Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Xibiri
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 4
O
Gôlêsikhinô, Pôlia được Nhikipho đón. Anh theo xe hàng từ Tômxcơ mới trở về trước Pôlia cách đây ba bốn giờ đồng hồ. Anh ăn món xúp bắp cải chua nhà nấu, thanh toán tiền với bà mẹ xong, đi tắm nhà tắm nước nóng về, và chỉ vừa nằm xuống giường nghỉ ngơi - thì vừa hay Pôlia về tới nơi. Nhikipho lao ra cổng. Anh buồn nhớ Pôlia biết chừng nào. Anh ôm lấy vợ, hôn nàng, lại ôm và hôn nữa.
Mụ Anphixa nghe thấy nàng dâu về, lập tức xuống nhà. Pôlia truyền đạt lại từng lời từng lời của lão Êpiphan. Bà mẹ chồng, hai tay khoanh trên ngực, nghe cô nói, nghi nghi hoặc hoặc, trong bụng suy tính.
Khi Pôlia nói về tiền nong, mụ Anphixa liền bối rối, cất bước dạo quanh, rồi lại đứng về chỗ cũ!
- Ông ấy thế nào thế không biết, tỉnh hay say? Tôi làm gì có tiền nong nào? Có nhặt nhạnh cũng được một hai chục...
Pôlia đã biết là sự thể sẽ như vậy mà. Cô đã dự phòng tờ giấy ủy nhiệm mà như người ta thường nói, để đi con chủ bài.
- Ông Êpiphan có gửi thư về cho mẹ đây. Trong này có nói mọi chuyện.
Pôlia đưa cho bà mẹ chồng thư của lão Êpiphan. Mụ Anphixa cầm xoay trở lật ngược lật xuôi xem, rồi đưa cho Nhikipho:
- Con trai, con đọc cho mẹ nghe.
Nhikipho đọc, rồi trao lại mẹ lá thư. Mụ Anphixa cất vào túi cái váy rộng.
- Buổi tối nghĩ sai, sáng mai nghĩ đúng. Để ta nghĩ đã, - mụ nói và, nhìn Pôlia vẻ trách móc, nói thêm: - Pôlia, từ bao giờ bố chồng trở thành ông Êpiphan của cô thế? Ông ấy là cha cô, ít ra cũng là ông bố. Chà, lạy Chúa, mọi cái của nó đều khác người...
Pôlia nín thinh, đưa mắt nhìn Nhikipho, nhưng anh chồng vội cụp mắt nhìn xuống.
Thế là Pôlia không chạy về thăm bố và ông được. Khi vắt sữa mấy con bò cái, thu dọn bát đĩa xong thì trời đã tối. Không ai giúp đỡ cô. Mụ Anphixa sai phái cô Đômnusca có việc gì đó đến xóm trại, và cô ấy không quay về mà ngủ lại ở đấy.
- Đừng có thắp đèn tốn dầu vô ích. Chuyện trò với nhau trong bóng tối cũng được, - mụ Anphixa nói rồi lướt đi lên gác vào phòng mình.
Bà mẹ vừa khuất, Nhikipho lôi ở đâu trong ngực áo ra một mảnh lụa Trung Quốc gấp vuông, lấm lét nhìn lên cầu thang, đưa cho vợ.
- Quà của anh cho em đấy, Pôlia. May áo cánh. Có ưa không?
Pôlia nhận mảnh lụa, nhưng không giở ra.
- Ưa. Sao lại không? Cám ơn anh, anh Nhikipho.
«Anh ấy sợ mẹ đến mức trao quà cho vợ cũng phải bí mật», - Pôlia thoáng nghĩ. Nhưng cô không dừng lại luẩn quẩn ở ý nghĩ đó.
- Thế anh Nhikipho, anh có mua gì cho chính anh không? - Pôlia hỏi.
- Sao lại không, mua đủ thứ. - Nhikipho bật dậy rời chiếc ghế đẩu và, lạch bạch đôi chân chỉ đi tất đan, phóng lên chỗ bà mẹ ở trên gác.
Anh ta trở về mang theo một ôm hàng mới mua. Đưa ra xem, anh ta say sưa kiểm:
- Đôi giày ủng ngày lễ. Để đi chung với bố. Mảnh vải sợi bông để may đồ lót. Đôi giày cho mẹ. Còn tấm khăn chéo này cho cô Đômna. Chính cô ấy bảo mua. Lại còn cái này nữa em xem... - Nhikipho hối hả khoác nhanh vào người tấm áo gilê bằng vải nhung bông. - Thế nào, kém gì thương gia? Chỉ còn cần một đôi ủng da bò nữa là đủ. Cũng có gặp, nhưng đắt quá, có ác quỉ nó chuốc! Thế nào, Pôlia, các thứ anh mua, em có ưng không?
Nói thực lòng, Pôlia chẳng thích thú gì những thứ chồng mua về. Cái áo gilê này anh ấy mua về làm gì kia chứ? Chính bản thân ông Êpiphan mặc một cái áo như thế này rồi, vậy là đủ. Nhưng ông ấy là lái buôn, là thương gia, đối với ông ấy thì, như người ta nói, áo nào mũ ấy, chứ với Nhikipho thì các thứ y phục này để làm gì kia chứ? Pôlia không hiểu được chuyện ấy.
- Anh tình cờ mua cái áo này của tay quản lý của ông Grêbênsicốp phải không? Anh nhớ chứ, cái anh chàng trẻ để râu cằm ấy? - Pôlia nói, giọng mỉa mai, nhưng Nhikipho không cảm thấy sự giễu cợt ấy.
- Cả ông quản lý trưởng cũng mặc cái áo như thế này. Em nhớ không? Ông ấy tên là Nhikôđim Xemiônôvích. - Nhikipho cảm thấy một niềm khoan khoái, lấy hai lòng bàn tay to bè gượng nhẹ vuốt tấm áo gilê, rồi bằng một giọng thỏa mãn kết luận: - Em xem, cả chúng ta rồi cũng nên người.
Anh cởi áo gilê ra, thu xếp tất cả hàng mới mua về vào một ôm và cũng lại thoăn thoắt nhảy qua mấy bậc thang một, mang tất cả những thứ đó lên cho mẹ.
- Thế ở ngoài tỉnh ra làm sao? Người ta sống thế nào? - Pôlia hỏi, khi Nhikipho quay lại.
