17 - Học Trò Hoằng-Hóa, Cô Ả Tuyên-Quang
hi đến một cánh đồng nọ thuộc Tuyên-quang, Cống Quỳnh thấy một cô gái đứng coi một đám thợ gặt lúa. Cô này xem bộ có vẻ chanh chua hách dịch, thỉnh thoảng lại la người này hét người kia. Quỳnh đứng ngắm một lúc, rồi chạy lại xin đon (bó) lúa. Cô ả hất hàm, kiêu ngạo lên mặt hỏi: « Chú ở đâu mà đến xin với xỏ ».
Quỳnh ra bộ lễ phép: « Dạ thưa chị, em là học trò nghèo ở Hoằng-hóa qua đây, mong chị làm ơn làm phúc cho ».
Cô ả cười nói: « Chú là học trò à, học trò thử làm một bài thơ xem nào? »
Bọn thợ gặt thấy lạ, ai nấy đều dán con mắt nhìn xem tấn kịch ngắn sẽ diễn ra làm sao. Quỳnh thấy vậy, bụng bảo dạ: « Được, con ranh mày sẽ biết tay tao! »
Đoạn đằng hắng lấy giọng: « Dạ thưa chị, em đọc ạ! »
- Ừ, đọc đi!
Quỳnh đọc thật lớn tiếng, chú ý cho mọi người nghe rõ:
Tuyên-quang Hoằng-hóa cũng thì vua.
Nắng cực cho nên bị mất mùa.
Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị.
Chị nỡ lòng nào chị chẳng cho.
Nghe đến những tiếng « nắng cực » như « xin xỏ » ai nấy đều bưng miệng mà cười. Cô ả biết bị anh chàng chơi lỡm, và cảm thấy xấu hổ với đám thợ đang gặt, nên vội rút lui về một mách. Nhưng bị Quỳnh chạy theo níu lại: « Nắng cực quá, em đến xin xỏ chị, bảo làm thơ, thơ đã làm rồi, chị có cho không, chứ để đứng đây thì nắng cực chết mất ».
Cô ả phải xuống nước, xách một đon lúa cho Quỳnh và năn nỉ mãi Quỳnh mới đi cho. Sau câu chuyện này, có người cho biết anh học trò xin lúa và làm thơ ấy không ai khác hơn là Cống-Quỳnh, cô ả nghĩ lại càng thẹn thò với chúng bạn và những người xung quanh hơn nữa, chưa kể đến chuyện bị cha mẹ và họ hàng la rầy… âu đây cũng là một bài học cho đám chị em sống cùng thuyền cùng hội… nhất là bọn tiểu thư thường hay có tánh phách lối và lên mặt làm tàng trong khi chẳng có tí tẻo gì là nhân phẩm nhân cách.
Trạng Quỳnh Toàn Tập Trạng Quỳnh Toàn Tập - Ngô Lăng Vân Trạng Quỳnh Toàn Tập