Ruồi Trâu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 11
ậy tôi không...thể gặp mặt ông ta trong vùng núi được ư? Gặp ở Bơ-xi-ghê-la thì nguy hiểm quá.
- Chỗ nào ở Rô-ma-nha cũng đều nguy hiểm cho anh cả. Chính lúc này chỉ có Bơ-xi-ghê-la là nơi an toàn nhất.
- Tại sao?
- Tại sao à?... Anh chớ để cho lão áo xanh kia trông thấy mặt: Hắn là một đối tượng rất nguy hiểm... Phải, trận bão vừa qua thật khủng khiếp. Tôi chưa bao giờ thấy nho bị huỷ hoại nhiều như thế!
Ruồi trâu đặt hai tay lên bàn, đầu gục hẳn xuống, trông như một người hoặc đã kiệt sức hoặc đã quá say. " Đối tượng rất nguy hiểm" mặc áo xanh liếc nhìn gian phòng. Hắn chỉ nhìn thấy hai người nông dân đang nói chuyện về mùa màng cạnh một bình rượu vang và một người dân miền núi ngái ngủ gục đầu xuống bàn. Những cảnh như thế thường xảy ra luôn trong những quán rượu ở nơi hẻo lánh như vùng Ma-ra-đi này. Gã mặc áo xanh hình như cho rằng ở đây chẳng có gì lạ bèn nốc một hơi cạn chén rượu rồi lắc lư bước ra phòng ngoài. Hắn tỳ tay vào quầy hàng, uể oải nói chuyện với chủ quán, thỉnh thoảng lại liếc qua khung cửa bỏ ngỏ, nhìn về phía ba người ngồi quanh chiếc bàn. Hai người nông dân vẫn cứ nghiễm nhiên nhắm rượu, tán chuyện thời tiết bằng tiếng địa phương; còn Ruồi trâu ngáy ầm ầm như một kẻ vô tư lự.
Cuối cùng, tên mật thám chắc mẩm rằng trong quán rượu chẳng có gì đáng để hắn mất thời giờ hơn nữa. Hắn trả tiền, uể oải ra khỏi quán, rồi lắc lư bước trên đường phố.
Ruồi trâu ngẩng đầu lên, ngáp dài, vươn vai và lấy tay áo da dụi mắt.
Anh nói:
- Đóng cái trò này cũng không pahỉ là đễ.
Rồi anh rút trong túi ra con dao nhíp, cắt lấy một chiếc bánh mỳ trên bàn.
- Mi-kê-lê, gần đây họ làm rầy rà các anh lắm phải không?
- Tệ hơn cả muỗi tháng tám. Họ không để cho một phút yên thân. Đi đến đâu cũng thấy mật thám theo sau lưng. Đến cả trên núi cao trước mật thám không dám thò mặt đến nhưng nay chốc chốc lại thấy từng nhóm ba bốn đứa một... Phải không nhỉ Gi-nô?...Chính vì thế nên chúng tôi bố trí để anh gặp Đô-mi-ni-kô trong thành phố.
- Phải, nhưng tại sao lại ở Bơ-ri-xi-ghê-la? Các thành phố biên giới thì bao giờ chằng đầy mật thám?
- Anh không tìm được nơi nào tốt hơn Bơ-ri-xi-ghê-la đâu. Bây giờ khách thập phương trên toàn nước Ý đều đổ xô đến đó cả.
- Nhưng Bơ-ri-xi-ghê-la không phải là chỗ tiện đường cho họ tới.
- Bơ-ri-xi-ghê-la ở cách đường về La mã không xa lắm. Nhiều khách thập phương tạt vào đó để nghe giảng đạo.
- Tôi không hề nghe ai nói ở Bơ-ri-xi-ghê-la có danh...danh lam thắng cảnh gì.
- Có Hồng y giáo chủ chứ? Anh có nhớ ông ta đã tới Phơ-lô-răng-xơ giảng đạo hổi tháng mười năm ngoái không? Chính Hồng y giáo chủ Mông-ta-ne-li đấy. Nghe nói lúc đó ông ta đã làm chấn đông dư luận Phơ-lô-răng-xơ
- Chắc thế. Nhưng tôi đi nghe giảng đạo làm gì.
- Thiên hạ người ta coi Hồng y giáo chủ Mông-ta-ne-li như ông thánh.
- Tại sao ông ta nổi tiếng thế nhỉ?
- Tôi không biết. Có lẽ bởi vì ông ta nhận được bao nhiêu thì đem bố thí cả. Còn riêng bản thân mình ông ta chỉ sống như một linh mục coi xứ, mỗi năm chỉ tiêu pha bốn năm trăm đồng scu-đô thôi.
Người tên là Gi-nô cũng góp chuyện:
- À! Còn hơn thế nữa chứ. Hồng y giáo chủ không chỉ khác mọi người ở chỗ bố thí tiền mà ông ta còn suốt đời chú ý đến người nghèo. Ông ta chăm lo để người ốm được săn sóc chu đáo. Suốt ngày từ sáng đến tối ông ta lắng nghe dân chúng than thở và kêu cầu. Mi-kê-lê, tôi không thích cha cố hơn anh đâu, nhưng ngài Mông-ta-ne-li không giống như các Hồng y giáo chủ khác.
Mi-kê-lê nói:
- Phải, tôi thì cho rằng Mông-ta-ne-li là một người gàn dở chứ không phải là một tay bịp bợm. Nhưng dù sao thiên hạ cũng sùng bái ông ta như điên dại vậy. Gần đây khách thập phương có lệ đi Bơ-ri-xi-ghê-la để được ông ta ban phước lành. Đô-mi-ni-kô định giả trang một người bán hàng rong, mang một giỏ thánh giá và một tràng hạt loại rẻ tiền đến bán. Mọi người đi lễ sẵn sàng mua những của đó để xin Hồng y giáo chủ giơ tay làm phép, rồi mang về đeo cho trẻ con lấy khước.
