Tình Buồn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 18 -
hông gian: Trùng Khánh
Thời gian: Năm Dân Quốc thứ 32 (1943)
Liễu kia gục mặt âu sầu
Lục bình hoa nọ rầu rầu trôi sông
Cơn gió thoảng, cuốn mây hồng
Hợp rồi tan ấy, còn không mấy ngờ!
Bóng tối len lỏi vào căn phòng lặng lẽ.
Minh Viễn ngồi trên giường tựa lưng vào cửa sổ, chăm chú khâu chiếc vớ bị thủng nhiều lỗ. Vương Hiếu Thành cặm cụi sửa cái harmonica cũ rích của chàng. Đồ đạc bầy ngổn ngang trên bàn. Ráp mãi mà không được Hiếu Thành lẩm bẩm chửi thề.
Chiều càng đi bóng tối càng ngập cả căn phòng. Một tiếng bốp vang lên rồi tiếng chửi thề của Hiếu Thành:
- Quỉ sứ này!
Minh Viễn giật mình, kim chích vào đầu ngón tay, chàng ngẩng lên bất mãn hỏi:
- Mầy làm gì vậy?
Hiếu Thành vẫn gầm đầu:
- Đánh muỗi chứ làm gì.
Một tiếng bốp khác tiếp theo, rồi tiếng thề thốt của Hiếu Thành:
- Một ngày nào đó, tao sẽ giết sạch mấy con muỗi này, nếu không, không thèm mang cái họ Vương này nữa.
Minh Viễn thắt lại mối chỉ rồi cắt. Chàng đưa chiếc vớ lên trước cửa sổ ngắm nghía rồi nói:
- Vậy, mầy nên đổi họ ngay bây giờ là vừa.
Chàng lột chiếc vớ vừa vá xong ra, lấy chiếc khác xỏ tay vào rồi đếm:
- Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám. Tám cái lỗ, tao đoán chắc mấy con chuột đã làm tổ trong tủ tao.
Hiếu Thành gọi:
- Viễn, thắp đèn lên coi mầy.
- Đâu còn dầu mà thắp.
Minh Viễn bắt đầu xỏ kim. Xỏ qua, xỏ lại, không được, chàng ngồi thẳng dậy ưỡn ngực nói:
- Vẽ mười bức tranh cũng không khổ bằng vá một chiếc vớ.
- Cái đó mà cũng gọi là vớ nữa. Lưới cá thì có chứ vớ gì. Mầy chớ tao không thèm ngồi vá cho đui mắt như vậy.
Minh Viễn nhún vai:
- Mầy có tiếp tế, tao có gì đâu.
Bỗng có tiếng hỏi ở cửa:
- Tiếp tế của ai vậy?
Rồi một bóng người bước vào, dáng thấp nhỏ con, mắt lớn, mặt có vẻ liếng thoắng, hắn nói:
- Thành, mày có tiếp tế hả, sướng quá vậy.
- Sướng cái gì, chủ nhật rồi mà còn bị giam đầu trong ký túc xá?
Anh chàng mới bước vào lên tiếng tiếp:
- Còn mấy người kia đâu?
Minh Viễn đáp:
- Chúng đi bách phố và vào quán hết rồi.
Cuối cùng Minh Viễn xỏ chỉ được vào kim. Chàng thở ra thật dài:
- A Di Đà Phật!
Tiếng đà phật vừa dứt thì chàng nhỏ con khi nẫy đến giựt phắt chiếc vớ và kim chỉ, một mặt la to:
- Vá làm cái gì đó mày, đi coi kịch đi.
Xỏ được sợi chỉ suýt phải mang kính cận, thế mà cái thằng ấy lại phá hỏng nên chàng tức tối quát:
- Cái thằng La này, tao đập cho mày biết taỵ Tao đi lấy vớ mày mang cho mà coi.
Thằng La cười ha hả:
- Vớ tao vứt hết rồi. Mầy thấy bắt đầu tuần trước tao đâu có mang vớ?
Hiếu Thành hỏi:
- Kịch gì?
- Vở Khuê Oán do Giang Thôn và Thư Tú Văn đóng, thế mới đáng coi chứ.
