Chương 18 - Vì Sao Một Số Người Lớn Cuối Cùng Dám Đoạn Tuyệt Với Các Định Kiến
ố Tix-tu, như các bạn thấy trong suốt cuốn truyện này, là một người quyết đoán nhanh. Vậy mà lần này, ông mất ít ra cũng một tuần để suy nghĩ về tình thế xảy ra và cách đương đầu với nó.
Được các kỹ sư giỏi nhất quây lại giúp đỡ, ông mở nhiều phiên họp để tìm lối thoát, ông Tru-na-đix cũng tham gia những cuộc họp này. Rồi một mình trong phòng, hai tay ôm đầu, ông suy tính hàng giờ vẫn chưa ra. Vừa suy nghĩ, ông vừa ghi chép, nhưng ghi xong lại xé đi ngay.
Sự thể có thể nói gọn thế này: “Tix-tu có hai ngón tay cái xanh, em sử dụng hai ngón tay cái xanh ấy, và trong khi sử dụng chúng, em đã làm ngừng trệ nhà máy Mi-rơ-poan”.
Dĩ nhiên, các bộ chiến tranh và các tướng chỉ huy vốn mua hàng của nhà máy liền huỷ đơn đặt hàng và các hợp đồng đã ký kết.
- Thà giao dịch với người bán hoa còn hơn! - Họ nói.
Một giải pháp nảy ra trong óc mấy vị thiếu khả năng tưởng tượng: giam Tix-tu vào ngục, vì em phá rối trật tự, thông báo trên báo chí rằng kẻ phản loạn đã bị bắt, đổi cho các khách mua những khẩu pháo nở hoa bằng những khẩu pháo đúng kiểu hiện đại, gửi cho tất cả các tướng lĩnh một thông báo nói rõ nhà máy trở lại sản xuất như trước đây.
Nhưng ông Tru-na-đix, chính mồm ông ta nói ra, phản đối giải pháp đó.
- Đâu có dễ gượng dậy sau một cú như vậy! - Ông nói, tiếng không oang oang nữa - Người ta sẽ bán tín bán nghi rất lâu đối với sản phẩm của chúng ta. Bỏ tù Tix-tu cũng chẳng ăn thua gì. Nó sẽ cho sồi mọc lên trong tù, rễ sồi phá vỡ tường và nó sẽ thoát. Con người làm sao đối đầu với sức mạnh tự nhiên được!
Ông Tru-na-đix thay đổi quá nhiều! Từ hôm ông ngã nhào trong phòng khách, tai ông thính ra, giọng ông dịu hẳn. Với lại… sao lại không nói? Ông Tru-na-đix rất khổ tâm khi tưởng tượng Tix-tu mặc áo tù, đi loanh quanh trong phòng giam, cho dù là một phòng hoa lá tươi nở. Nhà tù chỉ là một trong những sự vật mà người ta thản nhiên nói tới khi nó liên quan đến những người không quen biết. Nhưng cơ sự sẽ khác hẳn khi đấy là một câu bé mà người ta yêu quý.
Dù từng quở trách em, cho em điểm không, tát em, nhưng vừa nói đến tù tội, ông Tru-na-đix đã phát hiện ra rằng ông rất quý Tix-tu, rất gắn bó với em, và phải xa em thì khó lòng chịu nổi. Những người hay to mồm đôi khi như vậy đấy.
Vả chăng, bố Tix-tu hoàn toàn bác lại việc bỏ tù em. Bố em là một người tốt, như chúng tôi đã thưa với các bạn. Ông là người tốt và là lái súng. Mới xem, hai điều đó có vẻ không thể đi đôi. Ông sung bái con ông và sản xuất vũ khí để làm cho con em đồng loại hoá thành côi cút. Việc này xem ra khó tin được.
- Chúng ta từng mong giành được hai thắng lợi. - Ông nói với vợ - Chế tạo được những vũ khí tối tân nhất, tốt nhất và đào tạo Tix-tu thành một đứa con hạnh phúc. Hình như hai chuyện đó không thể đi cùng!
Mẹ Tix-tu là một phụ nữ hiền hậu, xinh đẹp và duyên dáng. Một con người tuyệt diệu. Bà lắng nghe chồng nói một cách thích thú và sùng kính. Từ khi xảy ra sự kiện cuộc chiến tranh bất thành của dân Va-dy, bà mơ hồ cảm thấy mình phần nào có lỗi mà không hiểu vì sao. Người mẹ nào cũng cảm thấy mình phần nào có lỗi khi con mình quấy rối cuộc sống của người lớn và do lỗi đó mà dễ bị phiền luỵ.
- Anh ơi, vậy làm sao bây giờ? – Bà hỏi.
- Tôi lo cho số phận Tix-tu thế nào thì cũng lo cho số phận nhà máy như thế. Chúng ta đã mường tượng tương lai của con. Chúng ta nghĩ rằng nó sẽ nối nghiệp tôi như tôi từng nối nghiệp ông nội nó. Con đường đã được vạch ra rõ ràng, nào sự giàu có, nào sự kính nể…
- Đấy là một định kiến anh ạ.
- Phải. Một ý nghĩ có sẵn và rất tiện lợi. Giờ ta phải tạo ra những tư tưởng khác. Con chúng ta không có sở trường về nghề sản xuất và kinh doanh vũ khí.
- Xem ra nó có khiếu làm vườn.
Ông bố chợt nhớ mấy lời nhẫn nhục của ông Tru-na-đix: “Con người làm sao đối đầu với sức mạnh tự nhiên được”.
“Đương nhiên, con người không đối đầu với sức mạnh của tự nhiên được, nhưng có thể sử dụng sức mạnh ấy để phục vụ bản thân mình.”
Ông đứng lên, đi ba bước trong phòng, rồi quay lại, tay kéo gấu áo gi-lê.
- Em ạ, đây cũng là quyết định của anh.
- Em tin quyết định đó là sáng suốt. - Bà mẹ thốt lên, mắt đỏ hoe bởi vì lúc ấy, mặt ông bố quả thật lộ ra vẻ anh hùng, xúc động và tóc ông lấp lánh hơn mọi khi.
Ông tuyên bố:
- Chúng ta sẽ biến nhà máy chế tạo súng thành nhà máy chế tạo hoa.
Những chính khách lớn có cái bí quyết thay đổi đột ngột và điều chỉnh mau lẹ trước rủi ro.
Bố Tix-tu nói là làm ngay. Kết quả thật vang dội.
Trận đánh mà đạn toàn là hoa vi-ô-lét và hoa mao lương đã làm chảy không biết bao nhiêu mực trên khắp thế giới. Tất cả những sự kiện trước đây, những đợt nở hoa bí hiểm, cho đến tên mới của thành phố, Mi-rơ-poan – thành-phố-hoa, đều góp phần vào, đều nhằm mục đích là sự nghiệp mới mẻ này.
Được giao việc quảng cáo, ông Tru-na-đix cho dăng ngang lên các đường ở ngoại ô những tấm băng lớn, trên đó người ta có thể đọc:
Hãy trồng những loài hoa
Nội một đêm đã nở!
Hay là:
Hoa của Mi-rơ-poan
Mọc được ngay trên thép.
Nhưng khẩu hiệu hay nhất của ông nhất định là câu:
“Hãy nói không với chiến tranh
Nhưng nói bằng hoa bạn nhé!”
Khách khắp nơi lại đổ tới, và ngôi-nhà-lấp-lánh lại phồn thịnh như xưa.
Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh - Maurice Druon Tix-Tu Ngón Tay Cái Xanh