- Khoan đã,.. Vậy tôi đi bằng cách nào? Giả làm khách thập phương à? Tôi thích bộ quần áo đang mặc trong người lắm, nhưng bộ đồ này tới...Bơ-ri-xi-ghê-la thì không thể được. Vì nếu họ bắt được tôi thì sẽ..sẽ đủ tang chứng để bắt các anh.
- Chẳng đứa nào bắt anh đâu. Chúng tôi đã lo liệu cho anh đủ quần áo, hộ chiếu và mọi thứ cần thiết.
- Bộ quần áo gì thế?
- Anh sẽ hoá trang làm một khách thập phương già từ Tây Ban Nha đến để ăn năn về tội cướp giết người. Năm ngoái lão già này bị ốm dở ở An-cô-na. Một đồng chí của chúng ta thương tình cho lên tàu ở rồi đưa về Vơ-ni-dơ, nơi lão ta có nhiều bạn bè. Lão cho chúng tôi hết mọi giấy tờ để tỏ lòng cảm ơn. Bây giờ giấy tờ ấy hợp với anh lắm.
- Một...một kẻ cướp giết người ăn năn tội lỗi ư? Thế đối với cảnh..cảnh sát thì làm thế nào?
- Về mặt đó cũng ổn cả rồi. Lão già đã mãn hạn tù khổ sai từ mấy năm trước, bây giờ chỉ đi viếng Giê-ru-xa-lem và các đất thánh để cầu cho linh hồn được sạch tội. Lẽ ra lão ta định giết kẻ khác nhưng lại giết lầm phải con mình và đến tự nộp mình cho cảnh sát.
- Lão ta già lắm không?
- Vâng, già lắm. Nhưng không sao, anh cứ đeo tóc và râu giả vào là được. Còn những đặc điểm khác của lão ta thì anh giống như hệt. Lão ta là một lính phục viên chân khập khiễng, mặt cũng có vết sẹo như anh, quốc tịch Tây Ban Nha nếu anh gặp người Tây Ban Nha thì anh cũng có thể nói chuyện được.
- Vậy tôi sẽ gặp Đô-mi-ki-nô ở chỗ nào?
- Chúng tôi sẽ chỉ cho anh một ngã tư đường trên bản đồ. Tới đây anh cứ nhập vào đoàn khách thập phương nói với họ rằng anh bị lạc trong núi. Khi tới thành phố thì anh cứ nhập bọn đi theo tới khu họp chợ trước cửa lâu đài của hồng y giáo chủ.
- Thế nghĩa là mặc..mặc dù ông ta là thánh ông ta vẫn ở trong...trong lâu đài ư?
- Ông ta ở một chái, chỗ còn lại thì làm nhà thương... Anh đợi tới khi Hồng y giáo chủ bước ra ban phép lành cho khách thập phương thì Đô-mi-ni-ki-nô cũng sẽ mang giỏ tới, anh ta hỏi " Thưa bố, bố có phải là khách thập phương không?"
Anh sẽ trả lời " lão là một kẻ không may có tội." Khi anh ta đặt giỏ xuống đất và lấy ống tay áo chùi mặt thì anh ta đưa sáu đồng scu-đô ra mua một tràng hạt.
- Và sẽ bàn ngay với anh ta về địa điểm gặp nhau để nói chuyện à?
- Phải, trong khi mọi người đang dồn mắt cả về phía Hông y giáo chủ thì anh ta sẽ có thừa thời giờ để bảo cho anh biết chỗ gặp. Kế hoạch của chúng tôi như thế đấy, nhưng nếu anh không đồng ý thì chúng tôi có thể báo trước cho Đô-mi-ni-ki-nô biết và đổi kế hoạch khác.
- Không, kế hoạch ấy hay lắm. Nhưng các anh phải làm sao xoay được bộ râu tóc giả cho thật giống thì mới được.
- Thưa bố, bố có phải là khách thập phương không?
Lúc ấy Ruồi trâu đang ngồi trên bậc thềm lâu đài của Hồng y giáo chủ. Anh ngẩng đầu lên với mái tóc bạc bù xù, giả giọng khàn khàn run run và lơ lớ nói lên mật hiệu định trước. Đô-mi-ni-ki-nô trật chiếc dây da ra khỏi vai, đặt giỏ tràng hạt và thánh giá xuống bậc thềm. Đám đông những người nông dân và khách thập phương ngồi kín cả bậc thềm và đứng đầy khu họp chợ không ai để ý cả, nhưng hai người vẫn cứ thận trọng, thỉnh thoảng mới nói một vài câu. Đô-mi-ni-ki-nô nói tiếng địa phương, còn Ruồi trâu thì nói tiếng Ý pha tiếng Tây Ban Nha.
Bỗng những người đứng ở cửa lâu đài kêu lên:
- Đức Hồng y đến! Đức Hồng y đến! Tránh ra cho người đi! Ruồi trâu và Đô-mi-ni-ki-nô đứng dậy.
- Này, bố cầm lấy.
Nói đoạn, Đô-mi-ni-ki-nô giúi vào tay Ruồi trâu một chiếc ảnh thánh nhỏ gói giấy.
- Khi bố tới La mã thì xin bố cầu nguyện cho con.
Ruồi trâu nhét bức ảnh vào ngực và quay lại nhìn Hồng y giáo chủ. Mặc chiếc áo choàng màu tím nhạt, đội mũ đỏ tía, ông ta đứng trên bậc cao nhất để giơ tay ban phước cho mọi người. Mông-ta-ne-li từ từ bước xuống bậc thềm, khách thập phương xúm xít ung quanh để được hôn tay Hồng y giáo chủ. Nhiều người quỳ xuống, ghé môi hôn tà áo.
- Các con, cha cầu cho các con được bằng an!...
Nghe giọng nói trong như bạc ấy, Ruồi trâu bỗng cúi gục đầu làm cho những mớ tóc bạc xoã xuống mặt. Nhìn chiếc gậy run rẩy trong tay Ruồi trâu, Đô-mi-ni-ki-nô tấm tắc khen thầm" Thật là một tay đóng kịch có tài!"
Một người đàn bà đứng gần đó, cúi xuống nhấc đứa con lên khỏi bậc thềm rồi nói:
- Trếch-cô, đến gần đức Hồng y đi con. Người sẽ ban phước lành cho con như của chúa Giê-su ngày xưa đã chúc phước lành cho các trẻ em.