Hiếu Thành chán nản:
- Đáng cái gì? Không có một xu dính túi mà đáng?
Thằng La làm ra vẻ:
- Tụi mầy coi, tao hóa phép.
Nói xong hắn thọc tay vào túi áo, mò mẫm một lúc, rút ra hai cái vé.
- Cái gì đây tụi bây?
Hiếu Thành chau mày:
- Mầy kiếm đâu ra vậy?
Mộc Thiên cầm vé lên xem, đoạn đặt lên bàn thất vọng:
- Tao biết mà, mầy chỉ đóng kịch thôi. Thành, mầy xem đây, vé tuần trước mà nó đem nhử bọn mình đó. Mau trả vớ tao mầy, tao chỉ còn mỗi một đôi đó nhé.
La cầm vé lên, giọng lạc quan:
- Tụi mầy ngu xuẩn quá. Người ta vào, mình cũng chen vào. Tháng soát vé rạp Quốc Thái tao quen lắm, không sợ bị bại lộ đâu. Người ta nói tuồng Khuê Oán hay lắm, không đứa nào đi thì tao đi một mình.
Nói dứt lời, La bỏ đi ngaỵ Hiếu Thành gọi lại:
- Khoan, chờ tao tí.
Thành quay sang Minh Viễn:
- Còn mầy sao? Đi không?
- Hai vé làm sao đi ba được?
La giục:
- Thì cứ đi rồi biết, không sao đâu.
Viễn hoài nghi:
- Có tiền đi xe không?
La cười:
- Mình là đàn ông, trời sinh ra cặp giò làm gì?
Mộc Thiên tiếp:
- Từ đây đến Quốc Thái đi bộ mất ít nhất hai giờ, nếu vào không được mà trở về thì thật là phí công.
La vứt chiếc vớ của Viễn lên giường:
- Một việc nhỏ mà cũng tính đi suy lại như mầy thì thà rằng chết đi còn hơn. Tụi mầy có muốn đi hay không nói mau lên?
Hiếu Thành đáp:
- Đi chớ. Ở hoài trong ký túc xá chán. Nếu không xem được, bọn mình xem như là đi một vòng dạo phố, có gì đâu, đi mầy Viễn.
Minh Viễn nhìn hai người. Chàng nghĩ rằng nếu có ở nhà cũng chỉ làm mồi cho muỗi, chi bằng thiểu số phục tùng đa số. Viễn liền đi thay đồ. Ba người đi ra bằng ngõ sau của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Từ trường đến Trùng Khánh có hai lối, một đến Bàn Khê, cầu Hóa Long sẽ đến Trùng Khánh. Đường khác đi đến chùa Tướng Quốc, qua đò trên sông Ngưu Giác, rồi vượt khỏi chùa Thượng Thạch, cửa Lương Lộ, ải Quan âm, đường Dân Sinh là đến thành phố. Nếu đi theo lộ trình một thì hơi xa nên đa số sinh viên nghèo đi theo lộ trình hai.
Ba người bắt đầu lên đường. La trông tươi hẳn lên vì nó là thằng thích xem kịch nhất. Bao nhiêu vở kịch trình diễn tại Trùng Khánh nó không bỏ qua một vở nào. Mười lần La vô xem là chín lần vô lậu. Bàn về nghệ sĩ nó thuộc làu làu. Người nào đẹp, người nào giỏi, người nào hát hay, nó nói huyên thuyên không hết. Trong số ba người, Minh Viễn là người trầm lặng ít nói nhất, Hiếu Thành cũng không mấy hoạt bát nên dọc đường chỉ có La oang oang cái miệng.
Đi đến đường Dân Sinh, rẽ sang Phu Tử Miếu để đến rạp Quốc Thái. Trong khi đang đi La bỗng thúc cùi chỏ vào hông Hiếu Thành nói:
- Mầy có thấy con bé tóc thắt bím đi đàng trước kia không?
Thành nhìn trước hỏi:
- Ai vậy?
- Hoa khôi Sa Bình Bá đó mầy. Cha nàng là một nhà thơ nổi tiếng nhưng đã chết cách đây mấy năm rồi.
Hiếu Thành hỏi:
- Mầy rành quá nhỉ Nhà nàng bây giờ làm nghề gì?