- Đói kém, hình như họ đang quằn quại vì đói kém! Ngoài chợ bất cứ thứ hàng ăn được nào họ đều tranh nhau mua. Không cần giá cả. Họ cũng chửi đấy, nhưng vẫn mua cho được... Pôlia này, anh đã làm được một việc thương mại rồi nhé. Arkađi, con ông thương gia Xericốp ở Cônpasevô dạy anh. Chà, một anh chàng mới tinh quái! Chà, mới tháo vát lanh lợi làm sao chứ! Anh ta cũng như anh theo xe chở cá ra tinh. Anh ta có mười bốn xe, còn anh có mười hai xe. Hai người gặp nhau ở cùng một quán trọ. Anh ta hỏi anh: «Thế nào, Nhikipho, cậu định thuổng bao nhiêu hộp cá? Một hay hai?» Nhưng anh thì, như một gã ngốc nghếch ấy, không thể hiểu anh ta. «Cậu nói về chuyện gì vậy, Arkađi?» - «Sao lại về chuyện gì? Về món lợi của bản thân, về vốn liếng riêng ấy, - anh ta bảo. - Không lẽ cậu giao tất cả số hộp cá cho bọn thương gia Tômxcơ à?»- «Chứ sao, - anh trả lời. - ông bố mình sai bảo như thế». - «Chà, cậu thật là đồ ngốc! Thế có hàng hao hụt không nào? Dọc đường riêng chuột cáo tha đi đã mất bao nhiêu rồi, lại còn trộm cắp ở các quán trọ! Ta cứ để riêng lại mỗi đứa một hộp cá, đem ra chợ bán lẻ. Cậu có biết bây giờ người ta vồ lấy cá như thế nào không! Không kịp ngoảnh đi ngoảnh lại, cả hộp cá đã không còn đâu nữa. Cũng phải nghĩ đến mình chứ! Với lại cũng phải chơi bời chút ít ở ngoài tỉnh ấy chứ. Ta phải đến tửu quán, ghé chơi với các cô nương». - «Tôi có vợ rồi, - anh trả lời, - chuyện các cô nương thì cậu đi một mình, còn chuyện vốn riêng thì để tôi nghĩ». Ấy thế là bọn anh chở các xe cá đến kho cho các thương gia, nhưng giữ lại mỗi người một hộp... Em biết không, Pôlia, sang ngày hôm sau bọn anh ra chợ, và anh đã bán hết trước Arkađi... Kiếm được chút ít... Anh giấu đi... Ông bô với bà bô chẳng vì thế mà nghèo đi... Khi nào ta bắt đầu công việc riêng của ta, thế là sẽ đắc dụng... Em đừng cho anh là nhút nhát, anh cũng bạo dạn ra phết, chẳng thua kém gì Arkađi đâu...
Nhikipho đặt Pôlia ngồi lên đùi và thì thầm nói vào tận bên tai vợ, nói luôn mồm không ngớt, đầy nhiệt tình.
Pôlia không còn nhận ra Nhikipho. Trong suốt câu chuyện của chồng, cô cứ muốn quay mặt lại và nhìn vào mắt anh. Pôlia có cảm giác rằng đôi mắt của anh ấy sáng lên, như mắt người sốt rét, nhưng có điều gì đó giữ cô lại, có thể, trong thâm tâm, cô lúc này không muốn nhìn thấy chính cái ánh mắt ấy và, hơn thế, cô sợ thấy rõ là cặp mắt anh ấy đúng như vậy.
- Bây giờ anh sẽ tự đem xe cá đi. Anh sẽ đi hai chuyến nữa... Anh đã thỏa thuận với Arkađi về mọi chuyện... Chà, em biết không, thật là một gã trai!
- Này, các người còn đốt đèn bỏ phí dầu lâu nữa không thế? - bỗng chợt vang lên tiếng mụ Anphixa, và qua thành cầu thang rủ xuống mái đầu của mụ với bộ tóc vừa gỡ đuôi sam ra rối bù.
- Chúng con tắt ngay đây, mẹ ạ! - Nhikipho xin hứa và nhoài cổ ra, thổi vào cái thông phong đèn.
Hai vợ chồng dò dẫm chuyển vào căn buồng nhỏ dưới cầu thang, nằm vào giường.
- Ít ra anh cũng nhớ em chứ, anh Nhikipho? - Pôlia hỏi. - Còn em thì đợi chờ anh, đợi chờ hoài. Em cứ đếm ngón tay tính ngày. Tính ra thì không phải anh về hôm nay mà mãi đến thứ sáu, qua ba ngày nữa kia.
- Đi theo xe chở hàng quả là lắm chuyện phải lo nghĩ.
Pôlia chờ đợi ở Nhikipho những lời lẽ nào đó khác kia, những lời lẽ mà chính cô, có lẽ, cũng chẳng biết... Mọi chuyện giữa hai vợ chồng dường như vẫn như trước kia, mà lại cũng khác trước thế nào ấy. Và trong những giây phút ấy trong cô bỗng nảy ra nỗi ngờ vực: mà liệu có phải chỉ một mình Arkađi đi đến quán rượu và thăm các cô nương tỉnh thành không? Liệu có phải anh ta đã rủ cả người bạn mới nhu nhược Nhikipho của mình cùng đi chăng? Ý nghĩ ấy như lửa thiêu đốt Pôlia, nhưng cũng ngay tức thì bay biến không còn để lại một dấu vết nào.
Bây giờ đến lượt Pôlia kể về chuyến đi của mình. Nhikipho nghe vợ nói và nhiều chuyện anh ta thấy thật ngộ nghĩnh. Anh ta không bao giờ lại ngờ rằng ông bố có cuốn sổ bí mật, trong đó có ghi chép cả về những khoản chi cho anh ta, cho Nhikipho.
- Việc gì mà ông bô cần cuốn sổ như thế nhỉ? Cái đầu của mẹ ghi nhớ mọi khoản chi thu còn hơn cả sổ sách, - Nhikipho bật cười, nói.
Sau đó Pôlia nhớ lại việc ả Marpha Serxtôbitôva đến chơi xóm trại. Cô thấy đau lòng và xấu hổ phải kể lại câu chuyện về ông bố chồng, nhưng dù sao đi nữa cô vẫn kể hết. Nhikipho hai ba lần ngắt lời vợ, hỏi những câu hỏi vớ vẩn.
- Ghê chưa, ông bô vẫn là con ngựa hăng thế đấy! Thế mà anh lại cứ nghĩ là ông mệt mỏi rồi, không còn chạy theo đàn bà nữa, - Nhikipho nói, sau khi nghe hết câu chuyện của Pôlia.
Và chỉ có vậy! Pôlia cứ sợ rằng câu chuyện của cô về ả Marpha sẽ gây cho anh ta những xúc động sâu sắc gì đó. Bởi vì anh ấy có thể phật lòng ít ra là cho mẹ mình. Nhưng không, chẳng có gì như vậy xẩy ra cả! Pôlia im lặng vùi đầu vào gối, xoay đầu ngoảnh về phía khác. Nhikipho hẳn là cảm thấy tâm trạng của vợ:
- Em đừng xúc động vì ông bố mà làm gì, Pôlia! Cô Đômnusca bảo rằng bẩm sinh ra ông đã là kẻ hám đàn bà. Và người ta bảo rằng, ông lấy mẹ cũng chỉ bởi vì đẽo được món tiền to sụ của ông cụ thân sinh ra mẹ. Nói gọn, ấy là con chó dái.
Pôlia chống khuỷu tay nhỏm dậy:
- Sao, anh Nhikipho? Chẳng lẽ có thể nghĩ về cha đẻ như vậy sao?
- Còn thế nào khác nữa? Rõ là chó dái, - Nhikipho không hề bối rối.
Câu chuyện đến đây là chấm dứt. Pôlia hết cả lời lẽ, còn Nhikipho không tìm ra điều gì để có thể chuyện trò với vợ.