Ruồi trâu tiến lên một bước rồi dừng lại. Cuộc đời sao mà tàn nhẫn quá. Khách thập phương và những người dân miền núi tất cả những người ngoài cuộc ấy có thể tiến lại gần cha và nói chuyện với cha...cha sẽ xoa đầu các em bé..Và có lẽ cha sẽ gọi chú bé nông dân đó là "Carino" như cha đã từng gọi anh hồi nào.
Ruồi trâu lại ngồi thụp xuống bậc thềm và quay mặt đi để tránh nhìn cảnh tượng đó. Nếu có thể chui vào một xó nào, nút tai lại để không nghe thấy gì nữa thì tốt biết bao! Thật là quá sức chịu đựng của con người... Ở gần, gần đến nỗi chỉ việc chìa tay ra là có thể mó vào bàn tay thân yêu đó...
Một giọng dịu dàng cất lên:
- Ông bạn ơi, có vào trong nhà nghỉ một chút không? Ông rét run lập cập rồi.
Trái tim Ruồi trâu như ngừng đập. Trong giây phút ấy, anh không thấy gì cả, chỉ thấy máu trào mạnh mẽ tưởng chừng như xé tan lồng ngực, từng đợt, từng đợt, máu nóng rừng rực chạy khắp toàn thân. Ruồi trâu ngẩng đầu. Và nhìn thấy mặt anh, đôi mắt nghiêm nghị và sâu xa của người đang đứng cúi xuống bên anh bỗng càng trở nên hiền dịu với một niềm trắc ẩn thiêng liêng.
Mông-ta-ne-li nói với đám đông:
- Các con hãy lui ra một chút để cha nói chuyện với ông cụ này.
Khách thập phương xì xào, từ từ lui ra. Còn Ruồi trâu thì ngồi im, môi mím chặt, mắt nhìn thẳng xuống đất. Anh cảm thấy tay Mông-ta-ne-li nhẹ nhàng đặt lên vai mình.
- Ông bạn có gì đau khổ lắm phải không? Tôi có thể giúp ông một phần nào được chăng?
Ruồi trâu lắc đầu im lặng.
- Ông là khách thập phương à?
- Tôi là kẻ không may có tội.
Câu hỏi của Mông-ta-ne-li ngẫu nhiên trùng với mật hiệu làm cho Ruồi trâu dường như sắp chết đuối vớ được cọc. Anh trả như một cái máy. Tay Mông-ta-ne-li dịu dàng đặt lên vai anh làm cho anh cảm thấy da thịt nóng bỏng lên, toàn thân anh run lẩy bẩy.
Hồng y giáo chủ lại càng cúi sát xuống mặt anh:
- Có lẽ ông bạn muốn nói chuyện riêng với tôi chăng? Nếu tôi có thể giúp ông bạn được phần nào.
Lần đầu tiên Ruồi trâu vững vàng nhìn thẳng vào mắt Mông-ta-ne-li. Bình tĩnh trở lại, anh nói:
- Không, không ai có thể giúp tôi được cả.
Một viên cảnh sát lách vào.
- Xin đức Hồng y tha tội để cho con được nói vài lời. Lão già này điên đấy. Lão ta lành lấm và có đủ giấy tờ nên chúng con vẫn để cho lão yên thân. Lão ta phạm tội nặng bị khổ sai. Bây giờ lão ta đang ăn năn để chuộc tội.
Ruồi trâu chậm chạp gạy đầu nhắc lại:
- Phạm tội nặng lắm.
Mông-ta-ne-li nói:
- Cám ơn đại uý. Xin đại uý lui ra xa một chút... Ông bạn của tôi ơi, người nào đã biết thật bụng ăn năn thì tôi đều có thể giúp được. Chiều nay ông bạn đến chỗ tôi nói chuyện có được không?
- Đức cha liệu có thể tiếp chuyện một người phạm tội giết con đẻ của mình không?
Câu hỏi có vẻ khiêu khích đó làm cho Mông-ta-ne-li giật mình, rúm người lại như bị một cơn gió lạnh.
Ông ta trịnh trọng trả lời:
- Dù cho ông bạn đã phạm tội gì, Đức chúa lời cũng không cho phép tôi buộc tội ông. Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là kẻ có tội và lòng chính trực của chúng ta cũng chỉ là một giẻ rách bẩn thỉu mà thôi. Nếu ông bạn đến cùng tôi thì tôi sẽ chịu lấy ông bạn như tôi hiện đang cầu nguyện Đức chúa lời chịu lấy tôi trong ngày ra khỏi thế gian.
Với một cử chỉ tha thiết đột nhiên, Ruồi trâu giơ hai tay ra phía trước nói:
- Đức Hồng y hãy nghe tôi! Và bà con bổn đạo cũng hãy nghe tôi! Nếu một kẻ đã giết chính đứa con đẻ duy nhất của mình, nếu một kẻ đã dùng sự gian dối mà lừa gạt để đưa con mình vào cạm bẫy thì liệu kẻ đó có hy vọng gì sống ở trên trái đất hoặc nơi thiên đàng được chăng? Tôi đã nhận tội với Đức chúa lời và người thế gian. Tôi đã từng chịu phạt của người đời và người đời đã để cho tôi được yên lành. Nhưng đến bao giờ Chúa mới phán truyền cho tôi rằng như thế đã đủ rồi? Ai có thể làm phúc cho tôi để linh hồn tôi khỏi bị Chúa nguyền rủa? Ơn tha thứ nào rửa sạch được tội lỗi của tôi?
Một phút im lặng chết chóc nặng nề trôi qua. Mọi người nhìn Mông-ta-ne-li và thấy cây thánh giá phập phồng trên ngực ông ta. Cuối cùng Mông-ta-ne-li ngước mắt nhìn lên, tay run rẩy làm phép cho mọi người.
- Đức Chúa lời lòng lành vô cùng! Ông bạn hãy đặt gánh nặng linh hồn của mình trước bàn thờ Chúa vì có lời Kinh thánh rằng:"Không nên chối bỏ một linh hồn sa ngã đã biết ăn năn tội lỗi".