- Chẳng làm khỉ gì cả. Gia tài có mấy mẫu ruộng sống qua ngày thôi. Năm này nàng ta thi tú tài, nghe nói sinh viên đại học Trung Ương theo nàng như đỉa đói. Nàng cũng khá dễ dãi, thường giao thiệp với sinh viên. Tao đã gặp nàng hai lần rồi, nếu tụi mầy muốn tao giới thiệu cho.
Minh Viễn cản:
- Thôi quen biết làm gì?
La nhìn Minh Viễn gắt:
- Mầy là thằng sợ gái. Mầy không muốn thì tao giới thiệu cho Hiếu Thành chứ có gì đâu?
Nói dứt lời La kéo Thành đi nhanh về phía trước và gọi:
- Phương Trúc, đi đâu vậy?
Người con gái dừng lại cười tự nhiên:
- Định đi xem kịch ở Quốc Thái, đi trễ thế này có lẽ hết vé rồi.
Thằng La ba hoa:
- Chúng tôi cũng đi xem kịch đây. Mời Trúc tháp tùng với chúng tôi cho vui, chúng tôi có mua dư một tấm vé.
- Phiền các anh lắm.
Miệng cô ta nói phiền, thật ra trong lòng lại muốn đi chung, chỉ nhìn cái nụ cười thản nhiên đượm vẻ sung sướng cũng đủ hiểu. Nàng nói thêm:
- Lý ra tôi cùng đi với mẹ nhưng vì bà bận không đi được. Mọi người đều khen hay nên tôi phải đi một mình.
- Hiếu Thành và Minh Viễn, hai sinh viên xuất sắc nhất của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật.
Hắn nhe răng cười thích chí rồi thêm:
- Chúng siêng học lắm, không lười như tôi đâu.
Phương Trúc cười duyên với hai người. ánh mắt mơ màng mang đầy sắc thái đa tình. Minh Viễn ít khi tiếp xúc với con gái, nên khi gặp thì mặt đỏ bừng lên. Bởi vậy, đối diện với người con gái đẹp này, chàng ta càng luống cuống hơn, không nói được lời nào. Hiếu Thành lên tiếng:
- Thôi chúng ta đi.
Bốn người đi thành hàng ngang. La bắt đầu tán tỉnh về vở Khuê Oán. Hắn chưa xem bao giờ nhưng nói thao thao bất tuyệt như đã xem đâu hàng chục lần không bằng. Nào đào chánh hay làm sao, kép chánh điêu luyện thế nào, hắn còn diễn tả ngay phản ứng của khán giả:
- Vở kịch đang đến hồi gây cấn, dưới sân khấu im như tờ, mọi người đều ứa nước mắt. Thật cảnh và người xem ăn khớp làm sao...
Phương Trúc nghe kể hay quá nhịn không được hỏi:
- Anh đã xem mấy lần rồi?
Hắn giật mình:
- Chưa xem lần nào.
Nàng ngạc nhiên:
- Vậy sao anh biết rõ thế?
Hắn đáp gọn:
- Quảng cáo trên báo thiếu gì.
Phương Trúc cười, Minh Viễn và Hiếu Thành cũng cười theo. Minh Viễn lén kéo tay Hiếu Thành nói nhỏ:
- Bọn mình chưa chắc đã vào được, thế mà hắn còn kéo thêm cô gái này nữa thì tính làm sao đây?
Hiếu Thành đáp:
- Tao làm sao biết.
Đến rạp Quốc Thái người xem chật ních, chen chúc nhau, đa số là sinh viên và học sinh. Vào cửa La để Phương Trúc đi trước nhất, tiếp đó là Minh Viễn và Hiếu Thành, hắn đi sau cùng. Phương Trúc và Minh Viễn đi vào tự nhiên, đến lượt Thành và La thì hắn liền nhét vội hai vé giả vào tay người soát vé rồi đẩy Thành để thừa cơ hội chui vào được. Nào ngờ Thành chậm chân, người soát vé thấy họ lại liền kêu lên:
- Bốn người này đều không có vé.