Đúng là một cái đêm tồi tệ thế nào ấy, hỗn độn những xúc cảm và suy tư. Hoàn toàn chưa nhận thức rõ, nhưng ở một góc xa xăm nào đó của trí tuệ Pôlia đã hiểu rằng cái đêm này không xích gần cô lại với Nhikipho mà làm cho hai người rời xa nhau ra.
- Anh Nhikipho, rồi đây chúng ta sẽ sống ra làm sao? Ở trong nhà anh, em khổ sở lắm. Chính anh thấy đấy. Chúng ta đi khỏi đây đi, anh Nhikipho. Anh đã hứa rồi kia mà! - Giọng nói của Pôlia run run và đầy nước mắt. Nhikipho không đáp lời. Anh ta ngủ thiếp đi rồi, hay có thể anh ta làm ra bộ đã ngủ thiếp rồi.
o O o
Sau công việc nội trợ buổi sáng và ăn sáng xong Pôlia vội về Parabên - thăm cha đẻ. Mụ Anphixa toan giữ cô lại, viện cớ công việc trong nhà còn nhiều, nhưng Pôlia đốp chát cãi lại mụ đến mức mụ không dám liều khăng khăng ý mình.
- Mẹ ạ, công việc có chạy đi đâu đâu! Còn thăm hỏi cha đẻ và ông ngoại - hai người đàn ông cô đơn đứng tuổi – đó là bổn phận của con. Và mẹ biết cho là: bao giờ con cũng đã làm như vậy và con sẽ mãi mãi làm như vậy! Và mẹ chớ dạy con phải làm cái chuyện nhẫn tâm. Dù mẹ có cố công thế nào đi chăng nữa, mẹ cũng chẳng dạy nổi con đâu.
Mụ Anphixa vung rộng hai tay nần nẫn lên, đôi mắt lóe lên thứ ánh sáng độc địa, nhưng mụ không mở miệng nói được lời nào, cảm thấy rằng nàng dâu hôm nay đang trong tâm trạng mà mụ có thể còn bị trả miếng đau hơn nữa kia.
Pôlia gặp cha đúng lúc ông đang loay hoay với công việc như lần trước. Ông đang ngồi sau bàn và cân thứ bột gì vàng vàng trên cái cân đĩa hiệu thuốc.
- Bố, suốt cả tuần bố làm thứ thuốc bột ấy hay sao vậy? Khi con ra đi bố đang ngồi sau bàn, đến giờ con trở về - bố lại vẫn ngồi làm cái công việc hệt như thế. - Pôlia bật cười, tiếng cười nhỏ nhẹ của cô vang lên lạ lẫm trong ngôi nhà ắng lặng của ông Gôrbiacốp.
Cha cô đẩy công việc luyện đan của mình ra bên mép bàn, lột tấm áo bờ lu trắng đã trở nên chật chội ra khỏi người, bước đến bên con gái. Đỡ lấy cằm của con, ông hôn vào hai bên má, vào trán và đầu mũi.
Pôlia đưa con mắt xem xét bao quát căn nhà. Mọi thứ đều thu dọn gọn gàng, sạch sẽ, đồ vật đâu vào đấy. Có lẽ chỉ có điều đã đến lúc phải thay các tấm rèm trên cửa sổ: đã hơi bẩn cả rồi. Trên một tấm có vết iốt, trên tấm khác - một lỗ tàn thuốc lá đốt thủng... Vết tích của bố. Với bố thì chuyện ấy thường xảy ra: khi thì làm cháy vạt áo sơ mi, khi lại áo bờ lu, hoặc quần dài. Nhưng làm sao bố lại đánh cháy rèm cửa sổ - cái đó quả là chuyện tinh quái. Chắc là có chuyện gì đó quá là hấp dẫn xảy ra bên ngoài cửa sổ. Bố đứng xem, mê mải - và thế là tấm rèm mang vết tích.
- Con thấy là ông không có nhà, - Pôlia nói và bỏ áo lông cộc và khăn san ra.
- Ông vẫn chưa về. Có thể, công việc săn bắt đầu gặp may. Vì thế mà ông quyết định ngồi lỳ ở trong rừng taiga. Tuy vậy bố vẫn cứ sốt ruột, con ạ. Tuổi ông hẳn là không còn trẻ trung gì nữa. Mà, con ngồi xuống. Con có muốn ăn uống gì không? - ân cần quan sát Pôlia, ông bố hỏi.
- Thế bố đã ăn sáng rồi chứ? Người ta cho bố ăn chưa? Về con bố khỏi phải lo. Con đã ăn rồi mới về với bố.
- Bố cũng ăn rồi. Ngồi xuống đây, kể cho bổ xem con đã đi như thế nào, nhìn thấy gì? - ông Gôrbiacốp dịch cái ghế bành của mình lại chỗ Pôlia, còn tự mình ngồi xuống chiếc ghế đẩu cao, sơn trắng với cái mặt ghế tròn đối diện với con gái.
- Con nhìn thấy gì ạ? - Pôlia sôi nổi nói và bắt đầu gập ngón tay: - Đểu giả, nhuốc nhơ, thối tha...
- Nhiều như vậy ư! - ông Gôrbiacốp buồn rầu thốt lên và dịch gần lại bên con gái hơn nữa.
- Và cái đó không phải chỉ có thế, bố ơi! Chà, bố, không hiểu tại sao mà tâm trí con thế nào ấy... có cảm giác buồn nôn... - Pôlia cảm thấy cổ cô bị những cơn thắt siết chặt, chỉ giây lát nữa là cô nức nở òa lên khóc. Cô cúi đầu nhìn xuống, cô tập trung hết nghị lực nắm chặt tay. Không thể khóc, bất luận thế nào cũng không được khóc. Cha cô phải lủi thủi sống cuộc đời đơn chiếc. Cũng chẳng dễ dàng gì.
Ông Gôrbiacốp linh cảm thấy rõ rằng con gái ông trong lòng ngổn ngang bao nhiêu ấn tượng và suy tư, và ông không cần phải vội thúc giục bằng những câu căn vặn. Pôlia nén được cơn xúc động, nói:
- Bố ơi, bây giờ bố nghe con nói nhé. Con sẽ kể tỷ mỷ từng ngày từng ngày một. Và tất cả đều là sự thật trăm phần trăm. Con không mảy may nói dối bố.
- Pôlia, con cứ nói tất, nói tất con ạ. Và không bỏ qua điều gì hết. Bởi vì bố nhất thiết muốn biết tất cả về con: con đã nhìn thấy gì, con nghĩ gì. - Ông Gôrbiacốp hối hả cầm lấy bàn tay con gái, ép vào ngực mình.
Và thế là Pôlia bắt đầu kể. Bữa qua, kể lại cũng về chuyện này cho chồng nghe, cô đã bỏ qua nhiều điều, nhảy cóc từ chi tiết này sang chuyện nọ. Cô biết là không phải tất cả, hoàn toàn không phải tất cả đều lý thú đối với Nhikipho. Còn cha đẻ thì lại là chuyện khác! Bố Pôlia bao giờ cũng thích đi sâu vào chi tiết, hỏi han hết chuyện nọ đến chuyện kia, thế nào cũng phải hỏi lại kỹ điểm này điểm khác, đặc biệt quan tâm mỗi khi Pôlia động đến chuyện tình cảm của mình, đánh giá điều gì đó theo suy nghĩ của riêng mình.