Hồng y giáo chủ quay đi và bước dọc theo sân chợ. Cứ đi một lúc ông ta lại dừng lại nói chuyện với dân chúng hoặc bế trẻ em lên tay.
Ngay chiều hôm đó, theo đúng lời chỉ dẫn ghi trong giấy gói ảnh. Ruồi trâu đến nơi gặp gỡ đã định. Đó là nhà một người y sĩ địa phương, Đảng viên tích cực của nhóm "Thắt lưng đỏ". Số lớn những người công tác bí mật đều đã tập hợp đông đủ. Khi Ruồi trâu tới, mọi người hân hoan đón chào anh làm cho anh càng thấy rõ uy tín của mình như một lãnh tụ.
Người y sĩ nói:
- Chúng tôi rất vui mừng lại được gặp anh. Nhưng khi nào anh rời khỏi chốn này thì chúng tôi lại càng vui hơn vì việc anh tới đây thật là mạo hiểm hết sức. Tôi phản đối kế hoạch đó. Anh có dám chắc sáng nay anh chưa bị lọt vào mắt một con chuột cảnh sát nào ở chợ không?
- Tất nhiên họ trông... trông thấy, nhưng họ không nhận ra. Đô-mi-ni-ki-nô bố trí mọi việc rất... rất tài tình. Anh ấy đâu? Sao không thấy anh ấy ở đây?
- Anh ấy sắp đến bây giờ. Thế nghĩa là trôi chảy cả chứ? Hồng y giáo chủ ban phép lành cho anh chưa?
Tiếng Đô-mi-ni-ki-nô bỗng vang lên ngoài cửa:
- Ban phép lành à? Cái đó có nghĩa lí gì đâu! Ri-va-ret, anh thật nhiều phép lạ hơn cả mình Thánh trong lễ Nôen. Anh còn có tài gì nữa không?
Ruồi trâu uể oải hỏi:
- Thế nghĩa là thế nào?
Ruồi trâu ngả mình trên đi văng hút xì gà. Anh còn bận đồ khách thập phương, nhưng bộ râu giả đã bỏ sang bên cạnh.
- Tôi không ngờ anh lại là một kịch sĩ có tài như vậy. Trong đời tôi chưa hề thấy ai đóng kịch giỏi đến thế! Anh làm cho ngài Hồng y cảm động đến rớt nước mắt.
- RI-va-rét, chuyện thế nào, anh kể cho chúng tôi nghe với!
Ruồi trâu nhún vai. Tối hôm ấy anh rất ít nói. Mọi người thấy hỏi mãi cũng nhàm bèn quay sang bắt chuyện với Đô-mi-ni-ki-nô. Khi nghe Đô-mi-ni-ki-nô kể lại quang cảnh ban sáng trên sân chợ thì một công nhân trẻ tuổi không hoà theo tiếng cười chung. Anh nói:
- Anh đóng khéo thật đấy, nhưng làm như thế có lợi ích gì không?
Ruồi trâu trả lời:
- Có lợi nhiều chứ. Bây giờ thì tôi có thể đi lại tự do, muốn làm gì tuỳ ý và không bị kẻ nào ngờ vực cả, dù một nam phụ não ấu nào. Ngày mai khắp thành phố sẽ biết câu chuyện xảy ra hôm nay. Và mỗi khi gặp tôi mật thám sẽ nghĩ rằng: "À, đấy là lão già điên ĐI-ê-gô đã ăn năn tội lỗi ở sân chợ hôm nào!" Như thế có lợi lắm chứ!
- Tất nhiên là như thế. Nhưng dù sao làm khác một chút thì cũng vẫn hơn. Không cần lừa dối Hồng y giáo chủ. Ông ta là người tốt chơi khăm ông ta làm gì.
Ruồi trâu uể oải tán thành:
- Tôi cũng nghĩ ông ta là người đứng đắn
Đô-mi-ni-ki-nô nói:
- Xan-đơ-rô, cậu nói vớ vẩn lắm! Ở đây chúng ta chẳng có ai cần đền Hồng y giáo chủ làm gì. Nếu Mông-ta-ne-li nhậm một chức tại La mã như người ta từng đề nghị với ngài thì đố Ri-va-ret lừa được ngài.
- Ông ta không nhậm chức như thế chỉ là vì ông ta không muốn bỏ công việc ở đay.
- Cũng có thể là tại ông ta không muốn bị tay sai của Lan-bơ-ru-tri-ni đầu độc. Bọn chúng phản đối ông ta về một số vấn đề, điều đó rõ như ban ngày. Nếu một Hồng y giáo chủ, nhất là một tay có uy tính như Mông-ta-ne-li lại cứ thích ở nơi khỉ ho cò gáy thì có ngày chúng ta cũng có thể đoán biết tại sao chứ, phải không Ri-va-ret?
Ruồi trâu phà ra những cuộn khói tròn. Anh ngẩng đầu nhìn theo nhưng cuộn khói đó và nói:
- Có lẽ tại trái tim ông ta đã bị tan vỡ mà ông ta đang ăn năn tội lỗi đấy. Thôi, ta bàn việc đi!
Những người tham dự cuộc họp bắt đầu thảo luận tỉ mỉ các kế hoạch chuyên chở và cất giấu vũ khí. Ruồi trâu chăm chú nghe. Trong khi mọi người tranh luận nếu có những tin không chính xác hoặc những phương án đề ra có chỗ nào hớ hênh thì anh lại đưa ra những nhận xét sắc bén. Khi mọi người phát biểu ý kiến xong Ruồi trâu liền đưa ra một số đề nghị cụ thể. Phần lớn đề nghị ấy được thông qua không cần tranh cãi. Thế là buổi họp kết thúc. Hội nghị quyết định chừng nào Ruồi trâu chưa yên ổn về tới Tô-scan thì tránh họp ban đêm để cảnh sát khỏi chú ý.
Chưng hơn mười giờ, mọi người giải tán. Chỉ còn một tiểu ban ba người gồm người y sĩ, Ruồi trâu và Đô-mi-ni-ki-nô ở lại để bàn nốt một vài vấn đề đặc biệt.