Phương Trúc nhìn Minh Viễn rồi nhìn La, hắn đứng ngượng người. Bọn họ đứng chắn lối, những người sau vào không được nên la ó ỏm tỏi. Phương Trúc đã hiểu việc xảy ra. Nàng mở ví định lấy tiền trả thì bỗng một bàn tay chen vào chìa trước mặt người soát vé bốn tấm vé đặc biệt và lên tiếng, tiếng nói của người thanh niên trầm trầm.
- Vé của bốn người này sao lại không?
Người soát vé ngơ ngác, xé xong vé, ông phàn nàn:
- Có vé lại không chịu đưa đùa vừa thôi chứ.
Bốn người đi vào, quay lại nhìn người đã giúp. Đó là gã thanh niên cao hơi gầy, mặc bộ đồ xám. Cặp mắt sâu và đen nổi bật dưới lớp da trắng trông có vẻ một nhà hiền triết. Hắn ta nhìn bốn người mỉm cười một cách thành thật. Phía sau chàng ta là một bọn trai gái đồng lứa, không biết họ là sinh viên trường nào. Bọn La lấy của họ bốn cái vé vô cớ nên đang áy náy nhìn họ, liền khi đó, trong đám người của chàng trai mạnh thường quân ấy có một anh mập, tay cầm quạt, mồ hôi nhễ nhại bước ra, nắm tay La cười nói:
- Cũng là mầy, lại tái diễn cái trò cũ, còn dám dẫn gái đi nữa chứ.
Nói dứt lời hắn quay sang Phương Trúc:
- Cô còn nhớ tôi không?
Nàng gật đầu mỉm cười:
- Dạ, xin lỗi anh là Ngô?
La gặp được tên mập, hắn vội vã hơn:
- Gì mà gọi “Anh Ngô” hãy gọi nói là Ngô mập. Nếu không, cô có gọi nó, nó cũng chẳng biết là gọi ai nữa.
Ngô mập hớn hở cười, một mặt kéo anh chàng gầy khi nãy đến trước mặt mọi người giới thiệu:
- Nãy giờ, toàn là người quen hết cả. Đây là Hà Mộc Thiên, người mời xem kịch hôm nay, cũng là người sang nhất của phân khoa chúng tôi. Hôm nay nhà ảnh mới gởi tiền cho nên bọn tôi hè nhau bắt dẫn đi xem kịch. May là có mấy đứa vắng mặt kẻo không bọn này chỉ còn cách đứng ngoài xem hình quảng cáo mà thôi.
Mộc Thiên vẫn mỉm cười nhìn bọn Minh Viễn. Ngô mập lại kéo thêm ba người đến giới thiệu tiếp.
- Đây là “tam bảo” của phân khoa chúng tôi. Qúy vị khỏi cần gọi tên gì, cứ gọi Nhất Bảo, Nhị Bảo, Tam Bảo thì được rồi. à, còn Đặc Bảo đâu, Đặc Bảo ơi, Đặc Bảo.
Một trong tam bảo đánh Ngô mập một cái thật mạnh:
- Nơi đám đông mà mày cứ oang oang cái miệng như thế?
Ngô mập nhìn quanh quất không tìm ra Đặc Bảo. Hắn liền kéo hai cô đứng cạnh Mộc Thiên đến giới thiệu với bọn La, một cô thì ốm như lòng tong, da ngâm đen, ngực lép xẹp, mặc bộ đồ không mấy đắc giá. Ngô mập cho biết nàng là Hứa Hạc Linh. Cô còn lại có thân hình tròn trịa, nẩy nở. Mặt tròn nhỏ, cặp mắt lớn thau láu. Hai đồng tiền khi ẩn khi hiện trên nước da mịn màng trông thật dễ yêu. Ngô mập nhe răng cười:
- Đây là Tiểu Yến, hoa khôi của ban việt văn, chúng tôi thường gọi cô là Tiểu Phi Yến. Gọi thế nhưng rất sợ, vì sợ Yến sẽ chớp cánh bay mất.
Mọi người đều bật cười, Tiểu Phi Yến cũng cười theo. Nàng trợn mắt nói:
- Anh mà không giữ lấy đức, coi chừng miệng anh sẽ mọc mụt có ngày.