Và giờ đây nghe Pôlia nói, ông để trọn tâm trí vào câu chuyện kể của con gái. Qua nét mặt chăm chú, qua đôi mắt bình tĩnh và nghiêm trang của ông, Pôlia thấy rõ là trong những giây phút này không có chuyện gì khác thu hút ông, tất cả, tất cả chuyện khác ông kiên quyết gạt xa khỏi người mình và ông chỉ sống với chuyện kể của con gái.
Đôi khi ông mải ngắt lời bằng những nhận xét ngắn, đại loại:
- Bố biết anh em bọn hoạn. Bọn hung ác!
- Marpha Serxtôbitôva ư? Hoa khôi đấy, nhưng bất hạnh đến cực độ... Ôi, bao nhiêu số phận như thế trẽn đất nước Nga, con Pôlia à!
- Vôlôkitin sẽ xé xác Êpiphan. Lão kia giàu hơn, mạnh hơn...
Và khi Pôlia kể đến cuộc gặp gỡ của mình với Suxtốp, cha cô dường như mềm lòng ra và, thay vào câu thán ngắn ngủn, ông bắt con gái kể chậm lại:
- Con bảo là ông ấy khen bố hả? - ông Gôrbiacốp hỏi lại.
- Khen lắm, bố ạ! Suýt nữa đến bắt con phải thú nhận là con gái bố.
- Thì con cứ nhận đi có phải không? Tại sao con lại không nhận thế? Có cái gì xấu ở đây nào? - ông Gôrbiacốp nhìn con gái, mỉm cười âu yếm.
- Con không thú nhận, bố ạ, không phải vì bố. Vì ông Êpiphan mà con không nhận. Bác Suxtốp lại chẳng nói: «Mà cô làm sao vậy? Làm sao cô lại rơi vào cái bẫy của lũ này?» Có phải chắc là bác ấy đã nói như vậy không nào? Phải không bố?
- Có thể đã nói như vậy, Pôlia ạ. Những người như vậy sự thật ở ngay đầu lưỡi. - Ông Gôrbiacốp bối rối, lại mỉm cười nhìn con gái. - Nhưng mà con có thể giảng giải...
- Có thể phân giải đấy, bố ạ, nhưng hiểu được thì chẳng phải đơn giản. Có đúng không nào, bố?
- Kể ra, thì đúng thế, - người cha đồng ý. - Thôi được, thôi được, Pôlia, con nói đi, kể tiếp đi...
Nghe Pôlia nói, ông Gôrbiacốp nhớ đến cuộc gặp con gái trước khi con gái ông ra đi. Ông biết rằng chuyến đi của con gái sẽ gian khổ, nhưng ông không nghĩ rằng con gái ông sẽ không có gì chống đỡ đối với mọi chuyện đồi bại của cuộc sống, vả lại, những chuyện đồi bại lại phơi bày hết sức lộ liễu.
Không có gì phải phàn nàn, chuyến đi với lão Êpiphan hóa ra là một bài học! Những bài học như thế này trong lãnh vực xã hội học và tâm lý học phải trong những năm dài người ta mới học được. Vậy mà ở đây lại chỉ trong mấy ngày!
- Pôlia, con gái thân yêu của bố, - xúc động, ông Gôrbiacốp nói khi Pôlia kể hết câu chuyện của mình, - con đã nhìn thấy rất nhiều điều, đã hiểu ra rất nhiều điều. Quả thực, con sẽ phải sống chẳng ra sao, nếu như con không hiểu ra rằng toàn bộ cái thế giới khủng khiếp của những bất công và lừa gạt này không phải là vĩnh viễn. Con người sinh ra là để có một số phận tốt đẹp hơn. Và nhiều người đã biết cần phải đi theo con đường nào để đạt tới mục đích ấy...
- Nhiều người! Chẳng hạn như ai! Bố hãy nêu ra dù là một người thôi trong số nhiều người ấy. Con sẽ đi đến cùng trời cuối đất để nghe theo con người như vậy! - Pôlia sôi nổi nói và chằm chằm nhìn cha.
Ông Gôrbiacốp đứng dậy, đi lại trong phòng, rồi dừng lại trước mặt con gái, đưa hai tay chống nạnh, nói một cách hết sức tin cậy và đơn giản:
- Con không cần phải đi tới cùng trời cuối đất. Một trong những con người, biết phải đi đến mục đích ấy như thể nào, đang ở bên cạnh con. Đó là bố, Pôlia ạ.
Pôlia ngước nhìn bố cô: bố cô nói nghiêm túc chăng? Và có phải bố cô đã nói bóng gió về điều đó, khi cô ra đi với ông Êpiphan chăng?
Đội môi người cha run run, đôi mắt đen của ông nhìn khác lạ: mơ màng và láu lỉnh, nghiêm khắc và dịu dàng. Và dường như có ai đó vô hình đẩy Pôlia ra khỏi chiếc ghế bành. Cô lao đến người cha, ôm lấy ông và lặng đi như cảm thấy trước những giây phút hào hùng gì đó, những giây phút đang chờ cô ở phía trước.
- Con sẽ sống tiếp ra sao nào Pôlia? Con ở lại với bố có lâu không? - ông Gôrbiacốp hỏi, khi con gái ông cụp mắt nhìn xuống và, có lẽ là hơi ngượng ngùng vì phút hứng khởi của mình, ngồi xuống chiếc ghế đẩu tròn.
- Ngày mai, bố ạ, con lại phải đi đến xóm trại của anh em nhà hoạn, ông Êpiphan đợi con mang tiền đến đấy.
- Con phải khước từ việc ấy, Pôlia ạ. Bằng bất cứ giá nào cũng phải khước từ. Bố có một việc nhờ con, và việc này không thể nào trì hoãn được, và ngoài con ra không ai khác, không ai khác có thể làm được.
o O o
Công việc mà ông Gôrbiacốp nói đến, quả thực là không thể trì hoãn được. Nhờ những cố gắng của chính ông Gôrbiacốp, những hoạt động phối hợp chặt chẽ của các đảng ủy Narưm, Tômxcơ và Pêtrôgrát đã thông qua quyết định tiếp tục cuộc vượt ngục của Akimốp. Để đảm bảo sự chắc chắn của «biện pháp» phức tạp này, công việc này được gọi như vậy trong thư từ trao đổi bí mật giữa ông Gôrbiacốp với các đảng ủy, một tuyến đường đi đặc biệt đã được phác ra. Tuyến đường đi này là khác thường, nhưng nó loại trừ tới mức tối đa nguy cơ thất bại.
Theo kế hoạch đã thông qua, ông Gôrbiacốp phải đưa Akimốp tói làng Tsigara ở giữa Parabên và Cônpasevô. Ephim Vlaxốp phải đón Ivan Akimốp tại đây. Ephim Vlaxốp là người đưa đường từ Tôgur tới, một người gan góc, am hiểu tường tận đường đi lối lại trên đất Narưm, những đường đi lối lại không những bọn cảnh sát mà cả chim muông cũng chẳng ngờ tới.