Một cuộc tranh luận sôi nổi lại kéo dài. Cuối cùng Đô-mi-ni-ki-nô nhìn đồng hồ nói:
- Mười một giờ rưỡi rồi. Giải tán đi thôi, kẻo lại vấp phải lính tuần tra ban đêm.
- Mấy giờ đội tuần tra đi tua?
- Độ mười hai giờ. Tôi định về tới nhà trước khi lính tuần tra đến. Thôi, chào Giooc đa-ni nhé!...
Có về cùng không, Ri-va-ret?
- Không, đi từng người một an toàn hơn. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu?
- Ở Bô-lô-ne-dơ, tôi cũng chưa biết đến đó nên trá hình thế nào. Nhưng mật hiệu anh đã rõ rồi. Sáng mai anh đi à?
Ruồi trâu ra trước gương đeo râu tóc giả.
- Sáng mai tôi sẽ nhập vào đám khách thập phương. Đến ngày kia, tôi sẽ giả ốm nằm trong lều người chăn cừu. Ở đó tôi vượt thẳng qua núi và sẽ đến Bô-lô-ne-dơ trước anh. Chào anh!
Khi Ruồi trâu bước tới cửa vựa thóc thì đồng hồ gác chuông nhà thờ điểm mười hai tiếng. Vựa thóc bỏ không này nay đã trở thành nơi ngủ trọ của khách thập phương. Những thân hình kỳ dị nằm ngổn ngang khắp sàn nhà, tiếng ngáy vang lên tứ phía. Không khí ở đây hết sức ngột ngạt, nặng nề. Ruồi trâu giật mình ghê rợn, lùi lại. Nằm đây thì không tài nào ngủ được! Tốt nhất là đi lang thang vài giờ rồi sẽ sà vào một mái lều hoặc một đống cỏ khô nào sạch sẽ và yên tĩnh hơn.
Đêm hôm ấy trời thật là đẹp, trăng tròn, toả ánh sáng rực rỡ trên bầu trời tím sẫm. Ruồi trâu đi lang thang qua các phố, và cay đắng nhớ lại cảnh ban sáng. Bây giờ anh thấy hơi tiếc tại sao đồng ý gặp Đô-mi-ni-ki-nô ở Bơ-ri-xi-ghê-la. Nếu nói ngay từ đầu rằng chỗ đó là nguy hiểm và chọn chỗ khác thì cả anh lẫn Mông-ta-ne-li đều thoát khỏi trò hề ghê tởm và kỳ cục ấy.
"Cha" khác trước nhiều quá! Nhưng giọng nói vẫn như xưa, như hồi cha gọi mình là "Carino"...
Bỗng một chiếc đèn ló của lính tuần tra hiện ra đầu phố trước mặt. Ruồi trâu rẽ vào một ngõ hẻm ngoắt ngoéo. Đi được mấy bước thì tới sân nhà thờ, mé bên trái lâu đài giám mục. Ánh trăng tràn ngập trên sân nhà thờ trống trải. Ruồi trâu nhận thấy cửa ngách nhà thờ còn hé mở. CHắc người coi nhà thờ quên không đóng cửa. Đêm khuya thế này còn có ai vào đây làm gì nữa! Bây giờ vào đó mà lăn kềnh trên ghế có lẽ tốt hơn là trở về vựa thóc ngột ngạt ấy. Đến sáng thì sẽ chuồn ra khỏi nhà thờ trước khi người coi nhà thờ tới. Và dù có bắt gặp anh chắc ông ta cũng chỉ nghĩ rằng lão già Đi-ê-gô điên rồ lại cầu nguyện ở xó xỉnh nào trong nhà thờ và đã bị nhốt suốt đêm qua.
Ruồi trâu đứng trước cửa nghe ngóng giây lát rồi khập khiễng rón rén bước vào, cố gắng hết sức yên lặng. Ánh trăng tràn vào cửa sổ, in thành vệt rộng trên sàn đá hoa. Nhất là ngôi điện thờ phía trong nhà thờ thì còn rõ lắm, rõ như ban ngày. Dưới bàn thờ, Hồng y giáo chủ Mông-ta-ne-li đang quỳ gối một mình, đầu trần, chắp tay cầu khấn.
Ruồi trâu lần vào bóng tối. Có nên rời ngay khỏi chốn này khi Mông-ta-ne-li chưa kịp trông thấy không? Làm như thế là sáng suốt nhất và có lẽ nhân đạo nhất đấy.
Nhưng nếu bước lại gần một chút thôi thì cũng đã sao đâu? Lại gần một chút và nhìn mặt cha một lần nữa; bây giờ chung quanh có ai khác đâu mà phải giở trò đóng kịch xấu xa như ban sáng nữa. Có lẽ đây là dịp cuối cùng. Cũng không cần để cha nhìn thấy anh. Bước lại gần nào có ai hay, nhìn cha một lần này nữa thôi rồi ta trở về với công việc.
Nép mình trong bóng tối sau hàng cột, Ruồi trâu nhẹ nhàng bước tới chấn song nhà thờ. Anh ngừng lại giây lát bên cửa ngách, cách bàn thờ không xa. Bóng tối từ trên ghế Hồng y giáo chủ toả xuống quá rộng, trùm khắp người anh. Ruồi trâu ngồi trong bóng tối, nín thở:
- Con ơi, Lạy Chúa! Khốn khổ cho con tôi!
Trong tiếng thì thầm dứt đoạn ấy chứa biết bao nhiêu là tuyệt vọng làm cho Ruồi trâu bất giác rùng mình. Tiếp theo là tiếng nức nở âm thầm não ruột, không nước mắt. Mông-ta-ne-li bóp chặt hai tay, như một người thể chất quá đau đớn.
Ruồi trâu không ngờ cha đau khổ đến thế. Nhiều lần anh tự tin một cách cay đắng mà nhủ mình rằng "Cần gì phải lo chuyện đó! Vết thương của ông ta đã lành từ lâu rồi!". Và giờ đây sau bao năm trường, vết thương ấy vẫn còn sờ sờ ra đó và nó vẫn đang rỉ máu. Chữa vết thương ấy bây giờ dễ biết chừng nào! Chỉ cần giơ tay lên, bước lại gần mà nói" Thưa cha, con đây!"