Ngô mập không đáp lời nàng lại kêu La:
- La, bây giờ tới phiên mày giới thiệu đi chớ.
La giới thiệu bạn mình cho bên Ngô mập biết, xong họ đi vào rạp tìm chỗ ngồi. Mộc Thiên sang thật mua toàn ghế thượng hạng. Ngồi xong Minh Viễn kéo tay áo Hiếu Thành nói nhỏ:
- Kỳ quá để bọn trung ương mời mình.
Hiếu Thành thản nhiên:
- Thì lần sau mình mời lại bọn chúng có gì đâu.
Bên trái Phương Trúc là thằng La, bên phải là Mộc Thiên. Nàng lặng thinh không nói. Nàng biết rõ sự hiềm khích giữa sinh viên đại học Trung Ương và sinh viên Cao Đẳng Mỹ Thuật. Bọn Trung ương cho rằng mình là sinh viên chính thức nên khinh rẻ bọn Mỹ Thuật. Bọn Mỹ Thuật vừa nghèo lại vừa ngông. Thế mà hôm nay, hai bọn chơi thân nhau thật là chuyện không thể lường được. Như thế, sự hòa hợp này đều do Mộc Thiên mà ra. Nghĩ đến đây, nàng liền quay sang Mộc Thiên. Bóng chàng nhìn ngang, cái mũi cao, cặp mắt thâm sâu, môi mỏng nhưng trông có vẻ cương nghị, Ngô mập lại ồn ào trong đám đông, rồi một bao hạt dưa từ góc bên kia chuyền lại. Mộc Thiên hốt một nắm rồi đưa Phương Trúc, nàng hốt xong đưa qua thằng La, La thảy lại cho Minh Viễn nói lớn:
- Con gái mới ăn hạt dưa. Ai có “Ngũ hương đậu hũ can” cho tôi xin một tí.
Cả bọn sinh viên Trung ương cười rồ lên. Thì ra, Hứa Hạc Linh nước da đen lại thêm cái ngực bằng phẳng nên bọn con trai đã gán cho nàng cái tên đau khổ “Ngũ hương đậu hũ can”. Thằng La chẳng hiểu trời trăng gì, thấy mọi người cười cứ ngỡ là chúng chế hắn không có tiền mua đậu hũ can nên ngướn cổ cãi:
- Có gì đâu phải cười? Bọn sinh viên Mỹ Thuật chúng tôi, nam thì nghèo, nữ lại xấu, việc này quá hiển nhiên ai không biết mà phải cười. Mà nghèo cũng chẳng có tội tình gì cơ mà. Tôi mà có tiền, ngũ hương đậu hũ can có mấy lăm xu đâu, sẽ mua đủ cho mọi người.
Cả bọn đã hết cười, nghe La nói thế lại ôm bụng cười hơn. Hạc Linh tức xanh mặt nhưng không dám nói gì chỉ biết lấy mắt kính xuống lau rồi đeo lên, rồi lại lấy xuống lau, rồi đeo lên, cứ thế. Tiểu Yến tức dùm cho bạn nên hứ một tiếng rồi nói lớn:
- Trò chơi gì vậy? Hôm nay đi gặp ngày không tốt.
Thằng La tưởng Tiểu Yến mắng nó nên ngướn cổ:
- Tôi đâu phải nói cô.
ý của La là muốn nói đến những sinh viên Mỹ thuật xấu, thế thì Tiểu Yến đâu phải xấu mà lại lên tiếng. Nào ngờ, hắn vừa dứt lời thì bọn sinh viên Trung Ương cười ngặt nghẽo, có đứa cười đến nỗi chảy nước mắt, Tiểu Yến đỏ mặt:
- Đúng là ngày xấu nên mới gặp người không biết phép lịch sự tí nào.
La chau mày, ngơ ngác quay sang Minh Viễn hỏi:
- Sao lạ vậy? Ai là người không biết phép lịch sự hở mầy?
Mọi người càng cười hăng thêm. Minh Viễn chẳng hiểu tích sự gì nhưng đóan là La đã chạm tự ái kẻ khác nên nói:
- Thì mày chứ còn ai nữa.