Thời hạn có mặt của Ivan Akimốp ở Tsigara đã quy định dứt khoát. Ngày hẹn đó đã đến gần không thể cưỡng lại được, nhưng ông Gôrbiacốp vẫn không biết làm thế nào đưa được Ivan Akimốp ra khỏi rừng taiga xa xôi.
Thoạt đầu ông tính đến ông cụ Phêđốt. Theo tính toán của ông Gôrbiacốp, thì ông già ngày một ngày hai đã phải có mặt ở làng, ông cụ không thể kéo dài những dự trữ bánh mì khô, bột mì và những dự trữ khác hơn ba tháng! Ông già tất nhiên cũng hiểu một điều khác nữa: sự vắng mặt kéo quá dài của ông ở làng có thể làm cho có kẻ sẽ ngờ vực. Nói gọn hơn là chỉ nay mai là ông cụ Phêđốt phải ở rừng taiga trở về. Ông Gôrbiacốp lập tức nhờ ông cụ quay lại và đưa Ivan đến Tsigara, vòng tránh Parabên, nhưng ngày qua ngày, mà ông cụ Phêđốt vẫn chưa xuất hiện.
Chính lúc này trong óc ông Gôrbiacốp nẩy ra ý nghĩ về con gái. Pôlia biết đường tới rừng taiga xa xôi, không phải một hai lần đã đến đó đi săn và đi đánh cá cùng với ông ngoại. Cô đã từng đến đấy cả mùa thu, cả mùa đông. Tất nhiên, ông buộc phải nói cho Pôlia rõ mọi chuyện, nhưng còn biết làm thế nào khác? Cuộc sống mách bảo cho ông Gôrbiacôp rằng ông không thể tiếp tục giấu giếm con gái những chính kiến của mình và các mối quan hệ của mình với Đảng.
Nhưng tai họa là Pôlia cũng chẳng có mặt! Ông Gôrbiacốp chạy rối lên trong nhà, không biết xử trí ra sao. Ông không thể để xảy ra những rắc rối trong việc tiếp tục chạy trốn của Akimốp, ngay từ giai đoạn đầu. Cả tuyến đường đi đều đã sẵn sàng, và ông Gôrbiacốp hình dung ra một cách rõ ràng rằng lúc này những người có trách nhiệm bảo đảm thành công cho công việc, đang căng thẳng đến mức nào.
- Thế nào nhỉ, Pôlia, có thể, bố con mình đến lúc đã phải uống trà chứ nhỉ? - ông Gôrbiacốp hỏi, kéo dài cái giây phút mà từ đó phải bắt đầu giải thích với con gái. Ông không còn dao động trong quyết định tự bộc lộ trước con gái ông, ông trì hoãn là vì vẫn còn tìm ra những từ ngữ nào đó có sức thuyết phục nhất và chính xác nhất.
- Không, bố ạ. Bố nói về công việc đi. Nếu không bà giúp việc lại đến và bắt đầu lải nhải về công việc nội trợ này nọ, - Pôlia nói.
- Thôi được, có lẽ con nói đúng. - Ông Gôrbiacốp xúc động, lại bước đi trong phòng. - Con thấy không, Pôlia, đã từ lâu bố định nói về điều đó với con rồi, nhưng cứ nấn ná. Rồi thì lại chuyện con đi lấy chồng. Cái chuyện ấy làm bố cảnh giác. Bố không ngăn cản tình cảm của con đối với Nhikipho. Nhưng dù sao bố cũng thấy cần phải biết là con đối với cả thế giới của nhà họ Crivôrucốp ra sao, tâm hồn con tiếp nhận những lề thói của nhà ấy như thế nào. Tất nhiên bao giờ bố cũng có cảm giác rằng tư hữu với tất cả những hậu quả phát sinh ra từ bản chất của nó không thể lôi cuốn con theo, trở thành cuộc đời của con. Bố cảm thấy điều đó. Nhưng quan niệm là một chuyện, còn thực tế, bản thân cuộc sống lại là chuyện khác. Bây giờ bố đã thấy: bố không nhầm. Chuyến đi của con với ông bố chồng, cái điều mà con đã hiểu ra và thấy ra tất cả ruột gan của tư hữu, thuyết phục bố dứt khoát rằng con đường đời của con không thể tuân theo các lợi ích của nhà họ Crivôrucốp. Con sẽ phải đấu tranh - và cuộc đấu tranh đó phức tạp, gian nan. Nếu như Nhikipho tán thành thái độ của con đối với cuộc sống, nếu như hai vợ chồng con đồng lòng trong việc lựa chọn đường đi của mình, thế thì tốt. Có lần con đã nói với bố: anh ấy sẵn sàng rời bỏ nhà của cha đẻ. Anh ấy đã hứa với con? Nhưng điều đó là khi trước. Có thể, là vì anh ta sợ mất mất con và, có thể là, hơi láu cá láu tôm một tý chăng. Nhưng giờ đây liệu anh ta còn sẵn sàng làm điều đó nữa chăng, khi mối giây vợ chồng của con và anh ta đã được xếp đặt đâu vào đấy? Liệu anh ta còn có đủ quyết tâm? Con thử nghĩ mà xem: anh ta là đứa con một trong nhà ấy kia mà... Bố không giấu, Pôlia ạ, những ý nghĩ này trong những đêm mất ngủ thường đến với bố, và bố cứ ngẫm nghĩ, ngẫm nghĩ hoài.
Pôlia không rời mắt khỏi người cha, nghe ông nói, chỉ sợ bỏ lỡ mất lời nào đó.
- Thôi, đấy là về con. Còn bây giờ bố muốn nói về bản thân bố. Với tất cả sự cởi mở. Có thể, con cũng đã nhận thấy đôi ba điều gì đó. Đôi khi bố có cảm giác, rằng con cũng có đoán già đoán non về điều gì đó...
- Bố ơi, bố có muốn con nói thẳng về bố không?
- Ừ, thì con thử nói xem, - ông Gôrbiacốp cười.
- Bố đồng lòng với nhiều người lưu đày. Cả cái anh thanh niên mà mùa thu trước con gặp ở khúc sông cụt, anh ta cũng chẳng định chạy đi đâu cả. Anh ta đang ở trong tay bố. Con chỉ không biết rõ là hiện ở đâu. Mà có thể thậm chí ở với ông ngoại nơi rừng taiga xa xôi cũng nên.
Bây giờ ông Gôrbiacốp lại bổ đến với con gái. Ông ôm con, ghì mái đầu tròn trĩnh tóc vàng tơ vào bên ngực mình, thì thào qua nước mắt:
- Chà, con của bố, con thông minh của bố! Vậy mà bố thì!.. Bổ vẫn cứ coi con còn bé tẹo, chẳng hiểu biết gì, chẳng đoán biết gì...
- Nghĩa là đúng như vậy, phải không bố? - Pôlia thốt lên với niềm đắc thắng trong đôi mắt ngời sáng.
Ông Gôrbiacốp trở về chiếc ghế bành.
- Bố hy vọng là con không nói ra những nhận xét của mình với người nào khác? - ông nói.
- Để làm gì kia chứ? Con hiểu rằng chuyện đó có thể nguy hại đến bố, bố Pilia ạ.