Nhưng Giê-ma còn cả một mớ tóc bạc. Trời, ước gì anh có thể tha thứ được! Ước gì anh có thể xoá nhoà tất cả dĩ vãng, lãng quên hết người thuỷ thủ say khướt, cái đồn điền mía và gánh xiếc rong kia! Đau khổ nào sánh được đau khổ này! Muốn tha thứ đấy, cố tha thứ đấy, nhưng lại biết rằng tha thứ cũng chẳng ích gì, anh không dám và không thể nào tha thứ được.
Cuối cùng, Mông-ta-ne-li đứng dậy, làm dấu thánh giá và bước ra khỏi bàn thờ. Ruồi trâu nép hẳn vào bóng tối, sợ rằng Hồng y giáo chủ sẽ trông thấy mình nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Bỗng anh nhẹ nhàng thở hắt ra: Mông-ta-ne-li chỉ đi sát ngay bên cạnh, tà áo tím chạm vào má anh nhưng Mông-ta-ne-li không hề trong thấy anh.
Không trông thấy...Ồ, tại sao thế! Tại sao thế! Đó là cơ hội cuối cùng, là khoảnh khắc quý giá mà sao ta không biết nắm lấy. Ruồi trâu nhỏm dậy, tiến lên, bước ra chỗ sáng:
- Cha!
Tiếng nói của chính mình vang lên rồi lắng dần dưới những vòm nhà thờ cao vút làm cho Ruồi trâu kinh hoàng vô hạn.
Anh lùi lại vào bóng tối. Mông-ta-ne-li dừng bước bên cột, đứng im nghe ngóng, trố mắt nhìn khủng khiếp và ghê rợn. Im lặng kéo dài đến nỗi Ruồi trâu không thể lường được: có lẽ chỉ trong nháy mắt thôi mà sao dài vô tận. Nhưng rồi anh bừng tỉnh lại. Mông-ta-ne-li loạng choạng như muốn ngã, đôi môi chỉ run lên mấp máy.
Cuối cùng một tiếng thều thào bật ra:
- Ác-tơ... phải, nước sâu lắm...
Ruồi trâu tiến lên:
- Đức Hồng y tha lỗi, con tưởng là một vị giáo sĩ ở nhà thờ này.
- À, ông khách thập phương đấy phải không?
Mông-ta-ne-li đã trấn tĩnh. Nhưng nhìn thấy ánh sáng ngọc xanh vẫn không ngừng lóng lánh trên tay. Ruồi trâu biết rằng ông ta vẫn còn run.
- Cần gì đây, ông bạn? Đêm khuya rồi, nhà thờ đã đóng cửa từ lâu.
- Đức Hồng y lượng thứ cho. Cửa còn mở nên con định vào nguyện ngắm. Thấy Người đang cầm trí nguyện con tưởng là một vị giáo sĩ nào và định xin Người làm phép ảnh này cho.
Ruồi trâu giơ chiếc thánh giá bằng thiếc nhỏ xíu mà sáng nay Đô-mi-ni-ki-nô đã bán cho anh. Mông-ta-ne-li cầm lấy, bước vào đặt lên bàn thờ trong chốc lát.
Ông nói:
- Hỡi con, con hãy nhận lấy và nguyện cầu cho linh hồn con được yên lành, vì Chúa chúng ta nhân từ và lòng lành vô cùng. Con hãy dến La mã, xin Đức Thánh cha là sứ thần của Đức Chúa ban phước lành tha vạ cho con. Nguyện cho con được bằng an.
Ruồi trâu cúi đầu nhận lễ, rồi từ từ bước ra. Mông-ta-ne-li đứng cạnh bàn thờ, một tay nắm lấy chấn song nói theo:
- Khoan hãy đi. Khi nào ông bạn chịu Mình Thánh ở La mã thì xin ông bạn hay nguyện cầu cho một trái tim đầy đau thương, một linh hồn nặng chĩu cánh tay của Chúa.
Tiếng nói chứa đầy nước mắt của Hồng y giáo chủ làm cho ý chí quyết tâm của Ruồi trâu có phần xao xuyến. Chỉ suýt nữa thì anh đã tự phản bội mình. Nhưng hình ảnh đám xiếc rong lại hiện ra trong trí anh.
- Con là ai? Là một thằng hủi, là một kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Liệu Chúa có nghe lời nguyện xin của một kẻ như thế hay không? Nếu con làm được như đức cha, nếu con có thể hiến dâng cho bàn thờ Chúa một cuộc sống thiêng liêng, một linh hồn trong trắng không gợn chút nhơ nhuốc thầm kín...
Mông-ta-ne-li bỗng ngắt lời:
- Cha chỉ có thể hiến dâng trước bàn thờ Chúa trái tim tan nát này mà thôi.
Vài ngày sau Ruồi trâu lên xe ngựa từ Pis-tôi-a trở về Phơ-lo-răng-xơ. Trước hết anh đi thẳng tới nhà Giê-ma, nhưng không găp. Anh viết giấy để lại hẹn sáng hôm sau sẽ đến và trở về thầm mong Di-ta sẽ không đường đột xông vào phòng làm việc của mình như lần trước. Nếu tối nay anh lại phải nghe một lô những lời trách móc ghen tuông của nàng thì nó sẽ tác động tới thần kinh của anh như tiếng rũa răng ken két của bác sĩ nha khoa vậy.
Người con gái ra mở cửa.
- Chào Bi-an-ca. Hôm nay bà Rê-mi có đến không?
Bi-an-ca trố mắt nhìn anh:
- Bà Rê-mi? Bà ấy về rồi hả ông?
Ruồi trâu cau mày dừng bước trước ngưỡng cửa.
- Chị nói thế nghĩa làm sao?
- Khi ông đi thì bà ấy lập tức đi theo ngay. Không đem theo đồ đạc gì. Bà ấy cũng không hề báo cho biết là đi đâu.
