theo và cảm thấy tỉnh táo sau chuyến bay đêm ít ngủ. Sau đó họ ngồi vào bàn làm việc.
Đang thảo luận với phía Nhật Bản, Tench giật mình trông thấy một người da trắng mặc quân phục rất lạ đứng dưới mái lều vải. Trong khi anh cố nghĩ người da trắng đó có thể là ai, thì thấy anh ta tiến lại, chào thân mật và tự giới thiệu: «Tôi là Trung tá hải quân Rodionov, tùy viên quân sự Nga Sô tại Nhật Bản». Anh chào đáp lại, không hiểu cái vụ này có ý nghĩa gì.
Trong khi đoàn máy bay vận tải C. 47 theo nhau đáp xuống căn cứ Atsugi, Tench đánh điện về cho Okinawa: Cuộc hành binh của anh diễn ra tốt đẹp và tình hình chung có vẻ bình thường. Những giờ đầu tiên của binh sĩ Hoa Kỳ trên đất Nhật đã nhận được nhiều triệu chứng thiện chí hợp tác của cả hai bên.
Binh sĩ Hoa Kỳ bốc đồ từ trên máy bay xuống và bắt đầu thiết lập doanh trại. Trong khi trà trộn đi lại giữa bọn họ, tướng Arisu thấy một viên đội Hoa Kỳ kéo ông lại hỏi: «Trung tướng! Tôi muốn uống la-de». Arisu mỉm cười, sai lính đem la-de lại cho anh.
Vào lúc chiều, một phụ tá vào báo cho Đại tá Tench biết, một phái đoàn Nga muốn mở cuộc tiếp xúc với anh. Rõ ràng Nga có ý định tham dự nhận lãnh sự đầu hàng của Nhật Bản. Anh đoán đúng. Phái đoàn Nga có đem theo một bức thư của Malik, Đại sứ Nga tại Nhật. Trong bức thư này Malik yêu cầu Nga được có mặt khi Tư lệnh Tối cao Đồng Minh Mac Arthur tới Nhật Bản.
Tench báo tin này cho Manila biết. Bộ Tổng Tư lệnh Hoa Kỳ gạt phắt ngay chuyện đó. Mac Arthur không muốn Nga Sô can dự vào công việc của ông.
Hai ngày hôm sau, vào lúc 7 giờ sáng, những đơn vị đầu tiên thuộc sư đoàn không vận 7 của Hoa Kỳ bắt đầu đổ bộ xuống căn cứ không quân Atsugi. Những binh sĩ nhẩy dù bước ra khỏi máy bay, đứng dưới cánh. Họ được võ trang đầy đủ, sẵn sàng đối phó với bất kỳ rối loạn nào có thể xẩy ra. Nhưng họ chỉ gặp những thông ngôn viên, những nhân viên Ủy ban tiếp đón và những viên chức Nhật.
Bên phía Nhật nhiều sĩ quan cũng mang tâm trạng lo sợ trong buổi tiếp xúc đầu tiên với một sư đoàn Hoa Kỳ. Nhiều người đeo súng sáu trong chỉ có một viên đạn. Họ sẵn sàng tự sát nếu bị lính Hoa Kỳ tấn công.
Tướng Joe Swing tư lệnh sư đoàn tới Atsugi tiếp thu công tác của Đại tá Tench. Swing tự đặt trong tình trạng tác chiến. Bộ đồ trận cua ông đeo đầy nhóc lựu đạn mà ông sẽ không ngần ngại sử dụng nếu thấy dấu hiệu gì bất thường.
Tench hoan hỉ bàn giao căn cứ Atsugi cho tướng Swing. Sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ ngự trị an toàn trên đất Nhật, Tench tự cảm thấy kiêu hãnh. Hoàn tất nhiệm vụ bây giờ anh có thể đi xả hơi với những hộp la-de ướp lạnh.