Dường như tất cả bỗng xao động trong tâm hồn ông Gôrbiacốp. «Pilia» - đó là tên mà con gái gọi ông như thế khi nó còn bé tẹo, vào những ngày, khi bà vợ Phơrôxia còn sống, khi mỗi ngày cuộc sống của họ đều tràn đầy điều gì đó hăng say thích thú và sự kiều diễm quyến rũ bất tận.
- Một khi đã như vậy thì, Pôlia ạ, bố không chỉ đồng lòng với nhiều người lưu đày theo nghĩa các quan điểm về xã hội, về số phận của nhân dân. Bố ngồi đây, ở Narưm này, bao nhiêu năm dài vì cuộc đấu tranh chung của chúng ta, bố đã giúp đỡ và đang giúp đỡ những con người này theo sức lực của mình, mà thường còn vượt quá cả cái mức độ đó, vượt quá cả khả năng của bố. Bố làm điều này hết sức bí mật và còn làm cho đến lúc cái thế giới tư hữu, ác nghiệt và bất công này sụp đổ. Một lần khác bố sẽ kể cho con hay con người sẽ đi bằng những con đường nào đến hạnh phúc của mình, còn bây giờ cần thiết phải bắt tay vào công việc, cái công việc mà thời hạn của nó đang hết dần. Đúng là con đã không lầm: anh thanh niên mà con cứu thoát mùa thu ấy hiện trong tay bố. Bây giờ cần phải cứu anh ấy một lần nữa. Chậm nhất là sáng ngày mai con phải đến rừng taiga xa xôi và đưa con người ấy đến Tsigara, ở đấy tối thứ bảy có người đánh xe đợi sẵn anh ấy. Nhà trọ của Nin Lucốp. Người đánh xe con cũng biết: ông bạn kết nghĩa của bố ở Tôgur, tên là Ephim Vlaxốp.
Ông Gôrbiacốp nói với bầu nhiệt huyết và niềm tin, thỉnh thoảng lại nhìn vào mắt con gái ông.
- Chuyện này vừa sức của con, bố ạ, - Pôlia trả lời không chút lưỡng lự. - Chỉ có nên suy nghĩ xem, con phải thoái thác thế nào để không đến xóm trại của bọn nhà hoạn. Anh Nhikipho lại sửa soạn ra tỉnh lần nữa.
Ông Gôrbiacốp đưa nắm tay đặt lên mái đầu đang bạc của mình.
- Quỉ thật, nghĩ được kế gì nhỉ?
- Có thể chuyện gì đó liên quan đến ông ngoại, - Pôlia thử mách kế.
- Tới ông ngoại ư? Hay đấy! Nhưng cái gì mới được chứ? - Ông Gôrbiacốp suy nghĩ thành tiếng. - Không, con gái của bố, dính dáng đến ông ngoại là không xong. Tự nhiên lại đi tự chỉ ra địa chỉ của công việc mà bố với con quan tâm: rừng taiga xa xôi... Mà, thôi được! Cứ coi nguyên nhân việc trì hoãn của con chính là bố. Từ phút này bố được coi là người ốm. Bố vào nằm trong giường. Con hôm nay đến chăm nom bố và mai con sẽ biến đi bốn ngày. Sau đó con trở lại làm như chẳng có chuyện gì hết.
- Thế ngộ nhỡ bỗng nhiên có ai đó đến hỏi con, bấy giờ bố nói thế nào?
- À, con nó ở đâu đấy mà. Phải, nó đi đến Bônsaia Nhêxtêrôvô để tìm nham lê. Bố cần kem bọt chua. Nhưng ai có thể tới nào?
- Ngộ chính cái bà Anphixa ấy, nghe tin bố ốm, muốn đến thăm bố...
- Có thể lắm. Thế thì sao nào, với bà ta bố cũng nói như vậy. Cháu nó đi rồi, sắp sửa về ngay đấy. Xin bà cứ yên tâm cho. Thì chẳng lẽ bà ta lại ngồi lì suốt ngày ở đây ư?
- Thế ngộ chính Philatốp đến? - Pôlia vẫn chưa yên tâm.
- Cái tay ấy nhất định sẽ đến rồi, nghe thấy nói ông y sĩ khó ở, là lập tức đến ngay. Thế thì đã sao? Tuyệt! Bổ sẽ bảo hắn: sai cháu đi tìm chim đa đa tươi. Thèm ăn chim rừng quá. Chắc hắn sẽ trách móc: «Sao lại có thể sai phái con gái đi săn bắt kia chứ! Giá ông bảo trước có phải tôi đã sai phái bất cứ gã mugích nào» - Bắt chước tên quản cảnh sát, ông Gôrbiacốp làm giọng ồm ồm, ho khù khụ, oai vệ, như vị coi sóc trật tự Parabên vẫn làm ra cái điều tự thấy rõ phẩm giá của mình. Pôlia vui vẻ cười ngặt nghẽo:
- Hệt, hệt như Philatốp. Chà, bố của con!
- Như vậy là, Pôlia, bắt đầu nhé! Bố vào nằm, còn con chạy đi. Buổi tối nay bố sẽ chuẩn bị súng săn và thanh trượt tuyết cho con.
- Thôi chúc bố khỏe! Bố cẩn thận đấy, đừng để lại ốm thật.
- Chỉ nói nhảm! Lúc này bố đâu được phép ốm.
Pôlia nhanh chóng mặc đồ ấm rồi chạy hối hả theo đường xóm về Gôlêsikhinô.
o O o
Trên đường trở về nhà chồng, Pôlia một lần nữa suy nghĩ kỹ những lời mà cô sẽ nói với bà Anphixa. Cái chính là cần nói mọi điều một cách vững vàng, không gợn một chút ngần ngừ do dự nào, để bà ta không nghĩ là cô xin xỏ bà ta cho phép ở lại với ông bố bị đau.
Nhưng Pôlia vừa vào nhà, bà mẹ chồng liền cho cô phải sửng sốt vì cái quyết định đột ngột của bà ta:
- Pôlia, cô sẽ ở lại nhà với tôi. Anh Nhikipho sẽ đi đến chỗ ông bố. Hoãn chuyến xe hàng đi Tômxcơ lại. Đem tiền nong đi không phải là chuyện đàn bà. Bắt nạt cô chẳng khó khăn gì. Bất cứ tên tù khổ sai nào cũng có thể bắt giữ lại, cho một đòn tiện tay vào sọ, thế là đi tong tiền của chúng ta. Mà tiền thì tiêu dễ, nhưng kiếm được, ôi, mới khó khăn vất vả làm sao.
Nghe cái tin này Pôlia sướng muốn nhảy lên, nhưng, ghìm mình, cô nói, như bộ một đứa con có hiếu:
- Thưa mẹ, bố con gặp chuyện chẳng lành. Bố con bị ổm. Một mình nằm sốt nóng sốt rét. Con chạy về nói với mẹ là con xin về giúp đỡ bố con, ít ra là phải cho bố con ăn, uống, đưa thuốc cho bố con. Ông con vẫn ở trong rừng taiga, còn với bác nấu ăn thì chẳng thể trông cậy gì. Bác ta điếc đặc.