- Đi theo tôi? Cách đây hai tuần à?
- Thưa ông, vâng. Bà ấy bỏ bữa bãi tất cả đồ đạc rồi đi ngay hôm đó. Bà con láng giềng bàn tán rất nhiều về chuyện này.
Ruồi trâu quay đi không nói một lời. Anh vội đảo qua một ngõ hẻm rồi bước nhanh tới nhà Di-ta. Trong phòng, mọi vật đều như cũ. Các quà tặng của anh vẫn ở nguyên các chỗ cũ. Không một bức thư, không một mẩu giấy nhỏ nào của Di-ta.
Bi-an-ca thò đầu vào cửa nói:
- Thưa ông, có một bà cụ đến.
Ruồi trâu quay phắt lại:
- Chị muốn gì? Tại sao chị cứ bám sát tôi như thế?
- Có một bà cụ muốn gặp ông.
- Bà ta cần hỏi gì? Chị nói tôi không...không thể tiếp bà ấy được bây giờ. Tôi bận.
- Dạ thưa ông, từ khi ông đi hầu như chiều nào bà cụ cũng đến và cứ hỏi bao giờ ông về.
- Chị ra hỏi xem bà ta muốn gì... Thôi được, để tôi ra vậy.
Bà cụ đang ngồi ở phòng khách, ăn mặc rất tiều tuỵ mặt ngăm đen và răn rúm như chiếc bị, đầu quấn một chiếc khăn sặc sỡ. Bà đứng dậy tiến về phía anh chăm chú nhìn anh từ đầu đến chân với đôi mắt đen nhánh rồi nói:
- Vậy té ra ông là cái ông khập khiễng ấy à? Di-ta Rê-ni nhờ tôi báo tin cho ông.
Ruồi trâu mời bà cụ vào phòng làm việc rồi bước theo sau, đóng cửa lại để Bi-an-ca khỏi nghe chuyện:
- Mời cụ ngồi. Cụ là..là ai?
- Tôi là ai điều đó không quan hệ gì tới ông, tôi đến để nói cho ông biết Di-ta Rê-ni đã bỏ ông để đi với con trai tôi rồi.
- ĐI với con...con trai cụ à?
- Thưa ông, vâng! Ông đã vớ được người yêu như cô ta mà không biết đường giữ, để người khác cướp mất thì đó là lỗi ở ông không thể trách ai khác được. Trong mạch máu con tôi là máu chứ không phải sữa loãng. Nó là người Rô-ma (người tsi-gan tự tôn mình là dòng dõi dân tộc Rô-ma).
- À, té ra bà cụ là người tsi-gan! Thế nghĩa là Di-ta đã trở về với bà con dòng giống của mình rồi?
Bà cụ nhìn anh, vừa ngạc nhiên vừa khinh bỉ: Những người thiên chúa giáo này lạ thật, đàn ông gì mà người ta mắng cũng không biết đường giận!
- Ông là cái thá gì mà cô ta cứ phải bám lấy ông? Con gái chúng tôi có đứa hiếu kỳ, có đứa vì tiền tài phải tìm đến hạng người như ông. Nhưng máu mủ Rô-ma bao giờ chẳng trở về với dòng giống Rô-ma.
Ruồi trâu vẫn giữ nét mặt lạnh lùng và bình tĩnh:
- Cô ta đi với cả đoàn hay là chỉ đi với con cụ thôi?
Bà già cười rộ:
- Ông lại định đuổi theo lôi cô ta về chăng? Không kịp đâu, ông ạ! Ông phải tính cho sớm chứ!
- Không, tôi chỉ muốn biết đầu đuôi câu chuyện nếu cụ không muốn nói thì thôi.
Bà cụ nhún vai. Một người nhu nhược đến thế thì còn hoài hơi mắng mỏ làm gì nữa!
- Vâng, thì đầu đuôi như thế này: Ngay hôm ông bỏ Di-ta ra đi thì cô ta gặp con tôi ngoài phố. Di-ta nói chuyện với con tôi bằng tiếng Rô-ma. Mặc dù cô ấy ăn mặc bảnh bao nhưng con tôi cũng nhận ngay ra là người đồng tộc. Di-ta đẹp, nó liền yêu ngay, yêu mê mệt như mọi người đàn ông khác của chúng tôi. Rồi nó đưa Di-ta về nhập bọn. Con bé khốn khổ ấy kể cho chúng tôi nghe mọi nỗi niềm tâm sự. Cô ta khóc nức nở làm cho chúng tôi cứ trông thấy là tan nát cả cõi lòng. Chúng tôi hết sức dỗ dành. Rồi cô ta bỏ hết quần áo diêm dúa, mặc quần áo tsi-gan và thuận lấy con tôi làm chồng. Con tôi nó chẳng bao giờ nói " Tôi không yêu cô" với lại "tôi bận, tôi có việc đâu ". Con gái hơ hớ như thế ở một mình sao được. Còn ông, ông mà cũng là đàn ông à! Con gái xinh như thế, ôm lấy ông mà ông cũng chẳng biết đường hôn...
Ruồi trâu ngắt lời:
- À hình như cụ bảo Di-ta có nhắn tôi điều gì...
- Có, tôi nán lại đi sau chính là để chuyển lời của cô ta cho ông hay. Di-ta nhờ tôi nói rằng cô ta chán ngấy những kẻ tán nhăng tán cuội những kẻ trong mạch máu chẳng có máu mà chỉ có nước lã như các ông rồi. Cô ta trở về với dân tộc mình trở về để sống tự do. Di-ta nói "Tôi là một người đàn bà. Tôi yêu Rivarét nhưng không thể ở lại làm vợ lẽ ông ta được." Di-ta bỏ ông là phải. Con gái Rô-ma bán sắc đẹp lấy chút tiền điều đó chẳng có gì xấu cả. Nếu không thì sắc đẹp nó để làm gì?Nhưng dù sao con gái Rô-ma cũng chẳng thể nào yêu được dòng giống các ông đâu.