Một lát sau khi Tướng Swing tiếp nhận Atsugi ông đi kiếm một Đại tá dưới quyền ông và nói: «Tôi thấy có một anh lính Nhật chạy đi chạy lại hỏi tên anh. Anh ta đeo thanh kiếm dài, ngực đầy huy chương…».
Anh lính Nhật đó là Tướng Arisu, và người mà Arisu tìm kiếm là Đại tá Munson, một sĩ quan tình báo trong bộ tham mưu của tướng Mac Arthur. Arisu và Munson đã gặp nhau từ năm 1935 ở thành phố Himeji, Nhật Bản, khi Munson đang phục vụ trong một sư đoàn Nhật Bản với cấp bậc Trung úy. Hồi đó Arisu còn là Thiếu tá và anh đã kết giao với viên Trung úy Hoa Kỳ trẻ tuổi. Họ lại còn gặp nhau ở Trung Hoa năm 1938 khi Arisu điều tra về cái chết của một người lính Nhật trong khuôn viên tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Rồi chiến tranh bùng nổ.
Khi Arisu gặp lại Munson ở căn cứ Atsugi này thì cương vị hai người đã khác hẳn. Trong khi họ thăm hỏi nhau, thì cả một sư đoàn Hoa kỳ ào ạt đổ bộ xuống đất Nhật.
Theo chương trình, Tướng Mac Arthur tới Atsugi vào 2 giờ trưa. Ông rời Okinawa vào buổi sáng cùng với những phụ tá như tướng Sutherland, Willoughby, Whitney. Với tâm trạng, vui vẻ, ông ngậm ống điếu đi đi lại lại trên máy bay và luôn luôn trò chuyện với mọi người.
Máy bay của Mac Arthur hạ cánh 2 giờ 19 phút. Ông dừng lại ở cửa, đưa mắt bao quát nhìn đất địch. Chiếc ống điếu vểnh ngược tạo cho vẻ mặt ông thêm một nét nghiêm nghị đầy tự tin.
Tướng Eichelberger đứng chào ông ở dưới chân bực thang máy bay. Ông nói: «Bob, đây là phần thưởng của chúng ta». Ba năm về trước, Mac Arthur đã sai tướng Eichelberger,trấn giữ Tân Guiné, với hiệu lệnh: «Anh phải thắng, nếu không,thì đừng trở về nữa». Ba mươi sáu tháng sau hai quân nhân đó cũng đứng với nhau tại phi trường chỉ cách Đông Kinh 18 dặm về phía Tây Nam.
Sau cuộc duyệt binh sư đoàn không vận Hoa Kỳ, Mac Arthur lên xe đi về Yokohama. Dẫn đầu đoàn xe này là một loại xe cứu hỏa luôn luôn rú còi đi mở đường.
Trên con đường dài chừng 15 dặm từ Atsugi tới Yokohama, ba mươi ngàn lính Nhật trải đặc hai bên đường. Họ đứng quay lưng về phía đoàn xe của Mac Arthur. Lối dàn quân đó vừa biểu lộ sự tôn kính, vừa khiến cho họ đề phòng được mọi biến cố có thể xẩy ra ở hai bên. Suốt dọc đường người Hoa Kỳ không trông thấy một thường dân Nhật nào, chỉ có lính của họ đứng ngay như pho tượng.
Tại thành phổ Yokohama, một người Nhật đứng tuổi, y phục chỉnh tề đứng đợi viên Tư lệnh Tối cao Đồng Minh tại cửa Đại Khách Sạn. Nomura đã làm mọi việc để cho viên Tư lệnh được bằng lòng. Khi Mac Arthur tới, Nomura cúi đầu chào kính cẩn. Mac Arthur hỏi: «Ông làm quản lý khách sạn này được bao lâu? ».
Nomura lập tức cải chính: «Thưa Đại tướng, tôi không phải là quản lý mà là chủ khách sạn này. Tôi nguyện hết lòng phục vụ Đại tướng và hy vọng Đại tướng được vừa ý với nơi ở chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho Đại tướng».