Mụ Anphixa khó khăn lắm mới không quát toáng lên: «Thì mày cứ cuốn xéo cho khuất mắt tao, quân đáng ghét! Có cô trong nhà thì cũng chẳng lợi lộc gì cả!» Nhưng mụ đã kịp thụt lưỡi lại. Bởi vì mụ có niềm hạnh phúc ngày nay là ơn nhờ cả ở ông cụ Phêđốt. Với lại cả ông thông gia Gôrbiacốp cũng đã vất vả không ít để cho thằng Nhikipho, người thừa kế duy nhất của họ nhà Crivôrucốp và niềm hy vọng của gia đình này lớn lên khỏe mạnh và tinh khôn.
- Nếu là việc cần thiết thì phải làm. Cứ đi đi. Có điều đừng có mà láng cháng vô ích ở đấy. Nhà của cô bây giờ là ở đây.
Pôlia ra ngoài sân. Nhikipho vừa đóng xong con ngựa chạy nhanh nhất - con Pegarơ - vào cỗ xe tải.
- Thế nào anh Nhikipho, ta lại xa nhau? - Pôlia buồn bã nói, theo dõi Nhikipho, đội chiếc mũ lông ngang tàng hất ra sau gáy, mặc chiếc áo lông cộc phanh rộng, chân đi ủng nỉ diêm dúa, đang siết bộ giây thắng ngựa, trang trí bằng những mảnh đồng đánh sáng loáng.
- Anh đi đây, Pôlia! Em đừng buồn! Biết làm thế nào được. Anh đã nghĩ, ngày một ngày hai lại theo xe hàng ra tỉnh, nhưng mẹ lại xua đi việc này. Mụ chó cái già sợ giao phó tiền cho em. Nhưng mà cả trong vụ này anh cũng sẽ không chịu là thằng ngốc đâu. Cứ để bà bô với ông bô đừng nghĩ rằng anh vì cái tài sản kế thừa mà phải đổ mồ hôi sôi nước mắt cho các vị! Arkađi đã dạy anh phải sống như thế nào. Cứ chi phần trăm ra, phần trăm bỏ ra! Nếu không chi, không bỏ ra, thì tự chúng ta sẽ tìm cách xoáy lấy...
Nhikipho không hiểu vì sao rất tức giận, và Pôlia thậm chí không dám đánh liều nói với anh ta về chuyện ốm đau của cha cô. Cô nhìn chồng, nghe những lời lẽ lạ thường, gay gắt của anh và trong đầu cô bất giác thoáng qua: «Không, mình sẽ không dứt nổi anh ấy ra khỏi chốn này. Hình như anh ấy đã nổi máu say đồng tiền và việc buôn bán sau chuyến đi đến Tômxcơ. Đã trở nên khác hẳn, nóng vội và hoàn toàn xa lạ thế nào ấy».
Ra khỏi cổng nhà, Nhikipho bước đến bên Pôlia, chợp đôi môi lạnh vào bên má cô, nhảy lên xe, quát to:
- Nào, nào, Pegarơ, phóng lên!
o O o
Nhikipho đi đến chỗ cha anh ta ở xóm trại của anh em bọn nhà hoạn và không dè rằng mình đi đón gặp cái chết của chính mình.
Anh ta vẫn còn sống bằng những hồi ức ở Tômxcơ. Cùng với Arkađi Xercốp anh ta đã tiêu khiển thời gian thật lý thú! Ăn chơi trong quán ăn, dạo khắp thành phố, hú hí với các cô tiểu thư tỉnh thành. Thoạt đầu đối với họ, những tiểu thư tỉnh thành ấy, Nhikipho thấy vừa ngượng ngùng vừa khó chịu thế nào ấy, nhưng Arkađi, anh chàng tinh ma bậy bạ, ở chỗ này cũng lại giúp đỡ hắn. Nhận thấy thằng bạn của mình rụt rè, anh ta gần như cưỡng bức rót vào miệng hắn nửa cốc vốtca. Thế là Nhikipho say. Mà một khi hắn đã say thì hắn coi trời bằng vung. Vả lại cô nàng móc bám vào hắn, mới trắng trẻo làm sao, tóc xoăn tít, má phấn môi son, không đến nỗi nào - thật là quỉ xa tăng. Suốt đêm ả đã làm cho Nhikipho, cái anh chàng mọi Narưm này, như ả đã gọi anh ta trong cơn hứng ái ân của ả, mệt nhừ đến mức sáng ra anh ta vất vả lắm mới lê nổi gót về tới quán trọ. Mà lanh lợi thì khỏi phải nói, ả cứ như một con sóc vậy! Ả đã kịp vét nhẵn các túi áo túi quần của Nhikipho lúc nào không rõ, có quỉ mới biết. Cũng may mà hắn đã khôn ngoan gói số tiền nong chủ yếu nhất vào chiếc khăn tay và nhét mãi dưới miếng lót chân trong giày ủng da hươu. Nếu không thì đã đi tong, số tiền này hẳn đã rơi vào tay tiểu thư tóc xoăn rồi.
Nhưng dù sao đi nữa ít ra cũng có cái gì để mà nhớ lại! Trong chuyến đi sau hắn sẽ khôn ngoan hơn. Hắn sẽ mang theo vừa đủ tiền để thết đãi chị em, và tất nhiên thêm nữa để trả công... Cô tiểu thư ấy thì cũng cần phải có tiền để mà ăn uống chứ... Với lại cần phải may mặc... Và trau chuốt cái tấm thân nữa... Một khi cô ta chỉ còn những xương là xương - thì hắn cần gì cái của như vậy nữa...
Còn Pôlia thì sao? Hắn đã bắt đầu phát ớn khi nghe cô ta nhắc đi nhắc lại mãi điệp khúc: «Ta bỏ nhà này đi đi anh, bỏ đi đi!» Nhưng mà đi đâu? Và để làm gì kia chứ? Không phải cần bỏ đi, mà cần hất ông bô với bà bô ra khỏi công việc, nắm lấy vào tay mình để hai cụ biết cho là: thời kỳ của hai cụ đã hết rồi, đã đến lúc lên mà nằm sưởi trên mặt bếp lò.
Ước tính xem sẽ sống tiếp ra sao, Nhikipho quyết định không bỏ lỡ cả chuyến đi này để đạt những mục đích của mình, cuỗm lấy một hai hộp, nếu không phải là cá chiên, thì ít ra cũng là cá tầm. Tất nhiên, ông bố sẽ vơ lấy tất cả cho mình: Nhikipho, mọi cái của bố con ta đều là của chung, mà một khi bố chết đi, thì sẽ là của con... Bố chết đi! Cứ chờ cho đến khi nào ông bố chết kia. Ông bố vẫn còn tằng tịu với bọn đàn bà trẻ kia mà... Một điều rõ ràng là: phải thu nắm cái của mình vào tay mình...
Tất cả mọi suy nghĩ của Nhikipho, tất cả mọi tính toán của anh ta liên quan đến thế giới này, đã kết thúc trong một giây thoáng, một phần mười giây thoáng...