Ruồi trâu đứng dậy:
- Hết rồi chứ? Vậy thì nhờ cụ nói dùm cô ấy biết cô ấy làm như thế là đúng và tôi xin chúc Di-ta hạnh phúc. Tôi không có gì để nói nữa. Xin chào cụ!
Đợi bà cụ ra, đóng xong cửa vườn, Ruồi trâu mới vào ngồi xuống ghế bành, bưng lấy mặt.
Lại một cái tát nữa! Lẽ nào người ta không để lại cho anh một chút tự hào, tự trọng mà anh vẫn hằng có trong những ngày oanh liệt xưa kia! Bao nhiêu đau khổ mà một con người có thể chịu đựng thì anh đã chịu cả rồi. Ngay cả trái tim anh cũng đã bị dấn chìm trong bùn và bị giày xéo dưới chân mọi khách qua đường. Tâm hồn anh không còn chỗ nào là không bị đốt cháy thui bởi sự khinh rẻ của người này hoặc sự nhạo báng của người khác. Và giờ đây đến cả cô gái tsi-gan mà anh nhặt được lề đường cũng lại cầm roi quất vào mặt anh!
Tiếng rền rĩ của con chó Sai tan vang lên ngoài phòng, Ruồi trâu đứng dậy mở cửa. Sai-tan nhảy xổ vào lòng chủ vui sướng sủa ầm lên như mọi khi. Nhưng nó hiểu ngay là hôm nay chủ nó không vui nó dúi mõm vào bàn tay không động đậy của Ruồi trâu và nằm phục dưới chân anh.
Một giờ sau, Giê-ma tới thăm Ruồi trâu. Chị gõ cửa nhưng không có tiếng ai thưa. Bi-an-ca nghe chừng ông chủ không muốn ăn cơm, đã lỉnh dang chơi bên nhà bếp bên hàng xóm rồi. Cửa chưa đóng và đèn vẫn chưa tắt ở hành lang. Giê-ma dừng lại vài phút rồi cả quyết bước vào. Chị cần bàn với Ruồi trâu về tin quan trọng mà Bây-li vừa gửi tới.
Giê-ma gõ cửa phòng làm việc và nghe tiếng Ruồi trâu nói:
- Bi-an-ca, chị có thể đi ra. Tôi không cần gì cả.
Giê-ma nhẹ nhàng hé cửa. Trong phòng tối như bưng, nhưng ngọn đèn ở lối đi đã dọi một vệt sáng vào Ruồi trâu. Anh đang ngồi một mình, đầu cúi gục, con chó cuộn ngủ dưới chân.
Giê-ma lên tiếng:
- Tôi đây mà.
Ruồi trâu nhỏm dậy:
- Giê-ma, Giê-ma! Tôi đang mong chờ Giê-ma!
Giê-ma chưa kịp nói gì thì Ruồi trâu đã quỳ xuống và gục đầu vào lòng chị. Toàn thân anh run lên, trông đáng thương hơn cả nước mắt...
Giê-ma đứng lặng. Chị không thể nào giúp đỡ Ruồi trâu được gì cả, không giúp được một chút nào! Cái đó mới thật là đau xót hơn cả! Chị phải đứng bên cạnh Ruồi trâu, bó tay nhìn vẻ mặt đau khổ của anh... Chị có thể vui lòng chết đi để chia sẻ nỗi đau khổ của Ruồi trâu! Ồ, nếu có thể cúi xuống, ghì chặt Ruồi trâu vào lòng, lấy thân mình che chở cho Ruồi trâu khỏi mọi tai ương đang đe doạ anh! Lúc ấy anh sẽ lại là Ac-tơ của chị như cũ và trong lòng chị mặt trời sẽ lại sáng bừng lên, xua tan hết bóng đêm dày đặc.
Không, không! Có lẽ nào anh ấy lại quên đi như thế được? Chính chị, chính bàn tay phải của chị đã đẩy anh xuống địa ngục rồi kia mà!
Và Giê-ma đã để cho khoảnh khắc ấy trôi qu. Ruồi trâu vụt đứng dậy ngồi vào bàn, tay bưng lấy mặt, răng cắn chặt như muốn nghiến đứt môi.
Rồi anh ngẩng đầu, giọng nói đã bình tĩnh trở lại:
- Giê-ma tha lỗi, có lẽ tôi đã làm cho Giê-ma phải sửng sốt.
Giê-ma chìa hai tay cho anh:
- Anh thân yêu, chẳng lẽ tình bạn hiện nay của chúng ta không làm cho anh tin Giê-ma được hay sao? Cứ nói đi anh vì sao anh đau khổ?
- Đó chỉ là nỗi khổ của riêng tôi, nói ra khiến Giê-ma phải lo lắng mà làm gì.
Hai tay Giê-ma nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của Ruồi trâu.
- Anh hãy nghe Giê-ma. Giê-ma không muốn can thiệp vào chuyện mà Giê-ma không có quyền can thiệp. Nhưng anh đã tự ý thổ lộ nỗi lòng với Giê-ma. Vậy còn chút gì chưa nói hết thì xin anh cứ nói ra, tin cậy Giê-ma như một người em gái! Anh cứ giữ lấy bức màn che trên mặt nếu nó sẽ làm anh dễ chịu hơn, nhưng xin anh hãy bỏ bức màn trong tâm hồn và hãy thương lấy bản thân!
Ruồi trâu càng cúi gục đầu. Anh nói:
- Mong Giê-ma hãy vì tôi mà hết sức nhẫn nại. Sợ rằng tôi chỉ là một người anh không xứng đáng. Nhưng nếu Giê-ma hiểu cho... Mấy ngày qua tôi suýt nữa mất lý trí. Tôi có cảm tưởng sống lại quãng đời ở Nam Mỹ. Ma quỷ như đã nhập vào người tôi và...
Ruồi trâu ngừng lại giữa chừng câu nói:
Giê-ma thủ thỉ:
- Mong anh có thể san sẻ bớt phần đau khổ cho em...
Ruồi trâu gục đầu vào cánh tay Giê-ma " bàn tay của Chúa thật nặng nề!".
Ruồi Trâu Ruồi Trâu - Ethel Lilian Voynich Ruồi Trâu