Đại Khách Sạn đón tiếp Mac Arthur như là một thượng khách hơn là một Đại tướng viễn chinh thắng trận. Trong khi Mac Arthur nghỉ ngơi trong khu phòng số 315 thì một trăm năm mươi chín quân nhân cao cấp thuộc mọi binh chủng đi tháp tùng ông, chia nhau đi tìm phòng dành cho họ trong Đại Khách Sạn. Họ ơi ới kêu người hầu Nhật lấy đồ ăn, đồ uống.
Đại tá Munson đang ngồi xả hơi với một ly Scotch thì có tiếng gõ cửa. Anh giật mình trông thấy một Đại tá Nhật mặc lễ phục và vui mừng nhận ra Sugita, người bạn thân từ thời tiền chiến. Họ nắm tay nhau, hỏi thăm nhau tình trạng gia đình. Đại tá Sugita, đẹp trai, ăn nói ôn hòa tới đây với tư cách đại diện cho chính phủ Nhật. Anh là nhân viên trong Ủy ban liên lạc có nhiệm vụ hợp tác với Hoa Kỳ để tổ chức công cuộc bàn giao vùng Đông Kinh cho Hoa Kỳ. Anh được chính phủ Nhật gọi từ TriềuTiên về để trao cho công tác này, vì anh đã từng phục vụ trong một sư đoàn Hoa Kỳ và chịu sự chỉ huy của những sĩ quan Hoa Kỳ.
Trong những năm chiến tranh, Sugita làm phụ tá cho viên tướng oanh liệt Yamashita nổi danh với cái tên Hùm xám Mã Lai. Chính Sugita đã cầm đầu toán quân Nhật đầu tiên tiến vào đường phố Tân Gia Ba. Trong những năm sau, chính Sugita đã cảnh cáo các cấp chỉ huy của anh, là Hoa Kỳ đã khám phá được tất cả những mật mã của Nhật. Họ cười anh, và không nghĩ đến mối nguy chí tử đó đối với quân lực Nhật.
Bây giờ Sugita đứng trong một căn phòng khách sạn ở Yokohama trò truyện với viên sĩ quan Hoa Kỳ, trong quá khứ đã từng coi nhau như anh em. Từ ngày gặp gỡ cuối cùng đến nay, thế giới cũ của Sugita đã tan vỡ.
Cảm thông với nỗi khổ tâm của Sugita, Đại tá Munson hết sức bày tỏ sự dịu dàng với anh. Tình bằng hữu đã vượt lên trên sự thay bậc đổi ngôi, Munson mời anh ngồi cụng ly.
Nhân dân Đông Kinh ngày một thêm lo sợ khi nhận được tin đồn: lính viễn chinh Hoa Kỳ đã phạm nhiều hành động cướp phá ở Yokohama. Những vụ đó đều được báo cáo lên nhà đương cuộc Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ đầu tiên, nhiều vụ hãm hiếp đã xảy ra. Ban liên lạc Nhật lập tức tường trình lèn bộ Tư lệnh Đồng Minh. Mọi người đều chú ý đến vụ ba lính Hoa Kỳ xông vào nhà một thường dân tên là Koizumi, cưỡng hiếp vợ và con gái anh.
Bộ Tư lệnh của Mac Arthur mở ngay cuộc điều tra những hành động vô kỷ luật. Mac Arthur hạ lệnh tử hình những tên nào phạm tội cưỡng hiếp. Các sĩ quan cao cấp còn được khuyến cáo phải nỗ lực tối đa để duy trì kỷ luật trong hàng ngũ trực thuộc. Trong những ngày kế tiếp những vụ bạo hành giảm bớt rất nhiều.
Đế Quốc Nhật Giãy Chết Đế Quốc Nhật Giãy Chết - William Craig Đế Quốc Nhật Giãy Chết