...Việc thất bại với «cái hố» làm cho bọn nhà hoạn tức tối đến mụ mẫm điên dại. Hai ngày liền chúng vật vã ở xóm trại, không biết trút cơn tức giận điên cuồng vào đâu. Một món lãi như vậy mà sổng mất! Cánh đàn ông ở Nicônxkôiê đã chơi cho chúng một vố như với những thằng ngu ngốc loại một. Với lão Êpiphan thì có sao nào? Ở đây, ở nơi này lão không lấy được, thì lão sẽ chiếm ở chỗ khác. Lão rầu rĩ vì chuyện mất mát một món tiền, rủ rỉ rù rì bên váy ả Marpha - và chỉ có vậy mà thôi! Lão lại phóng đi tìm kiếm lời lãi ở một nơi khác trên đất Narưm này! Còn với bọn chúng thì sao! Bện thừng - công việc có lãi, khỏi phải nói! Nhưng dù sao đi nữa chẳng có thể nào sánh được với «cái hố» sông, với chuyện đánh liều!
Anh em bọn nhà hoạn quyết định đêm đêm không ngủ, mà bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cho ra ai là kẻ đã tố giác «cái hố» sông với thôn trưởng, ai là kẻ đã mở đường cho dân Nicônxkôiê đến «cái hố» đó.
Trong làng, bọn nhà hoạn bao giờ cũng có «tai mắt» của mình. «Tai mắt» khẳng định:
- Ermôlai không biết ai đã tố giác với thôn trưởng. Bản thân gã cũng rên rỉ như con chó rú rét - gã sợ bị người ta tống cổ đi. Bấy giờ thì gã biết mang bầu đoàn thê tử đi đâu?
Không, không còn ai khác là con dâu lão Êpiphan đã phản bội chúng. Không còn ai khác. Tất nhiên là, chính cả lão lái buôn có thể đã ba hoa, nhưng đúng hơn cả vẫn là con dâu lão đã có lỗi. Có người nào đó đã đến xóm trại, nhất thiết phải có người nào đó. Cái then cổng không ngẫu nhiên lại không ở vị trí cũ. Dù cho cô ấy, con dâu lão Êpiphan có nói đến trăm lần đi nữa rằng không có ai tới cả, nhưng Agáp cảm thấy đã có người tới xóm trại. Một khi không nói ai, có nghĩa là kẻ ấy rời khỏi xóm trại không phải tay không, mà mang theo tin về «cái hố» sông.
Khi lão Êpiphan buồn rầu vì thất bại, phóng xe ngựa về làng với nhân tình nhân ngãi của lão, anh em bọn nhà hoạn họp bàn. Theo tuổi tác Agáp là anh cả, chính hắn mở đầu câu chuyện: như vậy là, các em, liệu có thể tha thứ cho bọn nhà Crivôrucốp về cái tội lỗi như vậy không, một chuyện gần như cướp giật, hay là phạt vạ bọn họ theo bản án: ơn đền ơn, oán trả oán?
- Phải cho lão Êpiphan một trận ra trò vì những quỉ kế như vậy, phải bẻ ngoặt đầu nhét xuống dưới cánh như con gà sống ấy, - thằng em Agây trẻ nhất the thé nói.
- Bản thân lão ta sẽ còn cần đến! Còn đứa con dâu lão chúng ta sẽ đón gặp, số tiền mà ả mang theo, chúng ta sẽ lấy: xét theo ý chúa, thì tiền ấy là của chúng ta. Còn bản thân ả cùng với ngựa, tống cả xuồng hố băng... Đi mà tìm mà gọi! - thằng em hai Agaphôn lên tiếng.
- Chú cứ như nhìn vào óc tôi ấy. Suốt đêm tôi cũng chỉ nghĩ về mỗi một chuyện đó, - Agáp đồng ý. Im lặng một lát, hẳn hỏi thằng em út: - Agây, chú có hiểu các anh của chú tính toán chuyện gì không?
- Có cái gì không hiểu ở đây kia chứ? Hễ các anh bảo, em có thể chặt đầu con mụ ấy, - thằng Agây vì nóng nẩy đứng dậy, vươn dài người đến nỗi xương cốt kêu răng rắc, ưỡn người ra như muốn phô bộ ngực chắc nịch của mình, - sẽ bớt đi được thêm một con mụ đê tiện. Cái nòi thù nghịch!
- Cầu chúa đi các em. Để chúa thượng đế sẽ giúp đỡ chúng ta trong cuộc phán xử công bằng này.
Anh em chúng đứng lên trước các tượng thánh, bằng giọng mũi, chúng bắt đầu đọc kinh.
Bọn nhà hoạn chọn địa điểm để đón gặp Pôlia với số tiền cô mang theo, ở chỗ con đường ngoặt vào xóm trại. Từ các ngả, địa điểm này bị rừng phủ kín và che khuất mắt người lạ. Nhưng về cái khoản người lạ thì chẳng đáng gì phải lo lắng cho lắm: nơi đây chỉ có bản thân bọn nhà hoạn đi lại, thêm tên cảnh sát trưởng tù Narưm lui tới hai ba bận suốt cả một mùa đông, và cuối cùng là lão Êpiphan Crivôrucốp.
Để giết người ở đây có lẽ còn có một điều thuận lợi chủ yếu nhất nữa: cách đường cái khoảng hai chục xagiên có một con suối từ bờ dốc đổ xuống dòng sông. Con suối này có lẽ thuộc những con suối chảy ra từ lòng đất sâu, sôi sục trong lòng đất như trong ấm xamôva. Một lỗ nước lớn trên băng bốc hơi ở đây, và qua màn hơi thấp thoáng những cột nước tung tóe, màu đất sét vàng vàng. Có thể hất xuống vũng nước ấy không chỉ một người với quần áo và ngựa với yên cương giây thắng, mà cả làng cả xóm cùng với gia súc, của cải.
Nhikipho nghỉ lại dọc đường rất ít. Thậm chí đêm hôm cũng chỉ dừng lại ở quán trọ để nghỉ ngơi một chút ít mà thôi. Đến đoạn cuối đường đi, con Pegarơ mệt nhoài và chỉ khi bị roi quất mới chuyển sang nước kiệu. Cả bản thân Nhikipho cũng mệt - buồn ngủ không cưỡng lại được. Anh ta nhắm mắt và lại mở ra ngay. Lối ngoặt rẽ vào xóm trại sắp tới rồi và điều đó buộc anh ta phải nhìn về xa.
Anh ta ngồi sâu trong xe, trùm chiếc chăn cũ kỹ kín từ đầu đến chân. Gió thổi gay gắt, tung tuyết lên mù mịt. Bầu trời trước lúc tối hẳn sầm sì, và mặt trăng chìm trong những đám mây đen.
Đột nhiên con ngựa dừng lại, dạt sang bên, càng xe kêu răng rắc dưới cái thân nặng nề của con ngựa. Bằng một nhát dao đi săn, Agáp đâm xuyên vào cổ ngựa. Cùng trong giây lát đó trong tay thằng Agây vút lên lưỡi rìu bổ củi nặng nề, và đầu rìu đã bửa đôi sọ Nhikipho...
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Xibiri
Ghêorghi Markốp
Xibiri - Ghêorghi Markốp
https://isach.info/story.php?story=xibiri__gheorghi_markop