Thằng La đưa tay sờ đầu, quay lại thấy Mộc Thiên đang nhìn nó mỉm cười có vẻ thích thú. Nó gục gặc đầu lẩm bẩm:
- Bị chửi cũng chẳng sao, đừng để người ta mời mà không trả nợ thì được.
Mọi người lại cười lên. Ngay lúc đó, tiếng chuông reo, tấm màn đỏ từ từ kéo lên. Mọi người trở nên im bặt nhìn bối cảnh trên sân khấu. Phương Trúc cắn hạt dưa, Nàng cảm thấy có ai không nhìn lên sân khấu mà lại nhìn mình. Nàng liền quay đầu lại thì bắt gặp đôi mắt suy tư mơ màng của Mộc Thiên. Tim nàng đập nhanh, mặt tự nhiên phát nóng. Nàng nhìn trở lại lên sân khấu.
Buổi trình diễn mãn, mọi người đổ xô tranh nhau ra về. Cốt truyện vẫn còn vương vấn trong lòng mọi người chưa dứt. Mộc Thiên mời bọn thằng La cùng đáp xe về Sa Bình Bá nhưng nó từ chối vì lý do:
- Trăng thanh gió mát, cảnh nên thơ dường ấy phải đi bộ để thưởng thức mới được.
Do đó họ chia tay rẽ về hai lối, La vỗ vai Mộc Thiên:
- Hôm nay nhận tình anh, hôm nào có tiền tôi phải mời lại anh mới được. Còn Phương Trúc nhờ anh đưa nàng về hộ.
Mộc Thiên tiễn bọn thằng La đi được một quãng xa mới quay lại nhìn Phương Trúc. Nàng cũng đang nhìn chàng. Mộc Thiên vừa bắt gặp ánh mắt mơ mơ như trăng mờ đêm thu thì nàng đã vội vàng khép kín dưới làn mị Chàng ngây ngất tựa hồ đang bị một hiện tượng siêu hình nào làm mê hoặc, tiếng Ngô mập lại vang lên:
- Còn không đi đón xe, đứng đây làm gì?
Chàng như người vừa tỉnh giấc. Cả bọn đến trạm xe.
Bọn thằng La thả bộ tha hồ hứng gió mát chân dẫm lên trăng vàng. Chúng đi về hướng ải Quan âm và cửa Lưỡng Lộ, La nhún vai nói:
- Tao thích thằng Mộc Thiên lắm, nó biết chơi tốt với anh em.
Minh Viễn cãi:
- Tốt cái gì? Tao ghét cay đi. Nó là thằng công tử bột không hơn không kém. Người ta mua vé vào xem kịch, ngược lại nó vào để nhìn Phương Trúc.
Thằng La hỏi:
- Sao mầy biết? Chắc nãy giờ mầy nhìn hai đứa nó chứ đâu có xem kịch.
Minh Viễn hứ một tiếng:
- Đừng nói bậy, tao không ưa cặp mắt lại cái của nó.
La bênh vực:
- Có cặp mắt đẹp đâu phải là chuyện bậy? Tao thì thích cái con mắt vừa đen vừa sâu ấy. Nó cho người ta cảm giác...
Nó nghĩ một lát rồi nhảy cỡn lên sung sướng:
- Phải rồi! Một cảm giác mơ mộng.
Minh Viễn chau mày:
- Thơ mộng, mầy cái gì cũng thơ mộng. Phải dùng chữ cho đúng chớ.
Hiếu Thành chen vào:
- Thôi đừng cãi nữa. Tao ở cửa giữa thấy Phương Trúc đẹp như con đào chánh hôm nay.
Thằng La gục gặc đầu:
- Thư Tú Văn phải không? Tao cũng thấy giống ghê.
Minh Viễn không nói, trong đầu chàng hiện lên hai đôi mắt: của Phương Trúc đầy mơ và dịu còn của Mộc Thiên thì thâm sâu. Hai cặp mắt cứ tiến lại gần nhau...
Chàng lắc đầu thật mạnh, cố xua đuổi cái ý tưởng kỳ lạ ấy rồi đi thật nhanh dường như có ai thúc giục bên chàng.
Tình Buồn Tình Buồn - Quỳnh Dao Tình Buồn